CHÚA BA NGÔI: LINH ĐẠO DÒNG NGÔI LỜI*

0
404

Giới thiệu: Nhân dịp mừng trọng thể Lễ Chúa Ba Ngôi, linh đạo chính của Dòng Ngôi Lời, xin gửi đến anh chị em bài dịch từ sách của cha Herman Fischer, SVD** nói về việc sùng kính Chúa Ba Ngôi cách đặc biệt của Cha Thánh Arnold Janssen, Đấng Sáng Lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời.

– – –

“Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh sống trong tâm hồn chúng ta!”

Điều gì cha Arnold mong muốn bày tỏ trong lời cầu nguyện này? Trong suốt 25 năm, cha đã dùng lời nguyện này trong các lá thư mỗi ngày như là một lời chúc lành, đếm được cả hàng ngàn lần. Cha cũng có ý định muốn nó là chương trình cuộc sống cho các thành viên của cả ba Dòng [SVD, SSpS, SSpSAP]. Cha đã viết Nguyên Tắc sau: “Bất cứ khi nào chúng ta trao đổi thư từ với nhau, chúng ta nên đặt dòng tiêu đề sau đây ở đầu bức thư: “Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh sống trong tâm hồn chúng ta!” Thể hiện này đã chứng minh một tình yêu vĩ đại cho mầu nhiệm sâu thẳm của đức tin chúng ta. Nhưng nó không phải là một tình yêu thụ động bởi vì cha đã thể hiện nó mạnh mẽ thường xuyên. Sự tôn kính Ba Ngôi Chí Thánh thực sự đã thống trị linh đạo của cha Arnold trong cũng như ngoài. Cha nhiệt thành và khuyến khích người khác hãy hăng hái bất cứ khi nào có dịp thuận tiện hiến dâng. Chúng ta cố gắng hiểu tại sao cha Arnold đã quá nhấn mạnh điều này và tinh thần nào làm cho ngài thực hành việc sùng kính này. [Một trong những lý do đó là:]

Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần

“Vì Thiên Chúa tồn tại trong ba ngôi vị nên mục đích đầu tiên và sau cùng của chúng ta là thờ kính Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Dòng Ngôi Lời chúng ta sẽ vinh danh ba ngôi vị cách đặc biệt và đó là nhiệm vụ của những người cử hành và các anh em phải dâng Đại Lễ tôn vinh Chúa Ba Ngôi để tạ ơn vì các ơn: sáng tạo, cứu chuộc, và thánh hóa. Trong suốt tuần, các Thứ Hai dành để kính Chúa Thánh Thần, các Thứ Năm kính Chúa Con, và các Thứ Sáu kính Chúa Cha Trên Trời vì Ngài đã trao ban chính Con Một của Ngài vào ngày hôm đó” (Hiếp Pháp năm 1891, trang 9).

Nhiệt huyết tôn thờ Thiên Chúa không qua trung gian đã hướng tâm trí của đấng sáng lập đạo đức trong cầu nguyện, chiêm ngắm, và hiểu rõ đường lối Thiên Chúa. Một kết quả chắc chắn là hiểu biết sâu sắc về Thiên Chúa hiện diện và dâng hiến cho Ngài. Chúng ta phải tin vào hoa trái cao quý của sự khai sáng này đối với việc đóng góp lớn lao của cha Arnold cho việc tôn sùng Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Điều đó đối với cha Arnold là trung tâm của tất cả lòng đạo đức cho Thiên Chúa, là bàn thờ cao của đời tu. Dõi theo những dòng về đời sống tâm linh của cha từ trung tâm này, chúng ta thấy được sự rõ ràng và hợp nhất. Đối với cha, việc sùng kính Ngôi Lời và Chúa Thánh Thần về bản chất là sùng kính Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

Trong Tông thư của Đức giáo hoàng Leo XIII (Divinum illud munus) năm 1897 về sự phục hồi việc sùng kính Chúa Thánh Thần mang đến cho cha Arnold niềm vui gấp bội. Đức giáo hoàng không chỉ nói đến việc sùng kính sống động hơn đối với Ngôi Ba Thiên Chúa, giống như cha Arnold đã vẫn đang chuyên tâm và truyền bá, mà Đức giáo hoàng còn thêm vào những ngôn từ ấm áp nhằm khuyến khích việc tôn sùng Chúa Ba Ngôi. Quyền bính tối cao của Giáo hội đã ủng hộ cha trong thực hành tu trì. Nó kích thích cha làm việc theo hướng này với niềm vui hơn.

Đức giáo hoàng nói: “Chúng ta muốn làm sống lại và làm mới đức tin trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi Chí Thánh nơi các tâm hồn và đặc biệt là thúc đẩy và thắp lửa tôn sùng Ngôi Thứ Ba của Chúa Ba Ngôi…. mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi Chí Thánh đã được các tiến sĩ của Giáo hội gọi là bản thể của Tân Ước, nghĩa là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là vĩ đại nhất trong tất cả các mầu nhiệm ở cả nền tảng và triều thiên vinh quang. Các thiên thần trên trời và mọi dân trên mặt đất được tạo dựng để chiêm ngắm mầu nhiệm này. Cựu Ước đã báo trước mầu nhiệm này. Nhằm truyền dạy mầu nhiệm này cách rõ ràng hơn, Thiên Chúa đã bước xuống từ giữa các thiên thần và trở nên người phàm. ‘Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết’ (Ga 1,18)…. Do đó, bất kỳ ai nói và viết về Chúa Ba Ngôi Chí Thánh nên ý thức về những gì vị tiến sĩ thiên thần [thánh Tôma Aquinô] đã khôn ngoan khuyên: ‘Nếu chúng ta nói về Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta phải khởi đi từ sự khiêm nhường và sự thấy trước, bởi vì theo thánh Augustine thì không ở đâu khác có lỗi nghiêm trọng, không ở đâu khác tìm kiếm dữ dội hơn, nhưng không ở đâu khác thấy hoa trái của công việc thưởng cho hơn….’ Việc tôn kính các thiên thần, các thánh, Đức Mẹ của Chúa Kitô, tùy thuộc chính vào Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và tìm thấy cực điểm của việc tôn kính ở đây. Những lời cầu nguyện của Giáo hội thưa lên (cho dù chỉ với một Ngôi Vị) thì cũng bao gồm các Ngôi khác; những khẩn nguyện lên một Ngôi cũng kèm thêm sự van nài đến các Ngôi khác. Tất cả các thánh vịnh và thánh ca có cùng lời ngợi khen lên Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần; những chúc lành và nghi thức bí tích (ở đầu và kết) đều có cầu khẩn lên Chúa Ba Ngôi. Thánh Phaolô động viên chúng ta bằng những lời này: ‘Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời!’ (Rm 11,36).

Thích hợp, Giáo hội đã tin rằng những công trình quyền năng thuộc về Chúa Cha; những công trình khôn ngoan thuộc về Chúa Con; và mọi công việc minh chứng tình yêu thuộc về Chúa Thánh Thần. Tất cả những sự hoàn hảo và những công trình bên ngoài của Thiên Chúa đều chung cho tất cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Các công trình của Chúa Ba Ngôi không được phân chia cũng như hữu thể Thiên Chúa không được phân chia. Thánh Augustine nói: ‘Cũng như hữu thể Chúa Ba Ngôi không thể phân chia, thì những hoạt động của họ không được phân chia.’ Về tính chất căn bản tồn tại giữa các công trình và thuộc tính của các Ngôi, một số công trình minh chứng hoạt động của một Ngôi nhiều hơn các Ngôi khác. Theo lối này, Chúa Cha là “cội nguồn” Thiên Chúa làm Đầu, những công trình thuộc về nguồn gốc của tất cả tạo vật; sự nhập thể thuộc về Chúa Con, và sự thánh hóa các linh hồn. ‘Từ Ngài có mọi sự;’ ‘từ Ngài’ chỉ Chúa Cha. ‘Nhờ Ngài có mọi sự;’ ‘nhờ Ngài’ chỉ Chúa Con. Chúa Con, Ngôi Lời, Hình Ảnh của Thiên Chúa, là mẫu và cội nguồn mà vạn vật phát sinh hình dáng và vẻ đẹp của chúng, trật tự và sự hòa điệu của chúng. Ngài là đường, là sự thật, và là sự sống cho chúng ta; Ngài cũng là Đấng hòa giải chúng ta với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là nguồn gốc tuyệt hảo của mọi sự. Ngài giống như ý chí đang nỗ lực và nghỉ ngơi chỉ khi nó đạt thành mục đích hoạt động của nó. Từng mầu nhiệm liên quan đến ơn cứu độ muôn đời của con người được hoàn hảo và nên thành toàn nhờ Chúa Thánh Thần. ‘Trong Ngài có mọi sự;’ ‘trong Ngài’ ở đây chỉ Chúa Thánh Thần. Bằng giải thích này, chúng ta tỏ sự kính trọng không xúc phạm và liên kết tôn thờ Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, phải giáo huấn dân Kitô giáo một cách sâu sắc hơn nữa về Chúa Ba Ngôi (Đức giáo hoàng Leo XIII).

Tinh thần của thông điệp là phương tiện khuyến khích và cha Arnold đã kiên quyết tôn sùng Chúa Ba Ngôi. Cha Arnold đã khuyên nhủ các linh mục của cha bằng tinh thần này để rao giảng tình yêu và lòng sùng kính ba Ngôi Vị là Chúa Cha Trên Trời, Ngôi Lời, và Chúa Thánh Thần. Cha Arnold cũng tha thiết mời gọi họ truyền lại sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh trong tâm hồn những người được thánh hóa và rao giảng về sự cao cả của ân sủng Thiên Chúa và nó hoạt động ra sao.

Cha Arnold đã xuất bản một quyển Sổ Tay Cầu Nguyện Thường Dùng (1871) cho người tín hữu sử dụng. Nhờ quyển sách này, cha đã nỗ lực truyền bá việc tôn thờ Chúa Ba Ngôi trong kinh nguyện và hướng dẫn. Việc đạo đức này chính là nguyên tắc của quyển sách đến nỗi những việc đạo đức khác được chuyển ra phía sau, ngay cả việc tôn sùng Thánh Tâm, và mặc dù cha đang làm việc như giám đốc của tổ chức Tông đồ Cầu nguyện cho việc truyền bá sốt sắng của nó. Trong sách có đoạn viết: “Việc suy gẫm sốt sắng về Chúa Ba Ngôi đổ đầy tâm hồn bằng ý thức sự uy nghi của Thiên Chúa và lôi kéo cá nhân ngày càng đến với một tình yêu thuần khiết và sự thánh thiện không thể diễn tả, nơi con người tìm kiếm Thiên Chúa hiện hữu. Do chúng ta được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải có nghĩa vụ suy gẫm về Chúa Ba Ngôi Chí Thánh rất thường xuyên.”

Những tư tưởng này về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi Chí Thánh vang lên trong suốt quyển sách. Cha Arnold quay sang một Ngôi Vị Thiên Chúa, rồi cha lại hướng về cả Ba Ngôi nói chung, và kết lại bằng lời nguyện về Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Ví dụ, trong Chặng đàng Thánh giá đầy ý nghĩa mà cha biên soạn, người ta có thể tìm thấy ba lời nguyện ngắn cho từng Ngôi Vị của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, sau đó là một lời nguyện dài về Chúa Ba Ngôi; từng lời nguyện khác nhau cho từng chặng. Thật ý nghĩa làm sao khi nó được giải thích như sau: “Suy gẫm về những đau khổ của Đức Kitô nên kết hợp với suy gẫm và cầu khẩn lên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.” “Đức Giêsu đã mang của lễ vẹn toàn [nội tâm và thân xác] lên thập giá. Của lễ thân xác là việc đổ máu châu báu của Ngài, và nó vô cùng quý giá. Nhưng máu châu báu đó đã trở nên của lễ được đoái nhận hơn nhờ vào của lễ nội tâm. Điều này gồm cả trong của lễ của Đức Giêsu dâng: cả ý muốn nhân tính của Ngài tuân theo thánh ý Cha Trên Trời, đối với chính mong ước của Đức Giêsu (như là Ngôi Lời), và đối với ý muốn của Chúa Thánh Thần. Do đó, Sách Thánh nói: ‘Người [Đức Giêsu] đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá’ (x. Pl 2,8). Đấng Cứu Độ đã cầu nguyện bằng sự xác tín ngay từ lúc bắt đầu những đau khổ ở Núi Ôliu: ‘Lạy Cha, xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha.’ Nếu của lễ của Đấng Cứu Độ trong suốt sự thương khó của Ngài bao gồm chính là sự hy sinh của ý chí nhân tính, gói gọn lại trong đau đớn và khổ sở, theo thánh ý Chúa Ba Ngôi như của lễ toàn thiêu, theo cách ấy bảo đảm cho ơn cứu độ của chúng ta, thì chúng ta hãy liên kết các ước muốn của chúng ta với hy tế rất thánh này, và hợp nhất với Chúa Giêsu van nài sự uy nghiêm tột đỉnh của Thiên Chúa và sự hướng dẫn vô điều kiện của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh với sự khiêm nhường thực sự” (Arnold Janssen).

Trong phần giới thiệu chặng đàng thánh giá, cha Arnold hướng dẫn làm thế nào liên kết với những đau khổ của Chúa Giêsu, để suy gẫm, để bước đi cùng Đấng Cứu Độ, để khẩn nài Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Cũng như Đức Giêsu đã làm khi Ngài dâng hiến tế tình yêu thông qua những đau khổ—một hy lễ tạ ơn, vâng phục, thờ phượng, chuộc tội, và cầu xin. Cha Arnold đã hướng dẫn giống như vậy đối với những chuỗi mân côi Màu Nhiệm Thương và cho mọi việc tôn kính những đau thương của Đức Kitô. Đây là cách sùng kính sự thương khó Chúa Kitô hoàn hảo nhất. Chúng ta có một ví dụ ở đây về việc làm thế nào cha Arnold truyền đạt để hướng dẫn việc đạo đức, mọi việc vinh danh và tôn sùng đối với tất cả ba Ngôi Vị Thiên Chúa. Đây là thực hành của Giáo hội và tinh thần này được đấng sáng lập đạo đức cố gắng trau dồi. “Tất cả lời cầu nguyện và tất cả việc phân phát các bí tích và tất cả điều đó là vĩ đại, thánh thiện, và tuyệt vời trong Giáo hội có nguồn gốc của mình nơi Chúa Ba Ngôi Chí Thánh; hoạt động nhân danh Chúa Ba Ngôi, nhắm vào Chúa Ba Ngôi; không có gì được truyền lại trong Giáo hội mà không có dấu ấn danh Chúa Ba Ngôi, Đấng chúng ta cầu xin khi xưng tội, và thú nhận trong khi cầu xin. Danh Thánh này là tổng kết của đức tin chúng ta, là cội rễ của đời sống thánh thiện, là bảo đảm cho sức mạnh và chiến thắng của chúng ta” (Hettinger).

 

“Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh sống trong tâm hồn chúng ta!”

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD (chuyển ngữ)

Chú thích:

[*] Tựa đề bài viết do người dịch đặt.

[**] Trích dịch sang tiếng Việt từ tác phẩm của Herman Fischer, You Are the Temple of the Holy Spirit, dịch theo bản dịch tiếng Anh của cha Paul LaForge, (Manila, Philippines: Logos Publications Inc., 1996, 1999), trang 57, 60-63.

Bài trướcÁI TÍN: Ông Cố Phaolô Nguyễn Ngọc Liên, Thân Phụ Của Cha Raphael Nguyễn Ngọc Long, SVD
Bài tiếp theoHOA QUẢ TINH THẦN CỦA ANH EM NGÔI LỜI TÂY NGUYÊN SAU MÙA DỊCH COVID

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.