Tự tình Cây bằng lăng và Chàng tu sĩ

0
1525

Chim Bằng

Có một giáo dân nọ rất yêu mến vị tu sĩ, đã tặng cho vị tu sĩ một cây bằng lăng. Vị tu sĩ trồng cây bằng lăng trước cửa phòng của mình. Chàng chăm bón, cắt tỉa và rất yêu mến cây bằng lăng ấy.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, cây bằng lăng lớn dần, lớn dần. Một hôm, khi nhìn ra khung cửa sổ, chằng tu sĩ thấy cây bằng lăng đã nở hoa,  đượm tím cả một khu vườn. Những con ong, con bướm thi nhau tận hưởng mùi hoa thơm nhè nhẹ. Chàng tu sĩ mỉm cười, hạnh phúc, vì những công lao, khó nhọc, vất vả nay đã trổ sinh hoa thơm.

Thế nhưng, một ngày kia, chàng tu sĩ phải chuyển đi nơi khác, chàng để lại cây bằng lăng cùng với bao kỷ niệm. Đến nơi nhiệm sở mới, chàng thương nhớ cây bằng lăng tím. Tim chàng buồn, mắt chàng ướt lệ. Nhưng sau những ngày tĩnh tâm, chàng tự vấn: Trước kia, khi chưa có cây bằng lăng ta vẫn vui, vẫn hạnh phúc. Vậy tại sao giờ đây ta lại buồn sầu vì không có cây bằng lăng bên mình?  Rồi chàng tự nhủ: ta sẽ sống hạnh phúc như chưa từng có cây bằng lăng vậy.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, một lần, chàng tu sĩ có dịp thăm lại chốn cũ. Khi đi ngang qua khu vườn, dưới cái nắng heo hắt, khu vườn mang một bầu khí ảm đạm, màu tím kỷ niệm không còn nữa, cây bằng lăng đã chết. Chàng có chút thương, nhưng không sầu khổ, buồn bã, vì lòng chàng đã không còn cây bằng lăng nữa. Vào căn phòng cũ, chàng tìm thấy cuốn nhật ký, trong đó có ghi lại bài thơ “Tự tình cây bằng lăng và chàng tu sĩ” Chàng khẽ đọc:

Mở đầu: tự tình:

Thân em nòn nuột, da mỏng manh

Hoa em màu tím, lá màu xanh

Hỡi chàng tu sĩ bên khung cửa

Thương em sao để dưới nắng hanh.

Tu sĩ trả lời:

Thương em lắm lúc ta chẳng đành

Nhưng em cũng giống bao chúng sanh

Không nắng, không mưa, không gian khổ

Đâu sắc nghiêng nước tựa nghiêng thành.

Em hỏi:

Nhân sinh muôn kiếp bao chốn vui

Sao chàng nỡ bỏ, em ngậm ngùi

Ở chi trong chốn cô đơn ấy

Ra đây ta hưởng nếm ngọt bùi.

Chàng đáp:

Dẫu biết hồng trần nhiều chốn vui

Nhưng lòng ta vững tựa sông núi

Tình ái sân si thôi từ bỏ

Tìm Chân-Thiện-Mỹ mới là vui.

Bài trướcNgày 14/5: KÍNH THÁNH MÁTTHIA
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật, Lễ Thăng Thiên (B) – (Mc 16,15-20)