Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật XVIII TN, Năm B (Ga 6,24-35)

0
619

TỪ BÁNH MÌ HƯ NÁT ĐẾN BÁNH TRƯỜNG SINH

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XVIII TN B

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

Bản Văn Ga 6,24-35

Hy Lạp Việt
24 ὅτε οὖν εἶδεν ὁ ὄχλος ὅτι Ἰησοῦς οὐκ ἔστιν ἐκεῖ οὐδὲ οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ, ἐνέβησαν αὐτοὶ εἰς τὰ πλοιάρια καὶ ἦλθον εἰς Καφαρναοὺμ ζητοῦντες τὸν Ἰησοῦν.

25 καὶ εὑρόντες αὐτὸν πέραν τῆς θαλάσσης εἶπον αὐτῷ· ῥαββί, πότε ὧδε γέγονας;

26 Ἀπεκρίθη αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς καὶ εἶπεν· ἀμὴν ἀμὴν λέγω ὑμῖν, ζητεῖτέ με οὐχ ὅτι εἴδετε σημεῖα, ἀλλ᾽ ὅτι ἐφάγετε ἐκ τῶν ἄρτων καὶ ἐχορτάσθητε.

27 ἐργάζεσθε μὴ τὴν βρῶσιν τὴν ἀπολλυμένην ἀλλὰ τὴν βρῶσιν τὴν μένουσαν εἰς ζωὴν αἰώνιον, ἣν ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου ὑμῖν δώσει· τοῦτον γὰρ ὁ πατὴρ ἐσφράγισεν ὁ θεός.

28 εἶπον οὖν πρὸς αὐτόν· τί ποιῶμεν ἵνα ἐργαζώμεθα τὰ ἔργα τοῦ θεοῦ;

29 ἀπεκρίθη [ὁ] Ἰησοῦς καὶ εἶπεν αὐτοῖς· τοῦτό ἐστιν τὸ ἔργον τοῦ θεοῦ, ἵνα πιστεύητε εἰς ὃν ἀπέστειλεν ἐκεῖνος.

30 Εἶπον οὖν αὐτῷ· τί οὖν ποιεῖς σὺ σημεῖον, ἵνα ἴδωμεν καὶ πιστεύσωμέν σοι; τί ἐργάζῃ;

31 οἱ πατέρες ἡμῶν τὸ μάννα ἔφαγον ἐν τῇ ἐρήμῳ, καθώς ἐστιν γεγραμμένον· ἄρτον ἐκ τοῦ οὐρανοῦ ἔδωκεν αὐτοῖς φαγεῖν.

32 εἶπεν οὖν αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς· ἀμὴν ἀμὴν λέγω ὑμῖν, οὐ Μωϋσῆς δέδωκεν ὑμῖν τὸν ἄρτον ἐκ τοῦ οὐρανοῦ, ἀλλ᾽ ὁ πατήρ μου δίδωσιν ὑμῖν τὸν ἄρτον ἐκ τοῦ οὐρανοῦ τὸν ἀληθινόν·

33 ὁ γὰρ ἄρτος τοῦ θεοῦ ἐστιν ὁ καταβαίνων ἐκ τοῦ οὐρανοῦ καὶ ζωὴν διδοὺς τῷ κόσμῳ.

34 εἶπον οὖν πρὸς αὐτόν· κύριε, πάντοτε δὸς ἡμῖν τὸν ἄρτον τοῦτον.

35 εἶπεν αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς· ἐγώ εἰμι ὁ ἄρτος τῆς ζωῆς· ὁ ἐρχόμενος πρὸς ἐμὲ οὐ μὴ πεινάσῃ, καὶ ὁ πιστεύων εἰς ἐμὲ οὐ μὴ διψήσει πώποτε. (Jn. 6:24-35 BGT)

24 Khi đám đông thấy rằng Đức Giê-su không ở đó các môn đệ của Người cũng không, họ lên thuyền và đi vào Ca-phác-nao-um tìm Đức Giê-su

25 Khi tìm thấy Người bên kia Biển Hồ, họ nói cùng Người: “Thưa Thầy, thầy đã ở đây khi nào vậy?

26 Đức Giê-su trả lời với họ và nói rằng: “Amen, Amen, tôi bảo anh chị em, anh chị em tìm tôi không phải bởi vì anh chị em đã thấy những dấu [lạ], nhưng bởi vì anh chị em đã ăn bánhđược no thỏa.

27 Hãy làm việc không phải vì lương thực hư nát nhưng vì lương thực duy trì sự sống đời đời, bánh mà Con Người sẽ ban cho anh chị em, vì Chúa Cha đã ấn định điều đó.

28 họ nó cùng Người: “chúng tôi phải làm gì để mà có thể làm công việc của Thiên Chúa?

29 Đức Giê-su trả lời và nói cùng họ: “đây là công việc của Thiên Chúa, rằng anh chị em có thể tin vào Đấng mà Người đã sai đến

30 rồi họ nói cùng Người: “Vậy thì Ngài làm dấu [lạ] nào để chúng tôi có thể thấy và tin vài Ngài? Ngài làm việc gì?

31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn Manna trong sa mạc, như đã được chép rằng: “Ông ấy đã cho họ ăn bánh từ trời

32 Đức Giê-su nói cùng họ: “Amen, Amen, tôi bảo anh chị em, không phải ông Mô-sê đã ban cho anh chi em bánh từ trời, nhưng Cha của tôi ban tặng anh chị em bánh từ trời, bánh đích thực.

33 vì bánh của Thiên Chúa là Đấng xuống từ trờilà Đấng ban sự sống cho thế gian.

34 họ mới nói cùng Người: “thưa Ngài! Xin luôn luôn ban cho chúng tôi bánh ấy

35 Đức Giê-su nói cùng họ: “chính tôi là bánh của sự sống, ai đến cùng tôi không thể nào đói; ai tin vào tôi sẽ không khát bao giờ

 

Bối cảnh bản văn

Đoạn văn Ga 6,24-35 là đoạn đầu tiên trong diễn từ “Bánh Hằng Sống” ở hội đường Ca-phác-nao-um (Ga 6,22-66). Trong bối cảnh trực tiếp, đoạn văn này nằm ngay sau đoạn văn kể về phép lạ Đức Giê-su đi trên mặt nước và dẫn con thuyền đang gặp sóng gió của các môn đệ đến bến bình an. Hình ảnh này gợi nhớ đến việc “đám đông lớn” đã tuyên xưng: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian” (Ga 6,14), sau khi chứng kiến phép lạ “Hóa Bánh Ra Nhiều” (Ga 6,1-15). Ý tưởng về “vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian” lại gợi nhớ đến hình ảnh vị ngôn sứ như ông Mô-sê được nói đến trong sách Đệ Nhị Luật: “Từ giữa anh em, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi [Mô-sê] để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (Đnl 18,18). Ngôn sứ Mô-sê đã dẫn dân Ít-ra-el vượt qua Biển Sậy, cũng như Đức Giê-su đã dẫn các môn đệ, đại diện cho dân mới vượt qua Biển Hồ. Sau khi vượt qua “Biển Sậy”, ông Mô-sê đã cầu xin cho dân ăn Manna[1] từ trời thoải mái. Đức Giê-su cũng đã cho “đám đông lớn” ăn bánh mì thoải mái. Tuy nhiên, Đức Giê-su không chỉ là Mô-sê mới. Người hơn hẳn ông Mô-sê, bởi Người có khả năng ban bánh sự sống từ trời. Người cũng chính là bánh trường sinh, bánh đích thực. Diễn từ về “Bánh trường sinh” rõ ràng nối kết chặt chẽ với phép lạ “hóa bánh ra nhiều” trước đó (Ga 6,1-15). Trong bối cảnh rộng hơn, chủ đề ăn Manna và ngôn sứ Mô-sê nối kết với khoảng thời gian bốn mươi năm dân Ít-ra-el đi trong sa mạc cho đến khi vào đất hứa. Chủ đề “sự sống đời đời” là một trong những chủ đề rất quan trọng trong thần học Gioan. Ông là tác giả Tin Mừng nói nhiều nhất về chủ đề này.[2] Niềm tin là hiệu quả tốt nhất cho niềm tin vào Đức Giê-su: “Ai tin vào người Con thì có được sự sống đời đời” (Ga 3,36; Cf. Ga 5,24; 6,47).

Cấu trúc bản văn

Bản văn này có thể được cấu trúc theo kiểu đối thoại giữa hai nhân vật: Đức Giê-su và đám đông. Tuy nhiên, để nhìn thấy dễ dàng hơn nội dung của cuộc đối thoại, nó nên được cấu trúc theo kiểu “bậc cấp của một cầu thang bộ”, trong đó, “bậc cấp” sau được xây dựa trên “bậc cấp” trước nó. Nhờ đó, cuộc đối thoại xem ra rắc rối này được tổ chức một cách hợp logic, mạch lạc, từ trên xuống dưới. Khởi đầu từ việc đám đông đi tìm kiếm Đức Giê-su, vì đã được ăn bánh mì no nê (A). Đức Giê-su cho họ thấy rằng: đó là của ăn hư nát (B) và Người giới thiệu cho họ một “công việc” mang lại của ăn duy trì sự sống vĩnh cửu (C). Đám đông bắt đầu hứng thú về công việc đó (D). “Công việc” đó là: “Tin vào Đấng Chúa Cha sai đến” (E). Muốn người ta tin vào Người thì Người phải làm dấu lạ nào đó, tỷ như dấu lạ Manna trong Cựu Ước vậy (F). Người giới thiệu cho họ bánh từ trời, bánh đích thực mà Chúa Cha ban tặng (G). Bánh ấy chính là “Đấng đi xuống từ trời và ban tặng sự sống cho thế gian” (H). Lời quảng cáo của Đức Giê-su đã làm cho đám đông phấn khích. Họ muốn Người ban cho họ “bánh ấy” (I). Cuối cùng, Đức Giê-su bật mí: “Người chính là bánh ban sự sống, bất kỳ ai đến với Người sẽ không đói và bất kỳ ai tìn vào Người chẳng khát ba giờ” (J).

(A) Đám đông tìm Đức Giê-su vì ăn bánh mì no nê (6,24-26)

  (B) Bánh mì là của ăn hư nát (6,27a)

    (C) Hãy làm việc vì của ăn duy trì sự sống đời đời (6,27b)

      (D) Công việc của Thiên Chúa là gì? (6,28)

        (E) Công việc đó là “tin vào Đấng Chúa Cha sai đến” (6,29)

          (F) Dựa vào dấu lạ nào để tin? dấu lạ Manna chẳng hạn (6,30-31)

            (G) Chúa Cha đang ban bánh từ trời, bánh đích thực (6,32)

              (H) Đấng đi xuống từ trời và ban sự sống cho thế gian (6,33)

                 (I) Vậy thì, hãy ban cho chúng tôi bánh ấy hoài đi (6,34)

                    (J) Tôi chính là bánh ban sự sống

“Ai đến với tôi, không thể đói

Ai tin vào tôi chẳng bao giờ khát” (6,35)

Một số điểm chú giải

  1. Đám đông”: Đám đông này căn bản là “đám đông lớn” đã đi theo Đức Giê-su, vì đã chứng kiến nhiều dấu lạ Đức Giê-su làm trên những người đau ốm. Và rồi họ được chứng kiến dấu lạ “hóa bánh ra nhiều”, đã ăn bánh no nê, đã tuyên xưng Đức Giê-su là “vị ngôn sứ Đấng phải đến thế gian”, cuối cùng họ muốn bắt Đức Giê-su mà tôn lên làm vua. Đức Giê-su đã lánh mặt họ và đi lên núi một mình. Còn các môn đệ cũng lên thuyền rời khỏi đám đông vào đêm hôm ấy. Đám đông này có thể đông hơn nữa vì “có những chiếc thuyền từ Ti-bê-ri-a đến” và đám đông này đã nhập thuyền với họ (Ga 6,23). Tuy nhiên, thật là khó để tưởng tượng rằng, có một lượng thuyền đủ để chở đám đông hơn 5000 người đến Ca-phác-nao-um. Chính vì vậy E. Haenchen – R. Funk – U. Busse cho rằng người thuật chuyện có lẽ không còn trong đầu đám đông lớn như thế. Họ nghĩ rằng đám đông chừng 100 người.[3]
  2. Tìm Đức Giê-su”: Sau khi bị Đức Giê-su bỏ rơi, vì ý định “tôn Người lên làm vua”, đám đông vẫn tiếp tục “đi tìm” Người. Họ biết các môn đệ đi về hướng Ca-phác-nao-um nên họ lên thuyền đi về nơi ấy để tìm Người. Quả thực, họ đã tìm gặp Người ở đó (Ga 6,25). Danh xưng của họ dành cho Đức Giê-su cũng khá lạ lùng. Lần đầu tiên họ gọi Đức Giê-su là “Rabbi” (nghĩa là Thầy).[4] Trong các tác giả sách Tin Mừng, Gioan là tác giả dùng nhiều nhất danh xưng này (Ga: 8 lần; Mc: 3 lần, Mt: 4 lần; Lc: 0). Một lần nó được dùng cho Gioan Tẩy Giả (Ga 3,26), còn tất cả đều để gọi Đức Giê-su. Hầu hết những người dùng danh xưng này đều là các môn đệ của Đức Giê-su (Ga 1,38.49; 4,31; 9,2; 11,8). Ông Ni-cô-đê-mô cũng gọi Đức Giê-su là Rabbi, vì ông cũng là một mộn đệ của Đức Giê-su trong thầm kín. Đám đông này được diễn tả bằng động từ “đi theo” Đức Giê-su (Ga 6,2), và họ gọi Đức Giê-su là Rabbi. Hai động thái này cho thấy dường như họ cũng là những môn đệ của Đức Giê-su theo nghĩa rộng. Danh xưng Rabbi (thầy dạy) được dùng trong bối cảnh này cũng rất ý nghĩa, bởi bì ngay sau đó Đức Giê-su sẽ dạy cho đám đông về lương thực duy trì sự sống đời đời, và Chúa Cha là người ban tặng nó. Câu hỏi: “Thầy ở đã ở đây khi nào vậy?” cho thấy họ quan tâm từng giây phút Người hiện diện ở một nơi nào đó. Có thể, là họ muốn biết rằng họ đã tìm gặp Người trong khoảng thời gian ngắn nhất hay chưa, hay là họ đã bỏ lỡ thời gian dài để tìm Người. Quan tâm đến khoảng thời gian Đức Giê-su đã ở đó là quan tâm đến từng phút giây trong cuộc đời Đức Giê-su.
  3. Amen, Amen”: Trạng từ “amen” nhân đôi, cùng với động từ “bảo”, được sử dụng hai lần trong đoạn Tin Mừng này. Cách dùng này là đặc trưng của Tin Mừng thứ tư.  Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm (Mát-thêu, Mác-cô và Luca) cũng dùng nhiều lần cách nói này, nhưng họ không nhân đôi trạng từ “amen”.  Cách dùng này thường là để nói điều gì đó một cách trịnh trọng hoặc muốn nhấn mạnh một vấn đề. “Amen” nguyên ngữ tiếng Do Thái (אָמֵֽן) có nghĩa là thật, vững chắc, đáng tin cậy. Trong Phụng Vụ, “amen” thường được dùng để xác nhận và đồng ý cách mạch mẽ vào cuối một lời vinh tụng ca với ý nghĩa là: “Đúng là như vậy” (Rm 11,36); hoặc là cuối một lời cầu nguyện tạ ơn với nghĩa là “thật là chính đáng” (1 Cr 14,16).[5] Trong đoạn Tin Mừng này, Đức Giê-su dùng để khẳng định thực tế là đám đông tìm Đức Giê-su không phải là vì họ đã thấy dấu lạ, nhưng vì họ đã được ăn bánh no nê. Lần thứ hai, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh rằng không phải ông Mô-sê đã ban cho họ bánh từ trời, nhưng chính Cha của Đức Giê-su ban cho họ bánh đích thực bởi trời.
  4. Thấy những dấu [lạ] … Ngài làm dấu lạ nào?”: Đức Giê-su công bố một cách trịnh trọng rằng đám đông đi tìm Người không phải vì đã thấy dấu lạ. Khẳng định này có vẻ lạ lùng, bởi tác giả đã cho biết rằng đám đông này đi theo Đức Giê-su, vì họ đã “chứng kiến nhiều dấu lạ Đức Giê-su làm trên các người bệnh” (Ga 6,2). Sau khi chứng kiến phép lạ Đức Giê-su làm, họ cũng đã tuyên xưng Người là “vị ngôn sứ Đấng phải đến thế gian” (6,14). Có lẽ, họ đã thấy dấu lạ, nhưng đã hiểu sai về vai trò của Đức Giê-su. Họ đang trông đợi Người làm vua của họ, để giải quyết những khó khăn về lương thực cũng như vấn đề vật chất, cùng với đời sống kinh tế chính trị đang bế tắc.[6] Việc họ hỏi Đức Giê-su rằng: “Ngài làm được dấu lạ nào để chúng tôi thấy mà tin Ngài?” càng lạ lùng hơn. Dấu lạ họ đã chứng kiến không phải là dấu lạ đáng tin hay sao? Hay đám đông này là một đám đông khác, chưa từng thấy dấu lạ? Mạch văn cho thấy, đây chính là nhóm đã ăn bánh và được no nê. Vậy thì, có thể, dấu lạ mà họ muốn nói là dấu lạ như kiểu như ông Mô-sê đã cho cha ông họ ăn bánh từ trời. Đức Giê-su đã cho họ ăn bánh mì no nê từ 5 chiếc bánh và 2 con cá, sao vẫn còn chưa giống với Mô-sê? Có lẽ điều họ muốn những thứ bánh thật sự từ trời, như Manna vậy và với số lần ăn kéo dài chứ không phải chỉ một lần.[7] Đó là lý do mà họ đi tìm Đức Giê-su và bị Đức Giê-su nắm thóp và nhắc nhở. Đám đông cố gắng ép Đức Giê-su vào mẫu thức Mô-sê của họ: Mô-sê ban Manna và Luật mang lại sự sống thể xác tinh thần cho Ít-ra-el.[8] Đức Giê-su vừa là bánh được ban, vừa là người ban bánh và Lề Luật.
  5. Lương thực hư nát”:

Dĩ nhiên, Đức Giê-su có thể làm dấu lạ hóa bánh nhiều lần. Thật vậy, Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại ít nhất 2 lần Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Lần thứ nhất từ năm chiếc bánh và hai con cá, Đức Giê-su đã cho hơn 5000 người ăn và còn dư 12 giỏ bánh vụn (Mc 6,34-44; Mt 14,13-21; Lc 9,10-17). Lần thứ hai Người đã cho khoảng bốn ngàn người ăn no từ bảy chiếc bánh và còn dư bảy giỏ bánh vụn (Mc 8,1-10; Mt 15,32-39). Tuy nhiên, Đức Giê-su không làm hoài những phép lạ như thế. Người không phải là giải pháp cho vấn đề cơm bánh của họ. Người không muốn họ nghĩ đến Người như là vị thần giải quyết nạn đói. Dĩ nhiên, Người không muốn họ chết đói, chết khát. Vấn đề là Người muốn họ hiểu rằng đó là thứ “bánh hư nát”. Động tính từ “hư nát” ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa: (1) Chất bánh mau hư nát; (2) Người ăn bánh ấy dù no trong chốc lát nhưng đến lúc người ấy cũng chết đi. Người không muốn họ bận tâm cả đời cho thứ bánh ấy và đến với Người cũng vì thứ bánh ấy.

  1. Lương thực duy trì sự sống đời đời”: Sau khi đã cảnh giác họ về “bánh hư nát”, Đức Giê-su bắt đầu giới thiệu cho họ về một thứ lương thực khác, lương thực có khả năng kéo dài sự sống đến đời đời. Phận người “sinh, bệnh, lão, tử” là chuyện bình thường. Cái chết luôn là nỗi bất hạnh lớn nhất và đáng sợ nhất của kiếp người. Chính vì thế, giấc mơ “trường sinh bất lão”, “cải lão hoàn đồng”, luôn là giấc mơ của biết bao nhiêu vua chúa, tỷ phú từ cổ chí kim. Tuy nhiên, chưa có ai thoát khỏi được nỗi ám ảnh của cái chết. Đức Giê-su cũng đã dạy rằng “hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm dù chỉ là một gang tay” (Mt 6,27; Lc 12,25). Các Thánh Vịnh Gia của thời Cựu Ước cũng đã cảm nhận sâu sắc về sự ngắn ngủi của phận người: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục; mạnh giỏi chăng là được tám mươi; mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ; cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90,10) hay là “kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi; tươi thắm như cỏ nội hoa đồng; một cơn gió thoảng là xong; chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103 15-16). Chính vì thế, Chúa Giê-su đến mang lại cho người ta niềm hy vọng về “sự sống đời đời”. Đó là một chủ đề rất quan trọng trong giáo huấn của Người. Văn Chương Do Thái thế kỷ thứ hai C.E (kỷ nguyên chung, trước Chúa Ki-tô), đã bắt đầu suy tư về sự sống đời đời. Sách Ma-ca-bê quyển thứ hai đã ghi lại lời của những chứng nhân tử đạo: “Chúng tôi chết vì luật pháp của Vua Vũ Trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2 Mcb 7,9; Cf. 7,36). Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại câu chuyện người thanh niên giàu có hỏi Đức Giê-su về bí kíp để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Đức Giê-su cho biết bí kíp là “giữ các điều răn” và “bán của cải, cho người nghèo, rồi đến theo Đức Giê-su” (Mc 10,23-27; Cf. 19,23-26; Lc 18,24-27). Gioan là tác giả ghi lại nhiều nhất những giáo huấn của Đức Giê-su liên quan đến “sự sống đời đời”: “Ai tin vào Người Con thì có được sự sống đời đời” (Ga 3,36); “Ai nghe tôi và tin vào Đấng đã sai tôi thì có sự sống đời đời” (Ga 5,24; Cf. 6,47). Vào cuối diễn từ “Bánh Hằng Sống”, Phê-rô sẽ lên tiếng khẳng định rằng: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
  2. Bánh hằng sống mà Con Người sẽ ban … Bánh từ trời mà Chúa Cha ban”: Ở đây, Đức Giê-su khẳng định chính Người là chủ thể ban bánh hằng sống (6,27). Sau đó, Đức Giê-su lại nói là “Cha” của Người ban tặng “bánh từ trời” (Ga 6,33). Hai lời nói này thoạt tiên xem ra nghịch lý với nhau, nhưng thực tế lại bổ sung cho nhau. Đức Giê-su chính là “Bánh ban sự sống” (Ga 6,34) và Người ban chính thân mình cho nhân loại. Có thể nói rằng Đức Giê-su vừa là bánh, vừa là chủ thể ban bánh hằng sống. Chúa Cha ban bánh từ trời, là Đức Giê-su, Con của Người để cho thế gian được sống. Vì thế, Chúa Cha cũng là chủ thể trao ban bánh hằng sống. Bánh Chúa Cha ban, hay bánh Con Người ban cũng chỉ là một mà thôi. Bánh hằng sống và bánh từ trời cũng chỉ là một bánh.
  3. “Tin vào Đấng mà Người đã sai đến”: Như đã đề cập ở trên “tin” là yếu tố quan trọng bậc nhất, có tính quyết định vận mệnh của một con người. Nếu như Tin Mừng Nhất Lãm thường cho thấy sự quyết định của yếu tố niềm tin trong việc chữa lành bệnh tật thì Gioan lại cho thấy tính tiên quyết của niềm tin đối với sự sống đời đời của con người. Tin có thể mang lại cho người ta sự sống đời đời (Ga 3,36; 5,24). Thật vậy, trong Tin Mừng Nhất Lãm, độc giả thường nghe Đức Giê-su tuyên bố rằng: “Đức Tin của con đã cứu chữa con” (Mt 9,22; Mc 5,34; 10,52; Lc 8,48). Hay là: “Ông tin thế nào thì được như vậy” (Mt 8,10.13; 9,29; 15,28; Mc 5,36; Lc 7,50; 8,50). Tin Mừng thứ tư đã khởi đầu bằng xác tín “những ai tin vào danh Người [Ngôi Lời], thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12) và kết thúc bằng việc cho thấy mục đích của toàn bộ Tin Mừng là “để anh chị em tin Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa và để nhờ tin mà có sự sống nhờ danh Người. Trong suốt Tin Mừng, có rất nhiều lần Đức Giê-su giải thích về tầm quan trọng của niềm tin đối với sự sống con người. Trong đoạn Tin Mừng này, Đức Giê-su cũng nối kết “niềm tin” với “sự sống đời đời”: Làm việc để có bánh duy trì sự sống đời đời (6,27) – Công việc đó là “tin vào Đấng Chúa Cha đã sai đến” (6,29). Đấng ấy chính là Đức Giê-su: “Ai tin vào tôi [Đức Giê-su” chẳng khát bao giờ.
  4. Ông ấy đã cho họ ăn bánh từ trời”: Đây là câu được trích trong Thánh Vịnh 78: “Người mưa Manna để họ ăn và ban cho họ bánh từ trời; Con người đã ăn bánh của các thiên thần và Người đã gửi đến cho họ lương thực dồi dào” (Tv 78,24-25).[9] Chủ từ ngôi thứ ba số ít (Người) của các động từ trong câu này đều là Đức Chúa. Tuy nhiên, khi đám đông trích lại, họ có vẻ ám chỉ rằng ông Mô-sê đã cho cha ông họ ăn bánh từ trời.[10] Chính vì lẽ đó, Đức Giê-su đã chấn chỉnh bằng một cách nói long trọng bắt đầu bằng “Amen, amen”: “Tôi bảo thật anh chị em, không phải Ông Mô-sê đã ban cho họ bánh bởi trời”. Sau mệnh đề phủ định với động từ ở thì hoàn thành (đã ban cho) (δέδωκεν), Đức Giê-su tiếp tục với một mệnh đề khẳng định với một động từ ở thì hiện tại (ban cho) (δίδωσιν), diễn tả một sự thật luôn luôn đúng, từ trước tới nay và đến cả tương lai. Nghĩa là không phải ông Mô-sê đã ban cho họ bánh từ trời trong quá khứ, mà là Cha của Đức Giê-su đã và đang ban bánh từ trời. R. Brown giải thích rằng, Manna được ban bởi Mô-sê không phải là bánh đích thực từ trời mà Cựu Ước nói đến; nhưng là lời dạy của Đức Giê-su.[11]
  5. Bánh đích thực từ trời” (τὸν ἄρτον ἐκ τοῦ οὐρανοῦ τὸν ἀληθινόν): Bánh từ trời được nói đến ở đây khác hoàn toàn với bánh từ trời trong sa mạc (Manna) vì nó được diễn tả bằng tính từ “đích thực”, ngược lại với “giả, dỏm”. Chính bánh đích thực này mới có khả năng duy trì sự sống đời đời, khác với bánh hư nát như Manna hay bánh từ lúa mạch. Tính từ này cũng là một tính từ rất đặc biệt trong Tin Mừng Gioan. Nó được dùng tất cả 3 lần, chỉ để diễn tả Đức Giê-su và Thiên Chúa. Ngoài lần này, còn có hai lần khác nữa, một lần cho Đức Giê-su và một lần cho Thiên Chúa: (1) Ngôi Lời là “ánh sáng thật, ánh chiếu soi mọi người, đến trong thế gian”; “Đây là sự sống đời đời, rằng họ biết Thiên Chúa duy nhất chân thật và Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Người đã sai đến” (Ga 17,3). Kiểu nói “bánh đích thực” cũng rất giống với kiểu nói “mục tử tốt lành” (ὁ ποιμὴν ὁ καλὸς) (Ga 10,11.14).
  6. “Đấng xuống từ trời … Đấng ban sự sống cho thế gian”: Ga 6,31 thường được chuyển ngữ là “vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (CGKPV); “Vì bánh của Thiên Chúa sự gì bởi trời xuốngban sự sống cho thế gian” (NTT). Các bản dịch Anh, Pháp, Ý chọn cách chuyển ngữ 2 danh động từ (V-ing) của động từ “đi xuống” và “trao ban” + mạo từ xác định là: “Đấng đi xuống từ trời” và “Đấng ban sự sống cho thế gian”[12] (chứ không phải là “bánh”). Cách chuyển ngữ này xem ra hợp lý hơn, vì bánh không thể là chủ ngữ của động từ “đi xuống” và “trao ban” sự sống được. Đấng ấy chính là Đức Giê-su, Người từ trời đi xuống và ban sự sống cho thế gian.
  7. Chính tôi là bánh ban sự sống”: Đức Giê-su dùng lối nói nhấn mạnh “ego eimi” (tôi là) cho lời khẳng định này. Theo nguyên ngữ tiếng Hy Lạp là “bánh của sự sống”. Danh từ thuộc cách “của sự sống” có thể hiểu theo hai cách: (1) Bánh = sự sống, giống như Đức Giê-su đã mạc khải: “Ta là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6); (2) Sự sống chính là đối tượng được Đức Giê-su (=bánh) trao ban. Bánh này chính là bánh “duy trì sự sống đời đời” mà Đức Giê-su mời gọi đám đông làm việc để đạt được, đối lại với bánh hư nát, mà họ đang tìm kiếm. Sự sống đời đời cũng là sự sống trong Vương Quốc Thiên Chúa.[13]
  8. Ai đến cùng tôi không thể nào đói; ai tin vào tôi sẽ không khát bao giờ”: Đây là một bảo đảm hấp dẫn cho mọi độc giả. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là bảo đảm của sự no đủ về cơm ăn, nước uống thể lý. Đức Giê-su đã cho họ ăn bánh mì no nê, nhưng rồi họ lại đói trong ngày hôm sau và đã tiếp tục chạy theo Người. Họ đã đến với Người và gặp Người nhưng liệu có hết đói hay không, khi họ chỉ tìm bánh mì chứ không phải tìm chính Người. Nói về cơn khát, tác giả Gioan đã kể một câu chuyện rất sống động để nói về cơn khát của Đức Giê-su và của người phụ nữ Samaria (Ga 4,1-42). Câu chuyện khởi đầu bằng việc Đức Giê-su khát nước và dừng lại bên bờ giếng Gia-cóp. Người hỏi xin người phụ nữ Samaria chút nước uống. Tuy nhiên, sau đó Người lại quảng cáo về “nước sự sống” mà Người có thể ban, nếu Người phụ nữ “nhận ra món quà của Thiên Chúa” và hỏi xin Người. Đức Giê-su quảng bá về tính năng đặc biệt của nước sự sống rằng: “Ai uống nước tôi ban, sẽ không bao giờ khát nữa; và nước tôi ban cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, mang lại sự sống đời đời” (Ga 9,14). Câu chuyện kết thúc bằng việc người phụ nữ rao giảng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô và rất nhiều người Samaria tin vào Đức Giê-su (9,39-41). Cả Đức Giê-su và cả người phụ nữ không ai cần uống nước giếng nữa. “Uống nước Đức Giê-su ban cho” trong bối cảnh này có thể là nghe, đón nhận giáo huấn của Đức Giê-su và tin vào Người. Đây chính là cơ sở khá rõ cho lời khẳng định của Đức Giê-su: “Ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”. Quyền năng của Lời Chúa mang lại cho con người một sự nuôi dưỡng về mặt tinh thần đã được sách Đệ Nhị Luật nói đến và đã được Đức Giê-su trích dẫn để chống lại cám dỗ của ma quỷ: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ bởi những lời từ miệng của Thiên Chúa” (Đnl 8,3; Mt 4,4; Lc 4,4).[14] Sau này, vào lúc bế mạc tuần Lễ Lều Đức Giê- su đứng trong đền thờ và kêu lớn tiếng rằng: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Thánh Kinh đã nói: Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”. Người thuật chuyện ghi chú rằng: “Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận” (Ga 7,37-38).

Bình luận tổng quát

Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều chiều hôm ấy, và sự biến mất cách lạ lùng của Đức Giê-su. Đám đông vẫn còn nuôi mộng tìm kiếm vị vua Mê-si-a đem lại cơm no, áo ấm mà không phải làm lụng vất vả. Đức Giê-su thương họ như mục tử thương đàn chiên đói khổ của mình và Người thực sự làm cho họ no thỏa. Tuy nhiên, Người không muốn cả đời họ chỉ tất bật với chuyện áo cơm để rồi cũng chết. Cơm bánh thể lý cần thiết để người ta có thể nuôi sống bản thân, thế nhưng những thứ đó chỉ là phương tiện chứ không phải là cùng đích. Vậy, cùng đích là gì? Đó chính là sự sống đời đời. “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26). Ai mới có sự sống đời đời và có khả năng ban tặng cho con người sự sống đời đời? Thưa! Chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng hằng hữu và hằng sống. Muốn có sự sống đời đời thì phải làm việc để đạt được nó. Công việc đó là “tin vào Đấng Chúa Cha đã sai đến”. Chính Chúa Cha đã ban tặng bánh sự sống, là chính Con của Người. Đức Giê-su chính là Đấng từ trời xuống và Đấng ban sự sống cho thế gian. Ai đến với Người sẽ không bao giờ đói, ai tin vào Người sẽ chẳng khát bao giờ. Đức Ki-tô chính là đối tượng và lẽ sống mang lại sự sống đời đời cho tất cả những ai tin theo Người. Khi con người lấy Người làm tâm điểm cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động trong cuộc đời họ, thì chứng tỏ rằng họ đang sống và sống mãi, ngay cả sau khi họ tắt thở rồi.

Đấng Đáng Kính F.X Nguyễn Văn Thuận, cựu chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, người giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng và toàn giáo triều Rô-ma vào năm 2000, cựu tù nhân của chế độ CS, đã có kinh nghiệm thật sâu sắc về sự phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Ngài vốn là một con người năng động, một vị Giám Mục trẻ đang hăng say với biết bao nhiêu hoạt động mục vụ phát triển giáo phận: Kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sỹ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở các thí điểm truyền giáo… Tuy nhiên, ngài được thuyên chuyển về TGP. Sài Gòn một tuần trước biến cố 30-04-1975. Rồi ba tháng sau (15-08-1975) ngài bị bắt, nhốt tù từ trại này qua trại khác suốt 13 năm. Nhiều lúc, ngài bị đau khổ dày vò, và tự hỏi tại sao đang lúc tuổi 48, trưởng thành và khỏe mạnh, có kinh nghiệm mục vụ sau 8 năm làm Giám Mục, lại phải vào phòng biệt giam, xa giáo phận đến 1700 km. Rồi trong một đêm thanh vắng, ngài bỗng nghe từ đáy lòng tiếng nhắc nhở: “Tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa”. Những công việc mục vụ con làm “đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa nhưng không phải là Chúa. Nếu Chúa muốn con trao tất cả vào tay Ngài, con hãy làm ngay và tin tưởng vào Ngài.”[15] Chính tiếng nói của Chúa trong sâu thẳm nội tâm ấy đã giúp vị Hồng Y đáng kính nhận ra điều quan trọng và cốt thiết nhất của cuộc đời mình. Đó là tìm Chúa, gặp Chúa và sống với Chúa. Chúa ở mọi nơi, thông suốt mọi sự và yêu mến trọn tình. Chẳng ai ngờ chính trong ngục tù tăm tối ấy, Đấng Đáng Kính lại gặp gỡ Chúa một cách thân mật và gần gũi hơn cả. Có ai ngờ ở nơi mất tự do thân xác nhất, lại là nơi nội tâm của ngài được giải thoát hơn cả. Thật kinh ngạc là ở trong một nơi dễ mất niềm hy vọng nhất, ngài lại trở thành chứng nhân của niềm hy vọng. Đức Hồng Y đã trở thành người Việt Nam đầu tiên và có thể là duy nhất đứng đầu Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình và là vị giảng thuyết cho kỳ tĩnh tâm Mùa Chay của Đức Giáo Hoàng và cả giáo triều Rô-ma. Tất cả đều đến từ kinh nghiệm của một cựu tù nhân gặp gỡ Chúa cách thân mật trong nơi lao tù. Vị Hồng Y khả kính đã cho chúng ta thấy rằng: ở trong bất cứ một hoàn cảnh nghiệt ngã nào, người ta vẫn có thể tìm thấy Chúa. Sự tìm kiếm Đức Ki-tô đích thực là sự tìm kiếm Đấng ban bánh trường sinh, và cũng là Đấng ban sự sống. Sự gặp gỡ Đấng ban sự sống một cách đích thực giúp cho người ta lột xác và sống có sức sống hơn, ý nghĩa hơn, có lợi ích hơn cho người khác và cho cả xã hội loài người. Ông trùm kinh doanh Steve Jobs đã từng nói rằng: “Tôi không quan tâm tới việc trở thành một người giàu có nhất trong nghĩa địa… nói rằng chúng ta đã làm điều gì đó tuyệt vời trước khi đi ngủ vào mỗi buổi tối… đó mới là điều quan trọng đối với tôi”. Điều gì là tuyệt vời nhất mỗi ngày trước khi đi ngủ của mỗi người ki-tô hữu, nếu không phải là những suy nghĩ, lời nói, hành động hay nghĩa cử yêu thương dành cho tha nhân, đồng loại? Mỗi ngày qua đi với những điều tuyệt vời là mỗi ngày đáng sống của đời sống vĩnh hằng.

Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích

[1] Manna trong tiếng Do Thái là câu hỏi cái gì vây? Bởi lần đầu tiên khi con cái Ít-ra-el thấy một thứ gì đó nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ xuống mặt đất họ hỏi nhau: “Man hu” [מָ֣ן ה֔וּא]? nghĩa là cái gì đây? (Xh 16,14-15).

[2] Ga 3,36; 4,14; 5,24.39; 6,47.68; 10,28; 12,25.50; 17,2.3; Mt 19,16; Mc 10,17; Lc 10,25; 18,18.

[3] E. Haenchen – R.W. Funk – U. Busse, John: a commentary on the Gospel of John (Hermeneia; Philadelphia 1984) 281.

[4] R. Brown cho rằng: “Danh xưng này phản ánh thái độ chung chung về phía Đức Giê-su như một người thầy, vì trong trình thuật của Gioan, Đức Giê-su không dạy điều gì trước phép lạ hóa bành ra nhiều [R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes (AYB; New Haven – London 2008) XXIX, 261].

[5] Analytical Lexiconof Greek New Testament (ed. T. Friberg – B. Friberg – N.F. Miller) (Victoria 2000) “Amen”: A Concise Hebrew and Aramaic Lexicon of the Old Testament (ed. W.L. Holladay) (Grand Rapids 1971) “אָמֵֽן”.

[6] R. Brown giải thích rằng chủ nghĩa nhiệt thành nơi 6,14-15 được đặt nền tảng trên sự nhìn thấy mang tính thể lý của khía cạnh lạ lùng của dấu lạ, nhưng không có một sự nhìn thấy thực sự về việc dấu lạ nói lên điều gì về Đức Giê-su. Đám đông cần Đức Giê-su giải thích nhiều hơn về tương quan giữa dấu lạ và sự sống. (R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes, 264).

[7] Theo R. Brown, chúng ta có bằng chứng trong những văn bản Do Thái trễ hơn về một niềm mong đợi phổ biến rằng vào những ngày cuối cùng Thiên Chúa lại ban Manna – một niềm hy vọng nối kết với một niềm hy vọng về một cuộc Xuất Hành thứ hai. (R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII), 265; G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 91).

[8] F.J Moloney, The Gospel of John (SP; Collegeville 2005) IV, 212.

[9] Xem thêm Xh 16,4.15; Kn 16,20.

[10] Có thể quan thời đó, người ta đã chú giải đoạn văn này là chính Mô-sê đã cho dân ăn bánh từ trời. Vì thế Đức Giê-su phải sửa lại là không phải là Ông Mô-sê, động từ ngôi thứ ba só ít đó muốn nói là Thiên Chúa [G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 91].

[11] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII), 262.

[12] “Car le pain de Dieu, c’est celui qui descend du ciel et qui donne la vie au monde” (TOB); “For the bread of God is he who comes down from heaven and gives live to the world” (ESV); “In fatti il pane di Dio è colui che discende dal Cielo e dà la vita al mondo” (CEI)

[13] G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 91

[14] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII), 266.

[15] F.X Nguyễn Văn Thuận, Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá (Reichstett 1997) 12-13.

Bài trướcTINH THẦN PHỤC VỤ (Thứ Ba, Tuần 17 TN)
Bài tiếp theoĐức Cha Kikuchi, SVD – Tân Tổng thư ký FABC