Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 20 Thường Niên – Năm A

0
620

Bài Ðọc I: Is 56, 1. 6-7

“Ta sẽ dẫn con cái Ta lên núi thánh”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Thiên Chúa phán: “Hãy giữ luật và thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và sự công chính của Ta sẽ tỏ hiện.

“Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

Ðáp: Chư dân hãy ca tụng Ngài! Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài (c. 4).

Xướng: 1) Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin tỏ ra cho chúng con thấy long nhan Ngài tươi sáng, để trên địa cầu, thiên hạ nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân người ta được rõ ơn Ngài cứu độ. – Ðáp.

2) Các dân tộc hãy mừng vui và khoái trá, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. – Ðáp.

3) Chư dân hãy ca tụng Ngài. Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, để cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 11, 13-15. 29-32

“Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi Israel, thì Người không hề hối tiếc”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nói với anh em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại, tôi sẽ tôn trọng chức vụ của tôi, nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ. Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết?

Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 15, 21-28

“Này bà, bà có lòng mạnh tin”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

THIÊN CHÚA KHÔNG CHỐI TỪ AI (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Bài Tin Mừng mô tả cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su với người phụ nữ dân ngoại. Có vẻ như theo cái nhìn của Tin Mừng Mát-thêu, đây là cuộc gặp gỡ không mong đợi của Đức Giê-su và dường như Người không hề được chuẩn bị, không hề có một đáp án sẵn cho người phụ nữ dân ngoại này. Tuy nhiên, khi bị thuyết phục bởi lòng tin mạnh mẽ và kiên định của bà, Đức Giê-su đã thay đổi và ban cho người phụ nữ dân ngoại điều bà cầu xin.

  1. Lòng Tin Kiên Vững

Bài Tin Mừng ba lần cho thấy Đức Giê-su ngó lơ hay thậm chí thẳng thắn chối từ lời cầu xin của người phụ nữ dân ngoại, nhưng bà vẫn một lòng tin tưởng vững vàng và hết sức khiêm tốn.

Lần thứ nhất thể hiện qua thái độ “im lặng”: Đứng trước lời cầu khẩn tha thiết của người phụ nữ dân ngoại, Đức Giê-su “không đáp lại một lời” (Mt 15,23). Thái độ của Người có thể bị xem như “bất lịch sự” hay có chút “nhẫn tâm” nếu nhìn theo quan điểm thời nay. Và dẫu quan niệm thời đó thế nào đi nữa thì sự im lặng của Đức Giê-su có thể là sự phân vân của Người; phải chăng Người chưa biết phải ứng xử thế nào! Hoặc Người thấy không đáng phải bận tâm đến người phụ nữ dân ngoại này? Hay đó không hẳn là một sự khước từ hoàn toàn, dứt khoát, khi mà người phụ nữ dân ngoại ít nhiều hiểu biết và nhìn nhận Đức Giê-su là “con vua Đa-vít”! Đáp lại sự im lặng của Đức Giê-su là sự quyết tâm hơn trong lời cầu xin của người phụ nữ; điều này cho thấy lòng tin kiên vững của bà.

Lần thứ hai thể hiện qua câu trả lời cho các môn đệ: Các môn đệ xin Đức Giê-su tỏ thái độ rõ ràng và dứt khoát đối với người phụ nữ vì bà “cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi”. Có lẽ các ông cảm thấy khó chịu khi bị người phụ nữ quấy rầy; không chỉ quấy rầy mà còn quấy rầy dai dẳng. Hay các ông muốn Đức Giê-su đáp ứng nhu cầu của bà sớm để bà khỏi phiền hà nữa! Dù thế nào thì câu trả lời của Đức Giê-su là sự phản ánh quan niệm đương thời, ít ra là theo nhãn quan của Tin Mừng Mát-thêu về sứ mạng của Đức Giê-su rằng Người chỉ được sai đến để rao giảng cho “các con chiên lạc nhà Ít-ra-en”, nghĩa là chỉ dành cho người Do Thái mà thôi. Tuy vậy, thái độ xem ra đóng kín của Đức Giê-su đối với người phụ nữ ngoại giáo không những không làm bà chán nản, mà còn thôi thúc bà thể hiện lòng tin vững mạnh và kiên trung của mình hơn.

Lần thứ ba thể hiện qua lời chối từ thẳng thắn: Cuối cùng, Đức Giê-su cho thấy lập trường dứt khoát của Người trước lời thỉnh cầu tha thiết của người phụ nữ: Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con (x. Mt 15,26b). Đây có vẻ như không chỉ là một sự chối từ thẳng thừng bình thường, mà còn như một lời nhục mạ. Thật ra, câu nói xem ra có vẻ xúc phạm của Đức Giê-su là cách nói quen thuộc của người đương thời nhằm phân biệt con cái với người ngoài. Tuy nhiên, dù giải thích thế nào thì đây vẫn là một lời từ chối dứt khoát, rõ ràng và thẳng thừng, thậm chí có vẻ tàn nhẫn. Dẫu vậy, người phụ nữ không những không tức giận hay cảm thấy bị xúc phạm mà đáp lại cách đầy tin tưởng và khiêm tốn: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15,27). Lòng tin của bà từ đầu đến cuối vẫn kiên vững, không hề lung lay hay thay đổi dù bị muôn vàn thử thách.

  1. Phải Chăng Đức Giê-su Thay Đổi?

Đứng trước lòng tin kiên vững, chân thành và hết sức khiêm tốn của người phụ nữ, Đức Giê-su không thể từ chối bà. Bà không xin bánh của con cái Ít-ra-en, không xin một vị thế ngang bằng với con cái được Thiên Chúa tuyển chọn, bà chỉ xin “những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Nếu đọc đoạn Tin Mừng này trong bối cảnh của phép lạ Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều ở chương trước, với số bánh còn dư là mười hai thúng đầy (Mt 14,13-21) và một phép lạ hóa bánh khác ngay sau đoạn Tin Mừng này, với số bánh dư là bảy thúng đầy (Mt 15,29-39), thì lòng tin mạnh mẽ thể hiện qua lời cầu xin tha thiết được “ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống” của người phụ nữ ngoại giáo thật chân thành, khiêm tốn và ý nghĩa hơn biết chừng nào. Bà hoàn toàn xứng đáng nhận được lòng thương xót của Đức Giê-su: “Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy” (Mt 15,28).

Thật vậy, lòng tin của bà đã làm lay động một Thiên Chúa sẵn sàng thay đổi để thích nghi, một Thiên Chúa có vẻ như không nhất quán từ đầu đến cuối, không khư khư, cứng nhắc trong chương trình vạch sẵn của mình. Đó là một Thiên Chúa nhập thể, sống động, linh động, mềm dẻo và sẵn sàng chấp nhận thay đổi để thích ứng theo hoàn cảnh và theo tấm lòng chân thành và kiên trì của con người. Một Thiên Chúa với lòng thương xót, có thể bị lung lay, có thể động lòng trắc ẩn trước nỗi thống khổ của những con người bất hạnh nhưng biết hoàn toàn tín thác vào quyền năng và lòng thương xót của Người.

Hơn nữa, Đức Giê-su chính là hiện thân của một Thiên Chúa, Đấng tuyển chọn Ít-ra-en làm dân riêng của Người, dành cho họ mọi ưu ái cách đặc biệt, nhưng đồng thời cũng sẵn lòng mở ra với dân ngoại có lòng thành tìm kiếm và đặt trọn lòng tin nơi Người. Thật vậy, Tin Mừng Mát-thêu tuy nhắm đến đối tượng độc giả là các Ki-tô hữu gốc Do Thái, đề cao ơn cứu độ trước hết dành cho dân Ít-ra-en được tuyển chọn, nhưng ngay từ đầu Tin Mừng cũng đã báo hiệu một Đấng Cứu Thế khi vừa sinh ra đã để cho các đạo sĩ dân ngoại tìm đến bái lạy (x. Mt 2,1-12). Và khi kết thúc Tin Mừng, Đức Giê-su Phục Sinh trong Tin Mừng Mát-thêu không sai các môn đệ đến với con chiên lạc nhà Ít-ra-en nữa, mà sai các ông “hãy đi và làm cho “muôn dân” trở thành môn đệ” (x. Mt 28,19a).

Quả thế, Thiên Chúa trong Cựu Ước cũng linh động mở ra cho dân ngoại như thế. Bài đọc một trích từ I-sai-a đệ tam (Is 56-66), phản ánh khung cảnh của dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem thời hậu lưu đày, vừa mời gọi dân Chúa hãy “tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh” (Is 56,1), vừa cho thấy rằng dân ngoại không phải là những người bị ghét bỏ, hay bị loại trừ. Nếu họ biết gắn bó với Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh; nếu họ trở nên tôi tớ của Thiên Chúa, giữ ngày sa-bát, cùng tuân thủ giao ước của Người, thì họ cũng được Thiên Chúa dẫn lên núi thánh của Người (x. Is 56,6), là nơi thờ phượng không chỉ cho dân Do Thái mà còn là “nhà cầu nguyện dành của muôn dân” (x. Is 56,7).

Sau cùng, trong bài đọc hai, khi ngỏ lời với những tín hữu gốc dân ngoại trong cộng đoàn tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô cho thấy ngài nhiệt thành với sứ mạng được trao phó và ngài tự hào vì được trao trọng trách loan báo Tin Mừng cho những người dân ngoại. Thế nhưng sứ mạng đến với dân ngoại của thánh Phao-lô cũng gặp không ít khó khăn, trắc trở, chống đối, mà phần nhiều trong số đó lại do chính đồng bào của ngài, những người Do Thái gây nên (x. Cv 18,6; 28,19). Tuy vậy, dù trong hoàn cảnh nào, thánh Phao-lô cũng mở ra cánh cửa của lòng thương xót Chúa, đối với cả dân Do Thái lẫn dân ngoại. Đối với ngài, cả dân ngoại lẫn dân Israel, dù đã từng “ở trong tội không vâng phục” vì đã không tin vào Đức Ki-tô, thì đó lại là cơ may để Thiên Chúa bày tỏ lòng thương xót của Người khi ban ơn đức tin, ơn ban không phải chỉ cho dân ngoại hay dân Ít-ra-en mà thôi, mà là cho tất cả “mọi người” (Rm 11,32).

Vài gợi ý suy gẫm:

Đức tin chân thành, kiên vững và khiêm tốn của người phụ nữ ngoại giáo trong bài Tin Mừng thật đáng khâm phục. Chúng ta học được gì khi chiêm ngắm đức tin mạnh mẽ của người phụ nữ ngoại giáo? Phải chăng có khi đức tin của chúng ta vẫn còn nông cạn, hời hợt, bấp bênh trước bao nhiêu thử thách của cuộc sống thường nhật? Chúa Giê-su đã động lòng trước tấm lòng chân thành và đức tin kiên vững của người phụ nữ dân ngoại, liệu chúng ta có quá cứng nhắc, máy móc, thiếu sự linh động, trong suy nghĩ và hành động, đến mức thiếu lòng bao dung và vị tha, nhất là đối với những người xem ra không cùng niềm tin, không cùng quan điểm hay không cùng phe nhóm của mình?

 


 

ĐỨC TIN VÀ LÒNG MẾN LÀM NÊN TẤT CẢ (Lm. Stêphanô Nguyễn Hồng Ân, SVD)

Sau thảm hoạ động đất năm 2011, khu vực tâm chấn của nước Nhật đã bị tàn phá bình địa và nhiều người đã bị chôn vùi trong đống đổ nát. Động đất qua đi, lực lượng cứu hộ bắt đầu các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Và khi họ tiếp cận đống đổ nát từ ngôi nhà, họ thấy thi thể người phụ nữ qua các khe nứt. Nhưng tư thế của cô có gì đó rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện; cơ thể nghiêng về phía trước, và hai tay cô đang đỡ lấy một vật gì đó. Ngôi nhà sập lên lưng và đầu cô.

Đội trưởng đội cứu hộ đã gặp rất nhiều khó khăn khi anh luồn tay mình qua một khe hẹp trên tường để với tới thi thể nạn nhân. Anh hy vọng rằng, người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Thế nhưng cơ thể lạnh và cứng đờ cho thấy cô đã chết.

Cả đội rời đi và tiếp tục cuộc tìm kiếm ở những toà nhà khác. Không hiểu sao, viên đội trưởng cảm thấy như bị một lực hút kéo trở lại ngôi nhà của người phụ nữ. Một lần nữa, anh quỳ xuống và luồn tay qua khe hẹp để tìm kiếm ở khoảng không nhỏ bên dưới xác chết. Bỗng nhiên, anh hét lên sung sướng: “Một đứa bé! Có một đứa bé còn sống.”

Cả đội đã cùng nhau cẩn thận dỡ bỏ đống đổ nát xung quanh người phụ nữ. Một em bé ba tháng tuổi được bọc trong một chiếc khăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ đứa con. Cậu bé vẫn đang ngủ một cách yên bình khi đội cứu hộ nhấc em lên.

Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khỏe của cậu bé. Sau khi mở tấm khăn, ông nhìn thấy một mảnh giấy nhàu nát, với giòng chữ viết bằng máu từ đầu ngón tay: “Nếu con có thể sống sót, con hãy nhớ rằng mẹ rất yêu con”. Mảnh giấy đã được chuyền từ tay người này sang tay người khác. Tất cả những ai đã đọc mẩu tin đều không ngăn nổi dòng nước mắt cảm động.

Bà mẹ Canaan trong bài Tin Mừng hôm nay cũng tương tự người mẹ Nhật Bản trong câu chuyện trên. Bà đã làm tất cả vì đứa con yêu dấu. Vì thương đứa con gái bị quỷ ám, bà đã lặn lội đi tìm Đức Giêsu, nài nỉ van xin Người; dù bị xua đuổi bà vẫn kiên trì, bị các Môn đệ hất hủi, bà vẫn không nản lòng, bị Chúa Giêsu nói lời nặng nề, bà vẫn không bỏ cuộc. Qua thái độ của phụ nữ Canaan hôm nay, lời Chúa muốn nhắc nhở chúng ta hai phẩm chất cao quí của người Kitô hữu, đó là: Tin và Yêu.

1. Đức Tin – Điều Kiện Để Được Thiên Chúa Nhận Lời

Sau thời gian bị lưu đày ở Babylon, dân Israel được trở về quê hương, và xây dựng lại đền thờ Giêrusalem. Lúc này đền thờ trở nên trung tâm của mọi sinh hoạt tôn giáo và xã hội. Trong thời gian này, có nhiều dân ngoại trú ngụ tại Israel; vậy vấn đề đặt ra là họ có được nhận lãnh ơn cứu độ của Thiên Chúa không? Ngôn sứ Isaia đã trả lời rõ ràng: Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu độ cho dân riêng của Người là Israel, mà Ngài còn muốn rộng ban ơn cứu độ cho tất cả những ai tin nhận Ngài là Thiên Chúa chân thật và duy nhất, “vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56,7).

 Trong bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ cũng gặp phải một vấn đề tương tự. Một người phụ nữ Canaan tìm đến với Chúa Giêsu để xin Chúa một ân huệ. Các môn đệ cũng đã phản ứng như quan niệm xưa cũ: tìm cách đuổi người phụ nữ ngoại giáo phiền hà ấy đi để được yên thân. Nhưng đức tin rất khiêm nhường và hoàn toàn trông cậy của người phụ nữ ngoại giáo ấy đã khiến bà được xếp vào hàng con cái Thiên Chúa, và đã đã được Chúa Giêsu cho bà được như ý: Chúa chữa cho con bà khỏi bị quỉ ám.

Tại sao Chúa đã động lòng và ban cho bà ấy điều bà đã khẩn cầu? Thưa, đó là nhờ đức tin mạnh mẽ. Người phụ nữ đã phải đối phó với thử thách. Thử thách khi Chúa đã có thái độ từ chối: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel thôi”(Mt 15,24). Chúa Giêsu giải thích rõ vì giờ ngài chưa đến, nhưng bà cứ van nài mãi, đến độ Chúa Giêsu trả lời có vẻ nặng nề: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15,26).

 Nếu đặt mình vào hoàn cảnh người phụ nữ này, chúng ta cảm thấy cay đắng biết chừng nào khi nghe những lời đó và có lẽ sẽ rút lui trong thất vọng và uất ức. Thế nhưng người phụ nữ này vẫn không giận, không buồn mà bỏ cuộc, trái lại còn cố gắng thuyết phục: “Thưa Ngài, đúng thế. Nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15,27).

Đức tin thật mạnh mẽ của bà đã kiến Chúa Giêsu không thể nào chối từ được; Người đã thực sự động lòng mà đáp ứng nguyện vọng của bà: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì được vậy”(Mt 15,28).Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

Nhờ đức tin mà một người ngoại được gia nhập hàng ngũ con cái Ápraham.Một người xem ra bị ruồng bỏ, bị xa lánh giờ đây được đón tiếp. Người phụ nữ Canaan bị các môn đệ coi thường, giờ đây được Thầy của họ khen ngợi và lấy làm gương. Người khách lạ trở nên người thân thuộc, và được ngồi vào bàn ăn của Chúa, sát bên Người.

 Còn chúng ta, là Kitô hữu nhưng đức Tin của chúng ta ở mức độ nào ?

Những khi gặp phải đau thương, thử thách và mất mát trong cuộc đời, chúng ta có nghi ngờ tình thương của Chúa không? Liệu chúng ta có biết lợi dụng những hoàn cảnh ấy để đức tin của chúng ta được thanh lọc mà đến gần đến Chúa, gặp gỡ Chúa và đối thoại thân mật với Chúa hơn không?

2. Đức Tin Dẫn Đến Đức Mến

Thật vậy, đức tin phải được biểu lộ bằng đức mến. Người ta sẽ nhận ra chúng ta là người môn đệ đích thực của Đức Kitô do cuộc sống yêu thương bác ái của chúng ta. Người phụ nữ Canaan đã vì yêu con tha thiết nên bà không thể nhẫn tâm ngồi nhìn ma quỉ hành hạ đứa con yêu quí. Vì yêu con tha thiết nên bà không ngần ngại đi tìm thầy tìm thuốc ở khắp mọi nơi, kể cả những nơi bị coi là cấm kỵ. Vì yêu con tha thiết nên bà chấp nhận tất cả, không chỉ sự mệt nhọc tìm kiếm mà cả sự dửng dưng lạnh nhạt và nhất là sự khinh khi của người khác. Vì tin Chúa và yêu con, nên bà đã kiên nhẫn cầu xin Chúa, vì bà tin rằng Chúa cũng yêu thương nhân loại và không bao giờ từ chối lời bà cầu xin.

Tin và Yêu giống như chìa khóa vạn năng có thể mở được mọi cánh cửa, kể cả cánh cửa để kín múc lòng nhân hậu và hồng ân Thiên Chúa, nhờ tin – yêu mà chúng ta có thể mở được cánh cửa Nước Trời.

Xin Chúa củng cố lòng tin của Chúng ta; và xin cho mỗi người có được quả tim biết yêu thương của Chúa, để chúng ta biết đồng cảm với với những nỗi đau của anh chị em xung quanh, hầu có thể giúp họ vững tin vào quyền năng và tình thương của Chúa.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 19 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 20 TN-A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.