Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật tuần 28 Thường Niên – Năm C

0
521

Bài Ðọc I: 2 V 5, 14-17

“Naaman trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”.

Tiên tri trả lời rằng: “Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu”. Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe. Naaman nói thêm rằng: “Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).

Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. – Ðáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. – Ðáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tm 2, 8-13

“Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Ðức Kitô”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Ðavít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 11-19

“Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.

Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

LÒNG BIẾT ƠN

Lm. Giuse Lâm Sơn Tòng, SVD

Lòng biết ơn là một trong những đức tính nhân bản nhất của con người. Trong tương quan xã hội, đức tính nhân bản ấy đã thấm nhuần vào mọi nền văn hóa từ Á sang Âu. Hai tiếng “cám ơn” gần như luôn xuất hiện trên môi miệng của mỗi người trong giao tiếp đời thường.

Trong văn hóa Việt Nam, lời khuyên dạy sống có lòng biết ơn đã được tiền nhân đúc kết thành những câu ca dao và châm ngôn sống để răn dạy và giáo dục con cháu. Vì thế, sống ở đời, phải biết “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “uống nước phải nhớ nguồn”. Hơn nữa, sống ở đời phải “có tình” như trong câu ca dao dạy “ơn ai một chút chớ quên, phiền ai một chút để bên cạnh lòng”.

Câu chuyện

Câu chuyện kể về một học giả Kinh Thánh nổi tiếng vào những năm đầu của thế kỷ 18, đó là học giả Matthew Henry.[1] Một ngày nọ, ông  ta bị bọn cướp trấn lột mất hết tài sản trên người. Ngay đêm hôm đó, Henry đã ghi vào cuốn nhật ký của mình như sau: Hãy để cho lòng ta cảm tạ ơn Thượng Đế:

Thứ nhất, bởi vì cho đến bây giờ ta mới bị ăn cướp; trước đây ta chưa bao giờ bị bọn cướp đón đường cả. Thứ nhì, mặc dầu bọn chúng cướp cái ví tiền, nhưng chúng nó không cướp mất mạng sống của ta. Thứ ba, bởi vì mặc dầu chúng nó cướp sạch những gì ta có trên người lúc đó, nhưng cũng chẳng đáng giá là bao. Thứ tư, ta là người bị cướp, chứ ta không phải là quân đi ăn cướp.

Câu chuyện trên đây là một trong nhiều ví dụ về những mẫu gương biết sống và thể hiện lòng biết ơn trong mọi hoàn cảnh sống. Mặc dù Matthew Henry đã bị kẻ cướp lấy hết tiền bạc, nhưng ông vẫn tìm ra những lý do chính đáng để cám ơn Thượng  Đế; tạ ơn Thượng đế ngay trong những lúc gặp hạn, thử thách cam go. Theo thánh Phaolô tông đồ thì chúng ta cần phải “cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh sống, vì đó là điều Thiên Chúa muốn” (1 Tx 5,18).

“Hãy có lòng biết ơn” là sợi chỉ xuyên suốt trong các bài đọc lời Chúa của Chúa Nhật XXVIII thường niên; cách riêng, trình thuật Tin Mừng (Lc 17,11-19) kể lại cho chúng ta một phép lạ chữa lành. Chúa Giêsu chữa lành cho mười người bị bệnh phong hủi.

Quan niệm của người Do Thái về bệnh phong hủi

Vào thời Chúa Giêsu, phong hủi là một trong những căn bệnh nan y không có thuốc chữa nên ai cũng ghê tởm những người bị bệnh đó. Người có bệnh phong hủi bị liệt vào hàng tội lỗi, vì người Do Thái tin rằng, phong hủi là hậu quả nhãn tiền của tội lỗi, bị Thiên Chúa giáng phạt. Vì thế, người mắc bệnh phong bị cách ly khỏi xã hội, đi ra đường phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy khăn và áo che miệng, và phải hô lên “ô uế”, để mọi người biết mà tránh xa (x. Lv 13,1-44). Điều này lý giải vì sao những người bị phong hủi không dám tới gần Chúa Giêsu, mà chỉ đứng từ xa mà kêu to lời cầu khẩn.

Người mắc bệnh phong không chỉ đau đớn về phần xác, nhưng còn tệ hơn, họ bị tủi nhục về tâm hồn, bị chính người thân ruồng bỏ, xa lánh. Họ mang trong mình nỗi đau ám ảnh cùng tận về tinh thần lẫn thể xác. Vết thương lòng còn đau hơn căn bệnh thể lý.

Việc Chúa Giêsu chữa họ khỏi bệnh phong cho thấy tình thương và quyền năng của Chúa trên những người đau khổ bệnh tật. Và điều quan trọng hơn, qua phép lạ chữa lành ấy, Chúa đã phục hồi nhân phẩm của những bệnh nhân. Việc họ được khỏi bệnh về thể lý là một minh chứng để họ có thể được tái hội nhập vào cộng đoàn và xã hội. Chúa đã trả lại cho họ danh dự vốn có của một thành viên trong xã hội. Chúa đã biến những nỗi tủi hổ, khổ nhục trong tâm hồn của bệnh nhân thành niềm vui được hòa nhập vào trong xã hội.

Tuy nhiên, thật trớ trêu thay, trong mười người được hưởng ơn chữa lành lớn lao ấy, chỉ có một người nhận ra ơn ấy để rồi trở lại dâng lời tạ ơn Chúa; và người ấy lại là người ngoại bang Samari, một người ngoại đạo! Chỉ có một phần mười; một tỉ lệ rất thấp. Và một phần mười ấy theo Chúa Giêsu nhận xét lại là người ngoại giáo. Tuy là ngoại giáo theo nghĩa tôn giáo, nhưng người Samari này lại rất có đạo theo nghĩa đạo làm người. Việc anh ta quay trở lại để ngợi khen Thiên Chúa và bày tỏ thái độ biết ơn; điều này còn ý nghĩa hơn chính việc anh được chữa lành.

Chúa Giêsu đã phải thốt lên: “Không phải cả mười người được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại mà tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18). Chúa cho ta thấy Ngài rất ngạc nhiên về chín người Do Thái được chữa lành nhưng lại không đến tạ ơn. Qua đó, Chúa gián tiếp khen người ngoại giáo Samari về lòng biết ơn của anh.

Chắc chắn Chúa biết cả mười người đều được chữa lành. Câu hỏi của Chúa cho thấy sự ngạc nhiên về sự vô ơn của chín người mang danh nghĩa và tự hào là dân Thiên Chúa. Chính dân riêng được chọn lại sống vô ơn!

Người ngoại bang Samari quay lại để cám ơn Thiên Chúa không chỉ nhận được ơn phần xác mà còn được ơn phần hồn là củng cố niềm tin và đồng thời cũng xác định tư cách tôn giáo của anh. Người nói: “Đứng dậy về đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19). Như thế, lòng biết ơn lại là dịp để tiếp nhận thêm ơn.

Sứ điệp lời Chúa và suy tư mục vụ

Sứ điệp lời Chúa đối với chúng ta thật rõ ràng và cụ thể. Chúa muốn mời gọi chúng ta sống tâm tình tạ ơn. Vì thế, trong cuộc sống đời thường, chúng ta cần phải thể hiện lòng biết ơn. Chúng ta phải tập thói quen biết tạ ơn Chúa nhiều lần trong ngày sống của mình; tạ ơn Chúa về mọi điều thiện hảo Chúa đã ban, những điều mình nhận ra, lẫn những điều mình chưa nhận ra.

Chúng ta cần thể hiện lòng biết ơn đối với Chúa trong mọi hoàn cảnh, khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu…và chúng ta hãy xác quyết như tâm tình của chị thánh Têrêsa Hài Đồng rằng “tất cả đều là hồng ân”. Mặc dù việc tạ ơn ấy “chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng ta ơn cứu độ”[2].

Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ân sủng; Người không ngừng ban ơn trợ giúp cho con người. Thực vậy, từ nguồn sung mãn của Người, con người đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (x. Ga 1,1-16). Vì thế, ta phải luôn hết lòng cảm tạ và tri ân Thiên Chúa.

Lòng biết ơn còn phải được thể hiện trong tương quan với tha nhân, vì con người sẽ không thể “là người” đúng nghĩa khi không có sự tương quan với tha nhân. Nói cách khác, con người sẽ không thể là người cách sung mãn và tròn đầy nhất nếu không nhờ đến và sống trong tương quan với người khác. Như vậy, người có lòng biết ơn chính là người có nhân cách thực sự. Tất cả những gì làm cho chúng ta hiện hữu và cả những gì chúng ta “đang có” đều là do ân sủng từ Thiên Chúa, và đón nhận từ tha nhân. Đã đón nhận thì phải biết tri ân. Nếu không có lòng biết ơn, thì sẽ không lớn nổi thành người.

Tôi không thể tự mình mà có. Tôi cần có người khác để hoàn thiện mình. Người khác ở đây là cha mẹ, anh chị em trong gia đình, là người thân thích, kể cả là thù địch…; tất cả đều đã và đang góp phần làm nên “cái bản ngã” của tôi. Vì thế, cuộc đời là một chuỗi những hồng ân lãnh nhận. Ta lãnh nhận từ thân xác đến những tri thức để thành nhân và thành danh.

Tắt một lời, chúng ta cần có lòng biết ơn sâu thẳm đối với Thiên Chúa và tha nhân, vì lòng biết ơn chính là nẻo đường dẫn ta đến gặp gỡ Thiên Chúa. Sống cho ra người, sống sao cho có tình người, đó là con đường bảo đảm nhất dẫn ta đến cùng Thiên Chúa và gặp gỡ tha nhân.

[1] http://tinmung.net/MinhHoa/MinhHoa_INDEX.htm

[2] Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng Chung IV.

 

 

Bài trướcCáo phó: Đức ông Giuse Maria TRẦN THANH PHONG vừa qua đời lúc 9g50, thứ Năm, ngày 10/10/2019 tại Tòa Giám Mục Nha Trang.
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXVIII – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.