Hướng về Quê Trời…

0
375

Tác giả: Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
(Học Viện Ngôi Lời)

Lời tường thuật của Tin Mừng Máccô “Đức Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Đức Chúa Cha” (16, 19) khai mở một viễn cảnh mà chúng ta vẫn hằng mong đợi. Đức Giêsu, ngang qua biến cố Thăng Thiên, mời gọi chúng ta hướng về Quê Trời như là đích điểm của cuộc đời, đồng thời tái khám phá hành trình dương thế chỉ là một cuộc lữ hành mà thôi. Thánh Phaolô khẳng định với chúng ta: “Quê hương chúng ta ở trên trời và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Đó là điều mà chúng ta nên kiếm tìm như thánh Phaolô đã quả quyết (Cl 3,1-2).

Thế nhưng, không ít người lại xem lý tưởng sống của chúng ta như lối sống tiêu cực của những kẻ hèn nhát không dám đối diện với thực tại đời này, chỉ lo đi tìm một cõi ảo tưởng nào đó, mà có khi chẳng có thật. Và đó đúng với những gì mà triết gia Friedrich Nietzsche đã nói về tôn giáo, như những kẻ trốn chạy đau khổ, bổn phận của mình ở đời này. “Hãy trung thành với mặt đất… Tình yêu và tri thức của anh em phải phụng sự ý nghĩa của trái đất[1] là lời mời gọi của Nietzsche (ngang qua nhà tiên tri Zarathustra), ngay phần mở đầu tác phẩm Zarathustra Đã Nói Như Thế, dành cho những người đang xa rời trách nhiệm với cuộc hiện sinh bởi ảo tưởng về những hy vọng lững lờ trên trời.

Thiết nghĩ, ngang qua những lời lẽ xem ra có vẻ gay gắt của triết gia được mệnh danh là cây búa “đảo lại tất cả các giá trị”[2], chúng ta được mời gọi khám phá lại điều mà “chúng ta vẫn nóng lòng mong đợi”, đó là “Quê Trời nơi Đức Giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha”.

 

Chúng ta có phải là những kẻ trốn chạy thực tại?

“Những ảo tưởng về cõi bên kia” là một trong bốn điểm chính mà Nietzsche đã triển khai phê bình Kitô giáo trong tác phẩm Zarathustra Đã Nói Như Thế. Sự sống đời sau của Kitô giáo, với Nietzsche, bị xem như liều thuốc độc: “Đau khổ và bất lực, đấy là cái đã tạo nên những cõi bên kia”[3]. Con người ảo tưởng về cõi bên kia để né tránh đối diện với những khổ đau kiếp này.[4] Để chữa lành những thất vọng đang tràn trề trong tâm hồn, con người tự chế cho mình một liều thuốc giảm đau bằng những mơ tưởng xa rời thực tế. Cõi bên kia chỉ là những hy vọng lững lờ, bất khả tri và vì nó là cõi vô hạn nên người đời dễ phủi chân với cõi hữu hạn này. Vậy, có đúng sự sống đời sau mà Kitô giáo đang rao giảng là một ảo tưởng hay chăng? Nếu quả như vậy, chúng ta thật là những kẻ đang chạy trốn khỏi thực tại như Nietzsche đã nhận định!

Chúng ta tìm thấy câu trả lời nơi Đức Giêsu, vị Thiên Chúa, đã nhập thể làm người và chung chia thân phận với chúng ta. Ngài đã bước vào cuộc lữ hành nơi dương thế và trải qua những thực tại của đời này. Người đã chịu đau khổ, chịu chết, và thực sự nay Người đã về Trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Người trở nên bảo chứng niềm hy vọng cho chúng ta, những người đang tiến bước về Quê Trời, vì quả thật, chỉ có Đấng “từ Chúa Cha mà đến” mới có thể “trở về cùng Chúa Cha” (Ga 16,28). “Nhân loại, với sức tự nhiên của mình, không thể vào được “Nhà Cha”, không thể đạt tới sự sống và sự vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào…” (GLHTCG số 661). “Đức Giêsu, là Đầu của Hội Thánh, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người” (GLHTCG số 666).

Thế nên, Quê Trời là viễn cảnh mà chúng ta chắc chắn sẽ đạt tới chứ chẳng phải là một ảo tưởng lơ lửng nào đó. Và, “hướng về Quê Trời” không phải là thái độ của những người trốn chạy thực tại, trái lại, đó là tâm thế của những người đang sống trong thực tại và đón nhận thực tại với niềm xác quyết mạnh mẽ, không chút mơ hồ về đích điểm đời mình. Mọi lý tưởng đều có một cánh cửa hy vọng để phấn đấu. Chẳng có gì bất công và nghịch lý cho bằng cả cuộc đời miệt mài xây dựng cho hư vô. Nếu như người theo giáo lý Phật giáo cũng mong mỏi được vào cõi niết bàn sau khi trải qua nhiều kiếp tu luyện, hay đến cả đến “Siêu Nhân” của Nietzsche cũng mang niềm hy vọng tiếp tục vòng xoay hiện sinh trong Quy Hồi Vĩnh Cửu. Đối với người Kitô hữu, “về Quê Trời” là niềm hy vọng đích thực, hy vọng được nên một với Đấng chúng ta yêu mến.

 

Hướng về Quê Trời, niềm hy vọng đích thực soi rọi cho cuộc hiện sinh này

Những thực tại đời này như đau khổ, bệnh tật, chia ly… và cả sự chết là điều mà con người không thể chối bỏ cũng chẳng thể thay đổi, vì nó chạm đến giới hạn của phận người, dẫu khoa học kỹ thuật hay văn minh nhân loại có phát triển tới tầm mức nào đi chăng nữa. Làm sao con người có thể đối diện với những khổ đau kiếp này mà không rơi vào thái độ bi quan? Nietzsche có lý khi nhận định “đau khổ và bất lực đã tạo nên những cõi bên kia”. Thế nhưng, “cõi bên kia” của Kitô giáo là đích điểm đích thực, mang đến cho con người niềm hy vọng khi đối diện với những thực tại đời này, chứ không phải là “liều thuốc độc” như Nietzsche nhìn nhận.

“Hướng về Quê Trời” mở ra một tâm thế sống đầy tích cực. Chúng ta ý thức rõ ràng những thực tại đời này không phải là vô nghĩa và hành trình dương thế của chúng ta có một đích điểm xác thực, đó là nơi Thiên Chúa Cha. Đức Giêsu là minh chứng sống động cho điều đó. Ngài đã sống ở trần gian, đón nhận những thực tại của thế gian: đau khổ, bất công, sự chết… nhưng Ngài luôn ý thức “Thầy từ Chúa Cha mà đến và…Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (x. Ga 16,28). Biến cố Thăng Thiên lại càng là bảo chứng cho điều mà Ngài đã nói. Nhờ đó, chúng ta không rơi vào lối sống theo chủ nghĩa hư vô: “Tất cả mọi sự đều vô ích. Thôi, cứ sống cho qua ngày. Sống chờ đợi. Sống chờ chết”. Đó là lối sống của “người nô lệ sống nơi lưu đày”, sống thụ động, không ý vị vì không có chủ đích và dự phóng, họ sống như thể đã chết. Còn chúng ta, những người Kitô hữu, sống thực tại đời này mà mắt luôn hướng về Quê Trời. Niềm hy vọng đích thực giúp chúng ta sống trọn vẹn thực tại và đón nhận tất cả với niềm xác quyết.

Trong bài huấn dụ trước khi Đọc Kinh Truyền Tin trong dịp Đại Lễ Thăng Thiên, ngày 01/06/2014, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích: “Đức Giêsu được rước lên Trời, có nghĩa là trở về cùng Thiên Chúa Cha. Với cuộc Thăng Thiên của Ngài, Đấng Phục Sinh đã hướng cái nhìn của các Tông Đồ về Trời cao, và Ngài cũng muốn lôi kéo cả cặp mắt của chúng ta về đó nữa, để chỉ cho chúng ta thấy rằng, cùng đích của con đường chúng ta chính là Thiên Chúa Cha”. “Con người sẽ thấy được chỗ của mình trong Thiên Chúa; nhờ Đức Kitô, kiếp nhân sinh được đón nhận vào trong sự sống nội tại của Thiên Chúa”, Đức cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã giảng như thế trong Thánh Lễ nhậm chức Giám Mục Rôma của Ngài vào ngày 07/05/2005, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateranô.[5]

Thánh Phaolô khẳng định với chúng ta: “Quê hương chúng ta ở trên trời…” (Pl 3,20). Vì thế, hình ảnh Nước Trời luôn đem lại cho chúng ta niềm hy vọng, giữa cuộc đời còn nhiều thử thách gian nan. Thánh nhân tiếp tục khuyên nhủ: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2).

 

Hướng về Quê Trời để không quên thân phận của mình

Tác giả Prashant Kakode trong cuốn sách mang tựa đề Tỉnh thức đã viết: “Chúng ta bước vào cuộc đời, khoác vào mình bộ y phục cơ thể, trang điểm bằng trang sức là những địa vị, sự sung túc hay thành công và hoá thân vào một “vai diễn”… trong một thời gian ngắn là cuộc đời. Và khi cái chết đến, chúng ta buộc phải để mọi thứ lại đằng sau. Nói cách khác, mỗi người diễn phần vai tạm thời hay trải qua một chuyến viếng thăm ngắn ngủi đến Trái đất như một người lữ khách. Chúng ta thật sự là những người lữ hành trên hành tinh này”.[6] Sau cùng, tác giả P. Kakode nhận định: “Hãy ý thức bản thân là một người lữ khách trên trần thế”.[7]

Dưới nhãn quan Kitô giáo, cuộc đời dương thế thực sự là một cuộc lữ hành. Đức tin luôn nhắc nhở chúng ta ý thức thân phận người lữ hành trên đường về Quê Trời. Chúng ta hẳn không được phép quên điều đó. Thế nhưng, trớ trêu thay, con người lại không ít lần lãng quên!

Ý thức cuộc đời dương thế là một cuộc lữ hành về Nước Trời không có nghĩa là chúng ta cổ xúy cho việc xa lánh thế giới này. Đời sống theo Đức Kitô không miễn trừ cho chúng ta khỏi những lo lắng về cuộc đời, mưu sinh và những trăn trở. Hướng về Quê Trời trên hành trình dương thế không cho phép né tránh, chạy trốn hay khép mình, trái lại, chúng ta được mời gọi dấn thân đương đầu với những thách đố của thời đại và cả những vấn nạn của kiếp nhân sinh. Dĩ nhiên, điều đó bao gồm cả việc chia sẻ những khó khăn, nỗi sầu khổ của người anh chị em xung quanh, những người đồng kiếp lữ hành với chúng ta.

Chính Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta. Đấng là Thiên Chúa đã chấp nhận nhập thể để chung chia thân phận lữ hành với chúng ta. Đức Giêsu đã đến và làm cho cuộc lữ hành của chúng ta không còn bơ vơ hay đơn độc. Ngài đã thực sự lữ hành nơi dương thế này và đã trở nên “người lữ hành” cách trọn hảo. Nay đã về Trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, Đức Giêsu vẫn hằng đồng hành với chúng ta như Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Hướng về Quê Trời giúp chúng ta ý thức thân phận của mình trong thực tại đời này. Chúng ta không bước đi trong vô vọng nhưng cũng không lạc lối trong “cuộc lữ” của mình. Hơn nữa, hướng về Quê Trời không làm chúng ta sao lãng bổn phận trần thế. Chính Mẹ Giáo hội từ bao đời vẫn thiết tha với cuộc sống hiện sinh của con người, hướng đến những con người nghèo khổ bất hạnh, chống lại những bất công xã hội… Do đó, sống niềm hy vọng hướng về Quê Trời, chúng ta không phải là những kẻ trốn chạy khỏi thực tại, trái lại, chúng ta đang thực sự dấn thân cho cuộc hiện sinh này. Với tâm thế “hướng về Quê Trời”, chúng ta thực sự sống trọn vẹn một cuộc hiện sinh đầy ý nghĩa, như chính Nietzsche vẫn luôn miệng nhắc đến: “Tất cả nghị lực của con người cần đổ dồn vào cuộc hiện sinh, cần ‘làm cho cuộc hiện sinh có một ý nghĩa’ và đó là ‘ý nghĩa của trái đất’”.[8]

Tóm lại

Nietzsche đã thật có lý khi mời gọi “Hãy trung thành với mặt đất… để làm cho cuộc hiện sinh có một ý nghĩa”, bởi lẽ, con người vào thời của ông dường như đã xa rời cuộc hiện sinh trong những lối hiểu sai lạc về giáo lý của các tôn giáo nói chung, cách riêng là Kitô giáo. Thế nên, điều mà Nietzsche đã nói thực là một lời thức tỉnh con người hơn là một sự phá đổ tôn giáo.

Mỗi người được mời gọi nhìn lại hành trình và đích điểm đời mình ngang qua biến cố Thăng Thiên của Đức Giêsu: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Hướng về Quê Trời giúp chúng ta ý thức thân phận của mình trong thực tại đời này. Chúng ta không bước đi trong vô vọng và cũng không lạc lối trong “cuộc lữ” của mình. Chúng ta được niềm hy vọng đích thực soi rọi. Nhờ đó, với niềm xác quyết mạnh mẽ, chúng ta sống “trọn vẹn” những thực tại đời này, dấn thân cho những vấn nạn của kiếp nhân sinh mà mắt luôn hướng về Quê Trời, “nơi Đức Giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha”. Đó đích thực là điều mà chúng ta nên tìm kiếm (Cl 3,1-2).

(Hai hình ảnh đầu do tác giả bài viết cung cấp)

Chú thích:

[1] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, Dg: Trần Xuân Kiêm (Sài Gòn: Nxb An Tiêm, 1971), tr.9.

[2] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh (Nxb Văn Hoá, 1966), tr.49.

[3] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, Dg: Trần Xuân Kiêm (Sài Gòn: Nxb An Tiêm, 1971), tr.47.

[4] Sđd, tr.46.

[5] https://www.simonhoadalat.com/Suyniem/suyniem/MuaChay&PhucSinh/92YNghiaLeThangThien.htm

[6] X. Dr. Prashant Kakode, Tỉnh thức, Dg: First News (Nxb Tổng hợp Tp.HCM), tr.36.

[7] Sđd, tr.35.

[8] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh (Nxb Văn Hoá, 1966), tr.61.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 5 Phục Sinh)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 5 Phục Sinh)