TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG BẤT NGỜ (28/11, Chúa Nhật 1 Mùa Vọng, năm C)

0
359

Các bài đọc: Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36

Tin mừng: Lc 21,25-28.34-36

Ðức Giêsu nói về ngày Quang lâm của Người rằng: 25 “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.

26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.

28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.

34 Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.

36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người”.

—————–

SUY NIỆM

TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG BẤT NGỜ ( Lm. Giuse Trần Minh Hùng, SVD)

Những cuộc “viếng thăm” của Thiên Chúa đến với dân Người luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ. Có phải do tính bất ngờ này mà con người không nhận biết Người? Trong biến cố Ngôi Lời Nhập Thể, Người đến nhưng “người nhà chẳng chịu đón nhận.” Và khi Người ở giữa thế gian, hiện diện để rao giảng, chữa lành và ủi an, “người ta lại không nhận biết Người” (x. Ga 1,10-11). Vì thế, có lần Chúa Giêsu cảnh báo: “Khi Con Người đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8) Lời cảnh báo này như mời gọi con người một sự hoán cải và thay đổi về cách nhìn, cách suy nghĩ và đời sống mình đối với Chúa. Chúa đến lần hai khi nào ta không thể biết và dĩ nhiên ta cũng không có cơ hội để kịp sửa sai. Do vậy, hành động khôn ngoan của người tin hôm nay, đó chính là: sống tỉnh thức và cầu nguyện.

Tỉnh Thức Trước Những Dấu Chỉ Của Thời  Đại

Ngày Chúa đến trong vinh quang thời cánh chung khi nào? Chẳng ai có thể biết trước được. Đã nhiều lần người ta dự đoán thế giới sẽ tận thế khi tựa trên những điều mà Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả.” (Lc 21,25-28).

Các Kitô hữu tiên khởi đã có lúc tin tưởng rằng thế giới sẽ đến hồi kết trước khi họ chết. Vì thế, họ nghĩ rằng mình phải sống tỉnh thức, cảnh giác, để bất kỳ lúc nào ngày đó đến, họ sẽ không ngủ quên, thiếu chuẩn bị, hoặc chè chén say sưa. Tuy nhiên, khi năm tháng qua đi, và Chúa Giêsu vẫn chưa tái lâm, thì họ bắt đầu hiểu lời mời gọi sống tỉnh thức đó được liên hệ nhiều hơn đến chuyện chúng ta không biết giờ nào mình sẽ chết. Và như vậy, họ nhận thức điều Chúa muốn chúng ta sống tỉnh thức đó là: Hãy sống trọn vẹn cuộc đời ngay lúc này và đừng để bị ‘ru ngủ’ bởi áp lực của cuộc sống thường nhật, đừng để mình bị thống trị vì những sự việc đời này, những thực tại vật chất, nhưng đúng hơn hãy chế ngự chúng và hãy sống tiết độ.

Khủng hoảng thời đại dịch COVID-19 gần đây dạy cho chúng ta bài học cần tỉnh thức trước những dấu chỉ của thời đại. Những gì con người đã thực hiện vì lòng tham lam, ích kỷ, thiếu chia sẻ và trách nhiệm trong việc bảo vệ trái đất, ‘ngôi nhà chung’ của nhân loại đã dẫn đến hậu quả thiên tai, dịch bệnh và nghèo đói. Do vậy, ta cần phản tỉnh để hoán cải và quay về với những giá trị cốt lõi của sự sống; biết bảo vệ trái đất và mọi sinh vật mà Thiên Chúa đã tạo dựng và được Người trao phó cho chúng ta quản lý và sử dụng.

Tỉnh Thức  Để Nhận Ra Chúa Trong Đời Mình

Thiên Chúa đã đến và ở lại với con người trên trái đất này. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14). Là một người ở giữa chúng ta, Người hiểu, đồng hành, tha thứ và yêu thương chúng ta rất nhiều. Người hiện diện không phải để xét đoán hay can thiệp sâu vào đời sống con người nhưng là để chia sẻ với chúng ta kiếp sống thân phận người với những niềm vui và nỗi buồn, những đau khổ và hy vọng.

Trong thực tế, chúng ta dễ chấp nhận những gì thuận theo ý ta hơn ý Trời. Chúng ta muốn sống dễ dãi trong đời sống đức tin và luân lý. Vì thế, chúng ta tự ‘nhào nặn’ ra các vị thần theo ý thích của mình, một vị thần không nên can thiệp sâu vào hoàn cảnh cuộc sống; hoặc một vị thần có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của ta, như thần tài, thần may mắn,… Ngoài ra, chúng ta thường chỉ tìm kiếm từ kinh nghiệm của mình hay từ mọi người những gì phù hợp với ý tưởng và cách suy nghĩ của chúng ta để không bao giờ phải cố gắng thay đổi. Chúng ta chỉ tin và hành động theo thói quen vì nghĩ rằng chúng ta đã biết quá nhiều về Chúa và chỉ cần lặp lại những điều tương tự như mọi khi là đủ.

Do vậy, nếu ta không tỉnh thức, không cởi mở để đón nhận những gì mới mẻ và trước sự ngạc nhiên của Thiên Chúa, đời sống đức tin của ta sẽ từ từ tàn lụi và trở thành một thói quen xã hội. Khi ấy chúng ta có nguy cơ không nhận ra Chúa trong đời mình, những lúc Người đến viếng thăm ta.

Làm Thế  Nào Để Tỉnh Thức?

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21,36). Một chỗ khác trong Tin Mừng, tại vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.” (Mc 14,38). Như vậy, tỉnh thức ở đây nghĩa là không mê ngủ: ngủ về thân xác và ngủ về tinh thần. Ngủ trong ý nghĩ chủ quan, chính là điều Chúa Giêsu thấy nơi thánh Phêrô lúc đó: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” (Mc 14,31). Nhưng sau đó, ông đã chối thầy mình ba lần. Do vậy, ta hãy tỉnh thức trước những cơn cám dỗ của ba thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt, nhưng nhạy bén với ơn Chúa và hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Ngoài ra, chúng ta cần gắn bó đời sống chúng ta với Chúa ngang qua việc cầu nguyện. Nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ luôn luôn hoặc sống quá nhiều về bản thân hoặc quá thiếu sinh lực; nói cách khác, hoặc tự mãn hoặc chán nản. Khi cầu nguyện, với thái độ khiêm hạ và phó thác, chúng ta sẽ được Chúa soi sáng hướng dẫn để có những quyết định đúng trước những khó khăn và thách đố. Mẹ Têrêxa Calcutta nói rằng “Cầu nguyện làm cho tôi trở thành người yêu mến Đức Giêsu. Cầu nguyện làm cho trái tim của tôi mở ra cho đến khi tâm hồn tôi đầy tràn Thiên Chúa.” Vì thế, không cầu nguyện, suy gẫm và thực hành Lời Chúa, chúng ta không thể đứng vững, đầu ngẩng cao, lòng hân hoan vui sướng trong ngày Chúa trở lại cách bất ngờ.

Sau cùng, chúng ta cần thức tỉnh trước cái chết. Suy nghĩ về cái chết sẽ ngăn cản chúng ta việc quá lệ thuộc hoặc bận tâm vào những thứ trên trần gian này đến mức quên mất rằng “chúng ta không có thành trì bền vững trên trái đất này.” (Dt 13,14). Trước sự tiến bộ của công nghệ và những thành tựu của khoa học, chúng ta thường có nguy cơ giống như người đàn ông trong dụ ngôn nói với chính mình: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12,19). Tai ương dịch bệnh hiện tại đã đến để nhắc nhở chúng ta rằng việc “hoạch định” và quyết định tương lai của chính mình, ngoài đức tin, rất ít phụ thuộc vào con người.

Mùa Vọng mời gọi ta tỉnh thức và cầu nguyện không chỉ để mừng đại lễ Giáng Sinh mà quan trọng hơn là chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Giữa hai lần ấy, có biết bao lần Thiên Chúa bất ngờ đến viếng thăm. Ta hãy mở rộng tâm hồn để tìm thấy sự ngạc nhiên về cuộc sống đang diễn ra trước chúng ta mỗi ngày thay vì quá lo lắng và sợ hãi thế giới này sẽ sụp đổ hay sợ ngày chết đến bất ngờ. Nhưng hãy tỉnh thức, cầu nguyện và sẵn sàng để Chúa viếng thăm ta cho dù Ngài có đảo lộn các chương trình của chúng ta.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng – năm C (Lc 21,25-28.34-36)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG – C)