Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 1 Mùa Chay – Năm B

0
378
the wooden rosary on the open Bible

Bài Ðọc I: St 9, 8-15

“Giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nôe sau khi ông này được cứu khỏi nướt lụt”.

Trích sách Sáng Thế.

Ðây Thiên Chúa phán cùng ông Nôe và con cái ông rằng: “Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”. Và Thiên Chúa phán: “Ðây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất. Khi Ta quy tụ mây lại trên trời, mống sẽ xuất hiện trên mây, và Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật, và không khi nào nước lụt tiêu diệt mọi loài như thế nữa!”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9

Ðáp: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa (x. c. 10).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. – Ðáp.

2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. – Ðáp.

3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Pr 3, 18-22

“Hiện giờ phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Với Thần Linh, Người đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin, đang khi lòng nhân từ Chúa còn khoan giãn lúc ông Nôe đóng tầu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả tám người, được cứu khỏi nước lụt. Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng ngự bên hữu Thiên Chúa, sau khi về trời, đã bắt các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4,4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Phúc Âm: Mc 1, 12-15

“Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ðó là lời Chúa.

BÀI GIẢNG CHỦ ĐỀ:

LUÔN TRUNG THÀNH VỚI LỜI CHÚA

Lm. Vinhsơn Nguyễn Đức Khanh, SVD 

Mỗi năm, khi Mùa Chay về, chúng ta lại được chiêm ngưỡng hình ảnh Đức Giêsu chiến đấu với ma quỷ, với cơn cám dỗ. Phụng vụ Lời Chúa trong cả ba năm A-B-C của Chúa nhật thứ I Mùa Chay đều liên hệ đến sự kiện này. Đức Giêsu đã chiến đấu với ma quỷ trước khi khởi đầu sứ vụ công khai loan báo Tin Mừng. Ngài đã chiến thắng và vượt lên những mưu mô do ma quỷ bày ra.

Bài đọc I trích sách Sáng Thế trình bày về cơn Hồng Thủy cũng như lời Thiên Chúa hứa với ông Nôê và dòng dõi ông. Hồng Thủy thời Nôê đã tiêu diệt và thanh tẩy khỏi mặt đất những ô uế của tội lỗi, là dấu chỉ của Bí tíchRửa tội trong Tân Ước sau này.Từ đây, một dân tộc mới sẽ phát sinh và Thiên Chúa sẽ kết ước và ban ơn tha thứ, yêu thương cho con người.

Trong bài đọc 2, Thánh Phêrô đã có một sự so sánh giữa hình ảnh con tàu năm xưa của Nôê với Bí tích Rửa tội. Ai vào tàu Nôê thì được cứu thoát và sinh sôi nảy nở thật dồi dào. Cùng một cách thức ấy, ai lãnh nhận Bí tích Rửa tội thì sẽ được thánh hóa và cứu thoát khỏi tội lỗi, khỏi con người ô uế để trở thành tạo vật mới, trở nên con cái Chúa.

Bước qua bài Tin Mừng, chúng ta thấy hình ảnh của Đức Giêsu chiến đấu một cách liên lỉ với ma quỷ: “Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ”(Mc 1,13). Đây không phải là một cơn cám dỗ một lần rồi thay cho cả đời, mà là một sự triền miên đi theo trọn kiếp con người. Một Satan đã dùng sự quyến rũ của của cải vật chất, quyền lực và tất cả những gì thế giới hôm nay đang mơ có được để “dụ” Đức Giêsu. Nhưng Satan đã hoàn toàn thất bại, vì Đức Giêsu đã có một vũ khí vô cùng lợi hại và sắc bén đó là vâng phục Thánh ý Chúa Chavà Ngài đã chiến thắng hoàn toàn. Cụ thể nhất, ngay chính trong cơn cám dỗ khốc liệt nhất trước cái chết, Đức Giê su cũng đã thốt lên: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”(Mt 26,39). Muốn vâng theo ý Cha, cần phải cầu nguyện, ăn chay, hy sinh và hãm mình. Và Đức Giêsu đã thực hiện rất tốt điều này khi Ngài bước vào hoang địa 40 đêm ngày.

Vâng, còn chúng ta, chúng ta có phải chịu những cơn cám dỗ như Đức Giêsu không? Thưa có và chúng ta vẫn đang ngày đêm chiến đấu. Cuộc chiến này chỉ kết thúc khi chúng ta lìa thế mà thôi. Do đó, số phận đời đời của chúng ta cũng sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta vượt thắng những thử thách, hay đầu hàng, buông xuôi bỏ cuộc hay kiên tâm chiến đấu cho đến cùng. Cuộc đời Đức Giêsu không thiếu những cám dỗ, có lúc nhất thời, có lúc dai dẳng. Cuộc thử thách cam go và quyết liệt giữa Đức Giêsu với ma quỷ, không chỉ xảy ra một lần trong sa mạc, mà còn theo Đức Giê su đến tận vườn Cây Dầu, và đến tận đồi Canvê. Con đường cứu độ là con đường thập giá. Chính Đức Giêsu, Đấng Cứu độ chúng ta cũng đã đi qua con đường thập giá ấy. Chúng ta biết thế, nhưng từ chỗ biết, đến chỗ thể hiện sự hiểu biết đó trong cuộc sống hàng ngày, không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, chúng ta phải luôn biết cầu nguyện cho chính mình và cho mọi người được ơn hiểu biết và sống theo gương Đức Giêsu.

Khi nói về cám dỗ, chúng ta thường liên tưởng đến những điều xấu. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ lầm lạc vì những điều xấu, mà lắm khi những điều tốt cũng có thể khiến chúng ta lạc lối với những mục đích xấu. Qủa thật, mọi cám dỗ đều xuất hiện dưới bộ mặt hết sức tốt đẹp. Chúng ta không chỉ bị tai nạn, thương tích, và thiệt mạng vì những con đường gập ghềnh, quanh co, khó đi, mà ngay cả những con đường bằng phẳng, rộng lớn và đầy những thứ hấp dẫn cũng gây nhiều thiệt hại cho chúng ta.

Những cơn cám dỗ của Đức Giêsu cũng là những cơn cám dỗ diễn ra từng phút, từng giờ trong suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta. Đó là những lúc chúng ta khao khát nhu cầu xác thịt mà quên đi lương thực cao cả là Lời Chúa. Đó có thể là những lúc chúng ta dám thách thức Thiên Chúa, là ép buộc Thiên Chúa đáp ứng cho mình những nhu cầu trần thểvà muốn người khác phục vụ mình. Đó cũng có thể là những lúc vì yếu lòng tin rồi chạy theo những sự mê tín, bói toán, ngẫu tượng nhằm mục đích thu vén vật chất cho mình. Đó có thể là những nỗi ham mê tiền bạc, danh vọng mà bất trung với Chúa. Và rất nhiều lần khác vì muốn chiếm cho được thật nhiều danh vọng mà gạt Chúa ra khỏi cuộc đời của chúng ta…

Để chiến thắng được cám dỗ, Đức Giêsu cũng đã hy sinh bản thân mình, không đi tìm thoả mãn những điều mình thích, mình muốn, mà luôn tìm thánh ý Chúa Cha và lấy vũ khí là Lời Thiên Chúa để chống trả. Cũng vậy, chúng ta hãy bắt chước Đức Giêsu khi biết từ bỏ, hy sinh những nhu cầu không chính đáng và thiết tha trong việc lắng nghe Lời Chúa vì chỉ Thiên Chúa mới có thể dẫn dắt chúng ta ra khỏi cái rối ren của hư không và trống vắng để đi vào ánh sáng. Đồng thời chúng ta hãy thực hiện như lời Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại 3 hành động cụ thể gắn liền với Mùa Chay là: cầu nguyện liên lỉ, ăn chay hãm mình, và làm việc bác ái hay là bố thí. Cầu nguyện nhiều hơn để chúng ta gắn bó với Chúa hơn; Ăn chay, hãm mình để chúng ta chế ngự những thói hư, tật xấu, những ham muốn thể xác của mình; và bố thí là một phương thức để chúng ta tỏ lòng yêu thương đối với anh chị em khốn khổ xung quanh mình.

Kết thúc bài chia sẻ hôm nay, tôi xin gợi lại một tấm gương tuyệt vời về đời sống thực thi Lời Chúa trong sinh hoạt thường ngày để chiến thắng cám dỗ mà mỗi người chúng ta cần cố gắng noi theo.

Năm 1975, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận bị bắt, sau đó bị giam 13 năm với nhiều địa điểm khác nhau, đặc biệt trong đó có 9 năm biệt giam, tức là không có sự liên hệ với người ngoài. Tuy nhiên, ngài đã vượt qua mọi khó khăn gian lao. Tại sao ngài làm được như thế? Trong tập sách “Chứng Nhân Hy Vọng, chính ngài kể lại rằng trong những lúc gian nan đó, ngài sống bằng Lời Chúa. Lời Chúa là ánh sáng soi lối chỉ đường cho toàn bộ cuộc sống của ngài, cho nên ngài vẫn bình an, vẫn hạnh phúc. Không những thế, cuộc sống bình an của ngài đã cảm hóa được nhiều người trong lao tù, trong đó có cả viên cai ngục bởi vì Thiên Chúa luôn ở trong ngài.

Trong Chúa nhật đầu Mùa Chay, Hội thánh đã làm nổi bật khuôn mặt Chúa Giêsu, Người Con chí ái của Cha, để mời gọi ta định hướng cho đời sống đức tin của mình. Ước gì việc chiêm ngắm Chúa Giêsu và đón nhận thánh Thể Người giúp ta có thể vượt qua những cám dỗ đời thường, để luôn trung tín và vâng phục Thiên Chúa. Đó chính là nẻo đường sự sống đích thực cho đời sống theo Chúa của chúng ta. Amen.

 

Bài trướcSứ Điệp Mùa Chay 2018 – của ĐTC Phanxicô
Bài tiếp theoMùa Chay – Tuần I – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.