CHÚ GIẢI TIN MỪNG CHÚA NHẬT III Mùa Chay, Năm B (Ga 2,13-25)

0
440

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

 

Hy Lạp Việt
13  Καὶ ἐγγὺς ἦν τὸ πάσχα τῶν Ἰουδαίων, καὶ ἀνέβη εἰς Ἱεροσόλυμα ὁ Ἰησοῦς.

14  Καὶ εὗρεν ἐν τῷ ἱερῷ τοὺς πωλοῦντας βόας καὶ πρόβατα καὶ περιστερὰς καὶ τοὺς κερματιστὰς καθημένους,

15  καὶ ποιήσας φραγέλλιον ἐκ σχοινίων πάντας ἐξέβαλεν ἐκ τοῦ ἱεροῦ τά τε πρόβατα καὶ τοὺς βόας, καὶ τῶν κολλυβιστῶν ἐξέχεεν τὸ κέρμα καὶ τὰς τραπέζας ἀνέτρεψεν,

16  καὶ τοῖς τὰς περιστερὰς πωλοῦσιν εἶπεν· ἄρατε ταῦτα ἐντεῦθεν, μὴ ποιεῖτε τὸν οἶκον τοῦ πατρός μου οἶκον ἐμπορίου.

17 ἐμνήσθησαν οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ ὅτι γεγραμμένον ἐστίν· ὁ ζῆλος τοῦ οἴκου σου καταφάγεταί με.

18  Ἀπεκρίθησαν οὖν οἱ Ἰουδαῖοι καὶ εἶπαν αὐτῷ· τί σημεῖον δεικνύεις ἡμῖν ὅτι ταῦτα ποιεῖς;

19  ἀπεκρίθη Ἰησοῦς καὶ εἶπεν αὐτοῖς· λύσατε τὸν ναὸν τοῦτον καὶ ἐν τρισὶν ἡμέραις ἐγερῶ αὐτόν.

20  εἶπαν οὖν οἱ Ἰουδαῖοι· τεσσεράκοντα καὶ ἓξ ἔτεσιν οἰκοδομήθη ὁ ναὸς οὗτος, καὶ σὺ ἐν τρισὶν ἡμέραις ἐγερεῖς αὐτόν;

21  ἐκεῖνος δὲ ἔλεγεν περὶ τοῦ ναοῦ τοῦ σώματος αὐτοῦ.

22  ὅτε οὖν ἠγέρθη ἐκ νεκρῶν, ἐμνήσθησαν οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ ὅτι τοῦτο ἔλεγεν, καὶ ἐπίστευσαν τῇ γραφῇ καὶ τῷ λόγῳ ὃν εἶπεν ὁ Ἰησοῦς.

23  Ὡς δὲ ἦν ἐν τοῖς Ἱεροσολύμοις ἐν τῷ πάσχα ἐν τῇ ἑορτῇ, πολλοὶ ἐπίστευσαν εἰς τὸ ὄνομα αὐτοῦ θεωροῦντες αὐτοῦ τὰ σημεῖα ἃ ἐποίει·

24  αὐτὸς δὲ Ἰησοῦς οὐκ ἐπίστευεν αὐτὸν αὐτοῖς διὰ τὸ αὐτὸν γινώσκειν πάντας

25  καὶ ὅτι οὐ χρείαν εἶχεν ἵνα τις μαρτυρήσῃ περὶ τοῦ ἀνθρώπου· αὐτὸς γὰρ ἐγίνωσκεν τί ἦν ἐν τῷ ἀνθρώπῳ. (Jn. 2:13-25 BGT)

13 Gần đến Lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giê-su đi lên Giê-ru-sa-lem

14 Người tìm thấy trong đền thờ những người buôn bán bò, chiên và bồ câu, và những người đổi tiền đang ngồi.

15 và sau khi làm một cái roi từ những sợi dây thừng, Người trục xuất tất cả ra khỏi đền thờ, chiên, bò và, Người đổ những đồng tiền của những người đổi tiền và lật nhào những chiếc bàn.

16 và Người nói cùng những người buôn bán bồ câu: ‘hãy mang những thứ này ra khỏi đây. Đừng biến nhà cha tôi thành chợ búa

17 các môn đệ của Người nhớ điều đã được chép rằng: “sự nhiệt thành của nhà của bạn thiêu đốt tôi”

18 Người Do Thái đáp trả và nói cùng Người: “Ông cho chúng tôi thấy dấu gì để mà ông có thể làm những việc này?”

19 Đức Giê-su đáp trả và nói cùng họ: “Các ngươi hãy phá hủy đền thờ này và tôi sẽ khôi phục nó trong vòng 3 ngày”.

20 Rồi, những người Do Thái nói: “Đền thờ này được xây trong 46 năm, và Ông sẽ hồi phục trong 3 ngày sao?

21 nhưng điều đó Người nói về đền thờ thân xác của Người.

22 rồi, sau khi Người được chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều này và họ tin vào điều đã được viết và Lời Đức Giê-su nói

23 Khi Người đang ở Giê-ru-sa-lem vào dịp Lễ Vượt Qua và vào dịp Lễ, nhiều người tin vào danh của Người vì chứng kiến những dấu Người làm.

24 Nhưng Đức Giê-su chính Người không tin họ vì Người biết tất cả.

25 Người không cần có ai để làm chứng về con người, vì Người biết có điều gì trong con người.

 

 

 

 

Bối cảnh bản văn:

Ga 2,13-25 đặt ngay sau trình thuật về Tiệc Cưới Ca-na (2,1-12) và trước cuộc thảo luận dài với ông Ni-cô-đê-mô (3,1-21). Tại tiệc cưới Ca-na Đức Giê-su đã làm một dấu lạ: hóa nước lã thành rượu ngon. Trong dấu lạ này vai trò của Đức Maria là không hề nhỏ. Dấu lạ này được khởi phát từ sự quan tâm và gợi ý từ Đức Maria. Dù cho phản ứng của Đức Giê-su: “việc đó can gì đến tôi và đến bà, người phụ nữ?” (τί ἐμοὶ καὶ σοί, γύναι;) (Ga 2,4), Đức Maria vẫn lặng thầm tiến hành công việc của mình, bà nói cùng những người phục vụ: “Điều người nói với các ngươi, hãy làm theo” (1,5). Và quả thực điều Đức Giê-su nói là: “hãy làm đầy nước những chum chứa nước này” (6 chum) (1,7a). Và họ đã làm theo: “họ làm đầy chúng tới phía trên” (1,7b). Đức Giê-su lại bảo họ: “hãy kín múc và mang đến cho người đứng đầu bồi bàn” (1,8a). Và họ lại làm theo: “họ mang đi” (1,8b). Cuối tiến trình làm theo lời Đức Giê-su như thế, nước đã biến thành rượu ngon. Muốn làm theo lời Đức Giê-su đương nhiên, trước tiên những người phục vụ đã phải “làm theo” lời Đức Maria: “Người bảo gì các ngươi hãy làm theo!”. Chính lời Đức Maria đã bắt đầu hành trình này: “Họ không còn rượu nữa” (1,3). Đâu là nền tảng của toàn bộ hành động này của Đức Maria? Đó là niềm tin. Nếu không tin rằng Đức Giê-su có khả năng và sẽ làm điều gì đó khác lạ, Đức Maria đã chẳng thổ lộ với Người về chuyện “họ không còn rượu”. Nếu Đức Maria không tin rằng Đức Giê-su sẽ lưu tâm đến “lời nhắc khéo” của mình thì đã không căn dặn các người phục vụ “điều Người bảo, hãy làm theo”. Tất cả đều dựa trên niềm tin vững chắc xuất sắc của Đức Maria. Và niềm tin ấy là đúng, xác đáng và có nền tảng. Đức Giê-su đã biến nước lã thành rượu ngon. Niềm tin của Đức Maria đã dẫn đến một niềm tin khác. Đó là niềm tin của các môn đệ. Trình thuật về Tiệc Cưới Tại Cana được kết thúc thật đẹp: “Đây là dấu lạ đầu tiên Đức Giê-su đã làm tại Cana và bày tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ của Người đã tin vào Người” (Ga 2,11). Niềm tin nối kết niềm tin. Trình thuật “Thanh Tẩy đền thờ” (Ga 2,13-25) cũng được kết thúc với cùng một sắc thái như thế: “sau khi Người được chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều này và họ tin vào điều đã được viết và Lời Đức Giê-su nói” (Ga 2,22). Hơn thế nữa, không chỉ là các môn đệ, nhưng nhiều người đã “tin vào danh của Người khi họ thấy những dấu Người đã làm” (Ga 2,23). Đoạn 3,1-21 tiếp theo ngay sau đoạn này là cuộc thảo luận giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô, một người Pha-ri-sêu và một thủ lãnh Do Thái, người đã đến gặp Đức Giê-su vào ban đêm. Trong cuộc thảo luận này, Đức Giê-su cũng đề cập đến vấn đề tin hay không tin: “nếu tôi nói với các ông những điều dưới đất mà các ông không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời làm sao các ông tin được?” (3,12). Và Đức Giê-su cũng mạc khải một mầu nhiệm rất quan trọng: “Như Ông Mô-sê đã dương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời” (3,14). Đức Giê-su còn mạc khải nhiều điều khác liên quan đến niềm tin: “ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (3,16); “Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án, kẻ không tin thì đã bị lên án rồi vì không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (3,18). Cụm từ “tin vào danh của” ở đây rõ ràng rất giống với “tin vào danh của” nơi đoạn Tin Mừng mà ta đang nghiên cứu (2,23). Hơn nữa, trong bối cảnh rộng hơn, mục đích của toàn thể Tin Mừng thứ tư (Tin Mừng Gioan) là để “anh chị em tin Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa và để anh chị em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (20,31). Đây là câu kết của Tin Mừng Gioan. Cụm từ “danh của Người” lại được lặp lại vào cuối Tin Mừng. Rõ ràng đoạn (2,13-25) có nối kết rất gần gũi với đoạn trước và sau nó, cũng như toàn thể Tin Mừng thứ tư. Có thế nói rằng, sợi chỉ đỏ sâu toàn bộ Tin Mừng thứ tư là niềm tin vào Đức Giê-su như là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa. Và niềm tin ấy sẽ quyết định giữa sống hay chết của một con người. Ngoài ra, “dấu hiệu” (σημεῖον) trong câu chất vấn của Người Do Thái: “Ông lấy dấu nào để chỉ cho chúng tôi biết ông có quyền làm điều nay” (2,18); và “những dấu hiệu Người đã làm” (τὰ σημεῖα ἃ ἐποίει) (2,23) có sự nối kết chặt chẽ với “khởi đầu của các dấu hiệu” (dấu lạ đầu tiên)(2,11) trong trình thuật về “tiệc cưới tại Cana”. Trong bối cảnh rộng hơn, đoạn văn này năm trong phần I của Tin Mừng thứ tư, được gọi là “Sách Các Dấu” (1,19 – 12,50).[1] Các “dấu hiệu” và “tin” rõ ràng là hai chủ đề quan trọng của đoạn này. Chủ đề sống lại từ cõi chết cũng là một đề tài trọng yếu. Nó nối kết với đề tài “tái sinh”, nhất là “con rắng đồng treo trong sa mạc” (3,14), “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã tặng ban Con Một” (3,16) của chương tiếp theo. Dĩ nhiên, trong bối cảnh rộng, nó nối kết với toàn bộ biến cố Khổ Nạn – Phục Sinh.

Cấu trúc bản văn:

Đoạn văn 2,13-25 có cấu trúc inclusio, khởi đầu và kết thúc với cùng yếu tố thời gian, nơi chốn, và nhân vật: Đức Giê-su, dịp Lễ Vượt Qua, tại Giê-ru-sa-lem (2,13; 2,23). Đoạn văn cũng có thể được cấu trúc bởi hai phần, trong đó, mỗi phần đều đánh dấu bằng bối cảnh giống nhau. Sau bối cảnh là hành động của Đức Giê-su. Hành động này được tiếp nối bằng những phản ứng của những người chứng kiến và môn đệ của Đức Giê-su. Các phản ứng đó có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Trong Tin Mừng Gioan, độc giả thường thấy những trình thuật có cấu trúc hai phần: (I) Hành động của Đức Giê-su; (II) Tranh luận về hành động ấy. Phần A trong đoạn Tin Mừng này thuộc dạng này: (I) Đức Giê-su Thanh Tẩy đền thờ; (II) những tranh luận về hành động này. Một ví dụ khác là trình thuật về phép lạ chữa một người đau ốm tại Bết-da-tha (Ga 5,1-8). Ngay sau đó là cuộc tranh luận về việc chữa bệnh vào ngày Sa-bát. Phép lạ chữa lành “người mù từ thuở mới sinh” cũng thuộc cấu trúc này. Trước hết, trình thuật về người mù được chữa lành (9,1-7). Sau đó là cuộc tranh luận về phép lạ này (9,8-41). Những nhân vật chính thường thấy trong các cuộc tranh luận này là “những người Do Thái”, hay những lãnh đạo Do Thái. Phần A được định dạng bởi những yếu tố song song: (Aa) phản ứng của các môn đệ // (Aa’) phản ứng của các môn đệ; (Ab) phản ứng của những người Do Thái // (Ab’) Phản ứng của những người Do Thái; (Ac) đáp trả của Đức Giê-su // (Ac’) lý giải về đáp trả của Đức Giê-su. Phần A’ của đoạn văn này, tuy ngắn, (chỉ có 3 câu: 23-25), nhưng cũng có đủ các thành phần như phần A. Có bối cảnh, có những hành động của Đức Giê-su (c.23a); Có phản ứng của “nhiều người” (c.23b) và phản ứng của Đức Giê-su (cc.24-25). Phần A’ này cũng gồm hai yếu tố song song: (A’a) Phản ứng của “nhiều người” // (A’b) Phản ứng của Đức Giê-su

A. Bối cảnh: Đức Giê-su, Dịp Lễ Vượt Qua, Giê-ru-sa-lem (2,13)

Hành động của Đức Giê-su (2,14-16)

(Aa) Phản ứng của các môn đệ: nhớ lại (flashback) (2,17)

(Ab) Phản ứng của Người Do Thái: Dấu hiệu nào? (2,18)

(Ac) Đáp trả của Đức Giê-su: Dấu hiệu: Phục hồi đền thờ phá hủy (2,19)

(Ab’) Phản ứng của người Do Thái: Nghi vấn về dấu hiệu (2,20)

(Ac’) Lý giải cho sự đáp trả của Đức Giê-su: đền thờ là thân thể (2,21)

(Aa’) Phản ứng của các môn đệ: Nhớ lại và Tin (prolepsis) (2,22)

A’. Bối cảnh: Đức Giê-su, Lễ Vượt Qua và Lễ (khác) (2,23a)

Hành động của Đức Giê-su: Các dấu hiệu (2,23c)

(A’a) Phản ứng của nhiều người: Tin (2,23b)

(A’b) Phản ứng của Đức Giê-su: Không tin họ (2,24-25)

Một số điển chú giải

  1. “Lễ Vượt Qua”: Trong bốn tác giả Sách Tin Mừng, chỉ có Gioan cho độc giả biết rằng Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem vào ba dịp Lễ Vượt Qua trong hành trình rao giảng của Người (Ga 2,13.23; 5,1; 12,1). Chính vì thế mà theo truyền thống, Đức Giê-su rao giảng khoảng 3 năm, và chết ở tuổi 33. Luca cho biết Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng khi Người khoảng 30 tuổi (Lc 3,23), cùng với 3 Lễ Vượt Qua (xảy ra mỗi năm một lần), trong đó, Người bị kết án và đóng đinh vào Lễ Vượt qua thứ ba. Các Tin Mừng Nhất Lãm chỉ cho biết Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem một lần, vào dịp Lễ Vượt qua trong suốt quá trình rao giảng. Tin Mừng Nhất Lãm chỉ nhắc đến một Lễ Vượt Qua trong trình thuật về cuộc Thương Khó (Mt 26,2.17-19; Mc 14,1.12.14.16; Lc 22,1.7.28.11.13.15),[2] và đó là lần Đức Giê-su bước vào cuộc Thương Khó. Chặng đường lên Giê-ru-sa-lem là rất quan trọng. Thậm chí, Tin Mừng Luca còn dành cho chặng đường lên Giê-ru-sa-lem đến 10 chương (9,51 – 19,27), nghĩa là gần một nữa Tin Mừng của Luca (24 chương) Đối với các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, Ga-li-lê là thánh địa cho sứ vụ rao giảng và làm dấu lạ, còn Giê-ru-sa-lem là tử địa nơi xảy ra cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su. Ngoài Lễ Vượt Qua, tác giả Gioan còn đề cập đến hai dịp Lễ khác mà các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm cũng không đề cập. Đó là Lễ Lều (Ga 7,2) và Lễ Cung Hiến Đền Thờ (10,22). Gắn với mỗi dịp Lễ là một mạc khải quan trọng. Vào dịp Lễ Lều Đức Giê-su mạc khải về Thần Khí (Ga 7,37-39) và dân chúng tranh luận về nguồn gốc Đấng Ki-tô (Ga 7,41-44). Vào dịp Lễ Cung Hiến Đền Thờ Đức Giê-su mạc khải thần tính của Người: “Ta và Chúa Cha là một” (10,30) và “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,38).

Lễ Vượt Qua là một Đại Lễ hằng năm của Người Do Thái. Nó kỷ niệm biến cố quan trọng: Dân đã được cứu khỏi ách nô lệ của Pha-ra-ô. Trong đêm ấy sứ thần Chúa đã tiêu diệt tất cả các con đầu lòng của người Ai Cập. Thậm chí con vật đầu lòng cũng bị giết. Con cái Ít-ra-el thì được sống nhờ vào những vết máu bôi trên cửa theo chỉ dẫn của Chúa (Xh 11,5; 12, 12-13.29). Lễ Vượt Qua trong tiến Do Thái là “הַפָּ֑סַח” (pesah), trong tiếng là Hy Lạp là “πάσχα” (paskha). Trong tiếng gốc Do Thái “Pesah”, có nghĩa là “bảo vệ” hay “bỏ qua”. Lễ này, theo một số tác giả, có nguồn gốc ban đầu liên quan đến một nghi lễ mang tính giải hạn của những người du mục, cử hành mùa xuân. Tuy nhiên, ý kiến được chấp nhận rộng rãi nhất liên quan đến lễ hội cổ xưa cho những giai đoạn của trăng, đặc biệt cho dịp trăng tròn. Và trên bình diện lịch sử, Lễ này dĩ nhiên là liên kết đến sự kiện Xuất Hành từ Ai-Cập.[3] Trong Lễ Vượt Qua, một con vật hiến tế (cừu hoạc dê một tuổi) được giết thịt vào ngày thứ 14 của tháng Nisan và được ăn vào buổi đêm, hoặc ngay sau hoàng hôn, đánh dấu khởi đầu của ngày 15 tháng Nisan. Thánh Kinh kết hợp việc sát tế Vượt Qua với Lễ Bánh Không men, lễ hội kéo dài bảy ngày bắt đầu vào ngày 15 của tháng Nisan. Trong thời gian hậu Thánh Kinh, hai Lễ này được hòa nhập thành một Lễ hội mà thôi.[4]

Lễ Vượt Qua ở đây được Gioan định sở hữu là “của Người Do Thái”, tách biệt với Lễ Vượt Qua mang tính văn hóa của người ngoại. Đây cũng là cách mà Gioan chuẩn bị cho việc ông sẽ mô tả những điều trái ngược đến mức tục hóa trong dịp Lễ này, mà độc giả sẽ thấy sau đó. Gioan cũng qua đó giới thiệu nhân vật “người Do Thái”, những người thường là đối thủ tranh luận với Đức Giê-su, theo Tin Mừng Gioan.[5]

  1. “Trong đền thờ”: Nói đến đền thờ, độc giả thường nhớ đến đền thờ do Sa-lo-môn xây, khởi đi từ ý định của vua cha là vua Da-vid (2Sm 7,2). Đền thờ được diễn tả cách chi tiết trong chương 6 Sách Các Vua quyển thứ nhất. Đền thờ này sau đó bị phá hủy hoàn toàn bởi vua Na-bu-co-đo-no-xo, vua Babylon, và trở thành hoang tàn vào năm 586 (2 V 25,1). Sau đó một đền thờ khác được xây lại trên nền cũ khi vua Cai-rô, Ba Tư cho phép Người Do Thái hồi hương và xây lại đền thờ, sau cuộc lưu đày Ba-by-lon (2 Sbn 36,23; Er 1,1-4). Cuộc trở về bắt đầu vào năm 538. Đền thờ này thường được gọi là Đền thờ thứ 2, và thường được gắn với tên của Dơ-rúp-ba-ben, lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ. Dự án xây đền thờ kéo dài đến năm 520 (Er 4).[6] Đền thờ này sau đó bị vua Si-ri-a, Seleucid (175-164) cướp phá và đặt bàn thờ và tượng dân ngoại, gọi là “đồ ghê tởm khốc hại” trên bàn thờ dâng Lễ toàn thiêu, vào 15 tháng 12 năm 167 TCN (1 Mac 1,54). Ba năm sau, anh em nhà Mac-ca-bê xóa bỏ những sự ô nhiễm và thay thế nội thất đền thờ (1 Mc 4,36-59). Họ cũng biến đền thờ thành pháo đài, đứng vững 3 tháng trong cuộc bao vây của Pompey năm 36 tCN.[7] Đền thờ được nói đến trong đoạn Tin Mừng này, cũng là đền thờ thời Đức Giê-su, được gọi là đền thờ của Hê-rô-đê. Công trình của Hê-rô-đê cả bắt đầu từ năm 19 tCN. Cấu trúc chính được kết thúc trong vòng 10 năm, nhưng toàn bộ công trình kéo dài đến năm 64 sCN. Khuôn viên đền thờ được thống trị bởi pháo đài Antonia ở góc Tây Nam, nơi cư trú của người thay quyền Roma (Lc 13,1; Cv 21,31-35).[8] Đền thờ này bị người Roman phá hủy vào năm 70 sCN. Hiện tại trên nền đền thờ được mở rộng thời Vua Hê-rô-đê, là một đền thờ Hồi Giáo, được xây vào khoảng thế kỷ thứ 7 đến 8, với nhiều sửa chữa và tái thiết sau này. Giờ đây, nó thuộc quản lý của người Hồi Giáo. Người Hồi Giáo tin rằng đây chính là nơi ngôn sứ Mô-ha-mét về trời. Dưới mái vòm của đền thờ này còn một tảng đá. Người Hồi Giáo tin rằng vị tiên tri của họ đã về trời từ tảng đá này. Người Do Thái ngày nay vẫn đến khu vực này để cầu nguyện, nhưng họ chỉ đứng ở chân bức tường phía Tây của đền thờ Hồi Giáo, chứ không bước lên trên.

Việc Gioan giới thiệu đền thờ ở ngay lúc đầu của trình thuật vừa cho thấy không gian của câu chuyện nhưng cũng để chuẩn bị cho Đức Giê-su mạc khải về một sự phục hồi trong vòng ba ngày, một đền thờ bị phá hủy. Đền thờ đó là chính thân thể Người.

  1. “Chiên, bò, bồ câu”: Đây là những con vật được bán dành cho việc sát tế, dành cho những người từ xa đến, gặp nhiều khó khăn trong việc mang lễ vật. Bồ câu là những vật sát tế dành cho người nghèo, được nói đến trong sách Lê-vi (Lv 5,7).[9] Thường thì sân ngoài đền thờ là nơi người ta có thể buôn bán những con vật cần thiết cho việc dâng hiến. Thế nhưng, việc Đức Giê-su phản ứng gay gắt cho thấy nó đã bị lạm dụng quá mức và đền thờ đã bị thương mại hóa, trở thành nơi cho những kẻ buôn trục lợi, hơn là một nơi dành cho việc thờ tự.
  2. “Những người đổi tiền”: Sở dĩ có những người đổi tiền bởi vì người dân phải dùng tiền Shekel (đơn vị tiền tệ Do Thái, cho đến ngày nay) để nộp thuế cho đền thờ. Mỗi người dân phải nộp ½ đồng Shekel (tương đương với 2 derarri hoặc một didrachma) cho đền thờ mỗi năm và thường là vào dịp Lễ Vượt Qua. Do Thái vào thời đó phải dùng tiền Roma và tiền Attic để lưu thông trong cuộc sống thường ngày. Những đồng tiền này có hình người ngoại nên không phù hợp cho việc nộp thuế hay dâng cúng.[10]
  3. “Trục xuất, đổ tiền, lật úp bàn”: Đây là những động từ rất mạnh được dùng để diễn tả hành động của Đức Giê-su dành cho những người buôn. Và tùy loại người mà Đức Giê-su dùng hành động khác nhau. Đức Giê-su chỉ lấy roi đuổi bò và chiên của những người buôn bò, chiên. Còn đối với những người đổi tiền hai động từ được sử dụng: “đổ” (ἐξέχεεν) tiền và “lật úp” bàn (ἀνέτρεψεν).
  4. “Nói cùng những người bán bồ câu”: Những người buôn bán bồ câu được Đức Giê-su đối xử một cách nhẹ nhàng hơn. Người không trục xuất mà chỉ nói cùng họ “hãy mang chúng ra khỏi đây”. Có lẽ vì “bồ câu” là lễ vật bán cho những người nghèo nên Đức Giê-su có thái độ nhẹ nhàng hơn.[11]
  5. “Đền thờ”, “Nhà của Cha ta” và “chợ búa”: Đức Giê-su dùng lối chuyển đổi và so sánh rất sinh động. Từ đền thờ, Người chuyển thành “nhà Cha”, đối lại với “chợ búa” (dịch sát nghĩa là nhà của sự buôn bán). Đọc tiếng Hy Lạp mới thấy Gioan chơi chữ trong cách diễn tả này: τὸν οἶκον τοῦ πατρός μου οἶκον ἐμπορίου. Đền thờ được Đức Giê-su đồng hóa với nhà Cha của Người, và sau này người thuật chuyện bật mí là chính thân thể của Người. Nhà Cha của Người là nơi thánh rõ ràng đối ngược lại với chợ búa là nơi phàm tục. Đó là dấu hiệu cho sự suy đồi về thái độ thờ phượng và dẫn đến đền thờ bị phá hủy sau này. (Mát-thêu và Luca và Mác-cô đều gọi là “hang trộm cướp”, chứ không phải là “nhà buôn bán”). Tin Mừng Nhất Lãm dẫn lời kết hợp giữa Is 56,7 và Gr 7,11 để diễn tả lời nói của Đức Giê-su: “nhà tôi được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân nước (Is 56,7), nhưng các ngươi đã làm nó thành hang trộm cướp (Gr 7,11)” (Mt 21,3; Mc 11,17; Lc 19,46). Khác với Tin Mừng Nhất Lãm, ở đây, Đức Giê-su ra lệnh cách trực tiếp: “đừng làm nhà cha tôi thành nhà buôn bán” (2,16). Sự trái ngược giữa hai cách dùng của từ “nhà” gợi nhớ đến Dcr 14,21b: “Và sẽ không còn người buôn trong nhà của Chúa các đạo binh vào ngày ấy”.[12]
  6. “Các môn đệ nhớ lại”: Phản ứng của các môn đệ là khởi đầu cho những bàn luận xoay quanh hành động của Đức Giê-su. Tác giả dùng kỷ thuật trong cách hành văn kể chuyện gọi là “Analepses” hay là “flashback”.[13] Các môn đệ hồi tưởng lại điều đã được nói trong Tv 86,10: “Lòng nhiệt thành về nhà Ngài hủy diệt tôi”. Ở Tv 86, động từ “thiêu rụi” được chia ở thì aorist (đã thiêu rụi) trong khi đó ở Ga 2,17 động từ này ở tương lai “sẽ thiêu rụi”. Gioan có lẽ cố gắng diễn tả rằng Thánh Vịnh này đã nói về hành động này của Đức Giê-su. Động từ “κατεσθίω” có nghĩa là “ăn hết, tiêu thụ, cháy hêt, phá hủy”. Các môn để có lẽ cũng nghĩ đến hậu quả của hành động này của Đức Giê-su. Nó có thể dẫn Đức Giê-su đến cuộc chiến giữa sống và chết. Họ xếp Đức Giê-su ngang hàng với những biểu tượng trong quá khứ mà sự cam kết của họ cho vinh dự của Chúa bị trả giá bằng mạng sống của họ: Phineas, Ê-li-a hay Matthathias (Ds 25,11; 1 V 19,10; 1 Mc 2,24-26). Hành động của Đức Giê-su sẽ dẫn đến một số phận tương tự.[14] Trên thực tế, ngay sau hành động của Đức Giê-su, “những người Do Thái” đã lên tiếng làm khó Người.
  7. “Những người Do Thái”: Trong bốn tác giả sách Tin Mừng, Gioan là tác giả đề cập đến “những người Do Thái” nhiều nhất (Mt: 5 lần; Mc: 6 lần; Lc: 3 lần; Ga: 61 lần). Trong đoạn Tin Mừng này danh xưng “những người Do thái” xuất hiện ba lần. Lần đầu tiên, danh từ này được dùng để diễn tả “những người Do Thái” nói chung, phân biệt với những người thuộc dân tộc khác: Lễ Vượt Qua của “Người Do Thái” (Ga 2,13). Hai lần còn lại “những người Do Thái” là nhóm người cụ thể, chất vấn Đức Giê-su về quyền hành động của Người” (Ga 2,18.20). Đó có thể là hai cách dùng khác nhau của danh từ “những người Do Thái”, trong đó cách dùng sau dường như phổ biến hơn. Họ thường xuất hiện trong vị thế đối lập với Đức Giê-su. Họ phàn nàn không cho người bại liệt được chữa lành “vác chõng” vì hôm đó là ngày Sa-bát (Ga 5,10). Họ “bắt bớ” Đức Giê-su (Ga 5,16), rồi “tìm mọi cách để giết Người” (5,18; 7,1; 10,31; 19,7.12). Họ sẵn sàng trục xuất bất kỳ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a ra khỏi Hội Đường (Ga 9,22). Tuy nhiên, cũng nên biết rằng, không phải tất cả những người Do Thái đều phản đối Đức Giê-su. Có nhiều “Người Do Thái” tin vào Đức Giê-su (Ga 8,31; 11,15). Ngay cả bậc thầy Do Thái như Ni-cô-đê-mô cũng mến mộ Đức Giê-su. Ngoài lần đến gặp Đức Giê-su ban đêm, Ông còn là người bảo vệ Đức Giê-su trước những người Do Thái đồng hương (Ga 7,50-51). Đặc biệt hơn nữa, ông chính là người đã an tang Đức Giê-su cùng với Giuse A-ri-ma-thê-a (Ga 19, 39-42).
  8. “Dấu hiệu(σημεῖον): ở đây có lẽ “những người Do Thái” đòi hỏi hành động nhiệt thành mang tính ngôn sứ phải được chứng thực.[15]Dấu hiệu” là một trong những chủ đề quan trọng nhất của Tin Mừng thứ tư. Nó quan trọng đến nỗi hai chuyên gia về Tin Mừng Gioan, R. Brown và F. Moloney gọi nữa cuốn sách Tin Mừng này là “Sách các dấu hiệu” (1:19 – 12,50).[16] Danh từ này trong tiếng Hy Lạp “σημεῖον”, có nghĩa là “dấu hiệu”, “điểm đánh dấu”. Tuy nhiên, nó cũng dùng được diễn tả những sự kiện phi thường Đức Giê-su đã làm mà Gioan thường gọi là “dấu lạ”. Đọc Tin Mừng Gioan, độc giả sẽ gặp vô số các “dấu hiệu” (17 lần) và nhiều lần trong số đó độc giả có thể hiểu là “dấu lạ” (hay phép lạ). “Dấu hiệu” đầu tiên có thể hiểu là “dấu lạ” nằm trong trình thuật về tiệc cưới Cana (2,1-12), đoạn nằm ngay trước đoạn này. “Dấu hiệu” thứ hai cũng có thể được hiểu là “dấu lạ”, cũng xảy ra tại Cana: “Đức Giê-su chữa con của một sĩ quan cận về của nhà Vua” (Ga 4,46-54). Trình thuật này kết thúc bằng kết luận: “Đây là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm sau khi đến Ga-li-lê từ Giu-đa” (Ga 4,54). Có nhiều “dấu lạ” như thế được đề cấp đến trong Tin Mừng Gioan. Đặc biệt, Tin Mừng này được kết thúc bằng những “dấu hiệu” (dấu lạ): “Đức Giê-su còn làm nhiều “dấu lạ” khác trước mặt các môn đệ, điều mà không được lại trong sách này” vì nó quá nhiều, không có sách nào có thể chứa nỗi (Ga 20,30). Như đã đề cập trong phần bối cảnh, những điều (những dấu lạ) đã được chép ở đây là để anh chị em tin Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa và để anh chị em tin mà được sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Có một sự nối kết giữa “đức tin” và “các dấu lạ” đã được Đức Giê-su làm và được ghi chép lại. Mục đích của “các dấu lạ” cũng như của việc “ghi chép lại các dấu lạ” là để anh chị em tin. Có thể nói rằng, “Dấu lạ” trở nên vô ích nếu nó không dẫn đến đức tin. Trong đoạn Tin Mừng này danh từ “dấu hiệu” được sử dụng 2 lần. (1) Những người Do Thái đòi Đức Giê-su một “dấu lạ” để chứng minh rằng Đức Giê-su có quyền làm những việc này (2,18). Trong bối cảnh này là việc thanh tẩy đền thờ. (2) “Có nhiều kẻ đã tin vào danh Người nhờ chứng kiến “các dấu lạ” Người làm” (2,23). Không biết các “dấu lạ” này là gì. Có thể chúng nằm trong số “nhiều dấu lạ khác” mà Gioan đề cập vào cuối Tin Mừng của ông (Ga 20,31). Câu hỏi của “những người Do Thái” trong đoạn này cũng là câu hỏi của “đám đông” sau này: “τί οὖν ποιεῖς σὺ σημεῖο” (Ông làm dấu lạ nào?), “để chúng tôi thấu mà tin ông” (Ga 6,30). Trớ trêu thay, câu hỏi ngớ ngẩn này được đặt ra ngay sau khi Đức Giê-su làm phép lạ “hóa bánh ra nhiều” (Ga 6,1-14). Hình như, họ đã không xem đó là một dấu lạ. Phản ứng của “những người Do Thái thái” vừa đối lại và vừa tiếp nối phản ứng của các môn đệ. Đối lại vì các môn đệ đọc được dấu chỉ tích cực trong hành vi của Đức Giê-su: lòng nhiệt thành đã được Thánh Kinh báo trước, còn “những người Do Thái” thì không. Tiếp nối vì phản ứng tiêu cực của “những người Do Thái” chính là bước đầu cho “sự hủy diệt” mà Đức Giê-su phải chịu vì “sự nhiệt tâm dành cho nhà Chúa”.
  9. “Phá hủy và phục hồi”: Để đáp lại yêu cầu của “những người Do Thái”, Đức Giê-su đã tiền báo về “dấu lạ” lớn nhất, và cũng là dấu lạ cho mọi dấu lạ trong sứ vụ rao giảng và cứu độ của Người. Dấu lạ của “sự chết và Phục Sinh”. Tác giả đã sử dụng phương tiện kỹ thuật trong phương pháp thuật chuyện, gọi là “prolepses”, để báo trước một sự kiện sẽ diễn ra trong sau đó trong câu chuyện về Đức Giê-su.[17] Động từ được dùng để chỉ sự phá hủy ở đây là “λύω”. Động từ này trong tiếng Hy Lạp thường có nghĩa là: “tháo cởi”, “thả tự do”. Hơn nữa, để diễn tả sự phá hủy, Gioan thường dùng động từ “ἀπόλλυμι” (Ga 10,10; 11,50). Động từ được dùng để diễn tả sự phá hủy ở đây là duy nhất trong Tin Mừng thứ tư. Đây cũng chính là động từ Đức Giê-su dùng để ra lệnh cho người ta tháo băng vải cho ông La-da-rô, khi ông sống lại và ra khỏi mồ: “tháo cởi cho anh ấy và để anh ấy đi” (Ga 11,44). Trong bối cảnh này chẳng có gì là phá hủy cả và cũng liên quan đến sự phục sinh. Đức Giê-su đề nghị “những người Do thái” phá hủy đền thờ bằng một động từ “tháo cởi”, “thả tự do”. Khi sử dụng động từ này, có lẽ tác giả ngụ ý rằng “thân thể” Đức Giê-su không bỉ phá hủy. Người đã Phục Sinh. Chưa hết, động từ để diễn tả “sự phục hồi” (đền thờ bị phá hủy) cũng rất đáng lưu ý. Nó chẳng liên quan gì đến xây dựng hết. Đó là động từ “ἐγείρω” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “đánh thức, để ý, nâng lên, đứng lên, hồi phục sức khỏe, đưa vào hiện hữu, và phục hồi”. Ngạc nhiên hơn, đây chính là động từ diễn tả “sự phục sinh, sự sống lại”. Tin Mừng Nhất Lãm đã dùng động từ này để diễn tả sự phục sinh: “Người sẽ chỗi dậy” hay “được nâng dậy” (Mt 16,21;17,9.23; 20,19; 26,32;27,64; Mc 6,14; 14,28; 16,6; Lc 9,22; 20,37). Trong đoạn Tin Mừng này, động từ “ἐγείρω” (phục hồi, làm chỗi dậy) được sử dụng đến 3 lần. Hai lần ở thể chủ động, thì tương lai liên quan đến đền thờ, diễn tả bằng đại từ “αὐτόν” (nó). Đức Giê-su khẳng định “tôi sẽ phục hồi nó” (2,19) và “những người Do Thái” hỏi: “Ông sẽ phục hồi nó sao?” (2,20). Lần thứ ba động từ này được dùng ở thể bị động và diễn tả sự phục sinh rõ ràng: “vậy khi Người được làm cho chỗi dậy từ cõi chết, các môn đệ nhớ lại là Người đã nói điều này” (2,22). Rõ ràng Gioan dùng động từ này là rất có dụng ý nói về sự Phục Sinh của Đức Giê-su. Động từ này cũng được tác giả Tin Mừng thứ tư dùng để diễn tả sự phục sinh của La-da-rô (11,38; 12,1.9.17) và sự sống lại dành cho những ai “ăn thịt và uống máu Đức Giê-su” (6,54).
  10. “Bốn mươi sáu năm” … “Trong vòng ba ngày”: Đây là hai con số với hai cách dùng khác nhau. 46 năm là con số thực để diễn tả khoảng thời gian vua Hê-rô-đê cả tái thiết và mở rộng đền thờ Giê-ru-sa-lem.[18] Con số ba ngày rõ ràng là một con số biểu tượng. Dẫu rằng Đức Giê-su có khả năng phục hồi một đền thờ bị phá hủy trong vòng ba ngày, hay thậm chí một ngày, cách nói “trong vòng 3 ngày” rõ ràng ám chỉ khoảng thời gian Đức Giê-su tiền báo về cái chết và được chôn thật sự của mình. Đây là khoảng thời gian được lặp đi lặp lại trong Tin Mừng Nhất Lãm để nói về thời điểm từ chết đến Phục Sinh của Đức Giê-su (Mt 17,23; 20,19; 27,63; Mc 8,31; 9,31; 10,34; Lc 18,33; 24,7; 24,46). Nên nhớ rằng, Tin Mừng Gioan không ghi lại 3 lần Đức Giê-su tiền báo về cuộc Thương Khó và Phục Sinh, trong đó cụm trạng ngữ chỉ thời gian luôn xuất hiện “sau ba ngày” hoặc là “ngày thứ ba”, luôn gắn liền với mệnh đề “Người sẽ chỗi dậy”. Tuy nhiên, bù lại tường thuật về việc “thanh tẩy đền thờ” của Gioan lại dài hơn hết. Nó bao gồm cả phần phản ứng của các môn đệ và phản ứng của “những người Do Thái”. Qua đó, Đức Giê-su tiền báo về cuộc “Thương Khó và Phục Sinh” không riêng gì cho các môn đệ nhưng cho cả “những người Do Thái”. Tin Mừng Mác-cô và Mát-thêu, tuy không ghi lại toàn bộ cuộc đối đáp giữa Đức Giê-su và “những người Do Thái liên quan đến “sự phá hủy và phục hồi đền thờ”, nhưng lại đề cập đến chi tiết này hai lần trong trình thuật về “Thương Khó”. (1) Nhiều người đưa lời chứng gian tố cáo Người: “chúng tôi nghe hắn nói: ‘tôi sẽ phá hủy đền thờ làm bằng tay và sẽ xây lại một đền thờ không làm bằng tay, trong vòng ba ngày” (Mc 14,58; Mt 26,61); (2) những người qua lại lắc đầu mỉa mai Đức Giê-su: “Ngươi là kẻ phá đền thờ và xây lại trong ba ngày, hãy cứu lấy người và hãy xuống khỏi thập giá” ( Mc 15,29-30; Mt 27,40).
  11. “Thân thể Người”: Trong trình thuật này, người thuật chuyện (người kể câu chuyện này) rất toàn tri (omniscient). Nghĩa là anh ta biết rất nhiều chuyện và đọc được suy nghĩ của nhân vật Giê-su. Nói theo kiểu của J. Ska, “anh ta gần giống với Thiên Chúa”.[19] Nhờ câu bật mí của anh ta mà độc giả hiểu được rõ ràng ý của Đức Giê-su: “Đền thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người”. Những nhân vật trong câu chuyện không biết điều này. Phần Ac’ song song và giải thích cho ý tưởng “đền thờ” trong Ac (xem cấu trúc): “hãy phá hủy đền thờ // đền thờ là thân thể Người”. Nghĩa là Đức Giê-su muốn nói là “cứ giết ta đi, trong vòng ba ngày, ta sẽ sống lại”.
  12. Khi Người chỗi dậy từ cõi chết”: Một lần nữa, với kỹ thuật “prolepses” và nhờ sự toàn tri của người thuật chuyện mà độc giả biết ngay từ đầu kết cục của toàn bộ câu chuyện: “Đức Giê-su đã sống lại”. Mạc khải này không khác gì ba lần tiền báo về “Khổ Nạn và Phục Sinh” trong Tin Mừng Nhất Lãm. Đây là mạc khải quan trọng nhất, có tính chất sống còn, là niềm hy vọng và là nền tảng cho niềm tin của bất cứ ki-tô hữu nào.
  13. “Họ tin vào Thánh Kinh và tin vào lời Đức Giê-su đã nói”: Người thuật chuyện còn thêm một bật mí quan trọng: Đức tin của các môn đệ có được nhờ việc đối chiếu mầu nhiệm Phục Sinh với lời tiền báo của Đức Giê-su. Tin vào “Thánh Kinh” có nghĩa rất rộng. Trong tiếng Hy Lạp cụm từ “τῇ γραφῇ” có nghĩa là “điều đã được viết”. Hầu hết các bản dịch đều dịch là Thánh Kinh (viết hoa)[20]. Theo R. Brown, Thánh Kinh ở đây không rõ là muốn nói về toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước hay là một đoạn đặc biệt cụ thể như là Tv 16,10: “Vì Chúa chẳng để mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ” hay Tv 69,9: “chính sự nhiệt thành cho nhà của Ngài thiêu rụi con”.[21] Trong tường thuật về biến cố Phục Sinh, Gioan và Phê-rô được cho rằng “trước đó họ chưa hiểu Thánh Kinh rằng: Người phải chỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9). Theo C. Barret, Gioan có thể ngụ ý toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước cách chung tiền báo về sự vinh thắng của Đấng Mê-si-ah.[22] “Lời Đức Giê-su đã nói” trong bối cảnh này là lời tiền báo về biến cố Khổ Nạn – Phục Sinh. Tuy nhiên, lời này cũng có thể là toàn bộ những gì Đức Giê-su đã dạy trong suốt hành trình rao giảng.
  14. “Đức Giê-su không tin họ”… “Người biết tất cả”… “Người biết điều gì trong lòng con người

Cc. 23-25 được xem là đoạn chuyển tiếp nối những người đáp trả cho dấu lạ của Đức Giê-su 2,1-22 với niềm tin chưa tròn của Ni-cô-đê-mô trong 3,1-10. Đáp trả của Đức Giê-su đối với những người tin vào Người dựa trên kiến thức của Người về tính cách của họ. Khi đề cập đến kiến thức của Đức Giê-su về đặc tính của con người, Gioan khẳng định thần tính của Người.[23] Đức Giê-su không cần ai làm chứng cho Người về con người vì Người đã sở hữu kiến thức mà con người thiếu.[24] Động từ “không tin” của Đức Giê-su dùng ở thì vị hoàn (chưa hoàn thành) diễn tả một hành động kéo dài. Cách diễn tả phản thân “Người, Đức Giê-su chính người không tin họ” (αὐτὸς δὲ Ἰησοῦς οὐκ ἐπίστευεν αὐτὸν αὐτοῖς) là duy nhất trong toàn bộ Tân Ước. Danh xưng Giê-su đi kèm với hai đại từ nhấn mạnh (một làm chủ từ, một làm túc từ) là cách dùng khá lạ thường. Hai động từ dùng diễn tả kiến thức của Đức Giê-su được dùng ở thì hiện tại, diễn tả một thực tiễn (“Người biết tất cả”) và thì “vị hoàn”, diễn tả hành động kéo dài (người đã và đang biết “điều gì trong lòng con người”). G. Beasley – Murray cho rằng 2,23-25 là phần giới thiệu cho câu chuyện về cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô (3,1-10). Theo ông, việc Đức Giê-su “không tin họ” là phản ứng của Người trước một niềm tin không hoàn hảo của những người tin vào Đức Giê-su chỉ vì “các dấu lạ”. Niềm tin như thế không phải không chân thật nhưng nó chỉ là bước đầu tiên để đi về phía Đức Giê-su. Nó chưa thấy Người trong ý nghĩa thật sự của Người.[25] Niềm tin của các môn đệ sau khi Đức Giê-su sống lại, bao hàm cả biến cố Khổ Nạn, mới là niềm tin trọn vẹn, xác thực.

Bình Luận

Phụng Vụ tuần I Mùa Chay đưa chúng ta vào sa mạc với Đức Giê-su. Phụng vụ Tuần II Mùa Chay đưa chúng ta lên “núi cao” với Người. Phụng Vụ tuần này dẫn chúng ta vào đền thờ với Chúa. Đền thờ là vốn nơi Chúa Ngự, là nơi thánh thiêng dành cho việc tế lễ. Từ thời vua Giô-si-ah đền thờ Giê-ru-sa-lem trở thành trung tâm tế lễ duy nhất của toàn lãnh thổ It-ra-en. Vua Giô-si-ah đã tìm thấy “Sách Giao Ước” trong nhà của Đức Chúa (2 V 23,2) và đã bắt đầu cuộc cải cách, tập trung mọi sự thờ cúng quanh đền thờ trung tâm là đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ông ta cho phá hủy tất cả những “nơi cao” (2 V 23,8) và các tượng “Ahsera”, (tượng gỗ nữ thần ngoại) ông đốt cháy hết (2 V 23,6). Đền thờ Giê-ru-sa-lem từ đó trở thành nơi duy nhất dân Ít-ra-el trẩy hội hằng năm đặc biệt vào dịp Lễ Vượt Qua để dâng hy tế lên Đức Chúa. Đây cũng là dịp họ dâng cúng và nộp thuế cho đền thờ. Việc người ta cung cấp những con vật dùng để sát tế, hay dịch vụ đổi tiền, vào dịp Lễ Vượt Qua là chuyện hết sức bình thường thuở xưa. Bởi lẽ, hầu hết dân chúng di chuyển từ xa đến và hầu hết đi bộ, hoặc khá lắm là bằng lừa, ngựa. Chính vì thế mà việc mang theo lễ vật là rất bất tiện. Việc đổi tiền, những đồng tiền ngoại quốc có hình các hoàng đế, hoặc biểu tượng dân ngoại, thành những đồng Shekel để nộp thuế hoặc dâng cúng, cũng là nhu cầu căn bản. Thế nhưng, có lẽ, những nhu cầu căn bản ấy đã leo thang, và bị lạm dụng. Đền thờ, có lẽ là sân ngoài đền thờ, đã trở thành trung tâm thương mại đầy những con vật và chuyện bán mua, không còn không khí linh thiêng vốn phải có nữa. Sự kiện Đức Giê-su “thanh tẩy đền thờ” là một sự kiện tìm thấy sự đồng thuận cả 4 tác giả sách Tin Mừng. Chỉ có điều khác là Tin Mừng Gioan đặt nó vào ngay đầu Tin Mừng (chương 2), ngay lần đầu tiên Đức Giê-su đặt chân đến đền thờ trong sứ vụ công khai. Trong khi đó, Tin Mừng Nhất Lãm đều nhất trí đặt sự kiện này ngay trước biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Ai đúng ai sai về mặt lịch sử? Rất khó có thể xác định chắc chắn. Nhiều chuyên gia (J. Weiss, Lagrange, McNeil, Brooke, J.A.T. Robinson, V. Taylor) nghĩ rằng chọn lựa của Gioan có phần hợp lý hơn. Họ lý giải rằng, theo truyền thống Nhất Lãm, Đức Giê-su chỉ có một chuyến lên Giê-ru-sa-lem, chuyến đi ngay trước cái chết của Chúa; và vì đền thờ ở Giê-ru-sa-lem nên họ không có chọn lựa nào khác là phải đặt trình thuật “thanh tẩy đền thờ” ngay trước trình thuật “Thương Khó – Phục Sinh”. Gioan tường thuật nhiều chuyến lên Giê-ru-sa-lem (3 chuyến) nên ông tự do hơn trong việc chọn lựa vị trí của sự kiện “thanh tẩy đền thờ”. Do vậy, vị trí của câu chuyện “thanh tẩy đền thờ” của Gioan hợp với thời gian lịch sử hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều học giả khác (Bernard, Hoskyns, Dodd, Barett, Lightfoot) chấp nhận thứ tự thời gian của các tác giả Nhất Lãm. Họ lý giải rằng hành động gay gắt của Đức Giê-su đối với nền thờ phượng tại đền thờ, đã đụng chạm mạnh với giới chức tôn giáo Do Thái và dẫn đến cái chết của Người. Đặt trình thuật “thanh tẩy đền thờ” vào ngay trước Thương Khó – Phục Sinh là hợp lý.[26] Chọn lựa và giải thích nào xem ra cũng khá hợp lý và cũng được nhiều người chấp nhận.

Khác với truyền thống Nhất Lãm, trình thuật “thanh tẩy đền thờ” của Gioan được tiếp nối bằng những nhận định và chất vấn của nhóm các môn đệ và nhóm “những người Do Thái”. Những phản ứng của họ cùng với lời giải thích của người thuật chuyện toàn tri, độc giả có thể khám phá ra nhiều chân lý đức tin rất quan trọng. Trước khi nói đến những phản ứng của nhóm các môn đệ và “những người Do Thái” cũng phải nói đến quan điểm của Đức Giê-su về đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đối với Đức Giê-su, đền thờ là “nhà Cha” của Người, nhưng nay nó đã và đang trở thành “nhà buôn bán”. Nhà Cha trở thành nhà con buôn. Nơi cầu nguyện trở thành nơi mua bán, đổi chác. Đó là lý do khiến Người phải hành động cách mạnh mẽ. Trước hành động của Người, các môn đệ phản ứng một cách tích cực. Qua lời giải thích của người thuật chuyện, độc giả có thể nhìn thấu suy nghĩ của các môn đệ. Họ nhìn thấy lòng nhiệt thành vì Nhà Chúa nơi thầy của mình. Và họ cũng cảm giác rằng sự nhiệt tâm này sẽ giết chết Đức Giê-su. Suy nghĩ của họ không phải là vẩn vơ nhưng được đặt trên nền tảng Thánh Kinh. Cụ thể là Thánh Vịnh 86 câu 10. Suy nghĩ nền tảng của họ lập tức tiếp nối bởi phản ứng của nhóm “những người Do Thái”, nhóm đối thủ chính của Đức Giê-su trong Tin Mừng thứ tư. “Những người Do Thái” đòi Đức Giê-su chứng mình quyền hành động của Người qua một “dấu hiệu”. Để đáp trả cho yêu cầu của “những người Do Thái” Đức Giê-su đã mạc khải một “dấu lạ” lớn nhất, là nguồn gốc và cùng đích cho mọi dấu lạ: Đó là sự Phục Sinh. Không giống Tin Mừng Nhất Lãm ngay từ đầu Đức Giê-su đã nói về sự Phục Sinh qua hình ảnh “đền thờ được phục hồi”. Để đi đến sự Phục Sinh dĩ nhiên, Người phải đi vào cuộc khổ nạn và bị giết chết. “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi”. Động từ “tháo cởi, để tự do” được sử dụng thay vì một động từ chuẩn hơn về mặt ngôn ngữ để diễn tả sự phá hủy. Có lẽ, tác giả Gioan hay chính Đức Giê-su ngụ ý rằng “thân thể Đức Giê-su” thực tế không bị phá hủy, Người đã chết, và đã Phục Sinh. Lời tiền báo của Đức Giê-su đã đừng từng chữ khi “những người Do Thái” tìm cách “bắt bớ” (Ga 5,16), rồi tìm cách hơn nữa, tìm cơ hội để “giết” (Ga 5,18; 7,1) Đức Giê-su. Họ lấy đá ném Người (Ga 10,31). Cuối cùng, họ “kết án” Người bản án tử vì cho rằng Người xưng mình là “Con Thiên Chúa” (Ga 19,7). Và chính họ đã la to: “đem đi, đem đi, đóng đinh nó đi” (Ga 19,15). Người đã phục hồi đền thờ đã bị phá hủy là chính thân thể người trong vòng ba ngày. Thực tế, không một đền thờ nào đã bị phá hủy và được phục hồi bởi Đức Giê-su nhưng Người đã bị giết và đã sống lại (Ga 20,1-19). Lời ghi chú của Người thuật chuyện đã giúp độc giả hiểu tất cả “đền thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2,21). Người thuật chuyện còn cho biết thêm về đỉnh điểm của niềm tin của các môn đệ: “vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Thánh Kinh và tin vào lời Đức Giê-su đã nói” (Ga 2,21). Theo thần học của Gioan, Tin có nghĩa là sống. Đức Giê-su đã mạc khải rằng: “Ai tin ta sẽ không bao giờ chết” (Ga 11,26), “Chính ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin ta thì dù có chết cũng sẽ sống” (Ga 11,25). Tin và được sống cũng là câu kết của Tin Mừng thư tư. Tin và được sống nhờ danh Đức Giê-su là mục đích của toàn bộ “dấu lạ” được ghi chép trong Tin Mừng này (Ga 20,30-31). Có “nhiều người” đã tin nhờ chứng kiến những “dấu lạ” Đức Giê-su đã làm, nhưng chính Đức Giê-su, trong thâm tâm, Người không tin họ, bởi có lẽ Người biết rằng niềm tin nhờ thấy “dấu lạ” thì mong manh và không chắc chắn. Họ cần phải vươn đến niềm tin của người trải qua “dấu lạ” cả thể. Nghĩa là trải qua cuộc “Thương Khó” với Người. Giống như các môn đệ, họ đã trải qua tiến trình ấy, và “nhớ lại”, cho nên niềm tin của họ là thực sự và hoàn thiện hơn niềm tin của “nhiều người”.

Câu chuyện bắt đầu bằng việc “thanh tẩy đền thờ” và kết thúc bằng niềm tin vào “Thánh Kinh” và “lời của Đức Giê-su”. Trung tâm của câu chuyện là mạc khải về mầu nhiệm “tử nạn và Phục Sinh”. Đức Giê-su muốn chuyển đổi một nền thờ phượng dựa trên đền thờ vật chất, vốn đã bị lạm dụng và biến tướng, đến một sự thờ phượng đúng nghĩa hơn. Đó là thờ phượng trong đền thờ là “thân thể Người”, một thân thể “ngã xuống”, rồi “đứng lên” để đem lại cho các tín hữu một niềm tin và niềm hy vọng đời đời. Đức Giê-su cũng chính là “nhà của Cha Người” vì Chúa Cha ở trong Người và Người ở trong Chúa Cha (Ga 10,38), Người và Cha Người “là một” (Ga 10,30). Một nền thờ phượng lấy Đức Giê-su là trung tâm mới là một nền thờ phượng đúng nghĩa và kết thúc có hậu. Đó là sự sống đời đời viên mãn.

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD.

Chú thích

[1] R.E. Brown, The Gospel and Epistles of John. A Concise Commentary (Collegeville 1988) 16.

[2] Luca cho biết là Hằng Năm Đức Giê-su đều lên Giê-ru-sa-lem, trong bối cảnh Luca trình bày sự kiện Đức Giê-su “bị lạc” cha mẹ, ở lại trong đền thờ, ngồi giữa “các thầy dạy, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi” (Lc 2,41-49). Tuy vậy, đây là thời gian Đức Giê-su còn ở với cha mẹ tại Na-gia-rét. Chúng ta cũng có thể phỏng đoán rằng, Đức Giê-su vẫn tiếp tục thói quen ấy, mỗi năm lên Giê-ru-sa-lem một lần, như những người Do Thái đạo Đức. Thế nhưng, Gioan có điểm nhấn về 3 lần Lễ Vượt qua, trong khi các Tin Mừng Nhất Lãm thì không đề cập.

[3] L. Koehler, et al., The Hebrew and Aramaic lexicon of the Old Testament, 947-948

[4] Xem B.M. Bokser, The Anchor Dictionary (D.N. Freedman et Al. eds.) (New York – London – Tornto – Syned – Auckland 1992) VI Si-Z, “Unleavened Bread and Passover, Feast of.”,755-765; G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 37.

[5] C.K. Barrett, The Gospel According to St. John. An Introduction with Commentary and Notes on Greek Text (Philadelphia 1978) 197.

[6] J.B. Green (ed.), Dictionary of Jesus and the Gospels (Downers Grove 2013) “Temple”, 939-940.

[7] C. Brown (ed.), Dictionary of New Testament (Grand Rapids 1981) III Pri-Z, “Temple”, 788.

[8] Ibid, 788-789.

[9] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes (AYB; New Haven – London 2008) XXIX, 115.

[10] Idid.

[11] Ibid.

[12] F.J. Moloney, The Gospel of John (SP; Collegeville 2005) IV, 77.

[13] J.-L. Ska, Our Father Has Told Us. An Introduction to the Analysis of Hebrew Narratives (Roma 1990) 8.

[14] F.J. Moloney, The Gospel of John, 77.

[15] F.J. Moloney, The Gospel of John, 81.

[16] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII), XXIX, cxxxviii; R.E. Brown, The Gospel and Epistles of John, 24; F.J. Moloney, The Gospel of John, 23.

[17] J.-L. Ska, Our Father Has Told Us, 8.

[18] Theo sử gia Josephus, việc tái thiết đền thờ bắt đầu từ năm thứ 18 triều vua Hê-rô-đê Cả (20/19 tCN) và kéo dài đến Lễ Vượt Qua năm 28 sCN (R. E. Brown, The Gospel according to John, 116; C.K. Barrett, The Gospel According to St. John, 200).

[19] J.-L. Ska, Our Father Has Told Us, 44.

[20] Thánh Kinh (CGKPV); “the Scripture” (ESV); “la Scrittura” (CEI); l’Ecriture (TOB).

[21] R. E. Brown, The Gospel according to John, 116.

[22] C.K. Barrett, The Gospel According to St. John,201.

[23]C. S. Keener, The Gospel of John. A Commentary () I, 531.

[24] C.K. Barrett, The Gospel According to St. John, 202.

[25] G.R. Beasley-Murray, John, 47.

[26] R. E. Brown, The Gospel according to John, 117. Đó chỉ là một chút trích dẫn về tranh luận của các chuyên gia Thánh Kinh để độc giả thấy rằng, Thánh Kinh là Lời Chúa và vẫn là một mầu nhiệm. Nó có những đề bí ẩn của nó, không dễ gì giải thích dứt khoát, rõ ràng một lần.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 2 MC)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm B