PHÉP LẠ (CHÚA NHẬT XVII TN-B)

0
404

Bài đọc 1: 2V 4,42-44; Bài đọc 2: Ep 4,1-6

Tin Mừng: Ga 6,1-15

Sau đó, Đức Giêsu sang bên kia  Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Philípphê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, […]


 

Lm. Giuse Nguyễn Gia Hoàng, SVD

BÀI GIẢNG

Trong giờ thí nghiệm môn hóa, thầy giáo cho học sinh thấy sự kỳ diệu khi kết hợp các chất. Ông ta có thể làm ra nhiều hỗn hợp với nhiều màu sắc khác nhau: xanh, đỏ, tím, vàng … Vị thầy giáo rất đắc chí với những thành công của mình trước sự ngỡ ngàng và thán phục của học trò. Đang cao hứng, thầy giáo nói:

Phép lạ ông Giêsu làm được kể lại trong Kinh Thánh cũng chẳng khác gì thí nghiệm các em vừa thấy thầy làm.

Nghe vậy, một cậu học sinh giơ tay ý kiến:

Thưa thầy, Chúa Giêsu đã làm phép lạ để cho ngươi khác ăn và uống, vậy thầy có thể uống những thứ thầy vừa làm ra hay không?

Thầy giáo bối rối trước thách đố hóc búa của học trò và ông tìm cách lãng tránh sang vấn đề khác.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe phép lạ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi năm ngàn người ăn. Phép lạ không chỉ thể hiện quyền năng của Chúa nhưng còn tỏ cho chúng ta thấy tình yêu thương của Ngài. Ngài làm phép lạ, ban cho dân chúng của ăn để thỏa mãn cấp thời cơn đói khát phần xác và cũng ban cho họ lương thực phần hồn là những lời dạy dỗ của Ngài. Thiên Chúa luôn quan tâm đến con người. Ngài không bỏ rơi ai cho dù chúng ta quay lưng với Ngài, như Đức Giêsu đã nói: “Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Phép lạ của tiên tri Êlisa trong bài đọc một cũng nói lên điều đó.

Phép lạ hoá bánh ra nhiều không chỉ làm thoả mãn cơn đói khát vật chất của đám dân chúng mà còn đem lại nhiều bài học thiết thực cho cuộc sống hằng ngày của Kitô hữu.

Thứ nhất, Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự theo ý Ngài, nhưng Ngài lại muốn chúng ta cộng tác vào công trình của Ngài. Ngài có thể biến đá thành cơm bánh, nhưng Ngài vẫn đón nhận năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Ngài kêu gọi chúng ta hãy cộng tác với Ngài trong việc phục vụ con người. Tuy việc cộng tác của chúng ta chỉ nhỏ nhoi như năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng với ngần ấy thứ, Ngài làm nên một phép lạ lớn lao: nuôi sống năm ngàn người đàn ông ăn no nê, còn thu lượm được mười hai thúng đầy bánh vụn.

Ngoài ra, Ngài còn dạy chúng ta phải biết chia sẻ cho nhau những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần, bởi vì tất cả những gì chúng ta có đều là hồng ân Chúa ban, chúng ta đừng giữ lấy cho riêng mình.

Năm 1634, thánh Vinh Sơn họp một số các bà đạo đức để cùng nhau sống đức ái như lời Chúa dạy. Họ ngồi lại với nhau bàn cãi để tìm phương cách hành động. Tuy nhiên, sau nhiều buổi họp bàn sôi nổi mà chẳng đi đến kết quả cụ thể nào. Một hôm, trong lúc họ đang hội họp, thì thánh Vinh Sơn từ bên ngoài buớc vào phòng, trên tay mang theo một vật gói trong khăn vải. Ngài đặt chiếc khăn xuống giữa bàn họp. Thì ra đó là một bé gái mới sinh, bị bỏ rơi bên cạnh đống rác công cộng, mà ngài mới lượm được. Thánh nhân nói: “Các bà muốn làm việc bác ái thì không cần nói nhiều nữa mà hãy làm việc cụ thể. Các bà hãy bắt tay mà làm ngay!”.

Một điểm quan trọng khác là Đức Giêsu khuyên chúng ta phải chú trọng đến của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn là Lời Chúa và Thánh Thể. Nhu cầu thiêng liêng phải vượt lên trên nhu cầu vật chất: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.

Sau cùng, cần phải tiết kiệm những của Chúa ban. Người Việt chúng ta có câu nói rất hay: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Thế giới văn minh ngày nay vẫn còn là một thế giới đói nghèo, vì phần lớn của cải trên trái đất này đang nằm trong tay số rất ít những người giàu sang phú quí. Tình trạng “kẻ ăn không hết người lần không ra” vẫn mãi tồn tại. Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo để người nghèo cũng có thể được hưởng quyền lợi như họ là con người luôn là một vấn đề cấp thiết.

Đói khát và dư thừa, thiếu thốn và phung phí là hai trạng thái trái ngược đang tồn tại trên thế giới. Đức Giêsu bảo các môn đệ đi thu lượm những miếng bánh thừa ấy là Ngài dạy cho mọi người biết tiết kiệm. Tiết kiệm là biết trân trọng những cái Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức rằng của cải trên thế giới là của chung. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn.

Trong lời bài hát Một Trái Tim Một Quê Hương nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu đã viết: “Lúc em ra chào đời mẹ cho một trái tim để yêu …”, lời mời gọi yêu thương luôn thúc bách mỗi chúng ta biết sống cho đi, sống vì tha nhân, muốn như vậy, chúng ta cần phải trau dồi cho cuộc sống của mình. Không chỉ trau dồi về tri thức, tiền bạc nhưng cả về đời sống thiêng liêng nữa. Bởi vì chỉ khi chúng ta có chúng ta mới có thể cho.

Ngày nay, chúng ta không được thấy Đức Giêsu làm phép là cách nhãn tiền, nhưng chúng ta hãy cầu xin Chúa qua những biến cố trong cuộc sống hằng ngày cho chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa để chúng ta ca ngợi, tôn vinh Ngài qua tình yêu thương và chia sẻ với anh chị em chung quanh. Amen.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng CN XVII TN – B (Ga 6,1-15)
Bài tiếp theoArnoldus Nota tháng 7/2021: 3 năm sau TỔNG TU NGHỊ XVIII