Lời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ (Tuần 34 Thường Niên – A)

0
748

Bài Ðọc I: Ed 34, 11-12. 15-17

“Phần các ngươi là những đoàn chiên của Ta, Ta xét xử giữa chiên với chiên”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: “Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán, và trong ngày mây mù đen tối.

“Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính.

“Còn các ngươi, hỡi chiên của Ta, Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Này Ta sẽ phân xử giữa con này với con khác, giữa cừu đực với dê đực”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-2a. 2b-3. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. – Ðáp.

2) Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – Ðáp.

3) Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu tôi đầy tràn chan chứa. – Ðáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26. 28

“Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực.

Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Ðấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavít tổ phụ chúng ta đã đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 25, 31-46

“Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người, và sẽ phân chia họ ra”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.

“Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.

“Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?” Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!”

“Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?” Khi ấy Người đáp lại: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng /chia sẻ chủ đề:

ĐỨC KITÔ, VỊ VUA BỎ BA LẤY MỘT

(Lm. Giuse Nguyễn Gia Hoàng, SVD)

Có lẽ không quá đáng khi khẳng định rằng, yêu thương là lẽ sống của con người. Phận làm người ai mà chẳng yêu và muốn được yêu! Nếu một người không yêu ai, và cũng chẳng ai yêu mình thì có thể kể như đó không thật là con người nữa. Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng để sống cùng, sống cho và sống với tha nhân để yêu và được yêu. Linh mục Gio-an Bao-ti-xi-ta Hoàng Đình Ưng, SVD đã viết lời cho một ca khúc sinh hoạt do chính ngài soạn nhạc như sau: “Không ai trên đời là một hòn đảo, dẫu là hòn đảo vẫn dính liền đại dương, ta sinh ra trên đời phải biết yêu thương, sống với mọi người và sống cho mọi người,…” Bài hát kết thúc với một lời mời gọi vô cùng ý nghĩa là: sống trên trái đất này phải biết yêu thương mọi người.

Hôm nay, mừng lễ Chúa Ki-tô Vua vũ trụ, Giáo Hội khắc họa cho nhân loại mẫu gương của một vị Vua Giê-su giàu lòng thương xót và đầy tình mến với tha nhân. Câu chuyện về cuộc Phán Xét Chung mà thánh Mát-thêu kể cho chúng ta nghe làm nổi bật tình yêu của vị Vua ấy. Tình yêu của Ngài được cụ thể hóa thông qua chỉ duy nhất một tiêu chuẩn của cuộc xét xử là: “yêu thương”. Ngài đã đồng hóa chính Ngài với tha nhân. Những ai thể hiện tình yêu bằng việc: cho ăn, cho uống, thăm nom, đón tiếp,… với những người khốn khổ, bé mọn tức là thể hiện tình yêu đối với Ngài và sẽ được trọng thưởng. Ngược lại, những ai không thể hiện tình yêu đó với tha nhân tức là không yêu thương Ngài thì sẽ bị trừng phạt.

Tình yêu Thiên Chúa cũng được cụ thể hóa trong Bài Đọc I, qua miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa cho dân Ít-ra-en biết rằng chính Ngài sẽ đi tìm, tập họp họ lại và lấy lại đoàn chiên khỏi tay những mục tử xấu và chính Ngài sẽ chăm sóc họ như mục tử chăm sóc đoàn chiên của mình.

Trong quãng đời 33 năm, Đức Giê-su chỉ một lần nhận mình là Vua, đó là trong cuộc thương khó, Ngài đã công khai xác nhận vương quyền của mình trước mặt quan Phi-la-tô: “Ông nói đúng, Tôi là vua”, nhưng để tránh ngộ nhận, Ngài nói thêm: “Nhưng nước tôi không thuộc thế gian này” (Ga 18,37). Ngoài lần đó, Ngài chưa bao giờ nhận mình là vua, mặc dầu có đôi lúc dân chúng hồ hởi đón rước, tôn vinh và ca tụng.

“Tôi là vua!” Vậy nếu Đức Giê-su là vua thì nước của Ngài ở đâu? Thần dân, cung điện của Ngài ở chỗ nào? Và quyền lực của Ngài được thể hiện ra sao?

Thứ nhất, Đức Giê-su là vị Vua không lãnh thổ: Ngày nay, chúng ta thường nghe người ta ca tụng hay tâng bốc thần tượng của mình bằng các danh hiệu: vua nhạc sến, vua bóng đá, vua xe hơi,… Đức Giê-su không làm vua theo nghĩa như trên, mà đích thực Ngài là vua theo nghĩa chính thức của từ “Vua”. Ngài là Vua của vũ trụ, của nhân loại, vì Ngài là Ngôi Hai, đã cộng tác với Chúa Cha và Ngôi Ba Thánh Thần trong công trình tạo dựng. Khởi đầu Tin Mừng Gio-an, thánh nhân đã viết: “Nhờ Ngài, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3). Vì vậy, mặc dù không có lãnh thổ nhưng Ngài là Chúa Tể của không gian và thời gian.

Thứ hai, Vua Giê-su không bị gò bó bởi ngai vàng hay cung điện: Thật khó quên được Trình Thuật Thương Khó, cụ thể là đoạn Phi-la-tô xét xử Chúa Giê-su mà chúng ta thường được nghe vào Chúa Nhật Lễ Lá và thứ Sáu Tuần Thánh! Khi Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su: “Thế ông là vua sao?” Ngài đáp: “Đúng thế, chính vì thế mà tôi đã sinh ra và đến trong thế gian này, là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Vương quốc sự thật hoàn toàn khác biệt với đế quốc của trần gian. Nước của các vua chúa trần gian chỉ cai trị thể xác của loài người, còn vương quốc của Thiên Chúa chiếm hữu những tấm lòng. Thế lực của trần gian thể hiện qua sức mạnh về vật chất: binh đội, khí giới, thành trì,… nhưng sức mạnh của vương quốc Thiên Chúa là những mối phúc, là tình yêu và sự hy sinh. Các nước thuộc về đất đều bị giới hạn và sẽ chấm dứt, còn vương quốc Thiên Chúa thì rộng lớn và tồn tại muôn đời .

Thứ ba, Vua Giê-su không cai trị bằng quyền lực: “Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ…”. Vì vậy, vương quốc của Ngài là vương quốc của tình yêu. Để cai trị, vua nhân loại dùng quyền lực, còn Ngài dùng tình thương. Thật vậy, Ngài yêu thương và chăm sóc từng người như một mục tử tốt lành chăn dắt đoàn chiên. Mục Tử tốt biết rõ từng con chiên một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của con chiên. Đức Ki-tô thực sự là một vị Vua đầy uy quyền, nhưng Ngài đã trở nên người phàm để yêu thương và phục vụ chúng ta. Mừng lễ Đức Giê-su Ki-tô Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn lên Vua đích thực của lòng mình. Một vị Vua không ngồi trên ngai vàng, nhưng trên thập giá. Một vị Vua không cai trị bằng quyền lực, nhưng dựa trên tình yêu thương, phục vụ. Một vị Vua không có lãnh thổ, nhưng nằm sâu trong trái tim mọi người. Đức Giê-su đã bỏ ba thứ cần thiết của một vị vua nhân loại để đổi lấy tình yêu thương. Bởi vì yêu là luật quan trọng nhất và sẽ theo chúng ta không chỉ ở đời này mà còn cả ở đời sau.

Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã được trở thành công dân Nước Trời, được ở trong một vương quốc vĩnh cửu và vô biên, vương quốc tràn đầy sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Hơn thế nữa, qua Bí tích này, con người được tham gia vào ba chức năng của Đức Ki-tô, đó là: Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế. Nhưng theo tư tưởng của Đức Ki-tô thì “cai trị là phục vụ”. Chúa Giê-su không còn đi đó đây trên mặt đất để dạy dỗ và chữa lành dân chúng như Ngài đã từng làm, Ngài chỉ có thể làm được điều đó thông qua Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Ngài. Chúng ta là tay, là chân, là miệng lưỡi, là trái tim của Ngài.

Nói khác đi, vương quốc Thiên Chúa mà Đức Giê-su đã thiết lập khi Ngài còn ở dương trần này sẽ phải được chính chúng ta bổ túc bằng cuộc sống trần gian của mình. Những điều đó được Chúa Giê-su cụ thể qua các việc: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, tiếp đón khách lạ, an ủi người bệnh, thăm viếng kẻ bị tù đày,… Đây là những việc mà ai cũng có thể làm, là những sự giúp đỡ đơn giản cho những người cần đến mà chúng ta vẫn gặp trong cuộc sống thường ngày.

Tại một hội nghị chuyên đề về bệnh cùi được tổ chức tại Cai-rô, thủ đô Ai Cập, người ta để ý đến một y sĩ trẻ. Anh chăm chú nghe bài thuyết trình của các chuyên gia, nhưng có điều lạ là anh ngồi trong một góc nhỏ, tách rời với đám đông. Không ai biết anh dùng bữa ở đâu. Anh cũng không giao thiệp với bất cứ thành viên nào trong hội nghị. Và rồi vào phiên họp cuối cùng anh ta lên tiếng. Khi anh tóm kết bài tham luận, một sự im lặng bao trùm cả phòng họp, thi thoảng người ta nghe tiếng nức nở của một số người. Anh tuyên bố rằng anh đã tự nguyện để mình nhiễm bệnh cùi để có thể tự anh quan sát diễn biến của căn bệnh kinh khủng này. Anh cho thấy những vết trắng và nâu ở cánh tay anh, một triệu chứng không thể chối cãi của sự nhiễm trùng, và rồi anh mô tả tất cả những gì anh đã cảm thấy, cùng hiệu quả của các loại thuốc anh đã dùng. Anh biết rằng anh không thể tránh được cái chết đang dần đến và sự đau đớn, nhưng anh sẵn sàng chịu đựng tất cả để góp phần vào sự tiến bộ của khoa học, hầu đẩy lui những hiểm nguy cho các người mắc bệnh .

Yêu thương có đặc tính là trao ban, là cho đi, là hy sinh ngay cả đến bản thân. Chính lúc cho đi mạng sống mình trên thập giá, tình yêu của Đức Giê-su mới thực sự lên ngôi, tình yêu ấy mới bắt đầu chiếm hữu tâm hồn nhân loại. Nói khác đi, yêu thương chính là chia sẻ bất cứ điều gì mình có. Thế nên trong tình yêu thương chân thành thì chuyện hy sinh là tất nhiên, nếu còn ngại ngùng, còn sợ phiền hà,… thì đó chưa thể kể là Tình Yêu thương đích thực. Amen.


 

CHÚA GIÊSU VUA VŨ TRỤ

Lm. Anphongsô Đinh Công Sáng, SVD

Ngày 12.11.1927, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, trong bối cảnh thế giới đang sôi sục trong ngọn lửa chiến tranh. Hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai đã cướp đi sinh mạng của gần nửa tỷ người. Người La Mã xưa có câu: “Homo homini lupus”, người là lang sói cho người. Trong bối cảnh lịch sử như thế, Đức Giáo Hoàng Piô XI muốn công bố cho thế giới một thông điệp rằng: Con người hãy quẳng gươm, bỏ súng quay về phủ phục vị Vua của tình yêu trong vương quốc “tứ hải chi nội giai huynh đệ dã”, ‘bốn bể đều là anh em một nhà’, cùng sống trong tình yêu thương, bác ái, hiền hòa, vị tha, chia sẻ… Không còn cảnh cắn xé, tranh dành vì lợi ích danh vọng phù phiếm của trần gian.

Mặt khác, ý thức hệ chủ nghĩa duy vật vô thần Mácxít lên ngôi những năm đầu thế kỷ XX như muốn nuốt chửng cả thế giới tâm linh, đẩy thế giới dần dần rời bỏ Chúa, mất niềm tin; người ta muốn khai trừ Chúa ra khỏi mọi tâm hồn, gia đình, xã hội, và muốn xây xã hội trên nền tảng thuần túy vật chất nhân loại. Những nhà Mácxít đứng trên quan điểm đấu tranh bằng bạo lực cách mạng, bằng vũ khí, vũ trang để thống trị thế giới… Trong bối cảnh đó, Đức Giáo Hoàng muốn công bố những quyền bất khả xâm phạm của Chúa Kitô: Ngài là Vua vũ trụ, Vua các vua, Chúa các chúa, hữu hình và vô hình; Ngài là Đấng Toàn Năng, Toàn Thiện, Đấng Quyền thế vô cùng vô biên, Đấng Tự Hữu; ta có là nhờ Ngài, và bổn phận chính yếu nhất của người Kitô hữu là thờ lạy Ngài “trong tinh thần và chân lý” (x. Ga 4,23) để được sống hạnh phúc viên mãn.

Ngày lễ “Chúa Kitô Vua Vũ Trụ” là lời hiệu triệu con người quay về phủ phục tôn thờ một mình Thiên Chúa như Thánh Vịnh có viết: “Ngài là Chúa con thờ,ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?” (Tv 16,2). Chúng ta tìm hạnh phúc viên mãn ở đâu? Văn sĩ người Ailen, ông Oscar Quaide có viết câu chuyện có tựa đề: “Ông Hoàng Hạnh Phúc” nội dung như sau: Tại một trung tâm thành phố nọ có một pho tượng rất nổi tiếng; đó là pho tượng của “Ông Hoàng Hạnh Phúc”. Toàn thân ông được dát bằng những lá vàng hảo hạng, áo ông mặc được đính bằng ngọc trai, đôi mắt ông làm bằng hai viên ngọc bích trong veo và chuôi kiếm của ông có gắn một viên hồng ngọc lớn, khuôn mặt ông đẹp như thiên thần, tự nơi ông toát ra hạnh phúc, thanh bình, sung mãn.

Một ngày kia, có một chú chim én nhỏ bay về phương nam để tránh rét; chú bay tới đậu dưới chân một pho tượng giữa thành phố. Bỗng một giọt nước rơi xuống mình chú; tưởng là mưa, chú én định bay đi tìm chỗ khác, nhưng ngước nhìn lên nó hết sức ngạc nhiên bởi vì đó không phải là những giọt nước mưa mà là nước mắt của Ông Hoàng. Chú én hỏi: Ông được dân ca tụng là Ông Hoàng hạnh phúc, sao ông lại khóc? Ông Hoàng nói: Ngày xưa khi còn sống và mang trái tim con người, ta không hề biết nước mắt là gì; ban ngày ta vui chơi, tối đến ta khiêu vũ đến sáng, ta không màng đến những gì đau khổ đang xảy ra bên ngoài. Khi ta chết người ta dựng lên pho tượng này. Từ trên cao nhìn xuống, giờ đây ta mới thấy bao nhiêu thống khổ của người dân. Vì thế, tuy trái tim ta bằng đá, ta cũng không thể nào cầm được nước mắt khi thấy dân chúng lầm than khốn khổ. Chú én định bay đi cho kịp đàn, nhưng Ông Hoàng năn nỉ chú én. Bạn hãy giúp ta một việc, một lần này thôi, xong rồi bạn hãy đi. Nói xong, Ông Hoàng chỉ cho chim én thấy một căn nhàtồi tàn trong góc phố, nơi đó có một bà mẹ đang ôm một đứa bé; cả hai cùng khóc thảm thiết vì cháu bé bệnh nặng mà bà không có tiền mua thuốc cho con. Ông Hoàng nói tiếp: tiếng khóc than của họ làm cho lòng ta thổn thức khôn nguôi. Ta muốn đến với họ nhưng chân ta bị gắn chặt nơi đây; ta nhờ bạn gỡ lấy viên hồng ngọc lớn từ chuôi thanh gươm đem đến cho người đàn bà nghèo kia. Và từ đó, tiếng khóc không còn nữa, thay vào đó là tiếng cười của trẻ thơ, tiếng ầu ơ của người mẹ vọng lên trong bầu khí thanh bình khi màn đêm buông xuống. Ngày lại ngày, chú én bay từ pho tượng đến với những người vô gia cư, đến với trẻ em lang thang đầu đường xó chợ, đến với bà góa mù cô thế cô thân, đến với người nghèo khổ cơ bần không nơi nương tựa… tiếng than vãn trong thành phố giảm dần và dân chúng được sống hạnh phúc.

Mùa Đông trôi qua, người dân trong thành phố nhìn lên pho tượng thấy một con chim én chết khô dưới chân Ông Hoàng, còn Ông Hoàng và những đồ trang sức trên người ông biến mất, thân hình thê thảm;Ông Hoàng hạnh phúc ngày nào đã biến thành gã ăn mày xấu xí rêu phong!

Đức Kitô đang đứng trên cao, Ngài lắng nghe rất rõ tiếng thở than, ai oán của hết thảy dân chúng: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn” (Mt15,32). Ngài đang khóc những giọt lệ bằng máu. Ngài đang mời gọi tôi, quý vị và các bạn: này bạn, Ta muốn cho những người đói ăn, những người khát uống, tiếp rước những người khách lạ. Ta muốn cho những người trần truồng đồ mặc, đi thăm những người đau yếu, hỏi han những người ngồi tù…Nhưng chân tay Ta bị đóng đinh chặt vào cây thập giá, Ta muốn nhờ bạn cho Ta mượn đôi chân của bạn để đến với những người đau yếu, ngồi tù;cho Ta nhờ đôi tay của bạn để trao tấm áo cho người trần truồng được ấm thân;cho Ta mượn chìa khóa lòng bạn để mở cửa tiếp rước người khách lạ đến trọ nhà;cho Ta nhờ tấm lòng từ thiện của bạn để người đói được no, kẻ khát được thỏa lòng…

Lật lại những trang sử trong Giáo Hội,ta thấy biết bao gương thánh nhân đã cho Chúa sử dụng đời mình như khí cụ của Ngài. Ví như thánh Phaxicô đã trở nên nghèo khó để làm cho Thiên Chúa giàu lên trong lòng của nhiều người. Như mẹ thánh Têrêxa thành Calcutta đã hy sinh cuộc đời mình để tiếp rước những người khách lạ, cho những người đói ăn, khát uống và những người trần truồng có áo mặc. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vào nhà tù thăm Mehmet Ali Agca, người đã từng ám sát mình… Và có biết bao người đã âm thầm hy sinh cả cuộc đời để làm cho đời bớt tiếng khóc, thêm tiếng cười, no cơm ấm áo, sống tự do và hạnh phúc, bình an. Song có những người âm thầm hy sinh phục vụ phải trả giá bằng tính mạng của mình là chết âm thầm như chú chim én kia mà chẳng mấy ai hay biết.

Vua Chí Thánh Tình Yêu đã, đang và sẽ mời gọi tôi, quý vị và các bạn hành động như thế, song chúng ta đáp lại lời mời gọi đó như thế nào?

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhận ra đâu là chân giá trị đích thực của cuộc sống, đâu là vị Vua vĩnh cửu, đâu là quyền thế nhất thời nhờ ơn trên ban cho. Để từ đó, ta biết chọn cho mình một lẽ sống, một hướng đi, những hành động cụ thể để sự hiện hữu của chúng ta giữa cuộc đời này có giá trị và ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay. Đừng bao giờ đánh mất hướng đi của cuộc sống và nhất là đánh mất chính bản thân vì một chút lợi lộc hay danh vọng phù phiếm nhất thời. Chúng ta hãy tỉnh thức để nhận thấy tầng ý nghĩa thâm sâu của cùng đích của cuộc đời, đó chính là tìm lại được bản thân trong sự hiến thân phục vụ vô vị lợi cho tha nhân để cùng nhau hưởng hạnh phúc viên mãn muôn đời trong Đức Kitô, Vua vũ trụ.


 

CHÚT SUY NIỆM NGÀY LỄ CHÚA KITÔ, VUA MUÔN VUA

Lm. G.B Trịnh Đình Tuấn, SVD

Chúng ta kết thúc năm Phụng vụ bằng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Chúa Kitô vua muôn vua, Chúa các chúa. Đấng mà ta tôn thờ, suy tôn và chiêm ngắm trong suốt năm phụng vụ. Vị vua này không cai quản dân bằng sức mạnh của quyền lực, của vũ lực và tiền bạc, nhưng bằng tình yêu thương và phục vụ.

Các bài đọc Lời Chúa ngày hôm nay khích lệ và cũng nhắc nhở bản thân mỗi người chúng rất nhiều qua những hành động của vị vua này. Cụ thể trong Bài đọc 1 trích từ sách Ngôn sứ Edêkien (34,11-12;15- 17), chúng ta tìm thấy cách thức cai quản dân của vị vua này qua các hành động: tìm kiếm, quy tụ, giải thoát, cho ăn, xoa dịu và băng bó vết thương, chữa trị, bảo vệ, chấp nhận hiểm nguy. Đây là những hành động thể hiện phẩm chất một vị mục tử nhân lành dành cho đoàn chiên của mình. Những hành động đó có thể tóm lại trong một từ, đó là Phục vụ.

Còn trong bài Tin mừng theo thánh Mát-thêu (25,31-46), hình ảnh của vị vua này lại được thể hiện qua những hành động như: cho ăn, cho uống, tiếp rước, cho mặc, viếng thăm, đồng hành. Những hành đồng này cho ta thấy hình ảnh của một vị vua luôn dõi theo, đồng cảm và giúp đỡ mọi người, đặc biệt những người đang trong cảnh hoạn nạn khó khăn. Các động từ này có thể tóm gọn lại một từ, đó là trao ban Sự sống.

Vị vua này có đặc điểm là không tìm vinh quang cho mình, nhưng luôn hướng về những người mà mình có bổn phận chăm lo. Luôn động lòng trắc ẩn và tìm cách xoa dịu nỗi đau khổ của dân.

Vâng, đó là hình ảnh của vị vua mà chúng ta tôn thờ, đó là mẫu gương mục tử mà chúng ta cần phải luôn học tập và noi theo.

Dù chúng ta là ai, ở bất cứ vị trí nào, chúng ta cũng phần nào đó nắm giữ vai trò làm vua, làm người lãnh đạo, ít là với chính bản thân mình và những người thân yêu gần gũi với mình. Và vai trò của vị vua càng lớn bao nhiêu thì trách nhiệm đối với người thuộc về mình càng quan trọng bấy nhiêu.

Sống trong thế giới vật chất và hưởng thụ, thế giới của truyền thông đại chúng, nó dễ cám dỗ ta hình thành nơi mình vị vua của quyền lực, hưởng thụ và thích nổi tiếng. Trong môi trường sống như thế, ta dễ nhìn thấy và ác cảm với những vị vua tham lam, ích kỷ, vô cảm và vô tâm,…

Nhưng vẫn còn đó, vẫn luôn hiện diện quanh ta những vị mục tử tốt lành, luôn hết lòng vì đoàn chiên. Hình ảnh những vị mục tử lặn lội giữa vùng rốn lũ để tìm kiếm và trao ban lương thực cho đoàn chiên; vẫn có những mục tử đau với nỗi đau của đoàn chiên; vẫn có những mục tử vui với niềm vui của đoàn chiên; vẫn có những mục tử chấp nhận sống đơn sơ giản dị để cho chiên được ấm no; vẫn có những người cha – người mẹ hết lòng vì con cái mình; vẫn có những người con hiếu thảo luôn bao bọc, nâng đỡ cha mẹ mình khi ốm đau, già cả; vẫn còn đó những người trẻ tự bươn trải và vượt qua khó khăn của cuộc sống… Đó là hình ảnh của những mục tử nhân lành trong thời đại hôm nay.

Tuy nhiên, lễ Chúa Kitô Vua cũng là dịp để chúng ta nhìn lại vai trò mục tử của mình, vai trò của mình với đoàn chiên mà mình có trách nhiệm chăm sóc. Có đôi lúc ta cũng: Thay vì làm cho “Danh Chúa cả sáng” (kinh Lạy Cha), thì ta thích làm “danh ta cả sáng”.

Thay vì nhìn thấy đoàn chiên đói khổ, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học,… thì ta chỉ thấy ta thiếu cái này cái nọ; Thay vì xây dựng con người và đức tin, ta lại chỉ lo xây những công trình để đời, mặc kệ con cái đói khát, thất học, miễn là danh ta được lưu truyền; Thay vì tìm kiếm và băng bó những vết thương cho những con cái bệnh hoạn, lầm lạc, ta lại làm cho đoàn chiên ngày một tan tác, mất đức tin;

Thay vì đồng cảm với nỗi đau của con chiên, ta lại vô tình xát thêm muốn vào vết thương của nó;Thay vì kiếm lương thực cho đoàn điên, ta lại chỉ gom góp và tích trữ cho mình; Thay vì chăm sóc đoàn chiên bằng yêu thương và phục vụ, ta lại chỉ thích dùng quyền lực và áp đặt ý mình; Thay vì yêu thương những con chiên đau yếu bệnh tật, ta lại chỉ thích yêu thương những con chiên mập tròn, béo tốt; Thay vì đi tìm kiếm chiên lạc, ta lại chỉ đóng đô trong căn nhà khang trang mát mẻ, tiện nghi;…

Chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ và cũng chính là Vua của tâm hồn, tâm trí và thân xác ta. Kết thúc năm Phụng vụ Giáo hội giúp ta xác tín lại đức tin của mình; vị vua đích thực của đời ta là ai? Đồng thời cũng là sự nhắc nhở mỗi người chúng ta, những người đóng vai trò lãnh đạo, hãy học nơi vị Vua của đời mình cách lãnh đạo và đối xử với đoàn chiên mà Thiên Chúa trao phó cho mình.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (24/11, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, lễ trọng)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 33 TN)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây