Lời Chúa + Bài giảng Lễ Thánh Giuse (19-3)

0
526

Bài Ðọc I: 2 Sm 7, 4-5a. 12-14a. 16

“Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của Ðavít, tổ phụ Người”.

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Nathan rằng: “Hãy đi nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: Khi ngày của ngươi đã viên mãn, ngươi sẽ yên nghỉ với các tổ phụ ngươi; sau đó, Ta sẽ cho miêu duệ ngươi lên kế vị và Ta sẽ làm cho triều đại người được vững bền. Chính người sẽ xây cất một ngôi nhà để kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngôi báu triều đại người được củng cố đến muôn đời. Ta sẽ là Cha của người, và người sẽ là con Ta. Nhà của ngươi và triều đại của ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta, ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và 29

Ðáp: Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời (c. 37).

Xướng: 1) Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. – Ðáp.

2) Ta đã ký minh ước cùng người ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”. – Ðáp.

3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, và Thiên Chúa là Ðá Tảng cứu độ của con”. Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 4, 13. 16-18. 22

“Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, (như có lời chép rằng: Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc) trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông đã tin, Ðấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế”. Vì vậy, ông đã được kể như sự công chính.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 83, 5

(Mùa Chay: bỏ Alleluia)

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, phúc cho những ai ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ khen ngợi Chúa đến muôn đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 16. 18-21. 24a

“Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền.

Ðó là lời Chúa.

– – – – – – – –  – – – – – – 

Hoặc: Lc 2, 41-51a

“Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người.

Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

THÁNH GIUSE – NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Hoàng, SVD

Kinh Thánh nói thánh Giuse “người công chính”, nghĩa là người đi theo đường lối của Chúa, người được Thiên Chúa yêu thương và được tham dự vào sự thánh thiện của Ngài. Thánh Gioan Kim Khẩu giải thích thêm: tiếng công chính nơi thánh Giuse nghĩa là “no đầy ơn phước”. Theo lối giải thích xưa thì thánh Giuse trốn đi vì nghi ngờ Đức Maria. Nhưng theo các nhà chú giải thời nay thì thánh Giuse định bỏ trốn vì thấy mình không xứng đáng với danh hiệu làm cha nuôi Đấng Cứu Thế.

Quả vậy, trong biến cố truyền tin, thánh Mátthêu viết: “Ông Giuse, chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên đã đã định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19). Ông Giuse được biết là bà Maria“có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, vì thế ông không dám chiếm hữu người con không phải là của mình. Công chính trước hết là trả lại cho người khác những gì thuộc về họ. Vì thế ông toan tính rút lui (I. de La Potterie, Maria nel mistero dell’Alleanza, Marietti Torino, pp. 65-92, Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.).

Vai trò làm cha được biểu lộ qua việc “ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu (Mt 1,21). Khi biết người con Đức Maria cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, thánh Giuse đã khiêm tốn, can đảm và kiên trì làm cha nuôi Đấng Cứu Thế để thực hiện hoàn toàn thánh ý của Thiên Chúa một cách trung tín. Ngài xứng đáng là chủ gia đình Nadarét, một gia đình thánh thiện. Qua đó, thánh Giuse trở nên công chính, được Thiên Chúa thực sự yêu thương.

Hiện nay nhiều gia đình Công Giáo đang rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng: tình yêu bị đe doạ vì tình trạng li dị ngày càng cao; những thai nhi không được sinh ra vì nạn phá thai; con cái nhiều lúc cảm thấy ngột ngạt trong bầu khí gia đình vì bị mắng chửi hay vì gương xấu của cha mẹ, để rồi thoát ly gia đình, đi bụi đời, để rồi giết hại đời mình trong những vui thú tệ hại như ma tuý… Trong số muôn vàn nguyên nhân dẫn đến những khủng hoảng trong gia đình, tôi chỉ muốn nêu lên một lý do chính yếu đó là thiếu sự nhường nhịn. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một sự nhịn là chín sự lành”. Từ ngàn xưa, cha ông chúng ta đã cảm nghiệm cuộc sống vợ chồng sâu sắc: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê” (Ca dao). Chính sự nhường nhịn ấy sẽ tạo nên tình yêu và một bầu khí ấm cúng trong gia đình. Làm sao mà người chồng có thể còn bực tức trước một cử chỉ yêu thương như thế: “Chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở thưa anh giận gì” (Ca dao). Chúng ta hãy học cùng thánh Giuse để biết yêu thương nhường nhịn lẫn nhau, giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái.

Thánh Giuse được Chúa trao cho nhiệm vụ gìn giữ Đức Maria và Đức Giêsu, gìn giữ Thánh Gia. Ngài đã hết sức chu toàn trong hoàn cảnh thuận lợi cũng như trong hoàn cảnh khó khăn. Ngày nay thánh Giuse vẫn hợp thời, vẫn là gương mẫu cho con người. Thế giới ngày nay đang thiếu vắng sự công chính như gương mẫu thánh Giuse. Người ta gian tham nhận những gì không phải của mình. Không phải chỉ gian tham tiền bạc mà còn gian tham chức quyền, danh vọng. Vì thiếu công chính mà người ta hãm hại người khác, chiếm đoạt tiền của, danh dự của người khác. Vì thiếu công chính mà người ta sống giả dối và lừa lọc nhau. Vì thiếu công chính nên người ta trốn tránh nhiệm vụ, chỉ thích những việc nhàn hạ; người ta dửng dưng trước nỗi khổ đau của những người ruột thịt ngay trong gia đình mình.

Các gia trưởng nhiều khi lười biếng, ham vui mà thiếu trách nhiệm với gia đình, với vợ con. Chỉ một vài thử thách, thiếu thốn, người ta sẵn sàng từ bỏ nhiệm vụ, từ bỏ người thân. Nên thánh Giuse là gương mẫu cần thiết cho người cha, cột trụ gia đình. Các bậc làm cha hãy đến cùng thánh Giuse để được ngài hướng dẫn, che chở. Những đức tính của ngài, sự công chính của Ngài rất hữu ích để giúp chấn chỉnh gia đình, xây dựng Giáo Hội. Như Đức Giáo Hoàng Piô IX, một vị Giáo Hoàng có lòng sùng kính thánh Giuse cách đặc biệt, đã viết về thánh Giuse như sau: “Ngoài Đức Mẹ ra, thì trên trời dưới đất không tìm được vị thánh nào có thần thế để bênh vực Giáo Hội cho bằng Thánh Cả Giuse”. Cảm nghiệm điều đó, thánh nữ Têrêsa Avila đã nói: “Tôi thấy không lần nào xin sự gì cùng thánh Giuse mà không được như ý. Kỳ diệu thay, những ơn đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban đầy tràn cho tôi, và đã giải thoát tôi khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác, do lời cầu bầu của vị Thánh Cả vinh phúc này. Nhưng kinh nghiệm cho tôi biết rằng thánh Giuse giúp chúng ta trong mọi trường hợp. Tôi lấy danh Chúa mà xin nhưng ai không tin lời tôi thì hãy cứ thử mà xem”.

Xin thánh Giuse là Đấng Công chính cầu cho chúng ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây