CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM B (Mc 14,1 -15,47)

0
459
File written by Adobe Photoshop? 5.0

Is 50.4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1 -15,47

KIÊN VỮNG TRONG NIỀM TIN (Lm. Giuse Trần Minh Kiểm, SVD)

Hôm nay, cùng với Giáo Hội chúng ta bước vào Chúa Nhật Lễ Lá, đây là dịp để chúng ta cùng hoà chung tâm tình với toàn thể Kitô hữu trên khắp hoàn cầu tưởng niệm biến cố Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem trong niềm vui tột cùng của dân chúng. Và đây cũng là dịp chúng ta cũng được mời gọi để chiêm ngắm chân dung Con Một Thiên Chúa qua hình ảnh Đức Giêsu trong tận thâm sâu của cõi lòng, để xác định lại thái độ đức tin của mỗi người vào Đức Kitô.

Bài Tin Mừng trong nghi thức rước lá, thánh Máccô cho chúng ta thấy một diện mạo hoàn toàn khác của đám đông dân chúng người Do thái. Theo diễn tiến và bối cảnh của bản văn, thì mới mấy ngày trước đó thôi, khi mà Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, thì đám đông dân chúng “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại Đavít tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời”, và họ còn thể hiện niềm vui phấn khởi đó khi nhiều người trải áo choàng xuống mặt đất, một số lại chặt cành lá ngoài đồng mà rải để chào đón và rước Đức Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem.

Thế nhưng, trong Bài Thương Khó thì cũng chính đám đông dân chúng, cũng chính những con người hôm trước đã tung hô Chúa Giêsu ấy, hôm nay lại la hét, phẫn nộ, đòi giết, và đòi đóng đinh Đức Giêsu.

Hình ảnh Đức Giêsu được lần lượt diễn tả qua các bài đọc Cựu Ước cũng như Tân Ước. Tiên tri Isaia tiên báo cuộc thương khó Chúa Giêsu qua bài ca về người tôi trung của Đấng Giavê. Ca ngợi tình thương của Thiên Chúa đã ban cho tôi trung của Người ơn trợ lực cần thiết để đối mặt với những khổ đau sắp xảy đến. Sẵn sàng đón nhận đòn vọt, sỉ vả, nhục mạ của kẻ thù với lòng cậy trông tha thiết nơi Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, đưa má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị nhiếc mắng phỉ nhổ…”.

Tiếp đến, gương mặt của Đức Giêsu được diễn tả qua ngòi bút của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philiphê đã trở nên rõ nét, sống động và rất gần gũi với chúng ta: Ngài là thân phận của một Vị Thiên Chúa, nhưng đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa mà mang lấy thân phận tôi đòi trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết trên cây thập tự. Bởi thế, Thiên Chúa đã siêu tôn danh Người vượt qua mọi danh hiệu, để từ nay mọi gối phải bái lạy Người và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô Là Chúa…

Giờ đây, chúng ta thử suy nghĩ xem, tại sao dân chúng lại mau chóng thay đổi thái độ như vậy?

Thưa! Sở dĩ dân chúng Do Thái có thái độ như thế là vì đức tin của họ không có chiều sâu, nên họ đã hiểu sai giáo lý, hiểu sai về Đức Giêsu; Họ đã hiểu sai về Đấng Mêsia; hiểu sai về một Đấng Cứu Thế phải đến thế gian.

Theo dòng lịch sử, dân Do Thái đã kinh nghiệm việc trị quốc của nhiều vị vua. Trong số đó có vị đã vang danh sử sách như Đavít với tài cầm quân hay với Salômon khôn ngoan giàu có. Chính kinh nghiệm này đã cho họ một hình ảnh thế nào là vị vua sẽ giải phóng Ítraen. Thời của Đavít hay thời của Salômon đã qua rồi, thời của lời hứa cần được thực thi nơi hậu duệ giống nòi Đavít. Người nối dõi tông đường này ắt hẳn không thể thua kém tiền nhân. Vì lẽ đó mà người ta gọi là Mêsia phải oai phong lẫm liệt, sức mạnh phi thường khi thực hiện sứ vụ giải phóng đất nước khỏi đế quốc Rôma binh hùng tướng mạnh. Vị vua đó khi đến trần gian, tất nhiên phải cưỡi trên lưng ngựa chiến, khoác áo cẩm bào, tay cầm gươm sắt. Vị vua đó phải ngồi trên ngai vàng, đầu đội vương miện, uy nghi phán xét kẻ thù và trừng trị chúng thích đáng. Thế nhưng xuất hiện trước mắt họ, là một Giêsu – một con người rất bình thường và rất đỗi tầm thường nữa là khác; một người không có chút dáng dấp nào để gọi là Đấng Cứu Tinh.

Hơn nữa, lại là một con người đang bị bắt. Họ không chấp nhận một Đấng Cứu Thế – một vị vua của họ lại như thế được. Bởi đó, họ đã hoàn toàn thất vọng và bị hùa theo giới lãnh đạo Do Thái, là những người ghét cay ghét đắng Đức Giêsu. Mặc dầu, quan Philatô đã có lần phán quyết: “Ta không thấy người này có tội”, nhưng họ vẫn khăng khăng đòi giết, đòi đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá cho bằng được.

Cũng thế, nếu chúng ta không có được một đức tin vững mạnh, một đức tin chiều sâu, thì chúng ta rất dễ hiểu sai về Thiên Chúa. Có thể chúng ta hình dung ra một vị Thiên Chúa theo ý của mình, phải đáp ứng những nhu cầu cho riêng mình.

Điển hình, khi chúng ta gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống, được người khác trọng dụng, danh tiếng được mọi người biết đến, hoặc làm ăn thuận lợi: bán được đất – cất được nhà, gia đình êm ấm – thuận buồm xuôi gió… thì chúng ta rất dễ nhận ra sự hiện diện của Chúa, và rất dễ nâng hồn mình lên ca tụng Chúa; coi Chúa là nhất, là số một của cuộc đời mình.

Còn ngược lại, khi chúng ta gặp phải những thử thách, khó khăn hay gặp biến cố đau thương trong cuộc sống; làm ăn thất bại, buôn bán thua lỗ, …thì chúng ta rất dễ quay lưng với Chúa, bỏ Chúa; gạt Chúa ra khỏi cuộc đời của mình.

Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta có được một đức tin vững chắc vào Chúa, để rồi, dù cuộc sống có như thế nào đi nữa, có thuận lợi hay có khăn, có đau thương hay hạnh phúc; dù thành công hay thất bại; cho dù nhà có bị giải tỏa; dù cho giá xăng lên hay giá vàng xuống, dù thi trượt hay thi đậu, dù bị người đời khen hay chê…, thì chúng ta vẫn một lòng tin tưởng và phó thác vào bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa.

Trong suốt Tuần Thánh này, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy nhìn lên thánh giá của Chúa Giêsu; nhìn lên Đấng đã bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta; chiêm ngắm thật sâu vào con đường Thập Giá của Ngài. Con đường ấy chính là tỉnh thức, sẵn sàng canh tân đời sống. Đám đông đã không dám chọn Đức Giêsu mà chọn Baraba một tên cướp, để rồi Ngài bị lôi đi đánh đòn và bị giết chết.

Điều này cũng đặt ra những thách đố cho chúng ta khi chúng ta đang sống trong một xã hội, mà chủ nghĩa vô thần đang thắng thế, lối sống thực dụng đang được đề cao, giá trị con người đang được đong đo bằng tiền bạc, địa vị… Liệu chúng ta có dám nói ngược lại với đám đông kia hay không? Chúng ta có dám chọn Chúa khi xung quanh chúng ta có nhiều mãnh lực tìm cách loại bỏ Ngài? Hay là chúng ta sợ mình sẽ lỗi thời khi chọn Ngài?

Ước gì Tuần Thánh không qua đi với những nghi thức rình rang, trống rỗng, nhưng đọng lại một quyết tâm đó là việc chúng ta chọn Chúa, để cùng vác thập giá, chịu đánh đòn và chịu chết với Chúa và qua đó chúng ta sẽ cùng với Ngài chiếm được vinh quang Nước Trời mai sau. Amen.