NIỀM HY VỌNG – SỐNG VĨNH CỬU (Chúa Nhật IV PS, Chúa Chiên Lành, Năm C)

0
328
Photo: Aericlee / DevianArt

Bài đọc 1: Cv 13,14.43-52 Bài đọc 2: Kh 7,9.14b-17

Tin mừng: Ga 10, 27-30

27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.

28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.

29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.

30 Tôi và Chúa Cha là một.”

 

—– BÀI GIẢNG —–

NIỀM HY VỌNG – SỐNG VĨNH CỬU (Lm. G. B. Phan Lĩnh, SVD)

Trong cuốn sách nổi tiếng với tựa đề “Lược STương Lai” (Homo-deus) của nhà Sử học người Ít-ra-en, Yu-val No-ah Ha-ra-ri. Tác giả cuốn sách đưa ra những dự phóng mà nhân loại hướng đến trong tương lai. Trong đó tác giả cho rằng, “sau khi cứu con người khỏi bần cùng khốn khổ, bây giờ chúng ta sẽ nhắm tới mục đích làm cho họ có hạnh phúc bền vững và lâu dài. Và sau khi nâng loài người lên cao khỏi mức dã thú của tranh đấu sinh tồn, bấy giờ chúng ta sẽ nhằm tới mục đích để nâng cấp con người thành những “vị chúa” (god), và biến người khôn ngoan thành người có quyền năng như ‘chúa’”. Tác giả dự đoán rằng, trong tương lai, nhờ tiến bộ khoa học, con người sẽ ngày càng hoàn thiện, sẽ và nâng cấp các năng lực và làm được những điều kỳ diệu như thần thánh, và thậm chí trong tương lai xa, khoa học có thể làm chủ được sự sống, làm cho con người trở nên bất tử. Tác giả Ha-ra-ri đã một lần nữa đụng đến niềm hy vọng muôn thuở của con người: không phải chết, nhưng được sống mãi mãi.

  1. Giá Trị Sự Sống

Sự sống là tổng hợp của nhiều giá trị. Chúng vốn là những yếu tố vô hình nhưng lại được chúng ta cho là quan trọng và quý giá, nó có ý nghĩa đối với cuộc sống của mỗi người, chúng giúp soi đường dẫn lối cho mỗi chúng ta, nó làm động lực để ta phấn đấu và cố gắng mỗi ngày. Tổ chứ Unesco đưa ra 12 giá trị cơ bản cần cho sự sống, chúng bao gồm hòa bình, tình thương, tính trung thực, đức khiêm nhường, sự khoan dung, tự do, sự hiểu biết và trách nhiệm…[1]. Chúa Kitô mời gọi chúng ta phải có ý thức làm lan tỏa những giá trị này như một cách thức lan tỏa ơn cứu rỗi cho xã hội hôm nay.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay thêm một lần nhắc nhở người Kitô hữu về niềm hy vọng chắc chắn của mình: được sống vĩnh cửu cùng Thiên Chúa. Người Kitô hữu tiếp tục sống niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh một cách sống động. Bởi vì bất cứ lúc nào nói đến sự sống, chúng ta cũng muốn được gắn bó với Chúa Kitô, được bước theo Người trong tâm tình tín thác. Bởi vì chính Thiên Chúa mới có thể làm cho chúng ta được sống và sống dồi dào ngay từ đời này, nhờ ơn thánh và sự chở che của Người.

Trong đức tin của chúng ta, sự sống khởi đi từ ân ban của Thiên Chúa. Và Chúa Kitô khi đến thế gian, đã muốn cho hết thảy mọi người được cứu độ, được sống đời đời – được trường sinh bất tử. Kỹ thuật và y khoa của con người đã có những bước tiến vượt bậc, đem lại niềm hy vọng cho việc nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ con người. Nhưng vì sự sống linh thiêng nên đòi buộc con người còn phải gắn kết với Thiên Chúa, phải nhận biết và tin vào nguồn phát sinh sự sống là Thiên Chúa. Nhờ tin nhận Chúa Kitô, con người được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết để bước vào cõi sống dồi dào viên mãn. Các môn đệ đã cố gắng rao giảng, chuyển trao thông điệp của Chúa Kitô cho dân Do Thái. Vì họ vốn được Chúa chọn và họ được ưu tiên để lãnh nhận Tin Mừng cứu độ. Nhưng dân Do Thái chối bỏ tin nhận Đức Kitô. Họ từ chối việc dấn thân sâu hơn vào mối tình của con cái với Thiên Chúa là Cha từ muôn đời của tổ tiên họ. Như thế, một mối tình phụ-tử dở giang vì con người đã từ chối tiếp nhận Thiên Chúa vào nhà mình (x. Ga 1,11).

  1. Lời Mời Gọi Hãy Lắng Nghe

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà kỹ thuật đạt được những bước tiến trong mơ cũng khó ngờ. Không thể phủ nhận giá trị của những công nghệ và nền kỹ thuật hiện đại. Nó làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn, giúp con người liên lạc dễ dàng và nhanh chóng hơn, y học đem lại những kỳ vọng cho con người sống khỏe hơn và sống thọ hơn. Tuy nhiên, thực tế là chưa bao giờ mà cuộc sống con người bị đe dọa như trong thời đại hôm nay: thiên tai hàng loạt, đại dịch, ô nhiễm môi trường, thực phẩm độc hại, bệnh tật… những mối họa này trực tiếp đe dọa đến phương diện thể lý của con người. Những tai họa, những đau khổ luôn nhắc cho người Kitô hữu tìm về với Thiên Chúa.

Ngày nay, công nghệ truyền thông đang chiếm thế thống lĩnh trong thế giới. Những gì chúng ta nghe và thấy mỗi ngày sẽ tác động đến cách chúng ta chọn lựa và hành động. Phần lớn những gì con người ngày nay nghe và thấy đều đến từ truyền thông. Những gì chúng ta nhìn chủ yếu là để quảng cáo, những gì chúng ta nghe phần lớn là tin giả, hay tin thật có phần. Truyền thông trong khi đổ mọi bất hạnh của đời sống con người cho Thiên Chúa, khi xem Thiên Chúa như là tác giả mọi đau khổ của con người. Truyền thông cổ xúy cho việc loại trừ đức tin khỏi đời sống. Truyền thông nói rằng họ bảo vệ nữ quyền trong khi lại cổ xúy cho phong trào phá thai, giết chết trẻ con cả bé nam cũng như bé nữ! Truyền thông tung hô thành tựu của con người trong khi xem nhẹ những tác động của các tập đoàn khai thác thiên nhiên thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả lũ lụt, lở núi giết hại không biết bao nhiêu nhân mạng… những điều đó truyền thông có xu hướng né tránh và không nói tới.

Người ta nói rằng, con người ngày nay trong khi theo đuổi những điều cao cả, thì cũng đồng thời rất thích sự hời hợt. Mà xem ra, xu hướng hời hợt đang thống trị đời sống con người. Một phần của sự hời hợt là thiếu lắng nghe đúng nghĩa và thiếu chú tâm để biết phân định các giá trị, để biết đâu là điều quan trọng mà mình cần theo đuổi. Lời Chúa là quan trọng đối với con người, vì Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường đi tới chân lý trong thế giới nhiều cái giả và hời hợt của thời đại này. Nhưng khi con tim bạn bị che lấp bởi nhịp đập quá ồn ào của những công nghệ, bạn chẳng còn thời gian đâu để mà lắng nghe. Bạn bị bao vây bởi tin tức nhảm nhí, bạn nghe và tin theo những tin giả… Hệ quả là bạn đánh mất sự nhạy cảm đối với những con người thật đang khổ đau cần được giúp đỡ; bạn chỉ còn tập trung vào việc giải trí và thỏa mãn thực tại cho bản thân, không còn ý chí để sửa mình, không còn thiện chí để tin và sống với lòng yêu mến.

Chúa là sự thật, và Người nói với chúng ta:Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. (Ga 10,27-28). Như thế, Người đảm bảo rằng, Người chắc chắn sẽ dẫn đưa chúng ta đến với sự sống đời đời”. Miễn là con người lắng nghe và bước theo. Thật tiếc là nhân loại khi càng tiến bộ, khi càng đấu tranh để giành cho mình thật nhiều những gía trị sống tốt đẹp, thì cũng đồng thời tìm cách thoát ly khỏi sự hướng dẫn của Chúa Kitô, tìm cách bước ra khỏi đàn chiên của Người. Con người ngày nay muốn nói với Chúa rằng: ừ thì Chúa biết chúng tôi, nhưng chúng tôi chẳng muốn nghe Chúa, chứ đừng nói đến chuyện chúng tôi muốn bước theo Chúa! Xu thế đó cũng len lỏi vào đời sống đức tin của người Kitô hữu, hệ quả là chúng ta cố tình trốn tránh Thiên Chúa, để rồi chẳng biết bám víu vào đâu trong những bất hạnh trên con đường riêng tư của mình. Đức tin yếu kém của chúng ta cổ võ chúng ta tránh xa Lời Chúa, tránh làm điều lành, mỗi ngày một chút, cứ thể, sự tốt lành trở nên điều xa xỉ trong cách ăn nết ở của chúng ta. Như thế thì dễ chịu hơn là nói như thánh Phao-lô, phải cố gắng chạy cho hết con đường để có thể chiếm được phần thưởng cao trọng chính Chúa ban… Có khi nào tôi nhận ra con đường tôi đi càng ngày càng đơn độc, vì tôi không có đức tin, không có Chúa đồng hành hay không?

Thiết nghĩ rằng, trong thân phận con người, những đau khổ bất hạnh ở đời này sẽ vẫn còn đó. Thiên Chúa chắc chắn sẽ không xóa bỏ tất cả mọi thử thách bất trắc ở trần gian cho con người. Bởi nếu thế, thì thử hỏi chúng ta có còn thiết tha gì với sự sống viên mãn và phần thưởng thiên đàng mai sau hay không? Nhưng Thiên Chúa đem lại hy vọng, Người đòi hỏi con người lắng nghe và sống theo những gì Người dạy qua lời của Chúa Kitô trực tiếp nói với chúng ta. Chúa không đảm bảo cho chúng ta hạnh phúc viên mãn ở đời này, nhưng là sự viên mãn vĩnh cữu ở đời sau. Khi mỗi người đã dùng thiện chí của mình để sống tốt lành để có thể thưa với Chúa rằng: Lạy Chúa, con đã nghe và tin Chúa, con đã trung tín cho đến cùng nên con xứng đáng với phần thưởng của Chúa.

Âm hưởng của mùa Phục Sinh là âm hưởng của hy vọng sự sống cho con người. Xin cho mỗi người chúng ta không đánh mất niềm hy vọng vào Thiên Chúa, để lại bắt đầu lắng nghe, lại bắt đầu tin tưởng vào lời Chúa hứa. Chính Chúa sẽ dẫn tôi tới với niềm hy vọng sống vĩnh cữu. Amen.

[1] X. timviec365.vn /blog/gia-tri-song-la-gi-new6685.html

Bài trước… có biết tôi là ai không?
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm C, Chúa Chiên Lành)