SỰ GÌ THIÊN CHÚA KẾT HỢP, LOÀI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY (CN XXVII TN – B)

0
17559
Photo: OSA-seminarians

Các bài đọc St 2,18-24; Hr 2,9-11

Tin Mừng (Mc 10,2-16)

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

{Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.}

Bài suy niệm của Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD

Tin Mừng hôm nay tường thuật việc nhóm người Pharisêu thử Đức Giêsu bằng một câu hỏi rằng: “người chồng có được phép rẫy vợ không?” Với câu hỏi này, Đức Giêsu đã trả lời cách khôn khéo vì câu trả lời không đi ngược lại với ý định ban đầu của Thiên Chúa, cũng như không chống lại luật của ông Môsê trong vấn đề hôn nhân. Ngài trả lời bằng cách lặp lại giá trị bền vững của đời sống hôn nhân trong ý định của Thiên Chúa, ngay từ thuở ban đầu trong sách Sáng Thế. Ngài khẳng định rõ ràng: “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9).

Trong bài đọc sách Sáng Thế cho biết, ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng nên người nam và người nữ. Ngài kết hợp họ với nhau “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24). Cũng vậy, khi thiết lập Bí tích Hôn Phối, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa: họ không còn là hai nữa, mà đã trở nên một. Tình yêu của hai người và chỉ hai người mà thôi; bình đẳng và hỗ tương; mãi mãi trọn cuộc đời. Người nam và người nữ sẽ được hạnh phúc, khi con người không phân ly sự gì Thiên Chúa đã kết hợp. Điều kiện cần thiết là, mỗi người phải biết cộng tác với ơn thánh Chúa, để tình yêu có thể được vun trồng, phát triển và sinh hoa kết quả.

Theo đạo Công Giáo, tình yêu giữa hai vợ chồng có ý nghĩa rất phong phú và sâu sắc, vì bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa và rập theo khuôn mẫu tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Tình yêu đó có hai đặc tính là đơn nhất và bất khả phân ly. Đơn nhất nghĩa là một vợ một chồng vì “Họ không còn phải là hai, nhưng là một xương một thịt” (Mt 19,6; St 2,24). Bất khả phân ly nghĩa là không thể ly dị. Lý do sâu xa nhất đòi hỏi hai vợ chồng phải chung thủy chính là sự trung tín của Thiên Chúa với giao ước, và sự trung tín của Đức Kitô với Hội Thánh. Nhờ Bí tích Hôn Phối, hai vợ chồng được ban ơn để diễn tả và làm chứng cho sự trung tín ấy. Ngoài ra vì tính liên kết mật thiết giữa hai vợ chồng, cũng như lợi ích của con cái, buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín với nhau.

Nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay, vấn đề hôn nhân khá phức tạp. Người ta rất dễ và tự do để yêu nhau rồi quyết định đến hôn nhân. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà họ lại rất dễ lìa bỏ nhau để đi tìm niềm vui mới. Trước đây, việc hôn nhân là do ba mẹ quyết định, vì “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Nhưng dường như nó lại mang một hệ quả tích cực; họ sống rất chung thủy với nhau dù có gặp bao khó khăn thử thách. Vậy đâu là lý do khiến họ có thể giữ được hôn nhân bền vững và chung thủy như thế? Có thể nói rằng nó bắt nguồn từ văn hóa; khi con cái đến tuổi “dựng vợ gả chồng” thì dĩ nhiên cha mẹ sẽ phải tìm cho con họ một người xứng đáng. Và cứ thế, họ thích nghi và chấp nhận, tình yêu dần dà nẩy nở và đầm thấm. Kế đến, có thể do áp lực danh dự của dòng họ, nên sau khi kết hôn dù muốn hay không thì họ cũng phải cam chịu và cố gắng vun đắp gia đình của họ cách tốt nhất theo phương châm “cơm sôi bớt lửa”, nếu không, họ sẽ phải chịu luồng dị nghị từ những người hàng xóm. Hoặc cũng có thể thời trước, họ biết nhẫn nhịn và bỏ qua cho nhau sau khi xảy ra mâu thuẫn, hiểu lầm, bất đồng chính kiến … có lẽ đó là những lý do giúp đôi hôn nhân chung thủy với nhau thời bấy giờ.

Trong xã hội văn minh ngày nay, con người có trình độ học vấn cao và sự hiểu biết rộng hơn nên thường đề cao “quyền tự do và nhân quyền”. Thế nhưng, điều mà được người ta đề cao và coi trọng thì lại bị chính con người lạm dụng và phá đổ. Rồi dần dần nó khiến con người trở nên ích kỷ hơn. Và sự ích kỷ này là một mối nguy đe dọa đến hạnh phúc của đôi hôn nhân.

Như chúng ta thấy, hôn nhân là sự kết hợp giữa hai người nam và nữ, họ khác biệt nhau hoàn toàn về giới tính, lối sống và cách suy nghĩ. Vì vậy việc đôi hôn nhân sống chung với nhau có những khó khăn và thách đố không nhỏ. Vậy làm sao để đôi hôn nhân có thể hòa hợp sống chung với nhau và trọn đời không bội ước? Đối với người Công Giáo, thánh Phaolô khuyên rằng: “người làm vợ hãy tùng phục người làm chồng như phục tùng Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người” (Ep 5,22-23). Và “người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến thân mình vì Hội Thánh” (Ep 5,25). Với lời khuyên này, chúng ta thấy bổn phận của người làm vợ là phải biết chăm lo cho người chồng, chăm lo không theo nghĩa nô lệ, máy móc nhưng là chăm sóc cho người chồng với cả sự dịu ngọt, cảm mến, hy sinh và toàn tâm toàn ý cho người chồng. Và người chồng cũng phải có bổn phận yêu thương hết lòng với người vợ. Thậm chí bổn phận của người chồng có phần trách nhiệm cao và nặng hơn vì thánh Phaolô so sánh tình yêu của người chồng dành cho người vợ phải giống như tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh. Tình yêu mà Đức Kitô dành cho Hội Thánh đó chính là một tình yêu trao ban, Ngài trao cả thân thể Ngài cho Hội Thánh và hy sinh mạng sống của Ngài cho Hội Thánh. Và thánh Phaolô mời gọi người chồng phải yêu thương người vợ cũng giống như vậy. Quả thực, tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh là hình mẫu cho các đôi hôn nhân để họ sống hạnh phúc và giữ trọn lời thề hứa với nhau. Vì thế, để cuộc hôn nhân được bền vững, các đôi hôn nhân phải biết sống trao ban, cho đi một cách nhưng không, sẵn sàng hy sinh những lợi ích bản thân vì người bạn đời, biết sống vì người bạn đời hơn là cho bản thân mình.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về ý định của Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu và ý định đó được Chúa Giêsu lặp lại cách rõ ràng: Hôn nhân là ơn gọi cao quý và ơn gọi ấy được Thiên Chúa kết hợp, chúc phúc qua việc cử hành Bí Tích Hôn Phối: “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Đồng thời, Tin Mừng cũng kêu gọi chúng ta chiêm ngắm lại tình yêu mà Đức Kitô dành cho Hội Thánh, tình yêu dâng hiến và tình yêu trao ban tất cả, kể cả mạng sống cho người mình yêu. Xin cho những người sống trong bậc hôn nhân luôn ý thức được giá trị cao quý trong ơn gọi hôn nhân, để họ biết tạ ơn Thiên Chúa và liên lỉ nài xin ân sủng của Ngài, để họ sống đẹp và sống trọn với người họ thương yêu. Và xin cho mỗi người chúng ta biết tạ ơn Đức Giêsu đã yêu thương Hội Thánh và hiến thân mình cho Hội Thánh để Hội Thánh được sống và sống dồi dào. Amen.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXVII Thường Niên – B (Mc 10,1-16)
Bài tiếp theoĐừng nguyền rủa, hãy chúc phúc!