Arnoldus Nota 10/2022: Chung tay chữa lành thế giới bị tổn thương*

0
267

Cha tổng quyền Paulus Budi Kleden, SVD
và Ban Lãnh Đạo Dòng Ngôi Lời

Link nghe: https://youtu.be/CEOjZwp9SHU

Chủ đề Tổng Tu Nghị tiếp theo của Dòng Ngôi Lời là “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ” (Mt 5,16). Những môn đệ trung thành và sáng tạo trong một thế giới bị tổn thương.” Để có thêm chi tiết về chủ đề, chúng tôi tập trung vào những yếu tố thường xuyên được lặp đi lặp lại khi nhận được những ý kiến đóng góp do các Tỉnh Dòng/ Miền Dòng/ Giáo Điểm đã gửi về. Một trong số này là mối quan tâm về tình hình hiện tại cho ngôi nhà chung của chúng ta, và nhu cầu làm những việc cụ thể để đáp lại tiếng khóc của tạo vật và người nghèo.

Cả hai thực tế dễ bị tổn thương này đều đã được xem xét như là những ưu tiên của việc dấn thân truyền giáo trong tài liệu của  Tổng Tu Nghị thứ 18 (GC 2018, 3.4.1 và 3.4.2). Số 4.2 thể hiện rõ ưu tiên này: “Tuy nhiên, giờ đây chúng ta muốn tập trung vào người nghèo, sự toàn vẹn tạo vật, thời đại kỹ thuật số, và những cộng tác viên giáo dân truyền giáo của SVD. Trong Laudato Si số 49, Đức giáo hoàng Phanxicô mời chúng ta chú ý đến tiếng than khóc của trái đất và tiếng than khóc của người nghèo. Là những người môn đệ truyền giáo biến đổi, đây là nhiệm vụ của chúng ta ngay bây giờ nhằm tích cực đáp lại những nhu cầu của người nghèo và những thách đố đang đối diện với Mẹ Trái Đất.”

Bốn năm đã trôi qua kể từ Tổng Tu Nghị thứ 18, và chúng ta cảm nghiệm việc quan tâm đến tình cảnh của người nghèo và của hành tinh đã tồi tệ hơn thay vì được cải thiện. Đại dịch COVID-19, đã gây bất ngờ cho chúng ta từ đầu năm 2020, dường như chỉ vừa mới vượt qua thôi. Do đó, nhiều nước đã ra lệnh phong tỏa bắt buộc người dân, gây tác động chủ yếu lên những người nghèo nhất. Họ là những người sống ngày qua ngày bằng thu nhập kiếm được từ những việc bấp bênh và không chính thức.

Mặt khác sự hủy hoại của hành tinh chúng ta là rõ ràng. Hậu quả của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến năm lục địa: hạn hán kéo dài, hỏa hoạn, lũ lụt, nhiệt độ rất cao, băng tan, tăng nhiệt và tăng mực nước biển,… Tất cả những thảm họa thiên nhiên này xảy ra thường xuyên và ngày càng tăng cường độ, đang gây ra làn sóng di dân của hàng triệu người. Nhiều người trong số họ trở thành những nạn nhân của mafia buôn người và bóc lột con người để hưởng lợi.

Bạo lực và sự phân cực chính trị đã gia tăng ở nhiều quốc gia làm cho hàng triệu người phải chạy trốn tị nạn. Tuy nhiên, chúng ta tự hào vì đáp ứng hỗ trợ của nhiều cộng đoàn SVD đã mở cửa đón nhận những người tị nạn. Đây là việc làm hiệu quả của những văn phòng truyền giáo của SVD, đã vận động được những khoản tài chính cần thiết để giúp đỡ những người tị nạn.

Những khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và chuyên quyền đã làm xói mòn nền dân chủ là một hình thức thống trị và tôn trọng nhân quyền. Xung khắc theo đuổi việc thiết lập một trật tự thế giới mới được tìm thấy từ bức tranh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn còn chưa đến hồi kết. Chúng ta dường như đã quay về thời khắc tồi tệ nhất của chiến tranh lạnh, và chúng ta cảm thấy như những chứng nhân bất lực của giai đoạn đầu thế chiến thứ ba. Chiến tranh kinh tế trừng phạt lẫn nhau đang tác động đến cả thế giới, đặc biệt là Châu Âu, đang chuẩn bị cho một mùa đông lạnh lẽo và ảm đạm do bị cắt nguồn khí đốt từ Nga.

Đừng bị cám dỗ cho ngài là một ngôn sứ loan báo tai ương, như thánh giáo hoàng Gioan XXIII đã cảnh báo ngay từ diễn văn khai mạc Công đồng Vaticanô II, chúng ta phải suy tư về việc truyền giáo trong bối cảnh toàn cầu chẳng tươi sáng này. Chúng ta không thể phớt lờ những thảm họa sinh thái, chính trị, xã hội vào thời của mình. Chủ đề của Tổng Tu Nghị thứ 19, sẽ diễn ra trong bối cảnh mừng 150 năm thành lập Hội Dòng, “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ” (Mt 5,16). Những môn đệ trung thành và sáng tạo trong một thế giới bị tổn thương”, mời gọi chúng ta từ trung thành với Lời Chúa, tới đặc sủng và Linh đạo Dòng Ngôi Lời, tới việc suy nghĩ lại mô hình truyền giáo của chúng ta, tới việc sáng tạo tìm ra những hình thức mới trong việc rao giảng Tin Mừng vào kỷ nguyên kỹ thuật số, thời của tin giả, bất bao dung, và sự thế tục hóa tăng nhanh.

Chúng ta được mời gọi là ánh sáng cho người khác, là chỗ tham khảo an toàn trong thời khắc lịch sử có nhiều ngụ ý cánh chung (ngày tận thế). Chúng ta biết rằng Ngôi Lời là ánh sáng thật chiếu soi cả nhân loại. Và chỉ bằng cách trung thành và cắm rễ sâu vào Lời Chúa thì chúng ta, các môn đệ của Ngài, mới là ánh sáng cho những người đang sống trong bóng tối và những hoàn cảnh bế tắc. Trong thông điệp Laudato Sí, Đức giáo hoàng Phanxicô dạy chúng ta rằng “mọi sự nối kết với nhau” (LS 91). Những nối quan hệ con người trở nên xấu hơn do phớt lờ mối quan hệ của chúng ta đối với Đấng Tạo Hóa, và ngôi nhà chung của chúng ta đau khổ do sự khai thác bừa bãi của con người. Từ đó, tất cả chúng ta đều đau khổ, đặc biệt là những người nghèo, những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta đang đối mặt với “sự khủng hoảng môi trường và xã hội phức tạp” (LS 139).

Thách đố vô cùng lớn, và chúng ta cần rất nỗ lực để chuẩn bị chính mình là những nhà truyền giáo hiệu quả và đáng tin cậy mà thế giới cần. Việc đào tạo ban đầu phải đi xa hơn triết học và thần học truyền thống. Việc đào tạo chuẩn bị những anh em tu sĩ trẻ nhằm lãnh đạo một cuộc sống thoải mái thiếu trách nhiệm và chỉ đơn thuần cử hành các bí tích thì không đáp ứng được những thách đố của thời đại chúng ta.

Chương trình đào tạo chung đang bắt đầu được điều chỉnh bởi một ban đặc biệt do Tổng Quyền bổ nhiệm. Điều này sẽ cung cấp cho chúng ta cơ hội thêm vào chương trình đào tạo ban đầu những nội dung then chốt cho những nhà truyền giáo Ngôi Lời, bắt đầu với bốn chiều kích và Linh đạo. Mặt khác, chương trình thường huấn phải cập nhật và rèn luyện chúng ta sống đối thoại ngôn sứ với những người đối thoại mong muốn từ những chiều kích đặc sủng của Dòng Ngôi Lời. Vậy nên, chúng ta nên tự hỏi: Khóa học gần đây nhất mà tôi đã tham dự để cập nhật cho đời tu và phục vụ truyền giáo là gì? Khóa học này mang lại kết quả gì cho tôi?

Sau cùng, chung tay cộng tác với nhau là căn cốt để chữa lành ngôi nhà chung bị tổn thương. Sức mạnh dẫn đến thành tựu những thay đổi quan trọng nằm ở hành động hiệp nhất của các tín hữu và những người thiện tâm. Chúng ta không thể một mình thoát ra khỏi khủng hoảng. Đức giáo hoàng Phanxicô tin rằng vẫn còn hy vọng và đã mời gọi chúng ta chung tay vào sứ mệnh cứu hành tinh này. Giáo Hội hoàn vũ đã được phân chia thành 7 thành phần: các gia đình, các cơ sở giáo dục, các giáo xứ và giáo phận, kinh tế, các bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe, các dòng tu, các tổ chức và hội nhóm.

Thông qua Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện, Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên thuộc từng thành phần hãy bắt đầu một hành trình hoán cải sinh thái (ecological conversion) kéo dài 7 năm. Ở đây, họ phải đảm đương 7 mục tiêu của thông điệp Laudato Sí: Đáp lại tiếng kêu của Trái đất, Đáp lại tiếng kêu của Người nghèo, Kinh tế Xanh, Thực hiện Phong cách sống Bền vững, Giáo dục Xanh, Linh đạo Xanh, Sức mạnh và Tham gia của Cộng đồng.

Đây là Chương trình Hành động Laudato Sí mà Dòng Ngôi Lời đã cam kết thực hiện. Những cộng đoàn của anh em đã bắt đầu chương trình hoán cải sinh thái chưa? Anh em đã sẵn sàng đăng ký tham gia chương trình này? Hãy tham gia để chữa lành những vết thương của những ai bị gạt ra bên lề xã hội, và chữa lành những vết thương của thiên nhiên.

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD chuyển ngữ

________________

* Thông điệp Tháng 10 năm 2022 của Cha tổng quyền Paulus Budi Kleden, SVD và Ban Lãnh Đạo Dòng Ngôi Lời, trong Arnoldus Nota, October 2022, trang 1-2. Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD chuyển ngữ. Nguồn: svdcuria.org

 

Bài trướcLễ giỗ mãn tang cha Đaminh Đặng Trung Hiếu, SVD (1976-2019)
Bài tiếp theoVái tứ phương