TÌNH HUYNH ĐỆ: SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO TRONG THẾ GIỚI HẬU COVID-19

0
262

Tác giả: Lm. Antonio M. Pernia, SVD[1]

(Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD biên dịch)

Dẫn nhập

Như tựa đề đã chỉ ra, bài viết này phản ánh lời kêu gọi đến với Tình Huynh Đệ toàn cầu mà Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra trong Thông điệp Tất Cả Là Anh Em – Fratelli Tutti (FT)  – một lời kêu gọi mà Đức Thánh Cha đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong nhãn quan đó, bài viết này được chia thành ba phần: (1) thứ nhất, tầm quan trọng của đại dịch Covid-19, (2) thứ hai, Fratelli Tutti như một lời kêu gọi cho tình huynh đệ phổ quát, và (3) thứ ba, tình huynh đệ như là thách thức truyền giáo trong thế giới hậu đại dịch.

  1. Đại dịch covid 19

Thiết nghĩ rằng đại dịch toàn cầu Covid-19 đã buộc thế giới phải suy nghĩ lại về cách chúng ta sống và cách chúng ta làm mọi việc trong cuộc sống. Tôi nghĩ điều này cũng đúng với đời sống và sứ vụ truyền giáo của Giáo hội.

Một trong những suy tư sâu sắc nhất về tầm quan trọng của đại dịch toàn cầu này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra trong bài giảng trước khi ban phép lành ngoại thường “Urbi et Orbi” vào ngày 27 tháng 3 năm 2020. Những gì ngài chia sẻ thì nay đã trở thành những bài giáo huấn được soạn thảo kỹ càng trong Thông điệp Fratelli Tutti. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã diễn tả trong bài giảng của ngài… Cuộc khủng hoảng đại dịch này làm hiện lộ ra lỗ hổng của chúng ta và phơi bày những điều chắc chắn sai lầm và thừa thãi mà chúng ta đã lập trình hàng ngày về thói quen, dự án và ưu tiên của mình…Trong thế giới này… chúng ta đã tiến lên với tốc độ chóng mặt, cảm thấy mạnh mẽ và có thể làm bất cứ điều gì. Vì tham lợi, chúng ta để mình bị vật chất cuốn hút, bị lôi cuốn vào một cuốc sống vội vã …. Chúng ta tiếp tục và bất chấp nghĩ rằng chúng ta sẽ khỏe mạnh trong một thế giới đầy bệnh tật.[2]

Trên thực tế, dường như Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nói rằng đại dịch đã cho chúng ta thấy tính dễ bị tổn thương, mong manh và hữu hạn của chúng ta trong một thế giới mà những thành tựu của con người đã khiến chúng ta nghĩ rằng mình mạnh mẽ, có khả năng làm bất cứ điều gì chúng ta muốn, kiểm soát được cuộc sống của chúng ta – thậm chí đến mức kiểm soát tương lai của thế giới và thường kiểm soát cuộc sống và số phận của các quốc gia nghèo và những người dễ bị tổn thương.

Thật vậy, trong những thập kỷ qua, nhân loại đã tạo ra những tiến bộ to lớn và đã đạt đến đỉnh cao thành tựu. Chúng ta đã đi vào quỹ đạo không gian. Chúng ta đã đưa người lên mặt trăng. Chúng ta đã phát minh ra máy tính. Chúng ta đã kết nối mọi người thông qua internet. Chúng ta đã khám phá bộ gen của con người. Và vì vậy, chúng ta cảm thấy mạnh mẽ và quên mất rằng chúng ta là hữu hạn và có giới hạn, rằng chúng ta chỉ là tạo vật chứ không phải là Đấng Tạo Hóa. Chúng ta có xu hướng, dù chỉ là vô thức, thay thế Thiên Chúa và hất Ngài khỏi vị trí xứng đáng của Ngài. Và vì vậy, đại dịch là một lời nhắc nhở về tính dễ bị tổn thương, tính hữu hạn, sự nhỏ bé và thân phận phải chết của chúng ta.

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã xây dựng thế giới của mình trên cơ sở quyền lực, kiểm soát, cạnh tranh và tích lũy của cải, dẫn đến việc sử dụng và lạm dụng tài nguyên của trái đất một cách vô ý thức. Khi đó, đại dịch có vẻ như là một lời kêu gọi hướng tới một cách thức khác để tổ chức lại thế giới của chúng ta và sống cuộc sống của chúng ta—nghĩa là, với ý thức rõ ràng hơn về việc chúng ta thuộc về nhau như anh chị em trong cùng một gia đình nhân loại, liên đới hơn với người nghèo và những người bị loại trừ, tôn trọng và quan tâm nhiều hơn đến trái đất, và cởi mở hơn với ý muốn của Thiên Chúa và công nhận quyền tối cao của Ngài.

Thiết tưởng rằng sẽ là một sai lầm nếu chúng ta chỉ đơn giản bỏ qua trải nghiệm về đại dịch, và sau đó khi đại dịch đi qua, chỉ cần quay lại nơi cũ của chúng ta và tiếp tục cuộc sống như trước đây. Thách thức của đại dịch là chúng ta không bao giờ được bỏ qua trải nghiệm này mà hãy lưu tâm đến nó. Thay vào đó, chúng ta cần trân trọng trải nghiệm này và từ đây cho phép nó định hình cách chúng ta sống. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Thông điệp Fratelli Tutti,

Nhờ tiến bộ công nghệ, thế giới không ngừng hướng tới một nền kinh tế với “những tổn hại cho con người và xã hội” ngày càng thấp. Có người thuyết phục chúng ta tin rằng cứ có thị trường tự do thì mọi thứ đều sẽ đâu vào đó. Tuy nhiên, với cú đánh sấm sét và bất ngờ của cơn đại dịch khó kiểm soát này, chúng ta buộc phải quan tâm đến con người, đến mọi người, thay vì chỉ nghĩ đến lợi ích của một số người. Ngày nay, chúng ta có thể nhận ra rằng “chúng ta đã ấp ủ những giấc mơ long lanh bay bổng, nhưng rốt cuộc lại thường rối trí, khép kín và cô độc. Chúng ta tích góp để có nhiều mối liên kết trên mạng nhưng lại đánh mất hương vị huynh đệ… Trở thành tù nhân cho thực tại ảo, chúng ta đã đánh mất hương vị của đời thực”. Nỗi thống khổ, tình trạng bấp bênh, sự sợ hãi và việc nhận ra các giới hạn của bản thân, do cơn đại dịch gợi lên, càng khiến chúng ta phải cấp bách suy nghĩ lại về lối sống, các mối tương quan, cách tổ chức xã hội, và trên hết là ý nghĩa hiện hữu của chúng ta (FT 33).

Ngay sau khi Thông điệp Tất Cả Là Anh Em – Fratelli Tutti được ban hành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một cuốn sách cùng với nhà báo người Anh, Austen Ivereigh, có tựa đề “Hãy Để Chúng Ta Mơ Ước: Con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn.” Trong cuốn sách này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Câu hỏi đặt ra là liệu bạn có vượt qua được cuộc khủng hoảng này hay không và nếu có thì bằng cách nào. Quy tắc cơ bản của một cuộc khủng hoảng là bạn không thoát ra khỏi nó như cũ. Nếu bạn vượt qua nó, bạn sẽ trở nên tốt hơn hoặc tồi tệ hơn, nhưng không bao giờ giống nhau.”[3]

  1. Thông điệp Tất Cả Anh Em: Lời kêu gọi tình huynh đệ

Tôi tin rằng chính dưới ánh sáng này mà người ta có thể đánh giá đúng hơn lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với tình huynh đệ phổ quát trong Thông điệp Fratelli Tutti của ngài, được phụ đề chính xác, “Về Tình huynh đệ và Tình bạn Xã hội”.

Như chúng ta đã biết, Thông điệp đã được ký tại mộ Thánh Phanxicô Assisi vào lễ vọng ngày 3 tháng 10 năm 2020. Tựa đề được lấy từ những lời mà Thánh Phanxicô nói với các anh chị em của mình, trong đó ngài đề xuất với họ “một lối sống mang hương vị của Tin Mừng,” đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hành một “tình yêu vượt qua các rào cản của địa lý và khoảng cách” (FT 1).

Ngay từ đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng, nếu ngài được khuyến khích viết Thông điệp Laudato Sì nhờ cuộc gặp gỡ với Thượng phụ Chính thống Bartholomew, thì ngài đã được khuyến khích viết Fratelli Tutti nhờ cuộc gặp gỡ với Đại giáo trưởng Imam của Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyeb , người mà ngài đã ký “Tuyên bố về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và chung sống” vào ngày 4 tháng 2 năm 2019 tại Abu Dhabi (xem FT 5).

Tuy nhiên, nguồn cảm hứng chính đằng sau thông điệp, như trong Laudato Sì, là Thánh Phanxicô Assisi (xem FT 2). Và như vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô thuật lại trong phần mở đầu chuyến viếng thăm của Thánh Phanxicô tới Quốc vương Malik-el-Kamil ở Ai Cập. Ngài nói rằng tình tiết này cho thấy sự cởi mở trong trái tim của Thánh Phanxicô “không có giới hạn và vượt qua sự khác biệt về nguồn gốc, quốc tịch, màu da hay tôn giáo.” Nó chứng tỏ “sự rộng lớn và vĩ đại trong tình yêu của thánh nhân, tình yêu tìm cách ôm lấy mọi người” (FT 3).

Rõ ràng là Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu viết thông điệp trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát nhưng đã bị đại dịch toàn cầu này vượt qua, sau đó trở thành một động lực bổ sung và một quan điểm cụ thể cho việc viết thông điệp. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói:

khi thông điệp này đang được soạn thảo, cơn đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, phơi trần những an toàn giả tạo của chúng ta. Các phản ứng rời rạc của các quốc gia cho thấy rõ họ không có khả năng phối hợp hành động. Mặc dầu các quốc gia có được siêu kết nối, người ta vẫn chứng kiến một sự phân mảnh khiến việc giải quyết các vấn đề sát sườn của chúng ta càng thêm khó khăn. Nếu có ai đó tin rằng vấn đề chỉ là phải bảo đảm làm sao cho có được một sự vận hành tốt hơn những gì trước đây chúng ta đã làm hoặc tin rằng bài học duy nhất cần rút ra đó là phải cải thiện các hệ thống và những quy định hiện hành, thì đích thị đây là một kẻ bịt tai nhắm mắt chối bỏ thực tại. (FT 7).

Chính dưới ánh sáng này mà chúng ta thấy được mục đích của thông điệp, đó là “góp phần tái sinh khát vọng phổ quát của tình huynh đệ”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Tôi ước mong rằng trong thời đại hiện nay, bằng cách thừa nhận phẩm giá của mỗi con người, chúng ta có thể góp phần làm sống lại khát vọng phổ quát về tình huynh đệ. Tất cả cùng chung tay: “Đây là bí quyết tuyệt hảo để ước mơ và biến đời ta thành một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Không ai có thể đơn độc đương đầu với cuộc đời. […] Chúng ta cần có một cộng đồng để được nâng đỡ và được hỗ trợ, đồng thời trong cộng đồng đó chúng ta giúp nhau nhìn về phía trước. Mơ ước cùng nhau quan trọng biết mấy! […] Khi đơn độc, người ta có nguy cơ thấy những ảo ảnh, thấy những gì không có thật; còn ước mơ là do cùng nhau tạo nên”. Vậy chúng ta hãy ước mơ như một nhân loại duy nhất, như những người du hành cùng chia sẻ một thân phận con người, như những đứa con của cùng một đất mẹ, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người với sự phong phú của niềm tin và những xác tín của mình, mỗi người với cung giọng riêng của mình, tất cả đều là anh em. ( FT 8).

2.1. Lời kêu gọi đến với tình huynh đệ

Do đó, Fratelli Tutti có thể được xem như một lời kêu gọi phục hồi và đào sâu cảm thức về tình huynh đệ nhân loại vốn gắn kết gia đình nhân loại lại với nhau. Trong cuốn sáchHãy Để Chúng Ta Mơ Ước” (Let Us Dream), đề cập đến tiếng kêu xung trận của cuộc cách mạng Pháp ở châu Âu thế kỷ 18 (“Tự do, Bình đẳng, Huynh đệ”), Đức Giáo hoàng Phanxico nói, “Kỷ nguyên hiện đại, đã phát triển bình đẳng và tự do với quyết tâm như vậy, bây giờ cần tập trung vào tình huynh đệ với cùng một động lực và sự kiên trì để đương đầu với những thách thức phía trước. Tình huynh đệ sẽ cho phép tự do và bình đẳng chiếm vị trí xứng đáng trong bản giao hưởng.”[4] Đức Thánh cha nói thêm,

Đây là lúc để khôi phục đạo đức về tình huynh đệ và tình đoàn kết, tái tạo mối quan hệ tin cậy và gắn bó. Vì những gì cứu chúng ta không phải là một ý tưởng mà là một cuộc gặp gỡ. Chỉ có khuôn mặt của người khác mới có khả năng đánh thức những gì tốt nhất của chúng ta. Phục vụ mọi người là tự cứu mình.[5]

Hơn nữa, ngài nói;

Bây giờ là lúc …, một chủ nghĩa nhân văn mới có thể khai thác sự bùng nổ tình huynh đệ này, để chấm dứt tình trạng toàn cầu hóa sự thờ ơ và lạm phát quá mức của cá nhân. Một lần nữa chúng ta cần cảm thấy rằng chúng ta cần nhau, rằng chúng ta có trách nhiệm với người khác, kể cả những người chưa được sinh ra và những người chưa được coi là công dân.[6]

Dựa trên truyền thống của dòng tu của mình, Dòng Tên, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích tình huynh đệ bằng những lời sau:

Để mơ về một tương lai khác, chúng ta cần chọn tình huynh đệ thay vì chủ nghĩa cá nhân làm nguyên tắc tổ chức của chúng ta. Tình huynh đệ, ý thức thuộc về nhau và thuộc về toàn thể nhân loại, là khả năng đến với nhau và cùng nhau làm việc vì một chân trời khả hữu chung. Theo truyền thống của Dòng Tên, chúng tôi gọi đây là hiệp nhất tinh thần (unión de ánimos), sự kết hợp của trái tim và khối óc. Đó là một thể thống nhất cho phép mọi người phục vụ như một chỉnh thể bất chấp sự khác biệt về quan điểm, sự tách biệt về thể chất và cái tôi của con người. Một liên minh như vậy bảo tồn và tôn trọng tính đa nguyên, mời tất cả mọi người đóng góp từ sự khác biệt của họ, với tư cách là một cộng đồng anh chị em quan tâm đến nhau.[7]

2.2. Hướng tới một thế giới thay thế

Do đó, Thông điệp Fratelli Tutti có thể được coi là một đề xuất nhằm xây dựng một thế giới thay thế, tức là một thế giới của tình huynh đệ nhân loại. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Có lẽ bởi vì chúng ta đã tìm lại được một chút tình huynh đệ mà trái tim chúng ta đã đánh mất một cách đau đớn, nhiều người trong chúng ta đã bắt đầu cảm thấy sốt ruột hy vọng rằng có thể thế giới sẽ được tổ chức khác đi, để phản ánh sự thật đó.”[8]

Đề xuất này có ba bước. Đầu tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện việc đọc ra tình hình hiện tại của thế giới chúng ta, và sau đó, bước thứ hai, ngài suy tư về tình trạng này dưới ánh sáng của Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, và sau cùng, ngài đề xuất một thế giới của tình huynh đệ phổ quát được xây dựng trên 4 trụ cột.

(1) Bước Một:

Trước tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô tiến hành đọc về tình hình hiện tại của chúng ta. Đây là Chương 1 của Thông điệp, có tựa đề “Những đám mây đen trên một thế giới khép kín.” Chương này tập trung vào những xu hướng bất lợi cho sự phát triển của tình huynh đệ đại đồng. Năm xu hướng, đặc biệt, được đề cập:

 (a) Chính trị và “các hình thức thuộc địa mới:”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay, những từ ngữ như dân chủ, tự do, công bằng, thống nhất thực sự có ý nghĩa gì? Chúng đã bị bóp méo và xuyên tạc để sử dụng như công cụ thống trị, như những câu chữ sáo rỗng có thể dùng để biện minh cho bất kỳ hành động nào.” ( FT 14).

(b) “Văn hóa lãng phí:”

Đức Thánh Cha nói: “…con người không còn được xem như có giá trị tối cao phải được tôn trọng và bảo vệ, nhất là những người nghèo hoặc khuyết tật, chưa hữu dụng (như trẻ sắp ra đời), hoặc chẳng còn ích lợi gì (như người già cả). Chúng ta đã trở nên vô cảm với mọi kiểu hoang phí, trước hết là hoang phí thực phẩm.”  (FT 18).

(c) Các quyền con người không đủ phổ quát:

Xin trích lời Đức Giáo Hoàng một lần nữa: “Điều thường trở nên rõ ràng là, trên thực tế, nhân quyền không bình đẳng cho tất cả mọi người…. Trong khi một bộ phận nhân loại sống trong sự xa hoa, thì một bộ phận khác lại thấy phẩm giá của mình bị từ chối, khinh bỉ hoặc chà đạp, và các quyền cơ bản của mình bị loại bỏ hoặc vi phạm” (FT 22).

(d) Di cư và người di cư:

Một lần nữa Đức Thánh Cha nói: “Trong thực tế, bằng các quyết định của chúng ta và cách chúng ta đối xử với họ [những người di cư], chúng ta có thể cho thấy rằng chúng ta coi họ kém xứng đáng hơn, kém quan trọng hơn, kém nhân bản hơn. Đối với các Kitô hữu, lối suy nghĩ và hành động này là không thể chấp nhận được…” (FT 39).

(e) Và cuối cùng, ảo tưởng về truyền thông:

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Các mối tương quan ảo của kỹ thuật số, …, thực chất chỉ là những mối tương quan mang dáng vẻ thân thiện bề ngoài mà thôi. Chúng không thực sự xây dựng cái chung, nhưng có xu hướng che giấu và thổi phồng chủ nghĩa cá nhân, thể hiện qua thái độ bài ngoại và khinh miệt những người yếu đuối dễ bị tổn thương. Chỉ có kết nối kỹ thuật số thì không đủ để bắc những nhịp cầu, không đủ để hợp nhất nhân loại.” (FT 43).

(2) Bước Hai:

Và sau đó, trong bước thứ hai, Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về tình trạng này của thế giới chúng ta dưới ánh sáng của Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu. Đây là Chương 2 của thông điệp, có tựa đề “Một người lạ trên đường.” Ở đây, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, trong một xã hội không lành mạnh, quay lưng lại với người đau khổ, đó là sự “mù lòa” trong việc chăm sóc những người yếu đuối và dễ bị tổn thương (xem FT 64-65), tất cả chúng ta đều được kêu gọi – giống như Người Samari nhân hậu – để trở thành láng giềng của người khác (xem FT 81), vượt qua những định kiến, quyền lợi cá nhân, những rào cản lịch sử và văn hóa. Trên thực tế, tất cả chúng ta đều đồng trách nhiệm trong việc tạo ra một xã hội có khả năng bao gồm, hội nhập và nâng đỡ những người đã sa ngã hoặc đang đau khổ (xem FT 77). Cho phép tôi trích dẫn hai đoạn quan trọng từ chương này.

Trong số 67, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Dụ ngôn này phác họa một cách hùng hồn sự chọn lựa cơ bản mà chúng ta phải thực hiện để tái thiết thế giới đau thương này. Đối mặt với bao nỗi đau, với những vết thương, con đường duy nhất của chúng ta là làm như người Samari tốt lành. Mọi chọn lựa khác sẽ dẫn ta hoặc về phía bọn cướp, hoặc về phía những người bỏ đi, không xót thương trước nỗi khổ đau của nạn nhân đang quằn quại bên đường. Dụ ngôn chỉ cho chúng ta thấy cách thức xây dựng lại cộng đồng, khởi đi từ những con người biết đồng cảm với các yếu nhược của người khác, không chấp nhận một xã hội loại trừ, nhưng vì thiện ích chung, sẵn sàng đến bên, nâng dậy và phục hồi người quỵ ngã. Đồng thời, dụ ngôn còn cảnh giác chúng ta tránh thái độ của những người chỉ biết lo cho bản thân mà không chịu gánh vác những trách nhiệm không thể thoái thác của cuộc sống mỗi ngày. (FT 67).

Trong số 70, Đức Thánh Cha nói:

Điều đáng chú ý là các nhân vật khác nhau trong câu chuyện thay đổi như thế nào khi đối mặt với cảnh tượng đau đớn của người đàn ông tội nghiệp bên vệ đường. Sự phân biệt giữa người Giu-đêa và người Sa-ma-ri, thầy tư tế và thương gia, trở nên vô nghĩa. Bây giờ chỉ có hai loại người: những người quan tâm đến một người bị tổn thương và những người đi ngang qua; những người cúi xuống để giúp đỡ và những người ngoảnh mặt đi và vội vàng bỏ đi …. đó là khoảnh khắc của sự thật. Liệu chúng ta có cúi xuống để chạm vào và chữa lành vết thương của người khác không? Chúng ta sẽ cúi xuống và giúp người khác đứng dậy chứ? Đây là thách thức của ngày hôm nay,… Trong những thời điểm khủng hoảng, các quyết định trở nên cấp bách. Có thể nói, ở đây và bây giờ, bất cứ ai không phải là kẻ cướp cũng không phải là người qua đường, hoặc là tự làm mình bị thương hoặc là cõng người bị thương trên vai (FT 70).

(3) Bước Ba:

Và sau đó, trong bước thứ ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất việc xây dựng một thế giới của tình huynh đệ phổ quát trên cơ sở là tất cả chúng ta đều có liên hệ với nhau và chỉ thông qua các mối tương quan của chúng ta với tư cách là anh chị em với nhau, chúng ta “dần dần hiểu biết chính chúng ta.” Chúng ta là những người chia sẻ di sản và số phận chung, và chúng ta khám phá ra bản sắc, mục đích và phẩm giá của mình, chỉ thông qua mối tương quan của chúng ta với nhau.

Thế giới tình huynh đệ nhân loại này được xây dựng trên bốn trụ cột cơ bản:

(a) Thứ nhất, trụ cột Chính trị, nghĩa là, một nền chính trị một mặt tránh xa chủ nghĩa cá nhân tự do và mặt khác là chủ nghĩa dân túy, và do đó, một nền chính trị tìm kiếm con đường thứ ba, có thể được gọi là nền chính trị vì lợi ích chung (FT, ch. 5).

(b) Thứ hai, trụ cột Kinh tế, nghĩa là, một nền kinh tế công nhận nguyên tắc về đích chung của hàng hóa trên trái đất, trong đó quyền sở hữu tư nhân phải phụ thuộc vào (FT, ch. 1, 3).

(c) Thứ ba, trụ cột Văn hóa, nghĩa là, một “nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại”, nơi mà những chia rẽ và phân cực được khắc phục, không phải bằng cách loại bỏ những khác biệt và đa dạng mà bằng cách cho phép chúng cùng tồn tại và cuối cùng hội nhập chúng (FT, ch. 6, 7).

(d) Và thứ tư, trụ cột Tôn giáo, nghĩa là, các tôn giáo không cho phép mình bị lạm dụng vào bạo lực hơn nữa, mà đúng hơn là khai thác chính mình như một nguồn lực để bảo vệ công lý và thúc đẩy tình huynh đệ (FT, ch. 8).

  1. Tình Huynh Đệ: Sứ vụ truyền giáo trong thế giới hậu Đại dịch

Tôi tin rằng dưới ánh sáng này, chúng ta cần suy nghĩ lại về cuộc sống và sứ mệnh của mình với tư cách là Giáo hội. Thiết tưởng rằng sứ mệnh trong thế giới hậu Covid-19 nên hướng tới việc khôi phục và đào sâu cảm thức về tình huynh đệ phổ quát. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Tình huynh đệ ngày nay là biên giới mới của chúng ta.”[9] Nói cách khác, tình huynh đệ là thách thức truyền giáo ngày nay. Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm,

Chúng ta đã bỏ bê và ngược đãi mối tương quan của mình với Đấng Tạo Hóa, với tạo vật và với đồng loại. Nhưng có tin mừng đó là có một chiếc Tàu Noe đang đợi chúng ta để chở chúng ta đến một tương lai mới. Covid-19 là khoảnh khắc Nô-ê của chúng ta, miễn là chúng ta có thể tìm được đường đến Con tàu của những sợi dây gắn kết chúng ta: tình yêu và sự thuộc về nhau.

Câu chuyện về Nô-ê trong Sáng Thế không chỉ nói về cách Thiên Chúa đưa ra một con đường thoát khỏi sự hủy diệt, mà còn về tất cả những gì xảy ra sau đó. Sự tái tạo của xã hội loài người đồng nghĩa với việc quay trở lại tôn trọng các giới hạn, hạn chế việc theo đuổi sự giàu có và quyền lực một cách liều lĩnh, quan tâm đến người nghèo và những người sống bên lề.[10]

Nói cách khác, truyền giáo ngày nay phải giúp xây dựng thế giới của chúng ta, không phải trên cơ sở quyền lực, cạnh tranh, kiểm soát và tích lũy của cải, nhưng trên sự dịu dàng, trắc ẩn, liên đới và chia sẻ các nguồn lực. Điều này đòi hỏi việc truyền giáo ngày nay cần chú ý nhiều hơn đến việc loan báo một cách dứt khoát và làm chứng một cách chân thực cho Nước Thiên Chúa, vốn là lời hứa của Thiên Chúa về một thế giới được xây dựng trên công lý, hòa bình, hòa giải và  yêu thương.

Rõ ràng, điều này đòi hỏi một cách khác để thực hiện sứ mệnh, một cách hài hòa với những đặc điểm cơ bản này của Nước Thiên Chúa – do đó, một cách thực hiện sứ mạng ít hung hăng hơn, ít ép buộc hơn, ít hủy diệt hơn và tôn trọng hơn, khiêm tốn hơn, nhã nhặn hơn . Có lẽ một từ nắm bắt được tất cả những đặc điểm này của một cách thức thực hiện sứ mệnh khác là “đối thoại”. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Fratelli Tutti, “Tiếp cận, nói, nghe, nhìn, biết và hiểu nhau, tìm điểm chung: tất cả những điều này được tóm gọn trong một từ “đối thoại”. Nếu chúng ta muốn gặp gỡ và giúp đỡ nhau, chúng ta phải đối thoại” (FT 198).

Và như vậy, truyền giáo trong thế giới hậu Covid-19 cần phải được thực hiện trong đối thoại. Tuy nhiên, đối thoại, như con đường hướng tới việc xây dựng một thế giới tình huynh đệ nhân loại, đòi hỏi cả việc tạo ra một “nền văn hóa gặp gỡ” lẫn việc chấp nhận “lựa chọn vì người nghèo”.

3.1. “Văn hóa gặp gỡ”

Đức Thánh Cha Phanxicô luôn ủng hộ việc tạo ra một “nền văn hóa gặp gỡ” (xem FT 215). Trên thực tế, điều này đã trở thành một dấu ấn đặc trưng của triều đại giáo hoàng của ngài. Trong số 30 của FT, Đức thánh cha  nói:

Trong thế giới ngày nay, cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất ngày càng phai nhạt, và giấc mơ cùng chung tay xây dựng công lý và hòa bình dường như là điều không tưởng, lỗi thời. Ngự trị thay vào đó là sự lãnh đạm, thoải mái và lạnh lùng […] Sự cô lập hoặc khép kín trong những mối bận tâm của chính mình không bao giờ là con đường mang lại hy vọng và dẫn đến đổi mới. Con đường này chỉ được hình thành bởi sự gần gũi, bởi nền văn hóa gặp gỡ. Hãy nói không với sự cô lập và nói có với sự gần gũi. Hãy nói không với văn hóa đối kháng và nói có với văn hóa gặp gỡ” (FT 30).

Và vì vậy, đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, “tiến trình xây dựng tình huynh đệ, dù là địa phương hay phổ quát, chỉ có thể được đảm nhận bởi những tinh thần tự do và cởi mở với những cuộc gặp gỡ đích thực” (FT 50).

Nhưng, ngoài việc là con đường xây dựng tình huynh đệ, văn hóa gặp gỡ thực sự là một đòi hỏi của bản chất con người chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô nói,

Con người được tạo dựng cách nào đó, sao cho họ không thể sống, phát triển và đạt đến mức thành toàn nếu không “chân thành trao ban chính mình”. Con người cũng không thể hiểu biết tường tận sự thật về chính mình, nếu không gặp gỡ người khác: “Tôi chỉ thực sự thông hiệp với chính mình trong mức độ tôi thông hiệp với người khác”. Điều đó giải thích tại sao không ai có thể cảm nghiệm được giá trị của cuộc sống nếu không có những khuôn mặt cụ thể để yêu thương. Điều này tỏ lộ bí ẩn của kiếp nhân sinh đích thực, vì “sự sống tồn tại nơi nào có mối liên kết, có sự hiệp thông, có tình huynh đệ; và sự sống mạnh hơn cái chết khi nó được xây dựng trên những mối quan hệ chân thực và sự gắn bó thủy chung. Ngược lại, sự sống không tồn tại nơi nào người ta cho rằng mình chỉ thuộc về mình và sống như những ốc đảo: cái chết đã thắng thế nơi những thái độ này“ (FT 87).

Đức thánh cha nói thêm:

Trong sâu thẳm mỗi trái tim, tình yêu tạo nên những mối liên kết và mở rộng sự tồn tại, vì nó lôi kéo con người ra khỏi chính mình và hướng tới người khác. Vì chúng ta được tạo ra để yêu, nên trong mỗi người chúng ta, “một quy luật xuất thần” dường như đang vận hành: “người đang yêu ‘đi ra ngoài’ bản thân để tìm thấy sự tồn tại trọn vẹn hơn ở một người khác.” Vì lý do này, “con người luôn phải chấp nhận thách thức vượt lên chính mình” (FT 88).

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ này không thể chỉ giới hạn trong nhóm nhỏ gia đình và bạn bè của chúng ta hoặc những người giống chúng ta và suy nghĩ giống chúng ta (xem FT 134, 147-148). Đúng hơn, cuộc gặp gỡ này cần bao gồm và đặc biệt hướng đến những người khác với chúng ta, những người suy nghĩ khác với chúng ta. Chỉ khi đó, một nền văn hóa gặp gỡ thực sự mới được tạo ra. Như vậy, đối thoại, trong bối cảnh của một nền văn hóa gặp gỡ như vậy, đòi hỏi phải giao tiếp với nhau. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, “Đó là lý do tại sao ‘chúng ta cần giao tiếp với nhau, khám phá những món quà của mỗi người, thúc đẩy những gì hợp nhất chúng ta và coi những khác biệt của chúng ta là cơ hội để phát triển trong sự tôn trọng lẫn nhau. Sự kiên nhẫn và tin tưởng được kêu gọi trong cuộc đối thoại như vậy, cho phép các cá nhân, gia đình và cộng đồng chuyển giao các giá trị của nền văn hóa của chính họ và chào đón những điều tốt đẹp đến từ kinh nghiệm của người khác’” (FT 134).

Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng hình ảnh “khối đa diện” để mô tả một nền văn hóa gặp gỡ có khả năng vượt qua những khác biệt và chia rẽ. Đức thánh cha diễn tả:

Hình ảnh khối đa diện có thể đại diện cho một xã hội nơi mà sự khác biệt cùng tồn tại, bổ sung, làm phong phú và soi sáng lẫn nhau, ngay cả giữa những bất đồng và do dự. Mỗi chúng ta đều có thể học được điều gì đó từ người khác. Không ai là vô dụng và không ai là thừa thải. Điều này cũng có nghĩa là tìm cách bao gồm những người ở ngoại vi của cuộc sống. Vì họ có cách nhìn khác về mọi thứ; họ nhìn thấy những khía cạnh của thực tế mà các trung tâm quyền lực, nơi đưa ra các quyết định quan trọng, lại không nhận ra (FT 215).

3.2. “Lựa chọn cho người nghèo”

Câu trích dẫn cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô đưa chúng ta đến một đòi hỏi khác của đối thoại như một cách để xây dựng tình huynh đệ nhân loại, nghĩa là “lựa chọn cho người nghèo”.

Một dấu ấn đặc trưng khác về triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là việc ngài nhấn mạnh đến việc đặc biệt chú ý đến những người ở vùng ngoại vi và chấp nhận quan điểm của họ. Ngài nói, nền văn hóa gặp gỡ phải bao gồm một cuộc gặp gỡ được đổi mới với những thành phần nghèo khó và dễ bị tổn thương nhất của xã hội (x. FT 233). Thật vậy, trong việc xây dựng một thế giới thay thế, cần phải chú ý đến những người nghèo và dễ bị tổn thương trong xã hội. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nếu chúng ta phải bắt đầu lại, thì điều đó phải luôn bắt đầu từ những anh chị em bé nhỏ nhất của chúng ta” (FT 235).

Như vậy, việc xây dựng một thế giới mới của tình huynh đệ nhân loại cần phát sinh từ lựa chọn ưu tiên cho người nghèo. Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “có nghĩa là chúng ta cần luôn ghi nhớ rằng bất kỳ quyết định nào chúng ta đưa ra có thể ảnh hưởng đến người nghèo như thế nào. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là chúng ta cần đặt người nghèo làm trung tâm trong suy nghĩ của mình. Bằng phương tiện lựa chọn ưu tiên, Chúa cho chúng ta một quan điểm mới về giá trị để đánh giá các sự kiện.”[11] Hơn nữa, Đức thánh cha nói,

Bạn phải đi đến mọi ngóc ngách của cuộc sống nếu bạn muốn nhìn thế giới như nó vốn có. Tôi luôn nghĩ rằng thế giới trông rõ ràng hơn từ bên ngoài, như trong bảy năm qua với tư cách là Giáo hoàng, điều đó đã thực sự xảy ra với tôi. Bạn phải tạo ra sự chọn lựa từ ngoài lề để tìm một tương lai mới. Khi Thiên Chúa muốn tái sinh tạo vật, Ngài đã chọn đi đến bên lề – đến những nơi tội lỗi và đau khổ, loại trừ và đau khổ, bệnh tật và cô độc – bởi vì đó cũng là những nơi đầy khả năng ….[12]

Và như vậy, đối thoại trong một nền văn hóa gặp gỡ sẽ dẫn đến việc xây dựng một thế giới của tình huynh đệ nhân loại chỉ khi nó bắt nguồn từ sự lựa chọn dành cho người nghèo và chấp nhận viễn cảnh của vùng ngoại vi. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, lựa chọn dành cho người nghèo không chỉ là một chiến lược chính trị để thay đổi xã hội, mà còn là sự thừa nhận lựa chọn ưu tiên của chính Thiên Chúa. Như ngài đã nói trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng – Evangelii Gaudium (EG): “Trái tim của Thiên Chúa dành một vị trí đặc biệt cho người nghèo, đến nỗi chính Ngài ‘đã trở nên nghèo khó’ (2 Cr 8:9)” (EG 197). Do đó, lựa chọn cho người nghèo là quan điểm của chính Thiên Chúa, cách nhìn của chính Thiên Chúa về thực tại. Như vậy, nó trở thành một chìa khóa chú giải cho việc giải thích thực tại. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí tiếng Ý của Dòng Tên, La Civiltà Cattolica, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi tin chắc một điều: những thay đổi vĩ đại trong lịch sử đã được nhận ra khi thực tại không được nhìn từ trung tâm mà từ ngoại vi. Đó là một câu hỏi mang tính thông diễn: thực tại được hiểu chỉ khi nó được nhìn từ ngoại vi, chứ không phải khi quan điểm của chúng ta cách đều mọi thứ.”[13]

Vì vậy, lựa chọn dành cho người nghèo phải là trọng tâm sứ mệnh của Giáo hội. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô,

Nếu Giáo hội từ chối người nghèo, Giáo hội không còn là Giáo hội của Chúa Giêsu nữa; Giáo hội quay trở lại với sự cám dỗ xưa cũ để trở thành một tầng lớp trí thức hoặc đạo đức. Chỉ có một từ dành cho Giáo hội khi trở nên xa lạ với người nghèo: đó là “tai tiếng”(scandal). Con đường dẫn đến những vùng ngoại biên địa lý và hiện sinh là con đường Nhập Thể: Thiên Chúa đã chọn những vùng ngoại biên làm nơi mạc khải, qua  Chúa Giêsu hành động cứu độ của Ngài được thực hiện trong lịch sử.[14]

Tương tự như vậy, người nghèo phải là trung tâm của nỗ lực xây dựng một thế giới của tình huynh đệ nhân loại. Vì không có người nghèo, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “nền dân chủ sẽ trở nên èo uột, chỉ còn là một cái tên, chỉ là hình thức; mất đi nét đặc trưng tiêu biểu của nó và trở thành vô hồn, vì đã gạt bỏ con người trong cuộc đấu tranh liên lỉ cho phẩm giá và trong việc xây dựng vận mạng của con người” (FT 169). “Không thể có sự thay đổi đích thực, sâu sắc và lâu dài nếu không bắt đầu từ các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là những nền văn hóa của người nghèo” (FT 220). Đức Thánh cha nói thêm,

Hy vọng về việc khôi phục lại phẩm giá của con người xuất phát từ mọi ngóc ngách của cuộc sống. Điều đó không chỉ đúng với ranh giới của nghèo đói và nhu cầu, mà còn đúng với tất cả các ranh giới do đàn áp tôn giáo hoặc ý thức hệ và các hình thức tàn bạo khác tạo ra. Chúng ta giải phóng sự thay đổi này bằng cách cởi mở với những người bên lề và với các tổ chức của con người.[15]

  1. Kết luận

Để kết luận, tôi muốn đề cập đến “Tuyên bố về tình huynh đệ nhân loại” mà Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại giáo trưởng Imam Ahmad Al-Tayyeb đã cùng nhau ký kết tại Abu Dhabi vào ngày 4 tháng 2 năm 2019. Đức Thánh Cha Phanxicô trích dẫn toàn bộ bản tuyên bố này ở phần cuối của Fratelli Tutti. Một phần, tuyên bố nói:

“Nhân danh tình huynh đệ nhân loại, bao trùm tất cả mọi người, hiệp nhất mọi người và làm cho họ bình đẳng; Nhân danh tình huynh đệ này bị chia rẽ bởi các chính sách cực đoan và chia rẽ, bởi các hệ thống lợi nhuận vô độ hoặc bởi các khuynh hướng tư tưởng hận thù thao túng các hành động và tương lai của mọi người;… Nhân danh Chúa và tất cả những gì đã nêu cho đến nay, [chúng tôi] tuyên bố coi nền văn hóa đối thoại là con đường; hợp tác lẫn nhau làm quy tắc ứng xử; sự hiểu biết lẫn nhau như là phương pháp và tiêu chuẩn” (FT 285).

“Một nền văn hóa đối thoại,” — tôi tin rằng đây phải là cách thức truyền giáo trong một thế giới hậu Covid-19. Bởi vì chỉ thông qua đối thoại, một thế giới của tình huynh đệ nhân loại mới có thể được xây dựng. Nếu đi theo con đường đối thoại, thì có lẽ vẫn có thể xây dựng một thế giới không dựa trên quyền lực, kiểm soát, cạnh tranh và tích lũy của cải mà dựa trên sự dịu dàng (trụ cột chính trị), lòng trắc ẩn (trụ cột tôn giáo), đoàn kết (trụ cột văn hóa) và chia sẻ nguồn lực (trụ cột kinh tế). Nếu đúng như vậy, thì cái chết và sự đau khổ của rất nhiều người, cũng như sự hy sinh to lớn của các nhân viên y tế của chúng ta trong đại dịch này, sẽ không phải là vô ích. Sau cùng, còn có nhiều điều tốt đẹp vẫn sẽ xảy ra từ cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Vì như Vị Tông Đồ Dân Ngoại quả quyết với chúng ta, “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (xem Rm 5,20).

 

CHÚ THÍCH:

[1]  Bài viết với nguyên tác Anh ngữ, tựa đề  “Fraternity: Mission in a Post-Covid-19 World” đăng trong tạp chí Missio Inter Gentes Vol.8, No.1 (July 2022): 1-21. Linh mục Antonio M. Pernia, SVD, tác giả bài viết, nguyên tổng quyền Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời (2000-2012), hiện tại là trưởng khoa Truyền Giáo tại Học Viện Truyền Giáo Dòng Ngôi Lời (Divine Word Institute of Mission Studies), Philippines.

[2]Xem https://www.americamagazine.org/faith/2020/03/27/read-pope-francis-urbi-et-orbi-address-coronavirus-and-jesus-calming-storm

[3] Pope Francis, Let Us Dream: A Path to a Better Future, in conversation with Austen Ivereigh (London: Simon & Schuster, 2021), 4.

[4] Pope Francis, Let Us Dream: A Path to a Better Future, in conversation with Austen Ivereigh (London: Simon & Schuster, 2021), 8.

[5] Sđd., 81.

[6] Sđd., 38.

[7] Sđd., 53.

[8] Sđd., 13.

[9] Sđd., 82.

[10] Sđd., 13.

[11] Pope Francis, Let Us Dream, 41.

[12] Sđd., 11.

[13] Pope Francis in “Wake Up the World! Conversations with Pope Francis about the Religious Life.” An interview with Antonio Spadaro, SJ in La Civiltà Cattolica 2014: I3-17.

[14] Pope Francis, Let Us Dream, 91-92.

[15] Pope Francis, Let Us Dream, 96.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 8 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 8 TN)