BÌNH AN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH (24/4, CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, NĂM C)

0
267

Bài đọc 1: Cv 5,12-16 Bài đọc 2: Kh 1,9-11a.12-13.17-19

Tin mừng: Ga 20, 19-31

19 Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho các con”.

20 Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.

21 Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con “.

22 Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, 23 các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

24 Bấy giờ trong mười hai tông đồ, có ông Tôma goi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. 25 Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”.

Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

26 Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”.

27 Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”.

28 Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” 29 Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

30 Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này; 31nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

————

Bài giảng:

BÌNH AN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH (Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Trong thời gian phải cách ly xã hội vì đại dịch covid-19, có một chị nhắn tin cho tôi: Cha cho con xin phép hỏi thăm, có một số vấn đề làm con hoang mang quá. Con nghe mọi người chia sẻ rằng phải mua nến, áo Đức Mẹ, nước thánh, gạo, muối … Theo cha thì con có nên làm vậy không? Tôi trả lời chị rằng: Hiện nay hãy ở nhà, giữ sức khoẻ, ăn uống đầy đủ. Chưa cần phải tích trữ lương thực, cũng không cần mua ảnh tượng gì. Cố gắng tích đức và sống cho ngay chính; hãy biết cầu nguyện xin Chúa ban bình an.

Sau đó, chị lại nhắn tin hỏi tôi: Cha ơi, sắp tới Đức thánh cha Phanxicô sẽ ban phép lành toàn xá phải không? Và cần những điều kiện gì để nhận ơn toàn xá? Tôi giải thích cho chị điều kiện để được ơn toàn xá là phải xưng tội rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Chị lại hỏi: Xưng tội là tự xưng tại nhà phải không cha? Vì đang trong thời gian cách ly, Giáo Hội cũng không cho phép xưng tội qua điện thoại nên tôi bảo: Nếu hiện tại không mắc tội trọng thì vẫn được.

Câu chuyện trên phản ảnh một thực tế rằng trong cơn đại dịch, người ta lo lắng, sợ hãi, hoang mang, tìm chỗ bám víu, tìm nguồn an ủi, đỡ nâng; tìm sự bình an trong tâm hồn mà tiền bạc, của cải, tài năng hay chức quyền không thể mang lại cho họ.

Bình an là thứ nhân loại vẫn khát khao kiếm tìm, nhưng cách người ta hiểu khái niệm bình an có thể không giống nhau và cũng không có cùng một cách tìm kiếm bình an. Bình an đối với người này có thể được hiểu như là tình trạng không có chiến tranh, nhưng đối với người kia, bình an là khi được đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết. Có người xem bình an là khi không có bệnh tật, không phải lo lắng hay ưu sầu về bất kỳ điều gì. Người khác lại cho rằng bình an là lúc mọi sự đều xuôi thuận, là khi mọi sự được theo ý mình muốn … Ngặt nỗi, thế giới chẳng bao giờ vắng bóng chiến tranh hoàn toàn; con người không bao giờ cảm thấy thoả mãn với những gì mình đang có hiện tại; cuộc sống bao giờ cũng có những điều không như ý, không thuận lợi. Vậy nên bình an theo cách hiểu bình thường của con người vừa là một nỗi khát khao, day dứt khôn nguôi, vừa là một thứ gì đó đầy bấp bênh vì không bao giờ ổn định lâu dài hay được thoả mãn hoàn toàn.

Chúa Giêsu Phục Sinh trong bài Tin Mừng hôm nay ba lần nói với các môn đệ: “Bình an cho anh em”. Đây là loại bình an nào vậy? Chúa Giêsu từng hứa với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Như thế bình an của Chúa Giêsu có gì đó khác biệt so với thứ bình an theo kiểu thế gian? Và phải chăng khi có bình an của Chúa Giêsu, các môn đệ sẽ không xao xuyến, sợ hãi?

Lần thứ nhất: Chúa Giêsu hiện ra với lời an ủi các môn đệ, “Bình an cho anh em” (Ga 20,19). Đặt vào bối cảnh bản văn, chúng ta có thể hiểu các môn đệ đang lo lắng, u sầu, sợ hãi, vì cái chết đau đớn và tức tưởi của Thầy, vì sự o ép và truy bắt của giới chức Do Thái, vì lý tưởng đã tan thành mây khói. Vậy nên lời đầu tiên của Đấng Phục Sinh là lời ủi an “Bình an cho anh em”. Đây không phải là một lời chào bình thường quen thuộc của người Do Thái mỗi khi gặp nhau, mà là một lời xác quyết về sự hiện diện của Đấng đã chết nhưng nay đang sống trước mặt các môn đệ. Quả vậy, sau lời chào bình an, Chúa Giêsu cho các ông xem tay và cạnh sườn. Sau những ngày lo lắng, bất an, hoang mang vì không có Thầy bên cạnh: Lo sợ bị bắt; hoang mang vì chưa biết phải làm gì, tương lai sẽ đi về đâu; bất an vì không biết dựa vào đâu, thì sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại bình an cho các môn đệ. Nhìn xem tay và cạnh sườn Thầy, các ông hiểu rằng Thầy đã chết thật; đồng thời, cũng xác tín rằng Thầy đã thật sự sống lại. Bình an của các môn đệ lúc này không chỉ là được gặp lại Thầy, mà trên hết là niềm xác tín rằng Thầy đã bước ra khỏi sự tăm tối của cái chết mà bước vào miền ánh sáng phục sinh; Thầy đã thoát khỏi sự đe doạ của cái chết, để mang lại niềm hy vọng tràn đầy.

Vì thế, phản ứng tức thời của các môn đệ là vui mừng vì được thấy Chúa. Vui vì các ông không còn phải một mình đối diện với khó khăn; vui vì được giải toả khỏi nhiều áp lực do sợ hãi và bất an. Các ông vui mừng và bình an vì Thầy đang sống, đang ở bên các ông trong giây phút hiện tại này. Tuy nhiên, liệu thứ bình an vì có Thầy hiện diện hữu hình bên cạnh có kéo dài được mãi?

Lần thứ hai, Chúa Giêsu Phục Sinh lại tiếp tục nhắn nhủ các môn đệ: “Bình an cho anh em” (Ga 20,21). Lời chúc bình an này chắc hẳn không còn là lời trấn an các ông khỏi sự sợ hãi như ban đầu, không còn chỉ để chứng tỏ Người đã sống lại, không còn chỉ để các ông có những giây phút đoàn tụ vui vẻ của tình Thầy trò, nhưng là lời mở đầu cho một sứ vụ lớn lao: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21b). Lời chúc bình an lúc này đi kèm với một sứ mạng mà Đấng Phục Sinh sắp trao cho các môn đệ.

Thật vậy, sứ mạng của Chúa Giêsu ở trần gian theo sự uỷ thác của Chúa Cha đã chấm dứt. Giờ đây Đấng Phục Sinh chuyển giao sứ mạng đó để các môn đệ của Người tiếp nối. Như Chúa Cha đã sai Người vào thế gian, giờ Người cũng sai các môn đệ ra đi: Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói (x. Lc 10,3; Mt 10,16). Đây là một sứ mạng có nhiều khó khăn, thử thách, lắm khi phải đối diện với nhiều sự đe doạ, sợ hãi và nao núng. Vì thế, trước khi đón nhận sứ mạng đó, Chúa Giêsu ban bình an của Người cho các ông: Bình an cho anh em. Bình an này không loại trừ khỏi cuộc đời các ông những khó khăn, thử thách, nhưng là thứ bình an vì có Đấng Phục Sinh đồng hành. Lời chúc bình an của Đấng Phục Sinh không giúp các ông miễn nhiễm với những bất trắc, những nghịch cảnh, những trái ý trong hành trình sứ vụ. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đệ không hề đơn độc, vì Đức Giêsu Phục Sinh đã hứa sẽ “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,20).

Ở cùng bằng cách nào đây? Thưa, trước khi đón nhận sứ mạng này, Chúa Giêsu Phục Sinh thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Bình an của các môn đệ chính là có sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh thông qua Thánh Thần, Đấng sẽ ở cùng các ông trên mọi nẻo đường sứ vụ. Đức Giêsu Phục Sinh không còn hiện diện, cùng ăn uống, trò chuyện, hướng dẫn và đồng hành với các môn đệ nữa. Nhưng Người cũng không bỏ các ông đơn độc, không để các ông mồ côi, không bỏ rơi các ông giữa bao sóng gió của hành trình sứ vụ: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14,18). Giờ đây Thánh Thần chính là Đấng soi sáng, là người dẫn đường, là bạn đồng hành, là nguồn sức mạnh, là sự ủi an, và là nguồn động viên cho các môn đệ trong khi thi hành sứ vụ, đúng như lời Chúa Giêsu từng hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16).

Lần thứ ba trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu Phục Sinh lại cầu chúc bình an cho các môn đệ; lần này có sự hiện diện của ông Tôma: “Bình an cho anh em” (Ga 20,26). Rồi Người bảo ông Tôma: “Hãy đặt ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Ông Tôma không chỉ được “xem tay và cạnh sườn Thầy” như các môn đệ khác, mà còn được Chúa đồng ý cho “xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Thầy”. Ông không chỉ muốn “thấy” mà con muốn được “sờ” và Chúa đã đồng ý đáp ứng mong muốn của ông. Tin Mừng không tường thuật chi tiết liệu ông có dám xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Thầy hay không, nhưng có lẽ suốt đời ông sẽ chẳng bao giờ dám mảy may nghi ngờ hay đòi thấy, đòi sờ Chúa nữa. Đức tin của ông đã được nâng lên đến tột cùng: “Lạy Chúa của con (ὁ κύριός μου), lạy Thiên Chúa của con (ὁ θεός μου). Lòng ông được an bình đến lạ kỳ vì không còn bất cứ ước mong hay mảy may nghi ngờ nào nữa.

Từ kinh nghiệm của ông Tôma trở về sau, tất cả những ai tin vào Đức Giêsu Phục Sinh chắc chắn được chúc phúc: đó là phúc được bình an trong sâu thẳm tâm hồn, lấp đầy mọi khát khao của con người. Các Kitô hữu tiên khởi, theo tường thuật của sách Công Vụ Tông Đồ trong bài đọc một (x. Cv 2,42-47), hẳn đã cảm nếm được bình an đó của Đấng Phục Sinh đến nỗi họ sẵn sàng “bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu”; họ “để mọi sự làm của chung”. Họ chỉ tập trung “chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, sống hiệp thông với nhau, siêng năng dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”. Họ chia sẻ bữa ăn huynh đệ với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ hết lòng “ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến”. Nhờ đó mà mỗi ngày có thêm những người gia nhập vào cộng đoàn này, cộng đoàn của những người được cứu độ.

Đó là những người mà theo thư thứ nhất Phêrô trong bài đọc hai, đã “được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Pr 1,4). Dẫu vậy, bao lâu còn sống giữa trần gian này, các Kitô hữu vẫn còn “phải ưu phiền ít lâu giữ trăm chiều thử thách” nhằm “tinh luyện đức tin là thứ quý hơn vàng gấp bội”. Nhưng những ai vững tin vào Đấng Phục Sinh thì luôn được “chứa chan một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin là ơn cứu độ con người” (x. 1 Pr 1,3-9). Đó thật sự là phúc lộc bình an mà Chúa Phục Sinh ban cho những ai tin vào Người và nhờ tin vào Người mà được thông phần sự sống của Đấng Phục Sinh (x. Ga 20,31).

Giữa đại dịch này, biết bao nhiêu người, bao gia đình, nhiều tổ chức, tập thể đang lo lắng, hoang mang, sợ hãi, vì cái ăn, cái mặc, vì sự đe dọa an nguy đến tính mạng của bản thân và người nhà và sâu xa đâu đó còn vì đói khát tâm linh. Chúng ta cầu xin Chúa Phục Sinh ban cho họ bình an của Người. Xin cho họ cảm nhận được sức mạnh của Đấng đã chết và đã sống lại để họ không bị sức nặng của phận người, nhất là khi đứng trước sự đe doạ của cái chết, nhấn chìm trong âu lo, sợ hãi. Và mỗi người chúng ta cũng hãy tự hỏi mình: Liệu chúng ta có đang tìm kiếm thứ bình an mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay không? Hay chúng ta đang kiếm tìm chỗ dựa nào khác, loại bình an nào khác hay chốn an bình nào khác?

Bài trướcBổ nhiệm Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD: Tân Quản xứ, Gx. Mân Côi – Gp. Kontum
Bài tiếp theoThánh lễ cầu nguyện cho linh hồn Bác Tôma Thiên Ân Nguyễn Đình Tân