Bài giảng LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU (24/6, Thứ Sáu)

0
886

Các bài đọc: Ed 34, 11-16; Rm 5,5b-11; Lc 15,3-7

HÃY YÊU NHƯ GIÊSU (Lm. Giuse Lâm Sơn Tòng, SVD), 2022

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa đã có từ rất lâu trong truyền thống đạo đức của Giáo Hội, bắt đầu từ thứ kỷ XI, nhưng mới chỉ ở mức độ riêng tư cá nhân, hoặc ở tầm mức địa phương, các cộng đoàn nhỏ. Mãi đến khoảng giữa thế kỷ XVII, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa được lan rộng trong Giáo Hội và chính thức đưa vào cử hành trong lễ nghi phụng vụ.

Thánh nữ Margaret Maria Alacoque (1647-1969) chính là tông đồ và sứ giả của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài đã nhiều lần hiện ra nói chuyện với chị thánh, mạc khải cho thánh nữ hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm cao trọng này, và đồng thời Ngài cũng yêu cầu chị loan báo cho mọi con cái Giáo Hội phải đền tạ Thánh Tâm Chúa về những tội lỗi riêng cũng như tội lỗi của toàn thể thế giới đã xúc phạm đến Thánh Tâm Người. Cũng qua thị kiến, Chúa Giêsu yêu cầu thánh nữ phải cổ võ việc thuờng xuyên hiệp lễ, nhất là vào các ngày thứ Sáu đầu mỗi tháng, với tâm tình đền tạ.

Theo Nhật Ký Tâm Hồn của thánh nữ Margaret Maria Alacoque, tháng 6 năm 1675, Chúa Giêsu đã nói với chị rằng: “Cha đã quá yêu thương loài người, nhưng loài người không những chẳng đón nhận, lại còn nhiều kẻ bội bạc làm hư phép Mình Thánh và xúc phạm đến Cha. Vì thế, Cha muốn mỗi năm dành riêng một lễ tôn thờ Trái Tim Cha. Ngày ấy, những ai có lòng mến Cha, hãy hiệp dâng và rước lễ, đền tội những người đã xúc phạm đến Cha trong Phép Mình Thánh. Cha hứa sẽ ban nhiều ơn cho những ai sốt sắng mừng và khuyên bảo người ta mừng lễ ấy.”

  1. Sùng Kính Thánh Tâm Trong Truyền Thống Giáo Hội

Từ nguồn gốc thiêng liêng và ý nghĩa cao quý nơi thị kiến của thánh Margaret Maria Alacoque, Chúa Giêsu đã dùng chị thánh như khí cụ để loan báo về tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ nơi ngọn lửa bừng cháy của Thánh Tâm Chúa. Từ mạc khải qua những thị kiến của chị thánh, Giáo Hội đã hình thành truyền thống đạo đức và cổ võ các tín hữu về lòng sùng kính mến yêu Thánh Tâm Ngài. Điều ấy được cụ thể qua việc mời gọi các tín hữu hiệp dâng thánh lễ các ngày thứ Sáu đầu tháng; cũng như những suy niệm về lòng mến Thánh Tâm trong suốt tháng 6 của Năm Phụng Vụ.

Trải qua dòng lịch sử, qua các Đức Giáo Hoàng, với nhiều thông điệp được ban hành đề cập đến ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng của việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, điều đó cho ta thấy nền tảng và ý nghĩa thần học của việc thờ kính này.

Trong thông thiệp “Haurietis Aquas In Gaudio”, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã khẳng định rằng: “Lòng sùng kính rất thánh Trái Tim Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi khi được thực hành đúng đắn, có thể được coi như sự tuyên xưng đức tin Kitô Giáo cách hoàn hảo. Nó không phải chỉ là một hình thức đạo đức bình dân mà ai nấy tùy ý thực hiện như thể không có hiệu quả gì hay bỏ qua một bên như là thua kém các việc đạo đức khác. Ý nghĩa thâm sâu của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là lấy tình yêu đáp đền tình yêu!”

  1. Chiêm Ngắm Tình Yêu Nơi Thánh Tâm

Mỗi người sinh ra đều mang trong mình một trái tim. Mọi mạch máu nơi cơ thể con người được nối kết với tim. Chức năng của tim là để lưu chuyển và tuần hoàn máu tới tất cả mọi tế bào và nuôi sống mọi bộ phận trong cơ thể con người. Nếu tim ngừng đập, máu ngừng chảy tới các bộ phận, đồng nghĩa là con người sẽ chết!

Nói đến trái tim là nói đến tình yêu. Trái tim là biểu tượng của tình yêu và là trung tâm phát xuất mọi tình yêu. Tựa như tim ngừng đập thì con người sẽ chết. Con người cũng vậy, con người ngừng yêu và được yêu thì cũng chỉ là cái xác không hồn; con người người ấy chỉ tồn tại chứ không sống đúng nghĩa hiện sinh!

Thiên Chúa yêu thế gian, đó là một xác tín từ ngàn đời và trải dài muôn ngàn thế hệ. Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa ngắn gọn nhưng nói lên nội dung bao hàm: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Tình yêu ấy được cụ thể hóa qua việc trao ban Người Con Một cho nhân loại là Đức Giêsu. Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người; Ngài cũng có trái tim bằng thịt giống con người.

Chúa Giêsu mạc khải cho chị thánh Margaret Maria Alacoque biết hình ảnh trái tim Ngài đỏ như máu nằm trước ngực, có vòng gai cuốn quanh,… diễn tả một tình yêu thương nhân loại không bờ bến, không giới hạn, vô điều kiện và yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Tình yêu ấy được diễn tả qua nhiều chiều kích, qua nhiều dụ ngôn trong Kinh Thánh. Tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả như người mục tử chăm sóc đoàn chiên; Người mục tử sẵn sàng bỏ chín mươi chín con để đi tìm một con chiên lạc đàn (x. Lc 15,5). Xét về mặt lợi ích kinh tế, xem ra người mục tử này thất bại và thất thoát trong lợi ích kinh tế. Vì thông thường, khi làm kinh tế thì người ta sẽ bỏ đi một con chiên lạc đàn ấy cũng chẳng sao, để dành thời gian và sức lực mà chăm sóc vỗ béo cho chín mươi chín con kia,… Nhưng người mục tử này lại chấp nhận mạo hiểm và có phần thiệt thòi khi bỏ lại chín mươi chín con trong đàn mà đi tìm con lạc đàn. Hẳn anh ta có lý do riêng và chính đáng của mình!

Lý do mà người mục tử đi tìm con chiên lạc chỉ có thể hiểu và lý giải được trong tình yêu. Vì tình yêu có lý lẽ riêng của nó! Làm kinh tế thì người ta tính toán hơn thiệt lỗ lãi. Nhưng trao ban tình thương thì không hề có sự tính toán. Hình ảnh người mục tử bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc, cho thấy ý nghĩa thâm sâu nơi tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là vị Mục Tử Nhân Lành. Mỗi người chúng ta là con chiên trong đàn chiên của Ngài. Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc từng người chúng ta, một tình yêu cá vị, một tình yêu cụ thể, một tình yêu riêng tư. Không ai có thể thay thế vị trí của mình trong trái tim Thiên Chúa. Mỗi người trong chúng ta là duy nhất, là quan trọng, như thể chỉ có một mình cá vị ấy trong Trái Tim Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương và đối xử với con người theo cái “tình” chứ không theo cái “lý”. Cái Tình ấy chính là tình yêu phát xuất từ trái tim. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một con tim đầy lòng trắc ẩn, một con tim bao dung tha thứ, khắc khoải mong mỏi chờ người con hoang trở về (Lc 15,11-32). Nếu Thiên Chúa dùng cái “lý” mà cư xử với con người, thì những con chiên lạc đàn sẽ không có cơ hội mà trở về, những tội nhận sẽ không được cứu!

Vị Mục Tử Nhân Lành thao thức và chủ động đi tìm con chiên lạc (x. Ed 34,16). Đó chính là hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương nhân loại, yêu thương từng người, nhất là những tội nhân, những con chiên lạc đàn. Khi một tội nhân trở về, cả Triều Thần thiên quốc hân hoan mừng rỡ (x. Lc 15,4-7), cho thấy rằng mỗi người chúng ta có giá trị và được yêu thương, được quan tâm, được chào đón như thế nào trong trái tim Thiên Chúa.

Tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả nơi chân dung và Thánh Tâm của Ngôi Lời Nhập Thể. Một tình yêu bừng cháy và dâng trào nơi Thánh Tâm. Một Tình yêu hiến dâng, cho đi và trao ban tới giọt máu cuối cùng. Cái chết trên thập giá là đỉnh điểm của Tình Yêu nơi Thánh Tâm Ngài.

  1. Hãy Ở Lại Trong Tình Yêu của Thánh Tâm Giêsu

Suy niệm và chiêm ngắm tình yêu nơi Thánh Tâm Giêsu, chúng ta cảm nhận thật ấm áp, thật hạnh phúc và cũng thật an ủi dường nào. Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở suy niệm và chiêm ngắm thì cũng chẳng ích lợi gì cho cuộc sống trần gian và cả phần rỗi linh hồn chúng ta. Tựa như chúng ta nhìn ngắm một món quà, chiêm ngắm một ngôi nhà,… nhưng nếu không đón nhận món quà ấy, không đi vào ngôi nhà ấy mà cứ ở ngoài thì sẽ chẳng bao giờ có được sự ấm áp hạnh phúc thật sự và viên mãn!

Thiên Chúa trao ban tình yêu và tình yêu ấy được biểu lộ nơi ngọn lửa bừng cháy trong Thánh Tâm Giêsu. Chúa mời gọi chúng ta hãy lao mình vào biển lửa của Tình Yêu Giêsu. Hãy chạy đến với Tình Yêu Thánh Tâm, để kín múc, để được bồi bổ sức mạnh và cảm nếm sự ngọt ngào hạnh phúc nơi vực thẳm bao la của Tình Yêu ấy. Chúa mời ta đến để bổ sức cho ta, để ta có thể gánh nổi những gánh nặng cuộc đời, những gánh nặng bổn phận, những gánh nặng của riêng mình và những gánh nặng của tha nhân. “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

  1. Tình Yêu Đáp Đền Tình Yêu

Thiên Chúa yêu thương ta như thế đó! Ngài mong nhân loại và từng người đáp lại tình yêu bao la trời bể của Ngài. Đáp lại tình yêu thì sẽ được sống và sống viên mãn tròn đầy trong tình yêu. Ngài không hứa bảo đảm cho ta một cuộc sống đầy đủ vật chất trần gian, vì điều đó là giới hạn, là vô thường chóng qua. Nhưng ai ở trong Tình Yêu thì ở trong Thiên Chúa (1 Ga 4,16). Thiên Chúa sẽ ban thưởng sự sống vĩnh hằng cho những ai đền đáp tình yêu của Ngài.

Qua sứ điệp mạc khải cho chị thánh Margaret Maria Alacoque, Chúa Giêsu muốn mời gọi mỗi người chúng ta hãy tích cực đáp lại tình yêu của Ngài, bằng việc sùng kính Thánh Tâm Chúa, đặc biệt tham dự Thánh Lễ và rước lễ vào mỗi thứ Sáu đầu tháng. Thêm vào đó các thực hành đạo đức như hy sinh, hãm mình, xưng tội, gẫm đàng Thánh Giá, làm giờ thánh đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Việc sùng kính mến yêu này đối với Thánh Tâm Chúa, không những làm thỏa lòng khát khao yêu mến của Ngài, nhưng còn đem lại nguồn ân sủng thiêng liêng cho Giáo Hội và cho phần rỗi của mỗi người chúng ta. Amen.

______________________

Các bài đọc: Hs 11,1.3-4/5c.8ac-9; Ep 3,8-12.14-19; Ga 19,31-37

Bài giảng

THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU ( Lm. Giuse Trần Thanh Hải, SVD)

Từ thời xa xưa cho đến hôm nay, con người thường dùng biểu tượng trái tim để diễn tả và biểu thị tình yêu. Mặc dù, trí não mới là nơi xuất phát những cảm xúc, tâm tư và tình mến. Không chỉ là ở những khía cạnh văn chương, nghệ thuật, cuộc sống đời thường mà ngay cả những lĩnh vực tôn giáo, tâm linh và tín ngưỡng cũng xem trái tim là biểu tượng quan trọng và cao trọng để nói về tình yêu. Điển hình là trong Đạo Công giáo chúng ta, Thánh Tâm (Trái Tim) Đức Giêsu không chỉ là biểu tượng để diễn tả tình yêu và sự sống, cũng như lòng thương xót của Chúa mà còn là nguồn sống, nguồn mạch ban phát mọi ơn lành, là khuôn mẫu tình yêu cho đời sống Kitô hữu, cách riêng cho những ai muốn theo sát Đức Kitô, muốn trở nên môn đệ đích thực của Ngài. Vậy bởi đâu chúng ta có được sự khẳng định chắc chắn như vậy?

Sứ điệp Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay ít nhiều minh chứng cho chúng ta điều đó. Trái Tim Đức Giêsu đã chịu tan nát vì nhân loại, bị đâm thâu để chúng ta được chữa lành. Tin Mừng mô tả rằng, Người đã bị “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn. Tức thì, máu cùng nước chảy ra…” (Ga 19,34). Vì lý do này, Giáo Hội vẫn luôn cho rằng, các Bí Tích được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu. Cụ thể hơn, trong lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Hội Thánh đọc lời kinh tiền tụng như sau: “Vì tình thương lạ lùng, khi chịu treo trên thập giá, Người đã tự hiến thân vì chúng con. Từ cạnh sườn bị đâm thủng, Người đã để máu và nước chảy ra, hầu khơi nguồn các Bí Tích của Hội Thánh. Nhờ đó, khi mọi người chúng con được lôi cuốn đến cùng Trái Tim rộng mở của Đấng Cứu Thế, thì được luôn vui mừng múc tận nguồn ơn cứu độ muôn đời”.

Vì tình yêu lạ lùng, khôn tả của Đức Kitô mà nhân loại được tiến gần với thế giới thần linh, với thế giới của Thiên Chúa hơn, để nhận ra và sống những giá trị siêu nhiên, giá trị Tin Mừng trong cuộc đời tại thế. Ơn thánh đó, khởi phát từ Thiên Chúa tình yêu, được Thiên Chúa trao ban và dẫn vào, qua Người Con rất chí ái của Ngài. Như bài đọc hai, được trích trong thư gửi tín hữu Êphêxô, thánh Phaolô Tông Đồ đã khẩn cầu tha thiết: “Xin cho amh em, nhờ đức tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy, anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3,17-19).

Tất cả vì yêu nhân loại! Vì thế, Giáo Hội hôm nay muốn mời gọi chúng ta nhìn ngắm lại mầu nhiệm Đức Giêsu chịu đóng đinh, bởi vì mầu nhiệm Đức Kitô chịu đóng đinh tỏ rõ cho chúng ta biết sâu đậm hơn về Trái Tim và tình yêu của Người, của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Một trái tim bị đâm thâu vì nhân loại: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Ngài đã dành cho chúng ta một tình yêu nhưng không. Người là Con Thiên Chúa hằng sống, địa vị cao sang, vinh quang giàu có; nhưng vì yêu thương nhân loại, yêu thương tội nhân, Ngài đã vâng phục Chúa Cha, bỏ trời cao đến trần gian để sống cùng, sống vì, sống với và sống giữa chúng ta. Ngài trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Hr 4,15). Ngài trở nên tư tế và của lễ (x. Hr 9,12.14) để sống cho Thiên Chúa Cha và cho con người. Cuối cùng, Ngài đã chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại vinh quang để phục hồi sự sống cho nhân loại. Chúng ta có thể tóm kết quá trình đó của Ngài trong một chữ “love” (yêu)!

Yêu như Thánh Tâm Đức Giêsu, đó là tình yêu tự hiến, tự hủy hoàn toàn, hóa mình ra không. Tất cả chỉ vì yêu con người chúng ta. Theo như theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thì 93 nền văn hóa cổ xưa, họ thường hiến tế con người như: “trinh nữ, trẻ con, những người thấp cổ bé miệng, … cho thần linh để cầu cho việc tưới tiêu mùa màng, hay để làm nguôi cơn giận của các vị thần linh, hoặc vì một lý do khác”[1].

Còn Đức Giêsu, Ngài là Thiên Chúa, là Chúa tể muôn loài mà lại tự hiến thân mình Ngài cho con người thấp hèn. Ngài chịu treo trên thập giá vì chúng ta.

Và để đáp lại một tình yêu nhưng không như thế, chúng ta cần nỗ lực kiện toàn chính mình và sẵn sàng chia sẻ, yêu thương tha nhân như ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu: “Thương người như thể thương thân”. Hay như lời Thánh Kinh: “Yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,31). Từ đó, tình yêu của chúng ta mới nên trọn và viên mãn trong Thiên Chúa cũng như trong mọi người. Dù có gian nan, vất vả chúng ta cũng tìm được niềm vui, ý nghĩa sống và tình yêu, bởi thánh Augustinô đã nói: “Ở đâu có yêu thương, ở đó không còn lao nhọc; mà nếu có lao nhọc, thì lao nhọc cũng biến thành yêu thương”. Cuối cùng, với câu kết của kinh cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu: “Xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa”, thì ước gì mỗi người chúng ta, đặc biệt là các mục tử, trong ngày lễ thánh hóa các linh mục, luôn có được trái tim như Đức Giêsu, biết hy sinh, trao hiến và quảng đại mở lòng với mọi người. Amen.

__________

[1] X. Sự thật kinh hoàng về tục hiến tế người thời xưa; https://wiki.vnexplorer.net/su-that-kinh-hoang-ve-tuc-hien-te-nguoi-thoi-xua-a20202610.html.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thánh Tâm Chúa Giêsu, lễ trọng)
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XIII Thường Niên, năm C (Lc 9,51-62)