CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

0
1422

LỜI CHÚA: Ga 20,19-23
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

 

ĐẤNG BAN SỰ SỐNG 
Hơi thở là một yếu tố vô cùng cần thiết cho sự sống của con người. Không có khí thở trong vòng 3 phút, bộ não của chúng ta sẽ bị tê liệt và nhiều bộ phận sẽ bị tổn thương không thể phục hồi. Thiếu hơi thở trong vòng 5 phút, con người sẽ trở thành cái xác không hồn. Trong đời sống thiêng liêng, Thần Khí Thiên Chúa và các ơn thánh hóa Ngài ban cũng cần thiết cho sự sống của linh hồn chúng ta như vậy.
Qua các bài đọc phụng vụ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội muốn nhắc nhở và kêu mời chúng ta ý thức hơn về sự hiện diện của Thần Khí Chúa trong đời sống Kitô hữu của chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay diễn tả việc Chúa Giêsu Phục Sinh thổi hơi trên các Tông Đồ, nghĩa là trao ban Thần Khí của Ngài cho các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Hình ảnh này gợi lại cho chúng ta thời điểm tạo dựng trong sách Sáng Thế khi Thiên Chúa tạo dựng con người. Thiên Chúa thổi Thần Khí của Ngài vào mũi con người để con người có hồn thiêng sống động. Vai trò của Chúa Thánh Thần cũng còn được thể hiện trong cuộc đàm đạo của Đức Giêsu với ông Nicôđêmô, khi Người nói: “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Như vậy, Thánh Thần là Đấng tạo nên sự sống, nhưng sự sống ở đây là sự sống nào và chúng ta nhận được sự sống này bằng cách nào? Ngày chịu phép Rửa Tội, mỗi chúng ta đã nhận được sự sống của Thần Khí, chúng ta trở nên con Thiên Chúa, được thông phần vào sự sống của Ngài. Thánh Thần làm cho chúng ta tin vào Đức Giêsu và đồng thời tháp nhập chúng ta vào với Đức Giêsu, biến ta thành chi thể của Người.

Thánh Thần còn là Đấng có khả năng làm tái sinh con người, biến họ thành những chứng nhân cho Tin Mừng với tâm hồn bình an, không sợ sệt lo lắng. Đó là sức mạnh năng lực thần linh được diễn tả trong Bài Đọc 1 hôm nay. Khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ đã trở nên khác hẳn. Trước khi các Tông Đồ lãnh nhận ơn Thần Khí, các ngài nhút nhát sợ hãi, nay các ngài mạnh dạn hăng hái. Trước kia các Tông Đồ chỉ nghĩ cho bản thân, nay các ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống, để làm chứng cho Thiên Chúa. Chính Thần Khí làm cho tâm hồn các Tông Đồ bình an, và có bình an trong tâm hồn, các ngài mới đủ can đảm để công khai làm chứng cho Thiên Chúa.

Sự sống của Chúa Thánh Thần còn thể hiện trong Giáo Hội Công Giáo bằng cách làm phát sinh nhiều ơn thánh. Dưới sự hướng dẫn và hoạt động của Thánh Thần, mỗi người được mời gọi sống, làm việc và làm chứng cho Chúa theo những cách thức khác nhau, theo những phận vụ khác nhau. Trong các nhiệm vụ đó, chỉ có một Thánh Thần là Đấng đã liên kết mọi người lại với nhau. Bởi vì như thánh Phaolô đã nói trong Bài Đọc 2: “Có những ân huệ khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí. Có những việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa…Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người, là vì ích chung” (1 Cr 12,4-7). Đây là dấu báo trước tính cách đại đồng: Hội Thánh là cho muôn dân. Bầu khí Lễ Ngũ Tuần khác hẳn với tình cảnh trong truyện tháp Baben (St 11,1-9), hỗn loạn vì không thể hiểu nhau, dù cùng ngôn ngữ. Ngày xưa cũng như ngày nay, biết bao cảnh Baben như thế trong gia đình, và xã hội!

Trong đời sống của chúng ta hôm nay dưới tác động của Chúa Thánh Thần, nhiều người được ơn nói tiếng lạ nhưng không phải là lời nói, mà qua hành động của mình. Ngôn ngữ đó chính là những việc làm bác ái, những cử chỉ yêu thương tha thứ và phục vụ. Liên kết con người lại với nhau giống như Ngài đã liên kết mọi người trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Mẫu gương mà ai trong chúng ta cũng đều biết đến chính là mẹ Têrêxa Calcuttta.Mẹ đã nói tiếng lạ qua việc làm bác ái yêu thương đối với những người nghèo khổ. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thể hiện cử chỉ yêu thương được diễn tả qua hành động tha thứ cho người đã ám sát mình. Và còn biết bao người đang âm thầm phục vụ các bệnh nhân hay trẻ em nghèo một cách vô vị lợi. Với những cử chỉ này, mọi dân mọi nước đều có thể hiểu và nhận ra chúng ta là những Kitô hữu đích thực, là các chi thể thuộc cùng một thân thể Đức Kitô, là anh em cùng một Cha trên trời.

Mừng Lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, trước tiên chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa Thánh Thần để Người đến mở cửa lòng chúng ta. Ngôi nhà tâm hồn của chúng ta đang quá hẹp không muốn đón nhận anh chị em mình. Ngôi nhà tâm hồn của ta đang bị đóng kín vìsợ tha nhân đến làm phiền, nhờ vả, và thậm chí sợ cả Thiên Chúa đến quấy động cuộc sống của mình. Mỗi người hãy mạnh dạn để cho Chúa Thánh Thần thổi hơi vào trong tâm hồn để chúng ta sẵn sàng đến với anh chị em, và trở thành khí cụ bình an của Chúa, và góp phần vào việc giúp người khác đón nhận được sự sống của Chúa Thánh Thần.

Hôm nay Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đã đến mở ra cho các môn đệ chân trời của cuộc sống mới, khiến các Tông Đồ hăng hái ra đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Ước gì mỗi người chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn, hăng hái lên đường làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Amen.

Giuse Trần Quang Chinh, SVD

Bài trướcGIỚI THIỆU VỀ DÒNG TRUYỀN GIÁO NGÔI LỜI (SVD) – TỈNH DÒNG VIỆT NAM
Bài tiếp theoĐức Cha Đinh Đức Đạo, tân Giám Mục chính tòa Xuân Lộc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây