ĐIỀU THẦY TRUYỀN LẠI CHO ANH EM (CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN, năm C)

0
378
Photo: NovenaPrayer.com

Bài đọc 1: Cv 1,1-11

Bài đọc 2: Ep 1,17-23

Tin Mừng: Lc 24,46-53

Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.” Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

—– CHIA SẺ —–

ĐIỀU THẦY TRUYỀN LẠI CHO ANH EM (Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường, SVD)

Thương mến, quyến luyến và bận lòng vẫn luôn là tâm tình của những người sắp đi xa dành cho bạn bè và những người thân yêu. Trong những giờ phút linh thiêng ấy, biết bao những ưu tư, thao thức và cả những lời căn dặn… vẫn thường được gửi gắm cho người ở lại. Đức Giêsu sau khi đã hoàn tất sứ mạng nơi thế gian này, giờ đây, Người trở về bên hữu Chúa Cha. Từ đây, Người sẽ không còn hiện diện cách hữu hình cạnh bên những người môn đệ yêu dấu nữa. Những gắn bó giữa thầy và trò trong suốt những năm tháng qua đã để lại trong Thầy Giêsu những tình cảm thương mến. Giờ phải rời bỏ thế gian, Đức Giêsu không khỏi quyến luyến những kẻ mà Chúa Cha đã ban cho Người cũng như ưu tư và lo lắng cho hành trình phía trước đang đón đợi các ông. Và cũng như bao người sắp xa rời những người thân yêu, Đức Giêsu cũng không quên để lại cho các môn đệ những điều mà Người muốn gửi trao. Đó là lệnh truyền thi hành sứ vụ, lời hứa ban Thánh Thần và bảo chứng niềm hy vọng.

  1. Lệnh Truyền Thi Hành Sứ Vụ

Đức Giêsu thăng thiên và từ nay, Người không còn hiện diện cách hữu hình ở trần gian này nữa. Vậy, những lời nói, việc làm và cả cuộc sống của Đức Giêsu rồi sẽ dần đi vào quên lãng chăng? Sứ vụ của Đức Giêsu rồi sẽ thế nào đây hay có chăng tất cả sẽ khép lại sau biến cố này? Tin Mừng cho biết: “Đức Giêsu được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ (Lc 24,52). Tại sao các môn đệ phải trở lại Giêrusalem và trở lại đó để làm gì?

Tin Mừng Nhất Lãm cho biết Đức Giêsu đã bắt đầu hành trình rao giảng tại Galilê và kết thúc ở Giêrusalem. Nơi Thầy kết thúc sứ vụ thì cũng từ nơi đây, các môn đệ sẽ ra đi để tiếp tục sứ vụ của Thầy. Quả là một hình ảnh diễn tả sự chuyển tiếp. “Trở về Giêrusalem” (x. Lc 24,52) để rồi “bắt đầu từ Giêrusalem” (x. Lc 24,47), các ông sẽ ra đi thi hành lệnh truyền của Thầy: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. (Lc 24,47).

Tin Mừng được loan báo, dân chúng tỏ lòng sám hối và nhận lãnh ơn tha tội là những nỗi bận tâm của Đức Giêsu. Và giờ đây, Người muốn các môn đệ san sẻ và tiếp nối điều đó. Đức Giêsu muốn các ông hãy nhân danh Người mà thực thi những công việc mà Người đã làm. Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn muốn các môn đệ phải trở nên những chứng nhân đích thực về những điều đã “mắt thấy, tai nghe”. Đó là làm chứng cho muôn dân về một Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại (Lc 24,46). Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Luca đã cho chúng ta thấy rõ hơn những điều mà các môn đệ phải làm chứng. Đó là tất cả những việc làm và những giáo huấn của Đức Giêsu, kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời, đến việc Người đã dùng nhiều cách thế để chứng tỏ cho các môn đệ thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình và làm chứng cả về phép rửa mới trong Thánh Thần (x. Cv 1,1-5). Đó chính là lệnh truyền thực thi sứ vụ của Đức Giêsu truyền lại cho các môn đệ. Thật vậy, biến cố Đức Giêsu lên trời khép lại sứ vụ tại thế của Người nhưng không vì thế mà sứ vụ ấy đi vào quên lãng. Sứ vụ của Đức Giêsu phải được tiếp nối mọi thời cho đến ngày Người trở lại trong vinh quang.

  1. Lời Hứa Ban Thánh Thần

Sứ vụ mà các môn đệ lãnh nhận từ Thầy Giêsu ắt hẳn sẽ mang đến cho các ông không ít những khó khăn, thử thách và cả những gian truân. Đức Giêsu biết trước những sợ hãi, băn khoăn và lo lắng của các môn đệ, vì từ đây, Người sẽ không hiện diện bên các ông cách hữu hình nữa. Thế nên, trước khi về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã hứa ban cho các ông Thánh Thần, Đấng từ Chúa Cha mà đến: “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49).

Đức Giêsu biết rõ điều cần thiết cho đời sống và sứ vụ phía trước của các môn đệ. Người đã mong mỏi các môn đệ được nhận lãnh Thánh Thần. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Đấng được hứa ban. Bài đọc thứ nhất còn nhấn mạnh thêm: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất (Cv 1,7). Biến cố lãnh nhận Thánh Thần sẽ đánh dấu bước ngoặt trong sứ vụ của các ông, từ đó, các ông sẽ sẵn sàng lên đường theo đòi hỏi của Tin Mừng. Dĩ nhiên, sự xuất hiện của Thánh Thần không miễn chuẩn cho các môn đệ khỏi những khó khăn, đau khổ trên hành trình sứ vụ. Thế nhưng, các môn đệ sẽ nhận được sức mạnh, sự nâng đỡ và hướng dẫn nhờ sự xuất hiện của Đấng ấy: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26), “khi người ta nộp anh em, anh em đừng lo… vì chính Thần Khí của Chúa Cha nói trong anh em” (Mt 10,19-20). Không những thế, Thánh Thần còn trợ giúp người môn đệ ngay cả trong đời sống cầu nguyện, “chính Thần Khí sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26).

Thật vậy, Thánh Thần, Đấng được hứa ban, đã mang đến sức sống mãnh liệt cho những người lãnh nhận. Hơn hết, thánh Phaolô là người đã cảm nghiệm rất rõ điều đó. Đến nỗi, thánh nhân cũng khao khát sao cho những tín hữu trong giáo đoàn Êphêsô cũng được đón nhận Đấng ấy, như bài đọc thứ hai diễn tả: Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em (Ep 1,17-18). Thật vậy, hành trình sứ vụ sẽ thật lắm chông gai, nhất là khi không còn sự đồng hành cách hữu hình của Thầy Giêsu. Thế nhưng, với Thánh Thần, các môn đệ giờ đây sẽ không đơn độc, lạc lõng hay chơi vơi giữa trăm chiều thử thách vì biết rằng Thánh Thần vẫn luôn đồng hành cùng các ngài.

  1. Bảo Chứng Niềm Hy Vọng

Sau khi Đức Giêsu được rước lên trời, trình thuật Tin Mừng cho biết các môn đệ bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24,52). “Trở về Giêrusalem” đồng nghĩa với việc sẵn sàng cho sứ vụ đã lãnh nhận. Điều gì đã thôi thúc các ông xác tín và mau mắn tuân giữ lời Thầy như vậy? Đó chẳng phải là vì việc Thầy được rước lên trời đã trở nên bảo chứng niềm hy vọng của các ông, vì biết rằng một ngày kia mình cũng sẽ được chung hưởng Quê Trời với Thầy.

Nhân loại, tự sức mình, không thể vào được Nước Trời, chỉ có Đức Giêsu mới có thể mở lối cho con người, vì chỉ có Đấng từ Chúa Cha mà đến mới trở về cùng Chúa Cha, “không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13).  Thế nên, “Đức Giêsu lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng ta nhưng để chúng ta là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và Thủ Lãnh của chúng ta đã đến trước” (GLHTCG số 661). Chính Đức Giêsu đã bảo đảm cho các môn đệ khi Người nói: “Thầy đi để dọn chỗ cho các con, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14,2-3).

Niềm hy vọng Nước Trời phải luôn rực cháy trong tâm hồn người tín hữu. Ngần nào chúng ta còn giữ vững niềm hy vọng ấy, chúng ta sẽ còn trung thành với Đức Giêsu và sứ vụ mà Người trao phó. Chính thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai cũng đã nhắc các tín hữu thuộc giáo đoàn Êphêsô nhớ lại và xác tín: “Đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh (Ep 1,18). Đó chính là nơi Đức Kitô, Đấng trỗi dậy từ cõi chết, “Đấng đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha. Chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người” (GLHTCG số 666).

Việc xác tín về niềm hy vọng Nước Trời đã dấn lối đời sống và sứ vụ của các môn đệ xưa. Ngày hôm nay, chúng ta, những môn đệ của Người, cũng xác tín rằng chúng ta cũng sẻ được thừa hưởng nguồn vinh quang mà chúng ta vẫn hằng mong đợi. Biến cố Đức Giêsu đã được rước lên trời đó thật là một bảo đảm vững chắc cho niềm hy vọng của chúng ta.

Những điều mà Đức Giêsu đã truyền lại, dẫu kéo theo những khó khăn, thử thách và hiểm nguy nhưng các môn đệ vẫn một lòng tuân giữ. Bởi vì, các ngài hiểu được giá trị lớn lao của sứ vụ, đó là sự tiếp nối công việc của Thầy Chí Thánh hầu muôn dân được ơn cứu độ. Bên cạnh đó, các ngài cũng xác tín vào sự trợ lực của Thánh Thần, Đấng mà Đức Giêsu đã hứa ban. Nhờ đó, các môn đệ luôn mau mắn thi hành và trung thành dấn thân cho sứ vụ với niềm hy vọng mai ngày cũng sẽ được chung hưởng gia nghiệp Quê Trời, nơi Đức Giêsu hằng ngự bên hữu Chúa Cha.

Thật vậy, gia sản mà Thầy Giêsu đã để lại cho các môn đệ ngày xưa cũng được chuyển trao cho mỗi người chúng ta hôm nay, những người con cái Chúa. Chúng ta cũng cần nỗ lực mỗi ngày để sống và thi hành điều mà Thầy đã truyền lại như dấu chỉ tình yêu của chúng ta dành cho Đấng đã yêu thương chúng ta trước. Mừng Lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay, ước mong mỗi người ý thức được lời mời gọi ngước nhìn về trời cao để có thể chọn sống những điều mà Đức Giêsu đã truyền dạy thay vì chọn bám víu và cố thủ trong những thực tại trần gian này, như lời thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2). Amen.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, Năm C (Lc 24,46-53)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật Tuần 7 Phục Sinh, Chúa Thăng Thiên, năm C)