TÍNH KHẨN TRƯƠNG CỦA VIỆC HOÁN CẢI CHÚA NHẬT III MÙA CHAY, năm C

0
291

(Xh 3, 1-8a, 13-15; 1Cr 10, 1-6.10-12; Lc 13, 1-9)

Tin mừng: Lc 13, 1-9

1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.

2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ?

3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.

4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ?

5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?’

8 Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.

9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”

————————

BÀI GIẢNG

TÍNH KHẨN TRƯƠNG CỦA VIỆC HOÁN CẢI (Lm. Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD)

Kinh nghiệm cho thấy, người ta thường trì hoãn, khất lần làm việc gì đó, thay vì làm nó luôn. Bởi vì họ nghĩ rằng, mình còn có thời gian, cơ hội để làm việc đó. Nhưng thực tế chứng minh rằng, có những cơ hội chỉ tới một lần, nếu người ta không tận dụng nó, thì sẽ không có cơ hội để làm nó nữa. Có những cơ hội, những thời gian quý báu sẽ qua đi nếu ta cứ trì hoàn, khất lần mà không chịu làm ngay. Giáo Hội dành riêng 40 ngày chay thánh để mời gọi con cái mình hãy sám hối, thay đổi đời sống để trở về và tin vào Tin Mừng. Mùa Chay nhắc nhở các Kitô hữu thấy được tầm quan trọng và cần thiết của việc hoán cải, sám hối. Đặc biệt, các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay còn cho thấy tính khẩn thiết của việc sám hối.

  1. Tính Khẩn Trương Của Sự Ăn Năn Sám Hối

Trong bài đọc I, tác giả sách Xuất Hành cho thấy: Thiên Chúa là Đấng yêu thương con cái của Người cách đặc biệt, nên ngay từ xa xưa, Thiên Chúa đã tuyển chọn ông Áp-ra-ham, qua đó, Người thiết lập một dân riêng, để từ đây, Thiên Chúa mạc khải tình thương của Người cho nhân loại qua việc yêu thương, chăm sóc và giữ gìn. Tình thương ấy được tỏ hiện cụ thể qua việc Thiên Chúa tiếp tục chọn và gọi ông Mô-sê để trao phó cho ông sứ mạng giải thoát Dân Người ra khỏi ách nô lệ bên Ai Cập. Không những thế, Thiên Chúa luôn chờ đợi và rộng lòng tha thứ khi con người sám hối, ăn năn trở về. Tình thương của Thiên Chúa luôn lớn hơn tội lỗi của con người. Điều quan trọng là con người có nhận ra tội lỗi của mình và quyết tâm từ bỏ để trở về cùng Thiên Chúa hay không?

Những lời trong sách ngôn sứ I-sa-i-a phần nào cho ta thấy tình thương bao la và sự thứ tha vô bờ bến của Thiên Chúa với con cái mình: “Hãy đến đây, ta cùng nhau giàn xếp! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1,18). Hay trong sách Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa cũng phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 18,23). Như vậy, Thiên Chúa không muốn con cái mình phải chết, phải bị diệt vong, nhưng muốn họ được sống và sống dồi dào. Người chính là nguồn mạch của sự sống, là Thiên Chúa của kẻ sống, chứ không phải kẻ chết. Bởi thế, Thiên Chúa luôn mở ra những con đường sống cho con cái mình, nhất là những người tội lỗi, những người đang cần đến lòng thương xót, thứ tha của Người: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,20).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca cũng cho thấy tính khẩn trương của việc hoán cải ngang qua hai câu chuyện thời sự và một dụ ngôn. Câu chuyện thứ nhất là do dân chúng kể cho Chúa Giê-su nghe, đó là một sự kiện mới xảy ra tại Giê-ru-sa-lem: một nhóm người xứ Ga-li-lê đến tế lễ, đã bị tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh tàn sát. Khi kể câu chuyện này, dân chúng muốn hướng tới quan điểm nhân quả ở đời. Theo quan điểm này thì những tai hoạ mà con người gặp phải là do Thiên Chúa giáng phạt vì chính tội lỗi của họ. Còn nếu ai đó được bình yên vô sự, không bị tai hoạ gì là do họ ăn ở công chính và thánh thiện. Đó có phải quan điểm đúng đắn không?

Chúa Giêsu đã bác bỏ quan điểm nông cạn này (x. Ga 9,2-3) và Ngài khẳng định rằng: mọi người đều có tội, đều phải sám hối. Và để dân chúng hiểu được điều mình muốn truyền đạt, Đức Giê-su đã kể thêm một biến cố bi đát xảy ra cách đó không lâu. Đó là sự kiện 18 người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết. Sau đó, Người đưa ra lời cảnh báo “Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ bị giết chết y như vậy.” Như thế, lời dạy của Chúa Giêsu nhắc nhở ta rằng: đã là người thì ai cũng đều có tội, không ai là công chính, thánh thiện cả. Bởi thế, mọi người đều cần phải sám hối, hoán cải nếu không sẽ phải chịu án phạt thích đáng trong ngày phán xét.

Để cho thấy tính cấp bách của việc sám hối, Chúa Giêsu kể thêm dụ ngôn cây vả không ra trái. Trong dụ ngôn, Thiên Chúa là chủ vườn cây, dân Ít-ra-en là cây vả không sinh trái và Chúa Giê-su là người làm vườn. Người chủ vườn cây đã muốn chặt cây vả đi vì nó không sinh hoa trái, nhưng người làm vườn đã van xin người chủ vườn cho cây vả thêm cơ hội (x. Lc 13,8-9). Điều này cho ta một thông điệp rõ ràng là thời gian để cây vả sinh hoa trái chỉ là một năm nữa, chứ không phải mãi mãi. Nếu hết một năm mà không sinh hoa trái, nó sẽ bị đốn hạ. Một cách tương tự, thời gian để mỗi Kitô hữu sinh hoa trái cũng có hạn. Nếu họ không biết tận dụng thời gian để sám hối và thay đổi, nhưng vẫn “chầy ì” trong tội lỗi hay chần chừ, chậm trễ hoán cải, thì họ phải sẽ bị “diệt vong”, như cây vả bị “đốn hạ”. Chính nhờ thái độ thường xuyên ăn năn sám hối mà con người được sống và được cứu độ.

  1. Hãy Sống Như Ngày “Cuối Cùng”

Trong bài đọc II, thư thứ nhất gởi cho giáo đoàn Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô nói về những người Do Thái sống ương ngạnh và bê tha nên đã bị phạt trong cuộc lữ hành về Đất Hứa, họ sống không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc (x. 1 Cr 10,5). Thánh Phao-lô kêu gọi mọi người hãy xem gương đó mà ăn năn sám hối. Không ai trong chúng ta có thể hãnh diện, khoe mình là người đạo đức và thánh thiện. Hãy luôn ý thức thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình để cảnh tỉnh và hối cải. Cuộc lữ hành còn dài, chúng ta còn gặp nhiều chông gai và thử thách. Bởi vậy, “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12).

Không ai là người hoàn hảo cả. Mỗi chúng ta đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Thời gian sống của mỗi người thì có hạn. Và chúng ta có thể phải đối diện với Đấng Phán Xét bất cứ lúc nào và trong mọi hoàn cảnh sống. Bởi vậy, mỗi giây phút sống trên đời đều mang tính khẩn trương: đây có thể là ngày cuối, giờ cuối, phút cuối cho ta trước khi ra trình diện Đấng Phán Xét. Hãy tận dụng thời gian, cơ hội để sám hối, hoán cải; hãy luôn sẵn sàng để chuẩn bị cho ngày phán xét.

Soi chiếu vào bản thân, chúng ta nhận thấy rằng: dường như chúng ta sống mà quên rằng mình sẽ phải chết. Chúng ta cứ khất lần, chần chừ không chịu hành động để thay đổi mà cứ để bao nhiêu cơ hội trôi đi một cách vô ích. Biết bao Mùa Chay Thánh đã trôi qua, nghe biết bao nhiêu lời mời gọi sám hối mà chúng ta vẫn “chứng nào tật đấy,” hay “ngựa quen đường cũ”. Đáng báo động hơn, nhiều người trong chúng ta giữ lối suy nghĩ rằng: những kẻ tội lỗi mới cần ăn năn sám hối. Tôi đây sống tốt lành, thánh thiện, đạo đức, tuân giữ hết mọi điều Thiên Chúa và Hội Thánh dạy, thì không cần sám hối ăn năn. Quan điểm “thâm căn cố đế” này sẽ “ru ngủ” và bóp nghẹt ta trong “ngục tù tội lỗi” của chính mình.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người: hãy soi chiếu thật kỹ vào con người của mình để nhận ra tội lỗi nơi mình; hãy tận dụng từng giây phút sống để hoán cải, sám hối, nếu không chúng ta có thể sẽ hối hận về những gì đã vụt qua. Hơn nữa, lời mời sám hối không chỉ kêu gọi ta “bỏ đường gian tà” mà còn kêu gọi ta hãy “sinh hoa trái” bằng những việc tốt lành.

Lạy Chúa, ăn năn sám hối là việc cần thiết và rất cấp bách bởi tất cả chúng con đều là tội nhân và cần sự thứ tha của Người. Xin Chúa ban thêm nghị lực để chúng con biết can đảm từ bỏ tội lỗi để trở về với Người; xin cho chúng con biết dùng thời giờ, của cải và tất cả khả năng Chúa ban để sinh hoa trái nhân đức cho mình và cho tha nhân. Amen.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm C (Lc 13,1-9)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (20/3, Chúa Nhật III Mùa Chay, năm C)