Lời Chúa + Bài giảng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Lễ Trọng (15/8)

0
728

Bài Ðọc I: Kh 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab

“Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con.

Lại một điềm lạ khác xuất hiện trên trời: một con rồng đỏ khổng lồ, có bảy đầu, mười sừng, và trên bảy đầu, đội bảy triều thiên. Ðuôi nó kéo đi một phần ba tinh tú trên trời mà ném xuống đất. Con rồng đứng trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh con ra, thì nuốt lấy đứa trẻ.

Bà sinh được một con trai, Ðấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân: Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người. Còn Bà thì trốn lên rừng vắng, ở đó Bà được Thiên Chúa dọn sẵn cho một nơi.

Và tôi nghe có tiếng lớn trên trời phán rằng: “Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và uy quyền của Ðức Kitô của Người đã được thực hiện”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 44, 10bc. 11. 12ab. 16

Ðáp: Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng (c. 10b).

Xướng: 1) Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy. – Ðáp.

2) Xin hãy nghe, thưa Nương Tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ. – Ðáp.

3) Ðể Ðức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của Cô Nương, hãy phục vụ Người. – Ðáp.

4) Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Ðức Vua. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26

“Hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Ðức Maria được mời gọi lên trời; đạo binh các thiên thần mừng rỡ hân hoan. – Alleluia.

Tin Mừng: Lc 1,39-56

Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!

Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

vì Người nhớ lại lòng thương xót

dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

và cho con cháu đến muôn đời.”

Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

 


Chia sẻ / bài giảng

ÂN PHÚC CHO MẸ – HY VỌNG CHO TA (Tu sĩ Phê-rô Phùng Mai Duẩn, SVD)

Tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đã được Đức Thánh Cha Pi-ô XII công bố ngày 01-11-1950 qua Hiến Chế Munificen-tissimus Deus (Thiên Chúa vô cùng đại lượng) với câu xác tín: “Đức Ma-ri-a vô nhiễm trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, sau cuộc sống trần gian, đã được cất nhắc cả hồn và xác về vinh quang trên trời”. Tuy chỉ có một câu ngắn ngủi nhưng lại hàm chứa trọn niềm tin của Giáo Hội Công Giáo nói chung và của từng cá nhân Ki-tô hữu nói riêng về các đặc ân mà Thiên Chúa đã tặng ban cho Mẹ: Đức Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa (431), Đức Ma-ri-a Trọn Đời Đồng Trinh (649), Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội (1854), Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời (1950). Có thể thấy, tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là tín điều muộn nhất nhưng đó lại là tín điều tóm kết một cuộc đời “đầy ân phúc”của Mẹ. Một cuộc đời thuộc trọn về Chúa và dâng hiến thân mình để cộng tác vào công trình cứu chuộc, để rồi, Mẹ được Thiên Chúa ân thưởng vinh phúc trên thiên đàng. Qua Lời Chúa trong lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời hôm nay, chúng ta cùng suy ngắm về những nguyên do đã mang đến cho Mẹ niềm hạnh phúc trọng đại như thế.

  1. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa

Ngay khoảnh khắc thưa lên hai tiếng “XIN VÂNG”, Con Thiên Chúa đã nhập thể vào cung lòng trinh nữ Ma-ri-a, cũng chính khoảnh khắc đó, Mẹ đã được vinh dự làm Mẹ của Đức Giê-su, tức là Mẹ của Thiên Chúa. Chỉ hai tiếng xin vâng ngắn ngủi nhưng chứa đựng trong đó những trách nhiệm nặng nề mà Mẹ phải gánh vác: Trách nhiệm cộng tác vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa; Trách nhiệm cưu mang, chăm sóc, nuôi dưỡng người con và cũng là Thiên Chúa của mình; Trách nhiệm trở thành đấng trung gian nối kết Thiên Chúa với con người. Đó là những trách nhiệm lớn lao mà Thiên Chúa đã đặt trên vai người con gái bé nhỏ, thế nhưng Mẹ vẫn can đảm đáp lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Nhờ sự can đảm đó, Mẹ đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân làm Mẹ Ngôi Hai. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, chức vị Mẹ Thiên Chúa đã được tuyên xưng bởi một phàm nhân, đó là bà Ê-li-sa-bét: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa đến với tôi thế này?” (Lc 1,43). Quả thật, Thân Mẫu Chúa là một vinh dự lớn lao mà Thiên Chúa đã tặng ban cho Mẹ. Qua Mẹ, Thiên Chúa ban ân sủng đến cho con người, và nhờ Mẹ, con người được đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Bởi đó, khi trở thành Mẹ Thiên Chúa, Mẹ cũng đồng thời trở thành Đấng Trung Gian nối kết Thiên Chúa và con người. Biến cố viếng thăm bà Ê-li-sa-bét là lần đầu tiên Mẹ thi hành phận vụ trung gian này. Chỉ với lời chào của mình, Mẹ đã chuyển trao niềm vui và ân sủng của Thiên Chúa đến cho gia đình bà chị họ. Và kể từ đó, Mẹ vẫn không ngừng đem Chúa đến cho mọi người và đưa con người xích lại gần Thiên Chúa hơn.

  1. Mẹ tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói

Qua đức tin, con người làm đẹp lòng Thiên Chúa, và khi đó, Người sẽ ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm người (x. Dt 11,6). Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã liệt kê ra những vị tiền nhân được lãnh nhận phần thưởng từ Thiên Chúa ngang qua việc thể hiện đức tin của mình: ông A-ben được chứng nhận là người công chính, ông Kha-nốc được đem đi nơi khác để khỏi chết, ông Nô-ê được Thiên Chúa cho biết những gì người ta chưa thấy và được phần gia nghiệp là sự công chính, ông Áp-ra-ham đã trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc (x. Dt 11,1-40)… Quả thật, Thiên Chúa luôn chúc phúc và ban ơn cho những ai tin vào Người. Đức Ma-ri-a cũng là con người được hưởng sự chúc phúc đó: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).

Tất nhiên, việc tin tưởng vào lời của Thiên Chúa không phải là điều dễ dàng gì, như khi Thiên Chúa hứa với Áp-ra-ham là sẽ ban cho ông một dòng dõi đông đúc, trong khi Người lại bắt ông phải hiến tế người con duy nhất. Với Đức Ma-ri-a, việc tin vào lời của Thiên Chúa còn bị đặt ở một cấp độ cao hơn bội phần: cưu mang Con Thiên Chúa – cộng tác vào công trình cứu độ. Bởi thế, việc hoàn toàn tin tưởng vào ý định của Thiên Chúa đã đưa đến cho Mẹ vinh dự “được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (x. Lc 1,42). Mẹ được nên cao trọng như thế vì Mẹ đã “dám” tin vào vào kế hoạch của Thiên Chúa. Và qua sự “dám” tin đó, Mẹ xứng đáng lãnh nhận những phần thưởng mà Thiên Chúa ân ban cho Mẹ.

  1. Niềm hy vọng cho con người

Cuộc đời của Mẹ là một cuộc đời được chúc phúc, và sự chúc phúc đó được thể hiện rõ nét nhất qua phần thưởng Hồn Xác Lên Trời. Mẹ Lên Trời để đón nhận phần thưởng của Thiên Chúa và Mẹ Lên Trời để mang đến niềm hy vọng cho con cái của Mẹ, là những người đang trong cuộc lữ hành nơi trần thế. Thiên Chúa đã dọn sẵn cho mẹ một chỗ ở như thánh Gio-an đã nói đến trong bài đọc thứ nhất. Và tất nhiên, Thiên Chúa cũng đã dọn sẵn cho con người những chỗ ở trên trời, như Đức Giê-su đã từng nói: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi” (Ga 14,2). Bởi vậy, người Ki-tô hữu luôn mang trong mình một hy vọng là sau khi từ giã cõi đời sẽ có thể chiếm hữu được cho mình một chỗ ở trên trời. Và niềm hy vọng đó được củng cố qua tín điều Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Mẹ là phàm nhân đầu tiên được hưởng hồng ân đặc biệt này và sẽ đến một ngày mọi môn đệ của Đức Ki-tô sẽ nối gót Mẹ mà lên trời. Cũng như trong bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô đã nói: “Mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1 Cr 15,23). Quả thật, qua cái chết và sự Phục Sinh, Đức Ki-tô đã “xây” con đường lên trời cho nhân loại, con đường mang tên Ki-tô, và Đức Ma-ri-a được vinh dự là người đầu tiên bước đi trên con đường đó. Để rồi, những người tin vào Đức Ki-tô, tức là những kẻ thuộc về Ngài cũng sẽ bước lên con đường dẫn lên trời mà Ngài đã xây dựng. Đó cũng chính là điều mà Hội Thánh đã tuyên tín: Cuộc lên trời của Đức Trinh Nữ rất thánh là sự tham dự độc nhất vô nhị vào mầu nhiệm Phục sinh của Con mình và là việc thể hiện trước sự phục sinh của các Ki-tô hữu khác. (SGLHTCG số 966)

Mặt khác, cuộc lên trời của Mẹ còn là một biểu tượng của niềm hy vọng và niềm an ủi, đặc biệt giữa một thế giới đang bị xâu xé bởi chiến tranh và bất hạnh. Thật vậy, nhìn vào thực trạng hiện nay, chúng ta thấy được những khổ đau mà con người đang phải gánh chịu: chiến tranh, dịch bệnh, đói kém… tạo nên những tổn thương to lớn cho con người. Sống trong tình cảnh đó, nhiều người không còn tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời, cũng như mất đi niềm hy vọng về một cuộc sống mai hậu. Họ không còn thấy Chúa và không còn thấy nhau, họ chỉ thấy một màu đen của đau khổ và tuyệt vọng. Do đó, trách nhiệm của người Ki-tô hữu là phải thắp lên niềm hy vọng cho những con người này. Bởi, Ki-tô hữu luôn có niềm tin rằng sự sống không kết thúc nơi cái chết của thân xác, nhưng phía sau sự đau khổ của cái chết, là sự vinh quang rạng ngời đang chờ đón con người, và Đức Mẹ là người đang được hưởng vinh quang đó.

Mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời hôm nay, chúng ta luôn tin tưởng rằng, Mẹ đang hưởng vinh phúc trên trời và Mẹ vẫn không ngừng chuyển cầu cho con cái của Mẹ ở dưới thế. Vì vậy, chúng ta, những người con của Mẹ, hãy không ngừng chạy đến cùng Mẹ, để nhờ lời Mẹ chuyển cầu, chúng ta có thể đạt được những ơn ích mà chúng ta vẫn hằng mong đợi. Đó là được chết lành trong tay Đức Mẹ và được ân thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng. Amen.


 

ĐỨC MARIA – NGƯỜI PHỤ NỮ DIỄM PHÚC (Tu sĩ G. B. Trần Anh Tuấn, SVD)

Ngày “thế giới truyền giáo” 18/10/2020, hãng tin Fides đã công bố bản thống kê về Giáo Hội Công Giáo tính đến ngày 31/12/2018 như sau: tổng dân số thế giới gần 7,5 tỷ người, trong đó tổng số tín hữu Công Giáo hơn 1,3 tỷ người, chiếm 17,73%.[1] Giả như ta làm một phép tính, mỗi ngày các tín hữu Công Giáo đọc mỗi người một chuỗi Mân Côi (50 Kinh Kính mừng) thì ta được một con số không hề nhỏ (1,3 tỷ x 50 = 65 tỷ Kinh Kính Mừng) và trong một năm ta sẽ được 23,725 tỷ Kinh Kính Mừng. Có thể nói, nếu thực hiện được như vậy thì quả thật đây là một con số cực kỳ lớn và có thể chiếm kỷ lục về một lời kinh ngắn nhưng lại có số lượng người đọc nhiều nhất. Nói như vậy không phải việc đọc kinh là để “chạy đua” về “thành tích”, cũng chẳng phải để lấy “doanh số”. Bởi đọc kinh là việc đạo đức, xuất phát từ chính con tim của mỗi người, đồng thời là để tôn kính và cầu nguyện với Đức Mẹ. Vậy do đâu mà lời Kinh Kính Mừng lại được nhiều người yêu thích như thế? Một câu trả lời đơn giản rằng: vì đây là lời kinh kết hợp giữa lời chào của thiên thần Gáprien (x. Lc 1, 28) và lời đáp từ của bà Êlisabét khi được Đức Mẹ đến viếng thăm (x. Lc 1, 42). Thật vậy, đây là lời ca ngợi mà mọi người dành để tôn vinh Đức Mẹ. Lời ca ngợi ấy được mọi dân, mọi nước, mọi thế hệ tung hô mỗi ngày và ca khen Mẹ là “người diễm phúc” (x. Lc 1, 48). Mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời hôm nay, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm diễm phúc mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ.

Trước hết, Đức Mẹ được vinh dự là “Đấng đầy ân sủng” (Lc 1, 28). Tin Mừng Luca thuật lại việc thiên thần Gáprien truyền tin cho Đức Mẹ với lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28), nghe lời chào ấy, Đức Mẹ đã “bối rối” và tự hỏi “lời chào như vậy có ý nghĩa gì?” Quả thế, giữa một nền văn hóa Do Thái thời ấy, người phụ nữ được cho là thấp kém, là công dân “hạng hai”, là người không có “tiếng nói” trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Bên cạnh đó, người phụ nữ cũng không có tầm ảnh hưởng hay vinh dự nào trước xã hội cũng như tôn giáo. Vì thế, khi nghe lời chào của thiên thần, Đức Mẹ thực sự bối rối và khó hiểu. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Ngài muốn chọn Đức Maria là người phụ nữ để cộng tác vào công trình cứu độ. Bởi thế, Đức Mẹ được bao phủ bởi ân sủng và quyền năng của Thiên Chúa (x. Lc 1, 35), được Chúa ở cùng và giữ gìn trước tội nguyên tổ cũng như giữ tâm hồn của Mẹ luôn thanh khiết.

Thứ đến, Đức Mẹ là người “được chúc phúc” (x. Lc 1, 42) và là người “có phúc vì đã tin” (x. Lc 1, 45). Bà Êlisabét đã không do dự trước lời đáp từ của mình trước Đức Mẹ, bà ca tụng rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”. Thật vậy, chính bản thân của bà chị họ không thể nào nhận ra được điều đó, nhưng nhờ ơn Thánh Thần, bà đã lớn tiếng ca khen Đức Mẹ là người “được chúc phúc”. Quả thế, Đức Maria không còn ngạc nhiên về lời ca khen ấy nữa mà Mẹ còn tiên báo trong lời ca Manificát rằng: “Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 48). Bởi Mẹ biết rằng, chính Mẹ đã được Thiên Chúa thi ân giáng phúc, và ơn phúc ấy sẽ được mọi người truyền tụng qua muôn thế hệ. Nhờ đâu mà Mẹ được như thế? Nhờ Mẹ tin vào Chúa khi sẵn sàng thưa hai tiếng “xin vâng”. Nhờ Mẹ tin vào Chúa khi sẵn sàng để cho Chúa thực hiện như những gì Người nói. Mẹ đã thể hiện một niềm tin tuyệt đối trong sự khiêm nhường, lắng nghe và thực thi thánh ý Chúa (x. Lc 11, 27-28). Vì vậy mà Mẹ được diễm phúc làm mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể (x. Lc 1, 31), được Chúa gìn giữ đồng trinh trọn đời, được bảo vệ khỏi tội tông truyền và được rước lên trời cả hồn lẫn xác.

Thứ ba, Đức Mẹ là người diễm phúc vì được ân thưởng lên trời cả hồn lẫn xác. Kinh Thánh không nhắc đến sự kiện này, nhưng sách Khải Huyền hôm nay mạc khải cho chúng ta về điều đó khi nói rằng: “Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở” (Kh 12, 6). Quả thế, người phụ nữ trong sách Khải Huyền được ám chỉ là Đức Maria. Người phụ nữ ấy oai hùng rực rỡ “mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12, 1). Sách Khải Huyền còn nói tiếp: “Bà sinh được một con trai, Đấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân. Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người, còn Bà thì được Thiên Chúa dọn sẵn cho một chỗ ở” (Kh 12, 5-6). Thật vậy, từ muôn đời, Thiên Chúa đã chọn Đức Trinh Nữ Maria làm Mẹ của Đấng Cứu Thế, đồng thời giữ gìn Mẹ khỏi tội tông truyền. Do đó, việc ban cho Mẹ đặc ân lên trời cả hồn lẫn xác cũng là điều tất yếu. Khác với người phụ nữ đầu tiên trong sách Sáng Thế là Evà bị con rắn cám dỗ, bất tuân lệnh Chúa, đã đưa nhân loại vào sự chết và đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng (x. St 3, 24); thì hôm nay, người phụ nữ thứ hai (ám chỉ Đức Maria) với lời thưa “xin vâng” để thực thi thánh ý của Thiên Chúa, đã được Người ban cho sự sống và dẫn vào nơi được dọn sẵn.

Thật vậy, việc Thiên Chúa dọn sẵn cho con người một “chỗ ở” đã được Đức Giêsu tiên báo trước khi giã từ các môn đệ: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14, 2-3). Đức Giêsu đã lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, Ngài đã dọn sẵn chỗ, và người đầu tiên không ai khác được diễm phúc lên trời cả hồn lẫn xác chính là Đức Maria – Mẹ của Ngài. Như lời khẳng định của Đức Giáo Hoàng Piô XII trong Tông Hiến Munificentissimus Deus rằng: “Bởi lẽ Đấng Cứu Chuộc chúng ta là Con của Đức Maria, mà Người là Đấng tuân thủ Luật của Thiên Chúa một cách hoàn hảo, cho nên Người không thể không tôn vinh Đấng là Cha vĩnh cửu mà cả Đấng là Mẹ yêu dấu của Người”.[2] Nói như thế để chúng ta xác quyết rằng: Đức Maria xứng đáng được rước lên trời với Con chí ái của Mẹ. Bởi vì, nơi Đức Mẹ có ân sủng của Thiên Chúa, đồng thời Thiên Chúa cũng thể hiện quyền năng của Người như lời thiên thần Gáprien đã nói: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Do đó, việc giữ gìn thân xác của Đức Mẹ được nguyên tuyền và ban cho Mẹ đặc ân lên trời cả hồn lẫn xác là phần thưởng cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Cũng vì lẽ ấy, Giáo Hội đã long trọng tuyên tín một cách mạnh mẽ rằng: “Đức Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa, Đức Maria trọn đời đồng trinh, sau khi đã hoàn tất hành trình sinh sống nơi trần thế đã được rước cả hồn lẫn xác lên cõi vinh quang trên trời”[3]. Và như thế, Đức Mẹ là một thụ tạo đầu tiên được hưởng vinh phúc trên trời cả hồn lẫn xác. Sự kiện này đã trở thành niềm hy vọng cho toàn thể nhân loại, hy vọng vào một cuộc sống viên mãn trên trời với Thiên Chúa.

Mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời hôm nay, chúng ta không chỉ nhìn ngắm Đức Mẹ là người phụ nữ diễm phúc, mà còn nhìn ngắm các nhân đức của Mẹ. Bên cạnh đó, chúng ta tin tưởng và hy vọng về một cuộc sống mới vĩnh hằng mà ở đó, Mẹ đã được ân thưởng. Thật vậy, việc Đức Mẹ được rước lên trời là niềm an ủi cho mỗi người chúng ta. Một mặt, chúng ta được Mẹ nâng đỡ, chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa; mặt khác, chúng ta có niềm tín thác, hy vọng để nhờ Mẹ, chúng ta cũng được ở với Người. Vì thế, chúng ta hãy siêng năng chạy đến cùng Đức Mẹ, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Qua đó, tạ ơn Mẹ khi chúng ta được bình an và hạnh phúc, cầu khẩn Mẹ khi chúng ta gặp gian nan, thử thách. Cuối cùng, chúng ta chúc khen Mẹ là Đấng đầy ơn phúc, là Đấng được Thiên Chúa ở cùng, là Đấng có phúc hơn mọi người phụ nữ. Những lời ấy được thể hiện trong Kinh Kính Mừng mà chúng ta đọc hàng ngày. Để nhờ đó, xin Đức Mẹ chuyển cầu cho chúng ta là những người tội lỗi đang phải khó nhọc trên hành trình về quê trời.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã được ân thưởng nước trời cả hồn lẫn xác, xin Mẹ giúp chúng con sống tin tưởng, phó thác và vâng theo thánh ý của Chúa, để nhờ đó mai sau chúng con cũng được ân thưởng với Mẹ trên quê trời. Amen.

Chú thích:

[1] http://www.fides.org/en/stats/68840-VATICAN_CATHOLIC_CHURCH_STATISTICS_2020

[2] Tông hiến Munificentissimus Deus, trích trong Denzingger, Nguyễn Văn Hòa chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2019), 1149.

[3] Ibid.


 

PHÚC CHO NGƯỜI LẮNG NGHE LỜI CHÚA (Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD)

Ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Thánh Cha Piô X đã long trọng định tín Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, vì ngay từ đầu Mẹ đã được Chúa cho khỏi mắc tội Tổ tông, được Chúa chọn làm Mẹ của con Thiên Chúa. Đức Maria một tác phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa đã viết lên trên trang sử của nhân loại, muôn đời Mẹ được khen là người có phúc vì đã lắng nghe Lời Thiên Chúa và làm theo ý của Ngài.

Thật vậy, sách Khải Huyền cho biết điềm lạ xuất hiện trên trời từ thị kiến của thánh Gioan, điềm lạ ấy nói về một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Với hình ảnh này, thánh Gioan cho thấy có một người nữ được Thiên Chúa ban cho đặc ân cao quý là được Thiên Chúa bao bọc và trở che khỏi ác thần là nhờ vào công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô con Thiên Chúa. Theo như thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tính hữu Côrintô, thì nguyên nhân người nữ ấy được đặc ân đó là bởi vì người nữ ấy thuộc về Đức Kitô: “mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1 Cr 15,23). Theo truyền thống của Giáo Hội thì hình ảnh người nữ ấy chính là Mẹ Maria.

Tin Mừng Thánh Luca thuật lại, sau khi nghe Sứ Thần truyền tin, Mẹ đã vội vã ra đi, đến với người chị họ của mình là bà Êlisabét, đang mang thai được sáu tháng trong lúc tuổi đã cao. Mẹ ra đi là từ bỏ chính mình, là xóa mình đi, là từ bỏ nhu cầu, bỏ cái tôi của mình và đặt nhu cầu của người khác lên trên. Từ những thông tin mờ nhạt của buổi truyền tin, Mẹ đã nhạy cảm với nhu cầu của người khác, nhạy cảm với hoàn cảnh của người khác, để rồi Mẹ vội vã ra đi, mà không lo tính cho chính mình trước những nhu cầu của sứ vụ mà Sứ Thần vừa loan báo. Thánh Luca kể lại rằng: “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên vui sướng” (Lc 1,41). Lời chào của Mẹ Maria làm cho đứa con bà Êlisabét nhảy mừng, ngay khi Mẹ Maria bước vào, đã mang lại cho vị ngôn sứ chưa ra đời niềm vui mà Cựu Ước nói trước như là một dấu chỉ sự hiện diện của Đấng Messia. Khi Mẹ Maria chào mừng, niềm vui cứu thế đến với bà Êlisabét vì “bà được tràn đầy Chúa Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, vì người Con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,41-42).

Trình thuật thăm viếng của Tin Mừng hôm nay cũng vén mở cho chúng ta thấy lời tạ ơn của Mẹ Maria qua lời ngợi khen Magnificat đầy niềm tin và hy vọng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,47). Chỉ có niềm vui hớn hở mới làm cho Mẹ Maria mạnh dạn giới thiệu cho nhân loại một Đức Kitô sống động. Lời ngợi khen ấy dường như là kinh nghiệm của Mẹ về tình thương Thiên Chúa, Đấng đã thương nhìn đến phận nữ tỳ hèn mọn, đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả, được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa. Người nữ tỳ khiêm hạ đã nhận ra lòng nhân hậu và tình thương Chúa luôn ấp ủ những kẻ nghèo hèn hết lòng kính sợ Người. Chúa Giêsu cho người ta biết lý do nền tảng vì sao Mẹ Maria là người có phúc, đó là vì Mẹ lắng nghe Lời Thiên Chúa và làm theo ý của Ngài. Việc cưu mang và nuôi dưỡng Chúa là kết quả của việc lắng nghe và làm theo ý Thiên Chúa: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm. Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa (Lc 11, 27-28).

Qua cuộc đời Mẹ Maria, chúng ta thấy rõ lý do và nguồn mạch của hạnh phúc thực là Thiên Chúa chứ không phải thành công, giàu có, hay quen biết được những bạn bè quyền thế. Hạnh phúc thực sự trong tâm hồn là kết quả của Đức Tin. Với lời đáp xin vâng, Mẹ Maria đã để cho Thiên Chúa hoạt động trong Mẹ và đổ đầy tràn tất cả trên cuộc đời của Mẹ bằng chính cuộc sống thần linh của Chúa. Mẹ Maria là người hạnh phúc, sung sướng vì Mẹ đầy ơn phúc được bao bọc bằng chính sức mạnh của Thiên Chúa, được thấm nhuần bằng chính hơi thở thần linh là Chúa Thánh Thần, Thánh Thần của tình yêu.

Nơi Mẹ Maria, cuộc sống hạnh phúc tăng triển theo nhịp độ của hành trình đức tin. Đó là cuộc hành trình để cho Chúa hướng dẫn: làm điều Chúa muốn, đến nơi Chúa gởi đi. Đây là cuộc hành trình vươn lên để thắng vượt chính mình và do đó có thể gây ra nhiều đau đớn, nhưng cũng chính qua những đau đớn đó mới tìm được những nguồn vui đích thực. Mẹ Maria quả thật là người có phúc, với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa Mẹ đã kín múc nguồn vui đích thực và Mẹ mãi là chứng nhân của Tin Mừng, chứng nhân của niềm vui đến từ Thiên Chúa cho chúng ta dõi bước noi theo. Nhìn lại đời sống của chúng ta, ta thấy còn nhiều khiếm khuyết, ngày ngày qua đi mà lòng mến chúng ta dành cho Chúa, cho Mẹ chẳng được bao nhiêu. Ngày lại ngày, có khi là công việc học tập, có khi là công việc làm ăn, có khi là sự phán xét người khác ẩn kín trong lòng đã lấp đầy và chiếm trọn chúng ta. Chúng ta chỉ biết đóng mà không biết mở cho Chúa. Xin Mẹ giúp chúng ta biết nhìn lên Mẹ để học tập nhân đức của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, trong thế giới hôm nay, đặc biệt đại dịch Covid 19 có nhiều người sống trong lo âu sợ sệt. Tình trạng này nói lên nhu cầu cần thiết cần có các chứng nhân của niềm vui. Trong hành trình trở thành tông đồ của niềm vui, chúng con cần ngước mắt nhìn lên Mẹ và tìm nơi Mẹ ánh sáng soi đường chỉ lối để chúng con biết được đâu là nguồn mạch và đường đi dẫn đến hạnh phúc chân thật từ Thiên Chúa, để chúng con có thể là chứng nhân của Tin Mừng, chứng nhân của niềm vui đến từ Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết tìm lại được niềm vui, lòng hăng say để loan báo và chia sẻ Tin Mừng như một tin vui cho mọi người. Xin cho chúng con luôn biết noi gương Mẹ làm điều Chúa muốn, đến nơi Chúa gởi đi và xin Mẹ giúp chúng con luôn biết cậy dựa hoàn toàn vào Thiên Chúa hằng sống và tin vào Lời của Chúa giữa những gian truân thử thách trong cuộc sống hàng ngày. Amen.


 

NIỀM VUI CÓ CHÚA Ở CÙNG (Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD)

Hôm nay Giáo Hội mừng kính một trong bốn đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Maria của chúng ta, đó là đặc ân “hồn xác về trời”. Chúng ta hãy ngược dòng lịch sử để tìm về nguồn gốc ngày lễ này. Tương truyền vào năm 457, Đức giám mục Giêrusalem đã viết như sau: “Mẹ Maria qua đời, các tông đồ vây quanh. Nhưng rồi sau khi được chôn cất ít lâu, ngôi mộ bỗng được mở ra, các tông đồ nhận ra ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng và rồi các ông đã kết luận Mẹ đã được về trời cả hồn lẫn xác”[1]. Đúng thế! Các nhà thần học đã kết luận rằng Chúa Giêsu đã không muốn thân mẫu của mình phải chịu một giây phút nào dưới quyền lực của Xatan và tội lỗi, nên đã ban cho Mẹ đặc ân vô nhiễm nguyên tội và đặc ân về trời cả hồn lẫn xác. Thiên Chúa ân thưởng Mẹ và triều thần các thánh trên trời chúc tụng Mẹ.

Tâm hồn Đức Maria tràn ngập niềm vui và hạnh phúc vì đã được sứ thần loan báo sẽ cưu mang Đấng Cứu Thế. Và Đức Mẹ đã không giấu được niềm hạnh phúc vì sắp được làm mẹ, mà người con lại chính là Đấng Cứu Thế, Đấng mà muôn dân đang trông đợi. Niềm vui và hạnh phúc đó Mẹ không chỉ muốn giữ cho riêng mình nhưng còn muốn sẻ chia cho người chị họ của mình là Êlisabét. Mẹ đã “vội vã” lên đường. Thánh Luca mô tả thái độ “vội vã” của Mẹ; vội vã ở đây không phải là một sự vội vàng hấp tấp, cũng không phải vì sợ sệt lo lắng; sự vội vàng ở đây thể hiện tâm tình hăng hái, nhiệt tình của Mẹ muốn mau gặp người chị họ Êlisabét để chia sẻ niềm vui của mình với người chị, tuy đã cao niên nhưng vẫn được Thiên Chúa đoái thương cho thụ thai. Sự vội vàng của Mẹ chỉ mong được đồng cảm và chung chia niềm vui với gia đình người chị họ. Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi mỗi người chúng ta cùng chia sẻ với người khác. Ngài nói: “Chúng ta đã nhận ra tình yêu đó đem lại ý nghĩa cho cuộc sống mình làm sao ta có thể không chia sẻ tình yêu ấy cho những người khác”. Đây cũng chính là lời mời gọi chúng ta thể hiện lòng tin của mình như thế nào trong thế giới hôm nay. Chúng ta đã đón nhận biết bao ơn lành mà Thiên Chúa đã ban cho, vậy chúng ta có biết chia sẻ cho những người kém may mắn hơn không? Không phải chỉ là chia sẻ những vật chất thường ngày, mà hơn hết là chia sẻ niềm vui vì được làm con Chúa cho những người chưa có cơ may biết Chúa. Thánh Arnold Janssen, Đấng Sáng Lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời đã nói: “Rao giảng Tin Mừng là động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất”. Trong một xã hội bận rộn với nhiều sự lôi cuốn như ngày nay, việc chia sẻ niềm tin là điều cần thiết và quan trọng với mỗi người tín hữu chúng ta.

Niềm vui đó được diễn tả rõ hơn rằng khi Đức Mẹ cất lời chào thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng bà Êlisabét. Một niềm vui vĩ đại vì được Thiên Chúa ở cùng. Thật vậy, không có niềm vui to lớn nào bằng niềm vui được Thiên Chúa yêu mến và ở cùng. Niềm vui đó đã được Đức Mẹ thể hiện qua bài ca tạ ơn Magnificat. Đây là bài ca tạ ơn tuyệt vời nhất mà chúng ta có dịp đọc long trọng trong các giờ Kinh Chiều. Trong bài ca tạ ơn này, Mẹ đã ca ngợi tình yêu bao la của Thiên Chúa, Đấng đã đoái thương đến phận nữ tỳ hèn mọn. Mẹ luôn ý thức mình chỉ là một nữ tỳ hèn mọn đã được Thiên Chúa đoái thương. Sự khiêm nhường của Mẹ đã làm cho hình ảnh của Mẹ thật cao quý không chỉ trong đời này mà còn kéo dài đến muôn đời. Cả đời Mẹ đã khiêm nhường phục vụ và trở nên một với Đức Kitô; khi được Đức Kitô ngự trị trong cung lòng, Mẹ sẵn sàng chia sẻ niềm vui đó, niềm vui  vì có Chúa ở cùng, cho mọi người xung quanh. Chúng ta có thể thấy trong phần đầu của mỗi Thánh Lễ, vị chủ tế luôn chào cộng đoàn phụng vụ: “Chúa ở cùng anh chị em”. Đây có thể xem là một lời chào đẹp nhất và ý nghĩa nhất. Mỗi lúc nghe vị chủ tế chào như vậy là dịp để giúp chúng ta trở về với nội tâm. Lời chào đó giúp chúng ta tin rằng Chúa luôn cùng đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố; luôn yêu thương và che chở chúng ta. Điều này thôi thúc chúng ta luôn phó thác và cậy dựa vào sự hướng dẫn của Ngài.

Là những người Kitô hữu, chúng ta luôn tin rằng một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ được vào Nước Trời cùng với Mẹ. Chúng ta luôn có Mẹ là một mẫu gương tuyệt vời. Khi còn tại thế, Mẹ cũng là một con người như bao nhiêu người khác. Mẹ hiểu thế nào là đau khổ, thế nào là hạnh phúc, nhưng Mẹ đã can đảm đáp lời “xin vâng” để cùng cộng tác vào chương trình của Chúa. Hơn ai hết, Mẹ đã can đảm bất chấp mọi khó khăn thử thách để cùng cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Ngày nay Giáo Hội cũng mời gọi mỗi người tín hữu chúng ta cách này hay cách khác cùng cộng tác trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khiến chúng ta chùn bước trước những lời mời gọi của Thiên Chúa. Những điều có thể làm chúng ta chùn bước như quyền lực của thế gian, những cám dỗ, những lười biếng hay sự tự ti của bản thân, thấy mình nhỏ bé không thể đóng góp gì cho Giáo Hội. Thái độ “xin vâng” là cách đáp trả lời mời gọi của Chúa một cách tuyệt vời nhất. Ước mong rằng mỗi người chúng ta, tuy có khác nhau về hoàn cảnh nhưng luôn sẵn sàng đáp trả “xin vâng” để có thể trở thành khí cụ trong tay Chúa.

Hôm nay chúng ta học được nơi Đức Mẹ thật nhiều bài học hay. Xin Chúa Giêsu cho chúng ta luôn can đảm đáp lời “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Xin Ngài luôn ở cùng với chúng ta trong mọi cảnh huống của cuộc đời và hướng dẫn chúng ta trở nên những khí cụ trong tay Chúa, không phải là những khí cụ to lớn, nhưng là những khí cụ vừa vặn trong tay Chúa.

[1] X. Bài suy niệm lễ Đức Mẹ lên trời.  http://www.tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20180814/12059. Truy cập ngày 18/11/2018.


 

ĐỨC MARIA LÊN TRỜI LÀ MẸ CHÚNG TA (Lm. Antôn Võ Công Ánh, SVD)

  1. Đức Maria, con người hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.

Vào giây phút linh thiêng và long trọng nhất của mầu nhiệm hy tế, đứng dưới chân thập giá của Đức Giêsu, có thân mẫu Người (x. Ga 19,25).

Đó là giờ trọng đại cao cả của Đức Giêsu mà nhiều lần Người đã loan báo. Đó chính là giờ mà quyền năng cứu độ của Thiên Chúa thực hiện để đánh bại Satan và những gì thuộc quyền lực của thế gian. Đây là thời điểm tỏa sáng ứng nghiệm điều đã được tiên báo trong Tiền Tin Mừng (Protoevargelium của sách Sáng Thế 3,15).[1] Cũng chính giờ phút này cộng đoàn Hội Thánh được thiết lập như dấu chỉ và phương thế cứu rỗi nhân loại.

Chính trong thời khắc tột đỉnh long trọng của “Giờ” đó, bên cạnh cây thập giá, Đức Maria đang hiện diện cùng Đức Giêsu Kitô, Con-Chiên-Xóa-Bỏ-Tội-Trần-Gian, trong một trạng  thái  hiệp nhất trọn vẹn cả thể xác lẫn tâm hồn và  tình

yêu. Không gian cõi lòng Mẹ vang vọng tiếng “xin vâng” bằng cả con tim đang bị lưỡi gươm đâm thâu (Lc 2, 35).

Khung cảnh này gợi nhớ về trình thuật trong sách Sáng Thế 3,1-15 nơi một cặp nam nữ, Adam và Eva đang đứng bên cạnh cái cây ở giữa vườn, rồi gục ngã trong tội bất tuân.

  1. Đức Maria, Eva Mới và là Đấng Đầy Ơn Phúc

Trong mầu nhiệm cứu độ, chỗ đứng của Đức Maria là bên thập giá Con Mình. Cây thập giá là hậu quả của tội lỗi đưa đến khổ hình, Đức Giêsu Kitô là Đấng vô tội đã tự nguyện đóng đinh trên đó, để thánh giá trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại đến muôn đời.

Như Eva đã liên kết với Ađam trong tội lỗi, Đức Maria, suốt cuộc đời lắng nghe lời Thiên Chúa và vâng phục thẳm sâu, đã hiệp thông trọn vẹn với Ađam Mới là Đức Kitô trong sự chiến thắng sự chết và được tham dự vào vinh quang Phục Sinh với Con Mình (x. 1 Cr 5).

Tông hiến Munificentissimus Deus tuyên bố tín điều Đức Maria Hồn Xác về trời, không phải dựa trên những dữ kiện lịch sử còn sót lại, mà là một tiến trình khám phá của lý trí tựa trên ánh sáng đức tin, được soi chiếu bởi Kinh Thánh qua niềm tin tỏa chiếu mạnh mẽ trong truyền thống Hội Thánh.

Trước hết cần nhận ra rằng, đặc ân cao cả được cất lên trời cả hồn lẫn xác của Mẹ Maria là một hồng ân do lòng ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa dành cho Mẹ, như là một nối kết vinh quang trong chuỗi hồng ân trọn vẹn mà Thiên Chúa sai sứ thần đến chào “ Mẹ đầy ơn phúc” (Lc 1,28).

Đức Kitô là Adam mới đã chiến thắng tội lỗi và phá tan ách  tử  thần (Rm 5-6; 1 Cr 15,21-26. 54-57). Nhờ  vậy,  Mẹ

Maria, là Eva Mới đã hiệp thông với Con Mình một cách hoàn hảo nên cũng được tham dự vào cuộc chiến thắng trên tội lỗi và khải hoàn vào thiên quốc cả hồn lẫn xác.[2]

Tin Mừng Luca đã dọi sáng cho các giáo phụ nhìn thấy Mẹ Maria như là Hòm Bia Giao Ước và Nhà Tạm của Đấng Tối Cao, nên Mẹ cũng mang lấy sự thánh thiện và bất khả vi phạm của Hòm Bia (x. Tv 131,8; Is 60,13). Đức Maria cũng chính là Hoàng Hậu, Thân mẫu của Đức Vua muôn thuở ngự bên ngai vua, tức là bên cạnh Chúa Cứu Thế vinh quang (Tv 44, 10-16).[3]

  1. Cảm Nếm

Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là hoa trái sinh ra từ cuộc Phục Sinh khải hoàn của Đức Kitô. Mẹ đã khiêm hạ đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa và đã hiến dâng đáp trả trọn vẹn bằng sự hiệp thông cả tâm hồn và thân xác với Con Mình là Đức Kitô trong cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết. Tình yêu Thiên Chúa đã cư ngụ dồi dào và đã biến đổi cả linh hồn và thân xác Mẹ, gìn giữ cả thân xác Mẹ không bị tan rữa trong bụi đất.

Đức Giêsu Kitô sống lại và lên trời (ascensio) là do tự quyền năng thần tính của Ngài, còn Đức Maria được sống lại và lên trời cả hồn lẫn xác (assumptio) là nhờ được lãnh nhận bởi ơn cứu độ của Đức Kitô.

Đức Maria Lên Trời là dấu chỉ hy vọng lớn lao cho những người tin vào Đức Kitô một ngày kia sẽ lãnh nhận ơn trọng  đại  này. Bên  cạnh  đó, người  tin  còn  nhận  ra  Đức

Maria trong vinh quang của  Thiên Chúa cũng chính là Nữ Vương, là Mẹ nhân loại “Này là Mẹ con” (Ga 19,27), là Mẹ của mỗi người chúng ta. Niềm vinh hạnh đó dẫn đưa chúng ta vào sống thân mật thâm sâu trong tình yêu trọn vẹn của Chúa Ba Ngôi và Mẹ Maria, Đấng đẹp lòng Thiên Chúa một cách hoàn hảo. Tình yêu đó sẽ biến đổi cuộc sống hiện tại của chúng ta ngay ở đây và bây giờ.

[1] “ThiênChúaphánvới con rắn,kẻcámdỗngườinữ: “Ta sẽgâymốithùgiữa mi vàngườiđànbà, giữadònggiống mi vàdònggiốngngườiấy, dònggiốngđósẽđánhvàođầu mi, và mi sẽcắnvàogótchânngườiđó”.

[2] xc. PhanTấnThành, VầngTrăngTuyệtVời, tr 120-121.

[3] xc. PhanTấnThành, Sđd,  tr 121.

Bài trướcAI TÍN: Bà Cố Maria Vũ Thị Hồng (Thân mẫu Thầy Phó tế Phêrô Vũ Quốc Dũng, SVD)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (15/8, Đức Mẹ Lên Trời, Lễ trọng)