BÀI GIẢNG (CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH)

0
379

Tin mừng: Mt 2, 1-12

1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”

3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.

5 Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 6 ‘Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”

7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”

9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.

11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và một dược mà dâng tiến.

12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

—oOo—

Bài giảng

ĐÓN NHẬN HAY TỪ CHỐI (Lm. Phê-rô Nguyễn Thanh Nhiệm, SVD)

Mừng lễ Chúa Hiển Linh, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã mạc khải cho chúng ta biết về chính Người qua Đức Giê-su Ki-tô. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1 dạy rằng: “Người đã tự ý tạo dựng con người, để họ được thông phần sự sống vĩnh phúc. Do đó, Người đã đến với con người. Thiên Chúa kêu gọi con người, giúp họ tìm kiếm, nhận biết và đem hết tâm lực yêu mến Người, … Người đã cử Chúa Con đến làm Đấng chuộc tội và cứu độ. Trong và nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa kêu gọi loài người trở nên nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần, và do đó, được thừa kế đời sống hạnh phúc của Ngài”.

Thiên Chúa đã đến với con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đón nhận Người vào trong cuộc đời của mình. Bài Tin Mừng hôm nay đã minh chứng cho chúng ta thấy con người dùng sự tự do của mình để đón nhận hay từ chối Thiên Chúa. Mẫu người nào đã đón nhận và mẫu người nào đã từ chối? Hai mẫu người này đã có sự khác biệt rất lớn trong tình yêu thương.

Người thành tâm sẽ tìm gặp được Thiên Chúa. Ngôi sao là vật thể mà mọi người có thể thấy. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem đã nhận ra dấu lạ của ngôi sao chỉ cho họ biết Đấng Ki-tô được sinh ra cho con người và họ đã tìm đến để thờ lạy. Con mắt của các nhà chiêm tinh cũng giống như con mắt của vua Hê-rô-đê và những người thân cận của vua, nhưng các nhà chiêm tinh nhìn sự vật dưới ánh mắt đức tin, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, tin và đón nhận Người. Tính thành tâm hay không thành tâm sẽ đưa con người đến một thái độ sống khác nhau. Người thành tâm có sự quảng đại và tìm được an vui trong đời sống vì họ gặp gỡ được Thiên Chúa là gặp gỡ được chính mình.

Người khao khát gặp gỡ Thiên Chúa sẽ đi trong đường lối của Người. Đoạn kết của bài Tin Mừng nói lên niềm hạnh phúc cho người có lòng thành “họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa” (Mt 2,12), đồng nghĩa là Thiên Chúa đã dẫn dắt họ không gặp điều ác hại, đưa họ “đi lối khác mà về xứ mình” (x. Mt 2,12), về lại với lòng chân thành của mình.

Kẻ mưu mô và cao ngạo sẽ không có được Thiên Chúa làm lẽ sống cho cuộc đời. Các nhà chiêm tinh đại diện cho những người thành tâm thiện chí đón nhận chân lý. Họ thuộc về những con người đơn sơ nhận ra giới hạn của mình và khát vọng tìm kiếm sự thật. Ngược lại, vua Hê-rô-đê đại diện cho những con người khát vọng quyền lực và tham vọng bất chính, tâm họ không an vì sợ, nên đã sống hai mặt “để tôi cũng bái lạy Người” (Mt 2,8), nhưng kỳ thực để giết hại Người. Đấng Đáng Kính, Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận nói trong cuốn sách Đường Hy vọng, số 511: “Kiêu ngạo là ăn cướp ơn Chúa, vinh danh Chúa, để làm của riêng con, công nghiệp con”. Thiết nghĩ, người tâm tà thì làm sao có thể trở thành mưu ích cho anh chị em đồng loại được?

Kẻ từ chối Thiên Chúa sẽ sống trong tham vọng bất chính. Rõ ràng vua Hê-rô-đê đã có tất cả theo chiều kích trần thế, nhưng không có được một trái tim an, một tâm hồn thiện lành, nên ông không thể nhận ra được sự hiện diện đầy yêu thương của Đấng Cứu Thế, Người mà nhân loại trông chờ qua bao thế hệ. Chính sự tự mãn và an nghỉ trên quyền lực của con người, nên mắt vua đã nhìn thấy mà không thấy về sự khác lạ của ngôi sao. Thật chí lý khi nói: “Nắm vững đức tin, con phân biệt đâu là đường hy vọng của tâm hồn tông đồ, đâu là lối chết của thế gian” (Đường Hy Vọng, số 273). Quả thực, vua Hê-rô-đê đã lầm lạc và cuồng điên khi phủ nhận chân lý, ông đã không được các nhà chiêm tinh trở

lại và báo cho biết về Đấng Cứu Thế. Sự vô vọng của kẻ cuồng vọng đưa đến tội ác phản nghịch với Thiên Chúa. Câu chuyện về kẻ chối từ Thiên Chúa kết thúc thật buồn: “Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh” (Mt 1,16).

Gẫm mà xem! Xã hội loài người tự cổ chí kim, con người luôn phải đau khổ với hạng người sống ngoài ánh sáng chân lý bởi tính cuồng vọng và tham lam của họ. Tâm hồn họ không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ đã gây ra bao tội ác cho nhân loại. Chúng ta không cần phải liệt kê danh sách về những con người đó, nhưng nhẩm tính mười ngón tay không đủ để làm phép tính cộng.

Quay trở lại với một thực tại, nhìn vào đoàn thể và trong gia đình vẫn còn đó những “vua Hê-rô-đê” gây nên bao đau thương cho anh chị em của mình, mà lắm lúc họ không hề hay biết vì họ xa vào cám dỗ chệch hướng. Loại cám dỗ này có khi mang sắc màu tươi đẹp của một công việc tốt lành và cho là một lý tưởng cao quý, nhưng mục đích cuối cùng không phải thuộc chân lý. Người phạm tội này vẫn không thể nhận ra tội lỗi của mình bởi tính tự phụ và tư lợi đã xâm chiếm tâm hồn họ.

Đi vào một thực tại là chính tôi. Tự hỏi tôi có an nhiên thực sự trong ơn gọi của tôi không? An nhiên đích thực của một người tin nhận Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ là an nhiên của người tự do làm con cái Thiên Chúa. An nhiên thực là tâm hồn không bị lay động trước những thực tại của xã hội đầy danh và lợi. An nhiên thực là tôi không làm mục vụ cầm chừng và an trú trong chức vụ để bảo toàn khát vọng riêng của mình. An nhiên thực là tôi không chối bỏ bản chất ơn gọi của một Ki-tô hữu hay một tu sĩ nhưng sống trọn chức phận của mình trong lời mời gọi của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con có được một tâm hồn chân thành và khao khát tìm Chúa trong cuộc đời chúng con, để chúng con có thể sống trong đường lối của Chúa. Xin Thánh Thần Chúa xuống trên mỗi người chúng con, dẫn chúng con đến bên Chúa Giê-su để chúng con thờ lạy Người như khi xưa Chúa đã dẫn các nhà chiêm tinh đến bên Chúa Hài Đồng để các ông thờ lạy bằng một tâm hồn tin yêu và chân thành. Amen.


 

NHIỆT THÀNH TÌM KIẾM CHÚA (Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD)

Hôm nay là lễ Chúa “Hiển Linh”. Điều mà Giáo Hội kính nhớ và vui mừng cử hành cách trọng thể trong ngày hôm nay là việc Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, đã tỏ mình ra cho muôn dân qua ba vị đại diện, là các nhà chiêm tinh đến từ phương Đông. Đây là điều đã được ngôn sứ Isaia đệ tam tiên báo từ trước như chúng ta nghe trong bài đọc I. Nhưng câu hỏi được đặt ra là tại sao chỉ có ba nhà chiêm tinh từ phương Đông đến bái lạy Chúa Giêsu Hài Đồng? Phải chăng Thiên Chúa chỉ tỏ lộ cho ba vị biết mà thôi? Để trả lời cho những câu hỏi ấy, chúng ta thử tìm hiểu Lời Chúa hôm nay.

Các Nhà Chiêm Tinh Là Những Người Chịu Khó Đọc Và Tìm Hiểu Dấu Chỉ Thời Đại

Theo như thánh Mátthêu tường thuật lại, sở dĩ ba nhà chiêm tinh biết được Đức Vua dân Do Thái mới ra đời là vì các ngài đã nhìn thấy ngôi sao của Người xuất hiện ở bên phương Đông (x. Mt 2, 2). Điều ấy đã làm ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia đệ tam mà chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất (Is 60,1-6). Ngôn sứ Isaia đệ tam đã tiên báo rằng ánh sáng của Thiên Chúa sẽ xuất hiện trên Ítraen và các dân tộc sẽ hướng về ánh sáng ấy mà cất bước. Ngôn sứ loan báo niềm hy vọng ấy trong bối cảnh ảm đảm của thời mà dân Ítraen mới hồi hương. Lời tiên báo ấy trở nên hiện thực với biến cố Chúa Giêsu xuống thế làm người. Quả thật, Chúa Giêsu Kitô chính là Nguồn Sáng thật, là “Vầng Đông tự chốn cao vời” (Lc 1, 78) chiếu tỏa trên trần gian và chiếu soi mọi người như lời thánh sử Gioan nói trong lời tựa của Tin Mừng thứ tư: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9). Trước hết, ánh sáng ấy chiếu tỏa trên Ðức Maria và thánh Giuse, kế đến là các mục đồng tại Bêlem. Các mục đồng, cùng với Đức Maria và thánh Giuse, đại diện cho “nhóm nhỏ còn lại của dân Ítraen”, những người nghèo, những kẻ đã được loan báo Tin Mừng. Ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô cuối cùng đã chiếu toả đến các nhà chiêm tinh, đại diện cho dân ngoại, qua ánh sáng của ngôi sao lạ.

Ở đây một vấn đề được đặt ra là: sự kiện một ngôi sao xuất hiện là chuyện xảy ra một cách công khai trước mặt mọi người, chứ không phải chỉ xuất hiện trước mặt ba nhà chiêm tinh mà thôi. Thế nhưng, tại sao chỉ có các nhà chiêm tinh mới nhận ra ngôi sao xuất hiện đó là ngôi sao của Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra đời? Chúng ta chỉ có thể trả lời rằng: Các nhà chiêm tinh là những người chịu khó đọc và tìm hiểu những dấu chỉ thời đại, đặc biệt là những dấu chỉ của thời đại Mêsia mà Thiên Chúa tỏ lộ cho họ qua các tinh tú trên trời. Chính vì cần mẫn đọc và tìm hiểu dấu chỉ của thời đại Mêsia, nên các nhà chiêm tinh đã nhận ra sự xuất hiện của Đấng Mêsia vừa mới sinh ra trong trần thế.

Đọc lại Cựu Ước, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa tỏ lộ chính bản thân Người qua từng biến cố của các tổ phụ Ápraham, Isaác và Giacóp, qua từng sự kiện trong dòng lịch sử của cả dân tộc Ítraen. Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Hiển Linh để kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người đã tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh, là những người đại diện cho muôn dân, qua hiện tượng ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời. Nhưng Thiên Chúa không chỉ tỏ lộ chính bản thân Ngài qua các hiện tượng trong thiên nhiên mà thôi, nhưng Ngài còn không ngừng tỏ lộ chính bản thân Ngài qua từng biến cố trong lịch sử cuộc đời của từng người, qua từng dấu chỉ thời đại trong dòng lịch sử của nhân loại cho đến tận thế.

Các Nhà Chiêm Tinh Là Những Người Tìm Kiếm Cách Nhiệt Thành Và Khiêm Nhường

Như chúng ta đã nói, Thiên Chúa không chỉ tỏ lộ chính bản thân Ngài qua những dấu chỉ của thiên nhiên mà thôi, nhưng Thiên Chúa còn bộc lộ chính bản thân Ngài qua những biến cố trong cuộc đời của các tổ phụ dân tộc Ítraen và trong dòng lịch sử của dân tộc ấy. Những biến cố ấy được Kinh Thánh Cựu Ước thuật lại cho hậu thế. Như vậy, qua Kinh Thánh, con người cũng có thể nhận ra Thiên Chúa. Mà quả thật, khi các nhà chiêm tinh đến Giêrusalem và hỏi về nơi ở của Đức Vua dân Do Thái mới sinh, thì vua Hêrôđê đã triệu tập các thượng tế và kinh sư lại để hỏi cho biết nơi ở của Đấng Kitô mới sinh. Dựa vào sách ngôn sứ, họ đã trả lời cho vua Hêrôđê một cách rõ ràng là tại Bêlem (x. Mt 2, 2-6). Như thế là nhiều người trong dân Ítraen biết về việc Đấng Kitô sinh ra ở đâu, nhưng tại sao không một ai gặp được Chúa Giêsu Hài Đồng? Còn vua Hêrôđê cũng sốt ruột tìm kiếm Chúa Giêsu nhưng tại sao ông cũng không gặp được Ngài? Trái lại, chỉ có các nhà chiêm tinh từ phương Đông xa xôi đến mới gặp được Hài Nhi Giêsu.

Các thượng tế và kinh sư, mặc dù biết được nơi ở của Đấng Kitô dựa vào sách ngôn sứ và nhận được thông tin từ các nhà chiêm tinh rằng Ngài vừa mới sinh ra, nhưng không gặp được Chúa Giêsu Hài đồng là vì họ không lên đường tìm kiếm Ngài. Ta không có chứng cứ Kinh Thánh xác đáng nào để biết cách chính xác là vì lý do gì mà họ không tìm kiếm Chúa Hài Đồng. Nhưng qua thái độ không tìm kiếm ấy, chúng ta có thể nói rằng họ khinh chê và từ khước Đấng Kitô mới sinh ra ở Bêlem. Có lẽ bởi Bêlem là một thành nhỏ nhất của Giuđa, nghèo nàn và chẳng có tiếng tăm gì, cho nên theo họ Đấng Kitô sinh ra ở đó cũng chẳng thể là Đấng Kitô như họ mong đợi. Họ mong đợi một Đấng Kitô vinh hiển theo nghĩa chính trị, theo nghĩa là một lãnh tụ oai phong có thể quy tụ dân Do Thái chống lại đế quốc Rôma để giải phóng dân tộc Do Thái.

Còn vua Hêrôđê tích cực tìm kiếm Chúa Giêsu Hài Đồng nhưng không thể gặp được Ngài. Đó là bởi vì ông tìm kiếm Ngài nhưng không phải để thờ lạy Ngài, nhưng tìm kiếm Ngài để sát hại Ngài. Ông lo sợ vị ấu vương vừa mới ra đời sẽ cướp ngai vàng trần thế khỏi tay của ông và dòng họ ông. Các nhà chiêm tinh thì khác, họ không tìm kiếm Chúa Giêsu Hài Đồng để sát hại Ngài, nhưng tìm kiếm Chúa Hài Đồng để thờ lạy Ngài. Khi biết được tin Đức Vua dân Do Thái mới sinh qua dấu chỉ ngôi sao lạ, họ đã lên đường theo chân ngôi sao lạ. Họ đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn của hành trình xa xôi. Họ đã cố gắng tìm kiếm Ngài bằng cách dò hỏi khi dấu lạ ngôi sao không còn xuất hiện nữa. Và khi ngôi sao lạ xuất hiện trở lại, họ đã vui mừng và bước đi theo sự dẫn đường của ngôi sao lạ. Khi gặp được Chúa Giêsu Hài Đồng trong hoàn cảnh hết sức đơn nghèo, họ không vì thế mà khinh thường và từ khước Đấng Kitô. Họ liền sấp mình thờ lạy, rồi mở bảo tráp để lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến Ngài. Chính thái độ đó, thái độ tìm kiếm nhiệt thành và khiêm nhường, mà các nhà chiêm tinh đã gặp được Chúa Giêsu Hài Đồng.

Ngày xưa, các nhà chiêm tinh ở phương Đông đã nhận ra được sự xuất hiện của Chúa Giêsu Hài Đồng khi các ngài cần mẫn đọc các dấu chỉ thời đại của mình. Ngày nay cũng thế, chúng ta cũng sẽ nhận ra sự xuất hiện của chính Chúa, khi chúng ta biết chịu khó đọc và tìm hiểu những dấu chỉ thời đại mình. Nhưng chúng ta có gặp được chính Chúa hay không là do chính thái độ tìm kiếm của chúng ta. Chúng ta tích cực tìm kiếm Ngài và khiêm nhường đón nhận Ngài thì chúng ta sẽ gặp gỡ được chính Ngài. Bởi vì Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa hay dùng những gì là yếu kém, là hèn mọn để hạ nhục những kẻ kiêu căng và tự mãn. Trong suốt dòng lịch sử của Hội Thánh, điều này vẫn thường xảy ra. Chúa vẫn luôn dùng những con người hèn kém và hiện diện ở nơi họ để thể hiện quyền năng yêu thương của Ngài cho nhân loại được thấy. Vì thế, trong thánh lễ này, chúng ta hãy cầu nguyện cho chính mỗi người chúng ta biết cần mẫn đọc và tìm hiểu các dấu chỉ thời đại để nhận ra sự xuất hiện của Ngài, đồng thời biết tích cực tìm kiếm Ngài và khiêm nhường đón nhận Ngài trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Amen.

Bài trướcLời Chúa & Bài giảng Lễ Chúa Hiển Linh
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, năm A)