SỐNG GIÁ TRỊ TIN MỪNG (24/10, Chúa Nhật XXX TN – B)

0
454

Tin Mừng Mc 10,42-45 (hoặc Mc 10,25-45)

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

—oOo—

Bài giảng của linh mục Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD

Hằng năm vào Chúa Nhật trước Chúa Nhật cuối tháng mười là lễ “Khánh Nhật Truyền Giáo”. Tháng mười này được gọi là tháng truyền giáo, đây cũng là dịp thuận lợi để Kitô hữu chúng ta ý thức về đời sống đức tin, sống giá trị Tin Mừng và tìm hiểu sâu xa về sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.

Giáo Hội thực thi sứ mạng truyền giáo là theo lệnh truyền của Chúa: “An hem hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Rao giảng Tin Mừng là loan cho mọi người biết chúng ta đang có một Tin Mừng, là Đức Kitô Phục Sinh, là Chúa của đạo chúng ta, là thông tin cho họ điều mình tin là đúng, là loan niềm vui, là tin bình an qua cách sống của mình đối với những giá trị được Chúa dạy trong Tin Mừng. Hơn nữa, rao giảng Tin Mừng còn là sống đức tin và làm cho người khác thấy điều đó là một điều hạnh phúc và từ đó hấp dẫn cuốn hút người khác tìm hiểu Đức Giêsu và Tin Mừng. Như vậy, khi sống đức tin, sống các giá trị Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng là chúng ta tôn trọng người khác trong sự tự do chọn lựa niềm tin và tôn giáo, từ đó chúng ta dễ dàng để tiếp xúc đối thoại và cùng nhau hội nhập với người khác trong đời sống tôn giáo và xã hội.

Sống đức tin và rao giảng Tin Mừng tức là làm cho Tin Mừng của Chúa thấm nhuần trong mọi lãnh vực của đời sống con người. Trước hết là, Tin Mừng hóa đời sống người Kitô hữu. Nghĩa là người Kitô hữu sống lời dạy của Tin Mừng trong đời sống hằng ngày, qua việc sống các giá trị của Tám Mối Phúc Thật, giới răn của Chúa và Giáo Hội, cũng những giá trị khác được tập luyện thành nhân đức Kitô Giáo. Khi đạt được sự trưởng thành trong đời sống đức tin và lòng mến Chúa yêu người, chúng ta sẽ ao ước cho mọi người cũng được như ta, vì thế ta sẵn sàng sống và làm chứng cho những điều chúng ta tin và sống.

Bước tiếp theo là Tin Mừng hóa những người có đức tin mà không còn lòng yêu mến và thực hành đạo Chúa, đây là những người nguội lạnh đời sống đạo. Giáo Hội cần giúp và tìm kiếm những người này để giúp họ có lòng hoán cải. Để làm được việc này chúng ta cần cầu nguyện và kiên nhẫn như người cha trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, ngày ngày mong chờ và cầu nguyện cho người con hoang trở về. Sau cùng là Tin Mừng hóa những người chưa có đức tin. Muốn cho người chưa có đức tin biết Tin Mừng của Chúa thì cách tốt nhất mà Giáo Hội đã dạy chúng ta là làm chứng cho Tin Mừng. Có nghĩa là chúng ta sống tốt các giá trị Tin Mừng và làm cho Tin Mừng ảnh hưởng trong đời sống xã hội. Chúng ta có cuộc sống tốt, có uy tín, đáng tin đối với mọi người, có như vậy người khác mới thấy Tin Mừng được sinh hoa quả trong đời sống của người Kitô hữu và họ mới tin theo.

Quả vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh sự nối kết việc thông truyền đức tin và sứ mạng loan báo Tin Mừng trong sứ điệp Truyền Giáo rằng: Đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa và tình yêu của chúng ta dành cho người thân cận là một nguồn của sự hiệp nhất lớn lao. Sự thông truyền niềm tin này là trọng tâm của sứ mạng Truyền Giáo của Giáo Hội, diễn ra bởi sự lan tỏa của tình yêu, nơi mà niềm vui và lòng nhiệt thành trở thành một sự thể hiện có ý nghĩa và tốt đẹp trong cuộc sống. Việc lan tỏa niềm tin “bởi sự cuốn hút” mời gọi các tâm hồn cởi mở và được mở rộng bởi tình yêu. Và sự diễn tả ấy làm phát sinh sự gặp gỡ, chứng tá, sự loan báo; nó làm phát sinh sự chia sẻ về bác ái với hết mọi người đang ở xa niềm tin, thờ ơ với niềm tin và có lẽ thậm chí thù nghịch và chống lại niềm tin (x. ĐGH Phanxicô, Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2018).

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tỏ lòng biết ơn tất cả các thành phần trong Giáo Hội đang làm cho sống động đời sống đức tin vào Đức Kitô trong các giáo xứ, các hội đoàn, các phong trào, các cộng đoàn tu trì, và nhiều sự thể hiện khác nhau của công việc truyền giáo. Biết bao nhiêu người trẻ tìm thấy trong công việc thiện nguyện truyền giáo này một con đường phục vụ “người bé mọn nhất” trong số anh chị em của chúng ta (x. Mt 25,40), cổ võ phẩm giá con người và làm chứng cho niềm vui của tình yêu trong đời sống của Kitô hữu! Những hình thức đáng khen ngợi này của công việc truyền giáo đang là một khởi đầu sinh hoa trái và qua sự biện phân ơn gọi có thể giúp các con trở thành những nhà truyền giáo (x. ĐGH Phanxicô, Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2018).

Công việc của một nhà truyền giáo chuyên biệt hay một Kitô hữu giáo dân bình thường luôn phải ý thức mình là một người rao giảng Tin Mừng. Có nghĩa là chúng ta loan báo và sống chứng tá cho những người khác biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ trong chính lối sống và văn hóa của họ, kể cả việc thực hành tôn giáo và sống tâm linh của họ. Đồng thời, giới thiệu cho họ biết về Đức Giêsu Kitô, biết về Tin Mừng của Chúa và sống những giá trị Tin Mừng. Vì chúng ta hiểu biết rằng: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Trước khi làm được điều này, nhà truyền giáo hay người giáo dân chúng ta phải cảm nhận được tình thương yêu cứu độ của Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài được thể hiện trong đời sống của chúng ta. Khi sống đúng với tinh thần con cái Chúa thực sự thì mỗi chúng ta sẽ cảm nhận được sự thôi thúc của Tin Mừng để sẵn sàng được sai đi như các Tông Đồ: “Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động” (Mc 16,20). Vì chúng ta tin vào sức mạnh và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống đức tin, trong tình yêu thương hiệp nhất và trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội.

Truyền giáo là một công việc của Chúa. Chúng ta là con cái của Giáo Hội, chúng ta chỉ là cộng tác của Chúa và Giáo Hội. Tuy nhiên, việc truyền giáo là bản chất của Giáo Hội (AG 2) nên cũng là bản chất của mỗi người Kitô hữu, vì thế nếu không thực thi công việc truyền giáo, không cộng tác trong việc truyền giáo, thì một cách nào đó chúng ta đánh mất căn tính của chúng ta là Kitô hữu. Nhưng để làm được công việc truyền giáo chúng ta phải cậy dựa vào ơn Chúa chứ không thể cậy dựa vào sức lực và phương tiện của con người. Người làm việc truyền giáo phải biết khiêm nhường để thao thức lắng nghe Lời Chúa. Làm theo ý Chúa như các Tông Đồ ngày xưa “có Chúa cùng họ hoạt động,” có như vậy thì việc truyền giáo mới có kết quả tốt đẹp.

Nguyện xin cho đời sống đức tin chúng ta trở thành một lời chứng sống động cho Tin Mừng khi chúng ta dám sống triệt để theo những giá trị của Tin Mừng là mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Amen.

Bài trướcMỘT NĂM CHỜ ĐỢI HÀNH TRÌNH HỒI HƯƠNG
Bài tiếp theoTRUYỀN GIÁO MÙA COVID-19 TẠI SÀI GÒN