Các bài đọc: Gr 23,1-6; Ep 2,13-18
Tin Mừng: Mc 6,30-34
Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
Bài chia sẻ của Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD
Trong vòng xoay hối hả của cuộc sống, con người bị hút vào đó và không thể thoát ra được. Ai cũng mệt mỏi, căng thẳng với guồng máy của “cơm áo gạo tiền,” guồng máy của danh vọng, quyền lực; làm việc quá nhiều và thiếu sự nghỉ ngơi, thiếu thời gian cho bản thân, gia đình, đời sống thiêng liêng. Chính lối sống này dần dần bóp chết sức sống của con người thời đại, làm cuộc sống trở nên khập khiễng, thiếu sự cân bằng.
Để thiết lập một cuộc sống hài hoà, cân bằng, đúng như thánh ý Thiên Chúa khi sáng tạo, trước hết, mỗi người phải thấy được giá trị, sự cần thiết và quan trọng của sự nghỉ ngơi. Thứ đến, chúng ta cũng cần “vạch mặt chỉ tên” những lối sống làm mất sự cân bằng trong cuộc sống. Sau cùng, chúng ta sẽ cùng kiểm điểm, dò xét lại cuộc sống và có những thay đổi để giúp cuộc sống trở nên cân bằng hơn.
Trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, Chúa Nhật XV thường niên, Đức Giêsu đã sai các Tồng Đồ đi rao giảng Tin Mừng. Trong Chúa Nhật tuần này, Tin Mừng cho chúng ta nghe về việc các Tông Đồ vui mừng trở về báo cáo với Đức Giêsu về những gì mà các ông đã dạy và đã làm trong thời gian đi rao giảng. Thay vì tán tụng, ca ngợi các ông, Đức Giêsu lại dạy bảo các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mt 6,31). Vì Đức Giêsu biết rằng công việc rao giảng, mục vụ đã làm các ông quá vất vả kiệt sức, đến nỗi các ông không có thời gian cho cả việc ăn uống. Bởi thế, Người muốn các ông hãy trách xa dân chúng, tránh xa sự ồn ảo để nghỉ ngơi; muốn các ông có thời gian để lắng động tâm hồn, để tâm sự, trò chuyện với Người.
- Sự Cần Thiết Của Việc Nghỉ Ngơi
Đời sống con người được đan xen bởi hai nhịp sống: lao động và nghỉ ngơi. Lao động cho chúng ta thấy được giá trị, ý nghĩa của bản thân với chính mình, với gia đình, xã hội. Vậy đâu là tầm quan trọng và giá trị của sự nghỉ ngơi?
Con người chúng ta bao gồm cả thể xác và linh hồn. Nghỉ ngơi là việc làm cần thiết cho cả thể xác và linh hồn. Đối với thể xác, nó cần được nghỉ ngơi để phục hồi, tái tạo năng lượng sau thời gian làm việc, hoạt động. Không những thế, tâm hồn cũng cần được nghỉ ngơi, nghĩa là dành thời gian để chăm lo cho đời sống thiêng liêng. Thể xác sẽ suy kiệt, không có đủ năng lượng để sống, làm việc nếu không được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Cũng vậy, linh hồn cũng sẽ “chết yểu” nếu không được nuôi dưỡng, bồi bổ bằng đời sống cầu nguyện. Thời gian nghỉ ngơi giúp mỗi người thoát khỏi áp lực, sự nặng nề của công việc để lấy lại sự cân bằng cho cuộc sống. Thời gian nghỉ ngơi cũng giúp họ dành thời gian, quan tâm nhiều hơn đến bản thân, đến gia đình cũng như các mối tương quan.
Với người tín hữu, thời gian nghỉ ngơi thật sự cần thiết và quan trọng. Nó giúp họ thoát được sự ồn ảo của cuộc sống; giúp họ có thời gian thing lặng để trò chuyện, tâm sự với Chúa. Như khí trời cần cho con người, người Kitô hữu cũng cần phải cầu nguyện như vậy. Đối với người môn đệ theo Chúa, họ không chỉ là con người của công việc tông đồ, mà tiên vàn là con người của cầu nguyện. Bởi vì việc tông đồ bắt nguồn từ nơi Chúa. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Mà làm việc của Chúa thì phải kết hợp mật thiết với Chúa, ngõ hầu công việc họ làm là làm theo thánh ý của Chúa. Cuộc sống người môn đệ là sự giao thoa không thể tách biệt giữa cầu nguyện và công việc tông đồ. Cầu nguyện là nguồn sức mạnh, nguồn năng lượng vô biên giúp họ làm công việc tông đồ. Còn công việc tông đồ giúp người môn đệ cầu nguyện sâu hơn, dễ dàng hơn. Bởi thế, người môn đệ không thể làm việc tông đồ tốt nếu thiếu hoặc không có đời sống cầu nguyện. Nếu chỉ dựa vào năng lực bản thân, sự vất vả trong công việc tông đồ sẽ vắt kiệt nguồn năng lượng nơi họ. Công việc tông đồ sẽ trở nên nặng nề và nhàm chán, không hơn không kém. Nếu có đời sống kết hợp với Chúa sâu sắc, người môn đệ thấy được giá trị của đời sống phục vụ, cũng như dễ dàng vượt qua những khó khăn trên đường sứ vụ.
- Thực Trạng Của Thời Đại
Trong thực tế, rất nhiều người vì quá “ham công tiếc việc” mà không có thời gian để chăm lo cho bản thân, cho con cái, cho tổ ấm gia đình. Hậu quả là sau một thời gian làm việc quá tải, họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, vì “sức cùng lực kiệt,” hay một số người phải làm bạn với giường bệnh đến cuối đời; một số khác thì gia đình “tan nát,” con cái hư hỏng. Đó là những hậu quả tất yếu nếu mỗi người không biết sắp xếp hợp lý giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi.
Có thời gian để nghỉ ngơi là một chuyện, nhưng biết dùng thời gian đó một cách hợp lý lại là một chuyện khác. Nhiều người dành rất nhiều thời gian để nghỉ ngơi nhưng họ “phung phí” thời gian vàng ngọc đó vào những việc vô bổ như: “dán mắt” vào các trò chơi điện tử, nhậu nhẹt “thâu đêm suốt sáng” với bạn bè …, thay vì giúp vợ chuyện bếp núc, dạy con cái học hành … Vì vậy, mỗi người cũng phải biết cách dành thời gian nghỉ ngơi như thế nào cho hợp lý.
Với người Kitô hữu, ngoài thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc bản thân, gia đình, họ cũng phải biết dành thời gian để chăm lo cho đời sống thiêng liêng: tham dự Thánh Lễ, làm việc đạo đức … Thế nhưng nhiều Kitô hữu lại lãng phí thời gian quý giá đó bằng những việc như: “nấu cháo” hàng giờ trên điện thoại, lướt mạng … Với họ, dường như đời sống thiêng liêng chỉ là yếu tố phụ, thêm vào cho phong phú cuộc sống, chứ nó không phải là yếu tố cần thiết và quan trọng. Họ có thể sẵn sàng bỏ Lễ, bỏ đọc kinh vì những lý do giản đơn như thế.
Với sự phát triển của thế giới mạng, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, mỗi người có thể kéo cả thế giới về với mình. Hậu quả là, nhiều bạn trẻ sợ hãi sự thinh lặng, thanh vắng. Họ tìm mọi cách phủ lấp từng giây phút đời mình bằng tiếng nhạc, hay lang thang trên thế giới ảo. Dường như họ đã dần dần mất khái niệm về sự thinh lặng nội tâm để cầu nguyện, để tâm sự với Chúa. Thậm chí, đời sống cầu nguyện chỉ còn được hiểu là sự “xin xỏ.” Đến với Chúa chỉ biết xin Chúa ban cho điều này, điều kia mà quên rằng ta phải thân thưa, trò chuyện với Người.
Với các mục tử, trong thế giới mà “đồng lúa bao la bát ngát mà thợ gặt thì thiếu,” nghĩa là công việc tông đồ quá nhiều nhưng người phục vụ lại quá ít. Bởi thế, các ngài luôn trong tình trạng quá tải công việc. Hệ lụy dẫn tới là họ thiếu thời gian để chăm lo cho đời sống cầu nguyện, hay cầu nguyện trở nên thứ yếu trong các ưu tiên của họ.
- Kiểm Điểm Để Cân Bằng Hơn
Việc cho thấy tầm quan trọng của sự nghỉ ngơi, của đời sống thiêng liêng, cũng như việc “bóc trần” những thực trạng về đời sống với Chúa, với nhau như một cái nhìn bao quát để giúp mỗi người kiểm điểm, dò xét lại nhịp sống nghỉ ngơi, đời sống thiêng liêng của mình, ngõ hầu cuộc sống mỗi người trở nên cân bằng hơn. Những câu hỏi gợi ý được đặt ra là: chúng ta cần phải làm gì để cuộc sống có sự cân bằng hơn? Chúng ta phải thay đổi những gì để đạt được đời sống kết hợp mật thiết với Chúa hơn?
Bài Tin Mừng hôm nay giúp tôi xác tín rằng: tiên vàn của người môn đệ theo Chúa là chính Chúa, chứ không phải bất kì điều gì khác. Dành thời gian cho đời sống cầu nguyện phải là ưu tiên trước hết và quan trọng nhất. Bởi thế, tôi phải sắp xếp làm sao để luôn có thời gian cầu nguyện trong ngày, và phải trung tín với “thời gian thánh” này. Không được để thời gian cầu nguyện “lên xuống” theo khối lượng công việc. Tất cả những công việc tôi làm sẽ trở nên vô nghĩa nếu tôi không được chìm đắm, ngụp lặn trong đời sống cầu nguyện, và được hướng dẫn bởi Thiên Chúa. Hơn nữa, đời sống cầu nguyện là nguồn năng lượng vô tận; là chìa khoá vạn năng giúp tôi thoát gỡ mọi khó khăn trên con đường phục vụ.
Bài Tin Mừng cũng cho thấy rằng: Thiên Chúa luôn muốn con người được sống hạnh phúc, bình an. Người cũng luôn giang rộng vòng tay để chào đón mọi người đến “thổ lộ tâm can,” đến trút hết những “gánh lo” và Người sẽ cho họ nghỉ ngơi, bồi dưỡng (x. Mt 11,28). Người vẫn đang chờ đợi tất cả chúng ta.