Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật IV Thường Niên, Năm A (Mt 5,1-12)

0
323

SỰ CÔNG CHÍNH VÀ NƯỚC TRỜI

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa (Mt 5,1-12)

Việt Hy Lạp
1 Khi nhìn thấy đám đông, Người đi lên núi, và khi Người ngồi xuống, các môn đệ của Người đến cùng Người

2 Người mở miệng và bắt đầu dạy họ rằng:

3 Hạnh phúc cho những người nghèo nơi tinh thần, vì Nước Trời là của họ

4 Hạnh phúc cho những người đau buồn, vì họ sẽ được ủi an

5 Hạnh phúc cho những người tử tế, vì họ sẽ sở hữu miền đất

6 Hạnh phúc cho những người đang đói và khát sự công chính, vì họ sẽ được no thoả

7 Hạnh phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương

8 Hạnh phúc cho những người tinh tuyền nơi trái tim, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa

9 Hạnh phúc cho những người xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa

10 Hạnh phúc cho những người bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ

11 Anh em là những người hạnh phúc khi người ta xúc phạm và bách hại anh em và nói những điều xấu xa chống lại anh em vì Ta.

12 Hãy vui mừng và hân hoan vì phần thưởng của anh em trên trời thật nhiều, bởi lẽ, họ cũng đã bách hại các ngôn sứ trước anh em như vậy.

1 Ἰδὼν δὲ τοὺς ὄχλους ἀνέβη εἰς τὸ ὄρος, καὶ καθίσαντος αὐτοῦ προσῆλθαν αὐτῷ οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ·

2 καὶ ἀνοίξας τὸ στόμα αὐτοῦ ἐδίδασκεν αὐτοὺς λέγων·

3 Μακάριοι οἱ πτωχοὶ τῷ πνεύματι, ὅτι αὐτῶν ἐστιν ἡ βασιλεία τῶν οὐρανῶν.

4 μακάριοι οἱ πενθοῦντες, ὅτι αὐτοὶ παρακληθήσονται.

5 μακάριοι οἱ πραεῖς, ὅτι αὐτοὶ κληρονομήσουσιν τὴν γῆν.

6 μακάριοι οἱ πεινῶντες καὶ διψῶντες τὴν δικαιοσύνην, ὅτι αὐτοὶ χορτασθήσονται.

7 μακάριοι οἱ ἐλεήμονες, ὅτι αὐτοὶ ἐλεηθήσονται.

8 μακάριοι οἱ καθαροὶ τῇ καρδίᾳ, ὅτι αὐτοὶ τὸν θεὸν ὄψονται.

9 μακάριοι οἱ εἰρηνοποιοί, ὅτι αὐτοὶ υἱοὶ θεοῦ κληθήσονται.

10 μακάριοι οἱ δεδιωγμένοι ἕνεκεν δικαιοσύνης, ὅτι αὐτῶν ἐστιν ἡ βασιλεία τῶν οὐρανῶν.

11 μακάριοί ἐστε ὅταν ὀνειδίσωσιν ὑμᾶς καὶ διώξωσιν καὶ εἴπωσιν πᾶν πονηρὸν καθ᾽ ὑμῶν [ψευδόμενοι] ἕνεκεν ἐμοῦ.

12χαίρετε καὶ ἀγαλλιᾶσθε, ὅτι ὁ μισθὸς ὑμῶν πολὺς ἐν τοῖς οὐρανοῖς· οὕτως γὰρ ἐδίωξαν τοὺς προφήτας τοὺς πρὸ ὑμῶν. (Matt. 5:1-12 BGT)

 

Bối cảnh

Mt 5,1-12 là phần đầu tiên trong bài giảng đầu tiên thường được gọi là “bài giảng trên núi”, một trong năm bài giảng chính yếu của Đức Giêsu theo cấu trúc của Tin Mừng thứ nhất. Phần này thường được gọi là “Tám mối phúc”. Theo truyền thống nguồn văn, các mối phúc một, hai, bốn và tám, cùng với phần mở rộng mối phúc thứ tám của Tin Mừng Mátthêu, có cùng nguồn với bốn mối phúc của Tin Mừng Luca, với khá nhiều điều chỉnh riêng của hai tác giả.[1] Chủ đề “Nước Trời” như là phần thưởng tối hậu được nhắc đến hai lần trong tám mối phúc, cũng như những cách nói tương tự “nhìn thấy Chúa”; “sở hữu đất”, “phần thưởng trên trời” là một trong những chủ đề chính yếu trong giáo huấn của Đức Giêsu. Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai bằng lời mời gọi: “Hãy hoán cải vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17; Cf. 3,2; 10,7) và đóng lại thời kỳ rao giảng công khai bằng câu chuyện phán xét cánh chung (Mt 25,31-46), trong đó, “những người ở bên phải” được thừa hưởng vương quốc, hưởng sự sống đời đời, còn “những người ở bên trái” phải chịu cực hình muôn kiếp. Những chủ đề còn lại trong các mối phúc như “khó nghèo”, “công chính”, “bách hại” cũng là những chủ đề chính yếu trong bài giảng trên núi nói riêng và Tin Mừng Mátthêu nói chung. Bài giảng này được xếp liền sau sự kiện Đức Giêsu tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên và phần giới thiệu về đám đông khắp nơi đến với Người . Đức Giêsu muốn đưa ra những chỉ dẫn làm nền tảng cho căn tính và lối sống của người môn đệ Chúa, con đường dẫn đến Nước Trời.

Mt 5,3-6 Lc 6,20-23
3 Hạnh phúc cho những người nghèo về mặt tinh thần, vì Nước Trời là của họ

4 Hạnh phúc cho những người đau buồn, vì họ sẽ được ủi an

5 Hạnh phúc cho những người tử tế, vì họ sẽ sở hữu miền đất

6 Hạnh phúc cho những người đang đói và khát sự công chính, vì họ sẽ được no thoả

 

“Hạnh phúc cho những người nghèo, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

Hạnh phúc cho những người bây giờ đang đói, vì anh em sẽ được no thoả.

Hạnh phúc những người bây giờ đang khóc, vì anh em sẽ vui cười.

Anh em là những người có phúc khi người ta ghét bỏ anh em, và loại trừ anh em, ngược đãi anh em và loại tên anh em, như kẻ xấu xa, vì Con Người. Hãy vui mừng và nhảy lên trong ngày đó, vì này, phần thưởng của anh em ở trên trời thật nhiều, vì cha ông của họ cũng làm cho các ngôn sứ những điều ấy.”

Cấu trúc

Mt 5,1-12 gồm có ba phần. Phần thứ nhất (cc.1-2) là phần bối cảnh không gian, nhân vật, sự kiện cách tổng quát. Phần thứ hai, phần chính (cc.3-10) là một cấu trúc inclusio, được mở và đóng bằng cụm từ “vì Nước Trời là của họ”. Phần thứ ba (cc. 11-12), là phần mở rộng về mối phúc tứ tám, liên quan đến “sự bách hại vì đức công chính”.

Bối cảnh (1-2)

Các mối phúc

Người nghèo …                                               Nước Trời là của họ (3)

những người đau buồn …                       sẽ được ủi an (4)

những người tử tế …                               sẽ sở hữu miền đất (5)

người đang đói và khát sự công chính …sẽ được no thoả (6)

những người có lòng thương xót         sẽ được xót thương (7)

những người tinh tuyền nơi trái tim, …  sẽ nhìn thấy Thiên Chúa (8)

những người xây dựng hoà bình…         sẽ được gọi là con Thiên Chúa (9)

Người bị bách hại vì sự công chính …            Nước Trời là của họ (10)

Mở rộng mối phúc thứ tám

Bị bách hại … vì Đức Giêsu (11)

Phần thưởng trên trời thật nhiều

Họ cũng đã bách hại các ngôn sứ (12)

 

Nếu dựa trên cụm từ “sự công chính”, thì có thể chia các mối phúc thành hai nhóm, mỗi nhóm kết thúc bằng mối phúc liên quan đến sự công chính. Nhóm I (cc.3-6), kết thúc bằng: Hạnh phúc cho những người đói và những người khát sự công chính, vì họ sẽ được no thoả (5,6). Nhóm II (cc. 7-10), kết thúc bằng: “Hạnh phúc cho những người bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ”.

Một số điểm chú giải

  1. Người đi lên núi… ngồi xuống … bắt đầu dạy: Không gian trên núi[2] gợi nhớ đến không gian của núi Sinai, nơi đó, ông Môsê cũng đã lãnh nhận và trao ban Lề Luật cho dân Giao Ước. Cùng với cách cấu trúc sách Tin Mừng gồm năm bài giảng, tác giả Mátthêu nhắc nhớ những người tín hữu, thấm nhuần truyền thống Do Thái về bộ Ngũ Thư (Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật) vốn xem năm cuốn sách đầu tiên của bộ Sách Thách như là sách của Ông Môsê, hình ảnh Đức Giêsu lên núi và ngồi xuống mang đậm nét hình ảnh của một Môsê. Tác giả Mátthêu dường như muốn nói với các tín hữu gốc Do Thái rằng: Đây là hình ảnh ông Môsê mới, Người ban truyền Luật Chúa. Điều này là rất quan trọng, và mang nhiều ý nghĩa đối với các tín hữu gốc Do Thái, vì trong truyền thống Cựu Ước, không có ai có tầm ảnh hưởng lớn như ông Môsê. Khác với tác giả Mátthêu, tác giả Luca lại diễn tả Đức Giêsu đi xuống, và đứng ở chỗ đất bằng. Tác giả Luca dường như không để ý gì đến hình ảnh Đức Giêsu như là một ông Môsê mới. Tuy nhiên, Đức Giêsu của Mátthêu không phải là hình bóng của ông Môsê. Người vượt xa ông Môsê về vị thế và uy quyền. Nếu như ông Môsê phải lên núi bốn mươi ngày để lãnh nhận Luật từ Thiên Chúa, thì Đức Giêsu ban truyền Lề Luật của chính Người. Sự trổi vượt của Lề Luật và Đức Giêsu ban tặng sẽ được nhấn mạnh bằng công bố của Đức Giêsu rằng Người đến là để kiện toàn, hoàn tất Lề Luật (Mt 5,17). Lời nói này được minh chứng bằng sáu cặp phản đề đặc trưng của Đức Giêsu của Tin Mừng Mátthêu (Mt 5,21-34): Anh em đã nghe điều được viết cho người xưa rằng … còn Thầy, Thầy bảo anh em…”. Hai phản đề đầu tiên đề cập ngay đến Thập Điều (5,21.27). Tư thế “ngồi”, cùng với động từ “dạy”[3] rõ ràng giúp cho ngươi Do Thái nhận ra tư cách giảng dạy của Đức Giêsu một cách rõ ràng. Tư thế ngồi trong Tin Mừng Mátthêu vừa là tư thế người dạy (5,1; 13,2 ; 24,3) vừa là tư thế của người xét xử (19,28 ; 25,31 ; 26,64). Đức Giêsu của Mátthêu là một thầy dạy của năm bài giảng quan trọng: Bài giảng trên núi (Mt 5 – 7); Bài giảng về sứ vụ (Mt 10); Bài giảng bằng các dụ ngôn (Mt 13); Bài giảng về đời sống Giáo Hội (Mt 18); Bài Giảng về thời cánh chung (Mt 24 – 25).
  2. Các môn đệ … đám đông: Thính giả của Đức Giêsu trong buổi giảng dạy long trọng này trước tiên là “các môn đệ”, cụ thể là nhóm bốn môn đệ đầu tiên mà Người vừa tuyển chọn (Mt 4,18-22). Kế đến là mở rộng ra cho toàn thể “đám đông”. Đám đông này là những người đến từ Bắc (Galilê, và Thập Tỉnh), đến Nam (Giêrusalem, Giuđêa), ra ngoài lãnh địa ngoài Palestine, được nói đến trong Mt 4,23-25. Phần 4,23-25 được xem như là phần giới thiệu cho bài giảng trên núi vì nó giới thiệu nhóm thính giả “đám đông”. Đám đông này là một thành phần tổng hợp các nhóm người rộng khắp trong ngoài vùng đất Palestine.
  3. μακάριος (hạnh phúc thay): Được dùng 9 lần trong đoạn văn này. Vì vậy, nếu tính theo lần xuất hiện của chữ “phúc thay”, thì có 8+1 mối phúc, nhưng nếu tính theo phúc lành được hưởng thì chỉ có tám, hay đúng ra là chỉ có bảy, vì phúc lành “Nước trời là của họ” được lặp lại hai lần. Còn “phần thưởng trên trời thật nhiều” chỉ là cách nói chung cho tất cả. Trong tiếng Hy Lạp cổ điển, μακάριος được dùng để diễn tả sự hạnh phúc cao nhất của các vị thần, mà cuộc sống của họ được giải thoát khỏi những hạn chế của cực nhọc và sự chết. Nó cũng dùng cho những anh hùng đã khuất, những người có được hạnh phúc như các vị thần. Mô hình mối phúc liên hệ đến Tv 1: “Hạnh phúc thay [ אַ֥שְֽׁרֵי][4] người chẳng đi theo lời khuyên của những kẻ xấu” là công bố một cá nhân hay giai cấp đang ở trong tình trạng hạnh phúc. Xin Chúc mừng![5]
  4. Những người nghèo về mặt tinh thần: Tác giả Luca nói cụ thể là “những người nghèo” (οἱ πτωχοὶ), trong khi đó tác giả Mátthêu thêm một cụm từ bổ nghĩa, giải thích cho danh từ “những người nghèo”: τῷ πνεύματι. Cụm từ này được nhóm CGKPV hiểu là “Tinh thần nghèo khó”; tương tự, Tác giả Nguyễn Thế Thuấn dịch là “Tinh thần khó nghèo”, bản dịch Anh ngữ, Ý ngữ hiểu là “in spirit” (ESV), “in spirito” (CEI). Thật không dễ để hiểu tác giả Mátthêu muốn nói gì khi dùng cụm từ này. Có tác giả hiểu rằng “nghèo vì tinh thần”, nghĩa là những người làm cho chính họ nghèo đi vì đẩy mạnh, chú trọng đến điều kiện tinh thần của họ. Hoặc là “trong lãnh vực, về khía cạnh tinh thần”.[6] Cũng có thể hiểu cụm từ này theo ý nghĩa kép: Sự nghèo, tình trạng nghèo về vật chất, làm cho họ trở nên đau khổ về tinh thần.[7] Hiểu theo nghĩa nào đi nữa, cái nghèo là một tình trạng thúc bách người ta trông chờ, cậy nhờ đến Thiên Chúa. “Những người nghèo” thời Isaiah (Is 40-55) là những người đang sống trong nơi lưu đày, không có đất. Cách hiểu này phù hợp với mối phúc “vì họ sẽ sở hữu miền đất”. Vào thời Đức Giêsu nó trở thành một “tước hiệu danh dự” dành cho những tín hữu của dân Cha, những người chấp nhận cuộc sống khó khăn mà Người đã mời gọi họ.[8] Trên thực tế, Đức Giêsu mời gọi một lối sống đơn giản hết mức: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20; Lc 9,58); Nếu như họ thu tích được của cải thì họ được mời gọi “hãy bán hết tất cả những gì anh có và cho người nghèo” (Mt 19,21; Mc 10,21; Lc 18,22; 19,8); trên hết, họ được mời gọi đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc (Mt 6,25; Lc 12,22); “Trước tiên, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn những thứ còn lại Người sẽ ban thêm cho” (Mt 6,33).

Nói chung, “người nghèo về tinh thần” nói đến những người túng quẫn về kinh tế, chính trị, xã hội, những người tượng trưng cho “những người nghèo” của Thiên Chúa trong Cựu Ước. Sự nghèo đói của họ khốn khổ đến mức tinh thần của họ bị đè bẹp. Họ không còn hy vọng vào bất cứ điều gì hay tin vào ai nữa. Từ bối cảnh cụ thể của Tin Mừng Mátthêu, họ có thể được xem như những người bị áp bức bởi ách độ hộ của Rôma và ách tôn áo của Truyền thống Rabbi của Do Thái giáo.

  1. Nước Trời … thừa kế đất … phần thưởng nhiều trên trời … nhìn thấy Chúa: Cái phúc của người nghèo là vì Nước Trời là của họ. Như đã đề cập đến trong phần bối cảnh, “Nước Trời” là một đề tài trọng yếu trong Tin Mừng của Đức Giêsu nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Đó là mục tiêu cho toàn bộ quá trình hoán cải của con người: “Hãy hoán cải vì Nước Trời đã đến gần”. Tác giả Mátthêu dùng hai khái niệm để diễn tả cùng một thực tại “Nước Trời” và Nước Thiên Chúa. Trong khi tác giả Máccô và Luca chỉ dùng danh xưng “Nước Thiên Chúa”, tác giả Mátthêu có khuynh hướng hay dùng danh xưng “Nước Trời” (35 lần), có lẽ để tránh kêu danh Thiên Chúa. Tuy nhiên, tác giả không muốn loại bỏ hoàn toàn cách dùng của tác giả Máccô (Nước Thiên Chúa: Mt 4 lần; Mc 14 lần; Lc 32 lần). Trong bối cảnh “Tám mối phúc”, khái niệm “Nước Trời” có vai trò đóng khung. Cụm từ này vừa mở đầu vừa kết thúc “tám mối phúc”. Vì thế, có thể nói rằng, phúc lành tổng thể cho mọi phúc lành khác trong tám phúc lành là “vì Nước Trời là của họ”. Người nghèo tuyên bố là người hạnh phúc vì “Nước Trời là của họ” ; “vì Nước Trời là của họ” cũng là lý do cho niềm hạnh phúc của những người bị bách hại vì đức công chính. Những phúc lành như “Nhìn thấy Thiên Chúa”, “Phần thưởng nhiều trên trời”, “được sở hữu đất” cũng là những cách thức diễn tả của người sở hữu Nước Trời. Sở hữu Nước Trời thì sẽ có phần thưởng nhiều ở trên trời, được nhìn thấy tôn nhan Chúa, được sở hữu đất Chúa ban. Phúc lành “Nước Trời là của/ thuộc về họ” được mô tả bằng cách khác như “đi vào Nước Trời/ Thiên Chú” (Mt 5,20 ; 7,21 ; 19,24 ; 21,31 ; Mc 9,47); dự tiệc trong Nước Trời (Mt 8,11); Tìm kiếm Nước Thiên Chúa (Mt 6,33)

“Người nghèo trong tinh thần”, những người hoàn toàn không có gì trong thế giới này được tuyên bố như những ông chủ của sự giàu có tốt nhất có thể trong Nước Trời. Đây cũng là phần thưởng dành cho những người sống công chính – bị bách hại (5,10). Người nghèo được Nước Trời vì họ phụ thuộc hoàn toàn vào Chúa, vua của Nước Trời. Bách hại vì sống công chính là thành viên Nước Trời vì họ thực thi những luật lệ của Nước Trời (x. Mt 5,6.20.45; 6,33).

  1. Những người đau buồn: Những người “đau buồn” (tác giả Luca dùng động từ “khóc”). Động từ πενθέω nghĩa là đau buồn, sầu khổ, phàn nàn, khóc than. Người đau buồn có thể hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, đó là những người đau buồn vì những đau đớn vì bệnh tật, nghèo đói, bị áp bức. Thứ hai, đó là những người đau buồn, hối hận vì những lỗi lầm của mình. Loại đau buồn thứ nhất có thể tìm thấy trong chính tám mối phúc: Đau buồn của những người nghèo theo chiều kích tinh thần, những người bị bách hại. Liên hệ với bối cảnh của Is 61,2: “Công bố một năm hồng ân của Chúa và ngày báo oán của Chúa, để an ủi tất cả những ai đau buồn.” Những người đau khổ ở đây là những người trở về sau lưu đày, phải đối diện với bao nhiều vấn đề: Những thành phố hoang tàn, những người dân xấu hổ, mất danh dự. Những vết thương vẫn chưa lành. Tình huống tương tự ở đây: Dân Chúa bị bắt bớ (5,11-12); Những kẻ xấu chống lại người công chính (2,1-13; 7,15-20; 21,12-13). Người công chính không biết làm gì hơn ngoài khóc than.

Được ủi an không phải là những phần thưởng về vật chất nhưng là sự hiệp thông với Chúa. Ladarô được an ủi khi ở trong lòng tổ phụ Ápraham, trên Nước Chúa (x. Lc 16,25). παρακληθήσονται (sẽ được ủi an): Thì tương lai của động từ này nói đến một sự an ủi cánh chung, an ủi mức cao nhất cho những mất mát của người cùng khổ.

  1. Những người tử tế, hiền lành: Tính từ “πραΰς” vừa có nghĩa là tử tế, tốt lành, vừa có nghĩa là hiền lành. Tính cách “hiền lành” đi kèm với phần thưởng “sở hữu miền đất” có liên hệ gần gũi với Tv 37,11: “Nhưng người hiền lành sẽ thừa kế đất và vui sướng trong sự giàu có dồi dào”. Tv 37 diễn tả số phận và hành vi của người công chính và kẻ xấu. Người hiền lành được trình bày trong như những người khiêm tốn trong nghĩa bị áp bức, trung thành và hy vọng trong Chúa. Đức Giêsu được gọi là “hiền lành” trong Mt 11,29 và 21,5: Hiền lành và khiêm nhường trong lòng; Đức vua hiền lành ngồi trên lưng lừa. Đức Giêsu hiền lành, không khắt khe như những thầy dạy trong Mt 23,2-7; Hiền lành như vị vua yêu thương, hiến mạng vì thần dân. “Thừa kế miền đất” ở đây có lẽ không tách rời khỏi phần phúc “được có Nước Trời”, hay là phần thưởng nhiều trên trời. Hiền lành ở đây cũng có thể có liên hệ chặt chẽ với thái độ của những người bị bách hại vì đức công chính. Một cách diễn tả của sự hiền lành được nói đến trong phản đề về điều luật: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, trong đó Đức Giêsu dạy rằng: “Đừng chống cự người ác, trái lại, ai vả má bên phải, thì hãy đưa cả má bên kia nữa” (Mt 5,36 ; Lc 6,29).
  2. Thừa kế miền đất: Khi nói về “thừa kế miền đất”, độc giả Do Thái liền nhớ đến những truyền thống Cựu Ước liên quan đến miền đất hứa. Chúa hứa ban đất cho Ápraham (St 12,7). Ông Giôsuê dẫn đưa dân Ítraen vào đất hứa (Canaan). Được đất hứa là phần phúc quan trọng của Ítraen như là dân Chúa (Đnl 1,8.21.39; 4,1.38; 16,20). Tv 37,9.11: Ai chờ đợi Chúa sẽ thừa kế đất; người hiền lành sẽ thừa kế đất. Động từ “thừa kế” ngụ ý tương quan cha – con. Con thừa kế tài sản của cha.
  3. Đói và khát sự công chính: Động từ “đói” và “khát” diễn tả sự ước muốn mạnh mẽ cho những nhu cầu thể lý bình thường, giúp cho con người duy trì mạng sống. Trong Cựu Ước, “sự công chính” được hiểu theo những nghĩa sau. (1) Hành vi hay hoạt động của nhân loại. Đó là những hoạt động hợp pháp, đạo đức, trung thành với Giao Ước, vâng lời Torah (St 15,6; Đnl 9,4.5.6; Ed 3,20; 18,34). (2) Hoạt động của Chúa. Đó là sự công chính của Người về luật lệ, đạo đức, cứu độ (Đnl 33,21; Tl 5,11; 1 Sm 12,7). Trong Tân Ước, “sự công chính” có thể được hiểu theo hai nghĩa sau. (i) Nhân loại: Hành động theo Lề Luật, theo ý Chúa (Mt 13,17.49; 25,37); (ii) Thiên Chúa: Thiên Chúa công chính trong sự thương xót, trung thành với ý muốn cứu độ; hoàn tất lời hứa (Rm 3,26; 2 Tm 4,8; Kh 16,5). Trong bối cảnh của Tin Mừng Mátthêu, có thể nói đến những cách hiểu về sự công chính như sau. Mt 5,10, nói đến người bị bắt bớ vì sự công chính. Nghĩa là bị bắt bớ vì chính Đức Giêsu và vì sống theo những lời Người dạy. Mt 5,20, mời gọi một sự công chính vượt hơn các kinh sư và Pharisêu. Nghĩa là, sự công chính không phải chỉ kết quả đương nhiên của việc giữ Luật nhưng là sống tương quan tình yêu với Cha và với tha nhân. Mt 6,33 khuyên rằng hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người. Sự công chính ở đây có thể là hoạt động cứu độ; hay là luật lệ của vương quốc mà Chúa Cha đòi hỏi.

Sự công chính trong bối cảnh của bài giảng trên núi là sự công chính “hơn các kinh sư và Pharisêu” và mục đích là “được vào Nước Trời”. Đói và khát sự công chính là ao ước sâu xa của các môn đệ nhằm hoàn thành tất cả đòi hỏi của Chúa. Cụ thể hơn đây là tất cả những cam kết cho “sự công chính” họ làm chứng và trải nghiệm trong cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu. Người đói và khát sự công chính cũng là người mong mỏi hoạt động cứu độ của Chúa, công lý của Người.

  1. Những người có lòng thương xót: Lòng thương xót trong Thánh Kinh, căn bản hướng về hai đối tượng: (1) Người lỗi lầm cần được tha thứ (Xh 34,6-7; Is 5,7; Mt 18,32-34); (2) Người thiếu thốn cần được giúp đỡ (Tv 86,15-16; Mc 10,47). Trong Lc 6,36, Đức Giêsu mời gọi là “hãy có lòng thương xót như Cha anh em hay xót thương. Lòng thương xót của người môn đệ phải tương ứng với thái độ và hành động của Cha. Trong Mt, Đức Giêsu nhắc đến hai hình ảnh “lòng thương xót” và “lễ vật”. Trong Mt 9,13, Đức Giêsu nhắc nhở những người Pharisêu là “hãy đi và học cho biết điều này: “Ta muốn lòng thương xót chứ không phải lễ vật”. Câu này được đặt trong bối cảnh Đức Giêsu đến đồng bàn với những người thu thuế và những người tội lỗi, nhưng những người Pharisêu đã đặt vấn đề với các môn đệ của Người: “Tại sao thầy của các ông lại ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi” (Mt 9,10-11). Thương xót trong bối cảnh này là thương xót, tha thứ đối với người tội lỗi và thu thuế. Trong “lời cầu nguyện của Chúa” (hay còn gọi là Kinh Lạy Cha), Đức Giêsu đã dạy rằng: “Xin tha thứ cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Sau đó Đức Giêsu chốt lại: “Nếu anh em tha cho người khác những lỗi lầm của họ, thì Cha trên trời sẽ tha thứ cho anh em, nhưng nếu anh em không tha cho người ta những món nợ của họ, thì Cha anh em cũng không tha cho những món nợ của anh em” (Mt 6,14-15). Trong bối cảnh tranh luận về luật giữ ngày Sabát, Đức Giêsu lại nhắc lại câu này: “Ta muốn lòng thương xót chứ không phải lễ vật” (Mt 12,7). Lòng thương xót trong bối cảnh này có lẽ là thái độ thờ phượng Chúa thật tâm, chứ không phải chỉ giữ Luật.

Người biết thương xót cho thấy sự quan tâm và lòng trắc ẩn với người thiếu thốn. Giúp họ ra khỏi tình trạng đau khổ. Họ phản ánh tấm lòng của Chúa chấp nhận những người đau khổ, lỗi lầm. Họ từ bỏ thói quen xét đoán và tha thứ cho người lỗi lầm. Họ cũng được Chúa xót thương; đây là quà tặng hơn là mục đích của hành vi xót thương.

  1. Được nhìn thấy Chúa: Nhìn thấy Chúa là một phúc lành và không được nhìn thấy Chúa là sự khốn khổ. Được thấy Chúa là mục tiêu của kẻ sống ngay lành: “Những kẻ sống ngay lành được chiêm ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 11,7). Niềm khao khát của vịnh gia: “Bao giờ con đước đến, vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42,3). Nhìn thấy Chúa nghĩa là được ở trước nhan Người, trải nghiệm vinh quang của Người. Đó là một sự kiện cánh chung cho những ai thanh tẩy, thánh hiến lòng mình.
  2. Được gọi là con Thiên Chúa: Ítraen được gọi là con Thiên Chúa, dân riêng của Chúa, Đấng đã chọn họ và giao ước với họ (Xh 4,22; Đnl 14,1; Hs 10,1). Trong Mt 5,44, Đức Giêsu dạy: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người bắt bớ anh em, để anh em có thể là những người con của Cha anh em trên trời”, vì Cha cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, Khi được làm con, người ta được chia sẻ bản tính Thiên Chúa, được chia sẻ hạnh phúc với Người. Họ cũng chia sẻ sứ vụ của Chúa, mang Tin Vui cho nhân loại.
  3. Bách hại vì sự công chính: Mối phúc thứ tám không nói về một thái độ nhưng là một thực tại đau khổ. Thì hoàn thành của động từ “διώκω” (οἱ δεδιωγμένοι) diễn tả hành động đã diễn ra và hậu quả vẫn tiếp diễn (những người đã bị bách hại). Tác giả thư thứ nhất Phêrô nói rằng “Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc” (1 Pr 3,14). Sự bách hại được lặp lại hai lần và nối kết từ quá khứ đến hiện tại, từ sự bách hại các ngôn sứ, đến sự bách hại các môn đệ.

Phần thưởng Nước Trời: Giống như mối phúc đầu tiên. Họ đã dấn thân cho những giá trị của Tin Mừng. Đó là sống công chính, theo lối sống của Đức Giêsu. Vì thế, họ được hưởng Nước Trời.

  1. Bách hại … vì ta: Trong phần mở rộng (cc. 11-12), Đức Giêsu dùng ngôi thứ hai số nhiều, nhắm trực tiếp đến các môn đệ. Người diễn giải mối phúc thứ tám, nói về sự bách hại, như xỉ vả, và vu cáo tất cả những điều xấu xa. Đối tượng cho những chịu đựng này không còn là sự công chính mà là chính Đức Giêsu: vì Thầy. Đó là tổng thể những đau khổ mà cộng đoàn các môn đệ phải chịu vì Đức Giêsu.

Những người bị bách hại chia sẻ số phận của Đức Giêsu. Các môn đệ bị trao cho các hội đồng, mang đến trước vua chúa quan quyền (10.17-18). Thậm chí, các thành viên trong gia đình của họ cũng chống lại họ (10,21-22.35-36). Qua sứ vụ của họ, họ tham dự vào những đau khổ của Đức Giêsu và đồng hóa với Người khi mang thập giá (10,38; 16,24).

Phần thưởng lớn lao trên trời: Là sự đón nhận chung cuộc vĩnh viễn vương quốc với tư cách là con cái Thiên Chúa, bởi những người theo Đức Giêsu, những người đang bị khinh bỉ, ghét bỏ vì sự công chính và vì Đức Giêsu và lời Người.

Bình luận tổng quát

Sau khi tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên, Đức Giêsu bắt đầu công bố hiến chương, hiến luật, về Nước Trời, dành cho những người muốn trở thành những công dân của Nước Trời. Đối tượng mà Người nhắm đến là các môn đệ đầu tiên, cùng toàn thể cư dân trên vùng đất Palestine từ Bắc chí Nam. Không gian trên “núi”, cùng với tư thế “ngồi”, và hành động “dạy”, làm cho những người gốc Do Thái không khỏi tưởng nhớ về hình ảnh ông Môsê, vị ngôn sứ vĩ đại đã từng thấy Chúa mặt giáp mặt, đã dẫn họ vượt qua biển đỏ và từ trên núi Sinai, đã lãnh nhận và công bố thánh Luật cho họ, trong đó có Thập Điều. Tuy nhiên, ở đây, còn hơn ông Môsê nữa, vì Đức Giêsu giảng dạy như một Đấng có uy quyền. Người sẽ làm tròn đầy Luật do ông Môsê công bố. Đức Giêsu của tác giả Mátthêu thể hiện vai trò thầy dạy một cách rõ rệt khi Người giảng đến năm bài, tương ứng với năm cuốn sách đầu tiên của Sách Thánh Cựu Ước (Ngũ Thư). Bát Phúc được đóng khung bởi phần thưởng Nước Trời, và được chia làm hai phần đánh dấu bằng hai thái độ sống liên quan đến đức công chính: “đói và khát sự công chính” (5,6) và “bị bách hại vì đức công chính” (5,10). Điều mà người môn đệ phải đói và khát là sự công chính, và điều mà họ phải hy sinh thân mình để sống vì, cũng là đức công chính. Sự công chính mà người môn đệ theo đuổi, phải là sự công chính vượt trên sự công chính của các kinh sư và người Pharisêu. Nghĩa là, một sự công chính của tình yêu và lòng thành tín, chứ không phải chỉ là thực thi Lề Luật cách cứng nhắc. Sự công chính đó bao hàm các đặc tính như khó nghèo, hiền lành (tử tế), thương xót, có một trái tim tinh tuyền, xây dựng hoà bình. Sự công chính đó được mô tả phần nào trong loạt sáu phản đề theo cấu trúc: Anh em đã nghe điều dã được viết cho người xưa rằng … còn Thầy, Thầy bảo anh em là… Sự công chính ấy chính là lối sống của chính Đức Giêsu. Mục tiêu của cả đời người rõ ràng Nước Trời (Nước Thiên Chúa). Đây chính là vương quốc mà Đức Giêsu đã giới thiệu ngay trong lời rao giảng đầu tiên, thậm chí Gioan người dìm, cũng đã giới thiệu cùng một vương quốc: Hãy hoán cải vì Nước Trời đã đến gần. Vương quốc (Vương được dọn sẵn từ khi tạo dựng trời đất), cũng là chủ đề khép lại hành trình rao giảng công khai của Đức Giêsu. Câu chuyện phán xét thời cánh chung (25,31-46) mô tả phần thưởng vương quốc dành cho những người công chính, và hình phạt đời đời dành cho những người bất chính. Những phần phúc như được gọi là con, được thừa kế miền đất, được nhìn thấy Thiên Chúa, được phần thưởng nhiều trên trời, được ủi an, được no thoả, tất cả đều là những cách diễn tả khác nhau của phần phúc “Nước Trời là của họ”. Có Nước Trời, được ở trong Nước Trời thì sẽ có hết mọi sự và no thoả đời đời với Chúa và với tha nhân.

Những mối phúc là Tin Mừng cho nhân loại: Chúng lý giải ý nghĩa của ‘Nước Thiên Chúa đến gần (4,18). Chúng cho thấy điều Chúa sẽ làm cho nhân loại, những người đi trong đường lối Người. Chúng an ủi những người bị áp bức và bên lề của thế giới (nghèo, sầu khổ, khiêm nhường, bị bắt bớ…).

Những mối phúc khích lệ những người: Bị đè bẹp bởi những dạng thức nghèo đói và đau khổ. Những người trong đau khổ bắt chước Đức Giêsu người hiền lành và khiêm nhường. Những người tìm kiếm can thiệp của Chúa, Công lý của Người, trong đau khổ của họ. Những người tha thứ cho anh chị em cách vô điều kiện, thương xót với người thiếu thốn.

Những mối phúc ca tụng những người: Những người có tay sạch lòng thanh, với sự tận hiến một lòng cho thánh ý Chúa. Những người tham gia vào sứ vụ xây dựng hòa bình của Chúa Cha và Đức Giêsu. Những người đứng vững trước mọi hình thái cám dỗ – bao gồm những bách hại về thể lý và tâm lý – buộc họ phải chối bỏ Đức Giêsu và lời Người.

Các mối phúc hứa với họ: Chúa luôn đứng về phía họ, Nước Chúa là của họ. Chúa sẽ ủi an họ, và thay đổi nước mắt thành niềm vui. Chúa sẽ làm họ thỏa mãn và họ sẽ được bảo đảm một sự sống tròn đầy. Chúa sẽ thương xót họ trong khi xét xử. Thiên Chúa sẽ ra khỏi bản tính vô hình của Người mà cho họ thấy Người. Chúa sẽ nhìn nhận họ như những người con trong gia đình của Người.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích

[1] While both discourses begin with beatitudes, the two sets are very different: (i) Luke has four beatitudes against Matthew’s eight, corresponding roughly to Matthew’s first, fourth, second and eighth (though the last is in fact much closer to Matt 5:11–12 than to Matt 5:10). (ii) Luke has four balancing “woes,” to which Matthew has no parallel. (iii) Luke’s are cast in the second person, “Happy are you …” rather than the third; in this they correspond to Matt 5:11–12 rather than to 5:3–10, which use the more traditional third-person form. (iv) The “tone” is quite different. Whereas in Matthew the qualities commended are essentially spiritual and ethical, in Luke they are concerned with the situation in which disciples find themselves, particularly in contrast with the security and satisfaction which the rest of society seeks. There is nothing to suggest that “poor,” “hungry,” “weeping” and “hated” in Luke are to be understood as anything other than literal, and their counterparts in the woes (“rich,” “well fed,” “laughing” and respected) maintain the same emphasis. Even where the same words occur in the Matthean beatitudes, they are explicitly qualified in a “spiritualizing” direction: “poor in spirit,” “hungry and thirsty for righteousness.” Thus while the Matthean beatitudes commend in general terms the qualities which promote the good life of the kingdom of heaven, the Lucan beatitudes and woes speak directly to the disciples of their own material and social disadvantage as a result of their following Jesus” [R.T. France, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 162-163].

[2] “I take to oros to be a general term for the hill-country to the west and north of the Lake of Galilee, where the hills rise steeply from the lake. So the phrase need not denote a specific mountain; contrast the specific mention of “a (very) high mountain” in 4:8; 17:1 and the named mountain of 24:3” (R.T. France, The Gospel of Matthew, 157).

[3] “The verb didaskō, “teach” reinforces that impression, while “opened his mouth” is a familiar OT idiom to introduce a significant pronouncement (Job 3:1; 33:2; Ps 78:2; Dan 10:16; cf. Matt 13:35; Acts 8:35; 10:34)” (R.T. France, The Gospel of Matthew, 158).

[4] see Pss 1:1; 32:1–2; 40:4; 119:1–2; 128:1. In the NT compare Matt 11:6; 13:16; 16:17; 24:46, and many instances in Luke (1:45; 10:23; 11:27–28) (R.T. France, The Gospel of Matthew, 159).

[5] “The sense of congratulation and commendation is perhaps better conveyed by “happy,” but this term generally has too psychological a connotation: makarios does not state that a person feels happy (“Happy are those who mourn” is a particularly inappropriate translation if the word is understood in that way), but that they are in a “happy” situation, one which other people ought also to wish to share” (R.T. France, The Gospel of Matthew, 161).

[6] B.M. Newman – P.C. Stine, A Handbook on the Gospel of Matthew (New York 1992) 107.

[7] “He too means the literally poor, but he focuses on their psychological condition or frame of mind” [D.A. Hagner, Matthew 1-13 (WBC 33A; 2002) 91].

[8] B.M. Newman – P.C. Stine, A Handbook on the Gospel of Matthew, 108.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 3 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 4 TN-A)