PHỤC VỤ (19/9, Chúa Nhật XXV TN – B)

0
287

Bài đọc 1: Kn 2,12.17-20; Bài đọc 2: Gc 3,16-4,3

Tin Mừng: Mc 9,30-37

30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : 37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”

 

Bài chia sẻ của Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD

Khi nói đến hai từ “phục vụ” chúng ta thường sẽ nghĩ đây là công việc tầm thường dành cho những người có địa vị thấp trong xã hội: như những người giúp việc, những người làm thuê, những người đầy tớ, hay những người nô lệ. Ít ai nghĩ rằng “phục vụ” cũng dành cho những người có chức cao, quyền trọng trong xã hội như vua, quan, các ông chú, các bà chú … Với quan điểm ta là ông lớn, chức cao quyền trọng, người ta không muốn mình trở thành người phục vụ, nhưng muốn được người khác phục vụ. Chính vì vậy, nhiều người đã tìm mọi cách, kể cả những thủ đoạn xấu xa hòng đạt được vị thế cao trong xã hội.

Tin Mừng Chúa Nhật XXV hôm nay, thánh sử Máccô thuật lại cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó và phục sinh của Người cho các môn đệ, khi Người nói: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Dù đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo điều này, thế nhưng các môn đệ không hiểu và không mấy bận tâm đến những điều Đức Giêsu loan báo. Thay vào đó các ông lại mãi lo “cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (x. Mc 9, 34).

Việc các môn đệ cãi nhau để xem ai là người lớn nhất, điều đó cho thấy, dù các môn đệ là những người đã từ bỏ mọi sự để theo Thầy Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mc 10, 28), thế nhưng, các ông vẫn chưa từ bỏ được danh vọng nơi mình. Không chỉ là cãi nhau xem ai là người lớn nhất, nhưng có người lại tìm mọi cách để xin cho được mình có quyền và vị thế cao trong nhóm. Đó là trường hợp hai anh em Giacôbê và Gioan. Hai ông đã trực tiếp đến xin Thầy Giêsu và nói: “xin cho hai anh em chúng con, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy, khi thầy được vinh quang” (Mc 10, 37). Còn Tin Mừng theo thánh Mátthêu thì thuật lại rằng chính đích thân mẹ của các ông đã đến xin cho hai con mình, một người ngồi bên hữu và một người ngồi bên tả Chúa Giêsu (x. Mt 20, 20-23). Qua đó, chúng ta thấy quyền bính và chức vụ là một thứ mà lối kéo con người ta chạy theo chúng.

Vậy phải chăng quyền bính, chức vụ và danh vọng lại làm cho con người trở nên xấu? Xấu hay tốt là phụ thuộc vào việc mình dùng quyền bính, chức vụ để làm gì. Nếu theo cách “thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” (x. Mt 20, 25), thì điều này cho thấy quyền bính làm cho con người trở nên xấu. Nhưng nếu dùng quyền bính, chức vụ để “phục vụ anh em” và để làm “đầy tớ anh em” thì điều này cho thấy quyền bính lại làm cho con người trở nên tốt.

Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, nhân việc các môn đệ cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả, Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ, cũng như cho chúng ta biết về giá trị đích thực của “phục vụ”, cũng như vai trò của người muốn làm lớn. Đối với Thiên Chúa thì “phục vụ” không phải là công việc tầm thường, thấp bé chỉ dành cho những người giúp việc, những người có địa vị thấp kém trong xã hội. “Phục vụ” cũng không làm cho phẩm giá của con người bị hạ thấp, nhưng “phục vụ” nâng phẩm giá con người trở nên cao cả, vì vậy “phục vụ” là điều kiện cần thiết để trở thành người đứng đầu, là người lớn hơn cả. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã qủa quyết: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Nhưng tại sao lại phải phục vụ người khác mới trở nên người lớn hơn cả? Để trả lời câu hỏi trên chúng ta cần đi tìm hiểu những giá trị mà “phục vụ” mang lại là gì?

Trước hết, “phục vụ” là thể hiện tình liên đới và tồn tại xã hội. Nếu không có sự “phục vụ” lẫn nhau thì không có tính liên đới và xã hội sẽ không tồn tại. “Phục vụ” không chỉ dừng lại ở việc của kẻ thấp hèn làm cho người quyền quí. Nhưng “phục vụ” dành cho tất cả mọi người vì “sống trên đời không ai là một hòn đảo”. Vì thế, nhờ “phục vụ” mà làm nổi bật lên xã hội tính nơi con người. Chúng ta có thể nhận thấy, có rất nhiều mối tương quan giữa các công việc trong xã hội đều mang tính chất liên đới và phục vụ lẫn nhau. Ngay cả những nhà bác học, ngày đêm ngồi trước những quyển sách, nhưng họ là những người đang miệt mài “phục vụ” mọi người, qua việc tìm và phát minh ra những điều mới lạ cho nhân loại. Hay những người thầy cô giáo, ngày ngày miệt mài giảng dạy cho các em học sinh, là họ cũng đang “phục vụ” vì tương lai tốt đẹp của xã hội. Hay thậm chí những người quét rác, họ cũng đang phục vụ mọi người, vì mong có môi trường xanh sạch đẹp… và rất nhiều công việc khác nữa, tất cả đều nhằm “phục vụ” lẫn nhau vì tính liên đới trong xã hội.

Kế đến, “phục vụ” là cách thức để thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm đối với nhau. Điều này chúng ta dễ dàng nhận thấy nơi hình ảnh những người cha, người mẹ chăm sóc những đứa con thơ bé của mình. Cha mẹ không quản ngại hay so đo, tính toán, khi chăm sóc những đứa con của mình. Tất cả những gì mà cha mẹ đã dành cho con cái cũng chính là “phục vụ” những người con của mình. Một tinh thần “phục vụ” vì yêu thương, “phục vụ” vô vị lợi. Một hình ảnh khác, là mẫu gương tuyệt đối của “sự phục vụ” đó chính là Thiên Chúa. Chính vì yêu thương, vì muốn “phục vụ mọi người” mà Thiên Chúa đã ban cho thế gian Người Con duy nhất là Đức Giêsu Kitô, để đến ở và phục vụ mọi người, đúng như lời Người đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Tiếp nối mẫu gương “phục vụ” mà Thầy Giêsu để lại, là những tấm gương của các thánh, đặc biệt gần đây nhất đó là mẹ thánh Têrexa thành Calcutta. Mẹ đã một đời tận tâm phục vụ những người nghèo, những người bệnh tật và những người mà bị xã hội bỏ rơi. Dù mẹ chỉ làm những công việc nhỏ bé, đơn sơ của mình, một người tầm thường, thế nhưng mẹ đã được cả thế giới ngưỡng mộ và đã trao tặng cho mẹ giải Nobel hòa bình (1979). Hơn thế nữa, đức độ của mẹ đã được cả Giáo Hội tuyên dương khi mẹ được nâng lên bậc hiển thánh vào năm 2016. Như vậy, chúng ta thấy “phục vụ” không làm cho con người ta trở nên thua thiệt hay bị hạ thấp phẩm giá của bản thân, nhưng ngược lại, nhờ “phục vụ” mà giá trị và nhân phẩm con người được nâng lên. Bởi qua “phục vụ” tình yêu trở nên hiện thực, nhờ “phục vụ” tình yêu và lòng thương xót được lan tỏa.

Cuối cùng, “phục vụ” là thể hiện lòng tôn trọng phẩm giá và nhân vị nơi mỗi người. Như đã nói “phục vụ” không chỉ dành cho những người giúp việc, nhưng “phục vụ” là dành cho tất cả mọi người. Nếu người nào không biết “phục vụ” thì họ đang đánh mất dần tính người nơi họ. Bởi khi ta hạ mình “phục vụ” người khác, là ta tôn trọng phẩm giá và nhân vị nơi người đó như chính mình. Bởi không ai có quyền bắt người khác “phục vụ” mình vì nghĩ mình đáng được phục vụ. Hình ảnh người Samari nhân hậu, trong Tin Mừng theo thánh Luca (x. Lc 10, 29-37), đã cho thấy được giá trị của sự “phục vụ” là tôn trọng nhân vị nơi người khác. Mặc dù người Samari không hề quen biết người bị hại do bọn cướp gây ra, ấy vậy mà người Samari đã sẵn sàng “phục vụ” nạn nhân, vì nạn nhân cũng là con người, cũng cần được giúp đỡ khi gặp hoạn nạn, vì thế người Samari đã “lại gần, lấy dầu rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10,34). Như vậy, “phục vụ” giúp chúng ta biết tôn trọng nhân vị nơi người khác và thể hiện lòng yêu thương giữa người với người.

Qua bài Tin Mừng Chúa Nhật XXV hôm nay, Thiên Chúa mời gọi mỗi người trong chúng ta hãy biết “phục vụ” lẫn nhau. “Phục vụ” không phải chỉ là những công việc của những người có địa vị thấp trong xã hội, nhưng ngược lại, nghĩa là những người càng làm lớn thì càng phải phục vụ người khác nhiều hơn, vì “ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Hơn nữa, “phục vụ” không chỉ là điều kiện để chúng ta trở nên người lớn hơn cả, nhưng “phục vụ” là cách thức để chúng ta trở nên người hơn qua việc chúng ta thể hiện tình yêu thương, lòng thương xót, sự tôn trọng và tình liên đới với nhau. Do đó, “phục vụ” không phải là điều tôi muốn làm hay không tùy ý, nhưng đó là mệnh lệnh mà Thiên Chúa muốn chúng ta phải thi hành. Bởi “nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,14-15). Amen.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXV Thường Niên – B (Mc 9,30-37)
Bài tiếp theoGx. Mỹ Sơn: TRUNG THU YÊU THƯƠNG TRONG CƠN ĐẠI DỊCH