LỜI SỐNG (Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

0
962

Bài đọc 1: Cv 4,1-12

Tin Mừng: Ga 21,1-14

Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.

3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời: “Thưa không.”

6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.

7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.

8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”

11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.

12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.

14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

—– o0o —–

—– SUY NIỆM —–

KIÊN TRÌ VỚI ƠN CHÚA (Tu sĩ  Antôn Phan Thành Nhân, SVD)

Người ta thường nói khi làm một việc gì nếu vội vàng hấp tấp thì thường bị mắc phải nhiều sai sót. Trái lại, nếu cố gắng, bền chí, kiên trì thì dù công việc có khó khăn đến đâu ta cũng có thể hoàn thành được. Cũng chính vì thế nên ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim’’ để răn dạy con cháu đời sau. Nhưng có thực sự khi ta cố gắng là sẽ thành công hay không?

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã diễn tả lại khung cảnh gặp gỡ của thầy trò Chúa Giêsu ở biển hồ Tibêria sau khi Người sống lại. Sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, các môn đệ buồn bã, thất vọng, họ muốn quay về quê hương, quay về với công việc đánh cá thường ngày của họ. Quyết định quay lại với công việc đánh cá xưa kia được thể hiện cách tế nhị trong câu nói của ông Simon: “Tôi đi đánh cá đây” (Ga 21,3). Với kinh nghiệm đánh cá lão luyện của các môn đệ thì việc bắt một mẻ cá để kiếm sống không phải là chuyện khó khăn. Nhưng lạ thay cả đêm họ không bắt được gì dù chỉ một con cá (x. Ga 21,3). Với Chúa Giêsu, tại sao người chỉ lớn lên trong một gia đình thợ mộc, mà Người lại dám hướng dẫn các môn đệ thả lưới để bắt được cá? (x. Ga 21,6).

Trong cuộc sống, chúng ta thường tự nghĩ, tôi sẽ làm được mọi việc khi tôi ra sức cố gắng. Câu chuyện này cho thấy sự hiện diện và dẫn dắt của Chúa Giêsu trong cuộc sống của chúng ta. Sự cố gắng thì cần thiết nhưng điều cần thiết hơn là phải nhờ ơn Chúa thì ta mới thực sự thành công. Chúa đã chỉ cho các môn đệ có cách để bắt được lượng cá lớn, và đó là một minh chứng cho sự quan tâm và yêu thương vô điều kiện của Người đối với nhân loại chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con nhận thấy rằng đôi khi chúng con gặp khó khăn và thử thách trong cuộc sống, chúng con không thể tự mình vượt qua được, những lúc đó xin Chúa giúp chúng con phó thác hoàn toàn vào tay Ngài. Amen.


 

CHÚA PHỤC SINH HIỆN RA (Tu sĩ Giuse Trần Văn Hiếu, SVD)

Những ngày tháng ở cùng Thầy Giêsu, các môn đệ cảm thấy cuộc đời thật hạnh phúc. Bởi vì có Chúa ở bên cạnh, các ông không phải lo lắng điều gì. Tuy vậy, khi Thầy của mình chịu khổ nạn và không còn ở bên cạnh nữa, các ông cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt và khổ sở. Điều đó được thể hiện rõ khi các ông trở lại cuộc sống xưa của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc các môn đệ đi đánh bắt cá vào ban đêm. Ông Phêrô nói “Tôi đi đánh cá đây” (Ga 21,3). Nghề đánh cá là nghề quen thuộc của nhiều môn đệ trước khi theo Chúa. Vì thế, chuyện đánh bắt cá là điều không khó đối với họ. Tuy vậy tẻ nhạt thay, Phêrô và các môn đệ khác đánh bắt cá cả đêm, mệt mỏi mà chẳng được con nào. Khổ sở thêm, cái nghề quen thuộc ngày xưa, nay cũng chẳng có tác dụng gì. Khi trời sáng, Chúa hiện ra và nói các môn đệ “thả lưới xuống bên phải mạn thuyền” (Ga 21,6) và các ông nghe lời làm theo. Ngạc nhiên thay, các ông có được một mẻ cá không sao kéo lên nổi. Và vui hơn, các ông còn nhận ra đó là Thầy mình và hạnh phúc nhất, là được Người lo cho sẵn bữa ăn. Như vậy, tuy mệt mỏi cả đêm mà chẳng được gì nhưng khi có Chúa ở bên, mọi phiền muộn nơi các môn đệ đều tan biến.

Còn chúng ta khi đứng trước những đau khổ của cuộc đời, liệu rằng ta có đủ sáng suốt để nhận ra Chúa đang đồng hành với mình không? Tư tưởng Phật giáo quan niệm: “đời là bể khổ”. Quả vậy, cuộc sống vốn có nhiều đau khổ. Con người sống trong cuộc đời ắt hẳn cũng gặp ít nhiều phiền muộn, khổ đau. Vậy làm sao để thoát khổ? Đối với Kitô hữu, thoát khổ chính là biết nhận ra Chúa luôn đồng hành với mình. Bởi vì, Đức Giêsu đã đến thế gian, chịu khổ nạn, phục sinh để con người được cứu độ, được sống hạnh phúc.

Lạy Chúa, khi xưa các môn đệ rất hạnh phúc được Chúa hiện ra, nhưng nay xin cho chúng con cũng nhận ra Chúa bên cạnh trong mọi biến cố cuộc sống để cũng được hưởng hạnh phúc từ Ngài. Amen.


 

CHUYỆN CON CÁ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

ĐỨC KITÔ ĐANG BỎ RƠI CHÚNG TA (Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD)

Trong cuộc sống, khi xa nhau người ta thường nhớ về nhau ngang qua những kỷ niệm. Với các Tông Đồ, đó là những kỷ niệm về Thầy từng ngồi dùng bữa với các ông, bẻ bánh và trao cho các ông.

Các môn đệ đã quen với sự hiện diện của Chúa Giêsu từ những kỷ niệm đó. Nhưng đoạn khởi đầu của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy không khí ảm đảm với tinh thần thiếu sức sống của các môn đệ khi các ông không còn thấy Thầy của mình nữa. Các ông chẳng muốn làm gì khác, chỉ muốn trở về với cuộc sống thường nhật. Các ông quyết định trở về với chiếc thuyền, mảnh lưới của mình cho qua ngày đoạn tháng. Họ đã làm điều đó, họ vật vã với sóng biển nhưng vẫn không bắt được một con cá nào. Ngay lúc ấy, Đức Giêsu xuất hiện và làm thay đổi cục diện, từ không có cá thành mẻ cá đầy ắp đến nỗi thuyền gần như chìm.

Hơn nữa, các ông còn được quây quần bên Chúa, được Chúa Giêsu thực hiện cử chỉ bẻ bánh và cá trao cho các ông. Những kỷ niệm xưa ùa về làm cho các ông nhớ lại những gì Thầy đã nói. Nhờ đó, các ông đã tin và nhận ra Thầy đang hiện diện với các ông. Các ông xác tín, Thầy đã sống lại thật rồi. Đức tin của các môn đệ được hồi sinh, sức sống mới xuất hiện trong các ông.

Hành trình đời sống đức tin của người Kitô hữu hẳn là không thiếu những lúc ta cảm thấy vắng bóng sự hiện diện của Thiên Chúa, nhất là trong những lúc lòng ta cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thất vọng, khủng hoảng đức tin. Chính những lúc đó, chúng ta sẽ luôn mang cảm giác thiếu sức sống và vắng bóng của Thiên Chúa trong ta. Nhưng hãy vững tin vì Người luôn ở với và đỡ nâng ta trong mọi hoàn cảnh sống.

Lạy Chúa, khi chúng con đang mang cảm giác thiếu sức sống, là lúc đức tin của chúng con còn yếu kém. Xin Ngài hãy đến với chúng con như Chúa đã đến với các môn đệ. Amen.


 

ĐỂ CHÚA HƯỚNG DẪN (Tu sĩ P.X. Đinh Duy Thiên, SVD)

Bản văn Lời Chúa hôm nay thuật lại cuộc hành trình ra khơi đánh cá của các Tông Đồ sau khi trở về Galilê, để chờ đón Chúa Phục Sinh như lời nhắn gửi của Người ngay khi hiện ra với các chị em phụ nữ.

Kinh Thánh cho thấy, trong số các Tông Đồ: Phêrô, Anrê, Gioan và Giacôbê là những ngư phủ lão luyện. Thế nhưng suốt cả đêm hôm đó, họ đã không đánh được một con cá nào. Có lẽ đây là thất bại thảm hại nhất trong sự nghiệp đánh cá của các ông. Chính lúc các ông gặp thất bại và nản lòng như thế, Chúa Giêsu hiện ra, động viên và chỉ dẫn cho các ông. Chính nhờ sự mau mắn lắng nghe và đón nhận lời chỉ dẫn của Chúa, các Tông Đồ đã thu được một mẻ cá lớn đầy bất ngờ và ngoài sự mong đợi của các ông. Điều này cho chúng ta thấy rằng, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn đang sống giữa các Tông Đồ và đồng hành với các ông. Còn đối với các Tông Đồ, với sức riêng và tài năng quen thuộc của mình vẫn không thể làm tốt được điều mà đối với các ông trước đó đã là quen thuộc và dễ dàng đạt được. Nhưng chỉ khi biết lắng nghe tiếng Chúa, để Chúa hướng dẫn và mau mắn làm theo thì các ông mới đạt được điều mà các ông thực hiện, đó là mẻ lưới đầy cá.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn luôn hiện diện trong từng giây phút của cuộc đời chúng ta. Nhưng liệu rằng chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài cũng như chấp nhận để cho Ngài hướng dẫn chúng ta hay không? Chỉ khi nào chúng ta biết để Chúa hướng dẫn và mau mắn làm theo thì chúng ta mới thu được những “mẻ lưới đầy cá”. Khi đó niềm vui của chúng ta sẽ được nhân lên và sự khổ đau sẽ được vơi đi.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài vẫn hiện diện và đồng hành với mỗi người chúng con, nhất là khi chúng con gặp khó khăn thử thách. Xin Chúa giúp chúng con luôn ý thức có Chúa ở bên và biết để cho Ngài hướng dẫn, nhờ thế chúng con sẽ thu được những “mẻ lưới đầy cá”. Amen.

Bài trướcTRỞ THÀNH NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO VUI TƯƠI HƠN
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh (Ga 20,19-31)