NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THẬT CỦA ĐẤNG KITÔ (12/9, Chúa Nhật XXIV TN-B)

0
258
Photo: blessedmart.com

Bài đọc 1: Is 50,5-9a Bài đọc 2: Gc 2,14-18

Tin Mừng: Mc 8,27-35

27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” 28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” 29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” 30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. 32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

—o0o—

Bài giảng của linh mục GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD

Đoạn Tin Mừng Máccô hôm nay như là bản lề, đánh dấu nửa chặng đường sứ vụ của Chúa Giêsu cùng với các môn đệ, trong đó các môn đệ buộc phải bày tỏ nhận thức và xác tín của các ông về căn tính của Đức Giêsu: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29a). Vậy, Đức Giêsu thật sự là ai trong nhận thức của các môn đệ? Và thế nào là người môn đệ đích thật của Đấng Kitô?

  1. Chân Dung Đấng Kitô Trong Mắt Các Môn Đệ

Trước hết, câu trả lời của thánh Phêrô, đại diện cho các môn đệ, cho thấy nhận thức của các ông không giống với nhận thức của đám đông dân chúng. Trong mắt các ông, Chúa Giêsu không phải là Gioan Tẩy Giả, cũng không phải là Êlia hay một ngôn sứ nào đó, nghĩa là những người được xem như sứ giả của Thiên Chúa đến để loan báo về một Đấng Mêsia sẽ đến. Câu tuyên tín của thánh Phêrô, “Thầy là Đấng Kitô” (8,29) xác quyết Chúa Giêsu không phải là sứ giả dọn đường mà chính là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và sai đến. Đây thật là lời xác quyết chính xác về vai trò thật sự của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, khi nghe Chúa Giêsu hé lộ về sứ mạng thật sự của Đấng Kitô là phải trải qua đau khổ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại, thì phản ứng của thánh Phêrô là can ngăn và khước từ. Điều này cho thấy rằng dù các môn đệ xác tín Đức Giêsu là Đấng Kitô nhưng lúc này các ông vẫn chưa hiểu đúng về vai trò của Người (8,32). Các ông chỉ nhận thức và chờ đợi một Đấng Kitô mang tính chính trị, có nhiệm vụ giải phóng dân tộc và giành lại nền độc lập từ tay ngoại bang. Các ông mong chờ một Đấng Kitô dùng quyền năng để khuất phục kẻ thù và mang lại sự tự do và thịnh vượng cho dân tộc, một Đấng Kitô có thể mang lại quyền hành và lợi lộc trần thế cho các ông.

Như vậy, các môn đệ chỉ tuyên tín vào một Đấng Kitô theo mong muốn của các ông, đáp ứng đòi hỏi của các ông, đi theo con đường mà các ông chờ đợi. Đó là cám dỗ mà chính Chúa Giêsu cũng đã từng trải qua. Quả vậy, ngay từ khi bước vào sứ vụ công khai, Chúa Giêsu cũng đã chịu sự cám dỗ của Xatan trong hoang địa và đã chiến thắng để chọn con đường cứu độ khiêm hạ, đón nhận thập giá đầy đau thương và thử thách theo ý Thiên Chúa hơn là chấp nhận thoả hiệp với Xatan để đi con đường của quyền uy, vinh hoa và lợi lộc trần thế. Giờ đây, việc ông Phêrô kéo riêng ra và can ngăn Chúa Giêsu thực hiện sứ mạng của mình gợi nhớ lại hình ảnh cám dỗ của Xatan (8,33). Thay vì làm một môn đệ đi theo con đường cứu độ của Đức Giêsu (x. Mc 1,17.20; 8,34), ông Phêrô lại đóng vai Xatan, kẻ cám dỗ Đức Giêsu đi vào con đường khác với thánh ý của Thiên Chúa dành cho Người.

  1. Đấng Kitô Đích Thật Và Con Đường Đúng Đắn Của Người Môn Đệ

Đấng Kitô là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và sai đi để thi hành thánh ý Chúa Cha, trong đó có cả việc chấp nhận đau khổ của thập giá và cái chết. Một Đấng Kitô không qua khổ giá và cái chết để hoàn tất sứ mạng cứu độ thì không phải là Đấng Kitô theo ý định của Thiên Chúa, mà chỉ là một Đấng Kitô theo ý của loài người (8,33b). Người môn đệ không “vác thập giá mà theo Thầy”, không dám hy sinh đến nỗi mất cả mạng sống vì Thầy và vì Tin Mừng, thì không phải là người môn đệ đích thật của Đấng Kitô mà họ hằng tuyên tín trên môi miệng. Người môn đệ không đi theo sau Thầy, ngay cả bước vào con đường thập giá cùng Thầy, mà lái Thầy rẽ qua một lối khác theo ý mình thì không phải là môn đệ của Thầy mà là môn đệ của Xatan.

Bài ca thứ ba về người Tôi Trung trong bài đọc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Isaia là một hình mẫu của người môn đệ đích thật.

Trước hết, người Tôi Trung chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp và hành động nơi cuộc đời mình. Thiên Chúa đã mở miệng người Tôi Trung để biết nói năng mà an ủi những người rã rời, kiệt sức (x. Is 50,4a), và mở tai để người Tôi Trung biết lắng nghe giáo huấn của Người (x. Is 50,4b-5a). Dù Thiên Chúa can thiệp vào hai giác quan quan trọng của người Tôi Trung để thi hành sứ vụ của Thiên Chúa, một sứ vụ tiềm ẩn nhiều gian nan và thử thách, nhưng người Tôi Trung hoàn toàn đón nhận mà chẳng hề kêu ca hay phản kháng (x. Is 50,5b). Quả vậy, người Tôi Trung là người để cho Thiên Chúa chiếm hữu và hành động trên đời mình.

Sau nữa, người Tôi Trung đón nhận tất cả những gì xảy đến trong đời mình với tâm tình phó thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa. Người Tôi Trung chấp nhận nhiều hành động sỉ nhục khác nhau cách thanh thản lạ thường (đưa lưng cho đánh đòn, đưa má cho giật râu …) chỉ với một xác tín sâu xa rằng “có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi” (Is 50,7). Ơn phù trợ của Thiên Chúa là động lực và là sức mạnh giúp người Tôi Trung can đảm đón nhận mọi thiệt thòi xảy đến trong đời mình.

Cuối cùng, dù bị tố cáo, kiện tụng, người Tôi Trung không hề lo sợ vì xác tín rằng Thiên Chúa luôn ở với mình để bảo vệ. Công lý của người Tôi Trung hoàn toàn nằm trong tay Thiên Chúa. Một khi được Thiên Chúa kể là công chính thì người Tôi Trung không những không sợ bất cứ người nào, mà còn thách thức bất kỳ ai muốn kiện tụng mình: “Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?” (Is 50,9).

Như vậy, Người Tôi Trung để cho Thiên Chúa chiếm hữu và hành động trên đời mình, đồng thời tin tưởng và phó thác vào sự phù trợ của Thiên Chúa giữa muôn vàn bách hại, thử thách vì xác tín rằng mình luôn có Chúa ở cùng. Đó cũng phải là xác tín của người môn đệ đích thực của Đấng Kitô.

Tóm kết: Lời tuyên tín của thánh Phêrô chưa đủ nếu chưa đi kèm với hành động bước theo Thầy của người môn đệ. Tin vào Thầy, theo Thầy là bước đi sau Thầy, bước cả vào lối đi của thập giá. Lời tuyên tín vào Thầy cần thể hiện bằng hành động can đảm chấp nhận hy sinh và từ bỏ vì Thầy và vì Tin Mừng. Đó cũng là điều mà tác giả thư Giacôbê trong bài đọc hai mong chờ nơi các độc giả của ông rằng đức tin cần đi kèm với hành động. Hành động của đức tin là việc làm bác ái, nhất là đối với những người kém may mắn. Trái lại, một đời sống đức tin mà thiếu việc thực hành bác ái đối với tha nhân thì đức tin đó chẳng có ích gì cả (x. Ga 2,15-16). Một đức tin như thế bị coi như đức tin chết (x. Ga 2,17), vì đức tin đó không thể mang lại ơn cứu độ (x. Ga 2,14).

Tóm lại, các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta những gợi ý để xác định căn tính của Đấng Kitô, Đấng cứu độ nhân loại không bằng quyền uy, lợi lộc, hay địa vị mà bằng con đường khiêm hạ của thập giá. Và người môn đệ đích thật của Thầy Giêsu phải là người đi theo sau Thầy; là người hoạ lại con đường của Thầy dù đó là con đường chông gai của thập giá; là người sống trọn tâm tình tin tưởng và phó thác để Chúa hành động nơi cuộc đời mình như người Tôi Trung; và là người sống và thực hành đức tin bằng hành động đức ái. Lạy Chúa, xin giúp con trở nên môn đệ chân chính của Đấng Kitô đích thật. Amen.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXIV TN B (Mc 8,27-35)
Bài tiếp theo“Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37).