Quê hương chúng ta ở trên Trời

0
1101

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

… nơi chôn nhau cắt rốn

Chữ „quê hương“ nói về quan hệ tương hỗ giữa con người với không gian và thời gian. Nơi tôi sinh ra được nhìn được nhớ cùng với những kỷ niệm thời thơ ấu, những trò chơi, những con đường, món ăn, ao giếng, cây cỏ, ruộng đồng. Căn tính, tính nết và quan niệm về thế giới của một con người được hình thành ở đó. Quê hương là sự an toàn và đáng tin cậy, là chỗ tựa vững chắc. Ở đó, con người và thế giới xung quanh dễ hiểu, rõ ràng và đầy sự tin tưởng. Đi xa xứ mà gặp được một người cùng quê là điều mang lại niềm vui lớn. Tôi cảm thấy gần gũi với những người đồng hương một cách tự nhiên, và biết mình có thể chờ đợi cách đối xử nào ở nơi họ. Vì thế, quê hương thì nhiều hơn là một địa điểm: đó là một cảm giác sống cơ bản.

Trong một thế giới của những di chuyển ngược xuôi gần xa vì đủ thứ lí do (lập gia đình, học hành, công việc, tị nạn) như ngày nay, thì quê hương tỏ lộ nhiều nét nằm ở tầng sâu hơn. Hiện rõ cách mãnh liệt là niềm khát khao tìm được một chỗ, nơi tôi có thể sống thật là chính mình mà không phải sợ hãi, nơi có cơ hội phát triển hết mọi tài năng, nơi nhân phẩm được tôn trọng và nhân quyền được bảo đảm. Như vậy, con người tìm thấy quê hương nơi họ được đón nhận, chấp nhận và tôn trọng trong sự khác biệt của mình, nơi con người gặp nhau trong yêu thương chân thành, có thể tin tưởng nhau và tình huynh đệ có thể triển nở. Nếu không thì chỗ nào trên trái đất này cũng là nơi xa lạ – không thể là quê hương, dù có (phải) ở lại đó lâu dài.

Có một hình ảnh quen thuộc khác ưa được dùng để mô tả quê hương: đó là nơi chôn nhau cắt rốn. Một hình ảnh sâu sắc và đầy ý nghĩa: quê hương là nơi tôi được nuôi dưỡng, bảo vệ chở che, gần gũi và gắn bó như thai nhi với dạ mẹ. Nhưng hình ảnh này cũng nói rằng: quê hương là nơi tôi bước vào, sau khi đã chịu cắt đi liên hệ với phần đã nuôi sống tôi. Nghĩa là tôi chỉ tìm thấy quê hương của mình, khi được chia tách khỏi sợi giây nối tôi với dạ mẹ. Trước đó, tôi cảm nhận quê hương và mọi sự qua lòng mẹ. Chia li và những nỗi đau đi kèm thuộc về kinh nghiệm với quê hương. Trong hình ảnh quê hương như „cảm giác sống cơ bản“ luôn có phần không dễ chịu nhưng không thể thiếu này. Nỗi đau chia cách mở cửa cho tôi khám phá một quê hương to lớn hơn. Đây là một nguyên tắc sống: Trong thời đại hoàn cầu hóa hay trong ơn gọi của một nhà truyền giáo, tôi cứ phải để cho cắt sợi giây rốn nối tôi với lòng mẹ, quê mẹ, đất nước, để bước vào những quê hương mới – cho đến khi tôi làm khám phá to lớn như tông đồ Phaolô và nhận ra rằng: Quê hương chúng ta ở trên trời! Với hình ảnh quê hương tông đồ Phaolô chạm đến một thực tế ghi dấu ấn sâu sắc và định đoạt cuộc đời chúng ta.

Quốc tịch trên trời

Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh em. Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. (Pl 3,12-21)

 Đây là một đoạn từ bức thư được tông đồ Phaolô viết cho cộng đoàn ở Philiphê/Macêđônia trong một hoàn cảnh khó khăn (Pl 3,12-21). Ngài đang bị giam tại Rôma (hoặc Êphêsô), trong khi cộng đoàn ở Philiphê phải đối diện với những người tuyên truyền các lạc thuyết. Phaolô gọi những người đó là „quân chó má“ (Pl 3,2) chỉ biết phục vụ „cái bụng“ của họ, nghĩa là chỉ đeo đuổi những gì có lợi trước mắt. Ngài đề nghị họ bắt chước ngài và sống theo một mẫu mực khác, bởi vì „quê hương chúng ta ở trên trời!“

Đây là một lời cô đọng kinh nghiệm sống và là cốt lõi niềm tin của Vị Tông đồ Dân ngoại. Là một người Do-thái sinh trưởng tại Tácxô (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), Phaolô học thần học tại Giêrusalem. Sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh đời ông được biến đổi hoàn toàn. Phaolô thực hiện nhiều chuyến truyền giáo khắp vùng Địa Trung Hải cho tới khi bị bắt và giải sang Rôma và tử đạo ở đó. Bôn ba muôn hướng vì Tin Mừng Đức Kitô, ngài tìm đến nhiều miền đất khác nhau (Antiôchia, Philippi, Thêxaloniki, Athen, Côrintô), vượt qua nhiều biên giới, biết đến nhiều gian truân và từng vào tù ra khám. Phaolô cảm nghiệm hơn ai khác niềm khát khao một quê hương thật, để rồi đúc kết niềm tin của mình trong xác tín rằng: chỉ còn liên kết với Đức Giêsu Kitô mà thôi, đồng thời buông bỏ mọi gắn bó và lệ thuộc vào những giới hạn hẹp hòi của thế giới này.

Vào thời tông đồ Phaolô, quân lính Rôma đóng rải rác trong các vùng quanh Địa Trung Hải đều có quốc tịch rôma, dù họ xuất xứ từ nhiều nơi khác nhau. Với xác nhận đó quyền công dân của họ được tôn trọng và bảo vệ, họ được phép buôn bán và lập gia đình. Thời nay ở đây, những ai có điều kiện (quyền, tiền) đều tìm cách sở hữu quốc tịch của một nước phương Tây. Với tấm hộ chiếu mạnh họ có những lợi thế hơn trong việc đi lại và cư ngụ, học hành, kinh doanh và làm việc. Quyền công dân của xứ người cũng cho họ cảm giác an toàn, được bảo vệ tốt hơn trong trường hợp bất trắc.

Chữ „quê hương“ trong thư Philiphê được dịch từ políteuma (tiếng Hi-lạp) và có nghĩa đen là quyền công dân. Thay vì nói „quê hương chúng ta ở trên trời“ thì lối dịch này trình bày bằng ngôn ngữ chính trị-pháp lý thực tế, rằng: Người Kitô hữu có „quyền công dân“ hay có „quốc tịch ở trên trời“. Qua bí tích rửa tội chúng ta thuộc về Đức Kitô Giêsu. Và ai thuộc về Người thì, theo tông đồ Phaolô, người đó không thuộc về thế giới này nữa cho dù đang sống ở đây. Chúng ta không chỉ là thành viên của một dân tộc hay quốc gia, mà còn thuộc về Thiên Chúa. „Quốc tịch trên trời“ là chỗ tựa chắc chắn và sự an toàn cho người tín hữu. Vì trong mọi trường hợp, người Kitô hữu biết gốc gác của mình, biết „có Chúa ở cùng“ và họ biết tương lai của mình ở đâu.

Sứ vụ của công dân Nước Trời

Ngày chết của một Kitô hữu có lúc được ví như „Ngày sinh nhật vào Nước Trời“. Một cách nói nghe hay hay nhưng che mất thực tế, rằng: Nước Trời không bắt đầu ở phía bên kia cái chết mà ở phía bên này, tại đây. Ở đâu con người kinh nghiệm công bằng, hòa bình và hoan lạc, ở đó họ nếm được hương vị của Nước Trời. Nơi đó, trời cao chạm đất thấp và con người cảm nhận được sức mạnh của Thần Khí (x. Rm 14,16-21). Thiếu đi viễn ảnh phục sinh, là tầm nhìn xa hơn cái chết, niềm vui và khoái lạc chỉ được tìm trong việc ăn và sống ảo sống ồn. Một hiện tượng phơi bày sự tàn tạ của đời sống tinh thần và sự còm cõi của tâm linh, dù không thiếu các lễ hội hoành tráng.

Những người có „quốc tịch trên trời“ nhìn thấy trong tình trạng đó một dấu chỉ thời đại cho mình. Từ đó, họ bắt chước Phaolô khước từ việc „tôn thờ cái bụng“. Trái lại, họ giúp nhau cảm nếm tự do qua sự thật lòng, vượt qua sợ hãi với yêu thương. Họ từ chối „ăn“ bằng mọi cách ở mọi nơi, vì ý thức rằng qua đó nền tảng công lý công bằng bị phá hủy. Thuộc về Đức Kitô nên họ nuôi hi vọng được biến đổi để trở nên giống Người trong một thế giới, nơi sự bất lực thống trị đám đông và thiên hạ cho rằng không thể lay chuyển được gì. Tin tưởng vào sức mạnh của Thần Khí nên họ từ chối cậy dựa vào sức mạnh của Bêendêbun mà trừ quỷ (Lc 11,15). Họ không lấy „cái đáng hổ thẹn làm vinh quang“[1] của mình.

Nói vậy, người có nguồn gốc và tương lai trên trời tiếp cận các vấn đề của cuộc sống từ một góc độ khác, và đặt chúng đúng vào giá trị tương đối của chúng. Được khắc phục, được vượt qua, nhưng chúng thực chất không là những điều nói lời quyết định cuối cùng. Cái nhìn từ viễn ảnh đời đời giúp nhìn thấy các chuẩn mực hiện hành trong những giới hạn của chúng. Những người có „quốc tịch Nước Trời“ không nhìn trong những gì mình sở hữu một giá trị vĩnh cửu. Họ không bị cột chặt trong những sản phẩm đa sắc hứa hẹn sự bảo đảm an toàn chắc chắn. Tự do của người tín hữu Kitô đến từ thực tế rằng họ không lệ thuộc vào những gì thiên hạ cho là tuyệt đối, là bất diệt. Mọi quan hệ và ranh giới ở đây được nhìn từ trời, cho nên các giới hạn vào gia đình, quốc gia và địa lý, dân tộc và màu da, nghèo và giàu và mọi phân biệt khác không còn hữu hiệu.

Chúng ta không có quê hương thật ở đây, vì sự đáng tin cậy cuối cùng không thể tìm thấy trong thế giới này. Đó là cách nhìn phục sinh. Thế giới được phép chờ đợi khả năng này nơi những ai có „quốc tịch ở trên trời“. Suy nghĩ và hành động „khác người“ như vậy, thế giới xung quanh sẽ nhìn chúng ta như những kẻ xa lạ. Chính chúng ta cũng có lúc cảm thấy mình xa lạ ở chốn này. Sống trong thế giới, nhưng kẻ „có Đạo“ biết rằng con đường của mình không kết thúc ở đây, vì quê hương chúng ta ở trên trời! Sống trong cái chóng qua, nhưng chúng ta không sống tuyệt vọng và thụ động. Biết mình có „quốc tịch Nước Trời“ là có sự bảo đảm và tự tin để xây dựng Nước Trời ở đây.

__________

Chú thích:

[1] Tất nhiên họ phải có khả năng phân định thần loại để biết nhận diện các loại thần. Thực tế phải thích nghi để tồn tại suốt đời có thể xóa nhòa ranh giới thiện ác, điều làm cho con người trở nên trơ trẽn, nghĩa là mất hết sự nhạy cảm để còn có thể nhìn nhận ra “cái đáng hổ thẹn”, được bao gói thật đẹp bằng nhiều tầng bào chữa làm bằng mỹ từ và đại ngôn.

NGUỒNPhoto: http://uwimprint.ca/article/the-science-behind-rainbows/
Bài trướcNgày 28/4: GIÁ TRỊ CỦA CUỘC SỐNG
Bài tiếp theoNgày 29/4: KÍNH NHỚ THÁNH NỮ CATARINA THÀNH SIENA