CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – CHỨNG NHÂN VỀ ĐẤNG PHỤC SINH

0
603

Lm. Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD

Cv 3, 13-15,17-19; 1Ga 2, 1-54; Lc 24, 35-48

CHỨNG NHÂN VỀ ĐẤNG PHỤC SINH

Ngay từ ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã trở về với sự sống vinh quang của Người. Tuy thế, Người còn muốn nhiều lần gặp gỡ các môn đệ, đó là để giúp họ hiểu rằng: Người đã Phục Sinh từ trong cõi chết và nay Người vĩnh viễn bước vào “cuộc sống viên mãn”. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, thánh Luca đã thuật lại một trong những cuộc gặp gỡ này, và đây là lần thứ ba Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ và ban bình an cho các ông. Với sự bình an này, Chúa muốn các tông đồ hãy xác tín về sự Phục Sinh của Người, và hãy vui mừng làm chứng nhân cho Đấng phục sinh.

Đức Kitô trao ban bình an và củng cố lòng tin của các môn đệ

“Bình an cho anh em!” (c.36b)

Lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh gửi tới các môn đệ là lời: “Bình an cho anh em!” Đọc những trình thuật Phục Sinh trong bốn cuốn sách Tin Mừng, chúng ta nhận thấy các tác giả đều nhắc lại lời chào của Đức Giêsu khi hiện ra đối với các môn đệ: “Bình an cho anh em”. Chúng ta có thể thắc mắc tại sao Đức Giêsu chúc bình an cho các ông nhiều như vậy. Hẳn nhiên, đây là giai đoạn các môn đệ đang trải qua cơn khủng hoảng và đầy sợ hãi sau thảm cảnh thập giá. Vì thế, lúc này là lúc các ông rất cần có bình an, không chỉ là bình an thuộc diện thể lý, nhưng quan trọng hơn đó là bình an trong sâu thẳm nội tâm. Sự bình an này chỉ có thể có khi được chính Đấng Bình An ban cho, còn mọi sự bình an khác chỉ là giả tạo. Bình An của Chúa không giống với bình an của thế gian. Đó là chính sự hiện diện của Chúa trong thâm sâu tâm hồn người môn đệ, bình an ngay cả khi đang sống trong nỗi sợ hãi và hoang mang.

“Sao lòng anh em còn ngờ vực” (c.38b)

Để trấn an và xóa tan sự hoài nghi nơi các môn đệ, Ngài cho các ông xem thấy những vết thương ở chân và tay, Ngài ăn miếng cá nướng trước mặt các ông. Ngài cho thấy thân xác ấy không phải là của một hồn ma, nhưng là thân xác vinh hiển của Đấng Phục Sinh. Thân xác Phục Sinh ấy vẫn còn mang những vết thương ở tay, chân và cạnh sườn, chứng tích của tình yêu thương mà Ngài đã trải qua. Thánh sử Luca không chỉ nhắm đến chứng minh việc Chúa sống lại bằng những dấu hiệu vật chất bên ngoài mà ngài muốn đi sâu hơn vào Kinh Thánh. Việc Chúa sống lại đã được báo trước bằng cả chiều dài của lịch sử của dân Do Thái, từ ông Môsê qua các tiên tri và cả Thánh Vịnh. Ngày hôm qua, khi đồng hành với hai môn đệ trên đường về Emmau, Ngài cũng mở trí các ông bằng Kinh Thánh, hôm nay, Ngài cũng làm như thế. Như vậy, cuộc Thương khó mà Chúa Giêsu mới trải qua đã ứng nghiệm các lời Kinh thánh viết về Ngài. Đó không phải là sự thất bại, mà là chiến thắng, là vinh quang mà các môn đệ cần phải xác tín một cách chắc chắn về thầy Giêsu.

Đức Kitô giao phó cho các môn đệ sứ mạng loan báo Tin Mừng

“Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối…” (c.47)

Chính Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, đã trao phó cho các môn đệ công việc loan báo này, tức làm chứng về Người cho muôn dân, kêu gọi sự sám hối để được ơn tha tội được khởi từ Giêrusalem. Đây là khởi điểm cụ thể, và tác giả Luca đã áp dụng lệnh truyền này khi viết sách Tin Mừng khởi đầu từ sự kiện đã xẩy ra ở Giêrusalem, trong Đền Thờ. Sự kiện ông Zacaria được sứ thần báo tin về việc Gioan ra đời (Lc1, 5-25); sách Công vụ các tông đồ khởi từ Giêrusalem (Cv1,8). Tuy nhiên, Giêrusalem không phải chỉ là khởi điểm địa lý cho việc truyền giáo, hơn nữa nó còn là một khởi điểm lịch sử ơn cứu chuộc. Tin Mừng Luca nhấn mạnh đặc biệt việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem để thi hành và hoàn tất mầu nhiệm vượt qua (Lc 9,51). Chính tại Giêrusalem, Đức Kitô phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba Người sống lại từ cõi chết…để nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân sám hối để được ơn tha tội. Hiểu theo ý nghĩa lịch sử này, thì chỉ có ơn cứu độ khởi từ các biến cố ấy tại Giêrusalem.

Sám hối hoặc hối cải Kitô giáo không phải như là chuyển từ đảng phái này sang đảng phái khác, từ nhóm tôn giáo này qua một nhóm khác. Kêu gọi sám hối có nghĩa là kêu gọi cải tổ bản thân con người. Thế nhưng, con người là thành phần của một xã hội, một thế giới, một lịch sử. Vì thế, công cuộc rao giảng cho muôn dân không chỉ giới hạn trong việc công bố sứ điệp của Chúa Giêsu cứu độ, mà còn có nghĩa là giáo dục muôn dân nhằm giúp họ tìm lại được chương trình của Thiên Chúa về con người.

“Chính anh em làm chứng về những điều này” (c.48)

Bình an là món quà, là ân huệ mà các môn đệ đã được đón nhận cách nhưng không từ Chúa. Như thế, ân huệ luôn đi đôi với sứ mạng; và đó chính là cung cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, trong lịch sử của Giáo hội. Sứ mạng loan báo Tin Mừng luôn là việc cấp thiết, mang tính sống còn đối với người môn đệ của Chúa. Chúa Giêsu đặt các môn đệ làm chứng nhân chính thức về Tin Mừng của Người; các ngài sẽ đứng ra đảm bảo cho đức tin. Sự bình an và kinh nghiệm đức tin mà các môn đệ đã được đón nhận từ Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ kèm theo sứ mạng làm chứng nhân, sứ mạng này không được miễn chước, mà gắn liền với những gian khổ, thử thách, ngục tù, chết chóc… như bao cuộc đời của các môn đệ Chúa suốt hơn hai ngàn năm nay.

Cũng như xưa các môn đệ là chứng nhân của Đức Giêsu Phục Sinh cho muôn dân, mỗi người chúng ta với tư cách là môn đệ của Người cũng được mời gọi tiếp tục công cuộc chứng nhân này. Lời mời gọi này nhắc chúng ta nhớ đến bổn phận của mình, bổn phận truyền giáo cho thế giới. “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”. Chúng ta phải tiếp tục sứ mạng của các tông đồ, vinh dự đứng vào hàng ngũ các chứng nhân. Ðể truyền giáo, chúng ta phải tương quan mật thiết với Chúa Giêsu, có kinh nghiệm gặp gỡ Người thật sâu lắng, sống với cái chết của Người mỗi ngày và nếm được niềm vui phục sinh Người ban tặng. Ðể truyền giáo cần có nhiều tình yêu: tình yêu đối với Chúa Giêsu và đối với con người. Chính vì mến yêu Người mà ta muốn cho muôn dân nhận biết Người. Chính vì mến yêu mọi người mà ta muốn chia sẻ hạnh phúc mình đang hưởng.

Bài trướcChúa Nhật Tuần III Mùa Phục Sinh
Bài tiếp theoNgày 15/4 – Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến như nguồn lửa rực sáng