ÂN MẾN LỜI TRỐI CỦA ĐỨC GIÊ-SU (CHÚA NHẬT V PHỤC SINH, NĂM C)

0
241

Bài đọc 1: Cv 14,21b-27 Bài đọc 2: Kh 21,1-5a

Tin Mừng: Ga 13,3-33,33-35

31 Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.

32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

33a “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.

34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”

 

—– BÀI GIẢNG —–

ÂN MẾN LỜI TRỐI CỦA ĐỨC GIÊ-SU (Lm. Giacôbê Trì Văn Pháp, SVD)

Hôm nay, Chúa Nhật thứ Năm Mùa Phục Sinh, năm C, các bài đọc lời Chúa, cách riêng bài Tin Mừng không làm cho chúng ta tránh khỏi những thắc mắc: Tại sao Mùa Phục Sinh, Giáo Hội lại chọn bài Tin Mừng nói về lời trăn trối hay còn gọi là “những lời từ biệt” của Chúa Giê-su trước khi chịu khổ nạn? Đáng lý ra, bài Tin Mừng này nên được đọc trong Mùa Chay, đặc biệt hơn là trong những ngày của Tuần Thánh thì hợp lý hơn. Vậy thì, Giáo Hội chọn các bài đọc này trong ngày hôm nay nhắm đến mục đích gì? Hay nói cách khác, Giáo Hội muốn dạy chúng ta điều gì? Có điều bí ẩn gì nơi các bài đọc lời Chúa hôm nay? Trước nghi vấn đó, cần đọc lại các bản văn Lời Chúa, chúng ta sẽ khám phá ra những điều kỳ diệu mà Giáo Hội muốn giáo huấn chúng ta.

“Ngắm nhìn” bản văn Tin Mừng, đây là lời cuối cùng của Đức Giê-su dành cho các môn đệ của Người, nằm trong bối cảnh bữa Tiệc Ly, hay còn gọi là “bữa ăn cuối cùng của Đức Giê-su và các môn đệ”[1]. Vậy [thì] những lời cuối cùng đó là những lời gì?

  1. Giờ Đây, Con Người Được Tôn Vinh Và Thiên Chúa Cũng Được Tôn Vinh Nơi Người

“Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.” Xét về mốc thời gian: “khi Giu-đa đi rồi” và “giờ đây” là mốc thời gian khá đặc biệt, có liên hệ mật thiết trong câu nói của Đức Giê-su, [mà] theo các nhà chú giải Thánh Kinh, thì “khi Giu-đa đi rồi”, ngay lúc ấy, Đức Giê-su bước vào cuộc Thương Khó của Người. Và vì thế “giờ đây” “Con Người và Thiên Chúa” được tôn vinh có liện hệ đến cuộc Thương Khó của Đức Giê-su.[2]

Như chúng ta được biết, việc Đức Giê-su (Con Người) được tôn vinh đều nhắm đến Sự Chết và Sự Phục Sinh của Người, thế nhưng Đức Giê-su lại nói, “giờ đây, Con Người được tôn vinh…”. Điều đó cho thấy, Đức Giê-su nối kết “cuộc Thương Khó, Sự Chết và Sự Phục Sinh” của Người thành một thể duy nhất và diễn tả một kết cục là “được tôn vinh”.[3] Nếu tinh ý, thì Đức Giê-su đã tiên báo ba lần về điều này: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22; 9,44; 18,32-33; Mt 16,21; 17,22; 20,17-19; Mc 8,31; 9,30-32; 10,32-34), Ngài không nói riêng lẻ.

Suy nghĩ thông thường, câu nói trên không giống như một lời trối, để các môn đệ giữ và thi hành. Nhưng suy xét tường tận, chúng ta khám phá ra chân lý, khi Người nói về chính mình: Không thể Phục Sinh nếu không chịu Tử Nạn[4]. Để từ đó, Ngài nói đến sứ mạng mà các môn đệ phải trải qua trong hành trình rao giảng.

Đó chính là điều, [mà] Đức Giê-su muốn nhắn gửi đến các môn đệ của Người. Nói đúng hơn, Người nhắc cho các môn đệ “nền tảng cốt lõi” để làm môn đệ của Người. Các ngài cũng sẽ giống như Thầy của mình, phải chấp nhận gian khổ, phải đi con đường hẹp, con đường chông gai và chết đi, mới đạt được hạnh phúc đích thật là sự sống đời đời. “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14; x. Lc 13,24).

Thế nên, để có hạnh phúc mà không qua đau khổ, đều là những cám dỗ cho tất cả mọi người chúng ta, vì những ước muốn đó sẽ dẫn đến sự chết. Trái lại, khi chúng ta chấp nhận đau khổ, chấp nhận đi con đường hẹp, thì đó là cách mà chúng ta làm vinh danh Chúa nơi thân xác chúng ta. Thánh Phao-lô và Ba-na-ba khuyên nhủ các tín hữu ở Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a cũng như tất cả mọi người chúng ta: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới vào được Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22).

Đây là “nền tảng cốt lõi” thứ nhất trong lời trối của Đức Giê-su, mà Ngài để lại cho các môn đệ của Người cũng như tất cả mọi người nghe.

  1. Điều Răn Mới

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Giới luật Yêu thương đã được Thiên Chúa đóng ấn tại núi Si-nai trong “Thập Điều”, dạy toàn dân Ít-ra-en “hãy yêu thương người thân cận như chính mình”. Đó là giao ước mà Thiên Chúa ký kết với dân Người, ta gọi là Giao Ước Cũ. Giờ đây, Chúa Giê-su cũng dạy yêu thương, nhưng tại sao Chúa Giê-su lại gọi là Điều Răn Mới? Có sự khác biệt gì?

Phải chăng khi nói Điều Răn Cũ và Điều Răn Mới là vì liên quan đến Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới? Thật có lý khi chúng ta suy về khía cạnh này. Điều Răn Cũ được Thiên Chúa khắc ghi trên bia đá qua Mô-sê trên núi Si-nai; còn Điều Răn Mới được Đức Giê-su khắc ghi bằng máu trong tâm khảm của con người khi Người hiến tế trên thập giá. Đây chính là sự khác biệt thứ nhất khi chúng ta suy gẫm về khía cạnh này của Điều Răn Mới.

Điểm khác, [mà] chúng ta cần suy: đó là nền tảng tình yêu. Luật cũ, tình yêu đặt trên nền tảng chính bản thân mình. “Hãy yêu người thân cận như chính mình.” Luật mới, tình yêu đặt trên nền tảng tình yêu của Đức Giê-su. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đây chính là sự khác biệt thứ hai mà cũng là khác biệt lớn, vì nó đặt trên nền tảng mới “như Thầy đã yêu”. Vậy Thầy đã yêu như thế nào?

Một tình yêu luôn đi bước trước – sáng kiến của Tình Yêu: Tình yêu luật cũ có vẻ thụ động. Ai làm cho tôi cái gì, thì tôi đáp trả như vậy. Tình yêu ấy chưa cho thấy một sự rộng mở, khi nói về những người thân cận. Trái lại tình yêu luật mới nơi Đức Giê-su không thụ động, mà luôn có sự thay đổi, luôn chủ động đi bước trước. Một tình yêu không phải đi kiếm người thân cận, mà tôi phải tỏ ra người thân cận với người anh em mình. Điều này chúng ta thấy rõ qua dụ ngôn người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu. Sự sáng kiến ấy không dừng lại, mà còn tìm mọi cách để làm hài lòng người mình yêu, qua sự chăm sóc vượt lên trên tất cả tình bằng hữu (x. Lc 10,29-37).

Sự sáng kiến còn thể hiện qua một tình yêu khiêm tốn – phục vụ. Biết bao nhiêu nhà lãnh đạo cũng biết yêu thương thuộc hạ. Họ cũng biết quan tâm, biết lo lắng cho thuộc hạ của mình. Thế nhưng nơi Đức Giê-su, một nhà lãnh đạo khác thường, sẵn sàng cúi xuống rửa chân cho đồ đệ của mình (x. Ga 13,1-20).

Một tình yêu không muốn rời bỏ người mình yêu, mà luôn muốn ở cùng. Hành động tự hiến để thiết lập Bí tích Thánh Thể là đỉnh cao của Tình Yêu, thể hiện tính độc đáo, và duy nhất. Chính điều tuyệt diệu này, đã làm phát sinh sự sống, và sự sống ấy tồn tại mãi và lan rộng. Tuy tồn tại mãi và lan rộng, nhưng lại diễn tả một thực tại sống động ngay lúc này và duy nhất. Có thể nói rằng, “không gian và thời gian” dường như đã nhường chỗ cho điều kỳ diệu này, tuy được thực hiện trong một không gian và thời gian cụ thể.

Hành động tự hiến, chính là nền tảng của Tình Yêu, [mà] Đức Giê-su muốn trối lại cho các môn đệ của mình, để các ông dựa vào đó như là “khuôn vàng thước ngọc” để thi hành sứ vụ theo lệnh truyền của Đức Giê-su.

  1. Một Chút Liên Tưởng

“Giờ đây, Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” và “Điều Răn Mới, tuy hai điểm nhưng chỉ là một. Điểm thứ nhất: Cuộc Thương Khó – Sự Chết – Phục Sinh của Đức Giê-su, đó chính là hành động của Giao Ước Mới là điểm thứ hai, mà trọng tâm là hành động tự hiến trên thập giá. Và để thực hiện cả hai điều này thì cốt lõi phải có, đó là Tình Yêu. Đây là bài học thật quý, [mà] Đức Giê-su đã trối lại cho các môn đệ của mình, cũng như tất cả mọi người chúng ta.

Kết luận

Trở lại với luận đề ban đầu và từ những điểm phân tích ở trên, chúng ta nhận thấy rằng, thật có lý khi Giáo Hội chọn những bài đọc Lời Chúa, mà chúng ta xét rằng, nên đưa vào Chúa Nhật Mùa Chay hay Tuần Thánh hơn là đừa vào Chúa Nhật thứ Năm Phục Sinh, năm C hôm nay. Bởi vì, đây như là những lời trối của Đức Giê-su Phục Sinh dành cho các môn đệ. Lời trối ấy thật ý nghĩa, cho tất cả mọi người chúng ta là những môn đệ của Đức Giê-su ra đi và thi hành lệnh truyền: đó là đón nhận những thách đố trong cuộc sống để làm vinh danh Chúa, đồng thời cũng làm chứng cho Tình Yêu của Đấng Tự Hiến vì chúng ta trong lòng xã hội.

Điểm khác, [mà] chúng ta thấy càng có lý hơn khi thế giới đang thiếu lời trối này. Trong bài tin Mừng, Giu-đa đã không nhận được lời trối đó. Đây là điều mà chúng ra cần phải suy trong đời sống của mình. Phải chăng, có nhiều nơi “lời trối của Thầy Giê-su còn dang dở”? Và phải chăng, nơi tôi, “lời trối của Thầy Giê-su cũng còn dang dở”?

_________

[1] Kinh Thánh, 2011, Nhóm CGKPV chuyển ngữ, nxb: Tôn giáo, nxb: 2019, tr. 2381

[2] Xc. Sđd., tr. 2383.

[3] Xc. Sđd., tr. 2383.

[4] Tử nạn, theo từ điển tiếng Việt: chết vì nạn nước hay tại nạn; nhưng ở đây tạm hiểu “Tử Nạn”: là nói đến Cuộc Thương Khó và Sự Chết của Đức Giê-su.

Bài trướcLỜI SỐNG (14/5, Thánh Mátthia, Tông đồ, Lễ kính)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (15/5, Chúa Nhật V Phục Sinh, năm C)