Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Mùa Vọng – Năm B

0
502

Bài Ðọc I: Is 61, 1-2a. 10-11

“Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Lc 1, 46-48. 49-50. 53-54

Ðáp: Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa (Is 61, 10b).

Xướng: 1) Ðức Maria nói: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ Người; thực từ đây, thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phước. – Ðáp.

2) Vì Ðấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là thánh. Ðức từ bi Người từ đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người. – Ðáp.

3) Kẻ đói khát, Người cho no đầy thiện hảo; bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. Chúa đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 16-24

“Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến”.

Trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Ðừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức.

Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Ðấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Ðấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 4, 18)

Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 6-8. 19-28

“Giữa các ngươi có một Ðấng mà các ngươi không biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.

Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.

Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

LÀM CHỨNG CHO ĐỨC KITÔ

Lm. Giuse Trần Minh Kiểm, SVD, SVD

Một bộ phim muốn để lại nơi lòng người nhiều ấn tượng và giá trị đẹp không chỉ dừng lại ở nội dung hay, và một điều hết sức quan trọng khác không thể thiếu đó là khả năng nhập vai của diễn viên. Có thể nói, Gioan Tẩy giả  trong bài Tin mừng hôm nay đã “nhập vai” rất tốt trong vai trò ngôn sứ của mình. Vì thế, ông đã trở thành một vị ngôn sứ vĩ đại của mọi thời về vai trò làm chứng cho Đức Kitô.

Là người Kitô hữu, chúng ta cần phải suy nghĩ về vai trò làm chứng của mình sau khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Để làm được điều đó, đòi hỏi chúng ta cần khiêm tốn học hỏi nơi vị thầy Gioan đáng kính, để từ đó có thể biết cách“diễn” tốt hơn trong vai trò là một Kitô hữu giữa một xã hội có nhiều lối quanh co, khúc khuỷu.

  1. Lời chứng của Gioan

Trước sự lầm tưởng và mong đợi của dân chúng về Đấng Mêsia mà họ mong đợi. Gioan không dựa vào sự mong đợi, đó để tìm vinh quang cho riêng mình. Ông đã chân thành và can đảm sống và làm chứng cho một chân lý. Chính ông đã tự phủ nhận mình không phải là Đấng Kitô, không phải là Êlia, cũng chẳng phải là vị ngôn sứ nào cả…, mà chỉ là người đến để đóng vai trò là người làm chứng, làm chứng về ánh sáng.

Một điều lạ thường, Gioan hoàn toàn không giống như những người lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem về dáng vẻ bên ngoài và cách cư xử. Nhưng ông đã lay động dân chúng đến mức mà một số người nghĩ rằng ông là Đấng Mêsia được hứa ban.

Với ba lần trả lời phủ định, ông đang nhấn mạnh con người và căn tính của mình. “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Ngài đi”. Sự khiêm nhường đã cho ông đưa ra một câu nói đầy ý nghĩa đó. Ông chỉ đứng ra minh chứng và báo trước ngày Đức Kitô xuất hiện, rồi rút lui vào bóng tối. Và đặc biệt hơn, khi đã hoàn tất nhiệm vụ của mình, ông bước sang một bên để nhường lối cho Đức Giêsu. Có thể nói, Gioan là người tôi tớ, là đèn soi, là tiếng kêu… của Đức Giêsu mà thôi. “Dọn sẵn con đường” và “hãy sửa lối” ở đây chắc chắn chúng ta không hiểu theo nghĩa vật chất, mà chủ yếu theo nghĩa tâm linh. Nghĩa là tâm hồn chúng ta phải thật thẳng, không quanh co. Gioan chính là mẫu giương sống động cho mỗi người chúng ta trong hành trình bước theo Đức Kitô.

  1. Lời chứng người Kitô hữu

Chúng ta đã nhiều lần được nghe lời mời gọi hoán cải của Gioan Tẩy Giả. Vì thế, hôm nay là cơ hội để chúng ta cần phải nghiêm túc hơn để nghe những lời đó; phải nghe với lòng thành tâm thiện chí, để bắt tay vào ngay công việc sửa lại những nẻo đường đời, những nẻo đường tâm hồn với những quanh co ẩn khúc ngăn trở chúng ta đến với Thiên Chúa và anh chị em.

Hơn nữa, chúng ta cũng cần làm chứng cho mọi anh chị em trong vai trò Kitô hữu của mình. Làm sao để mọi người có thể tin vào lương tâm, vào lời nói của chúng ta, nhất là những người chính thức mang danh theo Chúa? Nếu không, một cách vô tình hay hữu ý chúng ta sẽ làm ô danh Đức Giêsu và tôn giáo mà chúng ta theo.

Nhưng để làm được điều đó, một đòi hỏi trước hết là chúng ta phải luôn trung thành với sứ mệnh của mình, dù có bị hạch hỏi, chất vấn. Đồng thời biết khôn ngoan trả lời những thắc mắc của người khác, để giúp họ nhận ra Chúa trong cuộc sống, ngỏ hầu dọn đường cho tha nhân đến với Chúa và ánh sáng Chúa soi được vào những nơi tăm tối, khổ đau của trần gian này. Chúng ta không phải chỉ làm chứng cho Chúa bằng lời nói mà còn phải làm chứng bằng chính cuộc sống của mình. Như người xưa đã nói: “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”. Chính vì thế, mỗi người chúng ta hãy lo sống đạo và chu toàn bổn phận của mình. Bởi vì, đời sống đạo đức của chúng ta chính là một thứ ánh sáng chiếu tỏa, để những người chung quanh sẽ nhận biết Chúa. Đó là cách tốt nhất để đem Chúa đến với những ai chưa nhận biết Chúa.

  1. Giáo hội cần lời chứng thật

Làm sao tin điều mình không biết, không thấy, không có bằng chứng hay không có đủ uy tín để bảo đảm? Hay làm sao tin được người giảng hay, nhưng đời sống của họ thì lại hoàn toàn đi ngược lại điều họ rao giảng?

Ta thấy được, buổi đầu trong giáo hội sơ khai, dù thiếu thốn về phương tiện truyền thông, sự đi lại còn gặp nhiều  khó khăn, với lời chứng hết sức mạnh mẽ và sống động của các tông đồ đã làm cho Kitô giáo phát triển rất nhanh. Đặt vấn đề thời nay, với sự tiến bộ vượt bậc của ngành khoa học kỹ thuật, truyền thông kỹ thuật phát triển, phương tiện đi lại nhanh chóng, nhưng Kitô giáo lại phát triển hết sức chậm, nhiều nơi còn bị giảm sút, tại sao? Nguyên nhân đến từ đâu? Mỗi người chúng ta cần phải để tâm suy nghĩ cho vai trò làm chứng của mình.

Đức Thánh Cha Phaolô VI trong tông huấn Evangelii Nuntiandi đã nói: “Ngày nay người ta cần chứng nhân hơn là thầy dạy”. Đúng vậy, ngày nay khi làm công việc tông đồ, chúng ta đã quá chú trọng tới rao giảng, mà coi rất nhẹ việc làm chứng! Thiết nghĩ, nếu chúng ta chỉ biết làm sao nói thật hay, nói thật hùng hồn, trong khi chúng ta không dám sống cho lời chứng là Kitô hữu của mình thì chắc chắn gương mặt của Đức Kitô vốn đã bị mờ nhạt, và sẽ còn tiếp tục bị lu mờ hơn nữa giữa một xã hội đầy dẫy những cám dỗ.

Mặc dù mẹ Mônica sống trong một gia đình ngoại giáo,nhưng mẹ luôn chứng tỏ cho mọi người thấy được mẹ luôn có Chúa ở cùng. Chính nhờ sự thánh thiện, lòng quảng đại và tình thương, mẹ đã cảm hóa được người chồng ác độc, ngang tàng, ích kỷ. Tình yêu Đức Kitô thúc bách mẹ, và mẹ đã làm thay đổi không những người chồng, mà còn biến đổi người con là Augustinô trụy lạc, ham lạc thú trở nên người con ưu tú cho Giáo Hội.

Chỉ còn hơn một tuần nữa, toàn thể Giáo hội sẽ mừng kính trọng thể sự kiện Chúa Giêsu Kitô sinh ra. Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng hôm nay vẫn được gọi là Chúa nhật của niềm vui và của niềm hoan lạc. Niềm vui, niềm hoan lạc đó đặt nền trên chính Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe công bố. Cả ba bài đọc hôm nay cho ta thấy rất rõ về điều này. Ở bài đọc một, ngôn sứ Isaia nói lên niềm hoan lạc của người được chọn, của người được sai đi công bố Tin Mừng: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ biết bao” (Is 61,10). Tiếp đến, ở bài đọc hai, thánh Phaolô kêu gọi tín hữu Thêxalônica: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5,16).

Vâng, sống vui tươi là những tâm tình mà chúng ta cần phải có vì Chúa đã gần đến. Hãy vui lên vì chúng ta vẫn còn cơ hội để trở thành người làm chứng cho Chúa giữa lòng thế giới: “có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Đó là sứ điệp mà Giáo hội muốn nhắn gửi chúng ta qua các bài đọc hôm nay.

Chúng ta vui mừng không phải chỉ vì đang được nghe lại tiếng kêu của người được “Thiên Chúa đoái thương” là Gioan. Nhưng còn có một niềm vui lớn lao hơn đó là Thiên Chúa đã ban Người Con duy nhất của mình đến cứu chuộc chúng ta. Để đón nhận được niềm vui đích thích thực đó, chúng ta cần có một tâm hồn luôn sẵn sàng đón chờ Đấng Cứu Thế mà Gioan Tẩy Giả đã từng loan báo. Thiết nghĩ, đây là lúc chúng ta cần phải mạnh dạn hơn để giới thiệu cho mọi người biết Chúa, và cách thiết thực nhất chính là cuộc sống của mỗi chúng ta tại nơi chúng ta đang sống. Amen.

 

Bài trướcHội đồng Hồng y Tư vấn kết thúc Khóa họp thứ 22
Bài tiếp theoMùa Vọng – Tuần III – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây