LỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 9 TN)

0
366

Tin Mừng: Mc 12,35-37

Khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu lên tiếng hỏi: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đavít? Chính vua Đavít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con. Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?” Đám người đông đảo nghe Đức Giêsu cách thích thú.


 

Suy niệm

NGUỒN GỐC CỦA ĐẤNG MÊSIA (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD)

Đấng Kitô mà bản văn Tin Mừng hôm nay nhắc tới cũng  chính  là  Đấng Mêsia. Cả hai danh xưng này đều có nghĩa là Đấng được xức dầu. Thế nhưng, cách hiểu về Đấng Mêsia này lại khác nhau.

Đối với dân Do thái lúc bấy giờ, Đấng Mêsia này hoàn toàn là một con người. Đây là một con người trổi vượt, một người có tài năng về chính trị, người mà có thể sánh được với vua Đavít vĩ đại trong thời Cựu ước. Đấng Mêsia này hẳn nhiên cũng phải là con cháu của vua Đavít. Người Do thái mong đợi sự xuất hiện của Đấng Mêsia này để giúp dân chúng loại bỏ ách thống trị của ngoại bang, cụ thể là của đế quốc Rôma lúc bấy giờ, và giành lại quyền độc lập cho đất nước. Đấng Mêsia ấy dù chưa xuất hiện nhưng vẫn được nhiều người nhắc đến. Các kinh sư xem Người như là con của vua Đavít.

Tuy vậy, Đức Giêsu lại chỉ cho dân chúng một ý nghĩa đúng đắn hơn về Đấng Mêsia này. Người không chỉ là một con người đơn thuần, nhưng đồng thời Người là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Bởi đó, xét về phía nhân tính, Người có thể được coi là hậu duệ của vua Đavít; nhưng xét về phía thiên tính, Người là “Chúa Thượng” của vua Đavít. Một Đấng Mêsia như thế không thể bị giới hạn trong việc giải cứu dân Israel về mặt chính trị; nhưng đúng hơn, Người đến để giải cứu con người khỏi sự kìm kẹp của tội lỗi. Đối tượng được giải cứu cũng không giới hạn nơi đất nước Israel, nhưng là phổ quát cho toàn nhân loại. Đứng trước Đấng Mêsia như thế, con người, qua mọi thời được mời gọi tin vào Người để được Người cứu độ và ban thưởng thứ hạnh phúc đích thực là sự sống vĩnh cửu trong Nước Trời.

Lạy Chúa, chúng con thật diễm phúc khi được biết Chúa và được ban tặng hồng ân đức tin. Xin cho chúng con luôn biết tín thác vào Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa để được lãnh nhận ơn cứu độ từ Ngài. Amen.


 

NGHE CÁCH THÍCH THÚ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

AI CAO HƠN AI? ( Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD)

Đoạn trích Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc tranh luận xảy ra giữa các  kinh sư và Chúa Giêsu về vị thế của Đấng Kitô: Người là Con vua Đavít hay Người có một vị thế trổi vượt hơn Vua Đavít?

Trong khi những người kinh sư chỉ biết về nguồn gốc trần thế của Đấng Kitô, mà không được mặc khải về nguồn gốc thần linh của Người. Do đó, họ đã kết luận rằng: Đấng Kitô là Con vua Đavít, vì xuất thân từ dòng dõi của vua Đavít. Đức Giêsu đã dùng chính lời của Sách Thánh là Thánh Vịnh 110 để mở mắt cho họ thấy vị thế đích thực của Đấng Kitô, đồng thời cho mọi người biết lập luận của các kinh sư là hoàn toàn sai. Thánh Vịnh 110 cho thấy, khi vua Đavít được Thần Khí soi sáng đã gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con” (Tv 110). Như thế, Đấng Kitô là Chúa của vua Đavít.

Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường tranh luận với nhau về nguồn gốc, xuất thân hay xuất xứ của một ai đó. Chúng ta dựa vào cái nhìn chủ quan và óc thành kiến để đánh giá và xếp hạng anh em mình. Chính vì thế mà trong cuộc sống luôn có những quan niệm về người này người kia là: cao – thấp; sang – hèn; quan trọng – kém quan trọng… Điều này, đôi lúc vô tình chúng ta làm tổn thương nhau. Đây cũng là lối nhìn của các kinh sư, vì thế họ đã không nhận ra Đấng Kitô là Chúa Thượng, là Con Thiên Chúa. Chúng ta nhớ rằng, trước mặt Chúa, mỗi người là một nhân vị, chỉ có Chúa mới biết rõ từng người, chúng ta là ai mà dám đi xét đoán, xếp hạng người khác.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm nhường để nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết dẹp bỏ óc thành kiến, để có thể nhận ra sự thiện hảo của người khác, để từ đó biết tôn trọng nhau. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 9 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 9 TN)