Lời Chúa + Bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Năm A

0
511

Bài Ðọc I: Ðnl 8, 2-3. 14b-16a

“Người sẽ ban cho các ngươi của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không? Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

“Các ngươi hãy nhớ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, Ðấng đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Và Người là Ðấng đã dẫn các ngươi vào nơi hoang địa mênh mông và kinh khủng có nhiều rắn hổ lửa, bò cạp, rắn lục, và không có một giọt nước nào; Người đã khiến nước từ tảng đá cứng rắn vọt ra. Trong hoang địa, Người đã nuôi các ngươi bằng manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20.

Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).

Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. – Ðáp.

2) Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng. – Ðáp.

3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 16-17

“Có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 51-52

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

“Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

BÁNH HẰNG SỐNG (Lm. G. B. Trần Vui, SVD)

Vào năm 1246, giám mục Robert Thourotte giáo phận Liège, nước Bỉ, đã triệu tập Thượng Hội Đồng và thiết lập ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô. Từ Liège, lễ này bắt đầu lan rộng tới những miền khác. Vào 8/9/1264, Giáo Hoàng Urban IV đã qui định Lễ Mình Máu Thánh Chúa là ngày lễ chung của Giáo Hội, được cử hành vào thứ Năm sau Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi (Một số nơi chuyển qua Chúa Nhật sau lễ Chúa Ba Ngôi). Theo yêu cầu của Giáo Hoàng, thánh Tô-ma A-qui-nô đã soạn các lời nguyện cho ngày lễ.

Trong những thế kỷ tiếp theo khi lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành với cuộc rước Thánh Thể. Mình Thánh Chúa được kiệu đi khắp các thành phố và làng mạc, cùng với những bài thánh ca và kinh nguyện được vang lên. Các tín hữu sẽ tôn kính Mình Thánh Chúa khi đoàn rước đi qua. Trong những năm gần đây, nhiều nơi đã không còn giữ truyền thống này nữa.

Công Đồng Va-ti-ca-nô II tuyên bố rằng: “Chúa Giê-su Thánh Thể là trung tâm và đỉnh cao của đời sống Ki-tô hữu”. Bởi vì, thứ nhất, Thánh Thể cho phép các Ki-tô hữu tham dự vào hy tế của Chúa Ki-tô như một thực tại và kín múc nguồn ân sủng cho đời sống của họ. Thứ hai, Thánh Thể giúp các tín hữu thờ phượng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cách hoàn hảo nhất. Thứ ba, Thánh Thể củng cố lòng bác ái và sự hiệp nhất của các tín hữu với Chúa Giê-su và với nhau. Thứ tư, Thánh Thể mang lại sự tưởng nhớ đời đời về cuộc thương khó, cái chết và Phục Sinh của Chúa Ki-tô, đồng thời nhắc các tín hữu về nghĩa vụ hy sinh vì người khác. Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, mầu nhiệm đức cậy và mầu nhiệm đức mến của các tín hữu.

Đoạn Tin Mừng theo thánh Gio-an (Ga 6,51-58) nằm trong Diễn từ ‘Bánh hằng sống’. Chúa Giê-su xác nhận: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Người Do Thái hiểu rằng Thiên Chúa ban cho họ man-na từ trời để nâng đỡ họ trên hành trình về đất hứa. Đối với người dân Việt Nam, lúa gạo là lương thực chính, nhưng đối với dân Ít-ra-en thì bánh mì là thực phẩm chính của cuộc sống. Con người không thể tồn tại mà không có thức ăn trong thời gian quá lâu. Do đó, họ đã ý thức được rằng bánh trở nên cần thiết cho sự sống. Tuy nhiên, sự sống mà Chúa Giê-su nói đến vượt xa sự sống thể lý. Đó là sự sống trong Thiên Chúa. Sự sống đích thực là có tương quan với Thiên Chúa hằng sống được thể hiện qua sự tín thác, tình yêu, vâng phục, bình an và niềm vui.

Có lẽ những người Do Thái vô cùng sốc trước lời mời ăn thịt và uống máu của Chúa Giê-su. Nghe có vẻ giống như một công thức nguyên thủy khi ăn thịt đồng loại. Nếu chúng ta đặt mình vào vị trí của họ và nghe những lời đó lần đầu tiên, có thể chúng ta cũng không chấp nhận được. Người Việt Nam đã quen với máu, có thể ăn máu (như tiết canh), nhưng không phải máu người. Nhưng đối với người Do Thái, máu là nguồn gốc của sự sống. Họ không bao giờ dám chạm đến máu, vì việc tiếp xúc với máu ngay lập tức trở thành ô uế về mặt nghi lễ.

Cho đến ngày nay, người Do Thái chỉ ăn thịt đã rút máu ra trước đó. Trong dụ ngôn ‘Người Sa-ma-ri nhân hậu’ (Lc 10,30-37), một trong những lý do tại sao thầy tư tế và Lê-vi không đến gần giúp nạn nhân trên đường chắc hẳn là vì họ sợ dính máu và sợ bị ô uế. Tin Mừng theo thánh Mác-cô (Mc 5,25-34) ghi lại sự việc người phụ nữ mắc bệnh băng huyết không dám xuất hiện công khai trước đám đông, hay trước mặt Chúa Giê-su. Bà ấy có thể bị cắt cổ nếu người ta biết bà là ai mà dám lại gần đám đông. Trước lời mời gọi ăn thịt và uống máu của Chúa Giê-su, chúng ta có thể hiểu theo hai nghĩa: Thứ nhất, ăn thịt và uống máu của Chúa Giê-su là đồng hóa hoàn toàn chính con người chúng ta với suy nghĩ, hành động và chính con người của Chúa Giê-su. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì sống trong tôi và tôi sống trong người ấy”. Hay nói theo cách của thánh Phao-lô: “Tôi sống, không phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”.

Thứ hai, chúng ta có thể hiểu Mình và Máu Chúa Giê-su trong bối cảnh của Bí tích Thánh Thể. Qua lời truyền phép của linh mục, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Giê-su. Mỗi khi thánh lễ được cử hành, chính Chúa Giê-su một lần nữa được hiến tế trên bàn thờ làm lương thực thiêng liêng cho nhân loại. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ yêu thương mà Chúa Giê-su đã dành cho nhân loại. Do đó, mỗi khi lãnh nhận mình và máu Chúa, chúng ta được biến đổi nên giống Chúa; chúng ta trở nên tình yêu của Chúa, như thánh Lê-ô Cả, Giáo Hoàng đã nói: “Hiệu quả của việc chia sẻ Mình và Máu Chúa Ki-tô biến đổi chúng ta thành chính cái mà ta lãnh nhận”.

Vào những năm thập niên 80, một gia đình di dân đã dành toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để mua vé tàu sang Hoa Kỳ. Chỉ còn lại một ít tiền trong túi, họ ở lại trong khoang tàu và ăn bánh khô với nước. Họ không dám đến phòng ăn trên tàu vì những thức ăn đó rất đắt đỏ. Khi tàu cập bến New York, họ mới biết rằng: những bữa ăn trên tàu hoàn toàn miễn phí. Nó đã bao gồm trong tiền vé. (x. Cầu nguyện và chia sẻ Mùa Phục Sinh)

Cũng vậy, nhiều người trong chúng ta cũng trải qua một chuyến hành trình dài của cuộc đời này bằng cách nhịn đói ‘về mặt thiêng liêng’; họ không dám đến để được ăn ‘Bánh hằng sống’, bánh được biếu không nơi bàn tiệc Thánh Thể. Ngày hôm nay, Chúa Giê-su cũng đang nhắn nhủ mỗi người chúng ta: hãy đến và ăn

bánh trường sinh, bánh bởi trời, bánh đem lại sự sống đời đời. Bàn tiệc Thánh Thể được mở ra hàng ngày và mời gọi tất cả mọi người hãy đến mà ăn; hãy đến để được Ngài nâng đỡ bổ sức trên đường về quê trời. Và khi đến với Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải có những tâm tình nào?

Trước hết chúng ta cần chuẩn bị xứng đáng để lãnh nhận Mình Máu Chúa Ki-tô. Chúng ta đã làm hoen ố hình ảnh Thiên Chúa, làm cho tâm hồn trở nên ô uế như hận thù, ghen tị, độc ác, bất công, gian dâm,… Do đó, chúng ta cần phải sám hối trước khi rước lễ; và nếu phạm tội trọng thì chúng ta phải đi xưng tội. Vì thánh Phao-lô đã cảnh báo rằng: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”( 1Cr 11,27-29). Vậy chúng ta hãy đến với bàn tiệc Thánh Thể với lòng yêu mến và kính trọng.

Thứ đến, cũng như bánh được kết bởi nhiều hạt lúa miến và rượu được ép từ nhiều trái nho, thì khi lãnh nhận Mình Máu Chúa chúng ta cũng được kết hợp với Chúa Ki-tô. Vậy chúng ta hãy kiến tạo hợp nhất với nhau trong Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài là Đầu và chúng ta là những chi thể. Tất cả là một với nhau. Chúng ta hãy tự nguyện hiến dâng tất cả (thời gian, tài năng, sức khoẻ, vật chất) để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Ki-tô.

Sau cùng, mỗi khi rước lễ là chúng ta đón nhận Chúa Ki-tô vào lòng, chúng ta cũng có bổn phận mang Chúa đến cho những người khác, tại nhà cũng như nơi làm việc. Cùng thánh Tô-ma A-qui-nô chúng ta hãy thân thưa với Chúa Giê-su Thánh Thể: “Ôi Bí tích nhiệm mầu! Ôi Bí Tích cực thánh! Xin qui hướng về Ngài lời khen ngợi, chúc tụng và cảm tạ!”.

 


BÁNH TRƯỜNG SINH (Tu sĩ Antôn Nguyễn Tất Bính, SVD)

Con người ở mọi thời và ở khắp nơi luôn đi tìm quả trường sinh hay một thứ thần dược trường sinh bất tử nào đó.Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế, hai ông vua nổi tiếng của lịch sử Trung Hoa. Đây là hai ông vua được nhiều người biết đến bởi khát vọng sống lâu và hâm mộ thuyết luyện đan. Ngạo khí kiêu hùng của bậc đế vương, và uy vũ trùm đời khiến họ không dễ chấp nhận cái giới hạn “trăm năm cõi người”. Ấy thế nhưng họ đã chết. Chẳng có thuốc nào ở trần gian này giúp họ trường sinh cả. Những nỗ lực kéo dài tuổi thọ chỉ là trò chơi ảo vọng trước thời gian.

 Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51). Khẳng định này nhấn mạnh việc Đức Giêsu thông ban sự sống đích thực cho con người bằng việc trao ban chính Người, trong thực hữu nhân loại của Người, cho đến chết. Chính “thịt của Đức Giêsu” sẽ là sự thể hiện và sẽ thông ban cho con người sự sống đích thực ấy. Quả thế, không ai ngoài Đức Giêsu xứng với danh hiệu “Bánh hằng sống”. Vì, “Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống…” (Ga 1,4). Đón nhận sự sống ấy và sống nhờ sự sống ấy, đó là bí quyết sống của người mỗi Kitô hữu chúng ta.

Như vậy, chúng ta, những người tin vào Chúa Giêsu, có được một bảo đảm chắc chắn và sự thỏa mãn luôn mãi cho nhu cầu thâm sâu nhất là có được một lương thực cho sự sống đời đời.

Tuy nhiên, vào thời điểm Chúa Giêsu nói, những người Do Thái đã không thể hiểu. Thì hiện tại ‘Tôi là Bánh’ được nối tiếp với thì tương lai ‘sẽ sống’; điều đó chứng tỏ việc “ban sự sống” sẽ đến sau, lúc Người sẽ trở thành nguồn sự sống. Tức là những thính giả đang nghe Người lúc đó phải chờ đến lúc “Người hi sinh tế hiến thân mình trên thập giá, rồi phục sinh, lúc ấy thịt mình Người mới nên của ăn ban sự sống đời đời, vì lúc ấy, thịt máu Người mới được Thần Khí phục sinh làm cho hóa thành thần linh. Vì Thần Khí mới tác sinh, xác thịt thì không ích gì”[1]. Ăn “thịt” Đức Giêsu là lãnh nhận bằng lòng tin toàn thể con người Đức Kitô vào trong ta, một Đức Kitô bị tế hiến đã phục sinh vào vinh quang Cha, và đang ở bên Cha, đầy ắp Thần Khí, sức sống của Thiên Chúa, chứ không phải một phần, hay theo nghĩa y học thời nay, một thể xác (phân biệt với tinh thần hoặc linh hồn). Nếu hiểu “thịt” nói đây như là miếng thịt theo nghĩa thông thường, ta sẽ rất lúng túng vì tính cách quá vật chất của Thánh Thể. Người Do Thái đã hiểu sát mặt chữ như thế… nên khó chấp nhận.[2] Họ thắc mắc: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Họ không hiểu ngôn ngữ của Người. Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (cc.53-55). Thêm vào yếu tố “thịt”, Đức Giêsu nói đến máu của Người, để trả lời cho câu hỏi “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. “Sự tách biệt máu với thịt là một cách diễn tả cái chết. Đức Giêsu ban thịt của Người bằng cách chịu chết. Khi thịt và máu của Người bị tách biệt ra bởi những hành động thù nghịch và tàn độc của con người, thì đó cũng chính là lúc tình yêu và Thần Khí của Người được đổ tràn xuống trên nhân loại, và là lúc mọi sự hoàn tất (x.19,30.34). Chính ở đó trào vọt lên sự sống đích thực và thường tồn”.[3]

Điều quan trọng là phải đón nhận thịt và máu Người. Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu tức là đón nhận Người, gắn bó với Người, nên một với Người. Đó là đồng hóa bản thân với Người ngay trong thực hữu nhân loại của Người, thực hữu đã được ban tặng cho nhân loại trong cuộc sống và trong cái chết của Người. Và Đức Giêsu long trọng quả quyết: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,54-55).

Chúng ta tin vào Chúa Giêsu không chỉ là chuyện bề ngoài,nhưng cả trong tâm hồn, chúng ta cần được chính Người nội tâm hóa thành sức sống và tình yêu của chúng ta. Sự hiệp thông sâu xa và kết hiệp nên một đó làm thay đổi thực tại nội tâm thâm sâu của người môn đệ, làm cho người môn đệ được đồng hóa với Chúa Giêsu và sống bằng chính sự sống của Người.

Bánh hằng sống là Thánh Thể Chúa đi xa hơn đạo lý (vốn chỉ hướng vào tâm trí) ở chỗ muốn thiết lập một tương quan với một con người sống động. Theo truyền thống Cựu Ước, đặc biệt qua các ngôn sứ, Thiên Chúa luôn luôn loan báo Người muốn thiết lập một giao ước tình thân, tình yêu, một quan hệ giống như giữa vợ chồng, cha con. Chỉ trong Thánh Thể điều loan báo ấy mới thể hiện trong mức độ hoàn hảo nhất: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).

Hơn hai ngàn năm nay, trong số những người đã ăn bánh mầu nhiệm, có bao nhiêu người được Thánh Thể hóa, nghĩa là nên giống Đức Kitô? Bao nhiêu người có lòng tin vào Đức Giêsu để bánh ấy trở nên nguồn sự sống? Những câu hỏi này có lẽ vẫn mãi hoài đòi buộc người Kitô hữu phải trả lẽ nghiêm túc. Nếu không họ cũng chẳng khác gì những người Do Thái và cha ông họ đã ăn manna và đã chết. Thánh Thể là nguồn sự sống, là nguồn sức sống ban cho người ta để sống, để thực hành lời Chúa dạy, để chống trả các chước cám dỗ, để phục vụ anh chị em mình… Xin Đức Kitô Phục Sinh khơi dậy lòng khát khao lương thực mang lại sự sống đời đời nơi tâm hồn chúng ta, để chúng ta có thể bình tâm trước mọi lôi kéo của những nhu cầu tạm bợ, chóng quatrong cuộc đời này.

[1] Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin Mừng Gioan, Tập IV, Phục Sinh Chính là Ta (Tôn giáo: Hà Nội, 2003), tr.225.

[2] Xc. Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin Mừng Gioan, Tập IV, Phục Sinh Chính là Ta (Tôn giáo: Hà Nội, 2003), tr.225.

[3] Nguyễn Thể Hiện, Sự sống muôn đời, www.trungtammucvudcct.com. Truy cập ngày 15/9/2016.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Lễ Mình Máu Chúa (Ga 6,48-59)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (CHÚA NHẬT, LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA, năm A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.