BÀI GIẢNG (25/3, LỄ TRUYỀN TIN, Lễ trọng)

0
1210

Is 7,10-14; 8,10; Hr 10,4-10; Lc 1, 26-38

Tin mừng: Lc 1, 26-38

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”

29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.

32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.

33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.

36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.


 

BÀI GIẢNG

XIN VÂNG (Lm. Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD)

Lội ngược dòng lịch sử của công cuộc tạo dựng, con người ta không khỏi ngưỡng mộ và cảm phục trước tình yêu bao la mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại. Thiên Chúa yêu thương và tạo dựng muôn loài và đặt vào đó một thụ tạo cao quý nhất đó là con người. Ngài trao ban cho con người tình yêu, tự do và ân sủng. Thế nhưng, nét tinh ròng của tình yêu thuở ban đầu đã bị con người làm phôi phai bởi sự kiêu ngạo và bất tuân phục mà hậu quả của nó là sự tội và sự chết. Tuy nhiên, tất cả những điều đó không phải là dấu chấm hết cho sự lầm lỗi, nhưng một lần nữa Thiên Chúa bày tỏ tình yêu cứu độ qua Con của Ngài. Mừng lễ Truyền Tin hôm nay, Giáo Hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm hình ảnh của một mặc khải đầy yêu thương mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã dành cho nhân loại cùng với sự đáp trả trong tin yêu, khiêm tốn của Mẹ Ma-ri-a qua hai tiếng “Xin Vâng”.

Các bài đọc trong lễ Truyền Tin hôm nay tập trung trong việc tuân phục hay bất tuân lời Thiên Chúa. Trong bài đọc I, mặc dù đã được Ngôn sứ I-sai-a truyền chỉ tuân phục một mình Thiên Chúa, vua A-Khát của Giu-đa vẫn bất tuân sang cầu viện Ai Cập. Hậu quả là nước mất nhà tan, từ vua đến dân bị lưu đày qua Ba-by-lon. Trong bài đọc II, tác giả thư gửi tín hữu Híp-ri so sánh các hy lễ đền tội của Cựu Ước với sự vâng phục của Đức Ki-tô, và đưa đến kết luận: Thiên Chúa trân quý sự vâng phục của Đức Ki-tô hơn ngàn vạn chiên cừu, và cái chết của Ngài trên Thập Giá có sức mạnh xóa sạch tội và mang lại ơn cứu độ cho con người. Trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a trong biến cố Truyền Tin đã bắt đầu kỷ nguyên cứu độ: Chúa Thánh Thần đã rợp bóng trên Mẹ Ma-ri-a, và hài nhi Giê-su, Con Một của Thiên Chúa, đã hình thành trong lòng Mẹ. Thật vậy, cứu độ nhân loại là kế hoạch được khởi sự từ tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, kế hoạch của Thiên Chúa có thể không thực hiện được nếu thiếu một nửa kia đó là sự đáp trả của Mẹ Ma-ri-a. Là một thiếu nữ mười sáu tuổi, không một điều báo trước, không một sự chuẩn bị, sứ mạng Thiên Chúa trao cho Mẹ Ma-ri-a qua lời truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en không khỏi làm Mẹ ngỡ ngàng và bối rối. Cưu mang Con Thiên Chúa do quyền năng Chúa Thánh Thần – đó là điều quá lớn lao vượt sức lý giải và đón nhận của loài người. Mẹ Ma-ri-a có quyền thắc mắc và Mẹ cũng có quyền từ chối. Tuy vậy, sau lời giải thích của sứ thần, Mẹ Ma-ri-a mau mắn đáp lời xin vâng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Theo thánh Bê-na-đô, lời xin vâng của Mẹ Ma-ri-a đã làm cho triều thần thiên quốc đang nín thở đợi chờ được hân hoan vui sướng, cho hoa lá reo mừng, cho Mùa Xuân Cứu Độ được mở ra. (x. Ratzinger J., Đức Giê-su thành Na-da-rét, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su). Mẹ Ma-ri-a xin vâng. Tiếng xin vâng trong khiêm cung và tín thác. Tiếng xin vâng chấp nhận mọi khó khăn và hiểm nguy có thể sẽ đến như: sự hiểu lầm của thánh Giu-se – người mà Mẹ đã đính hôn, mất đi sự đức hạnh trước mắt người đời, thậm chí là cái chết vì ném đá theo luật của người Do Thái. Mẹ xin vâng. Tiếng xin vâng chân thành và vô điều kiện. Tiếng xin vâng của Mẹ chẳng giống như tiếng xin vâng của người con thứ trong dụ ngôn hai người con: Khi người anh được cha sai đi làm vườn nho, người anh đáp “Thưa Ngài, con đây” nhưng rồi lại không đi (x. Mt 21,28-32). Tiếng xin vâng đó cũng chẳng giống với cách vâng phục trong tính toán của người con cả trong dụ ngôn Người cha nhân hậu (x. Lc 15,11-32). Mẹ đã xin vâng. Mẹ xin vâng với trọn tâm tình và dùng cả cuộc đời để sống lời xin vâng ấy. Nơi Mẹ Ma-ri-a, thánh ý Thiên Chúa luôn được thể hiện cách trọn vẹn. Nhờ Mẹ và qua Mẹ, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, mang tình yêu và ơn cứu độ đến cho trần gian.

Trong biến cố thiên thần truyền tin cho Mẹ, chúng ta nhận ra được tinh thần lắng nghe của Mẹ. Thật vậy, Mẹ Ma-ri-a luôn là người phụ nữ biết lắng nghe và thực thi thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ chính là mẫu gương của những người tin, những người trên đường tìm kiếm Thiên Chúa. Lắng nghe Lời Chúa chính là khả năng cần thiết làm cho người Ki-tô hữu lớn lên trên hành trình sống Đức Tin. Theo bước chân của Mẹ Ma-ri-a, Chúng ta là những Ki-tô hữu cũng được mời gọi hãy luôn biết lắng nghe Lời Chúa, tin tưởng vào kế hoạch yêu thương của Chúa dành cho mỗi người và sẵn sàng đáp tiếng “Xin Vâng”. Tuy vậy, trong một xã hội đề cao tự do, quyền lợi cá nhân và chủ nghĩa hưởng thụ như ngày hôm nay, việc sống xin vâng theo thánh ý của Chúa là một thách đố không nhỏ. Bởi lẽ, tiếng xin vâng bao giờ cũng đòi hỏi những sự từ bỏ và hy sinh mà không phải ai cũng can đảm để chấp nhận. Vẫn còn rất nhiều những lời mời gọi của Thiên Chúa đang chờ đợi lời đáp trả từ phía người Ki-tô hữu. Ước mong những người Ki-tô hữu hiểu rằng: Tình yêu chỉ trọn vẹn khi đến từ hai phía. Ơn cứu độ chỉ có thể thực hiện khi có sự cộng tác của con người: “Để dựng nên con Chúa không cần con, nhưng để cứu độ con Chúa cần con cộng tác” (Thánh Augustino).

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết tập sống mở lòng ra với Thiên Chúa và với Lời của Ngài, để qua đó cuộc sống và con người của chúng con tràn ngập Lời Chúa, tràn ngập ánh sáng Tin Mừng. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết noi gương Mẹ Ma-ri-a, luôn chu toàn thánh ý Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh sống để cuộc đời chúng con sẽ là một lời xin vâng liên tục, nhờ đó chúng con sẽ trở nên những người con ngoan của Chúa. Xin cho chúng con noi gương Mẹ Ma-ri-a thưa vâng cách can trường và quả cảm trong mọi hoàn cảnh, để chương trình của Chúa được thực hiện trên cuộc đời chúng con. Amen.


 

ĐÁP TRẢ XIN VÂNG THEO THÁNH Ý CHÚ(Lm. Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD)

Trình thuật Tin Mừng kể lại việc Đức Maria được Sứ Thần Gáprien báo tin việc cưu mang Đấng Cứu Thế, người mà muôn dân đang mong đợi, Đấng sẽ đến giải thoát dân khỏi cảnh lầm than, khỏi ách nô lệ. Cũng qua trình thuật này, thánh Luca cho ta thấy tất cả những ơn huệ lớn lao của Mẹ đã bắt đầu một biến cố thật hạn hẹp, thật nhỏ bé, thật khiêm tốn, thật âm thầm và đầy kín ẩn, đó chính là biến cố Truyền Tin. Nhỏ bé và âm thầm, nhưng đó chính là một kinh nghiệm thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời của Đức Maria, và thay đổi cả lịch sử cứu độ ngang qua lời đáp “Xin Vâng”.

  1. Cuộc Đối Thoại Giữa Sứ Thần Gáprien Và Đức Maria

Mở đầu cuộc đối thoại, sứ thần ngỏ lời với Đức Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. “Mừng vui lên”: Đây là lời mời các ngôn sứ đã từng ngỏ với “thiếu nữ Xion”, tức là cộng đoàn những người khiêm nhu đang trông đợi Vị Cứu Tinh đến (Xp 3,14; Dcr 9,9). “Đấng đầy ân sủng”: Từ dùng trong Tin Mừng có nghĩa chính xác là “được sủng ái”. Có những người khác cũng đã được yêu mến, được tuyển chọn, sủng ái, nhưng ở đây tính từ này trở thành như tên riêng đặc biệt của Đức Maria. Chính lời chào này của sứ thần đã làm cho Đức Maria bối rối và Đức Mẹ đã tự hỏi về ý nghĩa của lời chào. Không phải vì Mẹ không hiểu điều sứ thần muốn công bố, là ân sủng Thiên Chúa dành cho Mẹ cách nhưng không, nhưng Mẹ không hiểu ý nghĩa của ân sủng này. Qua ân sủng Thiên Chúa ban cho Mẹ tràn đầy, Chúa muốn nói gì với Mẹ, Chúa muốn mời gọi Mẹ thực hiện điều gì?

Để Đức Maria được an tâm, sứ thần đã làm rõ ơn huệ nhưng không Chúa ban cho Mẹ: “Bà được đẹp lòng Thiên Chúa”, và sau đó loan báo sứ mạng mà Thiên Chúa muốn trao cho Mẹ: “Này đây bà sẽ thụ thai…”. Như thế, ơn huệ luôn đi đôi với sứ mạng; và đó chính là cung cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, trong lịch sử của Giáo Hội. Sứ mạng thụ thai, hạ sinh con trai, vốn là “Con Đấng Tối Cao” là sứ mạng quá lớn, lớn hơn tất cả những gì Mẹ đã nhận được. Vì thế, Mẹ không thể không nêu câu hỏi, và câu hỏi của mẹ chất chứa một ngăn trở cũng rất lớn: “Việc ấy sẽ xẩy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

Sứ thần đã không để Đức Maria một thân một mình với các vấn đề của Người. Vì thế, để thuyết phục, ngài đã không dựa vào điều gì khác ngoài quyền năng của Thiên Chúa. Trước hết, theo lời sứ thần, Người Con Mẹ sẽ cưu mang và sinh ra là hoàn toàn do quyền năng của Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà…”. Để lời thuyết phục được vững chắc hơn, sứ thần long trọng nêu ra trường hợp bà Êlizabét để thuyết phục Đức Mẹ. Sự kiện bà chị họ với cung lòng già cỗi và vừa hiếm muộn nhưng lại mang thai bởi quyền năng Thiên Chúa, sự kiện này có nghĩa đặc biệt trong lời xin vâng của Mẹ. Kết quả là, lời của sứ thần rất thuyết phục, thuyết phục đến độ làm cho Đức Maria đã thốt ra lời “Xin Vâng” liều lĩnh. Liều lĩnh phó mặc đời Mẹ để cho công trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện.

  1. Lời Đáp Trả “Xin Vâng” Của Đức Maria

Đức Maria đã nhận ra ý muốn của Thiên Chúa trong lời sứ thần và tùng phục quyền năng của Người, nên Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Từ “nữ tỳ” có thể làm cho nhiều người lầm hiểu Thiên Chúa như một ông chủ lợi dụng bầy tôi nhằm đạt mục đích của mình chứ không thật sự yêu mến họ. Nhưng nếu hiểu theo chiều hướng này, tức là Thiên Chúa trao cho Đức Maria một trách nhiệm thiết thực trong biến cố Nhập Thể của Con mình thì Người đâu còn là Thiên Chúa cao cả một cách tuyệt đối nữa. Thiên Chúa đâu cần một nữ tỳ để cho con của Người có một thể xác phàm nhân, nhưng Người muốn tìm một người mẹ xứng đáng cho người Con ấy; và để Đức Maria thật sự trở thành người mẹ đó, thì Chúa Cha ắt đã phải đoái nhìn và yêu mến Người hơn bất cứ thụ tạo nào khác.

Thật vậy, trong lời “Xin Vâng”, Mẹ tự xưng mình là “Nữ tỳ”. Chúng ta thường nghĩ ra nhiều tước hiệu cao vời dành cho Đức Maria, nhưng trong biến cố Truyền Tin và trong bài ca bất hủ Magnificat thì Mẹ lại thích tự xưng mình là “Nữ tỳ của Chúa”, là “Phận nữ tỳ hèn mọn”. Khi thốt lên lời này, Đức Maria không tự hạ một cách giả tạo, nhưng là nói lên thái độ sẵn sàng của Mẹ trước ân huệ lớn lao là cưu mang và hạ sinh Đấng vừa là Người Tôi Trung được các ngôn sứ báo trước, vừa là Người Con của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi dõi theo một Đức Maria như thế đó, một người Mẹ thật gần gũi đối với mỗi người chúng ta, và chúng ta cũng như Mẹ, là tôi tớ, là nữ tỳ của Thiên Chúa. Đức Maria đã thể hiện lòng tín thác tuyệt đối với Thiên Chúa qua lời: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Chính qua lời này, Mẹ đã cam kết từ bỏ quyền làm chủ đời mình và phó mặc cuộc đời của Mẹ cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Khi đáp trả lời “Xin Vâng”, tức là lúc Mẹ chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm Mẹ Đấng Cứu Độ. Lời “Xin Vâng” sẽ đưa Mẹ đến những điều bất ngờ, lớn lao đang chờ đón Mẹ phía trước, chắc chắn lúc này Mẹ chưa hình dung ra hết được, bởi vì Mẹ sẽ phải khám phá ra từ từ, đó là cách Đức Giêsu trở nên cao cả, trở nên Con Đấng Tối Cao, và nhất là cách Ngài thừa kế ngai vàng vua Đavít. Cùng với đó là biến cố Đức Giêsu hạ sinh trong máng cỏ, việc dâng Hài Nhi cho Đức Chúa trong đền thờ cùng với lời sấm của cụ Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”, và nhất là biến cố Con Mẹ chịu đóng đinh trên thập giá. Mẹ đã âm thầm xin vâng, chấp nhận tất cả, vì chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Là người con của Mẹ, chúng ta hãy noi gương Mẹ sống phó thác với lời xin vâng những khi gặp thử thách trong cuộc đời. Chúng ta cũng noi gương Mẹ sống âm thầm lặng lẽ, đón nhận những biến cố trong cuộc đời với niềm tín thác và lòng mến yêu. Mỗi ngày ta tập làm những điều nho nhỏ với tinh thần hy sinh, phục vụ tha nhân để lời xin vâng của ta trở nên đẹp và trọn vẹn theo thánh ý Chúa. Chúng ta được mời gọi chạy đến với Mẹ không chỉ qua thánh lễ Truyền Tin hôm nay, nhưng là mỗi ngày suốt đời ta, để cùng học với Mẹ tâm tình lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa với tâm tình con thảo. Nhờ đó, chúng ta cũng vượt thắng được những gian nan thách đố, những khó khăn trong cuộc sống của mình để chia sẻ với tha nhân những ân sủng của Thiên Chúa.

———————————-

 

TRỞ NÊN KHÍ CỤ (Thầy Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD)

Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng kính một biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ, biến cố sứ thần Gaprien truyền tin cho Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Qua tiếng “xin vâng” của Đức Maria, kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đã được khởi sự. Đây cũng chính là khoảnh khắc đầu tiên con người được cộng tác vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

Ngay từ khởi thủy, Thiên Chúa đã ban cho con người ân huệ là được cộng tác vào công trình tạo dựng của Ngài. Và qua biến cố truyền tin hôm nay, Thiên Chúa một lần nữa mời gọi con người cộng tác vào một công trình khác của Ngài, công trình cứu chuộc chính họ khỏi ách thống trị của tội lỗi. Tuy nhiên, kế hoạch đó có thành hiện thực hay không còn tuỳ thuộc vào sự đáp trả của chúng ta. Thánh Augustinô đã từng nói: “Khi tạo dựng nên con người Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến họ, nhưng khi cứu chuộc con người, Ngài cần họ cộng tác với Ngài”. Hình ảnh Đức Maria trong bài Tin Mừng hôm nay là một mẫu gương cho mỗi người chúng ta về sự luôn tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Qua biến cố truyền tin, tôi xin chia sẻ về hai nhân đức tuyệt vời nơi Đức Maria: Lòng kính sợ Thiên Chúa và sự khiêm nhường.

Lòng kính sợ Thiên Chúa: Sách Khôn Ngoan đã mặc khải cho chúng ta biết rằng, lòng kính sợ Thiên Chúa là đầu mối của mọi sự khôn ngoan. Nhưng không phải ai cũng nhận ra điều này. Bài đọc một ngày hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện về vua Akhát, qua đó cho chúng ta thấy rằng, vua Akhát không phải vì khiêm nhường khi ông không dám xin Thiên Chúa một dấu lạ, nhưng vì ông hồ nghi Đức Chúa không đủ quyền năng để bảo vệ vương quốc khi nghe tin quân ngoại bang vây đánh. Vì thế, thay vì cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa thì ông đã cậy dựa vào thế lực của vua Átsua. Chính điều đó mà ông đã không được Thiên Chúa chúc phúc.

Trái lại, trong Tin Mừng hôm nay lòng kính sợ Thiên Chúa được biểu lộ cách rõ nét nơi Đức Maria. Đức Maria vì kính sợ Thiên Chúa nên trong cuộc sống đã không làm những gì mất lòng Thiên Chúa. Trong mọi biến cố Đức Maria vâng theo thánh ý Thiên Chúa cách tuyệt đối. Trong biến cố truyền tin hôm nay, Đức Maria cũng chỉ thưa tiếng xin vâng khi biết chắc việc thụ thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Suốt cuộc đời mình, Đức Maria đã cho chúng ta thấy, Ngài là một chứng nhân về người có lòng kính sợ Thiên Chúa. Vì kính sợ Thiên Chúa, Mẹ đã vâng lời sứ thần truyền; vì kính sợ Thiên Chúa, Mẹ đã cùng thánh Giuse đưa Hài Nhi trốn qua Ai Cập; vì lòng kính sợ Thiên Chúa, Mẹ âm thầm chịu đựng biến cố thương khó cùng Đức Giêsu, nhất là dưới chân Thánh Giá trên đỉnh đồi Golgôtha.

Sự khiêm nhường: Bài học thứ hai mà Mẹ dạy chúng ta là nhân đức khiêm nhường. Theo các nhà tu đức thì khiêm nhường là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Đứng trước lời của sứ thần, Đức Maria cũng bối rối như ông Dacaria nhưng Đức Maria không tỏ ra sợ sệt, vì Mẹ đã nhận thức rõ về con người của mình là “nữ tỳ” của Thiên Chúa. Khác hẳn với tổ tông con người là bà Evà xưa. Thuở xưa bà Evà, là một thụ tạo được Thiên Chúa tạo dựng, chỉ mang trong mình thân phận thụ tạo nhưng lại có tham vọng được ngang tầm với Thiên Chúa. Nên đã sa ngã trước cám dỗ của ma quỷ và phải chịu sự trừng phạt. Chính lòng kính sợ Thiên Chúa và sự khiêm nhường của mình mà Đức Maria đã được Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Ý định cứu độ đến từ Thiên Chúa và hoàn toàn phụ thuộc vào Ngài, nhưng không phải vì thế mà chúng ta hoàn toàn thụ động ngồi chờ. Noi gương Đức Mẹ, chúng ta cũng phải luôn sẵn sàng tỉnh thức để nhận ra thánh ý Chúa và cùng cộng tác vào sứ mệnh mà Thiên Chúa đã đặt để nơi mỗi người chúng ta.

Nhắc đến danh hoạ Leonard De Vinci, chúng ta thường nghĩ ngay đến những bức hoạ tuyệt diệu của ông. Bên cạnh đó ông cũng là người sưu tập những câu chuyện cổ tích, và sáng tác ra những câu chuyện mới, như câu chuyện về cuộc đối đáp của tờ giấy trắng và cây viết. Có một tờ giấy trắng nằm ù lì trên bàn với bao đồng bạn khác từ nhiều năm tháng qua. Nhưng một hôm, nó được chọn đem ra trước bàn chịu cảnh cây viết vẽ lên nó không biết bao nhiêu dấu hiệu mà nó không hiểu gì cả. Tờ giấy phàn nàn với cây viết: “tại sao anh lại làm đau tôi, làm mất đi sự trinh trắng và làm hư cả cuộc đời tôi vậy?” Nhưng cây viết trả lời: “Không, anh giấy hiểu lầm tôi rồi, tôi không làm dơ anh đâu, tôi vẽ lên anh những dấu hiệu, những dòng chữ và kể từ nay anh sẽ không còn là tờ giấy vô dụng nữa. Anh sẽ mang trên mình một sứ điệp, anh trở thành kẻ cộng tác với con người và lưu giữ những tư tưởng cao siêu của họ, và vì thế, anh sẽ được con người nâng niu bảo vệ; anh sẽ tồn tại mãi để trợ giúp, cộng tác với con người”. Tờ giấy chưa kịp trả lời cây viết, thì nó bỗng nhìn thấy một bàn tay con người quơ lấy những tờ giấy trắng đồng bạn của nó  trước đây mà quăng vào ngọn lửa bên cạnh. Bấy giờ tờ giấy trắng đầy chữ viết mới hiểu được hành động vừa rồi của cây viết và lấy làm sung sướng vì được trở thành kẻ cộng tác và lưu giữ kho tàng trí khôn của con người.

Cuộc đời mỗi người chúng ta có thể được so sánh như tờ giấy trắng kia, nếu không chấp nhận để cho bàn tay Thiên Chúa viết vào đó những dòng chữ, những chương trình hành động, thì sẽ không nếm cảm được hạnh phúc trở thành người cộng tác với Thiên Chúa, trở thành kẻ lưu truyền sự khôn ngoan của Thiên Chúa, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tờ giấy không hiểu được những hành động của cây viết vẽ những dấu lạ trên mình nó, con người cũng chắc chắn không thể nào hiểu được ý định, thánh ý của Thiên Chúa. Nhưng chắc chắn một điều là những ý định của Thiên Chúa là những ý định khôn ngoan, hợp lý nhất để đưa con người đến hạnh phúc đích thực.

Thật vậy, Đức Maria đã tự nguyện trở thành tôi tớ của Thiên Chúa để cộng tác vào chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài đã trở nên một dụng cụ tuyệt vời của Thiên Chúa, hoàn toàn đặt mình dưới quyền sử dụng của Thiên Chúa như một tờ giấy trắng trước cây viết. Mỗi người chúng ta tuỳ hoàn cảnh và ơn Chúa ban đều có thể cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa qua những công việc hằng ngày. Đầu năm nay tình hình dịch bệnh Covid 19 ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới. Cho đến nay, một con virus không thể nhìn qua mắt thường nhưng nó đã cướp đi sinh mạng của gần một triệu người và gây hoang mang cho toàn thể nhân loại. Chúng ta cũng thấy ánh lên niềm hy vọng với những con người biết cảm thông, biết chia sẻ làm vơi đi nỗi khổ qua những cửa hàng 0 đồng, ai cần đến lấy, ai dư đến cho hay những cây ATM gạo. Những việc làm đó, ít nhiều cũng xoa dịu được phần nào những nỗi đau của những con người khốn khổ trong xã hội. Qua những việc làm hy sinh như thế là chúng ta đã cùng cộng tác với Thiên Chúa để làm cho thế giới này ngày một tốt đẹp hơn.

Noi gương Mẹ Maria, xin cho mỗi người chúng ta cũng luôn biết can đảm đáp tiếng “xin vâng” trong mọi cảnh huống của cuộc đời để trở nên khí cụ cứu độ trong tay Thiên Chúa. Xin Mẹ cầu bầu và ban thêm nhiều ơn lành cho chúng ta. Amen.

Bài trướcNhà vô địch mới: Giải bóng đá liên dòng – Giuse’ Cup 2022
Bài tiếp theoKHÁT VỌNG HÒA BÌNH