Bài Ðọc I: Xh 20, 1-17
“Luật do Môsê đã ban ra”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Ðừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta và tuân giữ các giới răn Ta.
Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt.
Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sabbat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày Sabbat.
Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn này: Xh 20, 1-3. 7-8. 12-17
“Luật do Môsê đã ban ra”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt. Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat.
Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác; chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời (Ga 6, 69).
Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. – Ðáp.
2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. – Ðáp.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy. – Ðáp.
4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 22-25
“Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho nhiều người, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những người được gọi”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Ðức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4, 4b
Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
Phúc Âm: Ga 2, 13-25
“Các ngươi cứ phá huỷ đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.
Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.
Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
ĐỀN THỜ ĐÍCH THẬT
Lm Phêrô Phùng Ngọc Vĩnh, SVD
Quan niệm về sự trong trắng, sự tinh tuyền và trong sạch luôn được đề cao trong văn hóa và con người Việt Nam. Cụ thể nét đẹp nơi hình ảnh hoa sen luôn được ca ngợi với nhiều cung bậc khác nhau. Ai cũng hiểu giá trị của nó, nhưng mấy ai dám sống để đạt được nét đẹp ấy. Và rồi còn có một nét đẹp cao thượng hơn cần được tôn vinh và giữ gìn, đó là đền thờ nơi tâm hồn mỗi người. Có thể nói, xã hội, gia đình và con người ngày nay đầy rẫy những bất toàn, giống như một bãi rác rộng mênh mông không biết bắt đầu dọn từ đâu, rất nhiều điều phải được thanh tẩy và lành mạnh hóa. Vì vậy, làm cách nào để giữ được tâm hồn trong sạch quả là một thách thức lớn cho mỗi người.
Ánh sáng Lời Chúa hôm nay, phần nào giúp ta tìm được câu trả lời qua hành động thanh tẩy Đền Thờ của Chúa Giêsu, khi các môn đệ nhớ lại “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2,17). Tác giả Gioan đã khéo léo khi nối kết các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu trên cuộc hành trình lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, xét cho cùng, cái chết đang chờ đợi Chúa Giêsu. Vì vậy, đi lên Giêrusalem có nghĩa là giáp mặt với cái chết, là đi đến tận cùng của thân phận làm người để cứu lấy nhân loại.
Tin Mừng hôm nay nói rõ, Người đi từ Caphacnaum lên Giêrusalem, sau khi dự tiệc cưới tại Cana và “Người thấy trong đền thờ có những kẻ bán bò, chiên, bồ câu và những người đang đổi tiền” (Ga 2,14). Chúng ta có thể tưởng tượng những cuộc mặc cả cùng với việc bán buôn và sự bát nháo khắp nơi trong Đền Thờ. Trước khung cảnh như thế, Đức Giêsu vô cùng giận dữ, Người lấy dây thừng nhỏ làm roi mà đuổi tất cả. Người xử lý với mỗi hạng người bất kính theo tính cách của họ. Người đuổi bò, chiên bằng roi. Người đổ tung tiền để chỉ cho họ biết rằng đầu cơ tiền bạc là sai phạm trong nhà Thiên Chúa. Vì họ cho rằng: Người tín hữu không được phép dùng đồng tiền Rô-ma dâng cúng đền thờ, vì đồng tiền như thế được xem là không thanh sạch. Họ phải đổi tiền nước ngoài sang tiền được thánh hóa. Đức Giêsu biết rõ hình thức đổi tiền này biến thành một kiểu lừa gạt nên Người phản ứng và lật nhào bàn của họ và nói “Đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán”(Ga 2,16).
Rõ ràng hành động này có thể để lại những phản ứng trái chiều nhưng chắc chắn có một điều rằng hành động ấy đã tác động rất lớn đến những người hành hương ngày hôm đó. Ở đây chúng ta thấy có một chi tiết khá thú vị. Khi thực hiện hành động đó, Đức Giêsu không nói “Cha chúng ta” nhưng Người nói “Cha ta”, bởi Người biết tương quan đặc biệt của chính Người với Thiên Chúa. Đức Giêsu không khoan dung với những gì liên quan đến tội lỗi. Thái độ của Người luôn đồng nhất với quan điểm của lề luật vì Lề luật bày tỏ thái độ của chính Thiên Chúa, được mặc khải trên núi Sinai như trong bài đọc I hôm nay rằng chỉ thờ một mình Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ ra khỏi Ai Cập và chỉ có Ngài là Đấng Thánh.
Tuy nhiên, chúng ta thấy, không ai trong số họ phản đối Người hành động. Lý do này có thể được cho là do uy quyền được thể hiện qua lời nói và việc làm đầy thuyết phục của Người. Chắc chắn một số tư tế có thể đã muốn làm điều Người làm và số đông dân chúng đạo đức đến đền thờ đã phẫn nộ khi đi ngang qua một nơi giống như một cái chuồng bò để đến với Thiên Chúa chân thật. Có thể, nhà cầm quyền sợ cuộc nổi loạn xảy ra nếu họ can thiệp.
Và trọng tâm của Tin Mừng hôm nay nằm ở câu trả lời của Chúa Giêsu trước sự thắc mắc của những người Do Thái “ông lấy dấu lạ nào để chúng tôi thấy tại sao ông làm điều ấy?” (Ga 2,18) Đức Giêsu trả lời “ các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày, Tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Họ đã hiểu nhầm hay nói đúng hơn là họ không hiểu gì về điều Chúa Giêsu muốn nói. Người ngầm cho biết Đền thờ mới chính là thân thể Người, là Thân Thể phục sinh, là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình cho loài người, là đền thờ thực thụ, là nơi thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật. Như vậy, qua hành động thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu còn cho biết thêm: sự thờ phượng đích thực của thời Tân Ước là thờ phượng Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu. Giờ đây, nền phụng tự cũ đã thay thế bằng nền phụng tự mới trong Thần Khí và Sự Thật, trong tình yêu và hi vọng.
Nhìn vào thế giới đầy ngổn ngang, xáo trộn và bát nháo như hôm nay, điều này cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ vì có thể nói:
Thế giới này cũng là một đền thờ cần được thanh tẩy.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất ổn và sống gió, vàng thau lẫn lộn. Sự thật và công lý đã bị méo mó, không còn hình dạng. Con người đối xử với nhau không có tình thương. Thế giới vốn nó đã bị vẩn đục, cần được đổi mới. Vì vậy, mỗi người chúng ta góp phần công sức của mình để thay đổi thế giới hầu mang lại công bình và sự thật trong thế giới này, một thế giới còn đầy mâu thuẫn giữa lời nói với việc làm. Chính Đức Giêsu khi xưa đã khiển trách thái độ giả hình của các nhà lãnh đạo Do thái, không phải vì Người muốn hủy bỏ luật Môsê để xúi dục dân chúng nổi loạn, nhưng Người chỉ đưa ra công bình của sự thật, và những giá trị đạo đức mà giới lãnh đạo tôn giáo dùng những tấm màn che đậy lối sống dối trá của họ. Họ lớn tiếng nói về sự công bình bác ái, nhưng lại sống bất công và gian ác. Họ tự cho mình là người yêu chuộng và bảo vệ tự do, nhưng lại đưa ra hàng trăm thứ luật lệ tỉ mỉ để gây khiếp sợ, ngăn chặn không cho con người phát triển trong tương quan con người yêu thương nhau và với Thiên Chúa chân thật.
Gia đình cũng là đền thờ cần Thiên Chúa ngự trị.
Chính nơi gia đình cũng đánh mất dần đi tình thương giữa những người thân thuộc, thiếu đi sự tin tưởng lẫn nhau, vẫn còn đó những cảnh bạo hành trong gia đình, nhiều vợ chồng không còn sự nhường nhịn trong tranh luận. Vì theo suy nghĩ của loài người, nhường là thiệt thòi, nhịn là nhục. Nhưng theo cách nghĩ của Chúa, nhịn nhục là biểu lộ một nhân cách rất vững vàng và thể hiện một tấm lòng rất khoan dung.
Trở về với Đền thờ nơi tâm hồn, chúng ta cũng rất cần Chúa hiện diện và biến đổi. Sự thật là tâm hồn chúng ta đầy xáo trộn, bất an, ngổn ngang với biết bao tội lỗi và sự bất trung với Thiên Chúa. Có thể đã nhiều lần chúng ta tự đóng kín cánh cửa tâm hồn của mình, không cho Chúa có cơ hội viếng thăm và an ủi; Ngài chỉ có thể đứng ngoài cửa nhìn vào cuộc sống của chúng ta. Nhìn chúng ta chơi, thấy chúng ta ngủ, bị té và đau khổ. Ngài muốn giúp nhưng vì sự tự do, lòng kiêu ngạo của chúng ta đã cản bước Ngài. Một ngày, hai tuần, ba tháng, một năm… nếu chúng ta không bước ra khỏi không gian chật hẹp và ngột ngạt đó, chúng ta sẽ làm cho ổ khóa bị rỉ sét để rồi không cách nào ra ngoài được. Mùa Chay này cũng là cơ hội tốt để chúng ta mở lòng ra với Chúa, khi đó chúng ta mới thật sự dễ dàng trãi lòng mình và nghĩ tới anh em, tha nhân, tới những ai đang cần nơi mình sự giúp đỡ.
Trong một căn phòng, không gian tĩnh lặng tới mức người ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm của những ngọn nến. Cây nến thứ nhất than vãn: Ta là biểu tượng của thái bình, hòa thuận. Thế nhưng, đời này những cái đó thật chông chênh. Thế chiến hiếm khi im tiếng súng. Người với người, thậm chí vợ chồng, anh em trong một nhà cũng chẳng mấy khi không cãi cọ. Thế rồi ngọn nến leo lét, ngọn lửa mờ dần cho tới khi ánh sáng lụi tắt hoàn toàn.
Ngọn nến thứ hai vừa lắc vừa kể lể: Ta là niềm tin. Thế nhưng trong thế giới này hình như ta trở nên thừa thãi, một món xa xỉ. Biết bao kẻ sống theo thời gian không cần niềm tin. Nói rồi ngọn nến từ từ tắt, tỏa ra một làn khói trắng luyến tiếc.
Ta là tình yêu, ngọn nến thứ ba nói. Nhưng ta không còn đủ sức để tỏa sáng nữa. Người ta gạt ta ra một bên và không thèm hiểu giá trị của ta. Cứ nhìn thế giới mà xem, không thiếu kẻ quên luôn cả tình yêu đối với những người ruột thịt của mình. Dứt lời phẫn nộ, ngọn nến vụt tắt
Căn phòng trở nên tối tăm. Chỉ còn một ngọn nến nằm ở góc xa vẫn tiếp tục phát ra ánh sáng, như ngôi sao đơn độc giữa bầu trời đêm. Bất chợt một cô bé bước vào phòng. Thấy ba ngọn nến bị tắt, cô bé thốt lên: Tại sao các bạn không cháy nữa? Cuộc sống này luôn cần các bạn: Hòa bình, niềm tin, tình yêu phải luôn tỏa sáng chứ. Cây nến thứ tư nãy giờ vẫn lặng lẽ cháy trong góc phòng đáp lời cô gái: Đừng lo. Tôi là hi vọng. Nếu tôi còn cháy, dù ngọn lửa rất mong manh, chúng ta vẫn có thể thắp sáng lại hòa bình, niềm tin và tình yêu.
Mắt cô bé sáng lên. Cô bé dùng cây nến thứ tư, cây nến hi vọng để thắp sáng trở lại các cây nến khác.
Đức Kitô chính là niềm hi vọng và mong đợi đích thực cho thế giới này. Qua Lời Chúa hôm nay, xin Thiên Chúa thanh tẩy tâm hồn và lòng trí chúng ta để mỗi người chúng ta xứng đáng mặc lấy con người mới là chính Chúa, nhờ đó chúng ta được trở nên như Đền Thờ, trở nên như dấu chỉ hiện diện của Chúa Cha giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.