Chú Giải Tin Mừng CN XVII TN – B (Ga 6,1-15)

0
818
iStock/Studio-Annika

TƯỞNG KHÔNG THỂ MÀ LẠI CÓ THỂ CÁCH KHÔNG TƯỞNG

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên, Năm B

Bản văn Gioan 6,1-15

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Hy Lạp Việt
Μετὰ ταῦτα ἀπῆλθεν ὁ Ἰησοῦς πέραν τῆς θαλάσσης τῆς Γαλιλαίας τῆς Τιβεριάδος.

2  ἠκολούθει δὲ αὐτῷ ὄχλος πολύς, ὅτι ἐθεώρουν τὰ σημεῖα ἃ ἐποίει ἐπὶ τῶν ἀσθενούντων.

3  ἀνῆλθεν δὲ εἰς τὸ ὄρος Ἰησοῦς καὶ ἐκεῖ ἐκάθητο μετὰ τῶν μαθητῶν αὐτοῦ.

4  ἦν δὲ ἐγγὺς τὸ πάσχα, ἡ ἑορτὴ τῶν Ἰουδαίων.

5  Ἐπάρας οὖν τοὺς ὀφθαλμοὺς ὁ Ἰησοῦς καὶ θεασάμενος ὅτι πολὺς ὄχλος ἔρχεται πρὸς αὐτὸν λέγει πρὸς Φίλιππον· πόθεν ἀγοράσωμεν ἄρτους ἵνα φάγωσιν οὗτοι;

6  τοῦτο δὲ ἔλεγεν πειράζων αὐτόν· αὐτὸς γὰρ ᾔδει τί ἔμελλεν ποιεῖν.

7  ἀπεκρίθη αὐτῷ [ὁ] Φίλιππος· διακοσίων δηναρίων ἄρτοι οὐκ ἀρκοῦσιν αὐτοῖς ἵνα ἕκαστος βραχύ [τι] λάβῃ.

8  λέγει αὐτῷ εἷς ἐκ τῶν μαθητῶν αὐτοῦ, Ἀνδρέας ὁ ἀδελφὸς Σίμωνος Πέτρου·

9  ἔστιν παιδάριον ὧδε ὃς ἔχει πέντε ἄρτους κριθίνους καὶ δύο ὀψάρια· ἀλλὰ ταῦτα τί ἐστιν εἰς τοσούτους;

10  εἶπεν ὁ Ἰησοῦς· ποιήσατε τοὺς ἀνθρώπους ἀναπεσεῖν. ἦν δὲ χόρτος πολὺς ἐν τῷ τόπῳ. ἀνέπεσαν οὖν οἱ ἄνδρες τὸν ἀριθμὸν ὡς πεντακισχίλιοι.

11  ἔλαβεν οὖν τοὺς ἄρτους ὁ Ἰησοῦς καὶ εὐχαριστήσας διέδωκεν τοῖς ἀνακειμένοις ὁμοίως καὶ ἐκ τῶν ὀψαρίων ὅσον ἤθελον.

12  ὡς δὲ ἐνεπλήσθησαν, λέγει τοῖς μαθηταῖς αὐτοῦ· συναγάγετε τὰ περισσεύσαντα κλάσματα, ἵνα μή τι ἀπόληται.

13  συνήγαγον οὖν καὶ ἐγέμισαν δώδεκα κοφίνους κλασμάτων ἐκ τῶν πέντε ἄρτων τῶν κριθίνων ἃ ἐπερίσσευσαν τοῖς βεβρωκόσιν.

14  Οἱ οὖν ἄνθρωποι ἰδόντες ὃ ἐποίησεν σημεῖον ἔλεγον ὅτι οὗτός ἐστιν ἀληθῶς ὁ προφήτης ὁ ἐρχόμενος εἰς τὸν κόσμον.

15 Ἰησοῦς οὖν γνοὺς ὅτι μέλλουσιν ἔρχεσθαι καὶ ἁρπάζειν αὐτὸν ἵνα ποιήσωσιν βασιλέα, ἀνεχώρησεν πάλιν εἰς τὸ ὄρος αὐτὸς μόνος. (Jn. 6:1-15 BGT)

1 Sau những chuyện này, Đức Giê-su đi qua phía bên kia biển Ga-li-lê của Ti-bê-ri-a

2 Nhưng rồi Đám đông lớn đi theo Người bởi vì họ cứ chứng kiến những dấu [lạ] Người đã vẫn làm trên những bệnh nhân.

3 Đức Giê-su đi đến núi và Người ngồi đó với các môn đệ của Người

4 Lễ Vượt Qua đã gần đến, Lễ của Người Do Thái

5 khi ngước mắt lên Đức Giê-su thấy đám đông lớn đến với Người, Người liền nói với Phi-líp-phê: ‘chúng ta mua đâu ra bánh để mà họ có thể ăn?’

6 Nhưng Người nói điều này vì Người đang thử ông ta vì Người đã biết phải làm gì.

7 Phi-líp-phê trả lời; ‘200 denarius bánh cũng không đủ để mỗi người có thể lấy một chút

8 Một trong các môn đệ của Người, An-rê, anh của Si-môn, nói cùng Người:

9 ở đây có một đứa bé, có 5 chiếc bánh lúa mạchhai con cá, nhưng những thứ ấy làm sao mà [đáp ứng cho] số nhiều như vậy.

10 Đức Giê-su nói: ‘hãy làm cho người ta nằm xuống. Có nhiều cỏ trong chỗ ấy. Số người đàn ông đã nằm xuống chừng 5000 người.

11 rồi Đức Giê-su cầm lấy bánh, sau khi tạ ơn, Người trao cho những người nằm, và cá cũng như thế, nhiều như họ đang muốn.

12 khi họ đã no nê, Người nói cùng các môn đệ của Người: ‘Hãy thu gom lại những mẫu bánh còn thừa, để mà nó không bị hư đi.

13 các môn đệ thu gom và làm đầy 12 thúng những mẫu bánh từ 5 chiếc bánh lúa mạch mà còn dư bởi những người đã ăn

14 những người thấy dấu [lạ] Người đã làm nói rằng ông ta thực sự là một ngôn sứ Đấng xuất hiện trong thế giới.

15 Vì biết họ sẽ đến bắt Người để tôn Người làm vua, nên Người lại rút lui vào núi một mình.

 

Bối cảnh bản văn:

Đoạn văn Ga 6,1-15 được khởi đầu bằng một cách nói tổng quát: “Sau những sự việc này”. Cụm từ “những sự việc này” có thể ám chỉ đến trình thuật về dấu [lạ] chữa một người bại liệt ở hồ Bết-da-tha (Ga 5,1-18) và “diễn từ nói về công việc của Chúa Con (Ga 5,19-47). Phép lạ hóa bánh ra nhiều chắc chắn nối kết và là tiền đề cho diễn từ “Bánh Hằng Sống” diễn ra ngay sau đó (Ga 6,16-51). Nó cũng gợi nhớ đến hình ảnh Thiên Chúa-mục tử trong Cựu Ước nhất là Thánh Vịnh 23[1], bởi vì trong đó có hình ảnh “cỏ xanh” và “được ăn bánh no nê”. Đây là dấu [lạ] duy nhất được cả bốn tác giả sách Tin Mừng thuật lại (Ga 1,1-15; Mt 14,13-21; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17).[2] Vì vậy, phép lạ này cũng cho thấy sự nối kết giữa truyền thống Gioan và Tin Mừng Nhất Lãm. Loạt hành động “cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó” gợi nhớ đến trình thuật về sự việc Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể (Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22, 14-20; 1 Cr 11,23-25), trong đó Đức Giê-su cũng “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng rồi bẻ ra và trao cho các ông. Dĩ nhiên, phép lạ này cũng nhớ đến việc Chúa ban mana nuôi dân Ít-ra-el trong sa mạc (Xh 16, Ds 11). Việc nhắc tên hai Tông Đồ cụ thể (Phi-líp-phê và An-rê), cho phép liên kết với những chỗ khác có tên hai người này (Ga 12,22; Mc 3,18). Mốc thời gian “Lễ Vượt Qua” cũng là một chủ đề nối kết với những trình thuật liên quan đến “Tiệc Vượt Qua” và Chiên Vượt Qua (Mc 14,12-16; Mt 26,17-19; Lc 22,3-6). Chủ đề Đức Giê-su là “vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian” là một trong những chủ đền quan trọng nhất trong các sách Tin Mừng (Ga 4,19: “Thưa ông, tôi thấy ông là một ngôn sứ”; Ga 7,40: Ông này quả thật là một ngôn sứ”; Ga 9,17: Anh mù đáp: ‘Người là một vị ngôn sứ”. Đức Giê-su rút lui lên núi một mình (Ga 11,15) bởi vì Người biết rằng người ta sẽ tôn Người lên làm vua, là biểu hiện cho thấy Người “không cần người đời tôn vinh” như Người đã nói trong diễn từ “công việc của Chúa Con” (Ga 5,41). Sách Đệ Nhị Luật cũng nói đến việc “Đức Chúa sẽ làm nổi lên giữa anh chị em một vị ngôn sứ như tôi [ông Mô-sê]” (Đnl 18,15).

Cấu trúc bản văn

Đoạn Ga 6,1-15 có phần khởi đầu (A) và phần kết (A’) giới thiệu chung về không gian, thời gian và nhân vật của câu chuyện. Câu chuyện xảy ra ở vùng Ti-bê-ri-a, trên núi, vào dịp gần đến Lễ Vượt Qua của Người Do Thái. Nhân vật gồm có Đức Giê-su, các môn đệ và đám đông lớn. Nội dung trình thuật sự kiện “hóa bánh ra nhiều” được cấu thành bởi ba thành phần, song song và quy tâm. Có hai cặp thành phần song song với nhau: (B) Đức Giê-su đặt vấn đề về một giải pháp cho sự đói kém của dân chúng // (B’) Dân chúng nhận ra Đức Giê-su là một vị ngôn sứ Đấng phải đến thế gian; (C) Thái độ bi quan của các môn đệ: không có giải pháp nào khả thi // (C) Chứng kiến một giải pháp hơn cả khả thi. Tất cả đều xoay quanh tâm điểm là giải pháp lạ lùng của Đức Giê-su: Cầm bánh, tạ ơn và phân phát (D).

(A) Mở đầu: Không gian, thời gian và nhân vật: Bên kia biển hồ Ga-li-lê, thành phố Ti-bê-ri-a, núi; Lễ Vượt Qua của Người Do Thái; đám đông lớn; Đức Giê-su và các môn đệ (6,1-4).

(B) Vấn đề: Không có bánh (6,6-7)

(C) Thái độ của các môn đệ: Không có giải pháp khả thi (6,8-9)

(D) Giải pháp của Đức Giê-su: Cầm lấy, tạ ơn và phân phát (6,10-11)

(C’) Kiểm chứng của các môn đệ: Bánh còn dư 12 thúng (6,12-13)

(B’) Hiệu quả: Tuyên xưng Đức Giê-su là một ngôn sứ (6,14)

(A’) Kết thúc:  Nơi chốn; nhân vật: Một mình Đức Giê-su rút lui lên núi (6,15)

Một số điểm chú giải

  1. Bên kia biển Ga-li-lê của Ti-bê-ri-a: Danh từ thuộc cách chỉ địa danh “của Ti-bê-ri-a cho độc giả biết rằng đây là Biển Hồ Ga-li-lê-a nhưng phần gần thành phố Ti-bê-ri-a. Chính vì thế mà Biển Hồ này đôi khi được gọi là Biển Ti-bê-ri-a (Ga 21,21). Ti-bê-ri-a là một thành phố biển, được Hê-rô-đê An-ti-pa xây vào năm 20 C.E. ở phía Tây Biển Hồ Ga-li-lê. Nó là thủ đô của vùng Ga-li-lê, nơi Hê-rô-đê An-ti-pa cai quản thời bấy giờ và được đặt tên của vị hoàng đế thứ hai của Đế Quốc Rô-ma (Tiberius). Nơi đây được Gioan nối kết với phép lạ hóa bánh ra nhiều: “có những thuyền khác đến từ Ti-bê-ri-a đến, gần nơi dân chúng đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,23). Đây là dữ liệu về địa danh, cho biết rõ ràng về nơi đã diễn ra phép lạ “hóa bánh ra nhiều”, khác với các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm vốn không nhắc đến địa danh cụ thể. Mác-cô chỉ nói là nơi “hoang vắng” (sa mạc) (Mc 6,31.32.35; Mt 14,13). Địa danh này có thể Gioan muốn nói đến sự trái ngược giữa một thành phố xa hoa giàu có và một nhóm người “thiếu bánh ăn” bên cạnh nó.
  2. Nhưng rồi đám đông lớn cứ đi theo Người: Ghi chú về nhân vật “đám đông lớn” (6,2) cứ đi theo Đức Giê-su nhằm chuẩn bị cho chi tiết số người “nằm xuống” là 5000 người đàn ông (6,10). Lý do những người này đi theo Đức Giê-su được diễn tả rất rõ ràng: “Vì họ đã từng chứng kiến những dấu lạ Người làm cho các bệnh nhân”. Cả ba động từ “đi theo”, “thấy” (chứng kiến” và “làm” đều được Gioan cận thận dùng ở thì “vị hoàn”, diễn tả một sự kéo dài của hành động. Nghĩa là họ đã thấy nhiều lần, vì Đức Giê-su cũng đã làm nhiều dấu [lạ] chữa lành bệnh tật và họ cứ “đi theo” Chúa hoài. Cụ thể là có hai dấu [lạ] chữa bệnh được ghi lại trước trình thuật này: (i) Chữa lành con của một sĩ quan cận vệ của nhà vua (Ga 4,46-54); (ii) Chữa lành một người bại liệt 38 năm ở hồ nước Bết-da-tha. Đám đông đã biết đến Đức Giê-su như một người làm những “dấu lạ” chữa lành các bệnh nhân.
  3. Đức Giê-su đi đến ngọn núi và Người ngồi đó: Đức Giê-su đến thành phố Ti-bê-ri-a nhưng Người không vào trong thành phố mà Người đi ra ngoại ô thành phố, nơi có núi đồi. Ngọn núi ở đây được xác định bởi một mạo từ xác định (τὸ). Có lẽ đó là một ngọn núi ở ngoại ô Ti-bê-ri-a, mà ai cũng biết nên Gioan dùng mạo từ xác định. Cũng cần biết thêm, danh từ “ὄρος” trong tiếng Hy Lạp vừa có nghĩa là núi, cũng vừa có nghĩa là “đồi” hoặc “cao nguyên”. Có thể Đức Giê-su lên một ngọn đồi gần thành phố Ti-bê-ri-a. Rất khó để nói chính xác đó là núi nào hay đồi nào.[3] Tuy nhiên, kiểu nói “lên núi và ngồi xuống với các môn đệ” làm cho độc giả nhớ đến câu khởi đầu bối cảnh Bài Giảng Trên Núi do Tin Mừng Mát-thêu ghi lại: “Khi thấy đám đông, Người lên núi, và sau khi Người ngồi xuống, các môn đệ của Người đến gần bên” (Mt 5,1). Tư thế “ngồi” là tư thế của một người thầy giảng dạy.[4] Giảng dạy trên “núi” cũng gợi nhớ đến hình ảnh của ông Mô-sê, người chuyển giao Lề Luật của Chúa cho dân ở trên núi Si-nai. Gioan không nói gì đến việc Đức Giê-su có giảng dạy điều gì hay không. Tuy nhiên, ngồi ở trên núi, cùng với các môn đệ, có lẽ ngụ ý một buổi giảng dạy. Mác-cô nói rõ bối cảnh của phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất là “thấy đám đông lớn, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương vì họ như những con chiên không có mục tử và Người giảng dạy họ nhiều điều” (Mc 6,34).
  4. “Lễ Vượt Qua”:[5] Trong bốn tác giả sách Tin Mừng, chỉ có Gioan cho độc giả biết rằng Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem vào ba dịp Lễ Vượt Qua trong hành trình rao giảng của Người (Ga 2,13.23; 5,1; 12,1). Chính vì thế mà theo truyền thống, Đức Giê-su rao giảng khoảng 3 năm, và chết ở tuổi 33. Luca cho biết Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng khi Người khoảng 30 tuổi (Lc 3,23), cùng với 3 Lễ Vượt Qua (xảy ra mỗi năm một lần), trong đó, Người bị kết án và đóng đinh vào Lễ Vượt Qua thứ ba. Các Tin Mừng Nhất Lãm chỉ cho biết Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem một lần, vào dịp Lễ Vượt qua trong suốt quá trình rao giảng. Tin Mừng Nhất Lãm chỉ nhắc đến một Lễ Vượt Qua trong trình thuật về cuộc Thương Khó (Mt 26,2.17-19; Mc 14,1.12.14.16; Lc 22,1.7.28.11.13.15),[6] và đó là lần Đức Giê-su bước vào cuộc Thương Khó – Chịu Chết đóng đinh. Chặng đường lên Giê-ru-sa-lem là rất quan trọng. Thậm chí, Tin Mừng Luca còn dành cho chặng đường lên Giê-ru-sa-lem đến 10 chương (9,51 – 19,27), nghĩa là gần một nửa Tin Mừng của Luca (24 chương). Đối với các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, Ga-li-lê là thánh địa cho sứ vụ rao giảng và làm dấu lạ, còn Giê-ru-sa-lem là tử địa nơi xảy ra cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su.

Lễ Vượt Qua là một Đại Lễ hằng năm của Người Do Thái. Nó kỷ niệm biến cố quan trọng: Dân đã được cứu khỏi ách nô lệ của Pha-ra-ô. Trong đêm ấy, sứ thần Chúa đã tiêu diệt tất cả các con đầu lòng của người Ai-cập. Thậm chí con vật đầu lòng cũng bị giết. Con cái Ít-ra-el thì được sống nhờ vào những vết máu bôi trên cửa theo chỉ dẫn của Chúa (Xh 11,5; 12, 12-13.29). Lễ Vượt Qua trong tiếng Do Thái là הַפָּ֑סַח” (pesah), trong tiếng là Hy Lạp là “πάσχα” (paskha). Trong tiếng gốc Do Thái “Pesah”, có nghĩa là “bảo vệ” hay “bỏ qua”. Theo một số tác giả, Lễ này, có nguồn gốc ban đầu liên quan đến một nghi lễ mang tính giải hạn của những người du mục, cử hành mùa xuân. Tuy nhiên, ý kiến được chấp nhận rộng rãi nhất liên quan đến lễ hội cổ xưa cho những giai đoạn của trăng, đặc biệt cho dịp trăng tròn. Và trên bình diện lịch sử, Lễ này dĩ nhiên là liên kết đến sự kiện Xuất Hành từ Ai-cập.[7] Trong Lễ Vượt Qua, một con vật hiến tế (cừu hoặc dê một tuổi) được giết thịt vào ngày thứ 14 của tháng Nisan và được ăn vào buổi đêm, hoặc ngay sau hoàng hôn, đánh dấu khởi đầu của ngày 15 tháng Nisan. Thánh Kinh kết hợp việc sát tế Vượt Qua với Lễ Bánh Không men, lễ hội kéo dài bảy ngày bắt đầu vào ngày 15 của tháng Nisan. Trong thời gian hậu Thánh Kinh, hai lễ này được hòa nhập thành một lễ hội mà thôi.[8]

Nhắc đến thời điểm “gần đến Lễ Vượt Qua”, tác giả có lẽ không phải muốn nói đến thời gian lịch sử cụ thể của biến cố, nhưng là thời gian thần học. Biến cố Vượt Qua được nhắc đến trong bối cảnh “dấu [lạ] hóa bánh ra nhiều nối kết với Lễ Vượt Qua cuối cùng, trong đó Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể, biến Mình Người thành của ăn và Máu Người thành của uống nuôi linh hồn các tín hữu. Cũng xin biết thêm là Tin Mừng Gioan, là Tin Mừng duy nhất không có trình thuật về việc lập Bí Tích Thánh Thể. Thay vào đó, Gioan lại là tác giả duy nhất tường thuật lại hành động rửa chân trong đêm Tiệc Ly. Ông cũng là tác giả duy nhất nhắc đến Lễ Vượt Qua trong trình thuật phép lạ “hóa bánh ra nhiều” và cũng là tác giả duy nhất ghi lại diễn từ “diễn từ Bánh Hằng Sống” (6,22-66).

  1. Phi-líp-phê và An-rê: Phi-líp-phê và An-rê: Trong danh sách 12 tông đồ của Tin Mừng Mác-cô, tên Phi-líp-phê được đặt ngay sau tên An-rê (Mc 3,18: … rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô…). Mác-cô đặt bộ ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan vào đầu danh sách, sau đó mới đến An-rê và Phi-líp-phê và các môn đệ khác.[9] Mát-thêu xếp tên của An-rê ngay sau tên Phê-rô và Phi-líp-phê sau tên của hai anh em Gia-cô-bê và Gioan. Luca cũng liệt kê tương tự Mát-thêu. Tin Mừng Gioan không nói đến danh sách 12 Tông Đồ. Theo tác giả, An-rê và một môn đệ vô danh là hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Họ đã nghe Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Đức Giê-su : “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Rồi, họ đã “đến, xem chỗ Người ở và ở lại” với Đức Giê-su một ngày (Ga 1,39). Chính An-rê, sau khi trở về từ chỗ Đức Giê-su ở đã giới thiệu và dẫn em mình là Phê-rô đến với Đức Giê-su (1,41-42). Tiếp theo sau đó, Đức Giê-su gặp và gọi ông Phi-líp-phê: “Anh hãy theo tôi” (1,43). Theo Gioan, hình như Phi-líp-phê được gọi trước cả Gia-cô-bê và Gioan. Theo Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su gọi liền hai cặp anh em: Phê-rô – An-rê, rồi Gia-cô-bê – Gioan (Mt 4,18-22 ; Lc 5,1-11 ; Mc 1,16-20).[10] Phi-líp-phê được giới thiệu là ở Bết-sai-đa, cùng quê với hai anh em Phê-rô và An-rê. Đây là dữ liệu của riêng tác giả Tin Mừng thứ tư. Theo Tin Mừng Nhất Lãm, Phê-rô có một ngôi nhà ở Ca-phác-na-um, một thành phố ngay bên bờ, đầu hồ Ga-li-lê, phía Bắc (Mc 1,29-31 ; Mt 8,14-15 ; Lc 4,38-39). Theo Mát-thêu và Luca, Bết-sai-đa là một trong những thành phố bị Đức Giê-su nguyền rủa, vì không đã không sám hối (Mt 11,21; Lc 10,13-15). Đây cũng là thành phố Đức Giê-su lánh vào sau phép lạ “hóa bánh ra nhiều” (Mc 6,45 ; Lc 9,10) và chữa lành một người mù (Mc 8,22-26). Sự xuất hiện sóng đôi của Phi-líp-phê và An-rê trong Tin Mừng Gioan được ghi lại ít nhất 2 lần. (i) Ga 6,1-15: Phi-líp-phê được Đức Giê-su tham vấn về cách thức mua bánh cho “đám đông lớn”; An-rê giới thiệu em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá. (ii) Ga 12,20-26: Những người Hy Lạp đến gặp ông Phi-líp-phê để xin gặp Đức Giê-su; Ông Phi-líp-phê nói ông An-rê và hai ông đến thưa với Đức Giê-su. Việc Phi-líp-phê đi nói với An-rê có thể giải thích ở góc độ thân thích: hai người là đồng hương. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn có thể là vì An-rê là môn đệ đầu tiên được gọi. Thế giá của An-rê, có thể là cao hơn Phê-rô, vì ông được gọi trước và là người giới thiệu Phê-rô cho Đức Giê-su. R. Brown tin rằng Phi-líp-phê và An-rê là những Tông Đồ được coi trọng hơn ở miền Tiểu Á, mà Tin Mừng Gioan được viết cho những tín hữu ở vùng Tiểu Á. Chính vì vậy, hai Tông Đồ này được đề cập cách cụ thể để Tin Mừng đi vào lòng các tin hữu dễ dàng hơn.[11]
  2. 200 denarius… 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá: Hai môn đệ đưa ra hai dữ liệu khác nhau. Phi-líp-phê vì được hỏi là: “Bằng cách nào chúng ta có thể mua bánh để họ ăn?”, nên câu trả lời của ông liên quan đến số tiền mua. Đây là số tiền khá lớn đủ để Phi-líp-phê diễn tả sự bất lực, không thể: Đến 200 denarion cũng không đủ cho mỗi người một tý. Denarion là đơn vị tiền tệ của Roma thời bấy giờ. 1 denarion bằng một ngày lương của một công nhân bình thường (x. Mt 20,2). 200 denarion bằng 200 ngày lương của một người làm công. Sau khi Phi-líp-phê thể hiện sự thất vọng, An-rê quan sát thấy có một cậu bé mang theo 5 chiếc bánh và hai con cá. Đây lại là một số lượng quá ít so với 5000 người đàn ông: “Nhưng số ấy thì thấm vào đâu so với số người nhiều như thế”. Cả hai môn đệ đều cho thấy cho “đám đông lớn” ăn là một nhiệm vụ bất khả thi. Mác-cô ghi lại đề xuất của các môn đệ: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng chung quanh mà mua thức ăn” (Mc 6,36; Mt 14,15; Lc 9,12). Hình ảnh cậu bé chia sẻ 5 chiếc bánh và 2 con cá là hình ảnh riêng của Gioan vì trong truyền thống Nhất Lãm, dường như số bánh và cá này là của các môn đệ: “Ở đây chúng con chỉ có vọn vẹn 5 chiếc bánh và 2 con cá” (Mt 14,17; Mc 6,38; Lc 9,13).
  3. “Hãy làm cho người ta nằm xuống”: Động từ “ana-pipto” (ἀνα-πίπτω[12]) có nghĩa đen là “ngã về phía sau”, trong đó “pipto” là ngã. Động từ này thường được dùng để diễn tả sự ổn định vị trí để chuẩn bị cho một bữa ăn (Mc 6,40; Lc 11,37; Ga 13,12.25). Cách chuyển ngữ “hãy cho người ta ngồi xuống” hay là “hãy cho người ta nằm xuống” vẫn không diễn tả chính xác nghĩa của động từ này. Có lẽ đó là một tư thế nằm tựa để dùng bữa, theo phong tục của người Do thái. Người ta không nằm dài như lúc ngủ, nhưng họ cũng không ngồi ăn như hầu hết con người ngày nay. Người môn đệ “được Đức Giê-su yêu mến” được diễn tả là nằm tựa vào ngực Đức Giê-su trong bữa Tiệc Ly (Ga 13,25). Các môn đệ nhận lệnh ổn định dân chúng trong tư thế vào bàn ăn để chuẩn bị cho việc dùng bữa. Họ chắc chắn cũng rất ngạc nhiên, vì mệnh lệnh này của Đức Giê-su, bởi vì chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá thì dùng bữa sao đủ. Luca còn ghi lại kỹ càng hơn chỉ thị của Đức Giê-su: “Hãy bảo họ nằm thành từng nhóm khoảng 50 người một” (Lc 9,14). Nhóm này ở trong trình thuật của Mác-cô có số lượng khác nhau: “Chỗ thì một trăm chỗ thì năm mươi” (Mc 6,39).
  4. Có nhiều cỏ trong chỗ ấy: Chi tiết này có vẻ thừa nhưng lại không thừa. Tác giả Gioan dường như muốn gợi cho độc giả nhớ đến hình ảnh “đồng cỏ xanh” được nói đến trong Thánh Vịnh 23: “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”. Hình ảnh đồng cỏ xanh gợi nhớ đến sự chăm sóc tốt lành của Thiên Chúa-mục tử dành cho đàn chiên của mình. Nhóm 5000 người đàn ông nằm trên đồng cỏ xanh như đàn chiên đang được mục tử Giê-su nuôi dưỡng.
  5. Số người đàn ông đã nằm xuống chừng 5000 người: Ghi chú về số lượng này cho thấy sự hài hòa với chi tiết giới thiệu nhân vật trong phần bối cảnh: “Đám đông lớn đi theo Đức Giê-su”. Đám đông ấy lớn cỡ nào? Lớn tới mức “5000 người đàn ông” (Ga 6,10; Mc 6,44). Mát-thêu còn thêm vào mệnh đề “không tính đàn bà và trẻ em”. Dĩ nhiên rồi, chẳng lẽ số người đi theo Đức Giê-su chỉ toàn đàn ông thôi sao. Chắc chắn phải có đàn bà và và trẻ em nữa. Thường thì số lượng đàn bà và trẻ con phải nhiều hơn số người đàn ông. Vậy thì, số lượng người của “đám đông lớn” hôm ấy phải trên 10 ngàn người.
  6. Cầm lấy bánh, tạ ơn, phân phát: Những động từ: cầm lấy, tạ ơn rồi phân phát kết hợp với dữ liệu về thời gian “gần đến Lễ Vượt Qua” rõ ràng gợi nhớ đến trình thuật Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể. Đức Giê-su đã lập Bí Tích Thánh Thể vào dịp Lễ Vượt Qua cuối cùng trong hành trình dương thế của Người. Trong Bữa Tiệc Ly: “Người cầm lấy bánh, sau khi đã dâng lời tạ ơn, Người bẻ ratrao cho các môn đệ và nói: ‘Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19; 1 Cr 11,24). Động từ “Eukharisteo” (εὐ-χαριστέω)[13] có nghĩa là “tạ ơn”. Chính vì thế Bí Tích Thánh Thể còn được gọi là “Hy tế Tạ Ơn”.[14] Tiếng Anh gọi Bí Tích Thánh Thể là “Eucharist” (Tiếng Pháp: Eucharistie; Tiếng Ý: Eucaristia). Như vậy, phép lạ hóa bánh ra nhiều là tiền thân của Bí Tích Thánh Thể. Việc Đức Giê-su ban bánh mì cho dân chúng ăn no nê báo trước việc Người sẽ ban chính Mình Người để trở thành của ăn, và Máu Người để trở thành của uống nuôi dưỡng linh hồn người tín hữu.[15]
  7. Khi họ đã no nê: Động từ “em-pim-ple-mi” (ἐμ-πίμπλημι)[16] có nghĩa là “làm đầy” hoặc “thỏa mãn”, diễn tả một tình trạng no đủ, thoa thê của “đám đông lớn”.
  8. 12 thúng những mẫu bánh thừa: Mệnh lệnh thu gom được Đức Giê-su đưa ra cùng với mục đích là “để khỏi hư đi”. Mệnh lệnh này cho thấy Đức Giê-su quan tâm đến việc giáo dục các môn đệ cũng như dân chúng, biết tôn trọng những gì Chúa ban cho mình. Không được phí phạm những thức ăn còn dùng được. 12 thúng bánh vụn còn thừa là con số ngược lại với những thái độ thất vọng của cả An-rê và Phi-líp-phê lúc khởi đầu. Có thể nói rằng: Tưởng là không thể nhưng lại có thể như không tưởng. 200 denarion cũng không đủ cho mỗi người một tý và 5 chiếc bánh và 2 con cá thì thấm vào đâu với số lượng người đông như thế. Ai ngờ, chỉ số bánh vụn còn dư đã lên đến 12 giỏ.
  9. Ông ta thực sự là một ngôn sứ, đấng phải đến: Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giê-su được gọi là một ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian. Ý tưởng này của dân chúng có thể ám chỉ đến lời hứa rằng Thiên Chúa “sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ông Mô-sê được nói đến trong sách Đệ Nhị Luật” (Đnl 18,15).[17] Tin Mừng thứ tư cho thấy nhiều nhân vật tuyên xưng Đức Giê-su là một ngôn sứ. Người phụ nữ Samari đã xác nhận: “Tôi thấy ông là một vị ngôn sứ” (Ga 4,19). Dân chúng cũng nhìn nhận “ông này thật là vị ngôn sứ” (Ga 7,40). Anh mù được sáng mắt cũng nghĩ người làm cho anh sáng mắt là một “vị ngôn sứ” (Ga 9,17; Mt 16,14; 21,11.46). Tuy nhiên, một vị ngôn sứ làm phép lạ hóa bánh ra nhiều có lẽ gợi nhớ đến hình ảnh ngôn sứ Ê-li-sê. Ông đã làm phép lạ cho cả tram người ăn từ hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị. Tiểu đồng của ông đã nghi ngờ và nói rằng: “Có bằng này, sao con có thể phá cho cả tram người ăn”. Ê-li-sa đã trả lời: “Cứ phát cho họ ăn vì Chúa đã phán: ‘Họ sẽ ăn mà vẫn còn dư’. Và quả thực đã xảy ra như lời ngôn sứ nói (x. 2 V 4,42-44). Ngoài ra, Ê-li-sa còn một lần làm phép lạ “hóa dầu ra nhiều” để giúp một bà góa, có hai con nhỏ bị bắt làm nô lệ, vì bà thiếu nợ (x. 2 V 4,1-7). Thành thật mà nói, nhận ra Người là “một vị ngôn sứ” chưa phải là đỉnh cao của sự nhận biết. Đó chỉ là khởi điểm và họ cần phải vươn đến căn tính Ki-tô và Con Thiên Chúa của Đức Giê-su. Tin Mừng Gioan khởi đầu bằng việc giới thiệu “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1) và kết thúc bằng việc nêu lên mục đích của toàn bộ Tin Mừng là: “Để anh chị em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20,31). Ngay trước câu kết thúc, thánh Tô-ma đã tuyên xưng Đức Giê-su là Thiên Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Đây là cái kết hoàn hảo cho Tin Mừng thứ tư: Khởi đầu bằng lời giới thiệu Ngôi Lời là Thiên Chúa và kết thúc bằng việc một Tông Đồ tuyên xưng Đức Giê-su là Thiên Chúa.
  10. Tôn Người làm vua: Đức Giê-su có thân phận đế vương. Người là vị vua được dân Do Thái bao đời mong chờ. Người xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và được hạ sinh tại Bê-lem, quê hương của vua Đa-vít. Chính vì thế, ngay từ lúc lọt lòng, Người đã bị vua Hê-rô-đê đuổi giết trong thân phận là một “vị vua mới sinh của Người Do Thái” (Mt 2,2). Các sách Tin Mừng ghi lại rất nhiều dữ liệu về thân phận đế vương của Đức Giê-su. Khi Đức Giê-su trừ quỷ cho một người vừa mù lại vừa câm, dân chúng đã sửng sốt và nói rằng: “Ông này chẳng phải là con vua Đa-vít sao?” (Mt 12,23). Người phụ nữ dân ngoại Ca-na-an vẫn gọi Người là con vua Đa-vít: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi! Đứa con gái của tôi bị quỷ ám khổ sở lắm” (Mt 15,22). Hai ngưởi mù thành Giê-ri-khô cũng gọi Người là con vua Đa-vít (Mt 20,30-31; Mc 10,48; Lc 18,38). Người đã vào thành trong một cuộc đón rước long trọng với tiếng hô vang: “Hoan hô con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,9; Mc 11,9-10; Lc 19,38). Theo Luca, dân chúng gọi Đức Giê-su là vua một cách trực tiếp: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên trời và vinh quang Chúa trên các tầng trời” (Lc 19,38). Sự việc xảy ra như thế nhằm ứng nghiệm lời ngôn sứ về biến cố nhập thành của vị vua: “Hãy báo cho thiếu nữ Si-on, này Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ” (Mt 21,5; Ga 12,15). Trước câu chất vấn của Tổng trấn Phi-la-tô, quan chức cao nhất của đế quốc Rô-ma trên đất nước Do Thái, “Ông là vua dân Do Thái sao?”, Đức Giê-su đã xác nhận: “Chính ông nói đó” (Mt 27,11; Mc 15,2; Lc 23,3; Ga 18,37a). Tác giả Gioan còn ghi thêm lời giải thích sứ vụ “làm vua” của Đức Giê-su: “Tôi sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích này: để làm chứng cho sự thật, ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37b). Điều này phù hợp với mạc khải của Đức Giê-su về căn tính của Người: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống, không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua tôi” (Ga 14,16). Tất cả những dữ liệu này để cho thấy Đức Giê-su chính là vị vua Mê-si-a, Đấng mà dân Do Thái đang mong chờ. Tuy nhiên, Người lại không phải là vị vua mang lại quyền lực chính trị và sung túc về vật chất như họ mong muốn. Họ muốn tôn vinh Người như là vị vua cơm bánh và chữa bệnh, nhưng Người lại rút lui lên núi một mình. Không chỉ có dân chúng lầm tưởng, mà chính các môn đệ của Người cũng đã lầm tưởng về cách thức hành động của Mê-si-a-Vương Đế Giê-su. Người là một vị vua tình yêu. Vương miện của Người là vòng gai nhọn và ngai tòa của Người là thập giá. Vị Vua-Mê-si-a kiểu như thế đã làm cho các môn đệ thực sự hoảng sơ, hoảng loạn trong một lúc, nhưng lại mang đến cho các ông một sự bình an đích thực và ơn cứu độ muôn đời.

Bình luận tổng quát

Vào một ngày đẹp trời bên bờ Hồ Ga-li-lê, bên cạnh một thành phố biển giàu có, sung túc Ti-bê-ri-a, có một đám đông lớn, nghèo nàn đi theo một thầy giảng, bởi họ đã từng chứng kiến nhiều phép lạ Người đã làm. Đức Giê-su ngồi đó, trên núi, trong tư thế giảng dạy họ. Có lẽ Người đã giảng dạy họ nhiều điều như thường lệ. Tuy nhiên, hôm nay Người đặc biệt quan tâm đến cái đói của những con người này. Người đã có sẵn ý định cho họ ăn. Dầu vậy, Người lại muốn thử lòng các môn đệ xem các ông nghĩ gì, sau khi đã chứng kiến nhiều phép lạ chữa lành mà Người đã làm. Người chưa từng làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Chính vì thế, khi Người hỏi Phi-líp-phê về phương cách làm sao có thể mua đủ bánh cho đám đông lớn ăn. Phi-líp-phê đã nói một cách thẳng thắn: 200 denarion cũng không đủ cho một người một chút bánh. Có tiền bằng 200 ngày công cũng không thể giải quyết được vấn nạn này. Chung quy lại, trong đầu ông nghĩ là không có cách nào hết. Thêm vào đó, môn đệ An-rê cũng tỏ ra bi quan không kém. Với 5 chiếc bánh và 2 con cá của cậu bé, thì cũng chẳng thấm vào đâu với số lượng hơn mười ngàn người. Ấy vậy mà, Đức Giê-su lại ra lệnh: “Hãy sắp xếp cho họ ở trong tư thế dùng bữa”. Sao có thể được chứ? Có gì đâu mà dùng bữa? Đám cỏ xanh rì vào mùa xuân gợi lên một bữa ăn no nê cho đàn chiên được chăm sóc bởi Thiên Chúa mục tử. Mục tử Giê-su cũng sẽ có cách để nuôi đám đông đàn chiên của Người. Chỉ những hành động giản đơn: “Cầm lấy bánh, tạ ơn rồi phân phát” mà đám đông hơn 10.000 người được ăn bao nhiêu tùy thích. Không những thế, số bánh vụn còn dư lại lên đến 12 thúng đầy. Những chuyện không thể theo suy nghĩ của các môn đệ, lại trở nên có thể một cách dễ dàng đối với Đức Giê-su. Sau dấu lạ ấy dân chúng đã cảm nhận được nơi Người phẩm chất, tư cách của vị ngôn sứ. Có lẽ trong đầu họ đã hình dung về hình ảnh ngôn sứ Ê-li-sê, người đã từng làm cho bánh và dầu hóa nhiều trong Cựu Ước. Nhất là, họ nghĩ đến lời hứa rằng Chúa sẽ ban cho họ “một vị ngôn sứ như ông Mô-sê” (Đnl 18,18), người đã từng cho dân chúng ăn manna trong sa mạc. Hơn thế nữa, họ còn muốn tôn Người lên làm vua của họ, một vị vua có thể chữa bệnh và ban cơm bánh. Đó là một vị vua trong mơ của đám đông ấy. Tuy nhiên, Người đã rút lui khỏi họ và lên núi một mình. Bởi lẽ, Người không muốn họ đặt hy vọng nơi Người chỉ vì đói cơm, thiếu áo, hay cuộc sống đau khổ với nhiều bệnh tật. Hình ảnh Lễ Vượt Qua sắp đến gợi nhớ đến việc Chúa giải thoát và cứu dân Người khỏi ách nô lệ Ai-cập.[18] Nó cũng hướng đám đông dân chúng cũng như các độc giả đến một thứ bánh đích thực. Đó chính là Mình và Máu Đức Giê-su, là lương thực thường tồn và là bánh ban sự sống đời đời cho con người. Bí Tích Thánh Thể được thiết lập trong dịp Lễ Vượt Qua cuối cùng, cũng chính là dấu chứng cuộc Thương Khó – Tử nạn của Đức Giê-su. Nhận biết Người là vị ngôn sứ hay làm phép lạ chưa đủ. Mong muốn Người là vị vua mang lại bảo đảm về vật chất và ổn định về chính trị vẫn chưa đủ. Họ phải vươn đến niềm tin nơi một Đấng Mê-si-a-hoàng đế, yêu cho đến chết và chết trên thập giá, Đấng dẫn họ vào vương quốc Thiên Đàng bằng con đường thập giá, chứ không phải chỉ là no nê cơm bánh.

Trớ trêu thay, xã hội chúng ta đang sống luôn tồn tại một thực tế trái chiều: “Người ăn không hết kẻ lần không ra”. Có những nơi giàu có “ăn sung mặc sướng” thì cũng có những nơi nghèo nàn khổ sở, đến nỗi “cơm không đủ no, áo không đủ ấm”. Có những nhà giàu có đến nứt tường đổ vách, thì cũng cò những gia đình kiếm cơm từng ngày, nhà không có tường để đổ. Có những người dư ăn đến nứt thịt căng da, cũng có những người óm đói gầy guộc. Có biết bao người béo phì thì cũng có biết bao người suy dinh dưỡng. Tình hình đại dịch bùng phát với lệnh phong tỏa gắt gao, Sài Gòn chìm trong sự thiếu thốn đủ điều. “Cái bụng” của dân nghèo, và của cả dân giàu đang bị đánh tơi tả vì thiếu thốn những thực phẩm cần thiết. Tuy nhiên, nhiều “tấm lòng” của những con người hảo tâm vẫn bùng phát không thua gì virus Corona. Cùng với loại virus Corona độc hại đang làm suy yếu và giết chết con người, người ta bỗng thấy một loại vi khuẩn “tình thương” đang âm thầm chăm sóc và cứu sống con người. Chính trong hoàn cảnh bi đát nhất của phận người, bản năng của tình người, tình huynh đệ phổ quát bỗng chỗi dậy một cách mạnh mẽ khủng khiếp. Bên cạnh bản năng thú vật của những người chỉ biết nhắm đến lợi lộc của cá nhân, của doanh nghiệp để tăng giá, trục lợi trên nỗi khổ của những con người cùng khổ trong cơn đại dịch, người ta lại tìm thấy những bản năng con người dám bỏ đi tất cả những lợi lộc và cả thời gian, sức khỏe để mang đến những nhu yếu phẩm 0 đồng cho những người thiếu thốn. “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm những ai yêu thương thì đều được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4,7-8.16). Bản năng tình người, tình nhân loại chính là món quà quý giá nhất, đỉnh nhất, “chất” nhất mà Thiên Chúa đã phú bẩm cho con người. Tuy vậy, tiếc thay, nhiều người trong nhiều lúc lại quên yêu thương và đánh mất món quà ấy một cách quá dễ dàng. Đức Giê-su đã chạnh lòng thương những người đói cơm thiếu bánh. Người đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều tức thì. Phép lạ đó khởi đi từ sự rộng rãi chia sẻ của một cậu bé vô danh. Bí quyết phép lạ đó có lẽ Người vẫn gửi lại trong nhân gian, trong lòng mỗi người. Đó là, mỗi khi con người, đặc biệt là những người no đủ biết nhìn thấy cái đói, cái rách nơi những người người thân, người hàng xóm, bạn hữu, và đồng loại. Tình yêu ấy phải được đặt nền tảng và truy nguồn lên tận Thiên Chúa, Đấng đã chết vì yêu nhân loại, không so đo, tính toán thiệt hơn.

Joseph Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

 Chú thích:

[1] “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì

Trên đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành”

Và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự Người” (Tv 23,1-3).

[2] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes (AYB; New Haven – London 2008) XXIX, 236.

[3] R. Brown claims that “There is no way of localizing it, although tradition associates it with the northwest shore of the lake and a hill called “the Mount of the Beatitudes.” (R.E. Brown, The Gospel according to John, 232).

[4] E. Haenchen – R.W. Funk– U. Busse, John. A Commentary on the Gospel of John (Hermeneia; Philadelphia 1984) 271.

[5] Xem thêm về “Lễ Vượt Qua”, Dictionary of Jesus and the Gospels, 273.

[6] Luca cho biết là Hằng Năm Đức Giê-su đều lên Giê-ru-sa-lem, trong bối cảnh Luca trình bày sự kiện Đức Giê-su “bị lạc” cha mẹ, ở lại trong đền thờ, ngồi giữa “các thầy dạy, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi” (Lc 2,41-49). Tuy vậy, đây là thời gian Đức Giê-su còn ở với cha mẹ tại Na-gia-rét. Chúng ta cũng có thể phỏng đoán rằng, Đức Giê-su vẫn tiếp tục thói quen ấy, mỗi năm lên Giê-ru-sa-lem một lần, như những người Do Thái đạo Đức. Thế nhưng, Gioan có điểm nhấn về 3 lần Lễ Vượt qua, trong khi các Tin Mừng Nhất Lãm thì không đề cập.

[7] L. Koehler, et al., The Hebrew and Aramaic lexicon of the Old Testament, 947-948

[8] Xem B.M. Bokser, The Anchor Dictionary (D.N. Freedman et Al. eds.) (New York – London – Tornto – Syned – Auckland 1992) VI Si-Z, “Unleavened Bread and Passover, Feast of.”,755-765; G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 37.

[9] Danh sách 12 Tông đồ theo Tin Mừng Nhất Lãm. Mát-thêu: “đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người” (10,2-4) ; Mác-cô: “Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi, rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người” (3,16-19); Luca: “đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người” (6,2-4).

[10] Luca không nhắc đến tên An-rê trong nhóm các môn đệ đầu tiên, và câu chuyện Đức Giê-su gọi Phê-rô – Gio-cô-bê – Gioan cũng thú vị và kịch tính hơn hai tác giả còn lại.

[11] R.E. Brown, The Gospel according to John, 246.

[12] M. Zerwick – M. Grosvenor, A grammatical analysis of the Greek New Testament (Rome 1974) 303.

[13] ibid.

[14] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII), 234

[15] Về những đặc tính của Bí Tích Thánh Thể trong trình thuật này xem thêm R.E. Brown, The Gospel according to John, 246-247.

[16] M. Zerwick – M. Grosvenor, Greek New Testament (Rome 1974) 303.

[17] G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 88.

[18]F.J. Moloney, “John”, The Paulist Biblical Commentary (Ed. J.E.A. Chiu et al.) (New York 2018) 1137.

Bài trướcBẮC NHỊP CẦU NGÕ HẦU SAN SẺ YÊU THƯƠNG
Bài tiếp theoPHÉP LẠ (CHÚA NHẬT XVII TN-B)