Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XV TN B (Mc 6,6b-13)

0
670

TỪ HOÁN CẢI ĐẾN CHỨNG NHÂN CỦA SỰ HOÁN CẢI

(Mc 6,6b-13)

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản Văn

Hy Lạp Việt
7  Καὶ προσκαλεῖται τοὺς δώδεκα καὶ ἤρξατο αὐτοὺς ἀποστέλλειν δύο δύο καὶ ἐδίδου αὐτοῖς ἐξουσίαν τῶν πνευμάτων τῶν ἀκαθάρτων,

8  καὶ παρήγγειλεν αὐτοῖς ἵνα μηδὲν αἴρωσιν εἰς ὁδὸν εἰ μὴ ῥάβδον μόνον, μὴ ἄρτον, μὴ πήραν, μὴ εἰς τὴν ζώνην χαλκόν,

9  ἀλλ᾽ ὑποδεδεμένους σανδάλια, καὶ μὴ ἐνδύσησθε δύο χιτῶνας.

10  καὶ ἔλεγεν αὐτοῖς· ὅπου ἐὰν εἰσέλθητε εἰς οἰκίαν, ἐκεῖ μένετε ἕως ἂν ἐξέλθητε ἐκεῖθεν.

11  καὶ ὃς ἂν τόπος μὴ δέξηται ὑμᾶς μηδὲ ἀκούσωσιν ὑμῶν, ἐκπορευόμενοι ἐκεῖθεν ἐκτινάξατε τὸν χοῦν τὸν ὑποκάτω τῶν ποδῶν ὑμῶν εἰς μαρτύριον αὐτοῖς.

12  Καὶ ἐξελθόντες ἐκήρυξαν ἵνα μετανοῶσιν,

13  καὶ δαιμόνια πολλὰ ἐξέβαλλον, καὶ ἤλειφον ἐλαίῳ πολλοὺς ἀρρώστους καὶ ἐθεράπευον.

(Mk. 6:7-13 BGT)

7 và Đức Giê-su gọi nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai họ từng hai người một và Người ban cho họ quyền trên những thần ô uế,

8 và Người lệnh cho họ để họ không mang bất cứ thứ gì khi đi đường ngoại trừ một mình cây gậy, không bánh mì, không túi da, không tiền dắt lưng

9 nhưng mang dép quai hậu và không mặc hai áo

10 và Người nói cùng họ vào bất cứ nhà nào, hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi khỏi đó

11 và nơi nào không đón tiếp anh em, không nghe anh em, hãy giũ bụi dưới bàn chân lại trước khi đi khỏi đó để làm bằng chứng chống lại họ

12 và họ ra đi rao giảng để người ta hoán cải

13 họ trừ nhiều quỷ và cứ xức dầu nhiều bệnh nhân hoài và chữa lành hoài.

Bối cảnh bản văn

Bản văn Mc 6,7-11 được bố trí ngay sau đoạn văn Đức Giê-su về Na-gia-rét giảng dạy và làm phép lạ, nhưng bị chối từ (6,1-6a). Sau đó, Đức Giê-su quyết định đi các làng chung quanh mà giảng dạy (Mc 6,6b). Sứ vụ giảng dạy của Đức Giê-su không vì “sự chối từ” của dân cùng làng mà bị gián đoạn. Bởi lẽ, Rao giảng và làm phép lạ là hai hoạt động chính yếu của sứ vụ công khai của Đức Giê-su (Mc 1,38: “chúng ta hãy đi đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa vì Thầy ra đi cốt để làm việc ấy”; Mt 4,23: Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân; Lc 5,17; Lc 6,6). Chủ đề rao giảng và làm phép lạ (chữa bệnh và trừ quỷ) (Mc 6,12-13) trong đoạn này không những nối kết chặt chẽ với đoạn ngay trước đó mà còn nối kết với toàn sứ vụ của Đức Giê-su trong toàn bộ các sách Tin Mừng. Chủ đề “không đón nhận và không lắng nghe” (Mc 6,11), trong bối cảnh trực tiếp nối kết với cả sự “từ chối, không tin” của dân làng Na-gia-rét dành cho Đức Giê-su (Mc 6,1-6a) và sự chối từ của vua Hê-rô-đê dành cho người dọn đường, Gioan Tẩy Giả (Mc 6,14-29: Cái chết của Gioan Tẩy Giả). “Nhóm Mười Hai” nhắc nhớ đến việc Đức Giê-su tuyển chọn và lập nhóm Mười Hai trước đó (Mc 3,13-19; Mt 10,1-4; Lc 6,12-16). Hẳn chúng ta đã nghe nói đến kiểu hành văn “bánh mì kẹp thịt” của Mác-cô. Đoạn 6,6b-13 là “miếng trên” (sứ vụ sai đi) ghép với “miếng dưới” (6,30: Trở về và báo cáo sứ vụ) của chiếc “bánh mì kẹp thịt”. Miếng thịt ở giữa chính là trình thuật về Hê-rô-đê và vụ án hành quyết Gioan Tẩy Giả. Toàn bộ chiếc “bánh mình kẹp thịt là” [A – B – A’]: Mc 6,7-13: Các môn đệ được sai đi (A) – Mc 6,14-29: Vụ án Gioan Tẩy Giả (B) – Mc 6,30-31: Các môn đệ trở về (A’). Nói như thế có nghĩa là đoạn văn Mc 6,6b-13 chỉ được hiểu trọn vẹn khi đọc chung với hai đoạn còn lại (6,14-29 và 6,30-31). Khi đi thi hành sứ vụ rao giảng (Mc 6,6b-13), các môn đệ làm cho người ta thắc mắc về căn tính của Đức Giê-su (Mc 6,14-16). Đức Giê-su là vị ngôn sứ bị chối từ giống như Gioan Tẩy Giả, người dọn đường cho Người, cũng đã bị chối từ và giết chết (6,17-29). Sau khi thi hành sứ vụ các môn đệ trở về và báo cáo với Đức Giê-su về những điều họ đã làm và đã dạy (6,30).

Cấu trúc

Bản văn có thể được chia thành hai phần. Phần (A) nói về chi tiết của sự việc Đức Giê-su sai các môn đệ đi. Chúng bao gồm: cách thức sai đi; quyền Đức Giê-su trao ban cho các môn đệ; những chỉ thị về hành trang đi đường (những vật được phép mang cũng những gì không được phép mang); mệnh lệnh ở lại tại một nơi đến lúc ra đi; lệnh giũ bụi bàn chân lại nếu như họ không đón tiếp và không lắng nghe. Phần (A’) diễn tả sự hiện thực hóa sự sai đi của Đức Giê-su. Các môn đệ ra đi rao giảng với mục đích là để người ta hoán cải. Những hành động các ông làm là: trừ quỷ và xức dầu chữa bệnh.

(A) Sai đi

Cách thức: Từng hai người một (6,7a)

Quyền được ban: Quyền trên những thần ô uế (6,7b)

Hành trang: Không được mang: bánh mì, túi da, tiền dắt lưng, hai áo

Được mang: Cây gậy, dép quai hậu (6,8-9)

Mệnh lệnh ở lại: “hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi khỏi đó” (6,10)

Phản ứng với những nơi không đón tiếp và không nghe: Giũ bụi chân lại (6,11)

(A’) Ra đi

Mục đích rao giảng: Rao giảng để người ta hoán cải (6,12)

Hành động kèm theo: Trừ nhiều quỷ, xức dầu nhiều bệnh và chữa lành (6,13)

 

Một số điểm chú giải

  1. Nhóm Mười Hai: Tin Mừng Mác-cô cho thấy rằng, ngay sau khi khai mạc sứ vụ công khai bằng công bố rất quan trọng: “thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy “hoán cải” và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), Đức Giê-su đã tuyển chọn một loạt bốn môn đệ đầu tiên: Si-môn, An-rê, Gia-cô-bê, và Gioan (Mc 1,16-20). Động từ “μετανοέω” không nên được dịch là “sám hối” vì cách chuyển ngữ đó không diễn tả được đầy đủ ý nghĩa của nó. Bởi vì động từ “sám hối” trong tiếng Việt làm cho người ta giới hạn nghĩa vào tội lỗi, lỗi lầm và sự hối hận, hối lỗi. Trong khi đó, động từ này trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là sự thay đổi trí, lòng, xác, theo ý định và đường lối của Chúa. Đó là làm cho dự phóng của cuộc đời mình phù hợp với dự phóng của Chúa. Nếu dịch là “hoán cải” thì tương đối ổn hơn. Hiệu quả tức thời của lời rao giảng của Đức Giê-su chính là sự “hoán cải” của bốn môn đệ đầu tiên. Họ là những con người lương thiện, có nghề nghiệp ổn định, chỗ ở an toàn, gia đình đầm ấm. Tuy nhiên, lời mời gọi của Đức Giê-su đã làm cho họ thay đổi 180 độ. Họ bỏ hết mọi sự (chài lưới, cha cùng với những người làm công) mà đi theo Đức Giê-su (Mc 1,18.20). Tiếp theo sau đó, Người đi ngang qua trạm thu thuế, gọi Lê-vi: “Anh hãy theo tôi”. Ông này cũng “đứng dậy đi theo Người” (Mc 3,14). Đây là những hạt nhân đầu tiên của sự “hoán cải” theo tiếng gọi của Chúa, qua đó Đức Giê-su thành lập Nhóm Mười Hai (Mc 3,13-19; Mt 10,1-4; Lc 6,12-16). Theo Mác-cô, mục đích của việc lập nhóm Mười Hai là để: “Các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3,14-15). Các ông đã thực sự ở với Đức Giê-su, nghe Người giảng dạy và giải thích những dụ ngôn về Nước Trời: Người gieo giống (Mc 4,1-9.13-20); Cái đèn, đấu đong (Mc 4,21-25); Hạt giống tự phát, tự sinh (Mc 4,26-29); Hạt cải (Mc 4,30-32). Hơn nữa, họ chứng kiến rất nhiều phép lạ chữa lành và trừ quỷ của Đức Giê-su: Dẹp yên sóng gió (Mc 4,35-41); trừ quỷ cho một người ở Ghê-ra-sa (Mc 5,1-20); Chữa người phụ nữ bị băng huyết và phục sinh con gái ông Giai-i-rô (Mc 5,21-43). Sau khi ở với Đức Giê-su, nghe Người giảng, thấy Người làm phép lạ. Giờ đây, họ cũng được sai đi để rao giảng và chữa lành.
  2. Gọi đến”, “sai đi” “từng hai người một”: Đức Giê-su “gọi” Nhóm Mười Hai đến gợi nhớ đến lúc Người “gọi” đến với Người những kẻ Người muốn (Mc 3,13). Động từ “Sai đi” cũng gợi nhớ đến mục đích mà Đức Giê-su đã tuyển chọn và thành lập nhóm Mười Hai: “để họ ở với Người và Người sai họ đi rao giảng” (Mc 3,14). Rõ ràng, phần chọn gọi các môn đệ và lập nhóm Mười Hai trước đó là để nhằm cho sứ vụ sai đi này. “Từng hai người một” là ghi chú riêng của Mác-cô (không có trong Luca và Mát-thêu). Cách thức Đức Giê-su sai đi là từng hai người một. Nghĩa là, có 6 cặp được sai đi. Có hai lần khác Mác-cô đề cập đến việc Đức Giê-su sai hai môn đệ. Một lần trong bối cảnh Đức Giê-su sắp vào thành Giê-ru-sa-lem cách vinh quang. Đức Giê-su sai “hai môn đệ” đi và dặn rằng: “Hãy đi vào ngôi làng trước mặt kia” dắt con lừa con, chưa ai cưỡi về cho Người để Người cưỡi lên và đi vào thành (Mc 11,1-2). Lần khác, trong bối cảnh chuẩn bị bữa Tiệc Ly, Người cũng sai “hai môn đệ đi” và gặp một người đàn ông mang vò nước để nhờ ông ta dẫn đường đến nơi mà họ chuẩn bị Lễ Vượt Quan cho Người (Mc 14,13-15). Sai đi theo cặp là một cách thức đặc biệt của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô. C. Cranfield cho rằng “đi theo cặp” phản ánh văn hóa Do Thái như trong hai ví dụ vừa nêu và trong Lc 7,18 (Gioan Tẩy Giả sai hai môn đệ đến hỏi Đức Giê-su để biết Người có phải Đấng phải đến không?) và Ga 1,35 (Gioan đứng với hai môn đệ và giới thiệu với rằng Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa). Việc sắp xếp các các Tông Đồ theo cặp cũng được Mt 10,2-4 nhấn mạnh. Trong sách Công Vụ, Phao-lô đi cặp với ông Bar-na-ba, rồi sau đó với ông Si-la.[1] Donahue – D. Harrington cho rằng Mác-cô sử dụng ngôn ngữ “pháp đường”, theo đó, bằng chứng của hai người trở lên mới được coi là hữu hiệu. Cặp đôi hai nhà truyền giáo phản ánh luật cần hai nhân chứng khi kết tội một người trong Cựu Ước (Đnl 19,15; Ds 35,30).[2] J. Chiu nghĩ đến tinh thần tương trợ trong việc Đức Giê-su sai “từng hai người một” và cũng nhìn nhận tính xác thực của hai nhân chứng trở lên mà Cựu Ước nói đến vì sau đó Mác-cô có nhắc đến việc “Giũ bụi chân lại để” làm chứng tố cáo những người không đón tiếp và không nghe.[3]
  3. Quyền trên thần ô-uế: Trong trình thuật về Lập Nhóm Mười Hai, Mác-cô cũng đã đề cập việc các môn đệ được sai đi rao giảng “với quyền trừ quỷ” (Mc 3,15). Ngay trong ngày rao giảng đầu tiên ở hội đường Ca-phác-na-um sau khi gọi bốn môn đệ đầu tiên, Đức Giê-su đã đối diện với thần ô uế. Người đã trục xuất nó bằng lệnh truyền: “câm đi, hãy xuất khỏi người này” (Mc 1,25). Các Tông Đồ cũng chứng kiến Đức Giê-su “trừ nhiều quỷ” (Mc 1,33). Các môn đệ cũng không quên phép lạ trục xuất một “đạo binh” thần ô uế trên vùng Ghê-ra-sa mới xảy ra chưa lâu lắm (Mc 5,1-20). Quyền trừ quỷ biểu hiện cho sự chiến thắng của Đức Giê-su trên Satan. Người đã đối đầu với ma quỷ trong cơn cám dỗ và đã chiến thắng tuyệt đối (Mc 1,12-13; Mt 4,1-11; Lc 4,1-13). Cũng nên nhắc đến là chính ông bà nguyên tổ đã sa ngã trước cơn cám dỗ của Satan và đã phạm tội bất tuân Thiên Chúa. Hậu duệ của A-đam vẫn mang nơi mình vết thương tội lỗi của ông bà nguyên tổ từ lúc lọt lòng mẹ. Các môn đệ được trao quyền trên các thần ô uế nghĩa là các ông sẽ tiếp nối sứ vụ của Đức Giê-su trong cuộc chiến chống lại Satan và giải thoát con người khỏi sự khống chế của Sa tan. Động từ “ban cho” được Mác-cô sử dụng ở thì “vị hoàn” (chưa hoàn thành) (ἐδίδου) diễn tả một hành động kéo dài. Dựa trên cách dùng thì của động từ này, người ta có thể hiểu rằng Đức Giê-su ban quyền ấy cho các môn đệ hoài. Hay nói cách khác, các môn đệ nhận lấy quyền ấy từ nguồn là Đức Giê-su và nguồn này không bao giờ cạn.
  4. Truyền lệnh … không được mang: Động từ “παρήγγειλεν” có thể hiểu là “chỉ dẫn, hướng dẫn”, nhưng cũng có thể là hiểu là “ra lệnh, truyền lệnh”. Đức Giê-su “hướng dẫn” hoặc “ra lệnh” cho các môn đệ. Sau động từ này là một mệnh đề chỉ mục đích bắt đầu bằng một liên từ bổ trợ “để mà” (ἵνα). Một loạt đại từ và tiểu từ chỉ sự phủ định đi theo động từ “mang theo” (αἴρωσιν): không được mang gì khi hành trình; không bánh; không túi da; không tiền dắt vào dây thắt lưng.[4] Tiếp theo sau đó là động từ “mặc” cũng đi kèm với tiểu từ phủ định: “không được mang hai áo choàng”. Đức Giê-su kỹ càng phân ra làm hai loại: (1) “không được mang theo” và (2) “không được mặc”. Nhu cầu của các môn đệ khi đi thi hành sứ vụ rao giảng được giản lược hết mức có thể, nếu không muốn nói là họ không có gì cả. Có thể, Đức Giê-su muốn các môn đệ triệt để không lo lắng vấn đề cơm ăn, áo mặc như Người đã dạy: “đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt 6,25; Lc 12,22); “anh em đừng lo lắng tự hỏi ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây?” (Mt 6,31). Một đời sống giảm thiểu như thế là một đời sống dám tín thác nơi Chúa tất cả mọi sự, vào mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là trên hành trinh rao giảng Tin Mừng.[5] Về mệnh lệnh “không mang theo bánh” có thể liên quan đến tập tục văn hóa của người Do Thái như Mát-thêu đã đề cập đến: “Vì người lao động xứng đáng có thức ăn cho mình” (Mt 10,10); hay cụ thể hơn như Luca diễn tả “người ta cho ăn, uống thức gì thì anh em dùng thức đó” (Lc 10,7); “vào bất cứ thành nào mà người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em” (Lc 10,8). Theo J. Donahue – D. Harrington, những chỉ dẫn đòi hỏi sự tín thác cả nơi Chúa và người láng giềng và cũng giả định một sự thực hành lòng hiếu khách và hỗ trợ như được đề cập trong sứ vụ của các ki-tô hữu sơ khai (Cv 16,15.40; 18,1-3; Pl 4,14-15).[6]
  5. Ngoại trừ cây gậy…Được đi dép quai hậu”: Ngoài vô số điều cấm “không được mang theo” và “không được mặc” Đức Giê-su cho phép các môn đệ mang theo 2 thứ là “cây gậy” và “dép quai hậu”. Đây là hai điều khác biệt giữa bản văn Mác-cô so với bản văn của hai tác giả Nhất Lãm còn lại. Trong khi, Giê-su của Mát-thêu và Luca đều cấm mang theo “gậy”, Giê-su của Mác-cô lại cho mang theo gậy (không được mang theo bất cứ thứ gì “ngoại trừ cây gậy”). Hơn nữa, trong khi Giê-su của Mát-thêu chỉ thị cho các môn đệ không mang “dép quai hậu” (Luca không đề cập), thì Giê-su của Mác-cô lại cho phép mang “dép quai hậu”. Đây được xem như là nhu cầu cơ bản của một người trên bất cứ một cuộc hành trình nào. Với địa hình núi đồi hiểm trở như đất nước Ít-ra-el thì việc mang dép là điều cần thiết. Cây gậy cũng có tác dụng chống chống đỡ trên những con đường dốc, trơn trượt vì đất, đá.[7] Hơn nữa, cây gậy cũng có thể giúp người bộ hành tự vệ trước những thú dữ. J. Donahue – D. Harrington cho rằng tác dụng thực tế của cây gậy là để bảo vệ và hỗ trợ. Họ còn nói thêm rằng trong Cựu Ước cây gậy là biểu tượng của quyền lực và quyền năng (trong sách Xh và Ds, cây gậy của Aharon hoặc Mô-sê được nhắc đến Xh 4,20;7,9-20; 8,16-17).[8] Đức Chúa đã chỉ dẫn cho dân Ít-ra-el lúc họ chuẩn bị cho cuộc xuất hành khỏi Ai-cập rằng họ “Anh em sẽ ăn (thịt chiên nướng): với lưng thắt gọn, dép quai hậu trong chân, gậy trên tay và anh em sẽ ăn cách vội vã” (Xh 12,11).
  6. ở lại đó”: Mệnh lệnh “ở lại cho đến lúc ra đi khỏi đó” có lẽ ám chỉ đến một khoảng thời gian đủ để các môn đệ làm dậy men Tin Mừng cho ngôi nhà ấy. Có thể “sự ở lại” ở đây nhằm đối lại với việc “đi hết nhà nọ đến nhà kia” như lời căn dặn của Đức Giê-su nơi Lc 10,7. J. Marcus nghĩ rằng mệnh lệnh “ở lại” của Đức Giê-su dường như phác họa một “cuộc viếng thăm thành lập cộng đoàn” chứ không phải là một cuộc viếng thăm qua loa.[9] Mệnh lệnh “ở lại” một nhà cho đến lúc ra đi, theo R. Guelich, dường như nhằm ngăn cản các sứ giả tìm kiếm một nơi tốt hơn, giống như đòi hỏi nghiêm ngặt về hành trang được nói đến trước đó.[10] Luca cũng ghi lại lời đề nghị ở lại nhà ông Gia-kêu của Đức Giê-su: “Này ông Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5). Sự “ở lại” của Đức Giê-su đã biến đổi Gia-kêu từ một người thủ lãnh những người thu thuế trở thành một tín hữu tốt lành. Ông đã không ngần ngại công bố trước bàn dân thiên hạ rằng: “Này, phân nữa tài sản của tôi, tôi đem cho người nghèo. Nếu tôi có làm thiệt hại cái gì của ai thì tôi xin bồi thường gấp bốn” (19,8). Đức Giê-su đã công bố long trọng: “hôm nay ơn cứu độ đã đến với nhà này bởi vì ông ta cũng là con của Áp-ra-ham” (19,9). Con của Áp-ra-ham là con của tổ phụ của những người tin. Đức Giê-su, sau cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Gia-cóp, đã ở lại với dân làng Samari 2 ngày. Hiệu quả là cộng đoàn tín hữu ở Samari tăng lên rất nhiều: “Số người tin vì lời Đức Giê-su còn đông hơn nữa. Họ bảo: “không phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4,41-42). Sách Công Vụ nói đến sự việc “Ông Phê-rô ở lại khá lâu tại nhà một người thơ thuộc da tên là Si-môn” (Cv 9,43). Sau khi giảng dạy và làm phép rửa cho cả nhà ông Cor-nê-li-ô ông Phê-rô cũng ở lại đó ít ngày (Cv 10,48). Phao-lô và Bar-na-ba ở lại ở I-cô-ni-ô “một thời gian khá lâu” để rao giảng cho tín hữu Do Thái và Hy Lạp (Cv 14,3).
  7. Giũ bụi chân lại”: Đây là phản ứng mà các tông đồ phải có trước sự chối từ của thính giả. Trước đó ít lâu, trong tường thuật liên quan đến cuộc rao giảng của Đức Giê-su ở làng quê Na-gia-rét, Đức Giê-su cũng đã có kinh nghiệm bị chối từ và bị mĩa mai. Sứ giả Tin Mừng luôn sẵn sàng phương án ứng phó với thái độ tiêu cực của dân chúng. Họ có thể đón nhận hoặc không đón nhận. Quả thế, sách ngôn sứ Ê-dê-ki-el đã cho chúng ta thấy thực tế ấy một cách rõ ràng: Ít-ra-el không muốn nghe lời của vị ngôn sứ, vì chúng không muốn nghe lời Chúa. Cả nhà Ít-ra-el “đều mặt dày, mày dặn, lòng chai dạ đá.” (Ed 2,7). Thái độ chối từ của thính giả bao gồm hai loại “không đón nhận” và cũng “không nghe”. Trong quá trình rao giảng, đặc biệt là trong loạt bài giảng bằng dụ ngôn, Đức Giê-su thường lặp lại lời mời gọi: “Ai có tai thì hãy lắng nghe” (4,9.23). Lắng nghe không chỉ có nghĩa là chăm chú để ý đến lời Đức Giê-su nói mà còn là nghe theo, làm theo những lời dạy ấy. Tác dụng của dành động “giũ bụi chân” là để làm bằng chứng chống lại những người không nghe và không đón tiếp sứ giả Tin Mừng. Cả Mác-cô và Luca đều lưu ý tác dụng này, trong khi Mát-thêu không hề đề cập đến. Tuy nhiên, Mát-thêu lại nói đến một cuộc xét xử nặng nề cho những thành không tiếp đón và không nghe lời giảng của sứ giả (Mt 10,14). Tác giả Strack-Billerbeck cho rằng những người Do Thái khi trở về Đất Thánh từ nước ngoài, phải giũ bụi của những vùng đất dân ngoại không thanh sạch. J. Marcus không đồng ý nhận định đó. Ông cho rằng hành động “giũ bụi chân” là biểu trưng hóa cho sự cắt đứt hiệp thông với ai đó như là hành động giũ áo choàng trong Nkm 5,13 và Cv 18,6. Ý tưởng cơ bản là các môn đệ không còn gì để làm với những nơi loại trừ họ.[11] Ruelich liệt kê hai cách hiểu của hai nhóm tác giả khác: (i) Đó là biểu tượng của việc dừng mọi liên lạc và giao tiếp xa hơn với nơi đó và chối từ bất kỳ một cơ hội nào để nghe thông điệp cứu độ hay trải nghiệm sứ vụ chữa lành và giải thoát (Pesch; Gnilka); (ii) Nó cũng có thể cho thấy rằng các sứ giả đã làm hết trách nhiệm của mình và có thể rửa tay, không cần chịu trách nhiệm nữa (Cranfield; Grundmann).[12]
  8. Để người ta hoán cải: Chúng ta bước qua phần hiện thực hóa, hành động theo lệnh sai đi của Đức Giê-su. Sau khi nghe Đức Giê-su căn dặn, các môn đệ ra đi rao giảng. Mục đích của lời rao giảng của họ là để người ta hoán cải. Như đã đề cập trong phần bối cảnh của bản văn, động từ “μετανοέω” nên hiểu là “hoán cải” (rộng hơn nghĩa sám hối), thay đổi toàn bộ trí lòng của mình để làm theo ý định kế hoạch của Chúa. Các môn đệ chính là những người đầu tiên “hoán cải”. Họ đã bỏ mọi sự để dành trọn cuộc đời cho kế hoạch của Đức Giê-su. Thật là hợp lý và thuyết phục khi nghe lời mời gọi “hoán cải” từ những chứng nhân của “sự hoán cải”. Theo Mát-thêu, nội dung lời rao giảng mà Đức Giê-su muốn các ông phải giảng là: “Nước Trời đã đến gần” (Mt 10,7). Luca chỉ nói chung chung là “các ông ra đi loan báo Tin Mừng”. Cách nói của Luca không cụ thể nhưng lại bao gồm tất cả mọi giá trị Tin Mừng. Có lẽ nên hiểu rằng, Đức Giê-su muốn các môn đệ rao giảng thông điệp giống như Người đã rao giảng. Đó là: “Thời kỳ đã mãn, Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)[13]. Đây là thông điệp nòng cốt nối kết chặt chẽ sứ vụ của các môn đệ với sứ vụ của Gioan Tẩy Giả (Mc 1,4; Mt 3,2) và sứ vụ của Đức Giê-su.
  9. Trừ nhiều quỷ: Hoạt động trừ quỷ ứng với năng lực trên các thần ô uế mà Đức Giê-su đã ban cho các ông (Mc 6,7). Động từ “trục xuất” được dùng ở thì vị hoàn cho thấy rằng hoạt động trục xuất quỷ của các môn đệ kéo dài liên tục: các ông trục xuất quỷ hoài. Hoạt động này cũng gợi nhớ đến những phép lạ trừ quỷ của Đức Giê-su đã được tường thuật trước đó: Trục xuất quỷ ra khỏi một người ở trong Hội Đường Ca-phác-na-um (Mc 1,21-28); trục xuất một “đạo binh quỷ vào đàn heo” ở vùng Ghê-ra-sa (Mc 5,1-20). Các môn đệ đã trừ rất nhiều quỷ. Tuy nhiên, có một ca bị quỷ ám mà các môn đệ không giải được: Người bị quỷ ám mắc bệnh kinh phong (Mc 9,14-20). Theo Đức Giê-su, sở dĩ các môn đệ không trừ được giống quỷ này là vì các ông đã không cầu nguyện: “Giống quỷ này chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9,29).
  10. Xức dầu và chữa lành bệnh nhân: Cùng với hoạt động trừ quỷ là hoạt động chữa lành bệnh nhân. Cũng giống như động từ “trục xuất”, động từ “chữa lành” cũng được dùng ở thì vị hoàn, như muốn nói rằng các ông “chữa lành nhiều bệnh nhân hoài”. Những phép lạ chữa lành được làm bởi các môn đệ cũng gợi nhớ đến những phép lạ chữa lành do Đức Giê-su thực hiện trước đó: chữa lành bệnh sốt của mẹ vợ ông Phê-rô (Mc 1,29-31; Mt 8,14-15; Lc 4,38-39); chữa nhiều kẻ đau ốm mắc đủ thứ bệnh tật (Mc 1,33); Chữa người bị bại liệt (2,1-12); chữa người bị bại tay (Mc 3,1-6); chữa người phụ nữ bị băng huyết và cho con gái ông Giai-i-rô sống lại (Mc 5,21-43); chữa lành một vài bệnh nhân ở Na-gia-rét (6,5). Mác-cô và Luca không đề cập đến khả năng làm cho người chết sống lại của các môn đệ, trong khi đó Mát-thêu thêm “anh em hãy làm cho kẻ chết sống lại” trong lời căn dặn của Đức Giê-su (Mt 10,8). Có thể Mát-thêu ngụ ý rằng Đức Giê-su trao năng lực tối đa cho các môn đệ. Hành động “xức dầu” xem ra hơi lạ trong bối cảnh này, vì Đức Giê-su chưa từng dùng phương thức này để chữa lành. Dầu được dùng cho mục đích chữa trị đã được nói đến trong câu chuyện “Người Samari nhân hậu”: “Ông ta (người Samari) lại gần lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người bị nạn rồi băng bó lại” (Lc 10,34). J. Donahue – D. Harrington cho rằng hành động “xức dầu” ở đây rất có thể là được giới thiệu như là một phản ánh của thực hành ki-tô giáo tiên khởi được nói đến trong thư Gia-cô-bê: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa” (Gc 5,14).[14]

Bình luận tổng quát

Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng Ki-tô. Người cũng là Lời từ cung lòng Chúa cha, là sứ giả của Chúa Cha để mang thông điệp cho nhân loại vào thời sau hết: “Nhưng vào thời cuối cùng của những ngày này, Ngài đã nói với chúng ta trong Con của Ngài, Đấng mà Ngài đã đặt quyền thừa kế mọi sự, và Đấng mà qua đó Ngài đã tạo thành thế giới” (Dt 1,2). Thế nhưng Đức Giê-su không làm sứ vụ rao giảng Tin Mừng một mình, như Người đã nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Muốn có những người để sai đi thì Đức Giê-su phải chọn, gọi, và đào tạo. Thật vậy, ngay sau khi Đức Giê-su khai mạc sứ vụ rao giảng với thông điệp nòng cốt: “Thời kỳ đã tròn đầy, Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15), Đức Giê-su đã chọn gọi bốn môn đệ đầu tiên. Đó là hai cặp anh em: Căp anh em Phê-rô và An-rê; và cặp anh em Gia-cô-bê và Gioan. Họ đã bỏ mọi sự đề theo Đức Giê-su rày đây mai đó rao giảng Tin Mừng. Động từ “μετανοέω” (thường được dịch là sám hối) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là thay đổi tận căn từ trí, lòng, tinh thần, thể xác, suy nghĩ, hành động theo chương trình và ý muốn của Chúa. Bốn môn đệ này chính là những người đầu tiên đã “hoán cải”, thay đổi hướng đi của cuộc đời mình để đi theo Chúa. Họ là những người có nghề nghiệp đàng hoàng; có gia đình đầm ấm; có cuộc sống ổn định và thậm chí có thể là giàu có nữa. Các nhà khảo cổ học đương đại đã tìm ra trên cổ thành Ca-phác-na-um một nền móng của đền thờ hình bát giác được cho là xây trên nền nhà của ông Phê-rô. Họ đoán rằng Phê-rô, An-rê cũng như Gia-cô-bê và Gioan là những người ngư phủ nhưng không phải là những người chật vật kiếm sống qua ngày. Rất có thể họ là những chủ tàu đánh cá, có công nghệ khai thác, kinh doanh và chế biến cá nữa. Gia đình ông Giê-bê-đê có cả những “người làm công” (Mc 1,20). Nói như thế để thấy rằng thân phận và địa vị của những người Chúa chọn gọi không phải nghèo nàn, thất học, tầm thường như thường được thi vị hóa xưa nay. Phê-rô chắc hẵn là một nhân vật có đia vị và uy tín thì mới mong làm lãnh đạo Nhóm Mười Hai được. Tiếp theo sau đó, Đức Giê-su gọi Lê-vi ngay trên bàn thu thuế. Đây rõ ràng là một người có học thức và có địa vị xã hội, tiền của có thừa. Nhìn cách Mát-thêu cấu trúc Tin Mừng thứ nhất đủ thấy trình độ của ông ở mức một nhà văn chứ chẳng chơi.[15] Sau khi tuyển chọn những môn đệ riêng lẻ, Đức Giê-su bắt đầu lập Nhóm Mười Hai. Mục đích của việc lập nhóm này là “để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng với quyền trừ quỷ” (Mc 3,4-5). Sau một khoảng thời gian họ ở với Người, nghe những bài giảng của Người, chứng kiến Người làm nhiều phép lạ đủ thứ loại, họ bắt đầu được sai đi rao giảng. Sự kiện sai đi được ghi lại trong Mc 6,6b-13. Đức Giê-su gọi nhóm Mười Hai đến và sai họ đi. Cách thức sai đi mà Đức Giê-su áp dụng là “từng hai người một”. Cách thức này trước tiên cho thấy tính cộng đoàn, sự tương trợ, nâng đỡ, bổ khuyết cho nhau trên đường sứ vụ. Kế đến, cách thức này đảm bảo cho tính hiệu lực theo pháp lý của một chứng cứ mà Cựu Ước đã nói đến (Đnl 19,15; Ds 35,30)[16]. Đức Giê-su trao cho các ông quyền trên thần ô uế để các ông có thể trừ nhiều quỷ như Người đã làm. Đó là cuộc chiến giữa giai dẳng Sa tan và sứ giả của Thiên Chúa, khởi đi từ cơn cám dỗ trong cơn địa đàng và Ông Bà nguyên tổ đã sa ngã. Đức Giê-su đã chiến thắng Sa tan trong sa mạc. Các môn đệ của Người cũng phải chiến thắng và trục xuất quỷ ra khỏi những người bị chúng ám. Chỉ thị khắt khe với nhiều chữ “không”: không mang theo gì, không mang bánh mì, không mang bao bị, không mang tiền dắt lưng cho thấy nhiều điều trong hành trình của Người môn đệ. Thứ nhất, họ phải bảo đảm được một lối sống thanh thoát khỏi những bận rộn lo lắng cơm, áo, gạo, tiền để toàn tâm toàn ý cho sứ vụ. Một đời sống không “lo cho mạng sống lấy gì mà ăn, không bận tâm cho thân thể lấy già mà mặc” (Mt 6,25; Lc 12,22) là khuôn mẫu mà Đức Giê-su đã dạy các môn đệ và những ai tin vào Người. Kế đến, “không mang theo gì” là một thái độ dám phó thác tin tưởng vào sự quan phòng, chăm nom của Chúa dành cho sứ giả Tin Mừng. Chúa không để cho nững sứ giả của Người phải thiếu thốn điều gì. Cuối cùng, mệnh lệnh giản lược hành trang cách khắt khe cũng biểu lộ một đời sống hòa nhập, tin tưởng vào lòng hiếu khách của dân bản địa. Họ được mời gọi “ăn những thứ mà người ta dọn cho” (Lc 10,8)) không đòi hỏi, không kỳ thị, chê bai đặc sản địa phương. Các sứ giả Tin Mừng được phép mang theo gậy và dép quai hậu. Đây là hai phương tiện cần thiết tối thiểu cho một cuộc hành trình trong vùng đất sa mạc Ít-ra-el. Gậy để chống đỡ khi đi qua những nơi trơn trượt, gồ ghề, dốc đá. Đây cũng là dụng cụ hữu ích cho khách bộ hành khi gặp thú dữ hoặc kẻ cướp. Dép quai hậu sẽ bảo vệ cho đôi chân trên những đoạn đường sỏi đá, gai góc. Các vị được khuyên “ở lại” một nhà cho đến lúc ra đi. Đó là khoảng thời gian đủ để cho họ làm dậy men Tin Mừng cũng như Đức Giê-su đã từng ở lại nhà Gia kêu hay ở vùng Samari. “ở lại một nơi” cũng giúp cho các môn đệ thoát khỏi được cám dỗ tìm nơi thuận tiện, tiện nghi nhất cho mình, trái lại với những đòi hỏi giảm thiểu hành trang như đã nói trên. Muốn lập một cộng đoàn địa phương thì cũng cần thời gian “ở lại một nơi” như thế. Sự chối từ, không đón tiếp và không muốn nghe sứ giả Tin Mừng là những điều không thể tránh khỏi. Những khi ấy, vị sứ giả được khuyên là “giũ bụi chân lại” nhằm “làm bằng chứng tố cáo” họ. Hành động này không nên hiểu như là một sự loại trừ và kết án chung cuộc những người chưa đón nhận Tin Mừng. Tốt hơn, nên hiểu nó như là một cảnh báo, cảnh tỉnh, nhắc nhở rõ ràng dứt khoát để những người này có thể thức tỉnh vào một lúc nào đó trong cuộc đời mình. Sau khi nghe lời căn dặn của Đức Giê-su, các Tông đồ đã ra đi rao giảng. Mục đích của lời rao giảng của họ là “để người ta có thể hoán cải”. “Hoán cải” là lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả, sứ giả của Đức Giê-su. Nó cũng là lời mời gọi nòng cốt của Đức Giê-su và rồi, của chính các môn đệ. Hơn ai hết các Tông Đồ, đặc biệt là bốn môn đệ đầu tiên và Mát-thêu, là những chứng nhân sống động cho cuộc “hoán cải” thay đổi đời sống cách ngoạn mục. Các phép lạ trừ quỷ là hiệu quả của năng lực “quyền trên các thần ô uế” mà Đức Giê-su đã trao ban. Việc xức dầu và chữa lành các bệnh nhân cũng là tiếp nối sứ vụ chữa lành của Đức Giê-su trong suốt sứ vụ trần thế của Người. Sứ vụ của các Tông Đồ dĩ nhiên không phải là sứ vụ độc quyền. Đó là sứ vụ chung cho tất cả những người tin vào Đức Giê-su. Tất cả các tín hữu đều được mời gọi “hoán cải” triệt để như các Tông Đồ để rồi cũng trở thành những chứng nhân sống động, mạnh dạn mời gọi người ta hoán cải theo tin thần của Tin Mừng. Những phép lạ trừ quỷ hoặc chữa lành bệnh nhân, theo nghĩa đen, không phải tín hữu nào cũng có thể làm được, bởi phần đa họ chưa đạt được sự thánh thiện và đức tin như các thánh. Tuy nhiên, điều mà tất cả các tín hữu có thể làm được là xoa dịu những vết thương thể xác và tinh thần cho những bệnh nhân qua những sáng kiến hành động cụ thể. Họ có thể trục xuất quỷ ra khỏi mình và người khác bằng cách sống và cổ võ lối sống thánh thiện và yêu thương mọi lúc, mọi nọi trong cuộc đời mình.

Đối chiếu 3 cách tường thuật
Mc 6,6b-13 Mt 10,5-16 Lc 9,1-6
Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế.8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng;9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.10 Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”12 Các ông đi rao giảng, để người ta hoán cải.13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

 

5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:

“Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri.6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.9 Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng.10 Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

11 “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.12 Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.13 Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.14 Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại.15 Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.16 Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.

 

1 Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.2 Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.3 Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.4 Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.5 Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”6 Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
Nhận xét:

–       Bản văn của Luca giống với bản văn của Mác-cô hơn. Ngoại trừ một số điểm khác như: “Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9,2) (Mác-cô không có chi tiết này). Trong Luca, Đức Giê-su chỉ thị “không được mang gậy” và không có chị thị về “dép quai hậu” (Lc 9,3) (Mác-cô: Đức Giê-su cho phép mang gậy và được mang dép quai hậu). Ngoài ra, Luca không đề cập đến mục đích của việc rao giảng là “để người ta hoán cải” như trong Mác-cô.

–       Bản văn Mát-thêu rất khác với bản văn Mác-cô và Luca. Ông thêm vào rất nhiều chi tiết không có trong cả Luca và Mác-cô. Mát-thêu đề cập đến chỉ thị: “Đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.” (10,5b). Thông điệp Tin Mừng cụ thể: “Nước Trời đã đến gần” (10,7). Các phép lạ gồm “làm cho kẻ chết sống lại và chữa lành những người phong hủi” (10,8). Lời dạy “anh em đã được cho không thì cũng hãy cho không như vậy” (10,8); “vì thợ thì đáng được cho ăn” (10,10c). Mat-thêu cũng nhắc đến lời chào bình an: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em” (10,12-13). Ông cũng nói đến việc xét xử: “Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.” (10,15) Thái độ mà các môn đệ phải có: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (10,16).

–       Mác-cô nói đến cách sai: “Sai đi từng hai người một” (6,7). Trong Mác-cô, Đức Giê-su cho phép mang dép quai hậu và mang gậy (6,8-9). Mục đích rao giảng là “để người ta hoán cải” (6,12)

Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] C.E.B. Cranfield, The Gospel According to Mark (Cambridge 1959) 198.

[2] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 190.

[3] J.E.A. Chiu, “Mark”, The Paulist Biblical Commentary (Ed. J.E.A. Chiu et al.) (New York 2018) 993.

[4] Thói quen của con người xưa nay cả Đông và Tây là giữ một ít tiền lẻ trong thắt lưng, ngày nay là trong túi áo hoặc túi quần. (x. C.E.B. Cranfield, The Gospel According to Mark, 199).

[5] R. Guelich ủng hộ quan điểm của Lohmeyer người cho rằng những đòi hỏi khắt khe này làm cho hành trình trở nên nhẹ nhàng và quan điểm của Grundmann nhấn mạnh đến sự phụ thuộc vào sự quan phòng của Chúa [R.A. Guelich, Mark 1 – 8,26 (WBC; Dallas 2002) 34A, 322].

[6] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 191.

[7] “những chiếc gậy được dùng cho việc di chuyển trên mặt đất gồ ghề và dùng bảo vệ chống lại thú hoang, những tên cướp …” [J. Marcus, Mark 1-8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYBC; New Haven – London 2008) 27A, 383].

[8] Ibid.

[9] J. Marcus, Mark 1-8, 384.

[10] R.A. Guelich, Mark 1 – 8,26, 322.

[11] Ibid.

[12] R.A. Guelich, Mark 1 – 8,26 (WBC; Dallas 2002) 34A, 322.

[13] Theo Mát-thêu, cả Đức Giê-su và Gioan Tẩy Giả cùng rao giảng một thông điệp: “Anh em hãy hoán cải vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2; 4,17).

[14] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 192; R.A. Guelich, Mark 1 – 8,26, 323.

[15] Cấu trúc Tin Mừng của Mát-thêu gồm 5 bài giảng: Bài Giảng trên núi (5 – 7); Bài giảng về sứ vụ (10); Bài giảng về dụ ngôn (13); Bài giảng về Giáo hội (18); Bài giảng về cánh chung (24 – 25). Xen vào mỗi Bài giảng là những trình thuật kể chuyện.

[16] “trong mỗi trường hợp đánh chết người, người ta sẽ dựa vào lời khai của chứng nhân mà xử tử kẻ sát nhân. Tuy nhiên, lời khai của một chứng nhân duy nhất sẽ không làm cho ai bị kết án tử hình” (Ds 35,30); “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ban nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15)

_______________

File PDF có đầy đủ màu sắc được trình bày dưới đây:

Bài trướcNIỀM VUI SỨ VỤ #8 | Gặp gỡ Lm. GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD | Truyền giáo tại Chile
Bài tiếp theoĐI! (11/7, CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN, B)