LỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 1 Mùa Chay)

0
782

Tin Mừng: Mt 5,43-48

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt,  và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

—– o0o —–

Suy niệm

YÊU VÀ CẦU NGUYỆN (Tu sĩ  Giuse Cao Thế Vĩnh, SVD)

Đối với Kitô hữu, “Mùa Chay” là khoảng thời gian giúp cho người tín hữu ăn năn, sám hối. Qua ăn chay, làm việc tông đồ và sám hối, họ sẽ trở về với căn tính của mình, là hành trình làm con cái Thiên Chúa và nối kết với tha nhân. Hơn nữa, sống tâm tình chay thánh với tinh thần “ yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi ” là cách thế để người tín hữu biến đổi tâm can dần trở nên hoàn thiện như Cha trên trời.

Kẻ thù hay những người ngược đãi kẻ khác thì chẳng ai thích. Họ gieo rắc vào tâm trí ta những suy nghĩ nặng nề không mong muốn và đôi khi ta muốn loại bỏ hay xa lánh. Ta thường ghét kẻ thù hơn là dành sự quan tâm tốt lành đến họ. Với người Do Thái, kẻ thù được xếp vào hạng người cần tránh xa. Họ từ chối giao du với những người dân ngoại không cắt bì hay quân ngoại bang Rôma, là những người mang đến cho họ đau khổ. Vì thế, điều luật được dạy cho con cái họ là: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43). Sống trong xã hội bất công và thiếu lòng độ lượng, Đức Giêsu muốn các môn đệ trở nên giống như Người, là yêu thương cả kẻ thù. Người đã minh chứng rằng, khi “yêu” thì mới chấp nhận được kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù luôn là lời mời gọi và cũng là điều chất vấn người môn đệ bước theo Đức Kitô rằng: phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Vậy, người môn đệ theo Chúa trở nên hoàn thiện như Cha trên trời không còn gì khác hơn là nên đồng hình đồng dạng với Người, nghĩa là kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình.

Lạy Cha, xin cho chúng con nhận ra sự yếu đuối, tội lỗi nơi bản thân và tha nhân để biết biến đổi mình cũng như biết yêu thương và cầu nguyện cho tha nhân hơn. Amen.


THA THỨ CHO KẺ THÙ (Tu sĩ Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)

Ngày 13 tháng 5 năm 1981, trong khi đang chúc lành cho hàng ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến hằng tuần, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bị Mehmet Ali Agca bắn. Vị Giáo Hoàng 60 tuổi đã ngã xuống trong vòng tay các vệ sĩ nhưng may mắn đã thoát chết. Vài ngày sau, khi đang nằm trên giường bệnh, Đức Giáo hoàng đã gửi thông điệp xin dân chúng cầu nguyện cho Agca, mà ngài gọi là “người anh em” và bày tỏ sự tha thứ cho anh. Hơn nữa, ngày 27 tháng 12 năm 1983, ngài đã đích thân vào nhà tù Rebbibia, Rôma để thăm người đã ám sát ngài.

Mẫu gương tha thứ vô điều kiện cho sát thủ Agca của Đức Gioan Phaolô II chắc chắn bắt nguồn từ lời dạy của Đức Giêsu “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người bắt bớ anh em”. Đây là phản đề cuối cùng trong một loạt sáu phản đề trong Bài Giảng Trên Núi với cấu trúc “Anh em đã nghe dạy rằng… Nhưng Thầy bảo anh em là…” (Mt 5,21-48). Điều đó có nghĩa là, đây là lời dạy quan trọng nhất trong loạt năm lời dạy giúp cho các tín hữu trở nên “hoàn hảo như Cha của họ trên trời là Đấng hoàn hảo” (Mt 5,48). Điều răn yêu thương là điều quan trọng bậc nhất trong tất cả các điều răn. Trong điều răn yêu thương có hai đối tượng mà các Kitô hữu phải yêu. Đó là Thiên Chúa và tha nhân. Với lời dạy của Đức Giêsu, biên giới của động từ yêu đã được mở rộng ra vô tận. Đối tượng yêu thương được mở ra đến vô hạn. Một khi người Kitô hữu dám yêu thương kẻ thù thì không còn ai trên cõi đời này họ không thể yêu thương nữa. Khi yêu thương kẻ thù, họ tận diệt sự thù ghét, và lấp đầy xã hội bằng một không khí yêu thương và tha thứ. Đức Giêsu trong giờ phút đau thương nhất của cuộc đời, đã không quên xin Chúa Cha tha thứ cho Người đã hành quyết Người (x. Lc 23,34).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng muốn nên hoàn thiện như Cha trên trời. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết mở rộng lòng tha thứ cho người làm cho chúng con phiền lòng. Amen.


 

THA THỨ ĐỂ YÊU THƯƠNG (Tu sĩ Giuse Hoàng Văn Bình, SVD)

Jack Kornfield, một nhà tâm lý học y khoa, đã từng nói: tha thứ là khả năng buông bỏ, giải phóng những đau khổ, nỗi buồn, gánh nặng và sự phản bội trong quá khứ. Thay vào đó là lựa chọn theo đuổi những điều kỳ diệu của tình yêu. Biết tha thứ sẽ chuyển đổi chúng ta từ một cái tôi tách biệt sang khả năng sống trong tình yêu thương thật sự.

Tha thứ cho những người đã từng làm tổn thương mình quả là một việc rất khó, vì bị người khác làm tổn thương là một cảm giác không hề dễ chịu. Dẫu biết rằng người ta đối xử với mình quá tệ, sao có thể dễ dàng bỏ qua, nhưng nếu không tha thứ thì lòng chúng ta lại càng đâm ra nặng nề hơn. Vì thế, khi chúng ta cảm thấy khó tha thứ và khó yêu thương kẻ thù, hãy nhớ đến lời Chúa Giêsu đã chỉ dạy “hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

Thật vậy, tha thứ là cách tốt nhất để động viên bản thân suy nghĩ mọi việc theo chiều hướng tích cực, để đưa ra những thay đổi cần thiết. Đồng thời, tha thứ cũng chắp cánh cho lòng yêu thương và sự bao dung được triển nở. Mỗi khi biết tha thứ và bao dung với kẻ thù, nghĩa là chúng ta đang chữa lành được một mối tương quan sắp đổ vỡ giữa con người với nhau. Vì thế, học cách tha thứ vốn dĩ là điều cần thiết, quan trọng và chính Chúa Giêsu trên thập giá đã trở nên mẫu gương sống động cho bất kỳ ai về bài học của sự tha thứ để yêu thương. Hay nhìn vào gương chứng nhân của Đức cố Hồng y Phaxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là mẫu gương thánh thiện và giàu lòng tha thứ cho chúng ta noi theo.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết thực hành bài học về sự tha thứ, yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại, nguyền rủa và vu khống. Ngõ hầu chúng con xứng hợp trở nên con cái của Cha, Đấng ngự trên trời. Amen.


YÊU THƯƠNG LÀ HOÀN THIỆN (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Xuyên, SVD)

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Vậy làm sao chúng ta có thể trở nên hoàn thiện như Cha trên trời? Phải chăng chúng ta nên miệt mài trau đồi tri thức, kỹ năng, nhân đức… để đạt đến sự thông tuệ, hay ép mình và hãm xác để siêu thoát?

Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường để nên hoàn thiện, đó là: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương cho sự tha thứ và yêu thương kẻ thù. Điều này được thể hiện một cách rõ nét trong biến cố tử nạn. Người đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, sỉ nhục và đóng đinh Người. Đó là sự tha thứ, yêu thương và hiến trao trọn vẹn. Qua đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy bước theo con đường yêu thương, tha thứ như Người đã đi.

Nhờ sự mạc khải của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được chiêm ngắm tình yêu hải hà của Chúa Cha dành cho tất cả mọi người được thể hiện qua những lời này: “Cha của chúng ta ở trên trời yêu thương tất cả mọi người, Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, cho mưa xuống trên người công chính cũng như người bất chính.” Đây quả  là một tình yêu không biên giới, không khoảng cách, không phụ thuộc vào họ là ai và đã đối xử với mình như thế nào. Một tình yêu luôn muốn điều tốt lành nhất cho những người mình yêu. Như vậy, qua tình yêu hải hà của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta hãy noi gương Người bằng cách thể hiện tình yêu bao dung, nhân hậu, thứ tha và hy sinh phục vụ tất cả mọi người.

Lạy Chúa, xin cho con học lấy bài học yêu thương và thứ tha của Chúa để mỗi ngày chúng con trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu Tuần 1 Mùa Chay)
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, Năm B (Mc 9,2-10)