TỰA NƯƠNG CHÚA… (Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm C)

0
253

Bài đọc 1: Cv 5,27b-32.40b-41 Bài đọc 2: Kh 5,11-14

Tin mừng: Ga 21, 1-14

1 Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: 2 “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau.

3 Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào.

4 Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu.

5 Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không ?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”.

6 Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá.

7 Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.

8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.

9 Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh.

10 Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”.

11 Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách.

12 Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai ?”, vì mọi người đã biết là Chúa.

13 Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế.

14 Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

 

—– BÀI GIẢNG —–

 

TỰA NƯƠNG CHÚA VÀ MỘT TÌNH YÊU TRỔI VƯỢT DÀNH CHO NGÀI (Lm. Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD)

Wiliam Shakespeare là đại văn hào người Anh trong tác phẩm Hamlet có một câu nói nổi tiếng về triết lý sống của con người mọi thời đại: “To be or not to be, that is the question” (Sống hay không sống, đó là vấn đề). Nếu chọn sống thì đồng nghĩa với việc phải chiến đấu với thế lực sự ác để bảo vệ sự thiện. Còn nếu buông xuôi, mặc cho cuộc đời trôi nổi cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận sống một cuộc đời hèn nhát, mặc cho sự dữ hoành hành.

Kính thưa cộng đoàn, “sống hay không sống” đó cũng là tâm tình của các môn đệ Chúa Giêsu khi phải đối diện với những chọn lựa: vâng lời Thiên Chúa hay vâng lời người phàm. Nếu vâng lời Thiên Chúa thì phải can đảm chiến đấu với thế lực thế gian, chịu bắt bớ, thậm chí là phải chết; nếu chọn thỏa hiệp với thế gian thì chấp nhận chối bỏ Thiên Chúa. Câu trả lời phụ thuộc vào việc các môn đệ có dành cho Chúa Giêsu một tình yêu trổi vượt hơn hay không?

  1. Dựa Vào Thế Lực Nào?

Khi quỷ dẫn Chúa Giêsu lên ngọn núi cao, chỉ cho Ngài thấy tất cả vinh hoa phú quý của thế gian rồi ngỏ lời với Chúa: Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi (Mt 4,9). Chọn lựa sống dựa vào quyền năng Thiên Chúa hay dựa vào thế lực satan để được vinh hoa phú quý chóng qua là chọn lựa của mỗi người chúng ta, ngay cả Chúa Giêsu khi nhập thể làm người cũng không tránh khỏi. Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta thấy sự tuân phục Thiên Chúa một cách triệt để nơi Phêrô và các môn đệ khi các ngài ngang nhiên trả lời: “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta” (Cv 5,29). Để dám thốt lên những lời này trước thế lực có chức quyền thời đó quả thật là Phêrô đã rất can đảm và kiên vững trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Vì như chúng ta biết, khi Phêrô tuyên xưng mạnh mẽ như vậy, hậu quả là có thể phải chịu máu đổ, đầu rơi bất cứ lúc nào.

Mặt khác, vâng theo thánh ý Chúa, con người sẽ làm được những chuyện lớn lao hơn rất nhiều so với dựa vào sức riêng. Trình thuật Tin Mừng cho chúng ta thấy, khi các môn đệ dựa vào sức riêng của bản thân, dù cho các ông là những ngư phủ có bề dày kinh nghiệm, kết cuộc là thức trắng đêm mà chẳng được gì. Các ông chỉ đánh được mẻ cá nhiều bất ngờ khi có Chúa hiện diện, khi vâng nghe Lời Chúa: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” (Ga 21,6). Sau mẻ cá bất ngờ, được cùng ăn với Thầy, các môn đệ từ đó trở thành những kẻ lưới người. Các ông ra đi rao giảng Tin Mừng Đức Kitô Phục Sinh cho mọi người.

Nhà vật lý Acsimet nói: “Nếu cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất này lên”. Lời khẳng định này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của điểm tựa trong cuộc đời. Ở điểm này, chúng ta sẽ gặp thấy nơi tinh thần của Chúa Giêsu. Ngài không hành động dựa theo ý riêng, nhưng là theo ý Cha mọi đàng, trong mọi hoàn cảnh. Ngay cả khi gặp đau khổ, thử thách lớn nhất là phải đối diện với thập giá, có vẻ Ngài bị cám dỗ theo ý riêng là né tránh thập giá: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con” (Mt 26,39). Nhưng cuối cùng Ngài cũng xin thi hành theo Thánh Ý Cha. Đây chính là mục đích mà Đức Kitô nhắc đi nhắc lại cho các môn đệ của Ngài khi còn sống với các ông: “Ta đến không để làm theo ý Ta; nhưng làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 4,34; 5,30; 6,38). Tiếp đến, qua Con Một yêu dấu, Chúa Cha ban lệnh truyền cho các môn đệ cách riêng và cho tất cả chúng ta hãy vâng nghe Chúa Giêsu. “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Cũng vì lấy Chúa làm điểm tựa, mà Phêrô và các môn đệ chọn sống vâng Lời Thiên Chúa là rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh; cũng bởi lấy Chúa làm điểm tựa, dựa vào quyền năng của Chúa mà các ngài được mẻ cá lạ lùng; cũng lấy Chúa làm điểm tựa cuôc đời nên các môn đệ từ những ngư phủ lưới cá, trở thành những kẻ lưới người. Vì lấy Chúa làm điểm tựa mà Phêrô đã nói với người què ăn xin tại cửa đẹp đền thờ: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3,6).

Lời Chúa hôm nay đánh thức mỗi người chúng ta: chúng ta đã và đang sống dựa vào thế lực nào? Chúng ta chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hạnh phúc vĩnh cửu hay chọn cái tạm bợ chóng qua? Chúng ta đang nhân danh Chúa hay nhân danh các thế lực của thế gian? Qua đó, chúng ta lại được mời gọi sống theo tinh thần của Phêrô và các môn đệ, vâng nghe Lời Chúa, thi hành theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, bất chấp tất cả những hệ lụy.

  1. Một tình yêu trổi vượt hơn tất cả mọi tương quan khác

Nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Thiên Chúa chăn dắt, cứu độ dân Ngài không phải bằng sự tính toán theo lý trí như những doanh nhân tính toán vì mục đích lợi nhuận. Chúa cứu dân Ngài, đồng hành với dân, đơn giản là chỉ vì Ngài yêu thương với một tình yêu vô biên. Có thể nói, nếu như Chúa không có lòng thương xót vô biên thì lịch sử nhân loại coi như chấm hết ngay sau khi nguyên tổ phạm tội. Vì tình yêu, Thiên Chúa đã lên cả một chương trình dài nhằm cứu độ con người. Nói như Blaise Pascal: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được”. Tinh thần đó chúng ta bắt gặp trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, tác giả ghi lại cuộc phỏng vấn của Đức Giêsu Phục Sinh dành cho Phêrô tại biển hồ Tibêria. Chúng ta như được xem những thước phim quay lại cảnh Chúa tuyển chọn vị giáo hoàng đầu tiên để chèo lái con thuyền Giáo Hội của Ngài. Điều kiện duy nhất Chúa đưa ra khi phỏng vấn Phêrô là: “con có yêu mến Thầy không”? Trước khi giao phó sứ vụ là thuyền trưởng, dịu dắt con thuyền Giáo Hội, Chúa đòi buộc Phêrô phải có tình yêu dành cho Chúa lớn mạnh, trổi vượt hơn tất cả mọi tương quan khác. Phêrô xác tín rằng Chúa biết mọi sự, Chúa biết tình yêu của ông dành cho Chúa lớn hơn tất cả, mặc dầu trước đó ông có những yếu đuối, vấp ngã: “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Như vậy, lòng mến là điều kiện không thể thiếu đối với người môn đệ Chúa. Vì chỉ khi người môn đệ có lòng mến dành cho Chúa đủ lớn, khi đó mới yêu thương và phục vụ đoàn chiên của Chúa.

Khi một phóng viên hỏi Mẹ Têrêsa Calcutta rằng: “động lực nào khiến mẹ phục vụ tha nhân cách hăng say như vậy?”. Mẹ trả lời: “vì tôi yêu mến Chúa Giêsu”. Khi chúng ta yêu mến Chúa, đương nhiên sẽ yêu thương và sẵn sàng phục vụ anh chị em. Cũng trong tinh thần này mà thánh Augustinô dám thốt lên câu nói: “cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Ngay giờ này, Chúa cũng hỏi từng người chúng ta như đã hỏi Phêrô: “con có yêu mến Thầy không”? Mỗi người chúng ta phải trả lời câu hỏi này bằng chính đời sống đức tin của mình. Khi có tình yêu mến Chúa đủ lớn, chúng ta sẽ luôn chọn lựa vâng lời Chúa mọi nơi, mọi lúc, bất chấp bất cứ thế lực nào uy hiếp.

Kính thưa cộng đoàn, Chúa Giêsu đã chết, nhưng không phải là một dấu chấm hết, mà từ trong cõi chết Ngài đã phục sinh. Như vậy, Chúa đã chiến thắng sự chết, chiến thắng mọi thế lực sự dữ. Sự chiến thắng của Chúa Kitô cũng được diễn tả trong bài đọc hai trích từ sách Khải Huyền: Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc” (Kh 5,12). Chúa đã phục sinh, tất cả chúng ta là những người đi theo Chúa, chúng ta đi trên con đường mang tên Giêsu, con đường không tránh khỏi thập giá, nhưng chúng ta tin rằng, phía cuối con đường là vinh quang phục sinh mở ra đón chúng ta. Như Chúa đã nói: “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).

Nói tóm lại, khi chúng ta có tình yêu mến Chúa đủ lớn, lấy Chúa làm điểm tựa cuộc đời, sống tin thác vào quyền năng và tình thương của Chúa, chúng ta sẽ can đảm đi theo Chúa.

Lạy Chúa, cuộc sống vốn thiên hình vạn trạng, giữa dòng đời này chúng con dễ lạc lối, mất phương hướng bởi sự quyến rũ của thế gian, xin cho chúng con sáng suốt chọn vâng theo Thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh và yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Amen.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh, năm C (Ga 21,1-19)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (1/5, Chúa Nhật 3, Phục Sinh Năm C)