LỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

0
883

Bài đọc: Cv 4,13-21

Tin Mừng: Mc 16,9-15

9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.

12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.

14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

—– o0o —–

—– SUY NIỆM —–

ĐỨC TIN (Tu sĩ  Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD)

Đức tin là hồng ân siêu nhiên mà Thiên Chúa ban cho các tín hữu, để họ gắn bó trọn vẹn và mật thiết với Người. Nhờ đức tin, chúng ta được đón nhận những chân lý do Thiên Chúa mặc khải qua Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Nếu chúng ta sống trong đức tin thì đón nhận ơn cứu độ; trái lại, nếu chối bỏ đức tin thì sẽ mất phần phúc đời đời.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra sau khi từ cõi chết sống lại. Trước hết, Ngài hiện ra với bà Maria Mácđala, rồi hiện ra với hai môn đề trên đường về Emau và cuối cùng hiện ra với tất cả các môn đệ nơi họ đang ở để củng cố đức tin và sai họ đi rao giảng Tin Mừng. Mầu nhiệm sống lại của Chúa Giêsu là một trong những biến cố quan trọng nhất trong đời sống đức tin của Kitô hữu. Tin vào Chúa Giêsu sống lại không phải là một niềm tin trừu tượng, nhưng là niềm tin tông truyền bởi các Tông Đồ truyền lại sau khi đã chứng kiến Chúa sống lại và hiện ra với họ. Đồng thời sứ điệp Tin Mừng cũng nhắc nhớ chúng ta về sứ vụ loan báo Tin Mừng đến mọi người, để những ai tin vào sự sống lại của Con Chúa thì được cứu rỗi.Đức tin của chúng ta không tự nhiên mà có nhưng đó là quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta lãnh nhận đức tin ngang qua Bí tích Thánh Tẩy để gia nhập Hội Thánh. Mỗi người chúng ta tuy không được phúc gặp gỡ trực tiếp Đức Giêsu Phục Sinh nhưng chúng ta tin rằng Ngài đã Phục Sinh như lời Ngài đã nói và nhờ vào lời chứng của các Tông Đồ truyền lại; vì “phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Để minh chứng cho đức tin, chúng ta được mời gọi tiếp tục ra đi làm chứng cho niềm tin của mình bằng cách thực hành việc rao giảng Tin Mừng như Chúa đã truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

Lạy Chúa, xin chiếu giãi ánh sáng Phục Sinh của Chúa vào tâm hồn chúng con, để chúng con luôn vững tin và mạnh dạn loan báo Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người. Amen.


LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH (Tu sĩ Phaolô A Hoá, SVD)

Niềm vui được Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra không chỉ làm bừng cháy tâm hồn người lãnh nhận mà còn thôi thúc họ loan báo cho những người xung quanh. Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy mẫu gương của bà Maria Mácđala và hai môn đệ trên đường về quê. Họ đã nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh và đã mau mắn loan tin cho các môn đệ.

Bà Maria Mácđala, người đã được Đức Giêsu trừ cho khỏi bảy quỷ, đã nhạy cảm trước sự hiện ra của Chúa và đã tin. Bà đã mau mắn “đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người” (Mc 16,10). Hai người môn đệ đang trên đường về quê cũng vậy, đã kịp nhận ra Đấng Phục sinh đang ở giữa họ dẫu Ngài tỏ mình ra dưới một hình dạng khác. Không giữ lại niềm vui cho riêng mình, họ cũng đã “trở về báo tin cho các ông khác” (x. Mc 16,13). Quả vậy, hình ảnh của bà Maria Mácđala và hai môn đệ đang trên đường về quê đã trở nên mẫu gương cho người môn đệ hôm nay. Thật vậy, người môn đệ Đức Giêsu mang nơi mình sứ vụ loan báo cho nhân loại Tin Mừng Phục Sinh của một Đấng đã thực sự chịu chết. Sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh không những là niềm vinh dự mà còn là bổn phận của người môn đệ Đức Giêsu. Người môn đệ nhận lãnh được niềm vui đích thực từ sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh. Thế nhưng, bên cạnh đó, người môn đệ có bổn phận phải “lên đường” để loan báo niềm vui ấy cho hết thảy mọi người.

Dẫu biết rằng, Tin Mừng Phục Sinh không phải lúc nào cũng được mọi người tin nhận. Hình ảnh của Nhóm Mười Một trong trình thuật hôm nay là một minh chứng, đứng trước những lời loan tin “các ông đã không tin” (x Mc 16,13). Thế nhưng, người môn đệ không được phép thoái lui khỏi sứ vụ nhưng được mời gọi cậy dựa vào ơn Chúa và can đảm lên đường loan báo cho người mọi nơi và mọi thời.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhạy bén nhận ra sự hiện diện của Chúa và can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh ngay giữa lòng nhân thế. Amen.


 

TIN hay KHÔNG! (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

NIỀM TIN PHỤC SINH (Tu sĩ Phêrô Phan Văn Thắng, SVD)

Để đánh giá một sự kiện mang tính chân thật, con người vẫn luôn tâm niệm rằng: “mắt phải thấy, tai phải nghe”. Nếu không nghe, không thấy thì vẫn còn đó sự nghi ngờ và cần được minh giải.

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô thuật lại sự kiện về Đức Giêsu sau khi phục sinh đã hiện ra với các môn đệ thân tín, để yêu thương và đặc biệt là củng cố niềm tin cho họ. Mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô là trung tâm điểm của đức tin Kitô Giáo. Như thánh Phaolô đã quả quyết rằng: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Tuy nhiên, chúng ta lại chẳng bao giờ thấy Đấng Phục Sinh, không biết hình hài Người như thế nào. Chúng ta cũng không được tận tai nghe những lời răn dạy của Chúa Phục Sinh. Phải chăng, chúng ta cũng đang rơi vào tình trạng của các Tông Đồ khi xưa. Mặc dầu được tận tai nghe những lời Chúa Giêsu răn dạy và tiên báo về cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người (x. Mt 17,21), nhưng các ông cũng không đủ nhạy bén để nhận ra dấu chỉ Chúa muốn mạc khải và tin vào Người. Bởi thế, thánh Máccô đã ba lần nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các ông.

Ngang qua trình thuật Lời Chúa hôm nay, chúng ta cần chân nhận rằng, tin vào Đức Giêsu Phục Sinh không chỉ dựa vào các giác quan nhưng còn phải cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích của tội lỗi. Để làm được điều đó, đòi hỏi chúng ta sống tích cực, không bị giới hạn bởi những đam mê cá nhân, biết từ bỏ ý riêng và sống cởi mở với tha nhân hơn.

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin để chúng con luôn xác tín và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong cuộc đời mình. Nhờ đó trong chúng con sẽ vọt lên một sức sống tràn trề và lòng say mê rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho muôn người. Amen.


 

DẤU CHỨNG PHỤC SINH (Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD)

Việc Đức Giêsu có mặt trên trần gian, sinh ra, lớn lên và chết đi, khoa học đã có thể kiểm chứng. Tuy nhiên, việc Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết thì lại là một biến cố vượt ngoài không gian và thời gian, khoa học không thể kiểm chứng.

Chúng ta dựa vào đâu để nói Chúa đã sống lại? Phải chăng là dựa vào ngôi mộ trống? Dựa vào lời kể của mấy phụ nữ? Dựa vào lời chứng của hai môn đệ đang trên đường về quê thì gặp Chúa? Hay dựa vào lời chứng của tất cả mười một môn đệ? Những lời chứng kể trên không phải là ngẫu nhiên, nhưng là ứng nghiệm cả một chương trình dài Thiên Chúa lập nên để cứu độ nhân loại. Chúng ta nhớ lại sau biến cố nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã hứa sẽ cứu độ con người. Để thực hiện lời hứa ấy, Thiên Chúa đã lập chương trình cứu độ, chảy dài trong lịch sử nhân loại. Và đỉnh cao để thực hiện lời hứa ấy, chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô nhập thể trong thân phận con người, chịu chết trên thánh giá và từ trong cõi chết Ngài đã phục sinh để ban ơn cứu độ cho nhân loại chúng ta. Mặt khác, khi còn ở với các môn đệ, nhiều lần Chúa đã tiên báo cho các ông biết rằng Ngài sẽ chết và sẽ phục sinh. “Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Khi gặp chính Chúa Phục Sinh, đặc biệt sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống soi sáng, các môn đệ mới nhớ lại tất cả những lời Chúa Giêsu nói trước đây, giờ đã nên ứng nghiệm.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Ngài, nhờ ơn Thánh Thần soi sáng, chúng con được thừa hưởng gia bảo quý báu là đức tin dựa trên nền tảng các Tông Đồ và Giáo Hội. Xin ánh sáng Đức Kitô Phục Sinh luôn tỏa sáng trên cuộc đời chúng con, để ngang qua chúng con, nhiều người cũng nhận ra Đức Kitô Phục Sinh là Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

 

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh (Ga 20,19-31)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 2 Phục Sinh (Chúa Nhật Lòng Thương Xót) – Năm ABC