Lời Chúa + Bài giảng Lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa (Ngày 1 Tháng 1)

0
1157

Bài Ðọc I: Ds 6, 22-27

“Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.

Trích sách Dân Số.

Chúa phán cùng Môsê rằng: “Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: “Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con”. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

Ðáp: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con (c. 2a).

Xướng: 1) Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con; xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ. – Ðáp.

2) Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. – Ðáp.

3) Chư dân, hãy ca tụng Ngài; thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Gl 4, 4-7

“Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: “Abba!”, nghĩa là “Lạy Cha!” Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Dt 1, 1-2

Alleluia, alleluia! – Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 16-21

“Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi… và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giêsu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

ĐỨC MARIA, MẸ BÌNH AN (Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Lời của muôn vàn thiên binh hợp với thiên sứ cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa khi Hài Nhi Giêsu chào đời cho thấy ý định của Thiên Chúa muốn trao ban ban bình an cho nhân loại qua sự chào đời của trẻ Giêsu. Bình an cho loài người chính là vinh quang của Thiên Chúa; hay nói cách khác, Thiên Chúa được tôn vinh khi con người sống trong bình an.

Trong công trình lớn lao của Thiên Chúa, Mẹ Maria âm thầm hiện diện và cộng tác để ý định của Thiên Chúa được thực hiện, nhờ vậy mà Giáo Hội tuyên phong Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa”. Trong muôn vàn công phúc của Mẹ, hôm nay chúng ta ca tụng Mẹ là “Mẹ Bình An” qua ánh sáng của các bài đọc Sách Thánh.

1.  Bình an là phúc lành của Thiên Chúa

Trong tiếng Hy Lạp, thuật ngữ “bình an” vừa có nghĩa là “hoà bình, hoà thuận, yên bình” (x. Mt 10,34; Lc 11,21; Cv 9,31; Rm 3,17), vừa có nghĩa là “hạnh phúc, mạnh khoẻ” (x. Mc 5,34; Rm 1,7; 1 Cr 1,3); đồng thời “hoà bình” theo Kitô Giáo còn có nghĩa là “thời của ơn cứu độ” (x. Lc 2,14; Ga 16,33; Rm 5,1; Ep 6,5). Tuy vậy, dù hiểu theo nghĩa nào đi nữa, “hoà bình” không thể là kết quả của sự cố gắng tìm kiếm của con người, mà là ơn phúc đến từ Thiên Chúa.

Quả vậy, trong bài đọc thứ nhất trích sách Dân Số, Thiên Chúa truyền cho ông Môsê căn dặn ông Aharon và các con, tức những người thuộc dòng tộc tư tế, dùng công thức chúc lành này để xin Chúa ban phúc cho dân: “Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6,24-26). Thiên Chúa là nguồn gốc mọi phúc lành, và Người hằng chúc phúc, trong đó có phúc bình an cho những ai biết tin tưởng kêu cầu Người. Được Thiên Chúa giữ gìn, che chở, được Người đoái nhìn đến và dủ lòng thương chính là bình an cho con người.

Tuy nhiên, chắc hẳn Thiên Chúa không mong muốn con người thụ động chờ đợi ơn bình an như một thứ ân huệ được ban phát tuỳ lòng hảo tâm, mà bình an phải là kết quả cuối cùng của một tiến trình cố gắng của con người tìm đến với Chúa là nguồn bình an. Bình an không đơn giản chỉ là những lúc người ta cảm thấy được yên bình, hoà thuận hay hạnh phúc, mạnh khoẻ, mà là lúc người ta cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa, thể hiện cách sống động và cụ thể nơi Đức Giêsu, Đấng đã nhờ thập giá mà hoá giải mọi nỗi thù ghét, ngăn cách, chia rẽ, bất hoà và trở nên nguồn bình an cho mọi người (x. Ep 2,14-18). Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã sai Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu đến viếng thăm con người, dẫn họ ra khỏi bóng tối của tội lỗi, sự chết và “dẫn vào đường nẻo bình an” (x. Lc 1,77-79). Bình an vì được Thiên Chúa cứu độ mới thật sự là bình an đích thật và vững bền.

2.  Mẹ Maria là hiện thân của bình an giữa lòng nhân loại

Bài Tin Mừng tường thuật quang cảnh của đồng hoang nơi những người chăn chiên tìm đến và gặp thấy “bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Trái ngược với cảnh tưng bừng, vui vẻ, sáng loà trước đó khi thiên sứ xuất hiện, loan Tin Mừng trọng đại cho những người chăn chiên (x. Lc 2,8-14), khung cảnh lúc này thật tĩnh mịch, đơn sơ và nghèo nàn của đôi vợ chồng trẻ sinh con và đặt trong máng cỏ. Giữa bao biến động xảy đến cho Thánh Gia, Mẹ Maria vẫn bình lặng bên Hài Nhi bé nhỏ với tất cả tình thương. Mẹ thật là hiện thân của yêu thương và bình an giữa lòng nhân loại đầy bon chen, tranh giành và bất an.

Quả vậy, giữa tất cả những thăng trầm của chuyến đi Bếtlehem nhiều sóng gió để rồi sinh con giữa đồng hoang, Mẹ vẫn không hề thốt ra một lời than vãn. Mẹ sống bình an giữa muôn vàn khó khăn. Mẹ không có được sự an toàn, bình yên, không có sự bảo đảm về vệ sinh, sức khoẻ bình thường của một người phụ nữ sinh con, nhưng lòng Mẹ vẫn an bình đến lạ thường. Ở bên Mẹ có thánh Giuse, trong vòng tay Mẹ có Hài Nhi Giêsu và quan trọng hơn, ở trên Mẹ có ân sủng của Thiên Chúa, nên trong lòng Mẹ có bình an.

Hơn nữa, giữa sự ồn ào và hối hả của các mục đồng đến thăm và loan tin, trước sự ngạc nhiên của những người nghe biết sự việc (x. Lc 2,16-18), Đức Maria chỉ “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Phản ứng của Mẹ thật bình thản và an bình. Mẹ không kêu trách Chúa vì sự thiếu thốn, cũng không tỏ ra vui mừng trước sự kinh ngạc của người ta; Mẹ chỉ lặng thầm suy nghĩ và chắc chắn hằng cầu nguyện trong sự tín thác vào Thiên Chúa. Sự thinh lặng trong cầu nguyện mang lại cho lòng Mẹ sự an bình nội tâm, dẫu Mẹ đã, đang và sẽ tiếp tục đối diện với bao thử thách và khó khăn.

Sự an bình trong lòng Mẹ không phải vì Mẹ được bảo đảm an toàn, không phát xuất từ sự đầy đủ tiện nghi, không phải vì mọi sự đều theo đúng như mong muốn của mình, mà vì Mẹ tin rằng Mẹ được Thiên Chúa yêu thương, chúc phúc và chở che. Sự an bình của Mẹ không đến từ sự sắp đặt của con người, không bị lệ thuộc vào hoàn cảnh và không bị chi phối bởi điều kiện thể lý hay vật chất. Tâm Mẹ an bình vì trong tâm hồn Mẹ luôn có Đấng là nguồn của sự bình an.

3.  Bình an cho tâm hồn con người hôm nay

Hôm nay là ngày Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Trong thông điệp “Hòa Bình Dưới Thế”, thánh Giáo hoàng Gioan 23 cho rằng “ý nghĩa và lòng yêu mến hòa bình dựa trên sự thật, công lý, tự do và tình thương”. Thật vậy, bao lâu xã hội con người vẫn bị sự gian dối chi phối, bao lâu lòng người còn dung dưỡng cho sự dối gian, bao lâu xã hội vẫn còn những con người bị loại trừ và bị đối xử bất công, bao lâu sự tự do cơ bản của con người bị tước đoạt cách bất chính, và trên hết, bao lâu xã hội không đặt nền tảng trên tình thương và lòng nhân ái, thì bấy lâu con người vẫn chưa thể có được một nền hoà bình thật sự.

Tình thương và lòng nhân ái theo tinh thần Tin Mừng thôi thúc người ta sống tinh thần bất bạo động. Quả vậy, sứ điệp ngày thế giới hoà bình của ĐGH Phanxicô năm 2017, số 3, khẳng định rằng tinh thần bất bạo động của Đức Giêsu chính là nền tảng cho nền hoà bình thật sự:

“Ngài rao giảng không biết mệt mỏi tình thương vô điều kiện của Thiên Chúa, Đấng đón tiếp và tha thứ, và dạy các môn đệ hãy yêu thương kẻ thù (x. Mt 5,44) và giơ má bên kia (x. Mt 5,39). Khi ngăn cản những kẻ cáo buộc người phụ nữ ngoại tình ném đá bà (x. Ga 8,1-11) và trong đêm trước khi chịu chết, Ngài đã bảo Phêrô hãy xỏ gươm vào vỏ (x. Mt 26,52), Đức Giêsu vạch ra con đường bất bạo động, con đường mà Ngài đi tới cùng, tới thập giá, nhờ đó Ngài thực thi hòa bình và phá hủy sự thù nghịch (x. Ep 2,14-16). Vì thế, ai đón nhận Tin Mừng của Đức Giêsu, thì biết nhận ra bạo lực mang trong mình và để cho lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành, nhờ đó họ trở thành dụng cụ hòa giải, theo lời khuyên của thánh Phanxicô Assisi: ‘Hòa bình mà các con loan báo bằng miệng, các con hãy có hòa bình ấy dồi dào hơn nữa trong tâm hồn các con’”.

Ngày nay, là môn đệ đích thực của Đức Giêsu cũng có nghĩa là gắn bó với đề nghị của Người về bất bạo động. Đức Biển Đức 16 cũng đã khẳng định rằng “bất bạo động có tính chất thực tiễn, vì ý thức rằng trong thế giới có quá nhiều bạo động, quá nhiều bất công, và vì thế không thể vượt qua tình trạng này nếu không kháng cự nó bằng một điều lớn hơn: Bằng tình yêu, bằng lòng từ nhân. Điều lớn hơn này đến từ Thiên Chúa”. Và Ngài mạnh mẽ nói thêm rằng: “Sự bất bạo động đối với các tín hữu Kitô không phải chỉ là một thái độ chiến thuật, nhưng là một lối sống, là thái độ của người xác tín mạnh mẽ về tình yêu của Thiên Chúa và quyền năng của Ngài đến độ không sợ đối đầu với sự ác chỉ bằng võ khí tình thương và sự thật mà thôi. Lòng yêu thương kẻ thù chính là nòng cốt “cuộc cách mạng Kitô giáo”. Chính lời dạy của Tin Mừng hãy yêu thương kẻ thù (Xc Lc 6,27) được coi như “đại hiến chương về sự bất bạo động Kitô giáo”: nó không hệ tại ”đầu hàng sự ác […] nhưng là đáp trả sự ác bằng điều thiện (x. Rm 12,17- 21), nhờ đó phá vỡ xiềng xích của bất công” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sứ điệp ngày hòa bình thế giới 1/1/2017, số 3).

Trong bối cảnh của những cuộc xung đột và chiến tranh vẫn đang xảy ra đó đây trên thế giới, đôi khi giữa những người anh chị em với nhau, hay thậm chí ngay trong lòng mỗi người, chúng ta hãy xin Mẹ Maria, Mẹ Hòa Bình, cầu bầu cho thế giới, cho Hội Thánh và cho mỗi người chúng ta, để nhờ ơn Chúa, nhân loại chúng ta biết mưu cầu hòa bình cho nhau; hòa bình của tình thương, tha thứ và bao dung theo tinh thần Tin Mừng.


 

MA-RI-A, NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH (Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD)

Danh xưng Mẹ Thiên Chúa theo dòng thời gian[1]

Công đồng chung Ê-phê-sô (năm 413) đã mạnh mẽ tuyên bố tín điều Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, và từ đây mà Kinh Kính Mừng có câu: “Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa Trời,[2]  cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. Năm 1931, nhân dịp kỷ niệm 1.500 năm công đồng Ê-phê-sô, ĐGH. Pi-ô XI đã lập ngày kính trọng thể lễ Mẹ Thiên Chúa vào 11/10. Năm 1962, ĐGH. Gio-an XXIII chọn Lễ Mẹ Thiên Chúa làm ngày đánh dấu khai mạc Công đồng Va-ti-ca-nô II. Và đến thời ĐGH. Phao-lô VI, ngài dời lễ này vào đầu năm dương lịch với lý do:

“Khi canh tân mùa Giáng Sinh, mọi người phải chú ý đến việc tái lập lễ Đức Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1/1, đúng phụng vụ Rôma từ xưa, nhằm tôn kính việc Đức Ma-ri-a góp phần vào mầu nhiệm cứu rỗi và tôn vinh địa vị đặc biệt cho “Mẹ rất thánh, Đấng tiếp nhận Nguồn sống cho chúng tôi”. Lễ này cũng là dịp rất tốt để chúng ta tôn thờ Vua Hòa Bình mới sinh, và nghe lại lời chúc hoà bình của các thiên sứ (x. Lc 2,14), để cầu Chúa, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương Hòa Bình, ban cho ta ơn cao cả nhất là hòa bình. Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày một tháng Giêng với ngày thứ tám giáp Lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày thế giới hòa bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều Người” (ĐGH Phao-lô VI. Marialis Cultus, số 5b).

  “Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa Trời …

Nếu là một người Công Giáo ngoan đạo và siêng đọc kinh, mỗi ngày lần một chuỗi Mân Côi hoàn chỉnh, thì tối thiểu người đó tuyên xưng danh hiệu “Đức Mẹ Chúa Trời” 18.250 lần mỗi năm. Đây là danh xưng và đặc ân của người Mẹ tuyệt vời, chẳng còn xa lạ gì đối với người Công Giáo. Khung cảnh Chúa Giáng Sinh do thánh Luca thuật lại trong Tin Mừng hôm nay, tuy đơn sơ và nghèo khó nhưng lại rất gần gũi thanh bình, nơi chốn đồng quê vắng lặng mà chẳng thiếu những trái tim nồng ấm của thánh Giu-se, Mẹ Ma-ri-a, các mục đồng, các thiên thần, và có lẽ của cả các loài vật xung quanh cùng đồng điệu. Một gia đình lạ lùng với một Hài Nhi mang thân phận Đấng Cứu Tinh của nhân loại, và cả một người Mẹ lạ lùng được gọi là “Đức Mẹ Chúa Trời”, ở trong khung cảnh này thì thật khó để cho người thế tưởng tượng và hiểu thấu mầu nhiệm Nhập Thể là thế nào trong sự khác biệt giữa thần thánh và phàm tục. Thiên Chúa gần gũi đến thế sao? Thánh Mẫu Người gần gũi đến thế sao?

Ở trong cái vô lý gần như khó chấp nhận này, Thiên Chúa muốn chúng ta hiểu rằng đời sống đức tin của những người con cái Chúa không bao giờ lại quá mông lung và huyền hoặc đến nỗi xa rời thế giới thực. Đạo gắn liền với cuộc sống và vì cuộc sống mà đức tin lớn lên theo cảm nghiệm thời gian, nên việc người thôn nữ Ma-ri-a trở thành Mẹ Thiên Chúa cách lạ lùng thế nào đi nữa thì ân sủng này không phải do công trạng của con người, mà là kế hoạch của Chúa mời gọi con người cộng tác, và ân phúc lại trao về làm phần thưởng cho con người. Mẹ Ma-ri-a là một thụ tạo đặc biệt mà thiên thần truyền tin gọi Mẹ là “có phúc hơn mọi người nữ”. Phúc lành này Mẹ không giữ riêng cho Mẹ nhưng chia sẻ cho tất cả chúng ta qua công trình cứu chuộc của Đức Giê-su, con của Mẹ. Với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a có thần thế trong mối quan hệ “Thiên Chúa – con người” và Mẹ luôn sẵn sàng tỏ lòng từ mẫu để chuyển cầu cho chúng ta. Mẹ Ma-ri-a không phải là “người cõi trên” khó với tới, nhưng như bao thánh nhân khác, Mẹ là cầu nối của “chữ tình” mà những kẻ phụ tình tin tưởng tìm về nguồn cậy trông để được đổi mới.

… cầu cho chúng con là kẻ có tội …

“Tội lỗi” làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa, “tội” cướp mất nguồn bình an đích thực trong tâm hồn và làm xáo trộn môi trường sống ở qui mô hẹp, và dần lan rộng đe dọa đến nền hòa bình trên trái đất. Nhiều người đôi khi đơn giản cho rằng: tội tôi phạm là tội “riêng tư”, tôi làm thì tôi chịu, chẳng liên quan đến ai. Suy nghĩ đơn giản và nhầm lẫn này đã vô tình để cho sự dữ có nguy cơ hoành hành theo chiều sâu, làm rạn nứt mối dây liên đới thiêng liêng của cộng đồng sống đức tin, và sau này bất thình lình tạo ra những cơn địa chấn phá hoại khủng khiếp. Chiến thuật của ma quỷ nham hiểm nhất cũng nằm ở kế hoạch “mưa dầm thấm lâu” này.

Trong tình thế đó, Mẹ Ma-ri-a được gọi là “E-và Mới” giúp thay đổi vận mệnh của đoàn con Chúa vốn bị tội lỗi của “E-và Cũ” bủa vây. Sự tinh tuyền thánh thiện cũng như các nhân đức của Mẹ giúp hàn gắn những cõi lòng tan vỡ có cơ hội được chữa lành trong ân sủng chứa chan, nếu chúng ta biết chạy đến cùng với lòng từ mẫu vô biên nơi Mẹ Thiên Chúa. Hiến chế Tín lý Ánh Sáng Muôn Dân của Công đồng Va-ti-ca-nô II, số 67 viết: “Lòng sùng kính chân chính… phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta.” Trong vườn hoa ân sủng, hoa thơm trổ ra từ công lao thực hành nhân đức sẽ làm cho cỏ dại tội lỗi hết đất sống. “Chúng con là kẻ tội lỗi.” Nhìn nhận này không đưa chúng ta đến chỗ tự ti và chán nản, trái lại, chúng ta được nhắc nhở mình là những “kẻ được thương và được tha” thì hãy cố gắng phấn đấu và hy vọng để đừng phụ bạc tình thương của Thiên Chúa và Mẹ Ma-ri-a.

… khi nay và trong giờ lâm tử.”

Chúng ta xin danh thánh “Mẹ Thiên Chúa” phù hộ cho chúng ta suốt cuộc đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Với lòng tin vững mạnh của chúng ta, chắc chắn Mẹ Ma-ri-a sẽ thực hiện điều đó. Phút lâm chung, ai cũng muốn ra đi trong tâm thế bình an nhất, bình an như khi vừa được “chào đời” trong vòng tay mẹ. Chút an ủi khi muốn “chào cõi đời tạm” này trong vòng tay Mẹ Ma-ri-a mời gọi chúng ta, trong ngày Thế Giới Hòa Bình đầu năm dương lịch, nhìn lại cách mình sống, nghiệm lời mình nói, và ngẫm việc mình làm, để đừng ai gieo hận thù và tang tóc cho nhau; trái lại, hãy hướng về một “nền văn minh tình thương và sự sống” như Kinh Đức Mẹ La Vang mà chúng ta vẫn thường đọc, để bao dung tha thứ và “xây dựng hòa bình… là cuộc đời công chính” (x. Gc 3,16-18).

Thực tế, mỗi ngày chúng ta nghe hai từ “bình an” rất nhiều, chúc nhau “bình an” không ít, nhưng thực sự lòng chúng ta lại “bất an” và là tác nhân gây “bất an” cho người khác. Thế giới đang bị chia rẽ bởi những toan tính bất chính của lòng người, chiến tranh và bạo lực đang hoành hành khắp nơi gieo tang tóc. Hôm nay là cơ hội tốt để mỗi người dành ra vài phút thinh lặng “suy niệm trong lòng” như Mẹ Ma-ri-a, ngắm nhìn lại hang đá Giáng Sinh, đọc thật chậm đoạn Tin Mừng Lc 2,16-21 hoặc Tám Mối Phúc Thật (Mt 5,1-10) hoặc hát Kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô Assisi… và tự hỏi Chúa muốn tôi làm gì cho công lý và tình thương khi mừng lễ Mẹ Thiên Chúa – Nữ Vương Hòa Bình?

Hiệp lòng với thánh Arnold Janssen, Đấng Sáng Lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, gần 150 năm trước, chúng ta nguyện rằng: “Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin nhìn đến chúng con từ ngai ân sủng của Mẹ. Xin nhìn xem sự yếu đuối, đau khổ, thất bại của chúng con! Phúc thay cho chúng con là những người theo Mẹ hướng dẫn. Chúng con chiến thắng với Mẹ và sẽ trở nên vinh quang cùng Mẹ!”

Chú thích:

[1] Xem thêm: https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-01-01-duc-Ma-ri-ame-thien-ch-ua-43715.

[2] Chú ý: điều này không có ý nói Đức Mẹ sinh ra Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần.


BỞI ĐÂU MẸ ĐƯỢC BÌNH AN?      (Lm. P. X. Nguyễn Tất Đạt, SVD)

Hôm nay, ngày đầu năm dương lịch và cũng là ngày Quốc Tế Hòa Bình, Giáo Hội hân hoan cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi chúng ta đang mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, được sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria. Xin mượn lời sách Dân Số để cầu chúc cho nhau: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6,26). Còn món quà nào cao quí hơn là chính Ngôi Lời Thiên Chúa, Ngài là Hoàng Tử Bình An, Vua Hòa Bình (x. Is 9,5) được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta. Vì tình yêu, Thiên Chúa đã ban Người Con duy nhất của Ngài cho nhân loại. Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm trong Người Con của Đức Trinh Nữ Maria.

Khi chọn ngày đầu năm để cử hành lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cầu nguyện cho bình an thế giới, Giáo Hội muốn tỏ lòng tôn kính cách đặc biệt đối với Đức Trinh Nữ Maria, đồng thời mong muốn con cái mình đặt trọn cả năm mới này dưới sự nâng đỡ, chở che của Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội. Giờ đây, chúng ta cùng dõi bước theo Mẹ, học đòi các nhân đức của Mẹ, để qua đó có được sự bình an trong cuộc sống.

Mẹ Được Bình An Vì Luôn Vững Tin

Từ lời xin vâng của Mẹ, một kỷ nguyên mới được mở ra: Thiên Chúa đã đi vào giữa lòng nhân loại; Ngôi Lời đã nhập thể nơi cung lòng Mẹ. Thế nhưng, cũng từ khi nói lời xin vâng đó, Mẹ bắt đầu đón nhận biết bao nhiêu thử thách, gian nan và cực khổ. Thử thách khi bị thánh Giuse nghi ngờ về sự chung thủy của Mẹ: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19). Gian nan khi không tìm được chỗ trong quán trọ, mặc dù đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa nhưng Mẹ vẫn an lòng sinh con nơi máng ăn của súc vật (x. Lc 2,6-7); gian nan khi sinh con chưa được bao lâu, thì đang đêm phải cùng thánh Giuse và con trẻ trốn sang Ai Cập, vì người ta đang lùng để giết Hài Nhi Giêsu (x. Mt 2,13-14). Cực khổ tìm kiếm con bị lạc mất trong đền thờ ba ngày (x. Lc 2,46); cực khổ khi không chỉ có quan quyền mà ngay cả những người thân cận cũng gán ghép cho con mình bị mất trí và đồng lõa với ma quỷ: “Thân nhân của người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã bị mất trí. Còn các kinh sư thì nói rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (Mc 3,21-22), và cực khổ nhất là khi đứng dưới chân thập giá để chứng kiến cái chết của người con một yêu dấu của mình. Thử hỏi, có người mẹ nào cầm lòng được, khi phải chứng kiến cảnh người ta hành hạ đứa con mình đứt ruột đẻ ra? Mẹ Maria đau đớn tan nát cõi lòng, nhưng Mẹ đã can trường đón nhận trong tin yêu và phó thác.

Mẹ Được Bình An Vì Luôn Khiêm Hạ

Cũng như bao thiếu nữ Do Thái khác, Mẹ biết rõ lời của ngôn sứ Isaia đã loan báo 7 thế kỷ trước đó về việc một người nữ sẽ sinh con và người con ấy được gọi là Đấng Emmanuel. Nhưng làm sao Mẹ có thể biết được, Mẹ chính là người phụ nữ diễm phúc đó. Thế nên, khi được Sứ Thần Gabrien truyền tin, Mẹ tỏ ra bối rối: “Việc đó xảy đến thế nào, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Và khi được sứ thần giải thích, Mẹ đã cúi đầu xin vâng với tất cả sự khiêm hạ của một người “nữ tỳ của Thiên Chúa”. Vì khiêm hạ, nên Mẹ đã chấp nhận sinh con nơi hang bò lừa, trong một điều kiện thiếu thốn về vật chất, mà đáng lý Mẹ có quyền đòi hỏi một sự sang trọng hơn thế, vì người con mà Mẹ sắp hạ sinh là Con Thiên Chúa! Thế nhưng, Tin Mừng đã không ghi lại một lời oán than nào của Mẹ.

Đức Maria khiêm hạ là vậy, trong khi ngày hôm nay, chỉ vì một chút danh dự, chỉ vì một chút lợi lộc, người ta sẵn sàng chà đạp nhân phẩm của người khác. Biết bao cuộc tranh giành quyền lực, biết bao cuộc chiến tranh đẫm máu diễn ra hàng ngày trên thế giới, biết bao những bất đồng trong gia đình, giữa những người xóm giềng, chỉ vì thiếu sự khiêm hạ.

Cùng với tâm hồn khiêm hạ, Mẹ là người đã quên mình để vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện cho nên Mẹ luôn an bình. Mẹ đã cưu mang, che chở và nâng niu Chúa Hài Nhi. Mẹ đã nêu gương cho tất cả chúng ta hôm nay, hãy biết nâng niu những mầm sống, ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Thế nhưng, một thực tế phũ phàng là, ngày nay, người ta có thể chưng ra một ngàn lẻ một lý do để tự cho phép mình giết đi những mầm sống ngay từ khi còn trong bào thai. Ngày xưa, bạo chúa Hêrôđê ra lệnh giết tất cả các con trẻ tại Bêlem từ hai tuổi trở xuống, khiến cho cả thành không ngớt tiếng khóc than (x. Mt 2,16-18). Việc làm đó của ông bị muôn đời lên án. Ngày hôm nay, nhiều người đã sẵn sàng giết chính đứa con ruột của mình ngay từ trong bào thai, thì ai sẽ lên án đây, nếu không phải là Thiên Chúa, Đấng vô cùng công thẳng?

Mẹ Được Bình An Vì Luôn Lắng Nghe Và Thực  Hành Lời Chúa

Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay, thánh Luca kể lại, sau khi lắng nghe tất cả những lời mà các trẻ mục đồng nói về Hài Nhi Giêsu, Đức Maria hằng ghi nhớ các sự việc ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng (x. Lc 2,17-19). Tại sao Mẹ lại phải “suy đi nghĩ lại trong lòng”? Mẹ có thể biết trước tương lai chăng? Thưa, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Mẹ cũng là một con người như chúng ta. Đức tin của Mẹ vẫn cần được củng cố bằng việc “lắng nghe Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Nhiều người hôm nay than rằng: Tại sao tôi cầu nguyện mà Chúa chẳng nhận lời. Tôi đã cố gắng làm nhiều điều thiện, nhưng chẳng thấy Chúa đoái trông. Họ không biết rằng, bao ơn lành Chúa ban cho, nhưng họ đã không chịu nhận ra, bởi vì họ không biết “suy đi nghĩ lại trong lòng”, không biết đọc ra những sứ điệp của Chúa thông qua các dấu chỉ hằng ngày, mà chỉ đòi cho được những ơn huệ một cách tỏ tường. Ý mình hay ý Chúa?

Mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa hôm nay, chúng ta không chỉ tôn vinh, ca tụng Mẹ mà còn được mời gọi cùng nhau xây dựng hòa bình, bởi vì Đức Maria là Mẹ của Đức Giêsu, là Hoàng Tử Hòa Bình, là Chúa của bình an. Lời hát của các thiên thần trong đêm giáng sinh đã mặc khải cho chúng ta biết sứ vụ của Đức Giêsu: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Vì thế, chúng ta là con cái của Mẹ trong nhiệm thể Đức Giêsu Kitô, chúng ta hãy cùng nhau đẩy lùi chiến tranh, xây dựng tình huynh đệ, sống liên đới và trách nhiệm với con người cũng như môi trường mình đang sống. Chúng ta cùng nắm tay nhau để xây dựng một nền văn minh tình thương, an bình và sự sống. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Thánh Gia Thất – B)
Bài tiếp theoTHÁNH MARIA, MẸ THIÊN CHÚA (Lễ trọng, 1/1, Tuần Bát Nhật Giáng Sinh)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.