MỒ CÔI ĐẠI AN – THƯƠNG HƠN LÀ GIẬN

0
1798

Thầy Phanxicô Nguyễn Quốc Vương – Học viện Ngôi Lời

Tôi xin mượn tựa đề bài hát “Giận thì giận, mà thương càng thương” của làng nhạc Việt để mở đầu cho những dòng cảm nhận khi được đồng hành và học hỏi công tác mục vụ những tháng hè tại Mái ấm Đại An. Một cảm nhận có lẽ với bao người đang mục vụ và có trách nhiệm coi sóc Mái ấm cũng thấu hiểu và đón nhận như thế: “Giận thì giận, mà thương càng thương”. Vậy tại sao thương? Tại sao lại giận? Phải chăng tình thương bao trùm sự tức giận?

Nhắc đến Mái ấn Đại An có lẽ ai trong trong chúng ta cũng biết mục đích chính của ngôi nhà này là gì. Đây là Mái ấm cưu mang các em mồ côi từ lúc mới sinh của nhà Dòng, được thành lập từ năm 2005. Từ một mảnh đất hoang, nhà Dòng cách này cách khác với sự giúp đỡ của quý ân nhân xa gần đã tạo hình cho ngôi nhà mang tên Mái ấm Đại An để cưu mang các em mồ côi từ lúc mới sinh của các tỉnh lân cận vùng duyên hải miền trung, nhất là vùng Nha Trang, Phú Yên, Ban Mê Thuột… Năm năm gần đây, với sự nỗ lực và tâm huyết của những người có trách nhiệm chính được bề trên bổ nhiệm về Mái ấm, Mái ấm đã dần dần trở nên hoàn thiện cả về mặt vật chất cơ sở lẫn đời sống giáo dục. Hiện tại Mái ấm đang chăm sóc và giáo dục cho 28 em mồ côi cả nam lẫn nữ từ mới sinh cho đến lớp chín. Đúng với cái tên gọi được đặt cho, “Mái ấm Đại An” được hiểu là nơi an bình lớn nhất dành cho những trẻ bị bỏ rơi từ lúc mới sinh. Nơi đây sẽ là nhà, sẽ là quê hương, sẽ là những anh chị em thân thiết nhất của những đứa trẻ được cưu mang từ lúc bị bỏ rơi sau khi chào đời. Nơi đây sẽ thay thế và bù đắp tình cảm của cha mẹ, tình cảm của ông bà và người thân cho những đứa trẻ bị mất đi những tình thương ấy. Đó có lẽ là ước mong lớn nhất của những người có trách nhiệm khi tạo hình cho Mái ấm Đại An đầy thân thương này.

Trở lại với những cảm nhận khi thực tập mục vụ tại Mái ấm. Với câu hỏi đặt ra là: tại sao thương? Chắc có lẽ ai ai trong chúng ta cũng hiểu và thấu cảm được điều cần thiết nhất và mủi lòng khi nói đến những đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi mới sinh ra. Thương vì hoàn cảnh của các em là những đứa trẻ giờ đây không biết cha mẹ mình là ai. Thương vì mỗi em được gắn liền với những hoàn cảnh khác nhau của các mảnh đời khác nhau của mẹ chúng. Thương vì giờ đây các em không còn một gia đình thực sự, một tiếng gọi mẹ cha, một giọt sữa trong lành từ người mẹ. Giờ đây các em chỉ biết lớn lên bên cạnh những người cưu mang em mà em không hề có máu mủ ruột thịt. Các em sẽ đối diện với một tình thương cào bằng nơi ngôi nhà tập thể. Hơn thế nữa, khi một sự khao khát có được điều này, điều kia của một đứa trẻ để cùng vui chơi với chúng bạn bên ngoài thì các em lại mặc cảm cho số phận của mình. Và thật nhiều điều mà ai ai trong chúng ta cũng thấy xót khi đối diện hay nghĩ về trẻ mồ côi bị bỏ rơi từ lúc mới sinh.

Vậy, tại sao lại giận? Có lẽ đây là điều mà những ai có trách nhiệm trên các em trong công tác giáo dục và bảo vệ chúng thì mới cảm nhận được. Để đào tạo một con người có lẽ không hề dễ dàng như chúng ta nghĩ. Một đứa trẻ lớn lên trong mái ấm gia đình có đầy đủ sự yêu thương chăm sóc và giáo dục của cha mẹ đôi khi cũng còn gây mỏi mệt cho cha mẹ với những tính hư tật xấu hay đôi lần trở chứng của đứa trẻ. Vậy thì nơi đây, biết bao đứa trẻ với nhiều hoàn cảnh khác nhau cũng sẽ sinh ra những bản tính khác nhau khi đối diện với cuộc sống. Cũng không dễ dàng để giáo dục các em đi theo một khuôn mẫu từ những hoàn cảnh khác nhau của các em. Có thể nói rằng, từ việc thể hiện khả năng để chứng tỏ mình đã là người hiểu biết, người trưởng thành của các em cũng làm cho người có trách nhiệm mệt mỏi. Cộng vào đó là sự chống đối hay ngang bướng với những điều mà chúng cho là mất tự do và bị kiểm soát hơn những đứa bạn bên ngoài. Hay phức tạp hơn nữa là những vấn đề liên quan đến tình cảm tính dục mà có kể ra thì chúng ta cũng không ngờ đến. Những điều như thế cứ xảy ra với các em, thì thử hỏi làm sao không tức không giận khi chúng ta là người đối diện và chịu trách nhiệm trên các em.

Thế nhưng, khi nhìn đến lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người, chúng ta sẽ hành động với tình thương vô điều kiện. Thử hỏi Thiên Chúa có tức giận không? Thưa là “cơn giận của Chúa cháy bừng như lửa, nộ khí của Ngài đè nặng sinh linh (Is 30,27). Nhưng Chúa tức giận và phạt dân Chúa không phải chỉ giận vì dân hư đốn mà là vì quá yêu thương dân chúng và mong cho nó trở về nẻo chính đường ngay. Hơn thế nữa, nơi Đức Giêsu, Ngài đã tình nguyện đồng hành với con người để cứu và đưa con người về với Thiên Chúa. Tình thương lớn hơn sự giận dữ hay vì quá yêu con người nên Đức Giêsu đã cất đi sự tức giận để trao ban tình thương mà đưa con người trở về với Thiên Chúa, trở về trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa (Ga 3, 17-21; Rm 3,21-26).

Cũng giống như thế, những người có trách nhiệm trên các em ngay chính mái ấm này, luôn muốn các em nhận thức được cuộc sống, nhận thức được những lời dạy dỗ bảo ban để các em có chút hiểu biết và kinh nghiệm làm hành trang bước vào đời sau này. Nhưng thật không hề dễ dàng khi nuôi nấng và giáo dục các em. Bởi, các em đang sống trong một môi trường tập thể với biết bao điều ở cái tuổi hồn nhiên thích nổi loạn, cái tuổi thích khám phá mọi điều nhưng có lẽ khám thì ít mà phá thì nhiều. Hơn thế nữa, ở cái tuổi thích thể hiện bản thân để người khác biết đến nhưng đan xen là những cám dỗ tình dục để các em rơi vào. Đó chẳng phải là sự mệt mỏi là nổi tức giận có thể dẫn đến “stress” nơi những người có trách nhiệm. Thế nhưng, vì tình thương, vì lòng yêu mến, vì tương lai của các em, những người có trách nhiệm đành kiềm nén sự tức giận mà các em gây ra để cố gắng dành tình yêu thương, nâng đỡ và sửa dạy, bởi với các em là những trẻ mồ côi giờ đây chỉ còn biết nương tựa duy nhất vào chính tình thương đó.

Sau hơn hai tháng thực tập mục vụ với tinh thần học hỏi và đồng hành nơi Mái ấm Đại An thân yêu này, tôi đã cảm nghiệm sâu sắc hơn về tình thương, lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người và cụ thể hơn trong chính đời sống mục vụ những trẻ em bị bỏ rơi nơi Mái ấm. Đó cũng là sự nhắc nhở để tôi nhìn lại cuộc đời của tôi đã đón nhận lòng thương xót của tình yêu Thiên Chúa như thế nào. Qua đây, tôi cảm ơn các Cha, các Sơ là những người đang trực tiếp làm công việc giáo dục trẻ em tại Mái ấm, những người đã cho tôi cái nhìn về “tình thương hơn là sự tức giận” trên con người, nhất là những đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi. Cảm ơn Mái ấm Đại An thân yêu nơi biết bao tình cảm từ những ánh mắt trìu mến thơ dại của các em, nơi đã cho tôi những ngày hè thật ý nghĩa cùng bao kỷ niệm với các em mồ côi. Hy vọng những điều tôi cảm nghiệm và học hỏi nơi đây sẽ làm hành trang cho tôi trong đời sống thánh hiến và sứ vụ sau này.

Bài trướcGặp gỡ Linh mục Truyền giáo Togo, Châu Phi – Lm Phêrô Nguyễn Đình Khiêm, SVD
Bài tiếp theoĐTC Phanxicô: Một thông điệp về tình huynh đệ từ những đổ nát của Iraq