SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (1/8, Chúa Nhật 18 TN – Năm B)

0
352

Các bài đọc Chúa Nhật 18 TN-B: Xh 16,2-4.12-15; Ep 4,17.20-24;

Tin Mừng: Ga 6,24-35

24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. 25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” 26 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” 28 Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” 29 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” 30 Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? 31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”

32 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” 34 Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” 35 Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

Bài chia sẻ của Tu sĩ Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, SVD

Con người không thể sống nếu thiếu Ăn và Uống. Ăn và Uống là nhu cầu cần thiết nhất để bảo toàn sự sống. Vì thế, nếu đói và khát là một thảm trạng và nỗi ám ảnh, thì no đủ luôn là giấc mơ của mọi người.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, thánh sử Gioan đã cho thấy Đức Giêsu rất thấu hiểu nhu cầu thiết yếu đó, Ngài đã chạnh lòng và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống dân chúng ăn một cách no nê.

Đoạn Tin Mừng hôm nay kế tiếp đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước, sau khi họ đã chứng kiến phép lạ và được ăn no nê, và dân chúng lại tìm mọi cách để gặp Chúa. Vậy đám đông đi tìm Chúa vì điều gì? Có phải vì họ được ăn no nê hay là họ nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia?

Thưa, họ đi gặp Đức Giêsu với mục đích là để thoả mãn nhu cầu cho thân xác như cơm ăn, áo mặc, nước uống… Họ háo hức đi tìm Chúa, không phải vì đã nhận ra Người là Đấng Mêsia, nhưng vì muốn được tiếp tục ăn uống no nê.

Con người ở thời nào cũng thế, điều trước tiên và cần thiết, là luôn tìm mọi cách để được no đủ và thoả mãn những nhu cầu vật chất. Người nghèo thì bị hút vào công việc lam lũ, lo sao có đủ miếng cơm hàng ngày. Người giàu thì lại cuốn vào những tiện nghi của cải vật chất xa hoa. Rốt cuộc kẻ nghèo, người giàu cũng chỉ mãn nguyện với sự no thoả của cái bụng, và ít khi lưu tâm đến sự đói khát của linh hồn.

Nỗi lo về cơm, áo gạo tiền không chỉ là nỗi lo của con người ngày hôm nay mà nó đã là nỗi lo của tổ tiên chúng ta. Bài đọc thứ nhất trích từ sách Xuất Hành đã thuật lại: Dân chúng ca thán và trách móc Môsê, tại sao không để họ ngồi kề bên nồi thịt ở Ai Cập, mà lại dẫn họ vào sa mạc để phải chết đói? Dân Do Thái sẵn sàng làm nô lệ, miễn sao được no bụng, họ không muốn tự do mà phải chết đói. Ở đây, dân chúng đã chỉ dừng lại nơi những gì là miếng ăn vật chất, nên đã không nhận ra dấu chỉ của tình thương Chúa. Điều này đã được Đức Giêsu cảnh báo họ: “Các ông tìm Tôi…. chỉ vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Biết được ý định của dân chúng, Đức Giêsu trả lời với họ: “Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”.

Phép lạ Manna trong sa mạc nuôi dân Do Thái, phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người, là những dấu chỉ mà qua đó, Thiên Chúa muốn cho con người nhận biết và tin vào một Thiên Chúa quyền năng đầy tình thương. Chính qua dấu lạ đó, lẽ ra dân chúng phải nhận ra Người làm phép lạ đó là ai, nhưng họ đã chỉ dừng lại trước những ước muốn phàm nhân: đó là sự no thoả bánh ăn.

Trước nỗi lo lắng và tìm kiếm về của cải mau hư hát, Đức Giêsu đã giúp họ hướng đến một thứ lương thực cao quý hơn và có thể mang lại hạnh phúc đời đời. Đó là lương thực thần linh.

Thực ra, Đức Giêsu không phủ nhận sự cần thiết phải lo cho thân xác, nhưng Người muốn hướng chúng ta tới những giá trị tuyệt đối, tới hạnh phúc Nước Trời. Ngài còn có sáng kiến là lấy chính thân mình trở thành một “tấm bánh” để ai ăn bánh này sẽ không phải chết và có một cuộc sống trường sinh. Chính Người là tấm bánh đích thực, bánh trường sinh mà Thiên Chúa ban cho con người để được sự sống đời đời: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”.

Thế nhưng ngày nay, chúng ta thấy nhiều người chỉ mải mê kiếm tìm những thứ lương thực chóng hư nát mà bỏ bê việc tìm kiếm lương thực để nuôi dưỡng linh hồn. Họ sẵn sàng bỏ lễ Chúa Nhật chỉ vì những lý do hết sức tầm thường.

Chuyện kể rằng: Ngày kia, một con chuột rơi vào trong một cái lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, và sự cố ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được. Sau khi xác định là không có gì nguy hiểm, nó liền bắt đầu cuộc sống: ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo đó. Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng sự thoả mãn trong cái no của những hạt gạo, “không phải vất vả mà vẫn có ăn”, nó tiếp tục ở lại trong cái lu. Cuối cùng, khi ăn hết gạo, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa, lực bất tòng tâm, phải bỏ mình trong cái lu.

Có chăng cuộc sống con người cũng thế, luôn bị cám dỗ bởi sự no thoả của cải vật chất, và dễ dàng bị rơi vào vòng xoáy: làm sao phải kiếm được thật nhiều tiền để hưởng thụ, để tiêu xài, để ăn chơi … Người nghèo thì muốn trở thành giàu, người giàu lại muốn giàu hơn. Và cứ thế, của cải vật chất không sao có thể khoả lấp được trái tim vô biên của con người. Thánh Augustinô dành cả tuổi thanh xuân để tìm kiếm danh tiếng, tiền bạc và địa vị. Đạt được những thứ đó rồi, ngài vẫn không cảm thấy hạnh phúc và thoả mãn cho đến khi tin vào Đức Giêsu. Ngài đã thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, tâm hồn con mãi khắc khoải băn khoăn, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.

Nhưng làm thế nào để tin vào Đức Giêsu? Không phải đơn thuần chỉ là thuộc giáo lý về Chúa, hay chỉ mang danh là Kitô hữu, cũng không phải chỉ thực hành một số việc đạo đức cách máy móc, như quan niệm truyền thống của những người Do Thái, nhưng là sống giáo huấn của Đức Giêsu, như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai đã khuyên nhủ các tín hữu Êphêxô: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, để thật sự sống công chính và thánh thiện”.

Sự công chính và thánh thiện mà thánh Phaolô muốn nói ở đây, đó là chết đi con người cũ, để sống yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương. Vì không ai có thể đến với Thiên Chúa để được sự sống đời đời, mà không qua con đường Thập Giá hy sinh. Con đường mà Chúa chúng ta đã đi qua. Chết đi cho con người cũ và sống giáo huấn yêu thương của Đức Giêsu, bắt đầu từ những hy sinh nhỏ: đó là từ bỏ một thói quen xấu nơi bản thân, quan tâm và dành thời gian cho những thành viên trong gia đình, chia sẻ và cảm thông với những người nghèo khổ xung quanh, … đó là chúng ta đang sống con người mới, con người của Thần Khí. Đó cũng chính là con đường của bác ái, “con đường Giêsu” sẽ đưa chúng ta đến sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa chính là tấm bánh bẻ ra cho muôn dân được sống và sống dồi dào. Xin cho mỗi người chúng con cũng biết hy sinh, hãm mình trong lời nói và hành động hầu trở thành khí cụ mang lại bình an cho mọi người mà chúng con gặp gỡ. Amen.

Bài trướcVIẾT CHO EM MÙA COVID
Bài tiếp theoTìm hiểu HIỆP HỘI THÁNH LỄ TRUYỀN GIÁO của Dòng Ngôi Lời (SVD)