Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh năm B (Lc 24,35-48)

0
704

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

TỪ CHỨNG KIẾN ĐẾN CHỨNG NHÂN

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh năm B (Lc 24,35-48)

Hy Lạp Việt
33 Καὶ ἀναστάντες αὐτῇ τῇ ὥρᾳ ὑπέστρεψαν εἰς Ἰερουσαλὴμ καὶ εὗρον ἠθροισμένους τοὺς ἕνδεκα καὶ τοὺς σὺν αὐτοῖς, 33 Sau khi đứng dậy ngay giờ ấy, họ (hai môn đệ Emmaus) quay trở về Giê-ru-sa-lem và tìm gặp nhóm Mười Một đang tụ họp và những người ở với họ,
34 λέγοντας ὅτι ὄντως ἠγέρθη ὁ κύριος καὶ ὤφθη Σίμωνι. 34 những người này nói rằng Đức Chúa đã được chỗi dậy và đã cho ông Phê-rô gặp.
35 καὶ αὐτοὶ ἐξηγοῦντο τὰ ἐν τῇ ὁδῷ καὶ ὡς ἐγνώσθη αὐτοῖς ἐν τῇ κλάσει τοῦ ἄρτου. 35 và họ (hai môn đệ Emmaus) tường thuật cho họ (nhóm Mười Một) điều xảy ra trên đường và họ đã được tỏ cho biết thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Ταῦτα δὲ αὐτῶν λαλούντων αὐτὸς ἔστη ἐν μέσῳ αὐτῶν καὶ λέγει αὐτοῖς· εἰρήνη ὑμῖν. 36 đang khi họ đang nói những điều này, Người đứng giữa họ và nói cùng họ: “bình an cho anh em”
37 πτοηθέντες δὲ καὶ ἔμφοβοι γενόμενοι ἐδόκουν πνεῦμα θεωρεῖν. 37 họ hoảng hồn và trở nên kinh khiếp vì họ nghĩ là thấy ma.
38 καὶ εἶπεν αὐτοῖς· τί τεταραγμένοι ἐστὲ καὶ διὰ τί διαλογισμοὶ ἀναβαίνουσιν ἐν τῇ καρδίᾳ ὑμῶν; 38 nhưng Người nói cùng họ: “Tại sao anh em lại kinh sợ và vì cớ gì mà sự nghi ngờ nảy lên trong lòng anh em?”
39 ἴδετε τὰς χεῖράς μου καὶ τοὺς πόδας μου ὅτι ἐγώ εἰμι αὐτός· ψηλαφήσατέ με καὶ ἴδετε, ὅτι πνεῦμα σάρκα καὶ ὀστέα οὐκ ἔχει καθὼς ἐμὲ θεωρεῖτε ἔχοντα. 39 “hãy nhìn xem những bàn tay và những bàn chân của thầy, chính thầy đây. Hãy chạm vào thầy và hãy xem, ma đâu có xác và xương như anh em thấy thầy đang có”
40 καὶ τοῦτο εἰπὼν ἔδειξεν αὐτοῖς τὰς χεῖρας καὶ τοὺς πόδας. 40 và khi nói điều này Người cho họ xem những bàn tay và những bàn chân.
41 ἔτι δὲ ἀπιστούντων αὐτῶν ἀπὸ τῆς χαρᾶς καὶ θαυμαζόντων εἶπεν αὐτοῖς· ἔχετέ τι βρώσιμον ἐνθάδε; 41 nhưng vì họ chưa tin vì quá vui mừng và kinh ngạc. Người nói cùng họ: “anh em có gì có thể ăn không?”
42 οἱ δὲ ἐπέδωκαν αὐτῷ ἰχθύος ὀπτοῦ μέρος· 42 họ đưa cho Người một phần cá nướng
43 καὶ λαβὼν ἐνώπιον αὐτῶν ἔφαγεν. 43 và sau khi nhận lấy, Người ăn trước mặt họ.
44 Εἶπεν δὲ πρὸς αὐτούς· οὗτοι οἱ λόγοι μου οὓς ἐλάλησα πρὸς ὑμᾶς ἔτι ὢν σὺν ὑμῖν, ὅτι δεῖ πληρωθῆναι πάντα τὰ γεγραμμένα ἐν τῷ νόμῳ Μωϋσέως καὶ τοῖς προφήταις καὶ ψαλμοῖς περὶ ἐμοῦ. 44 Rồi Người nói cùng họ: “những lời của ta, những lời mà ta đã nói cùng anh em khi ta còn ở với anh em rằng: tất cả những lời đã được viết trong luật Mô-sê và các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh về ta phải được hoàn trọn.”
45 τότε διήνοιξεν αὐτῶν τὸν νοῦν τοῦ συνιέναι τὰς γραφάς· 45 rồi Người mở trí cho họ hiểu Thánh Kinh
46 καὶ εἶπεν αὐτοῖς ὅτι οὕτως γέγραπται παθεῖν τὸν χριστὸν καὶ ἀναστῆναι ἐκ νεκρῶν τῇ τρίτῃ ἡμέρᾳ, 46 và Người nói cùng họ rằng như đã được chép, Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ và chỗi dậy từ cõi chết vào ngày thứ ba.
47 καὶ κηρυχθῆναι ἐπὶ τῷ ὀνόματι αὐτοῦ μετάνοιαν εἰς ἄφεσιν ἁμαρτιῶν εἰς πάντα τὰ ἔθνη. ἀρξάμενοι ἀπὸ Ἰερουσαλὴμ 47 và sự hoán cải để được ơn tha thứ nhờ danh Người phải được loan báo cho tất cả các dân tộc, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem.
 48 ὑμεῖς μάρτυρες τούτων. (Lk. 24:35-48 BGT)

48 anh em là những chứng nhân của những việc này.

Bối cảnh bản văn:

Lc 24,35-38 nằm ngay sau và tiếp nối trình thuật về sự kiện Đức Giê-su hiện ra cho hai môn đệ trên đường trở về Emmaus (24,13-32) và cuộc gặp gỡ giữa hai ông và nhóm Mười Một tại Giê-ru-sa-lem (Lc 24,33-35). Đoạn văn này cũng nằm ngay trước đoạn văn kết thúc của Tin Mừng Luca (Lc 24,49-53). Trình thuật này nằm trong tổng thể những trình thuật nói về những lần hiện ra của Đức Giê-su. Nó kết hợp chặt chẽ với đoạn văn nói về “ngôi mộ trống” (Lc 24,1-7) để hoàn trọn những bằng chứng về sự kiện Đức Giê-su Phục Sinh. Nghĩa là, không những Đức Giê-su không còn ở trong mồ, mà Người còn hiện ra cho các môn đệ. Người không những hiện ra một lần mà còn nhiều lần, nhiều cách khác nhau. Người đã không biến mất cách bí ẩn. “Xác chết” của Người cũng không bị các môn đệ lấy cắp như người ta vẫn đồn thổi (Mt 28,11-15). Bằng chứng Người đã Phục Sinh là quá tỏ tường và chắc chắn. Chủ đề “sai đi” và “làm chứng nhân” vào cuối đoạn văn này (Lc 24,47-48) rõ ràng nối kết cách chặt chẽ với lời hứa “gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” hay là “quyền năng từ trời cao”. Những điều này ngụ ý đến Thần Khí. Chủ đề này cũng liên kết không rời đến những hoạt động của các Tông Đồ và Giáo Hội Sơ Khai được tường thuật cách chi tiết trong sách Công Vụ Tông Đồ (được xem là phần thứ hai của tác phẩm của Luca). Chủ đề mạc khải Thánh Kinh về việc Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba sẽ chỗi dậy (Lc 24,46) đã được nói đến trong trình thuật về “Ngôi Mộ trống” trước đó (Lc 24,7) và trong trình thuật về Hai môn đệ Emmaus (Lc 24,26-27). Lời chúc bình an và cho xem tay chân có mối liên hệ gần gũi với trình thuật của Gioan về việc Đức Giê-su hiện ra với nhóm Mười Một (Ga 20,19-23) và với nhóm Mười Một cùng với Tô-ma (Ga 20,24-29). Cũng cần biết thêm, trong bốn tác giả Tin Mừng, chỉ có Luca và Gioan đề cập đến lời chúc bình an của Đấng Phục Sinh. Gioan dùng nhiều lần hơn lời chúc này (Gioan dùng 3 lần Ga 20,19.21.26, Luca chỉ có một lần Lc 24,36). Hơn nữa, cũng chỉ có Luca và Gioan nói đến việc Đức Giê-su cho các môn đệ xem những bàn tay, những bàn chân (Luca) và cạnh sườn (Gioan). Những đoạn này của Luca và Gioan dường như có chung truyền thống. Kiểu nói “Sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các sách Thánh Vịnh” cho phép sự kiện, trình thuật này nối kết với toàn bộ Cựu Ước. Trong bối cảnh trực tiếp, Lc 24,35-38 hoàn tất, tổng hợp tất cả những lần hiện ra của Đức Giê-su. Nó là tổng hợp của lần hiện ra cho hai cá nhân hai môn đệ (Lc 24,13-32), và lần hiện ra với cá nhân Phê-rô và được nhóm Mười Một làm chứng (Lc 24,33-34). Lần này, Đức Giê-su hiện ra với toàn bộ các môn đệ cách long trọng và cụ thể hơn. Vậy là không có ai không thấy Người nữa. Sứ vụ sẽ được trao cho tất cả, sau khi tất cả họ đều đã thấy Chúa Phục Sinh.

Giới hạn và cấu trúc:

Giới hạn: Lc 24,35-38 được khởi đầu bằng việc các ông (hai môn đệ Emmaus) tường thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường. Lc 24,35 xem ra không phải là một câu khởi đầu lý tưởng cho một đoạn văn bởi vì nó không mang một dấu hiệu chuyển đoạn một cách rõ rệt. Hơn nữa, Lc 24,35 làm gián đoạn cuộc đối thoại giữa nhóm Mười Một và Hai Môn đệ Emmaus (Hai nhóm này đang kể cho nhau nghe về cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su Phục Sinh). Thiết nghĩ, đoạn văn này nên được mở rộng ra phía trước ít nhất đến Lc 24,33: “họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp nhóm Mười Một và các bạn hữu”. Về văn chương, Lc 24,33 mới có những dấu hiệu chuyển đoạn rõ rệt: Nơi chốn (Giê-ru-sa-lem), thời gian: “ngay lúc ấy”; nhân vật (nhóm Mười Một và các bạn hữu). Về nội dung, nếu lùi lại phía trước đến Lc 24,33 như thế đoạn này mới bao hàm được cuộc đối thoại giữa hai nhóm (Nhóm Mười Một và nhóm hai môn đệ Emmaus). Câu kết của đoạn văn: “chính anh em là những chứng nhân của những điều này” (Lc 24,38) xem chừng cũng không hợp lý lắm, bởi nó cũng cắt đứt sự liền mạch trong lời nói của Đức Giê-su với các môn đệ. Trong câu văn sau đó (Lc 24,49), Đức Giê-su vẫn tiếp tục nói trong mạch văn rằng: “Để ý (này)! Thầy sẽ gửi cho anh em lời hứa của cha Thầy”. Vì thế, đoạn văn nên được kéo dài đến hết Lc 24,49 mới kết thúc lời căn dặn của Đức Giê-su. Hơn nữa, Lc 24,50 mới có dấu hiệu chuyển đoạn cho một đoạn mới. Một cách lý tưởng hơn, câu chuyện này nên được kết thúc ở câu cuối cùng của Tin Mừng Luca, vì tới đây thì mới kết thúc câu chuyện Đức Giê-su hiện ra với nhóm Mười Một và những người đồng bạn. Câu chuyện kết thúc bằng việc, họ nhìn nhận Đức Giê-su Phục Sinh bằng hành động “bái thờ” Người, “lòng đầy hoan hỷ” và “hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,52-53).[1]

Cấu trúc: Lc 24,35-48 có thể được chia làm 3 phần:

Phần đầu tiên được nới rộng ra cho trình thuật về cuộc hội ngộ giữa hai nhóm chứng nhân: nhóm Emmaus và nhóm Mười Một cũng như những người đang tụ họp với họ. Phần này gồm ba tiểu phần: Ngoài phần bối cảnh, hai tiểu phần song song (A) Lời chứng của nhóm Mười Một // (A’) Lời chứng của nhóm Emmaus. Phần II cũng gồm hai tiểu phần chính song song với nhau. Tiểu phần (A) Cảm xúc của các môn đệ // (A’) Cảm xúc của các môn đệ. Phần III là gồm 3 tiểu phần khác nhau. Tiểu phần (A) Gợi nhớ; tiểu phần (B) Mở trí; tiểu phần (C) Lời Chứng; và tiểu phần (D) Chứng nhân – Các môn đệ.

I. Cuộc đối thoại giữa nhóm Emmaus và nhóm Mười Một (24,33-35)

   Bối cảnh: Thời gian, nơi chốn, nhân vật (24,33)

      A. Lời chứng của nhóm Mười Một (24,34)

         A’. Lời chứng của nhóm Emmaus (24,35)

II. Cuộc hiện ra cho cả hai nhóm (24,36-43)

     Bối cảnh: Hiện đến – chúc bình an (24,36)

     A. Cảm xúc của các môn đệ: kinh hồn, bạt vía (24,37)

        A1. Trấn an của Đức Giê-su: Sao lại hoảng hốt? hãy nhìn xem (24,38-39)

        A2. Chứng minh: Cho xem tay và chân (24,40)

   A’. Cảm xúc của các môn đệ: Chưa tin – mừng – ngỡ ngàng (24,41a)

       A1’. Hỏi xin thức ăn (24,41b)

       A2’. Chứng minh: Ăn cá nướng (24,41b-43)

III. Giải thích biến cố Tử Nạn – Phục Sinh (24,44-48)

      A. Gợi nhớ (24,44)

      B. Mở trí (24,45a)

      C. Lời chứng (24,46-47)

          C1. Khổ nạn – Phục Sinh (24,46)

          C2. Mệnh lệnh rao giảng (24,47)

      D. Chứng nhân: Các tông đồ (24,48)

Một số điểm chú giải

  1. Đức Chúa đã chỗi dậy:[2] Đây là thông tin ‘hót’ có khả năng thay đổi cả vận hạn cuộc đời của các Tông Đồ và những ai tin theo Đức Giê-su. Họ không mong chờ tin này, bởi vì họ không hiểu lời Thánh Kinh mà Đức Giê-su phải làm cho họ nhớ lại như sẽ thấy sau. Đối với họ đây là thông tin bất ngờ và không tưởng mà khi đối diện họ thường “sửng sốt”, “hoảng sợ”, hoặc “kinh ngạc”. Thật ra, trong Tin Mừng Nhất Lãm Đức Giê-su đã tiền báo việc Người “sẽ chỗi dậy” không phải một lần mà đến ba lần (Mc 8,31-33; 9,31-32; 10,33-34; Mt 16,21-23; 17,22-23; 19,27-30; Lc 9,22; 9,43b-45; 18,27-30). Thế mà, chẳng hiểu sao họ chẳng nhớ gì về lời tiền báo được lặp lại với mật độ dày đặc này. Có thể cái chết của Đức Giê-su là cú sốc quá lớn đối với họ vì họ không bao giờ tưởng tượng được là Đấng Mê-si-ah phải chết.
  2. “Những gì đã xảy ra dọc đường”: Cách diễn tả này là tóm gọn cho tất cả câu chuyện dài nói về việc Đức Giê-su hiện ra đồng hành, lắng nghe, đặt câu hỏi, khiển trách và giải thích toàn bộ Thánh Kinh cho hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-32). “Những gì xảy ra dọc đường” là tiền đề cũng như là phong nền cho việc “họ nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh”
  3. “Khi Người bẻ bánh”: Đây là khoảnh khắc mấu chốt của trình thuật Emmaus mà nếu không có nó thì hai môn đệ Emmaus vẫn còn “buồn rầu” như lúc họ rời Giê-ru-sa-lem về Emmaus, và sẽ không có cuộc trở lại Giê-ru-sa-lem ngay lập tức. Khoảnh khắc “khi Người bẻ bánh” đã làm cho “mắt của họ được mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,31). Không những thế, khoảnh khắc ấy còn giúp họ nhận ra rằng “lòng của họ đã bừng cháy lên” khi họ nghe Người nói chuyện và giải thích Thánh Kinh (Lc 24,32). Không có khoảnh khắc “khi Người bẻ bánh” thì “sự bừng cháy kia” cũng đi vào quên lãng và chẳng có tác dụng gì. “Khoảnh khắc ấy” bây giờ lại trở nên lời chứng của hai môn đệ Emmaus cùng với “những chuyện xảy ra dọc đường”. Cả hai làm nên một lời chứng sống động cho sự hiện hữu cách sống động và gần gũi của Đức Ki-tô Phục Sinh.
  4. “Đứng giữa các ông”: Tương tự như Gioan (Ga 20,19.26), Luca cũng cho thấy Đức Giê-su “đứng giữa” các tông đồ. Vị trí “đứng giữa” này vừa cho thấy Đức Giê-su chính là trung tâm điểm và là điểm hội tụ của cộng đoàn các Tông Đồ, vừa cho thấy rằng tất cả các Tông Đồ, cũng như những người ở cùng các ông đều có thể nhìn thấy Đức Giê-su Phục Sinh cách tỏ tường. Luca dùng động từ “ἀθροίζω” (quy tụ) ở thể bị động, thì hoàn thành và lối phân từ (ἠθροισμένους – đang được quy tụ với nhau) để diễn tả cách thức nối kết của các Tông Đồ và những người cùng ở với họ (Lc 24,33). Họ đang được Thiên Chúa quy tụ lại với nhau và Đức Giê-su chính là điểm quy chiếu, nơi quy tụ cho cộng đoàn này.
  5. “Bình an cho anh em”:[3] Như đã nói trên, chỉ có Luca và Gioan ghi lại lời chúc bình an này của Đức Giê-su. Gioan ghi lại nhiều lần hơn (3 lần: Ga 20,19.21.26) trong khi đó Luca chỉ có một lần, chính là lần này (Lc 24,36). Tuy nhiên, ý nghĩa của lời chúc bình an này hơi khác nhau giữa Luca và Gioan. Trong Gioan, các môn đệ đang ở trong tình trạng “cửa đóng then cai” vì “sợ những Người Do Thái”. Đức Giê-su đến và trấn an các ông bằng lời chúc bình an. Kết quả là, các môn đệ “vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20). Luca không nói gì đến tình trạng “cửa đóng then cài” và nỗi sợ “những người Do Thái” của các Tông Đồ. Ngay cả trong sách Công Vụ, đoạn nói về Lễ Ngũ Tuần, Luca cũng chỉ nói là “mọi người đang quy tụ ở một nơi” (Cv 2,1). Lối giải thích rằng các Tông Đồ “bung cửa ra”, ra đi rao giảng, sau khi nhận Thánh Thần, xem ra chỉ là một sự suy đoán, diễn giải mà thôi, vì họ có đóng cửa đâu mà “bung ra.” Luca cũng cho biết rằng các Tông Đồ “hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,52). Sự đe dọa của người Do Thái hình như không tồn tại trong tác phẩm của Luca. Rõ ràng, Luca nhấn mạnh đến sự quy tụ hơn là tình trạng sợ hãi “những Người Do Thái” của nhóm các môn đệ và những người ở với họ. Trong dịp quy tụ và bàn luận về sự phục sinh của Đức Giê-su, Người xuất hiện và ban bình an cho họ.
  6. Hoảng hồn và trở nên kinh khiếp”: Ngạc nhiên thay, sau lời chúc bình an của Đức Giê-su, tâm trạng các môn đệ dường như không những không được bình an hơn mà còn vô cùng hoảng loạn. Luca dùng hai động từ với nghĩa tương tự nhau đề diễn tả tâm trạng của các môn đệ. Cả hai động từ đều diễn tả nỗi sợ hãi ở mức độ mạnh: “πτοέω” (kinh sợ, giật mình) và động từ trạng thái “γίνομαι” + tính từ “ἔμ-φοβος” (trở nên kinh hãi). Có thể dịch nôm na rằng: “họ giật bắn cả mình và trở nên kinh hãi”. Bản Việt Ngữ (CGKPV) dịch rằng “các ông kinh hồn bạt vía” hay là “kinh hoàng khiếp đảm” (NTT), đều là cách dịch ghép cả hai động từ lại. Cách diễn tả của Luca cho thấy đó là nỗi sợ hãi ở mức độ cao nhất trong cuộc đời các môn đệ. Chưa bao giờ mà các ông kinh hãi như thế. Cảm xúc này cho thấy sự nghịch lý, mức độ không tưởng trong suy nghĩ của các môn đệ trước biến cố Phục Sinh và khi đối diện với Đấng Phục Sinh. Phản ứng của họ cho thấy một bản chất không thể khôi phục của những thế giới quan của họ, sự thiếu chấp nhận tất cả những lời dạy của Đức Giê-su về cách thức mà mục đích thần linh sẽ được hoàn trọn nơi Người.[4]
  7. Ma”: “πνεῦμα” trong tiếng Hy Lạp thường có nghĩa là “tinh thần”, “gió”, “hơi thở” (Lc 23,46), “linh hồn” (Lc 1,47). Danh từ này dùng để nói về Chúa Thánh Thần (Lc 1,35; 2,25; 3,22;11,13; 12,10.12) hay là Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tinh thần, (thần khí) (Ga 4,24). Nó cũng được dùng để diễn tả quỷ (Lc 4,33; 9,39; 11,24). Trong bối cảnh này, với sự giải thích mang tính trấn an của Đức Giê-su: “hồn ma đâu có xương và có thịt như anh em thấy Thầy có đây”, danh từ này nên hiểu là “hồn” của Đức Giê-su thì hợp lý nhất. Họ tưởng là “hồn” của Đức Giê-su hiện về, nên họ “kinh hãi”. Mác-cô, Mát-thêu và Gioan dùng một danh từ khác nữa để diễn tả “ma”. Đó là “φάντασμά” (ma, ghost). Danh từ này được cả Mác-cô, Mát-thêu và Gioan dùng trong trình thuật Đức Giê-su đi trên mặt nước (Mc 6,45-52; Mt 14,22-33; Ga 6,16-21). Trong trình thuật ấy, các Tông Đồ cũng tưởng Đức Giê-su là “ma”, có lẽ vì chưa xác tín về khả năng siêu phàm của bản tính thần linh nơi Đức Giê-su. Luca không có trình thuật này. Tuy nhiên, chỉ có trong Luca, độc giả mới biết là các Tông Đồ mới nghĩ rằng Đức Giê-su Phục Sinh là “hồn ma”.
  8. “Hãy chạm thầy và hãy xem”: Lời mời gọi này nằm trong toàn bộ nỗ lực trấn an, giải thích của Đức Giê-su cho các môn đệ rằng Người không phải là “hồn ma”.[5] Người là người thật, bằng xương và bằng thịt (σάρκα καὶ ὀστέα Lc 24:39). Xương và thịt này có thể vừa xem thấy bằng mắt vừa có thể chạm và cảm nhận bằng xúc giác. Sự đáp ứng này của Đức Giê-su dành cho các môn đệ ở đây tương tự như cách mà Đức Giê-su đáp ứng đòi hỏi của Tô-ma trong Tin Mừng Gioan (Ga 20,25.27). Tô-ma đòi hỏi phải xỏ ngón tay vào những lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn. Nghĩa lã đụng chạm, kiểm chứng được những vết thương của Người. Tuy nhiên, nói thế thôi, chứ Tô-ma chưa bao giờ xỏ ngón tay vào những lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Đức Giê-su. Chỉ cần thấy Chúa thì ông đã tin rồi (Ga 20,28).[6]
  9. “Cho họ xem những bàn tay và những bàn chân”: Bằng chứng cụ thể nhất chứng tỏ rằng đây là Đức Giê-su “chính hiệu” không phải “ma”, cũng không phải “hàng nhái”, không có gì khác hơn là những vết thương trên cơ thể Người. Bất cứ người tử tội bị đóng đinh nào cũng để lại những vết thương trên hai bàn tay và hai bàn chân. Luca không đề cập đến vết thương bên cạnh sườn. Vết thương này chỉ có Đức Giê-su mới có. Tuy nhiên, trong cả bốn tác giả sách Tin Mừng, chỉ có tác giả Tin Mừng thứ tư ghi lại sự kiện Đức Giê-su bị đâm thâu vào cạnh sườn khiến “máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Luca không nhắc đến vết thương này xem ra cũng hợp lý, vì ông đã không có tường thuật về việc Đức Giê-su bị đâm vào cạnh sườn. Gioan nhắc đến ba lần những lỗ đinh trên những bàn tay và vết thương ở cạnh sườn, nhưng không đề cập đến những vết thương trên những bàn chân (Ga 20,20.25.27). Như thế, có lẽ phải kết hợp cả hai nguồn của Gioan và Luca, người ta mới có đầy đủ 5 vết thương trên cơ thể của Đức Giê-su. Tuy nhiên, số lượng vết thương không quan trọng. Điều quan trọng hơn là những vết thương ấy chứng tỏ ít nhất hai điều: (1) Đức Giê-su đã Phục Sinh; (2) Người mang chính thân thân xác khi Người chịu khổ hình và chết.
  10. “Nhưng vì họ chưa tin”: Đức Giê-su phải đi xa hơn một tý nữa để chứng minh cho các môn đệ, vì có lẽ Người vẫn thấy dấu hiệu của sự nghi ngờ trong lòng họ. “Sự nghi ngờ nảy lên trong lòng” lòng họ. Chữ “tâm” (lòng) được nhắc đến ở đây cũng như trước đó (Lc 24,25.320 nhắc nhở thính giả của Luca về sự quan trọng trong những cảnh này. Đó là sự cần thiết phải có những cam kết nội tâm của những con người này để tái định hình trong ánh sáng của sự Phục Sinh của Chúa.[7] Họ phải hoàn toàn chuyển đổi nhưng họ tiếp tục thiếu những tố chất để đón nhật kinh nghiệm mới này của Đức Giê-su trong một cách thức đầy ý nghĩa. Luca giải thích lý do họ “chưa tin” là “vì vui mừng và kinh ngạc” (χαρᾶς καὶ θαυμαζόντων). Cảm xúc các môn đệ sau sự trấn an của Đức Giê-su bằng lời giải thích và được xem những bàn tay và những bàn chân của Người. Họ đã chuyển từ cảm xúc “kinh sợ và hết hồn” thành cảm xúc “vui sướng và ngạc nhiên”. Sự chưa tin của các môn đệ ở đây có thể nói nôm na là “chưa tin vào mắt mình”. Sự chuyển đổi tình huống là quá nhanh chóng. Họ tưởng mình đang mơ, vì niềm vui quá lớn và đến quá bất ngờ. Có thể sánh như là một người mê tiền trúng số vài trăm tỷ đồng (tuy hơi khập khiểng). Đức Giê-su chính là nguồn sống, là lý tưởng, là cùng đích của toàn bộ đời sống của họ. Khi Người chết, đối với họ, mọi sự coi như chấm hết. Nay Người sống lại, mọi sự được phục hồi lại, tất cả niềm hy vọng của họ và nhất là sự sống vĩnh cửu được hồi sinh (Lc 18,30; Ga 3,16.36; 5,24; 6,40; Rm 6,23; 1 Tm 1,16).
  11. “Lấy … Ăn trước mặt họ”: Ứng với một cảm xúc của các môn đệ là một hành động nỗ lực giải thích và chứng minh của Đức Giê-su. Khi các ông “kinh hãi”, Người đã cố gắng mời gọi các ông hãy nhìn xem, hãy chạm vào Người. Rồi Người tiếp tục giải thích rằng “hồn ma” đâu có xương có thịt như các ông đang thấy Người. Khi họ vẫn còn “chưa tin vì mừng vui và kinh ngạc”, Người lại hỏi xin một phần cá nướng và ăn trước mặt các ông. Giới từ “trước mặt” diễn tả sự cụ thể, mang tính chứng minh cho mọi người đều thấy. Nó hòa hợp với những mời gọi, “hãy xem”, hãy “chạm” trước đó của Đức Giê-su để làm thành những chứng cứ đầy đủ mang tính mắt thấy, tai nghe, tay sờ.[8] Hai hành động “sau khi nhận lấy” và “ăn” cho thấy Đức Giê-su đang sống thật sự như một người bình thường. Người có thể sử dụng tay và ăn uống rất bình thường. Hành động này cho thấy Đức Giê-su đang làm hết sức có thể để các môn đệ có thể tin trọn vẹn vào sự sống là và xuất hiện tỏ tường của Người. Sự kiện Đức Giê-su xin phần cá nướng và ăn trước mặt các Tông Đồ và những đồng bạn chỉ có trong Tin Mừng Luca. Luca diễn tả Đức Giê-su chủ động và nỗ lực hết mình để minh chứng cho nhóm các Tông Đồ về thân thế Phục Sinh của Người. Tường thuật Đức Giê-su ăn cá nướng, Luca chỉ muốn nhấn mạnh đến rằng thân xác Đức Giê-su Phục Sinh không phải là “ma” nhưng là một thực tại có thể cảm nghiệm được bằng giác quan.[9]
  12. “Những lời mà ta đã nói cùng anh em”: Sau khi chứng minh cho các môn đệ thấy rằng Người đang hiện diện thật bằng xương bằng thịt. Đức Giê-su tiếp tục gợi nhớ cho các ông về những điều mà Người đã nói trước về việc ứng nghiệm của Luật Mô-sê, Các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh. Có rất nhiều Thánh Vịnh đề cập đến Đấng Messiah (Tv 2,2; 18,51; 20,7; 28,8; 84,10; 89,39.52; 132,10.17).[10]
  13. “Luật Mô-sê và các ngôn sứ và các Thánh Vịnh”: Đây rõ ràng là cách nói tổng quát cho toàn bộ Sách Thánh Cựu Ước. Luật Mô-sê là Bộ Ngũ Thư (5 cuộn): Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số, Đệ Nhị Luật. Bộ này thường được gọi là “Tô-rah” (תורה), tiếng Hy Lạp là “νόμος” (luật). Thật ra, chữ Tô-rah trong tiếng Do Thái có nghĩa là “chỉ dẫn, hướng dẫn, lời dạy” chứ không chỉ có nghĩa là cứng nhắc là “Luật”. Đó là những chỉ dẫn, lời dạy của Chúa. Năm cuộn sách này trước đây thường được hiểu là do ông Mô-sê ghi lại vì thế giá của ông, vị ngộn sứ vĩ đại được thấy Chúa mặt giáp mặt (Ex 33,11; Ds 12,8; Đnl 5,4; 34,10) và trực tiếp nhận “Mười Lời” (Điều Răn) từ Chúa trên núi Sinai (Xh 31,18; 34,29). Ngày nay, với phương pháp nghiên cứu phê bình văn chương, các chuyên qua khám phá ra rằng 5 cuộn sách này không thể được viết nên bởi một người, vào một khoảng thời gian nhất định. Đó là tác phẩm được hình thành qua nhiều thế hệ, bởi sự gom góp nhiều câu chuyện, nhiều sự kiện; được trình bày bằng nhiều thể loại văn chương khác nhau, bởi nhiều người, qua nhiều thế hệ. Thuyết bốn nguồn văn (J, E, P, D) được Julius Wellhausen giới thiệu vào giữa thế kỷ 19, đã phần nào giải thích được sự kết hợp của các loại văn phong, từ ngữ khác nhau, sự lặp lại, gấp đôi các câu chuyện, trong bộ Ngũ Thư này.[11] Thuyết này tuy có vài chuyên gia phản bác và phê bình nhưng hiện nay vẫn còn giá trị ảnh hưởng và được đa số các chuyên gia hàng đầu đón nhận. Phần thứ hai của Sách Thánh Do Thái được gọi cá “các Ngôn sứ” (Neviim: Gs; Tl; 1&2 Sm; 1&2 V; Is; Gr; Ed; Hs; Ge; Am; Ôv; Gn; Mc; Nh; Kb; Xp; Kg; Dcr; Ml) và phần thứ ba gọi là “các văn phẩm” (Ketuvim: Tv; G; Cn, R, Dc, Hc, Ac, Et; Dn; Er; Nh; Sb).[12] Khi nói “các Thánh Vịnh”, có thể Đức Giê-su muốn nói chung đến toàn bộ thể loại “các văn phẩm” đã liệt kê trên. Trước đó, Luca đã ghi lại một lần Đức Giê-su đề cập đến “Lề Luật” và “các ngôn sứ” (Lc 16,16; Cf. Mt 11,12-13); một lần đề cập đến riêng “Lề Luật” (Lc 16,17; cf. Mt 5,18); và hai lần ông Áp-ra-ham nói đến “Mô-sê” và “các Ngôn Sứ” (Lc 17,29.31). “Mô-sê” và “tất cả các Ngôn sứ” lại được nhắc lại một lần nữa trong trình thuật về các môn đệ Emmaus (Lc 24,27). Tuy nhiên, trong tất cả những lần ấy, “các Thánh Vịnh” không được nhắc đến. Xem ra, đây là lần lọng trọng mà Luca cho thấy Đức Giê-su bao hàm tất cả các sách Cựu Ước, bao gồm cả “các Thánh Vịnh”. Khi nhắc nhớ như thế, Đức Giê-su cho thấy câu chuyện của Người, của giáo hội sơ khai và câu chuyện của dân Ít-ra-el xưa không khác nhau. Đức Giê-su lồng câu chuyện của mình vào trong câu chuyện Sách Thánh và sự đau khổ, Phục Sinh của Người là điểm quy chiếu và ánh sáng cho toàn bộ Sách Thánh.[13] Hơn thế nữa, sứ vụ chứng nhân của các Tông Đồ sẽ đưa mầu nhiệm của Người vươn đến tương lai nữa.
  14. “Hoàn trọn”: Động từ “hoàn trọn” được dùng ở dạng nguyên mẫu (πληρωθῆναι Lc 24:44) theo sau động từ không ngôi (δεῖ) diễn tả sự bắt buộc trong kế hoạch cứu độ (“phải được hoàn trọn”). Luca là tác giả Tin Mừng sử dụng nhiều nhất cấu trúc “phải” + “động từ nguyên mẫu” (Lc: 12 lần; Mt 4 lần; Mc: 5 lần; và Ga: 4 lần). Có thể nói đây là cấu trúc được Luca ưa chuộng. Trong 12 lần cấu trúc này được sử dụng trong Tin Mừng Luca, có 9 lần được áp dụng cho Đức Giê-su.[14] Có hai lần ý tưởng “Sách Thánh” (Điều đã được viết) “phải được hoàn trọn” được Luca dùng. Ngoài lần này ra, Đức Giê-su còn nhắc đến việc Người sẽ bị liệt vào hàng “những tên tội phạm” để hoàn trọng lời Thánh Kinh (Lc 22,37). Trong bối cảnh ấy có lẽ Đức Giê-su ám chỉ đến Is 53,12.
  15. “Mở trí cho họ hiểu Thánh Kinh”: Hành động mở trí này không có lẽ không có ý nói đến một tác động “bấm nút mở cảm ứng” kiểu điện tử kỹ thuật số, cho bằng là sự giải thích của chính Đức Giê-su. Hành động mở trí có vẻ giống như cách mà Đức Giê-su từng làm với hai môn đệ trên đường Emmaus: “Bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các Ngôn Sứ, Người giải thích cho họ hiểu những gì liên quan đến Người trong tất cả các Sách Thánh” (Lc 24,27). J. Fitzmyer nghĩ rằng cảnh này dường như đề nghị rằng chính đức tin vào chính Đấng Ki-tô là mấu chốt.[15] Bovon tổng hợp rằng Phục Sinh là ngày của những sự mở ra: mở ngôi mộ (24,2); mở đôi mắt (24,31); mở Thánh Kinh (24,32) và mở trí (24,45). “Trí” (νοῦς) ở đây bao hàm cả lòng (καρδία, 24,25.32).[16]
  16. “Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ và chỗi dậy từ cõi chết”: Tất cả những điều Luật Mô-sê, cá ngôn sứ và các Thánh Vịnh nói về Đức Giê-su là một lối nói bao hàm rất rộng. Điều Đức Giê-su muốn giới hạn và cụ thể ở trong bối cảnh này là câu Người đã trích ra: “Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ và chỗi dậy từ cõi chết”. Đây cũng chính là nội dung mấu chốt mà Người đã nhắc với hai môn đệ trên đường về Emmaus (Lc 24,26). Qua hai cách diễn tả ở hai dịp khác nhau với hai nhóm người: (1) Nhóm Hai môn đệ và (2) Nhóm tổng hợp “hai môn đệ, Nhóm Mười Một, những đồng bạn”, Luca như diễn tả cùng một nội dung, tuy thứ tự các câu văn có bị đảo lỗn. Ở câu chuyện hai môn đệ Emmaus, Đức Giê-su khởi đầu bằng việc đặt câu hỏi rằng: “Nào Đấng Ki-tô chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào vinh quang của Người hay sao?” “Rồi, bắt đầu từ Mô-sê và tất cả các ngôn sứ Người giải thích cho hai ông hiểu những gì liên quan đến Người trong Sách Thánh” (Lc 24,26-27). Người giải thích như thế như là một cách “mở trí” vì lòng trí của họ thật “chậm tin vào lời các ngôn sứ” (Lc 24,26). Trong trình thuật này, Luca bắt đầu bằng lời gợi nhớ của Đức Giê-su về việc tất cả những gì Luật Mô-sê, các Ngôn Sứ và các sách Thánh Vịnh đã chép về Người phải được hoàn tất. Rồi, tiếp theo, Đức Giê-su mở trí cho họ hiểu Thánh Kinh. Rồi Đức Giê-su nói nội dung lời Thánh Kinh cụ thể: “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại”. Điều khác biệt duy nhất là trong lời trích Thánh Kinh ở đây Đức Giê-su thêm vào mệnh lệnh loan báo: “và sự hoán cải để được tha thứ nhờ danh Người phải được loan báo cho tất cả các dân tộc, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem” (Lc 24,47). Nội dung rao giảng là “sự hoán cải để được tha thứ nhờ danh Người”. Câu này không hề có trong trình thuật về hai môn đệ Emmaus. Thật khó để tìm ra trong Luật Mô-sê, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh một lời tiền báo như thế liên quan đến mệnh lệnh rao giảng.[17] Một mệnh lệnh loan báo như thế có lẽ là cách thức mà Luca diễn sứ vụ của các Tông Đồ và giáo hội sơ khai. Luca xem đó cũng là ứng nghiệm lời Sách Thánh đã nói trước, và sẽ được hoàn trọn nơi các hoạt động của được ghi lại nơi sách Công Vụ Tông Đồ.[18]
  17. “Sự hoán cải để được ơn tha thứ” (μετάνοιαν εἰς ἄφεσιν ἁμαρτιῶν Lc 24:47). Nội dung lời rao giảng mà Đức Giê-su buộc các môn đệ phải rao giảng rõ ràng làm người ta nhớ đến Phép Rửa do Gioan Tẩy Giả đã rao giảng vào đầu sách Tin Mừng. Ông Gioan cũng rao giảng một “Phép Rửa của lòng hoán cải để được ơn tha thứ” (βάπτισμα μετανοίας εἰς ἄφεσιν ἁμαρτιῶν Lc 3:3; Cf. Mc 1,4). Đây là thông điệp trọng yếu mà Đức Giê-su muốn các Tông Đồ rao giảng. Trong thời kỳ rao giảng Đức Giê-su cũng thường đến gặp gỡ và ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi (Lc 5,29-31). Khi người bị “lẩm bẩm trách” bởi những người Pha-ri-sêu Đức Giê-su lý giải rằng: Kêu gọi người tội lỗi hoán cải (ἁμαρτωλοὺς εἰς μετάνοιαν) là mục đích của Người khi đến trần gian (Lc 5,32; Cf. Mt 9,13; Mc 2,17). Sau này, sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại lời rao giảng của các môn đệ cũng căn cứ trên mệnh lệnh này. Phê-rô và các Tông Đồ rao giảng rằng “Thiên Chúa đã nâng Đức Giê-su, Người mà các ông treo lên cây gỗ mà giết đi, làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-el “ơn hoán cải” và “ơn tha tội” (Cv 5,30-31). Khi các thính giả ở Giê-ru-sa-lem hỏi Phê-rô họ phải làm gì, Phê-rô đã nói rằng: “Anh chị em hãy hoán cải, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su để được ơn tha tội” (Cv 2,37-38). Thánh Phao-lô cũng được Đức Giê-su sai đi “để mở mắt cho dân ngoại và dân Do Thái, khiến họ rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Xatan mà trở về cùng Thiên Chúa, nhờ tin vào Đức Giê-su mà được ơn tha tội và được hưởng gia tài cùng với các người đã được thánh hiến” (Cv 26,18). Hoán cải, để được ơn tha tội rõ ràng là một sợi chỉ đỏ nối kết sứ vụ của Gioan Tẩy Giả, Đức Giê-su, Các Tông Đồ và toàn thể Giáo Hội.
  18. “Tất cả các dân tộc” (πάντα τὰ ἔθνη): Danh từ τὰ ἔθνη, ở số nhiều thường được sử dụng chỉ các dân ngoại, ngoài Do Thái, các quốc gia, hay người nước ngoài. Tính từ bất định “πάντα” mở rộng biên giới rao giảng của các Tông Đồ đến vô tận, không trừ một ai. Đức Giê-su đã được ông Si-mê-on xem như là ơn cứu độ cho “muôn dân” và là “ánh sáng cho sự mạc khải cho các dân ngoại” (ἐθνῶν Lk 2,32).[19] Sứ vụ vươn đến dân ngoại này được hiện thực hóa trong Sách Công vụ Tông Đồ. Phê-rô được Thần Khí thúc đẩy đến nhà ông Co-nê-li-ô rao giảng và làm phép rửa cho cả nhà ông này (Cv 10,3tt). Sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại việc hồng ân Thánh Thần tuôn đổ trên những người ngoại (τὰ ἔθνη) (Cv 10,45); những người ngoại cũng đã lãnh nhận Lời Chúa (Cv 11,1). Phao-lô với ba hành trình truyền giáo nổi tiếng đã đem Tin Mừng của Đức Ki-tô đi khắp các vùng của đế quốc Rô-ma thời bấy giờ (Cv 13,2tt; 15,36tt). Đó là địa hình không gian tượng trưng cho toàn thế giới. Phao-lô lý giải rằng Lời Chúa phải được loan báo cho những người Do Thái trước tiên, nhưng vì họ từ chối và tự xem mình không xứng đáng với sự sống đời đồi, nên ông quay về phía các dân ngoại (Cv 13,46). Khi nghe Phao-lô và Banaba rao giảng những người ngoại bắt đầu “vui mừng và tôn vinh lời Chúa” (Cv 13,47). Các Tông đồ đã hoàn tất lời căn dặn của Đức Giê-su một cách tuyệt vời. Mệnh lệnh “làm cho muôn dân (πάντα τὰ ἔθνη) trở thành môn đệ” cũng được nói đến trong Tin Mừng Mat-thêu (Mt 28,19).
  19. “Những chứng nhân… những việc này” (ὑμεῖς μάρτυρες τούτων Lc 24:48): Các Tông đồ được trao sứ vụ rao giảng “sự hoán cải để được ơn tha tội”. Tuy nhiên, họ không chỉ là những chiếc loa vô cảm có chức năng truyền đi thông điệp. Họ là những chứng nhân cho những điều này. Chứng nhân theo hai nghĩa: (1) Họ là những người đã thấy, chứng kiến, mắt thấy, tai nghe, tay sờ mầu nhiệm Đức Giê-su;[20] (2) Họ phải làm chứng cho những lời họ rao giảng bằng chính đời sống đức tin sống động của họ. Đại từ chỉ định, giống trung, số nhiều “τούτων” (những điều này) khá trừu tượng. Nó không diễn tả cụ thể điều gì nhưng ngoại diên nghĩa của nó có thể mở ra vô hạn. “những điều này” có thể là toàn bộ câu chuyện Đức Giê-su hiện ra với “nhóm tổng hợp”, những điều người làm, và dạy trong câu chuyện này. Đó cũng có thể là tất cả các câu chuyện về những lần hiện ra của Người trong Tin Mừng, hoặc là toàn bộ mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh của Người. “Những điều này” cũng có thể là toàn bộ mầu nhiệm Cứu Độ được thực hiện qua Đức Giê-su, được toàn bộ Thánh Kinh nói đến, đặc biệt là những gì Người nói và làm được ghi lại trong Bốn Sách Tin Mừng. J. Green cho rằng “những điều này” có lẽ nên được hiểu cách rộng rãi bao hàm cả sự đau khổ và phục sinh của Đấng Mê-si-ah cũng như ý nghĩa của chúng trong tương quan với toàn bộ Sách Thánh và với nhiệm vụ loan báo tiếp tục của Hội Thánh sơ khai.[21]

Bình luận

Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh tường thuật sự kiện hai nhóm chứng nhân của Đức Ki-tô Phục Sinh đã gặp gỡ nhau: Nhóm hai môn đệ Emmaus và nhóm Mười Một và những đồng bạn. Họ đang kể cho nhau nghe về cuộc gặp gỡ của họ với nhau. Đức Giê-su lại hiện ra với toàn bộ cả cộng đoàn đang tụ họp. Người hiện diện ở giữa và ban bình an cho họ. Tuy nhiên, dường như tức thời họ không thể đón nhận được sự bình an ấy bởi họ còn chưa nhận ra Người. Họ đã trải qua một cảm giác kinh sợ nhất từ trước đến nay, theo cách diễn tả của Luca. Trong nỗi sợ hãi của họ có lẫn những nỗi nghi ngờ. Họ sợ “ma”. Họ không tin đó là Đức Giê-su thật. Họ nghĩ rằng đó chỉ là hồn ma vất vưởng của Đức Giê-su. Phản ứng này cho thấy họ chẳng hiểu Thánh Kinh cũng như chẳng nhớ gì về những lời tiền báo của Đức Giê-su về biến cố Tử Nạn-Phục Sinh. Hoặc là, vì biến cố Tử Nạn của Người quá khủng khiếp, chấn động khiến họ quên đi mọi sự, mất đi cả niềm hy vọng. Nhưng không sao, Đức Ki-tô hiểu và kiên nhẫn đủ để từng bước dẫn họ đi vào cuộc gặp gỡ thật sự với sự đón nhận biến cố Phục Sinh bằng cách cho họ “mục sở thị” và “mở trí” cho họ. Khi họ “giật mình và trở nên kinh hãi”, Người khởi đầu bằng cách mời gọi họ xem, và chạm vào Người. Những kiểm chứng thật sự bằng giác quan có thể được áp dụng linh động. Khi họ còn chưa kịp tin vì quá vui mừng và ngạc nhiên, Người hỏi xin một phần cá nướng và ăn trước mặt họ. Những kiểm chứng về giác quan ấy dường như vẫn còn chưa đủ. Người muốn họ phải có một sự hiểu biết thật sự tỏ tường về biến cố này. Đó là một sự đón nhận về trí năng. Muốn được như vậy, Đức Giê-su tiếp tục gợi nhớ cho họ rằng, thực ra, Người đã từng nói với họ về sự Phục Sinh của Người rồi. Người đã từng nói rằng tất cả những gì Thánh Kinh (Mô-sê, các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh) nói về Người phải được ứng nghiệm. Một trong những điểm quan trọng nhất mà Sách Thánh nói về Người là: “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy từ cõi chết” (Lc 24,46). Lời tiền báo tiêu điểm này của Sách Thánh không xa lạ với hai môn đệ Emmaus. Họ cũng đã được nghe Đức Giê-su nói y chang như vậy. Qua việc gợi nhớ và giải thích Sách Thánh, Đức Giê-su đã giúp cho cộng đoàn các môn đệ nối kết từ Cựu Ước đến Tân Ước. Câu chuyện lịch sử thánh của dân thánh Ít-ra-el được tiếp nối với câu chuyện của Đức Giê-su và những gì Sách Thánh nói được hoàn trọn nơi Đức Giê-su. Người chính là đỉnh cao cũng như điểm quy chiếu của toàn bộ Sách Thánh. Đường chỉ đỏ kết nối Cựu Ước và Tân Ước ấy sẽ còn tiếp diễn, bởi lẽ, theo Đức Giê-su, Sách Thánh cũng nói đến mệnh lệnh: “phải loan báo cho muôn dân lòng hoán cải để được ơn tha thứ nhờ danh Người”. Mệnh lệnh này rõ ràng nối kết sứ vụ của Đức Giê-su với sứ vụ của Giáo Hội. Hay nói cách khác, sứ vụ của Đức Giê-su, Tin Mừng Phục Sinh của Người sẽ được loan truyền qua đời sống chứng nhân của các Tông Đồ, cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khai và tất cả các Ki-tô hữu qua muôn thế hệ. Khởi đầu từ Giê-ru-sa-lem, thành phố chứng kiến cái chết của Đức Giê-su và cũng là nơi chứng kiến sự Phục Sinh của Người. “Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó”. Khởi đầu từ Giê-ru-sa-lem là hợp lý, bởi nơi đây, không ai không biết đến biến cố động trời: “Đấng Ki-tô bị kết án và bị đóng đinh” (Lc 24,18). Các Tông Đồ là những chứng nhân đầu tiên, vì họ là những người đã hiện diện ngày từ đầu với Đức Giê-su, và họ đã “mục sở thị”thân xác Đức Ki-tô Phục Sinh. Tuy nhiên, để làm chứng cách mạnh mẽ và hiệu quả họ còn cần lãnh nhận “quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49). Đó là quyền năng Thánh Thần được ban xuống trên từng người dưới dạng hình “lưỡi lửa” trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-4). Sau khi lãnh nhận Thánh Thần, Phê-rô đứng chung với nhóm Mười Một, đã giảng một bài giảng hung hồn chưa từng thấy. Qua bài giảng ấy, với quyền năng Thánh Thần, Phê-rô đã kéo được một mẻ lưới đầy chưa từng có, đến “3000 người theo đạo” (Cv 2,41).

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

[1] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A, 1573.

[2] J. Fitzmyer cho rằng Luca dùng dạng thức “kerygma” có lẽ, Luca đã thêm vào “ho Kyrios” (Đức Chúa), nhưng cũng có thể danh xưng này là một phần nguyên thủy của Kerygma [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1569.]

[3] Lời chào “bình an” là lời chào mang tính truyền thống trong Cựu Ước (Tl 6,23;8,35; 18,6; 19,20; 1 Sm 16,5; 29,7; 1V 2,13; 2 V 9,11 [L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 2005) 400].

[4] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 853.

[5] J. Fitzmyer cho rằng sự thach thức của Đức Giê-su đối với các môn đệ qua việc mời gọi nhìn và chạm có mục đích thiết lập căn tính của Người (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1576).

[6] Xem thêm, J.P.D. Thạch, “Từ Nghi Ngờ Sâu Thẳm Đến Niềm Tin Tuyệt Đỉnh”, HORIZON MISSIONARY: TỪ NGHI NGỜ SÂU THẰM ĐẾN NIỀM TIN TUYỆT ĐỈNH (josephpham-horizon.blogspot.com) (Truy cập 15/04/2021).

[7] J.B. Green, The Gospel of Luke, 854.

[8] F. Bovon cho rằng giới từ “phía trước” (ἐνώπιον) này được dùng với nghĩa là cùng với (σύν) xem ra không có ý nghĩa lắm [F. Bovon, Luke 3. A Commentary on the Gospel of Luke 19:28–24:53 (ed. H. Koester) (Hermeneia; Minneapolis 2012) 393].

[9] M.D. Hamm, “Luke”, The Paulist Biblical Commentary (Ed., J.E.A. Chiu et Al.) (New York 2018) 1102.

[10] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1583.

[11] X. J. E. A. Chiu et Al. (Ed.), The Paulist Biblical Commentary, 8-9.

[12] Sách Thánh của Giáo Hội Công Giáo gồm có hai Phần: Cựu Ước và Tân Ước. Phần Cựu Ước căn bản lấy từ Sách Thánh Do Thái và thêm vào một số sách, và bố trí lại theo thứ tự hơi khác so với Sách Thánh Do Thái. Phần Cựu Ước của Công Giáo gồm 46 cuốn sách, chia làm 4 phần. Phần I: Ngũ Thư (St, Xh, Lv, Ds, Đnl); phần II: Các Sách Lịch Sử (Gs, Tl, R, 1&2 Sm, 1&2 V, 1&2 Sb, Er, Nkm, Tb, Gđt, Et, 1&2 Mcb); phần III: Sách Giáo huấn và thơ ca (G, Tv, Cn, Dc, Kn, Hc); phần IV: Sách các Ngôn Sứ (Is, Gr, Ac, Br, Ed, Dn, Hs, Ge, Am, Ôv, Gn, Mk, Nk, Kb, Xp, Kg, Dcr, Ml). Phần Tân Ước gồm 27 cuốn, chia làm 3 nhóm. Nhóm I: Sách Tin Mừng (Mt, Mc, Lc, Ga) và Công Vụ Tông Đồ (Cv); nhóm II: 21 lá thư (Rm, 1&2 Cr; Gl, Ep, Pl, Cl, 1&2 Tx, 1&2 Tm, Tt, Plm, Hr, Gc, 1&2 Pr, 1,2&3 Ga, Gđ); nhóm III: Sách Khải Huyền (Kh).

[13] J.B. Green, The Gospel of Luke, 855-856.

[14] 2,49; 4,43; 9,22; 13,33; 17,25; 19,5; 22,37; 24,7; 24,44.

[15] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1583.

[16] F. Bovon, Luke 3. A Commentary on the Gospel of Luke 19:28–24:53 (ed. H. Koester) (Hermeneia; Minneapolis 2012) 395.

[17] J. Green nghĩ rằng khi đề cập đến việc loan báo “sự hoán cải để được ơn tha thứ” cho muôn dân, Đức Giê-su muốn nói đến Is 49,6, đoạn nói về việc Chúa hứa là sẽ khôi phục những người sống sót của Ít-ra-el và sẽ làm cho Ít-ra-el thành ánh sáng cho các quốc gia, để ơn cứu độ có thế đi đến tận cùng trái đất (J.B. Green, The Gospel of Luke, 857).

[18] M.D. Hamm, “Luke”, 1102-1103.

[19] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 853.

[20] Điều này làm cho độc giả nhớ đến Lời Tựa của Tin Mừng Luca, trong đó, thế hệ của những người từ thuở ban đầu đã trở thành chứng nhân nhãn tiền, và những tôi tớ của Lời (Lc 1,2) (F. Bovon, Luke 3, 396).

[21] J. Green cho rằng “những điều này” có lẽ nên được hiểu cách rộng rãi bao hàm cả đau khổ và phục sinh của Đấng Mê-si-ah cũng như ý nghĩa của chúng trong tương quan với toàn bộ Sách Thánh và với nhiệm vụ loan báo tiếp tục của Hội Thánh sơ khai (J.B. Green, The Gospel of Luke, 858).

Bài trướcNgày 16/4 – THÂN XÁC TA LÀ ĐỀN THỜ CHÚA THÁNH THẦN
Bài tiếp theoNgày 17/4 – CHIÊM NGẮM CHÚA BA NGÔI