✍️ Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời
Lời tựa của Tin Mừng thứ tư gợi lên niềm vui và hy vọng cho toàn thể nhân loại: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Người môn đệ Đức Giêsu, những người đã được đón nhận ánh sáng thật của Thiên Chúa, cũng được mời gọi chiếu giãi ánh sáng của anh em trước mặt thiên hạ (Mt 5,16). Điều đó gợi lên một vài ý tưởng khởi đi từ lời của Đức Giêsu cho đến tinh thần của Tổng Tu Nghị XIX vừa qua của Dòng Ngôi Lời (16/6-14/7/2024 tại Nemi, Rôma).
- Ánh sáng thật đã đến và chiếu giãi giữa muôn dân
“Dân đang bước đi trong tăm tối đã nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9,1) lời vang vọng của ngôn sứ Isaia được ứng nghiệm nơi biến cố Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu. Từ đây, “dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết” ( Mt 4,15-16). Thiên Chúa, qua miệng các ngôn sứ, đã loan báo về “ánh sáng thật” sẽ đến và soi chiếu đoàn dân đang lần bước trong đêm tối. Thiên Chúa hằng trung thành với giao ước và lời hứa của Người: “Thiên Chúa là ánh sáng, trong Người không hề có bóng tối” (1 Ga 1,5). Nhưng về phía dân, trong mối tương quan với Thiên Chúa, đời sống giao ước của họ có khi có cả ánh sáng và bóng tối, có lúc trung tín và vâng phục, nhưng cũng có lúc bất trung và nổi loạn.
Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, “ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật” đã đến và chiếu toả ánh sáng ơn cứu độ của Thiên Chúa trên muôn dân. Chính Đức Kitô đã xác quyết rằng: “Tôi là ánh sáng, Tôi đến thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,46). Đức Giêsu là Ánh Sáng, đó là sứ điệp quan trọng và cần được nhấn mạnh, không chỉ trong biến cố Giáng Sinh mà còn trong mọi lúc mọi nơi, không chỉ dành cho những người tin mà còn cho hết thảy nhân loại.
Ánh sáng của Thiên Chúa không chỉ đơn thuần xuất hiện hay lướt ngang qua dân chúng như ngôi sao băng trên bầu trời nhưng ánh sáng ấy đã bước vào cuộc nhân sinh để soi chiếu những mảnh đời nghèo khó, bệnh tật hay bị gạt ra bên lề xã hội… Chính cuộc đời của Đức Giêsu đã làm bừng lên ánh sáng nơi những con người mà Ngài đụng chạm đến, những con người mà bấy lâu nay sống trong “bóng tối” của bệnh tật, của sự loại trừ bởi đám đông dân chúng… Lời của các ngôn sứ đã được ứng nghiệm và hoàn trọn nơi Đức Giêsu: “Thiên Chúa là Đấng đã phán: ‘Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm’ cũng là Đấng làm cho ánh sáng chiếu soi tâm hồn chúng tôi” (2 Cr 4,6) (Thông điệp Lumen Fidei, 1). Thiên Chúa không dùng những cách thế mạnh mẽ theo lối của loài người để chiếu toả ánh sáng của Ngài nhưng Thiên Chúa đã chọn đến cư ngụ giữa chúng ta. Đức Giêsu là ánh sáng thật đã phản chiếu ánh sáng của Thiên Chúa trên nhân loại và Ngài cũng đã kêu gọi các môn đệ tiếp nối sứ vụ của Ngài.
- Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ (Mt 5,16)
Lời của Đức Giêsu không những là lời mời gọi mà còn cho thấy bổn phận của những người mang danh là môn đệ của Đức Giêsu, những người “phải chiếu giãi ánh sáng” chứ không có thắp sáng rồi lại để dưới gầm giường.
Bổn phận của người môn đệ: trước hết, chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng “là ánh sáng, trong Người không hề có bóng tối” (1 Ga 1,5), thế nên, nhờ được dự phần vào bản tính thần linh của Thiên Chúa, con người cũng mang lấy ánh sáng nơi bản tính thuở ban đầu. Bối cảnh đó giúp chúng ta hiểu được lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu: “Các con là ánh sáng thế gian” (x. 5,14). Bản chất của ánh sáng là chiếu toả, giãi sáng, nghĩa là, tự bản tính, ánh sáng phải chiếu giãi trước vạn vật. Ý nghĩa đó được Đức Giêsu minh hoạ bằng hình ảnh “một thành xây dựng trên núi không thể che giấu được” (Mt 5,14). Kế đến, chúng ta mang bổn phận phải chiếu giãi ánh sáng bởi vì Đức Kitô, Đấng mà chúng ta loan báo, là một vị Thiên Chúa thật và là ánh sáng muôn ngàn đời rạng soi. Chúng ta thuộc về Đức Kitô và làm chứng cho Ngài, điều đó đồng nghĩa với bổn phận làm chiếu toả ánh sáng của Đức Kitô. Xét về mặt sứ vụ, người muôn đệ của Đức Kitô, loan báo Đức Kitô là loan báo “ánh sáng” cho muôn dân thiện hạ, bởi “nơi Người không hề có bóng tối”.
Lời mời gọi dành cho người môn đệ: Đức Giêsu kêu gọi mỗi người trở nên tấm gương sáng về nhân đức và thánh thiện để có thể phản chiếu ánh sáng của Đức Giêsu cho muôn người. Chúng ta đã được đón nhận ánh sáng từ Đức Giêsu, thế nên, đời sống của chúng ta cũng cần trở nên như cái đèn đã được thắp cần được “đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà” để “thiên hạ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,15-16). Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên mỗi người những lời thật ý nghĩa: “Mỗi ngày các con được kêu gọi mang lại ánh sáng mới cho thế giới, ánh sáng của đôi mắt của các con, ánh sáng của nụ cười của các con, ánh sáng của sự tốt lành mà các con và chỉ các con mới có thể mang lại”.[1]
Vai trò của người môn đệ trong việc chiếu giãi ánh sáng của Đức Kitô có thể ví tựa mặt trăng so với mặt trời. Tự bản chất mặt trăng không có khả năng tự phát sáng. Mặt trăng chỉ là một tấm gương phản chiếu ánh sáng mặt trời, nghĩa là mặt trăng phát sáng là nhờ ánh sáng của mặt trời. Người ta thấy được mặt trăng và thấy ánh trăng sáng là nhờ ánh sáng mặt trời. Ánh sáng của người môn đệ có được cũng là nhờ đón nhận và phản chiếu ánh sáng của Đức Giêsu. Một lối ví von như thế giúp người môn đệ khám phá ra vai trò của mình và xác quyết vào Đức Giêsu, Đấng là nguồn sáng duy nhất và đích thực có thể chiếu giãi và kéo con người ra khỏi tối tăm của tội lỗi. Ánh sáng Chúa Kitô chiếu tỏa qua chúng ta.
- Ánh sáng của lý trí hay ánh sáng đức tin?
Vậy người môn đệ sẽ chiếu giải thứ ánh sáng nào để phản chiếu ánh sáng của Đức Giêsu cho thế giới hôm nay? Ánh sáng của lý trí, suy luận hay ánh sáng đức tin?
Nhiều người đã chọn lựa ánh sáng của lý trí như là câu trả lời khả dĩ và khả thi. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội hôm nay, lý trí và khả năng tư duy của con người đã và đang đạt tới những tầm mức không tưởng và được cụ thể hoá nơi những phát minh, sáng chế được xem là vĩ đại. Ánh sáng của lý trí càng chói lòa bao nhiêu, ánh sáng của đức tin càng bị con người hôm nay xem nhẹ bấy nhiêu, đến độ, người ta xem đó như một thứ ánh sáng hão huyền. Thực tế, khi nói về ánh sáng đức tin, chúng ta có thể nghe thấy sự phản đối của nhiều người đương thời. Trong thời hiện đại, người ta nghĩ rằng ánh sáng ấy có thể đủ cho các xã hội cũ và không còn ích lợi gì cho thời đại mới, bởi vì con người đã trưởng thành, tự hào về lý trí của mình, và muốn khám phá tương lai bằng những cách mới lạ. Theo nghĩa này, đức tin đã xuất hiện như một ánh sáng hão huyền, cản đường nhân loại trong việc táo bạo vun trồng kiến thức (x. Thông điệp Lumen Fidei, 2).
Thế nhưng, không gian cho đức tin mở ra cho những nơi mà ánh sáng của lý trí không thể làm rõ, những nơi mà con người không còn có thể có sự chắc chắn. Người ta dần nhận thấy rằng ánh sáng của lý trí tự nó không đủ để soi sáng tương lai; cuối cùng tương lai vẫn còn trong bóng tối và đặt con người trong vòng sợ hãi về những điều họ không biết rõ. Kết quả là con người từ bỏ việc tìm kiếm một ánh sáng vĩ đại, là một Chân Lý Cao Cả, để hài lòng với những ánh sáng bé nhỏ là những ánh sáng soi sáng những gì thoáng qua, nhưng được chứng tỏ là không có khả năng chứng minh chỉ đường. Tuy nhiên, khi vắng bóng ánh sáng, tất cả mọi sự trở nên mơ hồ, chúng ta không thể phân biệt được tốt xấu, được con đường dẫn đến cùng đích của mình và những con đường khác dẫn chúng ta đi vòng vo mà không đến đâu cả (x. Thông điệp Lumen Fidei, 3).
Đối lại, ánh sáng đức tin đủ sức dẫn lối con người và soi rọi cho những vấn nạn của kiếp nhân sinh mọi nơi và mọi thời. Điều này được cụ thể hoá qua chính Đức Giêsu, một vị Thiên Chúa, Đấng chúng ta có thể thấy và nghe. Người là Ngôi Lời Nhập Thể mà chúng ta đã chiêm ngắm vinh quang của Người (x. Ga 1,14). Ánh sáng đức tin là ánh sáng của một Dung Nhan mà trên đó chúng ta thấy Chúa Cha. Đây là điều mà không một khoa học thực tiễn, một lý trí nhân loại nào làm sáng tỏ được. Không chỉ trên bình diện thần linh, đức tin trở thành ánh sáng có khả năng soi sáng tất cả mọi mối liên hệ của chúng ta trong xã hội. Ánh sáng đức tin dạy chúng ta nhìn thấy rằng ánh sáng của Dung Nhan Thiên Chúa luôn chiếu rọi trên tôi qua khuôn mặt của anh chị em tôi và tỏ cho thấy tình yêu của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Ánh sáng đức tin không làm cho chúng ta quên đi những đau khổ của thế giới này nhưng những người đang chịu đau khổ đã chiếu giãi ánh sáng cho biết bao nhiêu người (x. Thông điệp Lumen Fidei, 30).
- “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ” theo tinh thần Tổng Tu Nghị XIX của Dòng Ngôi Lời
Tổng tu nghị XIX của Dòng Ngôi Lời xoay quanh chủ đề “Ánh sáng phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ: Những môn đệ trung thành và sáng tạo trong một thế giới bị tổn thương”. Tinh thần của Tổng tu nghị trở nên lời mời gọi suy tư đối với mỗi thành viên Dòng Ngôi Lời (SVD). Khởi đi từ Đấng Sáng Lập, thánh Arnold Janssen với niềm xác tín vững chắc rằng Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, là ánh sáng thế giới: “Ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và soi chiếu mọi người” (Ga 1,9). Lời tựa Tin Mừng thứ tư là trung tâm linh đạo của thánh nhân và là di sản được chuyển giao cho mỗi thành viên SVD. Mở đầu Hiến pháp đã cho thấy căn tính và cuộc sống của chúng ta: “Cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta”. Sứ vụ của Đức Giêsu là sứ vụ Ánh Sáng (Missio Lucis) và sứ vụ của chúng ta là cùng với Người giới thiệu “ánh sáng huy hoàng” cho muôn dân (Mt 4,16). Để “chiếu giãi ánh sáng trước mặt thiên hạ”, Tổng Tu Nghị XIX mang đến cho mỗi thành viên SVD những gợi mở trong bối cảnh ngày hôm nay: trở thành những môn đệ trung thành và sáng tạo.
Trước hết, việc trở thành những môn đệ trung thành mời gọi chúng ta gắn kết đời mình vào Đức Giêsu là ánh sáng. Sứ vụ Ánh Sáng mời gọi chúng ta đưa ra quyết định: chịu thách đố để lựa chọn đứng về phía Đức Kitô hay ở lại trong bóng tối. Sứ vụ ánh sáng cũng mời gọi mỗi thành viên SVD trung thành với căn tính và linh đạo của mình, trung thành với tư cách là “người mang ánh sáng và đồng thời cũng là người tìm kiếm ánh sáng của Đức Kitô toả sáng nơi các nền văn hoá và mọi thụ tạo”.
Kế đến, việc trở thành những môn đệ sáng tạo mời gọi chúng ta suy tư cho câu hỏi: Làm sao để có thể đem ánh sáng Đức Kitô chiếu giãi vào một thế giới đang chịu nhiều tổn thương? Đó có thể là những tổn thương nơi tâm hồn của tha nhân, của những cộng tác viên, của những giáo dân và của cả mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi để chiếu giãi ánh sáng thật vào trong cách đáp lại những vấn đề sinh thái-xã hội.[2]
Tóm lại
Lời vang vọng của ngôn sứ Isaia được ứng nghiệm nơi biến cố Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu và từ đây, “dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết” (Mt 4,15- 16). Ánh sáng thật đã đến, xua tan bóng đêm của tội lỗi và chiếu toả ơn cứu độ trên muôn dân. Đức Giêsu cũng mời gọi mỗi người tham dự vào sứ mạng ánh sáng của Thiên Chúa, bởi lẽ, mỗi người môn đệ là con cái của Ánh Sáng. Lời mời gọi đó dẫn lối đời sống người môn đệ để dầu làm gì hay nghĩ tưởng gì, người môn đệ cũng mong ước phản chiếu ánh sáng thật cho mọi người.
Cách riêng, với những tu sĩ truyền giáo của Dòng Ngôi Lời, Tổng Tu Nghị XIX mời gọi mỗi thành viên trung thành với tư cách là “người mang ánh sáng và đồng thời cũng là người tìm kiếm ánh sáng của Đức Kitô toả sáng nơi các nền văn hoá và mọi thụ tạo”. Đồng thời, chúng ta nỗ lực trở nên những người môn đệ trung thành và sáng tạo để có thể phản chiếu ánh sáng Đức Kitô bằng những phương thế mới, phù hợp với bối cảnh xã hội, bối cảnh truyền giáo đang không ngừng biến chuyến.
“Nguyện xin ánh sáng Ngôi Lời và ân sủng của Chúa Thánh Thần, xua tan bóng tối mây mờ tội khiên và đêm trường ngờ vực nghi nan, cùng xin Thánh Tâm Chúa Giêsu luôn ngự trị trong tâm hồn chúng con và tất cả mọi người. Amen” (Lời cầu nguyện của cha thánh Arnold Janssen).
Chú thích:
[1] https://dcctvn.org/chon-anh-sang-thay-vi-bong-toi-duc-thanh-cha-phanxico-noi-voi-nhung-nguoi-tre-tuoi-o-iqaluit/
[2] Xem Tài liệu Tổng Tu Nghị Lần thứ 19 Dòng Ngôi Lời 2024.