VỘI VÃ THĂM VIẾNG (19/12, CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG – C)

0
239

Các bài đọc: Mk 5,1-4a; Hr 10,5-10; Lc 1,39-45

Tin mừng: Lc 1, 39-45

39 Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. 40 Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét.

41 Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.

43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.

45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

—oOo—

BÀI GIẢNG

VỘI VÃ THĂM VIẾNG (Lm. G. B Nguyễn Văn Hảo, SVD)

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Maria đi thăm viếng gia đình chị họ: “Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét” (Lc 1,39-40). Vậy chúng ta cùng suy nghĩ xem tại sao Đức Maria lại phải “vội vã”? Sự vội vã của Mẹ có ý nghĩa gì?

Tìm Hiểu Sứ Điệp Lời Chúa

Như chúng ta biết, thông thường người ta chỉ vội vã khi ở trong những tình trạng khẩn cấp để giải quyết một công việc nào đó. Nhưng trong trường hợp này, Đức Maria có thực sự ở trong tình trạng khẩn cấp không? Chắc chắn rằng Đức Maria không nhất thiết phải vội vàng, bởi gia cảnh của ông Dacaria và bà Êlisabét không rơi vào tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, Đức Maria vẫn vội vã đi thăm viếng gia đình chị họ. Sự vội vã của Đức Maria truyền tải ít nhất ba ý nghĩa sau đây, và đó cũng là những điều đáng để chúng ta suy gẫm và sống trong mùa Giáng Sinh sắp tới.

Thứ nhất, Đức Maria tỏ ra vội vã là do được thôi thúc bởi tâm hồn vừa đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể; Mẹ vội vã ra đi là để mang Ngôi Lời Nhập Thể đến với gia đình ông Dacaria càng sớm càng tốt. Chính nhờ việc vội vã ra đi như thế mà nhân loại biết được rằng Thiên Chúa làm người và ở giữa nhân loại như lời bà Êlisabét: “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm thế này?” (Lc 1,43). Sự hiện diện của Mẹ Thiên Chúa báo trước sự diện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại trong một tương lai gần.

Thứ hai, Đức Maria vội vã ra đi vì muốn cùng chung chia niềm vui với tha nhân, khi biết rằng Thiên Chúa cũng đã đoái thương đến chị họ mình qua lời loan báo của sứ thần (x. Lc 1,36). Sự ra đi, gặp gỡ và hiện diện của Mẹ không chỉ để chia sẻ niềm vui với thế hệ hiện tại mà đại diện là ông bà Dacaria, mà còn để đem niềm vui đến cho thế hệ tương lai, với đại diện là thai nhi Gioan và rộng hơn là toàn nhân loại: “Này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng” (Lc 1,44).

Thứ ba, Đức Maria vội vã là để đem bình an đến cho gia đình chị họ bằng chính sự hiện diện và giúp đỡ của mình, bởi Mẹ thấu hiểu rằng một thai phụ già yếu và sắp sinh con sẽ cảm thấy rất yên tâm khi có người ở bên chăm sóc và giúp đỡ. Sự hiện diện của Đức Maria, cùng với Ngôi Lời Nhập Thể mà Mẹ đang cưu mang trong lòng, thực sự trở thành nguồn bình an và nâng đỡ lớn lao cho gia đình ông bà Dacaria, và cho cả nhân loại, như lời tiên báo của ngôn sứ Mikha trong bài đọc một: “Chính Người sẽ đem lại hòa bình” (x. Mk 5,4a).

Gợi Ý Áp Dụng Sứ Điệp Lời Chúa

Khi suy gẫm về sự vội vã của Đức Maria với những nghĩa cử cao đẹp như thế, chúng ta tự hỏi mình sẽ hành động như thế nào, và sẽ sống ra sao khi chúng ta cũng là những người đã thực sự đón nhận Chúa vào đời mình?

Thứ nhất, như Đức Maria đã vội vã lên đường để mang Ngôi Lời Nhập Thể đến cho tha nhân, chúng ta cũng được mời gọi sống theo gương Mẹ. Là Kitô hữu, tất cả chúng ta đều là những người đã đón nhận Ngôi Lời, là người có Chúa Kitô, nhưng chúng ta có sẵn sàng, có thật sự vội vã mang Chúa đến cho tha nhân hay không, hay chúng ta đang tìm cách trì hoãn hoặc thoái thác sứ vụ đó? Nếu chỉ lo chuẩn bị những đồ trang trí bên ngoài như hang đá, hoa đèn … để tổ chức lễ Giáng Sinh cho hoành tráng mà không vội vã đem Chúa đến cho người khác, thì rõ ràng chúng ta không hiểu và không sống tinh thần của mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Nếu chúng ta chỉ lo cho tổ chức lễ hội mang tên Giáng Sinh mà thôi thì chúng ta đang đi lạc hướng, hoàn toàn không phù hợp với ý nghĩa của mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.

Thứ hai, như Đức Maria đã vội vã lên đường để chia sẻ niềm vui với tha nhân, chúng ta tự xét xem mình có thực sự vội vã và muốn mang niềm vui của Ngôi Lời Nhập Thể đến chia sẻ với tha nhân hay không? Hay chúng ta chỉ làm một cách qua loa, làm cho xong chuyện, làm hình thức chiếu lệ rồi lên mạng khoe hình ảnh, mà không hề biết tha nhân có vui mừng hay không? Nhiều khi chúng ta chỉ làm theo phong trào, chú trọng hình thức, mà không hề để lại cho tha nhân một chút niềm vui mang chiều kích cứu độ, dù là rất nhỏ.

Thứ ba, như Đức Maria vội vã lên đường để ở lại và giúp đỡ tha nhân, hầu cho tha nhân sự an tâm, chúng ta tự hỏi liệu chúng ta có vội vã ra đi giúp đỡ anh chị em mình khi biết họ đang cần trợ giúp hoặc khi được yêu cầu hay không? Hay chúng ta cứ chần chừ và biện lý do để trì hoãn hay từ chối giúp đỡ những người đang rất cần chúng ta?

Lời Chúa là để sống, để áp dụng cho cuộc sống, chứ không phải chỉ để đọc hoặc để nghe. Qua việc suy gẫm Lời Chúa hôm nay, những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, cầu xin Chúa cho mỗi người biết chuẩn bị tâm hồn một cách chu đáo cùng với tinh thần ba vội vã: vội vã đem Ngôi Lời Nhập Thể đến cho tha nhân; vội vã đem niềm vui Giáng Sinh đến cho tha nhân; và vội vã đến để giúp đỡ tha nhân, làm cho cho tha nhân cảm thấy được bình an khi có Ngôi Lời ở cùng vì Người là Đấng Emmanuel, Đấng “đem lại bình an”. Amen.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Năm C (Lc 1,39-45.56)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (19/12, Chúa Nhật 4 Mùa Vọng)