GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC (26/12, CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT – NĂM C)

0
532

1Sm 1,20-22. 24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52

Tin Mừng: Lc 2,41-52

Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazaréth và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.

—oOo—

BÀI GIẢNG

GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC (Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Hiếu, SVD)

Là người, ai trong chúng ta cũng được sinh ra và nuôi dưỡng dưới một mái ấm gia đình, và chúng ta trân trọng, quí mến mái ấm ấy. Dù bôn ba, mưu sinh phương nào, dù thành công hay vất vả, chúng ta cũng luôn hướng về quê nhà, về gia đình. Những đoàn người hồi hương trong cơn đại dịch Covid-19, bất kể nguy hiểm, đói khát, thậm chí có nhiều người đã đi bộ cả trăm cây số, để về được mái ấm gia đình, đã cho chúng ta nghiệm ra giá trị cao cả của quê hương, gia đình.

Chúa Giêsu cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ngài đã làm người, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha, có mẹ và Ngài luôn trân quí mái ấm yêu thương ấy. Đó là tổ ấm Thánh Gia mà Giáo Hội mừng lễ ngày hôm nay.

Trong khi xã hội và con người ngày nay ít lưu tâm đến sợi dây ràng buộc nối kết gia đình, ít để ý đến trách nhiệm của cha mẹ, của con cái trong các gia đình, thì hôm nay, Giáo Hội gởi đến cho chúng ta mẫu gương Thánh Gia để nhắc nhở các bậc cha mẹ và con cái, đồng thời mời gọi chúng ta noi theo.

Trước tiên, Đức Mẹ và thánh Giuse đã để lại cho các bậc cha mẹ mẫu gương tuyệt vời về hai chữ “trách nhiệm”

Đức Mẹ và thánh Giuse có trách nhiệm với Thiên Chúa, với nhau và với con cái. Chính vì thế, hai ông bà đã đưa Hài Nhi Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa theo luật định. Trách nhiệm của Đức Mẹ và thánh Giuse còn được thể hiện rõ nét khi hai ông bà đang đêm đem Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập, rồi từ Ai Cập trở về. Hơn nữa, năm Đức Giêsu lên mười hai tuổi, khi lạc mất con trong đền thờ, hai ông bà đã lặn lội ngược xuôi để tìm cho kỳ được. Đây là mẫu gương tuyệt vời của Đức Mẹ và thánh Giuse. Còn với Đức Giêsu, ngài là một người con hiếu thảo, ngoan ngoãn, vâng lời. Vì thế, Kinh Thánh đã diễn tả như sau: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Mẫu gương thứ hai cho các gia đình là về sự “chung thủy”

Mặc dù nơi Đức Mẹ, thánh Giuse và Đức Giêsu, cả ba đều là thánh và sống đẹp lòng Thiên Chúa trọn vẹn. Nhưng nơi gia đình này, Thiên Chúa cũng không miễn trừ những khó khăn và thách đố trong đời sống gia đình. Tuy nhiên, dù cho những thử thách dồn dập xảy đến, nhưng Đức Mẹ, thánh Giuse và Đức Giêsu vẫn bình an, hạnh phúc và chung thủy với nhau. Có được điều này là bởi vì các ngài luôn yêu thương nhau bằng tình yêu tự hiến, luôn biết đón nhận những thử thách trong niềm tin và lòng mến, đồng thời biết thánh hóa những đau khổ ấy và biến nó thành niềm vui cứu độ.

Một gia đình hạnh phúc là gia đình mà mọi thành viên đều sống trọn bổn phận để đem lại hạnh phúc cho nhau. Một “gia đình nhỏ mà hạnh phúc to” thì quan trọng hơn cả gia đình có nhiều tiền bạc, quyền thế mà lại thiếu tình yêu, thiếu hạnh phúc.

Chúng ta nhìn vào thực trạng của các gia đình hôm nay. Thực tế, các gia đình đang phải đối mặt với biết bao thách đố, về tình người, sự cảm thông, chia sẻ, sự khoan dung tha thứ và lòng nhân ái,… thay vào đó là sự tính toán vụ lợi và thực dụng nhiều hơn. Những gia đình nào bị cuốn hút, bị nhấn chìm vào cơn mê hoặc của vật chất và ích kỷ đều dẫn tới thảm họa là bất bình, bất trung, bất tín, bất an, bất hạnh, giả dối, lừa gạt, đổ vỡ và tan tác.

Nhà thơ Nguyễn Du đã từng nói: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Thật vậy, nhìn vào thực tế nhiều gia đình hiện nay, chúng ta không thể không lo ngại, bởi vì có những điều mà ngày xưa người ta coi đó là quái gở, là tội lỗi nhưng hôm nay lại là chuyện bình thường diễn ra như cơm bữa hằng ngày! Chẳng hạn như chuyện nạo phá thai. Đi ra ngoài đường, chúng ta thấy những trung tâm, phòng khám nhan nhản mọc lên với những tấm biển nhìn mà thấy ớn lạnh như: “Phá thai an toàn, không đau”; “Siêu âm, hút thai bằng thuốc”, “Bảo vệ Bà Mẹ và trẻ em” mà thực chất là ngừa thai, phá thai…

Mặt khác, cảnh ly dị đang dần trở thành phổ biến, và đang dần trở thành một thái độ sống: “Ở không hợp thì chia tay”. Thậm chí một nữ doanh nhân nổi tiếng (N.P.H) đã dám đăng Youtube lớn tiếng khẳng định “ngoại tình chưa chắc đã là xấu!!!” Đây là một nỗi buồn tê tái của một lối sống thực dụng, đang dần phá đổ đời sống gia đình và nhất là sự thánh thiêng của Bí tích Hôn Phối, bởi vì những đôi vợ chồng ngoại tình, ly dị mang lại hậu quả khôn lường, bi đát cho tổ ấm gia đình và sẽ đổ bất hạnh lên đầu những đứa con thơ ngây vô tội.

Chúng ta vẫn thường nghe, đọc trên truyền thông thấy dấu hiệu của sự rạn nứt gia đình đang đe dọa, rình rập: bao trẻ thơ đang khao khát về một niềm hạnh phúc nơi gia đình; biết bao ông bố bỏ bê gia đình, vợ con, thậm chí không biết đường về nhà sau cuộc vui chén chú chén bác; và cũng biết bao bà mẹ tự đánh mất đi tổ ấm và thiên chức làm mẹ của mình.

Kính thưa Cộng đoàn, ngày nay nhiều khi chúng ta cố gắng xây dựng một gia đình to nhưng hạnh phúc lại bị thu nhỏ vì thiếu quan tâm tới nhau; cố gắng xây nhà cao cửa rộng, nhưng lại lạnh ngắt vì thiếu tình yêu. Đây không phải là ước mơ của con cái; những đứa con thơ chỉ cần: “một gia đình nhỏ mà hạnh phúc to” mà thôi:

“Một nụ cười bé, cha vui cả ngày

Một vài tiếng khóc, mẹ lo hằng đêm

Thầm cầu mong cho con sẽ an lành 

Chín tháng sinh thành, một đời yêu thương

À ơi à ơi, con ngủ cho ngoan, giấc mơ sẽ mang đầy lời mẹ ru.

À ơi à ơi, mãi mãi chúng ta, một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to”.

(Bài hát: Gia đình nhỏ, hạnh phúc to của Nhật Tình Anh)

Anh Chị Em thân mến, hạnh phúc không chỉ là niềm khao khát của riêng ai mà còn là của tất cả chúng ta, nó trở nên một khao khát lớn hơn bao giờ hết với những ai đang sống và sẽ tiến tới cuộc sống hôn nhân gia đình. Vậy để có một cuộc sống gia đình hạnh phúc rất cần đến sự cộng tác của các thành viên, tiên vàn phải là người chồng, người vợ và những người con sống hòa thuận yêu thương vì “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Thánh Phaolô dạy chúng ta: Trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương nhau, đó là giây ràng buộc điều toàn thiện… Người vợ hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Những người chồng, hãy yêu thương vợ, đừng hành hạ, đay nghiến. Hỡi những người con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa” (Cl 3,14-19).

Thánh Gia đã sống như vậy, để trở nên một gia đình lý tưởng, đạo đức, yêu thương, hạnh phúc ngập tràn. Thánh Gia dù là gia đình nhỏ nhưng quả thật, chứa đựng hạnh phúc lớn lao, bởi các ngài luôn biết quan tâm nhau, nhất là luôn sống theo thánh ý Thiên Chúa để phục vụ gia đình cách tốt nhất.

Nguyện xin Thánh Gia luôn nâng đỡ và gìn giữ gia đình chúng ta luôn hạnh phúc an vui trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Lễ Thánh Gia, năm C (Lc 2,41-52)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Thánh Gia Thất – C)